Sau khi đạt thành quả vị Chánh Đẳng Chánh Giác dưới cội Bồ-đề (Bodhirukkha) vào ngày trăng tròn tháng Vesak năm 588 TCN, trong suốt 45 năm hoằng truyền Chánh Pháp, Ngài đi khắp mọi nẻo đường khắp Trung Ấn Độ. Với 45 năm cống hiến vì mục đích đem cánh cửa bất tử đến cho những người hữu duyên thấy được Chánh Pháp, Ngài đã trải qua những mùa an cư mua mưa tại nhiều nơi để tiếp độ nhiều người với những bài pháp tùy theo căn cơ của chúng sanh.
Căn cứ vào Chú giải bộ Phật sử (Buddhavaṃsa-aṭṭhakathā) với tên gọi là Mahuratthavilāsinī do ngài Đại Trưởng lão Buddhadatta biên soạn cùng với một số nguồn tại liệu kinh điển khác, chúng ta có thể tóm gọn 45 năm hoằng pháp của Đức Thế Tôn với những sự kiện như sau:
Mùa an cư thứ 1:
Vào ngày rằm tháng 6, sau khi thành đạo được hai tháng, Đức Phật vận chuyển bánh xe pháp tại vườn Lộc Uyển, ở Isipattana để tiếp độ cho nhóm 5 anh em của Ngài Kiều Trần Như (Koṇḍañña) với bài pháp đầu tiên là bài Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkappavattanasutta)[1]. Với bài pháp này, Ngài Kiều Trần Như đã thành tựu được Thánh quả Nhập lưu và xuất gia tỳ-khưu với hình thức “Ehi Bhikkhu!”, trở thành vị Thánh Tăng đầu tiên trong Phật Giáo. Vào ngày 16 cho đến ngày 19 tháng 6 thì lần lượt các Ngài Vappa, Ngài Bhaddiya, Ngài Mahānāma và Ngài Assaji cũng đắc được Thánh quả Nhập lưu và cũng được xuất gia bằng “Ehi Bhikkhu!”.
Sau đó, ngày 20 tháng 6 thì Đức Thế Tôn thuyết bài Kinh Vô Ngã Tướng (Anattalakkhaṇsutta) đến cho 5 vị tỳ-khưu và cuối thời pháp các Ngài đã thành tựu được Thánh quả A-la-hán. Như vậy là chỉ 5 ngày đầu tiên của mùa an cư thứ nhất, Đức Thế Tôn đã thuyết pháp tiếp độ được 5 vị Thánh Tăng đầu tiên để mở đầu cho công cuộc hoằng pháp của Ngài.
Sau đó, ngài còn tiếp độ cho thanh niên Yasa[2] cùng với 54 người bạn xuất gia và trở thành những vị Thánh Tăng. Phụ mẫu và người bạn đời trước kia của ngài Yasa cũng quy y Tam Bảo và trở thành những người quy y Tam Bảo đầu tiên trong Phật Giáo. Như vậy bấy giờ có tất cả 60 A-la-hán và Đức Phật cho phép các vị này đi hoằng pháp khắp bốn phương.
Mùa an cư thứ 2-3-4:
Sau khi tiếp độ đức vua Bimbisāra (Bình Sa Vương) và tiếp nhận ngôi Tịnh xá Trúc Lâm (Veḷuvanavihāra – ngôi Tịnh xá đầu tiên trong Phật Giáo) gần thành Rājagaha (Vương Xá thành). Và chính tại nơi này, Đức Thế Tôn đã cùng với chư Tăng nhập hạ suốt 3 mùa an cư. Đức Phật không ở suốt nơi này 3 năm, mà ngài chỉ trú tại đây suốt 3 tháng mùa mưa thôi rồi Ngài tiếp tục du hành thuyết pháp cho đến khi mùa mưa thì Ngài lại trở về Trúc Lâm Tịnh xá an cư mùa mưa.
Trong những năm này, ngài đã tiếp độ được rất nhiều đệ tử, như là 30 công tử Bhaddavaggiyā, ba anh em đạo sĩ thờ lửa Kassapa cùng 1000 đồ chúng, hai vị Thượng thủ Thinh văn Sāriputta và Moggallāna[3], Phụ vương Suddhodana đắc A-na-hàm, Hoàng hậu Mahāpajāpati Tu-đà-hườn, Công chúa Yasodharā, Hoàng tử Rāhula xuất gia Sa-di, Thái tử Nanda, năm vị hoàng thân Anuruddha, Bhaddhiya, Ānanda, Bhagu, Kimbila, Devadatta cùng với người thợ hớt tớc Upāli, nhà ảo thuật tài ba Ugasena[4]…
Mùa an cư thứ 5:
Đức Phật đã an cư ba tháng mùa mưa tại ngôi Trùng Các Giảng đường (Kūṭāgārasālā) ở Đại Lâm (Mahāvana) gần kinh thành Xá Vệ (Vesāli). Trong mùa an cư này, Dì mẫu Mahāpajāpatigotamī[5] cùng với 500 Thích nữ đã tự cạo tóc đắp y, đi bộ từ Kapilavatthu đến Vesāli để xin Đức Phật cho nữ giới xuất gia. Ngài đã ban hành 8 trọng pháp (Garudhamma) đến cho Dì mẫu như là sự xuất gia Tỳ khưu Ni của bà. Như vậy, đến mùa an cư này thì hội chúng Tỳ khưu Ni đã xuất hiện, Giáo hội Tỳ khưu Ni đã được thành lập, tứ chúng đã có mặt đầy đủ kể từ đây. Và cũng trong mùa mưa này, Đức Phật đã trở về quê hương tiếp độ Phụ vương đang lâm trọng bệnh, nhà vua đã đắc quả A-la-hán trước khi viên tịch.
Mùa an cư thứ 6:
Đức Phật cùng chúng Tỳ-khưu an cư ba tháng mùa mưa tại Maṅkulapabbata. Ngài đã thị hiện thần thông để thu phục ngoại đạo[6] vào mùa an cư này dưới cội cây Gaṇḍamba ở Sāvatthi.
Mùa an cư thứ 7:
Vào mùa hạ này, Đức Phật đã ngự lên cung trời Tāvatiṃsā để thuyết giảng Abhidhamma (Vi Diệu Pháp) cho thân mẫu của ngài, là vị thiên tử ở cõi trời Đâu Suất (Tusita) trong suốt 3 tháng mùa mưa (tính theo thời gian cõi nhân loại). Sau khi nghe xong thời pháp, vị thiên tử đắc được Thánh quả Tu-đà-huờn.
Mỗi ngày, Đức Phật dùng thần thông hóa hiện ra một vị Phật nữa để thuyết pháp, còn Ngài đi khất thực tại xứ Bắc Cưu Lưu Châu, sau khi khất thực xong thì Ngài trở về Saṅkassa tóm tắt lại những gì Ngài đã thuyết cho Tôn giả Sāriputta nghe. Rồi sau đó Ngài trở lại cõi trời Tam Thập Tam để tiếp tục thuyết pháp.
Vào ngày mãn hạ, Đức Thế Tôn từ cung trời trở về địa cầu bằng chiếc thang ngọc do Thiên chủ Sakka hóa dựng, bên phải co chiếc thang bằng vàng cho chư thiên và bên trái có chiếc thang bạc cho chư đại phạm thiên. Cổng thành Saṅkassa nơi Phật ngự xuống là một trong số những địa điểm sẽ không bao giờ thay đổi của thế gian này, và tất cả chư Phật đều giáng trần tại đây sau khi thuyết Abhidhamma.
Mùa an cư thứ 8:
Đức Thế Tôn an cư tại Bhesakalāvana gần Suṃsumāragiri, ở đây Ngài gặp ông bà Nakulapitā, cha mẹ của Ngài vào 500 kiếp trước.[7]
Mùa an cư thứ 9:
Đức Phật an cư tại ngôi chùa Ghositārāma ở Kosambi.
Thứ hậu Māgandiyā[8] có mối hận thù với Đức Phật vì Trong chuyến du hành trong xứ Kuru Ngài được Bàlamôn Māgandiya đề nghị gả cho ái nữ Māgandiyā nhưng ngài khước từ “không thể so sánh với con gái của ma vương, Ngài không bao giờ đưa chân dụng tới nàng bởi vì nàng chỉ là một bị chứa đầy 32 thể trược” khi cha mẹ của nàng đưa đến để gả nàng cho Đức Phật. Vì mối hận từ trước, thứ hậu cho mướn côn đồ xỉ vả, mắng chửi Đức Phật khi ngài đi khất thực trong kinh thành. Và sau 7 ngày thì mọi tiếng ồn ào, mắng chửi này đã tự yên lặng.
Mùa an cư thứ 10:
Có hai nhóm Tỳ khưu trong thành Kosambi bất hòa[9] với nhau, Thế Tôn khuyên ngăn không được nên Ngài đi vào rừng Pārileyyaka một mình và trải qua mùa an cư tại đây với sự hộ độ cúng dường của một con voi và một con khỉ.
Mùa an cư thứ 11:
Đức Phật đã ngự đến ngôi làng Ekanāḷā, trong Dakkhinagiri, một ngôi làng theo Bà-la-môn giáo gần xứ Magadha. Ngài ngự đến đây để thuyết pháp tiếp độ cho ông Bà-la-môn Kasibhāradvāja[10] bằng thời pháp với đề tài “cách làm ruộng của Đức Phật”. Sau đó ông xuất gia trở thành vị Tỳ khưu Phật Giáo và chứng đắc được Thánh quả A-la-hán.
Mùa an cư thứ 12:
Theo lời thỉnh cầu của Bà-la-môn Verañja, Đức Phật cùng với chúng Tỳ khưu an cư mùa mưa tại xứ Verañjā. Lúc bấy giờ, nạn đói xảy ra tại xứ này, Đức Phật và chư Tăng phải dùng thức ăn của ngựa do một người buôn ngựa dâng cúng. Và trong mùa an cư này, Tôn giả Sāriputta bạch hỏi Đức Phật về thọ mạng của Giáo Pháp[11]. Thế Tôn đã giảng cho Tôn giả nghe về thọ mạng của Giáo Pháp trong thời các vị Phật quá khứ. Tôn giả bạch xin Phật ban hành giới luật nhưng Thế Tôn đã từ chối lời thỉnh cầu ấy.
Mùa an cư thứ 13:
Mùa an cư này, Đức Phật ngự tại núi Cāliya. Lúc bấy giờ, Tỳ khưu Meghiya là thị giả hầu cận của Ngài. Một hôm, trên đường đi khất thực trong làng Jantu, Tỳ khưu Meghiya thấy một khu vườn xoài bên bờ sông có khung cảnh hữu tình, khả ái nên muốn đi đến đó để tu tập. Tỳ khưu Meghiya đến bạch xin Đức Phật nhưng Ngài quán thấy duyên lành chưa đến nên Ngài khuyên ngăn 3 lần nhưng Tỳ khưu Meghiya vẫn bỏ đi.
Tỳ khưu Meghiya quá nóng vội nên lúc độc cư thiền tịnh vẫn không an trú được và quay trở về với Đức Phật. Thế Tôn giảng dạy cho Meghiya[12] về năm pháp để thuần thục tâm giải thoát, là năm pháp diệt trừ tà tư duy, để hỗ trợ cho pháp hành thiền định. Tỳ khư Meghiya vâng lời Thế Tôn và chẳng bao lâu thành tựu được Thánh quả A-la-hán.
Mùa an cư thứ 14:
Mùa an cư này Đức Phật cùng với chư Tăng nhập hạ tại ngôi đại Tịnh xá Kỳ Viên (Jetavana Mahāvihāra) do ông Cấp Cô Độc (Anāthapiṇḍika) kiến tạo gần kinh thành Sāvatthi. Trong mùa an cư này, Sa-di Rāhula tròn 20 tuổi nên được xuất gia Tỳ khưu với Ngài Tôn giả Sāriputta làm thầy tế độ.
Mùa an cư thứ 15:
Đức Thế Tôn cùng với chúng Tỳ khưu an cư tại ngôi chùa Nigrodhārāma, gần kinh thành Kapilavatthu. Ngôi chùa này do đức vua Mahānāma kiến lập để cúng dường và cung thỉnh Đức Phật với Chư Tăng trú ngụ. theo kinh sách ghi lại, Đức Thế Tôn chỉ nhập hạ duy nhất một mùa an cư tại quê hương của mình.
Một sự kiện xảy ra trong mùa an cư này là đức vua Thiện Giác (Suppabuddha)[13] vì hận Đức Phật đã bỏ rơi con gái mình (công chúa Yasodharā) và làm cho con trai của mình (Devadatta) đi xuất gia nên nhà vua đã ngăn cản đức phật khi ngài đi khất thực. Do hành động này, vua đã bị đất rút một cách thê thảm và đau đớn.
Mùa an cư thứ 16:
Đức Phật đã ngự tại Aggaḷāva của xứ Āḷavī và đã tiếp độ được dạ xoa Āḷavaka[14] rất hung ác, nhờ Đức Phật tiếp độ và giáo hóa nên dạ xọa thành tựu được Thánh quả Tu-đà-huờn.
Mùa an cư thứ 17:
Đức Phật trở về Sāvatthi nhưng có trở lại viếng Ālavī vì một nông dân nghèo[15]. Nông dân này đắc quả Dự lưu sau khi nghe Phật thuyết kinh. Năm này Ngài an cư tại Trúc Lâm Tịnh xá (Veḷuvanavihāra) ở thành Rājagaha của xứ Magadha.
Mùa an cư thứ 18-19:
Đức Thế Tôn trở lại Ālavī một lần nữa để hộ độ người con gái của ông thợ dệt[16]. Nàng có nghe Phật thuyết ba năm trước đây về ước vọng thiền về cái chết. Bấy giờ chỉ có mình nàng lưu tâm đến lời khuyên nhủ của Phật, nên khi biết nàng hấp hối, Phật đi 30 lý đến để thuyết kinh cho nàng nghe và an trú nàng trong quả Dự lưu. Năm này Ngài an cư tại Cālikapabbata.
Năm sau Ngài cũng an cư tại Cālikapabbata.
Mùa an cư thứ 20:
Đức Thế Tôn nhập hạ tại tại Trúc Lâm Tịnh xá (Veḷuvanavihāra).
Một sự kiện quan trọng xảy ra trong mùa hạ là sự kiện Tôn giả Ānanda chính thức trở thành vị thị giả hầu cận bên Đức Thế Tôn. Suốt 20 năm, Ngài không có vị thị giả cố định thường túc trực để hầu cận nên vào mùa hạ này Thế Tôn cũng đã lớn tuổi (55 tuổi) nên Ngài muốn có một vị thị giả hầu cận phục vụ. Tôn giả Ānanda[17] trở thành vị Tỳ khưu thị giả của Đức Phật kể từ mùa hạ này trở đi.
Vào năm này, Ngài cũng đã giáo hoá được tướng cướp Aṅgulimāla[18]; Aṅgulimāla đắc quả Alahán và viên tịch một thời gian ngắn sau đó.
Kể từ hạ thứ 21 đến hạ thứ 44:
Những mùa an cư sau cùng của cuộc đời của Thế Tôn, cho đến nay, chưa có tài liệu biên niên rõ ràng và chi tiết. Theo Chú giải nói rằng trong khoảng thời gian này Đức Thế Tôn an trú mùa mưa thường xuyên tại một trong hai ngôi chùa Jetavana và Pubbārāma.
Sau khi mãn hạ, Đức Phật thường ngự đi thuyết pháp tế độ cho những chúng sinh có duyên lành nên tế độ dù gần, dù xa trong cõi người, hoặc cõi trời dục giới, sắc giới. Khi đến gần mùa mưa, Đức Phật trở lại kinh thành Sāvatthi, an cư nhập hạ tại ngôi chùa Jetavana, hoặc tại ngôi chùa Pubhārama.
Anāthapiṇḍikena kārite jetavanamahāvihāre ekūnavīsativassāni, visākhāya sattavīsatikoṭidhanapariccāgena kārite pubbārāme chabbassānīti dvinnaṃ kulānaṃ guṇamahattataṃ paṭicca sāvatthiṃ nissāya pañcavīsativassāni vassāvāsaṃ vasi.[19]
Ngài trú tại Kỳ Viên suốt mười chín hạ, và sáu hạ tại Pubbārāma, một tịnh xá do bà Visākhā, một nữ cư sĩ lỗi lạc xây cất, trị giá hai trăm bảy chục triệu đồng. Do công đức lớn lao của hai gia đình Anāthapiṇḍika và Visākhā, đức Phật đã an cư gần Sāvatthi trong suốt hai mươi lăm hạ.
Bởi vì, Đức vua Pasenadi Kosala ở kinh thành Sāvatthi, là người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, có tâm tôn kính Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng. Đặc biệt, có hai đại thí chủ là ông phú hộ Anāthapiṇḍika và bà đại thí chủ Visākhā, trong nhà của hai thí chủ này hằng ngày luôn có sắp đặt sẵn 500 chỗ ngồi để đón rước chư Đại đức Tỳ khưu Tăng đến khất thực.
Và phần đông dân chúng trong kinh thành Sāvatthi là những người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, hoan hỷ trong việc bố thí cúng dường bốn thứ vật dụng đến chư Tỳ khưu Tăng. Do đó, khi Đức Phật an cư nhập hạ tại ngôi chùa Jetavana, hoặc tại ngôi chùa Pubbārāma, thì có số đông chư Đại đức Tỳ khưu Tăng cũng an cư nhập hạ tại một trong hai ngôi chùa này, và các nơi gần kinh thành Sāvatthi, để chư Tỳ khưu có được nhiều điều thuận lợi, nhất là bốn thứ vật dụng, trong suốt mùa an cư nhập hạ.
Mùa an cư thứ 45:
Mùa an cư cuối cùng của Đức Thế Tôn là tại ngôi làng Beluva[20] gần kinh thành Vesāli. Trong mùa hạ này Ngài lâm trọng bệnh nhưng vẫn duy trì mạng quyền để tiếp tục công cuộc hoằng pháp độ sinh. Đức Thế Tôn nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa tại đây rồi tiếp tục du hành về nhiều nơi và cuối cùng là Kusinārā để viên tịch Níp-bàn vào ngày trăng tròn tháng Vesak năm 543 TCN.
Sau mùa an cư năm này, vào ngày trăng tròn tháng 10, Tôn giả Sāriputta đã viên tịch Níp bàn tại quê nhà của Ngài, ở ngôi làng Nālākagāma trong xứ Magadha để tiếp độ mẫu thân của Ngài đắc sơ quả trước khi viên tịch[21]. Sau đó 2 tuần, tức là vào ngày 30 tháng 10, Tôn giả Mahāmoggallāna tịch diệt Níp Bàn tại làng Kaḷasilā trong xứ Magadha[22].
________________
[1] Vin.i.4
[2] Vin.i.15
[3] Vin.i.23
[4] DhA.iv.59
[5] Vin.ii.253
[6] DhA.iii.199
[7] AA.i.217
[8] DhA.i.199
[9] Vin.i.337; DhA.i.44
[10] S.i.172
[11] Vin.iii.1
[12] A.iv.354
[13] DhA.iii.44
[14] S.i.218
[15] DhA.iii.262
[16] DhA.iii.170
[17] Jā.456
[18] M.I.86
[19] DhA.i.3
[20] DhA.iii.269
[21] DA. ii. 549
[22] SA. iii. 181; DhA. i. 73
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét