Sau khi Đức Phật đã tế độ được dạ xoa Āḷavaka rất hung dữ hơn cả ma vương. Dạ xoa Āḷavaka đã chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Sơ quả. Sau đó Đức Phật an cư ba tháng mùa mưa tại ngôi tháp Aggāḷava trong xứ Āḷavī, để tế độ Đức vua Āḷavaka cùng dân chúng trong xứ. câu chuyện được ghi lại như sau:
Vua Āḷavaka có hứa với Dạ xoa Āḷavaka là sẽ dâng cho Dạ xoa những người phạm tội để Dạ xoa ăn thịt. Đến lúc không còn tội phạm, vua bắt thần dân phải hy sanh mỗi nhà một đứa trẻ để dâng cho Dạ xoa. Các bà mang thai sắp sanh nở đều lục tục rời kinh thành để tránh khỏi phải hy sanh con. Sau 12 năm, không còn con nít để dâng cho Dạ xoa ngoài con của vua là Āḷavaka Kumāra. Ngày dâng cũng đến, vua cho con trang phục lộng lẫy. Qua Phật nhản, đức Phật bèn đến trú xứ của Dạ xoa để tế độ Dạ xoa.
Bấy giờ Āḷavaka bận đi họp với các dạ xoa khác trên Hy Mã Lạp Sơn. Viên giữ cửa Gadrabha cho Phật vào nhưng cảnh báo về bản tánh hung hăng của Dạ xoa. Phật lên ngồi trên ngai của Dạ xoa trong lúc Gadrabha lên Hy Mã Lạp Sơn báo tin có Phật đến nhà. Lúc ấy có hai Dạ xoa Sātāgira và Hemavata bay ngang trú xú của Āḷavaka nhưng không bay qua được; họ biết có Phật đang ngự tại trú xứ này, họ xuống đảnh lễ Phật trong lúc Ngài đang nói pháp cho các nữ dạ xoa nghe. Sau đó họ ra đi, tiếp tục cuộc hành trình đến nơi họp.
Khi nghe Gadrabha cũng như Sātāgira và Hemavata nói có Phật trong trú xứ mình, Āḷavaka nổi xung, buông lời thóa mạ Phật, và tức tốc trở về trú xứ. Dùng tất cả thần lực, kể cà Dussūvudha là khí giới lợi hại nhứt của mình, nhưng Dạ xoa không sao đuổi Phật xuống ngai. Dạ xoa bèn đến bên Phật và yêu cầu Ngài rời trú xứ của mình; Phật chấp thuận lời yêu cầu. Sau đó, Dạxao lại mời Phật trở lại; Phật đến. Dạ xoa mời ba lần và Phật đến ba lần nghĩ rằng sự thông cảm sẽ làm giảm khí phẩn nộ của Dạ xoa. Nhưng tới lần mời thứ tư, Phật từ chối không đến. Dạ xoa bèn xoay qua vấn Phật nhằm mục đích làm Phật mỏi mòn, Phật sẵn sàng trả lời.
- Này Sa-môn, ta sẽ hỏi Ông một câu hỏi. Nếu Ông không trả lời ta được, ta sẽ làm tâm Ông điên loạn, hay ta làm Ông bể tim, hay nắm lấy chân, ta sẽ quăng Ông qua bờ bên kia sông Hằng.
- Này Hiền giả, Ta không thấy một ai, ở thế giới chư Thiên, Ma giới hay Phạm thiên giới, với chúng Sa-môn, Bà-la-môn, với chư Thiên và loài Người có thể làm tâm Ta điên loạn, hay làm bể tim Ta hay nắm lấy chân, quăng Ta qua bờ bên kia sông Hằng. Tuy vậy, này Hiền giả, hãy hỏi đi như Ông muốn.
(Dạ-xoa):
Cái gì đối người đời,
Là tài sản tối thượng?
Cái gì khéo hành trì,
Ðem lại chơn an lạc?
Cái gì giữa các vị,
Là vị ngọt tối thượng?
Phải sống như thế nào,
Ðược gọi sống tối thượng?
(Thế Tôn):
Lòng tin đối người đời,
Là tài sản tối thượng.
Chánh pháp khéo hành trì,
Ðem lại chơn an lạc.
Chân lý giữa các vị,
Là vị ngọt tối thượng.
Phải sống với trí tuệ,
Ðược gọi sống tối thượng.
(Dạ-xoa):
Làm sao vượt bộc lưu?
Làm sao vượt biển lớn?
Làm sao siêu khổ não?
Làm sao được thanh tịnh?
(Thế Tôn):
Với tín, vượt bộc lưu.
Không phóng dật, vượt biển.
Tinh tấn, siêu khổ não.
Với Trí, được thanh tịnh.
(Dạ-xoa):
Làm sao được trí tuệ?
Làm sao được tài sản?
Làm sao đạt danh xưng?
Làm sao kết bạn hữu?
Ðời này qua đời khác,
Làm sao không sầu khổ?
(Thế Tôn):
Ai tin tưởng Chánh pháp
Của bậc A-la-hán,
Pháp ấy khiến đạt được,
Niết-bàn (chơn an lạc),
Khéo học, không phóng dật,
Minh nhãn khéo phân biệt,
Nhờ hành trì như vậy,
Vị ấy được trí tuệ.
Làm gì khéo thích hợp,
Gánh vác các trách nhiệm,
Phấn chấn, thích hoạt động,
Như vậy được tài sản,
Chơn thật đạt danh xưng,
Bố thí kết bạn hữu,
Ðời này qua đời khác,
Như vậy không sầu khổ.
Tín nam gia chủ nào,
Tìm cầu bốn pháp này,
Chơn thực và chế ngự,
Kiên trì và xả thí,
Vị ấy sau khi chết,
Không còn phải sầu khổ.
Ðời này qua đời khác,
Sau chết, không sầu khổ.
Ta muốn Ông đến hỏi,
Sa-môn, Bà-la-môn,
Có những pháp nào khác,
Tốt hơn bốn pháp này:
Chơn thực và chế ngự,
Xả thí và kham nhẫn.
(Dạ-xoa):
Làm sao nay ta hỏi,
Sa-môn, Bà-la-môn,
Khi nay ta được biết,
Nguyên nhân của đời sau.
Phật đến Alavi,
Thật lợi ích cho ta.
Nay ta được biết rõ,
Cho gì được quả lớn.
Nên ta sẽ bộ hành,
Làng này qua làng khác,
Thành này qua thành khác,
Ðảnh lễ Phật Chánh Giác,
Cùng đảnh lễ Chánh pháp,
Các vị chứng Pháp tánh.[1]
Theo Chú giải[2]ghi lại, cha mẹ của Āḷavaka được Phật Kassapa dạy cho các câu hỏi và trả lời này, và ông bà dạy lại cho Āḷavaka trong lúc thiếu thời. Nhưng Āḷavaka không nhớ nên phải viết xuống những lá vàng bằng sơn son để cất giữ. Lúc được Phật trả lời, Dạxoa soát thấy các câu trả lời ấy giống hệt các câu trả lời của Phật Kassapa.
Vào lúc chiều tối, quân thần của Vua Āḷavaka đem thái tử Āḷavaka Kumāra đến dâng Dạ xoa. Thấy Dạ xoa reo vui sau khi nghe kinh Phật thuyết, mọi người đều kinh ngạc. Tuy nhiên họ vẫn dâng thế tử và Dạ xoa trao thế tử cho Phật. Phật ban hồng ân cho thái tử và trả thái tử lại cho quân thần của Vua Āḷavaka. Thái tử được trao tay từ Dạ xoa sang Phật rồi sang người của vua được gọi là Hathaka Āḷavaka.
Khi vua và thần dân nghe tin Dạ xoa theo làm đệ tử của Phật, họ xây ngay một trú xứ gần Vessavaṇa và cúng dường đủ thứ bông hoa, dầu thơm… đến Dạ xoa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét