Đức Phật mới đến được địa phận nước Koliya thì tin ngài sẽ trổ pháp lực thần thông đã bay đến Sāvatthī rồi! Mọi giới xôn xao bàn tán. Và cao độ nhất là sáu phái ngoại đạo từ Vương Xá lũ lượt theo chân đức Phật, qua Vesāli, kéo thêm đệ tử và chúng đồ ở đây, rồi rầm rộ lên phương Bắc. Chuyện đức Phật nói chuyện sẽ trổ pháp lực thần thông vào rằm tháng Āsāḷha tại Sāvatthī trên cây Kaṇḍamba đã đến tai họ. Chuyện dễ hiểu thôi. Đức vua nói chuyện với vài viên cận thần thân tín, các vị này cũng chỉ nói nhỏ, nói lại với vài người quen - thế rồi, chuyện thêm mắm, thêm muối lan vào tai mọi người còn nhanh hơn gió chuyển. Một vài vị giáo chủ hoặc đệ tử lớn của họ với tâm địa không được tốt, sợ tổn hại uy tín cho giáo phái của mình nên đã tìm cách ngăn chặn. Khi nghe đức Phật sẽ trổ thần thông trên cây Kaṇḍamba – họ chưa biết rõ là cây gì – nên đã cho một số thuộc hạ nhanh chân đến Sāvatthī liên lạc với các giáo phái ngoại đạo ở đây để nhờ họ tìm hiểu. Các vị hiền triết, học giả thông thái nói rằng, cả kinh thành Sāvatthī không có cái cây nào được gọi là Kaṇḍamba cả. Tuy nhiên, có một nhà ngôn ngữ học dè dặt và cẩn trọng nói rằng:
- Sa-môn Gotama là bậc thông tuệ. Tuy nhiên, tôi chưa được nghe chính xác qua lỗ tai của mình về cái từ ấy – nên tôi chưa dám quyết đoán. Nếu đúng là Kaṇḍamba thì không có tên cây ấy, chủng loại, họ hàng cũng không. Nhưng nếu “gượng” mà chiết tự ra – thì ta có Kaṇḍa và amba. Kaṇḍa có nghĩa là cong, là một phần, cọng, nhánh. Amba là cây xoài. Vậy Kaṇḍamba có thể là cây xoài cong đặc biệt nào đó hoặc một nhánh, một phần của cây xoài vĩ đại nào đó! Đây chỉ là một gợi ý thô thiển và què quặt, xin chư vị cứ nghiên cứu!
Kiến giải thận trọng của nhà ngôn ngữ học là đúng, là tốt nhưng đưa đến hậu quả vô cùng tai hại. Suốt thời gian sau đó, đồ chúng ngoại đạo đi lùng sục khắp kinh thành, hễ thấy cây xoài nào to lớn, cong, đặc biệt là chúng đốn bỏ, chặt phá hết. Nếu đụng đến vườn xoài của các danh gia vọng tộc, phú hộ, người tai mắt... là chúng xin mua, bồi thường hoặc hăm dọa nếu không thỏa nguyện. Hành động ấy quả thật là thô lỗ, đầy bạo lực ngu ngốc, đáng thương xót thay!
Cơn bão chặt xoài tràn qua kinh thành – thì Tăng chúng Kỳ Viên cũng bàng hoàng, ngơ ngác, không hiểu chuyện gì. Hai hàng cư sĩ áo trắng tìm đến Kỳ Viên thưa hỏi các vị trưởng lão nguyên nhân và sự thật. Hoàng thân Kỳ-đà và trưởng giả Cấp Cô Độc cũng cảm giác bất an! Một bậc có thắng trí và không còn lậu hoặc đành phải ân cần phủ dụ:
- Chư vị hãy an tâm. Không những an tâm mà còn sẽ được chứng kiến oai lực vô song của đức Chánh Đẳng Giác nhiếp phục ngoại đạo.
Mọi người thở phào.
Trưởng giả Cấp Cô Độc tò mò:
- Vậy cây Kaṇḍamba là cây gì? Có phải là những cây xoài mà chúng ngoại đạo đang chặt phá, đốn bỏ không?
