Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

Sơ lược Tiểu sử Cố Đại Lão HT Thiện Luật

Sáng ngày 15/08/2013, nhằm ngày mùng 09/07/Quý Tỵ, Tăng tín đồ pháp quyến long trọng tổ chức lễ Húy nhật lần thứ 44 Cố Đại lão Hòa thượng Thiện Luật .
Nguyên Phó Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất
Nguyên Phó Tăng Thống Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy VN
Đệ Nhất Cao Tăng Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam
Bậc Khai Sơn Tạo Tự Ngôi Tam Bảo Chùa Pháp Quang

Cố Đại Lão Hòa Thượng Thiện Luật
(1898-1969)

Cố Đại Lão Hòa Thượng Thiện Luật, thế danh là Ngô Bảo Hộ, sinh năm 1898 tại thị xã Sa Đéc nay là tỉnh Đồng Tháp. Thân phụ Ngài là cụ ông Ngô Văn Nghi, vốn là Bậc tinh thông hán học, giỏi thuật đông y, lão thông đẩu số và còn là một kỳ vương kiệt xuất. Do điều kiện sinh sống, nên thân phụ Ngài đưa cả gia đình sang nước bạn Campuchia lập nghiệp tại tỉnh Prey-veng tức Lò-veng hay làng Hoa Mỹ theo cách gọi của cộng đồng người Việt xa xứ tại nơi đấy.

Được giáo dưỡng từ một người cha đa tài, nên thuở nhỏ ngài đã sớm hấp thụ những kiến thức lập thân học được từ nghiêm phụ, đến khi trưởng thành Ngài còn thể hiện là một thanh niên có năng khiếu võ thuật hơn người, với bản tính cương trực và hào hiệp, Ngài đã giao lưu kết bạn xa gần và một trong những người bạn thâm giao đã hướng dẫn Ngài vào đạo Phật Nguyên Thủy, đó là cư sĩ Lê Văn Giảng tức Cố Đại Lão Hòa Thượng Hộ Tông, sơ tổ hệ phái Phật Giáo Nam Tông Việt Nam ngày nay - Bên cạnh những sở học và năng khiếu cùng khí phách nghĩa hiệp của một trang hào kiệt, Ngài còn am hiểu nghệ thuật âm nhạc qua tiếng đàn độc huyền mà đã một thời làm xao động biết bao bè bạn khắp nơi, nhất là trong những đêm trăng vàng ở làng Hòa Mỹ xa xôi kia, để rồi không ít thanh niên bản xứ của đất nước Chùa Tháp tìm đến thụ giáo với bậc nam tử tài hoa Ngô Bảo Hộ.

Đến năm 1924 vừa tròn 26 tuổi, thuận theo thế thường và vâng lời thân phụ dạy, Ngài lập gia đình cùng bà Lưu Kim Phùng và có được hai người con, trưởng nữ là Lưu Kim Đính tức cố Tu Nữ Diệu Đính và thứ nam là Ngô Bửu Đạt tức hòa thượng Hộ Giác hiện nay, hạnh phúc gia đình chỉ được tám năm thì hiền phụ qua đời và đây cũng là nhân duyên để Ngài thể hiện tâm nguyện xuất gia. Năm 1934, sau khi hai con thọ tang mẹ tròn đủ theo tập tục, Ngài gởi lại trưởng nữ cho người em gái nuôi dưỡng và dẫn theo con trai đến Chùa Prek_Reng (tức cần ché) xin xuất gia tu học, được Hòa thượng trụ trì chấp thuận cho Ngài thọ giới Sadi ban pháp danh là Thiện Luật (Vinaya Kusalo) còn con trai thì được hòa thượng nhận làm nghĩa tử dưỡng nuôi trong chùa hầu cận Chư Tăng – Đến năm 1937, Ngài chính thức thọ giới tỳ kheo tại Chùa Sri_Sagor với thầy tế độ là hòa thượng Uttamamuni_Umsu (là Phó Tăng Thống Phật Giáo Campuchia thời bấy giờ) yết ma A-Xà-Lê-Sư là hòa thượng Som Dach Choum Nath (sau này vua sãi Campuchia) và giáo thọ sư là hòa thượng Hout That (sau này cũng là vua sãi Campuchia) sau khi thọ đại giới và nhập chúng tu học tại Chùa Sri_Sagor, Ngài bắt đầu chuyên tâm nghiên cứu về luật tạng để nâng cao kiến thức phật học và hoàn thiện đạo nghiệp tu tập cho chính mình, cũng trong thời gian này, Ngài khởi tâm hướng về Quê Hương với ý nguyện truyền bá xiển dương phật pháp Nguyên Thủy nơi quê nhà, ý nguyện đó đã được hòa thượng giáo thọ sư cùng Chư Tăng và Phật tử kiều bào VN cổ vũ, động viên và khuyến khích – Thế rồi thuận duyên đã đến, vào năm 1940, sau khi xin phép cho con là giới tử Ngô Bửu Đạt được thọ giới Sadi và được hòa thượng tế độ trụ trì Chùa Sri-Sagor ban pháp danh là Hộ Giác (Buddha Pala) yên tâm với sự tu học của Sadi Hộ Giác, Ngài cùng một số Chư Tăng và Phật tử kiều bào lên đường hồi hương về quê cha đất tổ mang theo hoài bão hoằng dương phật pháp nguyên thủy tại quê nhà và khởi duyên cho sự nghiệp cao cả ấy, Ngài cùng Chúng Tăng đã khai sơn tạo tự ngôi chùa đầu tiên của Phật Giáo Nguyên Thủy đó là ngôi Chùa Bửu Quang tọa lạc tại thôn Gò Dưa, làng Tam Bình, quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định, nay là tổ đình Hệ Phái Phật Giáo Nam Tông VN – Từ 1940 đến năm 1953, Ngài thường xuyên vãng lai Việt Nam và Campuchia, với trách nhiệm vừa phát huy sự nghiệp hoằng dương Phật pháp, vừa tiếp tục nghiên cức Phật học Luật tạng, đồng thời cũng chăm sóc động viên tỳ kheo Hộ Giác tinh tấn tu học, đến năm 1954 Ngài cùng đoàn Chư Tăng VN tham dự Đại Lễ Kết Tập Tam Tạng lần thứ 6 tại Miến Điện – Năm 1956, Ngài về trụ xứ tại Chùa Kỳ Viên làm nhiệm vụ hoằng pháp độ sanh, năm 1957 Ngài cùng 6 vị Cao Tăng VN đứng ra xin phép thành lập Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy VN, trụ sở đặt tại chùa Kỳ Viên ngày nay, trong nhiệm kỳ đầu tiên của Ban Chưởng Quản Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy VN, Ngài được đại chúng tín nhiện suy cử lên ngôi vị Phó Tăng Thống Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy VN, cũng trong năm này Ngài được Phật tử cung thỉnh về trụ xứ Chùa Phổ Minh (quận Gò Vấp) để điều hành Phật sự tại Cơ sở – Chính nơi đây, sau khi tốt nghiệp Cao Đẳng Phật Học Pali, Đại Đức Hộ Giác đã hồi hương và cùng với Ngài mở lớp giáo lý giảng dạy Phật học cho thế Hệ Chư Tăng VN đầu tiên và có hơn 10 Tăng sinh theo học – Năm 1958, được sự ủng hộ của hãng dầu cù là Mac-Phsu và Chư Phật Tử, Ngài cùng Đại Đức Hộ Giác kiến tạo ngôi Tam Bảo Chùa Pháp Quang ngày nay và tại nơi đây, ngôi trường Phật học đầu tiên của Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy VN được thành lập có tên là “ Phật Học Viện Pháp Quang” do Đại Đức Hộ Giác làm viện trưởng và học vị của trường cấp cho Tăng sinh tốt nghiệp được Hội Phật Giáo Thế Giới (ngành giáo dục) công nhận, ngôi trường đã đào tạo biết bao Tăng tài phục vụ cho sự nghiệp phát triển Phật Giáo Nguyên Thủy nhất là Phật sự hoằng dương chánh pháp, các Hòa thượng hiện nay như : Hòa thượng Tịch Giác, Hòa thượng Pànno…. v.v. đều xuất thân từ ngôi trường này, - Năm 1963, với chính sách kỳ thị tôn giáo, đối với Phật giáo của chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm, Ngài cùng ban chưởng quản Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy VN tham gia Uy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo đấu tranh trong tinh thần bất bạo động cho sự bình đẳng tự do tôn giáo đối với Phật giáo đến khi thành công, sau đó giáo Hội Phật Giáo Viện Nam Thống Nhất ra đời và đến năm 1967, Ngài được Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất suy tôn lên ngôi vị Phó Tăng Thống Giáo Hội Phật Giao VN Thống Nhất. Ngoài đạo nghiệp tu tập, phát triển Giáo hội và hoằng pháp độ sinh, Ngài cũng quan tâm đến bối cảnh Đất Nước Dân Tộc lúc bấy giờ, nhìn cảnh Đất Nước qua phân, chiến tranh khốc liệt, nhất là cảnh huống nhà tan cửa nát vì bom đạn, ruộng vườn hoang phế, con xa cha mẹ, vợ xa chồng, bao người quan quả - trẻ thơ côi cút, sinh ly tử biệt, chết chóc tang thương, đối khát khổ ải. Ngài cùng hòa thượng Bửu Chơn và hòa thượng Giới Nghiêm tham gia phong trào đấu tranh bất bạo động vì Hòa Bình Độc Lập Thống Nhất Đất Nước Dân Tộc.

Năm 1969, do tuổi cao sức yếu Ngài đã an nhiên thị tịch vào ngày mồng 9 tháng 7 năm Kỷ Dậu (tức ngày 22/8/1969) thọ 71 tuổi – Hạ lạp 32, tang lễ Ngài được tổ chức trọng thể tại Chùa Ấn Quang (văn phòng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN) trong niềm kính tiếc vô hạn của toàn Tăng tín đồ khắp cả miền nam nước Việt thời bấy giờ, những điểm son chói sáng, trong sự nghiệp Đạo Pháp – Dân Tộc của Ngài có thể kết tinh qua những nét chính như sau :
- Đệ Nhất Cao Tăng Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy VN
- Đệ Nhất Phó Tăng Thống Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy VN
- Đệ Nhị Phó Tăng Thống Giáo Hội Phật Giao Việt Nam Thống Nhất
- Bậc Khai Sáng và là Đệ Nhất Viện Chủ Ngôi Tam Bảo Chùa Pháp Quang
- Bậc Cao Tăng Nghiêm Tu Về Mặt Giới Luật
- Trọn đời vì sự nghiệp xây dựng và phát triển PGVN nhất là Phật Giáo NT
- Hết lòng với sự nghiệp Hòa Bình–Độc Lập–Thống Nhất Đất Nước và Dân Tộc.
- Cống hiến cho Giáo Hội người con ưu tú là hòa thượng Hộ Giác đã làm rạng rỡ PGVN nhất là Phật Giáo Nguyên Thủy trong hai thập niên 60 và 70.

Hôm nay, nhân húy nhật của Ngài, toàn thể môn đồ đệ tử và Tăng tín đồ Chùa Pháp Quang cùng toàn thể Chư Tăng Hệ Phái Phật Giáo Nam Tông xin thành tâm tuyên đọc Sơ Lược Tiểu Sử của Ngài và nghiêng mình kính lễ tưởng niệm công đức cao dày của Bậc Cao Tăng Thạc Đức – Bậc Thầy Khả Kính.

Cầu nguyện giác linh Ngài chứng giám và an vui nơi niềm lạc cảnh – Cầu nguyện đất nước VN luôn được hòa bình thịnh vượng – Cầu nguyện Phật pháp luôn được niên trường tỏ rạng đem lại hạnh phúc khắp nhân thiên – Cầu nguyện Giáo Hội Tăng Già Phật Giáo Nguyên Thủy luôn được hưng thịnh trong tinh thần niệm tưởng đoàn kết hòa hợp phụng hành đúng theo lời Phật dạy.

Toàn thể môn đồ đệ xin thành tâm kính lễ !

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét