Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

MÙA HẠ THỨ 20 (TT)

Như lai dừng bước lâu rồi
Chính người chạy đuổi miếng mồi tử sinh
AHIMSA NGƯỜI CUỒNG SÁT, GIẾT NGƯỜI LẤY NGÓN TAY
KẾT THÀNH TRÀNG CHUỖI NÊN ĐƯỢC GỌI LÀ ANGULIMĀLA.
ĐỨC PHẬT KHAI THỊ KHIẾN NGƯỜI NẦY HOÀN LƯƠNG THÀNH 1 THÁNH TĂNG


Theo một số nguồn tư liệu, vào năm thứ 20 trong sự nghiệp hoằng pháp 45 năm của Đức Thế Tôn, Ngài đã tế độ một tướng cướp khét tiếng, hung ác phi thường nhưng tài cao sức mạnh muôn người khó chống nổi, đã giết 999 người xỏ làm một tràng hoa đeo trên cổ, vì thế được gọi là Aṅgulimāla, tức là tức là kẻ đeo tràng hoa bằng long tay người.
Thật ra, Aṅgulimāla tên là Ahiṃsaka, con của Bàlamôn Bhaggava, quốc sư của vua Kosala và bà Mantānī. Ông sanh nhằm sao trộm đạo, và đêm ông sanh ra tất cả các áo giáp trong thành phố kể cả áo giáp của vua đều chiếu sáng. Bởi điềm này không gây hại cho ai nên ông được đặt tên là Ahiṃsaka[1].
Ở Takkasilā ông rất được thầy cưng chiều nhưng bị chúng bạn ganh ghét. Các bạn này xúi dục thầy hạ Aṅgulimāla. Ông bèn đòi công dạy dỗ bằng 1.000 ngón tay phải. Aṅgulimāla phải đón đường khách qua lại rừng Jālinī trong Kosala để giết lấy ngón tay của họ. Ban đầu ông xỏ xâu các ngón tay lại, treo lên cành cây. Nhưng vì kên kên và quạ đến ăn nên ông đeo trên cổ như một tràng hoa.
Hành động cướp giết của Aṅgulimāla làm dân chúng sợ phải bỏ làng lánh nạn. Vua gởi quân đến tìm bắt tên cướp mà không ai biết mặt. Mẹ ông đoán biết sự việc bèn đến cảnh báo ông. Lúc bấy giờ ông chỉ còn thiếu một lóng tay. Ông quyết giết mẹ để cho đủ số. cũng vào sáng hôm ấy, đức Thế Tôn cũng dùng Tuệ giác coi chúng sanh nào có duyên lành với Ngài trong ngày ấy. Ngài trông thấy Vô Não có duyên với Ngài. Nếu Ngài không kịp thời tế độ thìông sẽ giết mẹ vìông đã trở nên người cuồng loạn không nhận định biết mẹ cha. Khi đã phạm vào tội ngũ nghịch đại tội thì không ai cứu được.
Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, vào Savatthi để khất thực. Sau khi khất thực ở Savatthi, ăn xong, dọn dẹp sàng tọa, cầm y bát, Ngài quay trở về và đi trên con đường dẫn đến tên cướp Aṅgulimāla. Các người chăn bò, các người chăn thú, các người làm ruộng, các người bộ hành thấy Thế Tôn đang đi trên con đường dẫn đến tên cướp Aṅgulimāla, thấy vậy liền bạch Thế Tôn: "Thưa Sa-môn, chớ có đi trên con đường này. Thưa Sa-môn, trên con đường này có tên cướp Aṅgulimāla, là một thợ săn, tay vấy máu, sát hại, bạo tàn, không có lòng từ mẫn đối với chúng sanh. Vì nó, các làng trở thành không làng, các thị trấn trở thành không thị trấn, các quốc độ trở thành không quốc độ. Do nó luôn luôn giết người, nó mang một vòng hoa làm bằng ngón tay người. Thưa Sa-môn, trên đường này, có mười người, hai mươi người, ba mươi người, bốn mươi người tụ họp lại, tụ họp lại rồi cùng đi. Tuy vậy, họ vẫn rơi vào tay của tên cướp Aṅgulimāla".[2]
Nhìn thấy Đức Phật, Aṅgulimāla mừng lắm, nghĩ rằng đây là cơ hội để ông hoàn tất sứ mạng. Ông liền rảo bước thẳng tới Đức Phật, tay rút gươm ra khỏi vỏ.
Đức Phật dùng thần thông tạo những trở ngại làm cho Aṅgulimāla chạy theo không kịp, dầu cố hết sức rượt bắt. Mệt mỏi hết sức, mồ hôi nhễ nhại, ông dừng chân lại và cất tiếng gọi:
- Hãy đứng lại, Sa-môn! Hãy đứng lại, Sa-môn!
- Ta đã đứng rồi, này Aṅgulimāla! Và ngươi hãy đứng lại!
Tên sát nhân suy nghĩ: "Những Sa-môn Thích Tử này là những người nói sự thật và chấp nhận sự thật. Và Sa-môn này dẫu cho đang đi lại nói: "Ta đã đứng rồi, này Aṅgulimāla! Và ngươi hãy đứng lại". Vậy ta hãy hỏi vị Sa-môn này".
Người đi lại nói: "Ta đã đứng rồi", Ta đứng, Ngươi nói: "Sao ta không đứng?"Sa-môn, ta hỏi về ý nghĩa này, Sao Ngươi đứng lại, còn ta không đứng?Aṅgulimāla, Ta đã đứng rồi. Với mọi chúng sanh, Ta bỏ trượng, kiếm, Còn ngươi hữu tình, không tự kiềm chế, Do vậy, Ta đứng, còn Ngươi chưa đứng.Ðã lâu tôi kính, bậc Ðại Tiên Nhân, Nay Sa-môn này bước vào Ðại Lâm. Không lâu, tôi sẽ đoạn trừ ác pháp, Sau khi được nghe pháp kệ của Ngài.Nói xong tên cướp liền quăng bỏ kiếm, Quăng bỏ khí giới xuống vực thâm sâu, Tên cướp đảnh lễ dưới chân Thiện Thệ, Ngay tại chỗ ấy, xin được xuất gia.Ðức Phật từ bi, bậc Ðại Tiên Nhân, Ðạo Sư Nhân giới, cùng với Thiên giới, Ngài đã trả lời: "Thiện lai Tỷ-kheo". Uy đức Tỷ-kheo được Ngài xác chứng.[3]
Khi ông nghe lời Phật dạy cảm thấy như người vừa tỉnh lại trong cơn ác mộng, tâm ông trở nên sáng suốt và yên tĩnh nhớ lại được mọi sự việc từ khi còn trong gia đình phạm hạnh thanh cao cho tới khi đi học, và cha mẹ thường nhắc nhở cái tên Vô Não nghĩa là người không gây sự khổ não cho ai cả. Ông liền nghĩ cha mẹ ta đặt ta tên Vô Não thâm tâm hai người nhắc ta không nên làm tội ác. Hơn nữa, trong đời nầy có pháp mầu nào phải dùng tới sanh mạng con người để được kết quả cao thượng. Khi ấy ông cảm thấy ông đã đi lạc đường, con đường đi của ông là tà đạo. Ông lấy làm hổ thẹn cởi bỏ xâu chuỗi kỳ quái ấy và đao kiếm cung tên, liền đến gần Phật đảnh lễ Ngài xong xin Ngài cho phép xuất gia. Đức Phật chấp nhận bằng cách thốt ra lời: "Ehi Bhikkhu!" "Hãy đến đây Tỳ Khưu!"
Sau đó, Đức Thế Tôn cùng với Tỳ-khưu Aṅgulimāla trở về Savatthi, trú tại Jetavana. Lúc bấy giờ, đức vua Pasenadi của xứ Kosala cũng đang bận lòng về việc giải quyết tướng cướp hung dữ này, vua đã đến gặp Đức Thế Tôn, và Ngài đã hỏi:
- Thưa Ðại vương, nếu Ðại vương được thấy Aṅgulimāla cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ nói láo, ăn một ngày một bữa, sống Phạm hạnh, giữ giới, hành trì thiện pháp. Ðại vương sẽ làm gì với Aṅgulimāla?
- Bạch Thế Tôn, con sẽ đảnh lễ, hay đứng dậy, hay đưa ghế mời ngồi, hay lo liệu bốn sự cúng dường Aṅgulimāla, tức là y phục, ẩm thực, sàng tọa và dược phẩm trị bệnh, hay chúng con bảo vệ, hộ trì đúng pháp. Nhưng Bạch Thế Tôn, từ đâu một người phá giới, làm các ác pháp lại có thể trở thành giữ giới, biết chế ngự như vậy?
Lúc bấy giờ tôn giả Aṅgulimāla ngồi không xa Thế Tôn bao nhiêu. Rồi Thế Tôn duỗi cánh tay mặt và nói với vua Pasenadi:
- Thưa Ðại vương, đây là Aṅgulimāla.
Vua Pasenadi nước Kosala liền hoảng sợ, run sợ, lông tóc dựng ngược. Thế Tôn biết được vua Pasenadi nước Kosala, hoảng sợ, khiếp sợ, lông tóc dựng ngược, bèn nói với vua Pasenadi, nước Kosala:
- Chớ có sợ hãi, thưa Ðại vương! Chớ có sợ hãi, thưa Ðại vương. Ở đây, không có gì đáng sợ hãi cho Ðại vương.
Pasenadi rất đổi kinh ngạc, nhưng vui mừng, và hứa cung cấp cho ông mọi thứ cần thiết như là y phục, ẩm thực, sàng tọa, y dược trị bệnh cho tôn giả. Nhưng Tôn giả chọn hạnh đầu đà và khước từ sự cúng dường của vua.
Ngày kia, khi đi trì bình ngoài đường, ngài bị người ta dùng gậy gộc đánh đập và chọi đá vào mình, phải đi về chùa với đầu cổ đầy thương tích, máu chảy dầm dề, mình mẩy chỗ bị bầm dập, nơi bị cắt đứt. Theo lời dạy của Phật, Tôn giả kham nhẫn nhận lãnh quả báo của nghiệp ông đã tạo ra.
Ngày nọ, lúc đi bát, Tôn giả Aṅgulimāla thấy một người phụ nữ sắp lâm bồn đang gặp khó khăn, rên xiết bên đường. Động lòng bi mẫn, Ngài đem câu chuyện đau thương ấy bạch lại với Đức Phật. Đức Phật khuyên Ngài hãy quay trở lại, phát nguyện lời chân thật như sau:
“Yatohaṃ, bhagini, ariyāya jātiyā jāto, nābhijānāmi sañcicca pāṇaṃ jīvitā voropetā, tena saccena sotthi te hotu, sotthi gabbhassā’’ti.[4]
"Thưa Bà chị, vì rằng tôi từ khi được Thánh sanh đến nay chưa bao giờ cố ý giết hại mạng sống của chúng sanh, mong rằng với sự thật ấy, bà được an toàn, và sanh đẻ được an toàn!"
Ngài Aṅgulimāla học thuộc lòng bài kinh, rồi đi đến nơi, ngồi cách người phụ nữ một bức màn, đọc lại lời phát nguyện mà Đức Phật đã truyền dạy. Người mẹ đau khổ liền sanh được dễ dàng. Lời phát nguyện này được xem như một phù chú hộ trì (paritta) để xua đuổi mọi hiểm nguy và được gọi là Aṅgulimāla Paritta. Nước dùng để rửa tảng đá mà Tôn giả Aṅgulimāla ngồi trong nhà của sản phụ được xem như linh dược. Người thường rửa lấy chỗ ngồi của Tôn giả tắm cho những đứa trẻ sơ sanh, thú không sanh được lấy nước ấy cho uống sanh được liền.


[1]Vô Não, nghĩa là người không làm hại kẻ khác.
[2]Trung Bộ Kinh, Kinh Aṅgulimāla (M.I.86)
[3]Trung Bộ Kinh, Kinh Aṅgulimāla (M.I.86)
[4]M.ii.103 (kinh Aṅgulimāla)

GIAO TIẾP VỚI ĐỜI


Lời nói thật lòng cũng giống như một chén thuốc đắng làm người ta phải đắng lòng khi nghe, thậm chí có thể gọi là đau lòng nữa là khác. Trong cuộc sống, vì chúng ta thích nghe những lời nói có cánh, những lời nói khen bằng niềm tin làm chúng ta như một đứa bé bị ru ngủ, nhưng nếu nghe những lời nói thiệt lòng thì lại khó mà chấp nhận được. Đó là chuyện của những kẻ tầm thường chỉ thích nghe những lời khen giả dối.
Còn đối với Đức Phật, Ngài xuất hiện trên thế gian này "vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc vì an lạc cho loài trời và loài người"[1]. Trong suốt 45 năm truyền đạo khắp nơi khắp lưu vực sông Hằng, Ngài đã gặp gỡ, tiếp xúc và thuyết Pháp với nhiều giai cấp, nhiều tầng lớp xã hội, đủ mọi loại người từ vua quan đến kẻ thường dân, từ người quét rác đến nàng kỹ nữ; vậy mà sau khi nghe được thời thuyết Pháp của Ngài, mọi người đều có chung một cảm nhận và ca tụng Ngài "như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ đi lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc[2].
Là một vị Tu sĩ Phật giáo, không cần phải là một vị Pháp sư lỗi lạc, bất cứ vị nào cũng có trách nhiệm truyền thừa Phật Pháp và giảng dạy lại cho những người tại gia cư sĩ. Là một người đi theo con đường của Ngài, thì chúng ta phải làm theo Ngài, nói theo Ngài và nghĩ theo Ngài với chí nguyện đem Phật Pháp vào đời, phá tan màn vô minh mê tối.
Hãy đứng dậy, lên đường,
Hãy dấn thân Phật giáo,
Hãy đánh bại ma quân,
Như voi phá chòi lá.
Ai trong Pháp Luật này,
An trú không phóng dật,
Ðoạn tận vòng sống chết,
Sẽ chấm dứt khổ đau. [3]
Một cư sĩ tại gia cũng như thế, là người có niềm tin nơi Tam Bảo, chấp nhận và tình nguyện thực hành theo lời Phật dạy, người cư sĩ còn là một người truyền giáo tích cực để đem ánh sáng Phật Pháp đến gần với cuộc sống. Và chính lời nói là một phương pháp giao tiếp hữu hiệu nhất để chúng ta thực hiện nhiệm vụ này. Để giao tiếp với cuộc đời một cách hiệu quả nhất, đem đến lợi ích thiết thực nhất chúng ta cần áp dụng theo năm nguyên tắc khi nói, đó là nói "đúng thời hay phi thời, chơn thực hay không chơn thực, nhu nhuyễn hay thô bạo, có lợi ích hay không lợi ích, với từ tâm hay với sân tâm".[4]
1. Nói đúng thời hay phi thời.
Thời gian và không gian là những yếu tố quan trọng trong việc giao tiếp. Có những lời nói thể hiện ở lúc này, nơi này thì phù hợp nhưng sẽ phản tác dụng và đôi khi gây ra những sự nguy hại nếu như xuất hiện ở thời điểm khác, trong hoàn cảnh khác.  
Đức Phật luôn nói đúng thời điểm. Cùng là một mục đích, nhưng tùy vào duyên nghiệp của đối tượng, tùy vào bối cảnh và thời gian mà Đức Phật có những cách triển khai chân lý khác nhau. Đức Phật đã tùy vào tâm trạng, thời điểm của mỗi người để có những bài thuyết giảng khác nhau như việc tiếp độ nàng Paṭacārā[5], nàng Kisāgotamī[6], tướng cướp khét tiếng Aṅgulimāla[7] hoặc để thu phục dạ-xoa Āḷavaka[8] và còn rất nhiều trường hợp khác. Xem ra, khi lựa chọn thời điểm phù hợp, trong một không gian phù hợp, sẽ tạo nên những điều kiện tối ưu cho việc chuyển tải thông điệp từ người nói đến với người nghe. Đây là một trong những yếu tố rất quan trọng trong mọi mối quan hệ giao tiếp giữa người với người.
 2. Nói chơn thực hay không chơn thực.
Giao tiếp nhằm truyền đạt thông tin cho người. Với Phật giáo, tính xác thực của thông tin là điều bắt buộc trong nguyên tắc giao tiếp. "các bậc thế tôn không bao giờ nói lời hư vọng"[9]. Đó là sự khẳng định rõ ràng nguyên tắc nói đúng sự thật trong giao tiếp. Hơn thế nữa, "Thế Tôn nói gì thời làm vậy, làm gì thời nói vậy. Một vị nói gì thời làm vậy, làm gì thời nói vậy, thành tựu các pháp và tùy pháp như vậy, làm gì thời nói vậy, thành tựu các pháp và tùy pháp như vậy. Một vị đầy đủ đức tánh như vậy, chúng ta thật khó tìm thấy trong quá khứ, cũng như trong hiện tại, trừ Thế Tôn"[10].
Thông thường trong giao tiếp, vì nhiều lý do khác nhau như vì sợ hãi, vì nguy hiểm, vì danh dự, vì lợi dưỡng, vì tế nhị, vì đùa chơi… nên đôi khi người ta không nói đúng sự thật, và đây là một trong những thói quen xấu của con người nói chung. Trong một vài trường hợp đặc biệt, việc nói dối không nhằm vào bất cứ mục đích gì cả, mà chỉ vì thói quen nói dối đã trở thành thường cận, khó bỏ. Để ngăn ngừa tập khí không tốt đó, Đức Phật đã dạy cho người con trai của mình: "Cũng vậy, này Rāhula, đối với ai biết mà nói láo, không có tàm quý, thời ta nói rằng người ấy không có việc ác gì mà không làm. Do vậy, này rāhula, ta quyết không nói láo, dầu nói để mà chơi". [11]
Đức Phật đã cẩn trọng khuyến hóa: "Dầu cho vì một bình bát vàng đựng đầy phấn bạch ngân, vị này cũng không cố ý nói láo... Dầu cho vì một bình bát bạc đựng đầy phấn vàng, vị này cũng không có cố ý nói láo."[12]
Đạo Phật là đạo như thật và tôn trọng sự thật, vì sự thật chính là chân lý, việc nói đúng sự thật góp phần tạo nên một sự tin tưởng lẫn nhau ở tất cả mọi người. Và khi con người sống trong sự tin tưởng lẫn nhau, thì đó là dấu hiệu của một đời sống hạnh phúc thực sự.
Trên phương diện xuất thế, với những bậc có tâm hành vĩ đại, việc tôn trọng sự thật trong phương thức giao tiếp đã được tuân thủ một cách tuyệt đối, cho dù nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng: "Dầu ai là kẻ thù của ta. Ðối với họ, ta không có gian trá"[13]. Trên bước đường của một người học Phật, trong giao tiếp cần phải thực hiện theo phương châm: "không thấy nói không thấy, không nghe nói không nghe, không cảm giác nói không có cảm giác, không thức tri nói không có thức tri... Thấy nói có thấy, nghe nói có nghe, có cảm giác nói có cảm giác, có thức tri nói có thức tri"[14]. Đây là nguyên tắc nói đúng sự thật cần phải tuân thủ khi giao tiếp với người.
3. Nói có lợi ích hay không lợi ích.
Lợi ích ở đây chính là lợi ích cho người nghe, liên hệ đến người nghe, vì người nghe mà nói. Dù ở quá khứ, hiện tại hay vị lai, những Pháp nào liên hệ sự chân thực và lợi ích, như lai sẽ nói. "Này Cunda, nếu những gì thuộc hiện tại là hư vọng, không thật, không lợi ích, Như Lai không trả lời. Này Cunda, nếu những gì thuộc hiện tại và chơn chánh, như thật, nhưng không lợi ích, Như Lai cũng không trả lời. Này Cunda, nếu những gì thuộc hiện tại là chơn chánh, như thật, có lợi ích, Như Lai biết thời trả lời câu hỏi ấy. Như vậy, này Cunda, đối với các Pháp quá khứ, vị lai, hiện tại, Như Lai là vị nói phải thời nói chơn chánh, nói như thật, nói có lợi ích, nói đúng Pháp, nói đúng luật. Do vậy mới gọi là Như Lai".[15] Có thể xem tôn chỉ vì lợi ích người nghe mà nói là một dấu hiệu đặc thù trong ngôn ngữ giao tiếp của Phật giáo.
Ở đây, trong giao tiếp thường tình, đôi khi người ta muốn nói cho sướng miệng, nói cho vơi đi sự bực bội trong lòng, nói với sự huênh hoang khoác lác, nói nhằm thỏa mãn tự ngã cá nhân… mà không chú ý đến thái độ của người nghe và những người không muốn nghe. Điều này ta có thể bắt gặp trong giao tế đời thường, trong những cuộc vui gặp mặt, trong những buổi diễn thuyết và thậm chí ngay cả trong những giảng đường, lớp học. Cần phải thấy rằng, một khi nội dung buổi nói chuyện không liên hệ đến lợi ích của thính chúng thì sẽ tạo nên một sự uể oải, rã rời cho cả người nói lẫn người nghe. Xét trên phương diện hiệu quả, đó là những kiểu nói không liên hệ đến lợi ích của người nghe.
 4. Nói nhu nhuyễn hay thô bạo.
Cùng biểu đạt một sự kiện, con người có thể vận dụng nhiều cách thức truyền đạt khác nhau. Có những cách nói dễ dàng đi vào lòng người nhưng đồng thời cũng có những cách nói làm cho người nghe bực bội, khó chịu. Một người khéo léo trong giao tiếp theo quy chuẩn Phật giáo thì trong ngôn hành, "vị ấy từ bỏ nói lời độc ác, tránh xa nói lời độc ác, vị ấy nói những lời nhẹ nhàng, thuận tại, dễ thương, thông cảm đến tâm, tao nhã, đẹp lòng nhiều người, vui lòng nhiều người, vị ấy nói những lời như vậy. Vị ấy từ bỏ nói phù phiếm, tránh xa nói lời phù phiếm, nói đúng thời, nói những lời chân thật, nói những lời có ý nghĩa, nói những lời về chánh Pháp, nói những lời về luật, nói những lời đáng được gìn giữ, những lời hợp thời, thuận lý, có mạch lạc, hệ thống, có ích lợi"[16]. Trong bốn phương Pháp nhiếp phục nhân tâm[17], thu phục lòng người thì lời nói nhẹ nhàng, dễ nghe, nhu nhuyến, ái ngữ đóng một vai trò quan trọng. Ngay như các con vật nuôi trong nhà, ở một chừng mực nào đó cũng cảm nhận được những lời nói nhẹ nhàng, dễ nghe. Khi nói lời dễ nghe, nội dung thông tin được chuyển đến người nghe gần như trọn vẹn.
Trong liên hệ đời sống, với những va chạm từ nhiều phía, mà vẫn giữ được phong vị từ hòa trong ngôn ngữ, là dấu hiệu chứng tỏ cho một sự vững chãi, trưởng thành của một con người. Điều này, không phải ai cũng thực hiện được, thậm chí ngay cả người xuất gia. Cho nên kinh văn đã khẳng định: "khi nào tỳ kheo bị những lời nói bất khả ý, xúc phạm mà vị ấy vẫn hết sức hiền lành, hết sức nhu thuận, hết sức ôn hòa, khi ấy vị ấy mới được xem là hiền lành, mới được xem là nhu thuận, mới được xem là ôn hòa"[18]. Sự khẳng định đó một lần nữa cho thấy rằng, cần phải giám sát ngôn hành thật kỹ lưỡng trong mọi liên hệ va chạm với thực tế đời sống, mới có thể thực hiện được trọn vẹn hạnh nói lời nhu hòa.
5. Nói với từ tâm hay với sân tâm.
Nền tảng của đạo Phật được xây dựng trên hai nền tảng, đó là trí tuệ và tâm từ. Tất cả mọi Pháp hành của Phật giáo về cơ bản đều quy hướng về hai nền tảng này. Ở đây, tâm từ là tình thương yêu không hạn lượng và giao tiếp với tâm từ mẫn là sự biểu hiện sinh động cho lòng từ.
Trên phương diện tự thân, lời nói có một sức mạnh nội tại, gắn kết với tâm lực và toan tính của người nói. Lời tuyên bố hùng hồn của nhà luận chiến Nigaṇṭhaputta Saccaka được ghi lại trong Kinh Trung Bộ không hẳn là lời khoác lác, nói đùa: "Ta không thấy một Sa-môn hay một Bà-la-môn nào, là vị hội chủ, là vị giáo trưởng, vị sư trưởng giáo hội, dầu tự cho là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, khi đối thoại với ta, không ai là không run sợ, không hoảng sợ, không khiếp sợ, không ai là không toát mồ hôi nách. Dầu ta có đối thoại với một cột trụ vô tình, cột trụ ấy khi đối thoại với ta cũng run sợ, cũng hoảng sợ, cũng khiếp sợ, huống nữa là một người thường"[19]. Tuy nhiên, khi diện kiến Đức Phật, với ngôn ngữ từ hòa và cách thức trình bày khéo léo, Đức Phật đã thuận thứ thuyết giảng, khiến cho Nigaṇṭhaputta Saccaka quy phục và dâng lời sám hối: "" 
Hình ảnh một người dù bị kẻ đạo tặc dùng cưa cưa tay, chân nhưng vẫn không thốt lên một lời ác ngữ và vẫn giữ được nội tâm bình ổn, từ hòa là điều được Đức Phật tán thán trong Kinh Ví Dụ Cái Cưa. Có thể đó chỉ là ẩn dụ lý tưởng, về sự kham nhẫn và giám sát ngôn hành của bậc thánh, nhưng qua đó có thể thấy được, nói với từ tâm là phương Pháp giao tiếp cần được vận dụng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Giao tiếp là nhu cầu căn bản của con người, nhằm duy trì hoạt động sống ở nghĩa rộng nhất, được thể hiện qua sự trao đổi thông tin giữa người với người. Giao tiếp không chỉ giới hạn trong lời nói, ngôn ngữ, chữ viết, mà còn thể hiện dưới những dạng thức khác nhau như ánh mắt, hình ảnh, âm thanh… bởi thế, trong khi giao tiếp với cuộc đời, phải cẩn thận, phải biết suy nghĩ trước khi giao tiếp để đem đến niềm an lạc cho chính mình và cho những người nghe cả thảy.
Đừng vì một phút bốc đồng "giận quá mất khôn" mà mình phát ngôn ra những lời nói khó nghe. Ngôn ngữ nói xuất phát từ nghiệp khẩu, là một trong ba nơi tạo nghiệp. Nghiệp xấu hay nghiệp tốt đều do chính chúng ta tạo ra và hưởng lấy.
Phàm con người đã sanh,
Sanh với búa trong miệng,
Kẻ ngu khi nói bậy,
Tự chặt đứt lấy thân.
Ai khen kẻ làm bậy,
Ai chê người làm hay,
Tự nhen nhúm bất hạnh,
Do chính miệng của mình;
Chính do bất hạnh ấy,
Nên không được an lạc.[21]
Nói tóm lại, cuộc đời là một bài học lớn, một ngôi trường mà chúng ta học mãi cũng khó mà tốt nghiệp được. Chính trong ngôi trường này, chúng ta sẽ phải tiếp xúc, ngoại giao, đụng chạm, xúc chạm với rất nhiều bài học. Tự mình phải giải quyết bài học để tự mình khắc phục, gom góp được kinh nghiệm hữu ích trong khi mình giao tiếp với cuộc đời. Khôn ngoan không phải là mình đã được học vị như thế nào, mình có tiền cao ngất ra sao mà mình phải thấu hiểu lời mình nói và đặc biệt nữa là mình phải biết chấp nhận những lời nói "không có cánh"...




[1]Trường Bộ Kinh 2. Kinh Đại Điền-Tôn.
[2]Trung Bộ Kinh 2. Kinh Vương Tử Vô Úy.
[3]Tương Ưng Bộ Kinh 1. Tương Ưng Phạm Thiên. Phẩm Thứ Hai. Kinh Aruṇavatī.
[4]Trung Bộ Kinh 1. Kinh Ví Dụ Cái Cưa.
[5]Dhammapada-Aṭṭhakathā 113.
[6]Dhammapada-Aṭṭhakathā 114.
[7]Trung Bộ Kinh 2, Kinh Aṅgulimāla.
[8]Tương Ưng Bộ kinh 1, Chương 10 – Tương Ưng Dạ Xoa, Kinh Āḷava.
[9]Trường Bộ Kinh 1. Kinh Đại Bát Níp-Bàn.
[10]Trường Bộ Kinh 2. Kinh Đại Điển Tôn.
[11]Trung Bộ Kinh 2. Kinh Giáo Giới Rāhula Ở Rừng Ambalaṭṭhikā.
[12]Tương Ưng Bộ Kinh 2. Tương Ưng Lợi Đắc Cung Kính. Phẩm Thứ Hai. Kinh Bình Bát.
[13]Tương Ưng Bộ Kinh 1. Tương Ưng Sakka. Phẩm Thứ Nhất. Kinh Không Gian Trá.
[14]Tăng Chi Bộ Kinh 2. Chương Bốn Pháp. Phẩm Sợ Hãi Phạm Tội. Kinh Cách Thức Nói.
[15]Trường Bộ Kinh 2. Kinh Thanh Tịnh.
[16]Trung Bộ Kinh 1. Tiểu Kinh Ví Dụ Dấu Chân Voi.
[17]Tăng Chi Bộ Kinh 2, Chương Bốn Pháp, Phẩm Thắng Trí, Kinh Nhiếp Pháp.
[18]Trung Bộ Kinh 1. Kinh Ví Dụ Cái Cưa.
[19]Trung Bộ Kinh 1. Tiểu Kinh Saccaka.
[20]Trung Bộ Kinh 1. Tiểu Kinh Saccaka.
[21]Tương Ưng Bộ Kinh 1. Tương Ưng Phạm Thiên. Phẩm Thứ Nhất. Kinh Turūbrahma.

Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

MÙA HẠ THỨ 20

Đại đức Ānanda tận tụy làm thị giả trong suốt
25 năm cuối cùng của Đức Phật

Đức Phật cùng chư Đại đức Tỳ khưu Tăng an cư nhập hạ tại ngôi chùa Veluvana, gần kinh thành Rājagaha. Vào mùa an cư này, Tôn giả Ānanda chính thức trở thành vị thị giả hầu cận bên cạnh Đức Thế Tôn trong 25 năm về sau.
Từ hạ đầu tiên đến đầu hạ thứ hai mươi, Đức Phật chưa có một vị Tỳ khưu nào làm thị giả thường trực[1] để lo chăm sóc phục vụ Ngài; khi thì vị Tỳ khưu này, khi thì vị Tỳ khưu khác thay nhau làm phận sự phục vụ Đức Phật; chưa có một Tỳ khưu nào gọi là thị giả thường trực ngày đêm lo chăm sóc Đức Phật; cho nên, đôi khi Đức Phật ngự đi khất thực một đường, vị Tỳ khưu ôm bát theo Đức Phật lại muốn đi con đường khác, nên để bát của Đức Phật xuống đất rồi đi theo ý của mình, hoặc đôi khi có vị Tỳ khưu đang phục vụ Đức Phật, thì xin đi hành đạo một nơi khác, chỉ còn lại một mình Đức Phật, không có vị Tỳ khưu nào lo chăm sóc phục vụ cho Ngài.
Trong mùa hạ này, một hôm, Đức Phật đang ngự tại Gandhakuṭi, khi ấy chư Đại đức Tỳ khưu Tăng đến tụ hội xung quanh nơi Đức Phật, Ngài truyền dạy rằng:
- Này các Tỳ kheo, nay Ta đã già, và khi Ta bảo chúng ta hãy đi đường này, vài người trong Tăng chúng lại đi đường khác, có người làm rơi bình bát và y của ta xuống đường. Vậy hãy chọn một Tỳ kheo luôn luôn hầu cận ta.[2]
Khi lắng nghe Đức Phật truyền dạy như vậy, Đại đức Sāriputta đảnh lễ Đức Thế Tôn chắp hai tay bạch rằng:
- Kính bạch Đức Thế Tôn, con xin được làm thị giả thường trực hằng ngày, hằng đêm lo chăm sóc phục vụ Đức Thế Tôn.
Đức Thế Tôn không chấp thuận theo lời xin của Đại đức Sāriputta.
Tiếp đến Đại đức Māhāmoggallāna bạch xin, Đức Thế Tôn cũng không chấp thuận. Theo tuần tự các chư Đại Thanh Văn đều xin, Đức Thế Tôn cũng không chấp thuận một vị nào cả. Duy chỉ còn Đại đức Ānanda đang ngồi im lặng. Chư Đại đức Tỳ khưu động viên khuyến khích Đại đức Ānanda bạch xin làm thị giả thường trực hằng ngày đêm lo chăm sóc phục vụ Đức Thế Tôn.
Khi ấy, Đại đức Ānanda đảnh lễ Đức Thế Tôn chắp hai tay bạch rằng:
- Kính bạch Đức Thế Tôn, con xin Ngài tám đặc ân, nếu Ngài ban cho con đủ tám đặc ân ấy, thì con sẽ xin làm thị giả thường trực ngày đêm lo chăm sóc phục vụ Ngài. đức Thế Tôn sẽ không ban cho con chiếc y mà chính Ngài đã nhận, Ngài sẽ không ban cho con đồ ăn khất thực của Ngài, Ngài sẽ không cho phép con ở cùng trong Hương phòng, Ngài sẽ không muốn cho con cùng Ngài đi đến nơi Ngài được mời. Nhưng đức Thế Tôn sẽ đi với con đến nơi mà ta được mời, con sẽ được phép giới thiệu hội chúng vào lúc hội chúng từ các vùng xa xôi hay các nước ngoài đến yết kiến đức Thế Tôn, con sẽ được gặp đức Thế Tôn khi có nghi vấn khởi lên, hoặc bất cứ khi nào đức Thế Tôn thuyết Pháp mà con vắng mặt thì ngài sẽ thuyết Pháp lại cho ta ngay lúc trở về. Kính bạch Đức Thế Tôn, con xin Ngài tám đặc ân này, nếu Ngài ban cho con đủ tám đặc ân ấy, thì con sẽ xin làm thị giả thường trực ngày đêm lo chăm sóc phục vụ Ngài.
Đức Phật truyền hỏi rằng:
- Này Ānanda, con xét thấy bất lợi như thế nào, mà con xin bốn đặc ân khước từ như vậy?
- Kính bạch Đức Thế Tôn, con muốn tránh những lời gièm pha của người khác cho rằng: Con xin làm thị giả thường trực của Đức Thế Tôn để mong được y tốt, vật thực ngon lành, ở chung với Đức Thế Tôn, được đi theo Đức Thế Tôn đến nhà thí chủ thỉnh mời Ngài.
Đức Thế Tôn chấp thuận theo bốn đặc ân khước từ ấy của Đại đức Ānanda. Đức Phật truyền hỏi rằng:
- Này Ānanda, con xét thấy những điều lợi ích như thế nào, mà con xin bốn đặc ân khẩn khoản như vậy?
- Kính bạch Đức Thế Tôn,
Đặc ân thứ nhất: Những người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo đến hầu thỉnh Đức Thế Tôn, mà không gặp được Ngài, con có thể thay mặt nhận lời thỉnh mời của họ. Nếu Đức Thế Tôn không ngự đi đến nơi đó, thì họ sẽ nghĩ rằng: “Con là người thị giả thường trực của Đức Thế Tôn, vậy mà họ chỉ nhờ việc thỉnh mời Đức Thế Tôn cũng không giúp được”.
Đặc ân thứ nhì: Những người từ các phương xa đến hầu Đức Thế Tôn, nếu họ không có cơ hội hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn để nghe pháp, thì họ sẽ nghĩ rằng: "Chúng ta từ phương xa đến, có ý nguyện hầu Đức Thế Tôn, nghe Ngài thuyết pháp; nhưng vị Tỳ khưu thị giả của Đức Thế Tôn cũng không giúp cho chúng ta được có cơ hội ấy”. Như vậy, họ sẽ giảm đức tin nơi Tam Bảo.
Đặc ân thứ ba: Khi con nghe pháp của Đức Thế Tôn, có pháp nào chưa hiểu rõ, con xin hỏi lại pháp ấy, Đức Thế Tôn giảng giải cho con được hiểu rõ, thì con được thuận lợi cho việc tiến hành thiền tuệ của con.
Đặc ân thứ tư: Có người hỏi con rằng: “Bài kinh này, pháp này, tiền thân này... Đức Thế Tôn giảng nơi nào, có ý nghĩa như thế nào?”
Nếu con trả lời với họ “Tôi không biết”, thì họ sẽ nghĩ rằng: “Đại đức Ānanda là thị giả của Đức Thế Tôn, vậy mà bài kinh ấy, pháp ấy, tiền thân ấy... cũng không biết”. Do đó, con cần phải biết những bài kinh ấy, những pháp ấy, những tiền thân ấy... để trả lời cho họ hiểu rõ.
Sau khi nghe Đại đức Ānanda giải thích ý nghĩa của mỗi đặc ân, Đức Phật chấp thuận đủ tám đặc ân của Đại đức Ānanda. Từ hôm ấy, Đại đức Ānanda hầu hạ Thế Tôn, đem nước, đem tăm xỉa răng, rửa chân, đi theo Thế Tôn, quét phòng cho Thế Tôn. Ban ngày, Đại đức Ānanda ở một bên đức Phật, nhắc nhở những điều cần làm; ban đêm cầm đèn và gậy. Đại đức Ānanda đi xung quanh phòng đức Phật sẵn sàng đáp ứng nếu Thế Tôn có gọi. Thế Tôn tại Jetavana, xác chứng Đại đức Ānanda là vị Tỷ-kheo đệ nhất về năm phương diện: Ða văn, tâm tư cảnh giác, sức mạnh đi bộ, lòng kiên trì và sự hầu hạ chu đáo[3]. 
Trong các vị đệ tử Tỷ-kheo của Ta, được nghe nhiều, này các Tỷ-kheo, tối thắng là Ānanda.
Trong các vị đệ tử Tỷ-kheo của Ta, đầy đủ ức niệm, này các Tỷ-kheo, tối thắng là Ānanda
Trong các vị đệ tử Tỷ-kheo của Ta, đầy đủ cử chỉ tốt đẹp, này các Tỷ-kheo, tối thắng là Ānanda.
Trong các vị đệ tử Tỷ-kheo của Ta, đầy đủ sự kiên trì, này các Tỷ-kheo,  tối thắng là Ānanda.
Trong các vị đệ tử Tỷ-kheo của Ta, thị giả, này các Tỷ-kheo, tối thắng là Ānanda.[4]
Sở dĩ, Đại đức Ānanda được địa vị thị giả thường trực của Đức Phật Gotama, là vì tiền kiếp của Ngài đã từng phát nguyện muốn trở thành một thị giả thường trực của Đức Phật; lời phát nguyện ấy được Đức Phật Padumuttara, trong thời quá khứ đã thọ ký và Ngài cũng đã tạo ba-la-mật suốt 100 ngàn đại kiếp trái đất.
Vào thời quá khứ, khi Giáo pháp của đức Phật Padumuttara được thuyết giảng, Tôn giả Ānanda là Vương tử của Vua Ānanda ở Haṃvasatī, và là anh em khác mẹ với Phật Padumuttara. Tên ngài là Sumana. Vua Ānanda không cho ai ngoài ông phục dịch Phật. Cho đến lúc thái tử Sumana dẹp tan quân phiếm loạn ngoài biên cương và đòi phần thưởng của mình là được phục dịch Phật và chư tỳ-kheo, vua mới đành lòng đồng ý nếu được Phật chấp thuận. Lúc đến tịnh thất để bạch xin Phật, Sumana rất khâm phục sự trung tín và nhiệt tâm của vị thị giả, cũng như thần thông của vị này. Nghe Phật thuyết đó là kết quả của thiện hành, Sumana quyết định sống đời phạm hạnh. Sumana còn mua một ngôi vườn Sobhana của gia chủ Sobhana và xây một tự viện giá đến 1000 đồng vàng để Phật an trú.  Dọc đường từ kinh thành đến Vườn Sobhana, ông cho xây nhiều tịnh xá, mỗi tịnh xá ở mỗi dặm. Trong lễ cúng dường tự viện Sobhana, Sumana nguyện sẽ được là thị giả của vị Phật tương lai, như tỳ-kheo thị giả Sumana của Phật Padumuttara hiện tiền. Theo Apadāna[5], ngài được làm Thiên chủ 34 lần, làm vị tướng quân thống lãnh quân đội ở cõi trần 108 kiếp và làm vua chuyển luân vương 58 lần.



[1] Các vị Tỳ khưu đã từng làm thị giả bên cạnh Đức Phật như Tỳ khưu Nāgasamāla, Tỳ khưu Nāgita, Tỳ khưu Upavāṇa, Tỳ khưu Sunakkhatta, Tỳ khưu Cunda, Tỳ khưu Sāgata, Tỳ khưu Meghiya...
[2]Chuyện tiền thân số 456 (Ja.456)
[3]Trưởng Lão Tăng Kệ (Thera.91)
[4]Tăng Chi Bộ Kinh, Chương Một Pháp, Phẩm Người Tối Thắng (A.i.24)
[5] Thánh Nhân Ký Sự, Ký Sự Về Trưởng Lão Ānanda (Ap.1.52)

Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

“ANH VỀ MÀ XEM......., MẸ ANH PHIỀN THẬT..!”




- Anh về ngay đi, em hết chịu nổi rồi, mẹ anh phiền thật.
- Uhm, mẹ anh phiền thật, bây giờ anh đang có cuộc họp quan trọng, tối về anh sẽ giải quyết nha em.

Tiếng đầu dây bên kia dập máy nghe có vẻ rất tức tối, anh buông thõng người ra sau ghế, ở bên kia cô nhìn ra phía cửa như đang cố nuốt trôi một cái gì đó vào mình.
- Anh nhìn đi, đó, đây này, hôm nay em sắp, ngày mai em xếp, cứ một người dọn, một người lại bày ra như vậy, ai mà chịu nổi. Em sắp điên rồi đây. Cô vò đầu trong 1 trạng thái vô cùng tức giận, anh lại gần cô, lấy tay xoa xoa 2 bờ vai gầy gầy, cô hất chúng ra.
- Em vào đây – Anh nhẹ nhàng nắm lấy tay cô kéo vào phòng, khép hờ cửa, anh lấy xuống 1 chiếc hộp được đặt trên nóc tủ, lấy tay phủi nhẹ, anh nhìn cô mỉm cười.
- Mẹ phiền thật, ngày mai mình đưa mẹ đến viện dưỡng lão em nhé, còn bây giờ để anh cho em biết mẹ chúng ta phiền đến mức nào.
Anh mở chiếc hộp ra, bên trong là 1 xấp hình, anh lấy ra 1 tấm đã cũ, nhưng chẳng hề dính tí bụi nào, cô tò mò nhìn vào tấm ảnh.
- Em thấy không, đây là tấm hình mà Dì anh đã chụp lúc anh sinh ra, Dì kể vì mẹ yếu nên sinh lâu lắm, mà sinh lâu chắc là đau lâu em nhỉ, mà mẹ phiền thật, cứ la hét ầm ĩ cả lên, ai mà chẳng sinh. Dì còn nói, mẹ yếu lắm, nếu cứ cố sinh thì sẽ nguy hiểm cho người mẹ, bác sĩ đã nói như vậy rồi vậy mà mẹ vẫn cố cãi ” Không, con tôi phải ra đời, tôi phải sinh”, mẹ anh phiền thật đó.
Cô nhìn tấm hình, bàn tay cô nhẹ bỗng, rồi cô nhìn anh, trong mắt anh chứa 1 điều gì đó rất lạ. Anh cẩn thận bỏ tấm hình đó qua 1 bên, lấy 1 tấm khác cho cô xem.
- Em nhìn nè, đây là bức ảnh chụp lần đầu tiên anh bú mẹ, anh chẳng thấy ai phiền như mẹ cả. Bà nội, bà ngoại nói cả rồi, mẹ yếu, không đủ sữa để cho anh, uống sữa bình đi, ở đó mà dưỡng sức, nhưng 1, 2 cứ khư khư giữ anh vào lòng ” Không, con con nhẹ cân, phải bú sữa mẹ mới tốt”. Ai nói gì cũng cãi em nhỉ, nếu không anh được uống sữa bình rồi, sữa bình phải ngon hơn chứ, mẹ anh phiền thật.
Bàn tay cô run run, cô thấy ánh mắt của người mẹ trong bức ảnh ánh lên vẻ rất hạnh phúc, 2 bàn tay cô ta cứ giữ chặt đứa bé. Cô nhìn anh không nói gì cả.
- Còn nữa đây này – Anh lại lôi ra 1 tấm khác nhìn vào đó.
- Em thấy mẹ anh phiền ghê chưa, con nít hơn 1 năm ai chẳng chập chững biết đi, mẹ cứ làm như chỉ có con mẹ mới làm được điều đó không bằng. Ba kể mẹ cứ gặp ai là cũng hí hởn khoe ” Thằng cu Tin nhà tôi đi được rồi, nó biết đi rồi đó “. Bộ mẹ không thấy phiền hay sao em nhỉ? – Bờ môi cô như muốn nói một cái gì đó nhưng cổ họng thì ứ nghẹn lại, bức ảnh đứa trẻ con chập chững đi về phía mẹ trong tấm hình, cô nhìn mãi.Ba còn kể, từ ngày anh bắt đầu bi bô tập nói rồi gọi được tiếng mẹ là nguyên những ngày sau là một chuỗi điệp khúc ” Cu Tin gọi mẹ đi, gọi mẹ đi cu Tin”, mẹ phiền quá đi mẹ à, anh mỉm cười xoa nhẹ vào bức ảnh, mắt anh đang long lanh thì phải.
- Đây nữa, đây nữa này – Anh lôi ra nguyên 1 xấp, nhiều lắm, rất nhiều ảnh- Em thấy mẹ anh phiền ghê chưa, chụp làm gì mà lắm ảnh vậy không biết, lần đầu tiên anh vào mẫu giáo, có phiếu bé ngoan, rồi tiểu học, trung học, nhận bằng khen, em coi đi, đủ trò trên đời, coi hình của anh có mà đến tết mới xong, anh phì cười, ” mẹ anh phiền nhỉ “?
Cô nhìn anh, anh không cười nữa, anh cầm 1 tấm hình lên nhìn vào đó rất lâu, cô thấy nó, 1 tấm hình rất đạp, anh rất đẹp trong bộ áo tốt nghiệp cử nhân, anh lúc đó trông điển trai quá, cao ráo, nhưng…

- Em có thấy không? Tóc mẹ anh đó, rối em nhỉ ? Còn áo quần nữa này, cũ mèm…- Cô nghe thấy giọng anh trở nên khác đi, không đều đều như lúc ban đầu nữa, đứt quãng. Cô nắm lấy tay anh.
- Năm 15 tuổi, ba bỏ mẹ con anh lại, rồi lúc đó, mọi thứ trong nhà trở nên không có điểm tựa, anh đi học, mẹ bắt anh phải học…Em không biết đâu, anh xin nghỉ nhưng mẹ không cho, phiền như vậy chứ. Mẹ cứ sáng sớm đi phụ quán cơm cho người ta, trưa ăn 1 chén cơm thừa trong quán để dư tiền cho anh học thêm ngoại ngữ, rồi chiều đến chạy đi giặt đồ cho những bà mẹ không phiền khác, để họ đi mua sắm, cà phê, giải trí…- Giọng anh lạc hẳn – Còn nữa em ạ, tối đến mẹ lại tiếp tục đi làm lao công đường phố, sáng sớm mới về chợp mắt được 1 tí thôi, vậy đó…Em thấy mẹ anh khỏe không?
” Tách”, 1 giọt nước rơi xuống trên tấm hình, mắt cô cũng nhòe đi, khác thật, 1 bà mẹ trẻ với gương mặt xinh đẹp lúc đứa con mới bi bô tập nói, và cũng với gương mặt phúc hậu đó nhưng giờ làn da đã nhăn đi, khuôn mặt gầy hẳn khi đứng cạnh cậu con trai lúc chuẩn bị ra trường.
- Anh à – Bàn tay cô nắm lấy bàn tay run run của anh.
- Em có thấy tay mẹ rất yếu không, anh chẳng bao giờ kể em nghe nhỉ. Khi 5 tuổi, anh đùa nghịch chạy nhảy lung tung, lúc đuổi bắt cùng cô nhóc hàng xóm anh đã trượt chân ngã từ cầu thang xuống. Lúc đó, anh chẳng thấy đau một chút nào cả, chỉ nghe một tiếng kêu rất thân quen, em có đoán được không, anh đang nằm trên 1 thân thể rất quen…mẹ anh đó. – Cô sững người lại, nước mắt cô trào ra, rơi xuống ướt đẫm tay anh.
- Em à, mẹ anh phiền vậy đó, phiền từ khi anh chuẩn bị lọt lòng cho đến khi anh gần đón đứa con đầu tiên của mình, chưa hết đâu, mẹ sẽ còn phiền cả đời em ạ, bây giờ lớn rồi mẹ vẫn cứ lẽo đẽo theo anh dặn đủ thứ em không thấy sao, cơm phải ăn 3 chén, đi xe phải chậm thôi, đừng có mà thức khuya quá. Mẹ anh phiền thật, ngày mai mình đưa mẹ đến viện dưỡng lão em nhé.
” Anh “, cô ôm chặt lấy anh, cô òa khóc nức nở, ” em xin lỗi “, anh ôm lấy cô vỗ về, vỗ về như ngày xưa anh vẫn thường được làm như vậy.
” Choang “- Anh và cô chạy nhanh xuống bếp.
- Mẹ xin lỗi, mẹ nghe con thèm chè hạt sen nên mẹ đi nấu, nhưng…Giọng mẹ run run không dám nhìn về phía trước, cúi người nhặt những mảnh vỡ vừa rơi.
- Mẹ à – Cô chạy đến nắm lấy bàn tay xương xương của mẹ – Từ nay mẹ đừng phiền nữa nhé, để con phiền mẹ cho – Cô ôm chặt mẹ, nước mắt thấm đẫm vai áo mẹ, mẹ nhìn anh, anh nhìn cô trong lòng của mẹ.
” Mẹ đã không sinh lầm con và con cũng đã không chọn nhầm dâu cho mẹ, phải không ạ?”

(sưu tầm)


Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

MÙA HẠ THỨ 18 – 19



Đức Thế Tôn ngự đi thuyết pháp tế độ chúng sinh có duyên lành nên tế độ khắp mọi nơi. Khi gần đến mùa mưa, Đức Phật ngự đến ngôi chùa trên núi Cāliya gần xóm nhà Jantu trong xứ Cāliya an cư nhập hạ suốt 3 tháng trong mùa mưa.
Ngài trở lại Ālavī một lần nữa để tế độ người con gái của ông thợ dệt.  Nàng có nghe Phật thuyết ba năm trước đây về ước vọng thiền về cái chết.  Bấy giờ chỉ có mình nàng lưu tâm đến lời khuyên nhủ của Phật, nên khi biết nàng hấp hối, Phật đi 30 lý đến để thuyết kinh cho nàng nghe và an trú nàng trong quả Dự lưu[1]. Câu chuyện được thuật lại như sau:
Một lần nọ, Đức Thế Tôn du hành đến xứ Ālavī, thị dân Ālavī đã cúng dường đến chư Tăng có Đức Phật là vị Thượng thủ. Khi thọ thực xong, Đức Thế Tôn đã tùy hỷ phước với pháp thoại rằng:
- Này các cận sự! Các ngươi nên tu tập về tùy niệm sự chết như vầy: “Đời sống của ta không tồn tại, sự chết chắc chắn sẽ đến với ta. Ta chắc chắn phải chết, đời sống sự chết của ta có sự chết là lẽ thường hằng”. Người không tu tập niệm sự chết, khi lâm chung thường thường giật mình kinh sợ, than khóc kinh hoàng, ví như người trông thấy rắn độc sẽ kinh hoàng lên như thế. Còn người tu tập niệm sự chết, người ấy không có sự giật mình kinh sợ, hay hoảng hốt trong lúc lâm chung, ví như người trông thấy rắn độc từ xa, dùng cây đuổi nó đi xa như vậy. Do vậy, các ngươi hãy chuyên niệm về sự chết đi.
Những người nghe pháp ấy, sau khi nghe Bậc Đạo Sư thuyết giảng pháp thoại xong, chỉ tầm cầu trong phận sự của mình mà thôi.
Riêng nàng con gái người thợ dệt vừa tròn 16 tuổi, có sự suy nghĩ rằng: “Lời dạy của Đức Thế Tôn thật là thù diệu, ta nên là người tu tập niệm sự chết vậy.”
Thế rồi, nàng hằng chuyên tu về đề mục niệm sự chết cả ngày lẫn đêm. Riêng về Đức Thế Tôn sau khi thuyết giảng pháp thoại, Ngài tuần tự du hành về kinh thành Sāvatthī, đến Tịnh Xá Jetavana. Suốt cả ba năm dài, nàng tín nữ ấy luôn tu tập về niệm sự chết. Một hôm, Đức Thế Tôn dùng Phật nhãn quán xét thế gian, Ngài nhìn thấy hình ảnh của nàng con gái người thợ dệt trong Giác võng của Ngài. Ngài suy xét rằng “Đây là nhân thế nào nhỉ”.
Ngài thấu hiểu rằng: “Nàng thiếu nữ này, từ khi nghe Pháp của Như Lai, tinh cần tu tập niệm về sự chết đã trọn ba năm. Như Lai sẽ ngự đến đó, nàng đi đến nghe Pháp, Như Lai sẽ hỏi nàng bốn câu hỏi, nàng sẽ trả lời đúng theo ý Như Lai, Như Lai ban cho nàng tiếng Sādhu sau mỗi câu trả lời. Nhân đó, Như Lai sẽ thuyết pháp thoại, khi dứt kệ ngôn nàng Chức Nữ ấy đã chứng đạt Dự Lưu Quả. Và nương nhờ nàng, đại chúng sẽ nhận được nhiều Lợi ích.”
Sau khi quán xét rõ ràng rồi, Đức Thế Tôn cùng chư Tỳ Khưu khởi hành đi từ Jetavana đến xứ Ālavī. Sau khi tuần tự du hành đến xứ Ālavī, Ngài cùng chư Tăng vào ngụ tại Tịnh xá Aggālava.
Thị dân trong xứ Ālavī biết Bậc Đạo Sư ngự đến, liền đi đến Tịnh Xá cung thỉnh Ngài và Tăng chúng thọ thực nơi Tịnh Xá ấy, cả nàng Chức Nữ cũng biết Bậc Đạo Sư ngự đến, nàng có tâm hoan hỷ rằng: “Bậc Đạo Sư đã ngự đến nơi này rồi, Ngài là bậc Vô Thượng Pháp Vương, là bậc Tối Thượng Nhân, là bậc Thầy của Chư Thiên và nhân loại. Ngài có gương mặt sáng rực như trăng rằm, đã ngự đến Ālavī. Ta đã được diễm phúc chiêm ngưỡng kim thân Ngài, có màu da vàng rồng tinh anh cao thượng cách đây ba năm. Giờ đây, ta lại được duyên may chiêm ngưỡng kim thân Ngài cùng với sự được nghe lời giáo giới của Ngài. Pháp thoại có hương vị thật thù thắng.”
Vào sáng hôm sau, khi cha nàng đi đến hàng dệt, dặn bảo nàng:
- Này con! Tấn vải sātaka của người mướn ta dệt, ta đang dệt còn khoảng một gang tay nữa thì xong, ta phải dệt cho xong tấn vải ấy trong ngày hôm nay. Vậy con hãy cuộn tơ đi, khi xong rồi mang đến hàng dệt cho cha.
Nàng nghe cha bảo như thế, suy nghĩ rằng:
- Ta đang muốn nghe Pháp nơi Đức Đạo Sư, nhưng cha ta lại dặn phải cuộn tơ như thế. Ta phải làm sao đây nhỉ? Nghe Pháp của Bậc Đạo Sư hay là cuộc tơ cho cha ta?
Nàng lo lắng, rồi suy tư: “Nếu ta không lo cuộn tơ cho cha, người sẽ đánh ta. Thôi ta hãy gắng cuộn tơ cho mau chóng, rồi đi đến nghe Pháp sau.”
Nàng ngồi cuộn tơ, rồi mang cuộn tơ đặt vào giỏ đi đến hàng dệt của cha.
Bây giờ, cả thị dân trong thành Ālavī đều đến Tịnh xá cúng dường Đức Thế Tôn cùng Tăng chúng, rồi ngồi yên lặng chung quanh để chuẩn bị nghe Pháp thoại của Đức Thế Tôn. Bậc Đạo Sư im lặng, Ngài suy nghĩ rằng:
- Ta vì nàng tín nữ này mà đến đây, du hành trọn quảng đường 30 do1 tuần. Hiện nay nàng Chức nữ chưa có mặt, khi nào nàng ấy đến, khi ấy Như Lai mới giảng pháp tùy hỷ.
Đấng Như Lai vẫn im lặng, khi Bậc Tối Thượng nhân im lặng thì không một ai trong thế gian này, kể cả Ma Vương, Phạm Thiên có đủ thần lực để bạch hỏi được.
Khi nàng Chức Nữ mang giỏ đựng tơ đến Tịnh Xá, nàng đi vào hội chúng, đứng phía sau thính chúng, chiêm ngưỡng Đức Thế Tôn. Bây giờ, Bậc Đạo Sư đưa mắt nhìn nàng, nàng hiểu rằng: “Bậc Đạo Sư đang ngồi giữa đại chúng, Ngài im lặng nhưng lại đưa mắt nhìn ta, nghĩa là Ngài đang chờ đợi ta”.
Vô cùng hoan hỷ, cô đặt giỏ đựng tơ xuống, đi đến đảnh lễ dưới chân Đức Đạo Sư.
Hỏi rằng: Vì sao Đức Thiện Thệ trông chờ nàng tín nữ ấy?
Đáp rằng: Được biết rằng: Nghiệp đoạn tận sẽ đến cho nàng trong ngày hôm ấy, nếu nàng mệnh chung trong lúc còn phàm nhân thì sẽ không có được sanh thú chắc chắn. Nhưng khi nàng đến nơi ngự của Đấng Như Lai, nghe pháp từ nơi Đấng Như Lai, sẽ chứng đạt Dự Lưu Quả, có được sanh thú chắc chắn, sẽ sanh về cõi Tusitā.
Bấy giờ, nàng Chức Nữ đi vào đảnh lễ Đức Thế Tôn xong rồi đứng vào nơi phải lẽ, Đức Thế Tôn phóng hào quang 6 màu tỏa ra. Đợi cho nàng yên vị, Đức Thế Tôn phán hỏi nàng rằng:
- Này tín nữ! Nàng từ đâu đến?
- Bạch Thế Tôn! Con không biết.
- Này tín nữ, rồi nàng sẽ đi về đâu?
- Bạch Thế Tôn, con không biết được.
- Này tín nữ, nàng không biết thật ư?
- Bạch Thế Tôn, con biết.
- Có thật nàng biết chăng?
- Bạch Thế Tôn, con không biết.
Đức Thế Tôn phán hỏi nàng bốn câu hỏi như thế. Khi ấy đại chúng nghe nàng trả lời như thế, xôn xao trách nàng rằng:
- Này các người, hãy nhìn xem cô con gái người thợ dệt, nàng ta đã dễu cợt Đức Đạo Sư. Khi Ngài hỏi: Nàng từ đâu đến, thì nàng nên đáp là: Từ nhà đến. Khi Ngài hỏi nàng: Nàng sẽ đi về đâu, thì nên đáp là: Con sẽ trở về nhà. Khi Ngài hỏi thì nàng ta cần phải trả lời như thế chẳng là thích hợp, chẳng phải sao?.
Bấy giờ, đợi cho thính chúng lặng yên, Đức Thế Tôn từ tốn hỏi nàng Chức Nữ rằng:
- Này tín nữ, khi Như Lai hỏi nàng: Nàng từ đâu đến? Vì sao nàng trả lời rằng: Con không biết?
- Bạch Thế Tôn! Ngài vẫn biết con từ nhà đi đến đây, nhưng Ngài hỏi: Ngươi từ đâu đến? Không phải là ý như vậy, mà Ngài hỏi rằng: Con từ đâu sanh đến đây? Nhưng con không biết được con từ cảnh giới nào tái sanh vào cảnh giới này, nên con đáp là: Con không biết.
Lần thứ nhất, Đấng Như Lai tán thán rằng: Sādhu! Sādhu. Này tín nữ, ngươi đã giải đáp đúng câu hỏi mà Như Lai hỏi nàng. Này tín nữ! Thế tại sao, khi Như Lai hỏi nàng: Ngươi sẽ đi về đâu? thì nàng lại đáp rằng: Con không biết?
- Bạch Thế Tôn! Lẽ thường Ngài vẫn biết sau khi con nghe Pháp xong thì trở về nhà. Nhưng Ngài muốn hỏi con rằng: Sau khi chết, con sẽ tái sanh vào cảnh giới nào?
- Nhưng con thì không biết cảnh giới tái sanh của mình, nên con đáp là: Con không biết.
- Lành thay! Lành thay! này tín nữ nàng đã đáp đúng với ý nghĩa của câu hỏi này.
Bậc Đạo Sư khi tán thán nàng lần thứ hai rồi, Ngài phán hỏi tiếp:
- Này tín nữ! Khi Như Lai hỏi nàng: Nàng không biết thật sao? Vì sao nàng lại trả lời rằng: Bạch Thế Tôn, con biết.
- Bạch Thế Tôn! Vì con hiểu biết rằng: Hễ có thân tâm này, tất sẽ có ngày hoại diệt. Vì thế con trả lời rằng: Bạch Thế Tôn! Con biết.
Lần thứ ba, Đức Thế Tôn tán thán nàng Chức Nữ:
- Lành thay! Lành thay! Nàng đã đáp đúng ý nghĩa của câu hỏi Như Lai. Này tín nữ! Khi Như Lai hỏi: Nàng biết thật sao? Vì sao nàng lại trả lời rằng: Bạch Thế Tôn, con không biết?
- Bạch Thế Tôn! Con vẫn biết chắc chắn rằng con phải chết, nhưng sau khi chết sẽ sanh vào nơi nào, lại nữa con sẽ chết vào ban ngày hay ban đêm? Chết bằng cách nào? Nơi nào trên rừng hay dưới nước? Vào lúc nào thiếu niên hay trung niên…Con không thể biết được, nên con trả lời rằng: Bạch Thế Tôn! Con không biết.
Lần thứ tư, Đức Thế Tôn tán thán nàng rằng:
- Này tín nữ! Câu hỏi của Như Lai, nàng đã giải đáp đúng theo ý nghĩa như thế.
Và Ngài dạy đại chúng rằng:
- Các người không không hiểu biết ý nghĩa câu hỏi của Như Lai như nàng tín nữ ấy. Những câu hỏi thâm diệu đã được nàng giải đáp phơi bày đúng lý. Các người nên tán thán nàng, chớ đừng phiền hà trách cứ nàng. Người vô nhãn gọi là người mù, cũng vậy người thiếu trí được gọi là kẻ ngu. Còn người có mắt sẽ thấy được các sắc rõ ràng, người có trí thường thấu đạo lý nghĩa thậm thâm vậy.
Rồi Ngài thuyết lên kệ ngôn rằng:
“Andhabhūto‚ ayaṃ loko,Tanukettha vipassati;Sakuṇo jālamuttova,
Appo saggāya gacchati.”“Ðời này thật mù quáng,Ít kẻ thấy rõ ràng.Như chim thoát khỏi lưới,Rất ít đi thiên giới.” [2]
Dứt kệ ngôn, nàng Chức nữ chứng đắc Thánh Quả Dự Lưu. Pháp thoại mang lại lợi ích cho đại chúng như thế.
Sau khi nghe Pháp thoại xong, nàng Chức Nữ hoan hỷ, nhặt lấy giỏ đựng cuộn tơ, đi đến nơi làm việc của cha. Khi ấy cha nàng đang ngồi ngủ, nàng vô ý cúi mình đi vào giỏ tơ chạm vào khung cũi, làm lay động khiến cha nàng giật mình, theo động tác thường ngày, ông kéo ngay khung cữi, thanh sắt khung cữi đã đâm ngay vào ngực của nàng Chức Nữ. Nàng chết ngay lập tức, được thọ sanh vào Tusitā.
Người cha nhìn xác con đẩm máu, ngã sóng soài ra chết, ông hối hận tâm tràn ngập sầu não, than khóc thảm thiết. Với gương mặt đẩm lệ, ông suy nghĩ:
-   Không gì có thể làm cho ta dứt khổ sầu nầy được, ngoài Đức Thế Tôn ra.
Ông đi đến Đức Thế Tôn với gương mặt tràn nước mắt, đảnh lễ Đức Thế Tôn xong rồi, bạch rằng:
-   Bạch Thế Tôn! Xin Ngài hãy nhổ mũi tên sầu muộn trong tâm con đi.
Đức Thế Tôn phủ úy ông rằng: “Nầy cận sự nam! Người chớ nên sầu thảm nữa, nước mắt mà ngươi tuôn ra vì thương tiếc con mình, nay đã nhiều hơn nước trong bốn đại dương. Không gì thấu rõ sự khổ sầu của ngươi đâu, ngươi hãy diệt tắt sự thương mến đi.
Rồi Đức Thế Tôn thuyết lên pháp thoại Amatagga. Cận sự nam ấy được vơi sầu muộn, xin xuất gia sống đời phạm hạnh trong Pháp Luật Đức Thế Tôn, ông tinh cần hành Sa môn Pháp chẳng bao lâu chứng đạt A La Hán Quả.
Như vậy, hai mùa an cư liên tiếp, Đức Thế Tôn đã trú tại Cāliyapabbata suốt 3 tháng mùa mưa. Rồi sau đó ngài lại cùng chúng Tỳ-khưu lên đường, tiếp tục du hành để thuyết pháp tế độ chúng sanh.




[1] Chú giải Kinh Pháp Cú 174 – HT Trưởng lão Pháp Minh dịch Việt (DhA. iii. 170 ff).
[2]Dhammapada 174.