- Ừ! Họ đúng một nửa! Cũng là cây xoài, nhưng cây xoài mà đức Phật sử dụng thần thông ấy, chưa có mặt trên thế gian này!
Nói vậy xong là vị ấy cười cười bỏ đi vì “thiên cơ bất khả lậu” mà!
Đức Phật và đại chúng đã ghé Kỳ Viên trước mùa an cư sáu ngày. Buổi sáng, ngài và Tăng chúng đi khất thực một vòng quanh thành Sāvatthī (Xá-vệ), xem như không có gì xảy ra. Buổi chiều ngài thuyết pháp cho hai hàng cư sĩ tại giảng đường, buổi tối dành cho hội chúng tỳ-khưu. Khuya, canh hai, Thiên chủ Đế Thích, Tứ đại thiên vương cùng với thiên chúng đoanh vây đến để nghe pháp. Khuya nữa là phạm thiên, phạm chúng thiên. Khu rừng Kỳ Viên sáng rực một góc trời, đêm này sang đêm khác như thế.
Khi ngoại đạo cho xây dựng từ nơi này sang nơi khác những cái đài cao rộng, bề thế với vẻ lộng lẫy đầy ngổ ngáo, phô trương... thì đức Phật không làm gì cả. Một vài đệ tử lớn của họ có vẻ nóng nảy, bồn chồn, hỗn láo, tuyên bố rằng: “Ông sa-môn Gotama bỏ cuộc rồi, không dám thi đấu thần thông! Vậy thì hãy cút xéo đi!” Một số vị tỳ-kheo còn phàm tục bực tức không chịu nổi, đến đảnh lễ chư vị trưởng lão, xin cho biết hư thực. Tôn giả Mahā Moggallāna(Đại Mục-kiền-liên) mỉm cười: “Các ông yên trí đi! Hãy nói với chúng rằng, đúng ngày rằm tháng sáu, đức Tôn Sư sẽ biểu diễn thần thông lực ở nơi cây Kaṇḍamba!” “Nhưng chúng chặt hết rồi mà!” “ Chưa, cây ấy đức Tôn Sư chưa trồng!” Nói vậy cũng bằng không! Họ đến vây quanh tôn giả Sāriputta (Xá-lợi-phất). Tôn giả mỉm cười chỉ qua ngài Mahā Kassapa (Đại Ca-diếp); rồi cứ thế, các vị thượng thủ A-la-hán chỉ quanh. Cuối cùng, một vị sa-di A-la-hán có năm thắng trí, tuyên bố rằng: “Rất tiếc, đức Tôn Sư đã cấm chỉ, chứ trong hàng đệ tử, không phải một, không phải hai, mà hằng trăm, hằng ngàn đệ tử cháu chít của ngài cũng thừa khả năng hí lộng thần oai nhiếp phục ngoại đạo!”
Chiều hôm đó, đức Phật mới chính thức tuyên bố:
- Đúng như con trai nhỏ tuổi của Như Lai đã nói. Vậy thì vào buổi sáng ngày mười lăm, trên cây Kaṇḍamba, trước cổng thành kinh đô Sāvatthī, Như Lai sẽ biểu diễn thần thông ở đấy!
Đến ngày, Đức Phật và hội chúng tỳ-khưu vẫn đi trì bình khất thực như thường lệ. Sau khi đi qua một số ngã đường, vật thực vừa đủ dùng, đức Phật hướng về cổng kinh thành Sāvatthī. Trên và dưới các đài cao chỗ này chỗ kia, các giáo phái ngoại đạo tập trung dày đặc người. Còn hai hàng cư sĩ và dân chúng, sau khi đặt bát cho đức Phật và Tăng chúng thì họ liền kéo nhau đi ở bên sau. Nhà nhà đóng cửa. Chợ không đông. Ôi! Cả rừng người. Cả biển người.
Khi đức Phật càng tiến dần từng bước chân một đến cổng kinh thành thì ngoại đạo và dân chúng càng tò mò, hồi hộp theo dõi. Vì rõ ràng, trước cổng kinh thành có hai cây xoài to thì ngoại đạo đã chặt rồi, hiện chẳng còn cây nào. Riêng vườn xoài của hoàng gia thì chúng không dám, vả lại, chúng không phải là trước cổng!
Đến gần cổng kinh thành, tại một khoảng trống, đức Phật dừng chân lại. Và cách đứng, cách ôm bát của ngài như có vẻ chờ đợi ai đó đặt bát? Và quả đúng thế. Sáng sớm nay, người trông coi vườn xoài của đức vua Pāsenadi (Ba-tư-nặc) phát hiện trong vườn xoài một trái xoài chín, to, rất đặc biệt, thơm lừng! Ông hái trái xoài ấy, đựng trong giỏ tre có lót rơm, định đem dâng cho đức vua Pāsenadi. Ông không biết việc gì đang xảy ra ở xung quanh. Khi hối hả bước ra khỏi vườn xoài thì trước mắt, ông trông chư Tăng vàng rực như một đám mây vàng. Thấy đức Phật ôm bát đứng, ông ta suy nghĩ rất nhanh: “Nếu dâng cho vua thì mình được khen thưởng ngay tức khắc năm bảy đồng vàng gì đấy! Quý báu gì! Ăn là hết liền! Chi bằng dâng cho đức Phật mình sẽ được nương tựa phước báu nhiều đời!” Nghĩ là làm liền, ông thành kính đặt trái xoài quý báu kia vào bát cho ngài!
Trước hằng ngàn cặp mắt đang chăm chăm quan sát, đức Phật bảo tỳ-khưu Nāgita[iii] thị giả trải tọa cụ giữa nền đất rồi an nhiên ngồi xuống tại chỗ. Ngài lại bảo tôn giả Sāriputta thông báo với đại chúng là tùy nghi thọ trai ngay tại đây. Đức Phật thọ dụng trái xoài, trao hạt xoài cho người làm vườn, ngài nói:
- Này Kaṇḍa! Trong cái giỏ của ông có một con dao, hãy dùng cái dao ấy, đào một cái lỗ rồi đặt hạt xoài này vào đấy!
Không biết chuyện gì nhưng người làm vườn vẫn nghe lời. Sau đó, đức Phật rửa tay, rảy nước lên hạt xoài vừa gieo rồi nói:
- Này đại chúng tỳ-khưu! Người làm vườn này có tên là Kaṇḍa, ông ta đích thân gieo một hạt xoài (amba); vậy cây xoài này có tên là Kaṇḍamba. Và hãy xem! Điều Như Lai nói là đúng với sự thực! Như Lai sẽ hiển lộ thần thông lực ngay tại cây xoài Kaṇḍamba này!
Tin được lan đi, mọi người đổ xô quây quần lại, hóa ra cái cây có tên Kaṇḍamba là như thế này đây! Các vị có thắng trí thì do biết rồi nên họ chỉ mỉm cười. Riêng chư tăng không có thắng trí thì tò mò, ngạc nhiên, chăm chú nhìn! Đức vua Pāsenadi mấy hôm trước cũng đã nghe tràn tay về chuyện chặt xoài; và triều thần cũng đã bàn tán về câu chuyện của sáng hôm nay. Thế là, khi đức Phật tuyên bố về tên cây xoài thì đức vua Pāsenadi cùng các quan cũng đã đứng chật vòng trong, vòng ngoài xem chuyện lạ.
Ngay lúc ấy, hạt xoài nẩy mầm, đất nứt, một chồi cây trắng nõn vươn lên, gặp ánh nắng nó trắng xanh, xanh non, xanh biếc... vươn lên, thành cây, có cành, có nhánh, có lá xanh mơn mởn, xanh nhạt, xanh đậm. Rồi cứ thế, trước mắt mọi người, cây xoài chợt biến hóa như trò ảo thuật. Cây xoài đã lên cao chừng 50 cùi tay, cội cành gân guốc... to lớn chưa từng thấy; rồi nó đơm hoa, nẩy trái dầy đặc, chín mọng, thơm lừng cả một vùng!
Rồi sau đó, đức Phật đã sử dụng thần thông làm một chiếc cầu bằng ngọc nằm vắt ngang giữa hư không, biểu diễn thần thông biến hóa, thần thông Yamaka, thần thông Lokavivaraṇa, và cuối cùng là thần thông với hào quang sáu màu rất lạ lùng, rất diệu kỳ, cũng chỉ năng lực của bậc Toàn Giác mới thực hiện được! Chúng ngoại đạo thấy oai lực vô biên, vô tận, bất khả tư nghì của đức Phật, thật không có chỗ nào để lòe bịp được nữa; nên họ đã lẳng lặng xếp cờ, im trống rồi cũng lẳng lặng giải tán, rút lui. Hai hàng cận sựNam nữ thì họ hí hửng, hãnh diện, mừng vui ra mặt, đem câu chuyện chứng kiến tận mắt ra khoe với láng giềng, quyến thuộc, bằng hữu. Chư phàm Tăng thấy mình tăng trưởng thêm đức tin. Quần chúng thì hẹn nhau đến quy giáo với giáo đoàn nhiều thần thông, lắm oai lực – có vị giáo chủ sa-môn Gotama vô song!
Sau khi sử dụng thần thông siêu nhiên của một bậc Toàn Giác để cảm thắng ngoại đạo – đức Phật hướng tâm xem thử chư Phật quá khứ, cũng theo lệ thường, là sẽ an cư kiết hạ ở đâu. Khi được biết là tại cung trời Tāvatiṃsa (33-Đao Lợi) vào hạ thứ bảy để thuyết pháp độ Phật mẫu, đức Phật sử dụng phạm âm nói chuyện với hai vị đại đệ tử, và chỉ riêng hai vị này mới nghe được mà thôi. Ngài dạy đại lược rằng: “Như Lai sẽ thuyết Abhidhamma (A-tỳ-đàm) ba tháng tại cung trời Đao Lợi để đáp đền ân huyết sữa đối với thân mẫu. Ba tháng tại nhân gian nhưng trên ấy chỉ là thoáng mắt . Sāriputta phải sử dụng thần thông lực, gặp Như Lai mỗi ngày tại rừng trầm bên bờ hồ Anotatta ở Hy-mã-lạp sơn để Như Lai tóm tắt thời pháp; và ông phải có bổn phận giảng nói rộng rãi pháp vi diệu ấy đến cho chư tỳ-khưu Tăng có sẵn căn trí. Còn Mahā Moggallāna thì chăm sóc hội chúng đang hiện hữu – vì Như Lai biết, một số khá đông cận sự Nam nữ ở đây sẽ không chịu về, họ sẽ ở đấy để đợi chờ Như Lai trở lại trần gian. Ông phải thuyết pháp cho họ nghe, sách tấn họ. Lúc cần thiết, có thể nhờ thêm Ānanda, Mahā Kassapa cùng các vị trưởng lão khác thuyết hộ. Nói với ông Cấp Cô Độc và Tiểu Cấp Cô Độc rằng, ý của Như Lai là anh em ông triệu phú phải phát tâm dựng lều trại, chăn màn, cung cấp vật thực, mọi nhu cầu cần yếu cho hội chúng ấy trong suốt ba tháng đấy!” Xong, cũng sử dụng thần thông, làm cho ai cũng có thể trông thấy – đức Phật đứng chót vót trên cây xoài, bước lên - thì chợt nhiên giữa hư không, đỉnh núi Yugandhara cao 48.000 yojana (do-tuần) chợt nghiêng mình đỡ chân trái của ngài; và ngọn núi Sineru cao 84.000 yojana chợt cúi đầu thấp xuống đỡ chân phải của ngài với dáng vẻ rất cung kỉnh.
Như vậy là chỉ hai bước đi, qua bước thứ ba, đức Phật đã có mặt ở cung trời Đao Lợi, ngự đến tảng đá vàng Paṇḍukambalā bề ngang 50 yojana, bề dài 60 yojana, bề dày 15 yojana - vốn là ngai vàng đặt để giữa hư không của Đế Thích thiên chủ. Và đến lúc này, ngoại trừ các bậc có thắng trí, không ai còn trông thấy ngài nữa.
Theo : Một Cuộc Đời Một Vầng Nhật Nguyệt – Minh Đức Triều Tâm Ảnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét