Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

BÀI HỌC TỪ NHÀ VỆ SINH


Nhà vệ sinh là một nơi mà bất cứ ai cũng phải đến đó mỗi ngày, dù muốn dù không thì đó là một điều bắt buộc. Trước khi vào, đôi khi chúng ta lâm vào cảnh rất khó chịu, rất bức bách và chỉ muốn giải quyết càng nhanh càng tốt. Và khi bước ra từ nhà vệ sinh, chúng ta sẽ có một cảm giác dễ chịu, thoải mái, thậm chí là hạnh phúc nữa là khác. Vì lẽ đó, bên Thái, người ta gọi nhà vệ sinh là sú-khả (sukha - trong tiếng Pali có nghĩa là hạnh phúc). Như thế, nhà vệ sinh hay phòng vệ sinh có thể được mệnh danh là căn phòng hạnh phúc.
Và dĩ nhiên, một căn phòng hạnh phúc cũng cần có 5 điều kiện của nó, như là:
1. Sạch sẽ.
2. Thông thoáng.
3. Không quá nhỏ cũng không quá lớn.
4. Tạo cho người sử dụng một cảm giác thư giãn, thoải mái.
5. Có đầy đủ các thiết bị vệ sinh cần thiết.
Đó là những đòi hỏi của một nhà vệ sinh, nơi sẽ đem đến hạnh phúc và an lạc cho người sử dụng.

Là một người Phật tử, chúng ta sống không thể không thiếu Phật Pháp được. Hãy học tập từ căn phòng vệ sinh, chúng ta hãy cố gắng trao dồi 5 pháp này:
1. Sống một cuộc sống thanh tịnh.
2. Là người điềm tĩnh, bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh.
3. Có hạnh kiểm, đạo đức tốt.
4. Có lòng từ bi, khiến cho những người xung quanh mình không cảm thấy lo lắng và có cảm giác thoải mái khi thân cận mình.
5. Chăm sóc sức khỏe bản thân.

Và kết luận, chúng ta hãy ghi nhớ câu nói này, như là một bài học về căn nhà vệ sinh:

“ห้องน้ำ” สะท้อนคุณภาพ “คนใช้”
“ห้องใจ” สะท้อนคุณภาพ “การศึกษาอบม”

"The bathroom reflects the quality of its user;
the heart reflects the quality of one’s education".

"Nhà vệ sinh thể hiện chất lượng bằng việc người sử dụng cảm giác thoải mái như thế nào;
Trái tim thể hiện chất lượng của sự giáo dục"

SÂN HẬN LÀ CON ĐƯỜNG HÀNH TRÌNH CỦA NGƯỜI NGU


Tranh thủ những ngày vừa thi xong chương trình học kỳ 3 ở MCU, cũng bon chen với mấy Sư ở chùa đi thi Nak Tham, là chương trình Phật Pháp căn bản của chư Tăng Thái Lan, được tổ chức hằng năm, trước thời gian mãn mùa an cư.
Cầm cái đề lên, ui trùi ui, bạn ấy với mình dường như chưa từng quen biết nhau hay sao ấy. Nhưng lỡ rồi, đành ngồi trổ tài rèn vở sạch chữ đẹp. Thấy mấy vị Sư bạn viết lia viết lịa, ngưỡng mô ghê ák. Tiếc là tiếng Thái giao tiếp thì okie chứ viết kiểu này thì “chúng tôi đã cố gắng hết sức, nhưng đành… chúc may mắn lần sau”.
Về lại chùa, kiếm trong cuốn sách Phật Ngôn Diễn Giảng của Tỳ-khưu Dũng Chí biên soạn, thấy có câu Phật ngôn này. Mạn phép xin được post lên đây xem như là một bài học mới.
Đề thi chính thức của ngày hôm qua là:

โกโธ ทุมฺเมธโคจโร.
KODHO DUMME DHAGOCARO
ความโกรธเป็นอารมณ์ของคนมีปัญญาทราม
SÂN HẬN LÀ CON ĐƯỜNG HÀNH TRÌNH CỦA NGƯỜI NGU.
(ขุ. ชา. ทสก. ๒๗/๒๘๐ – Khuddaka.Jataka.Dasaka.27/280)

Và đây là đoạn trích từ Phật Ngôn Diễn Giảng do Tỳ-khưu Dũng Chí biên soạn:

Sự ngu muội trong câu Phật ngôn này, Đức Thế Tôn có tôn ý muốn ám chỉ về cái tâm si mê, không thấy rõ ác thiện, hay vấn đề vay trả, trả vay của con đường nghiệp quả.
Người dù học rộng tới đâu, nếu không diệt được lòng sân hận sẽ có ngày bị mê muội.
Một nhà bác học trong lúc nghiên cứu, nếu gặp những khó khăn rồi đâm ra nóng nảy bực tức, thì chắc chắn ông ta sẽ thất bại.
Con người của chúng ta cũng vậy, sự sáng suốt chỉ phát sanh khi nào tâm hồn ta bình tĩnh, nằm trong khung cảnh yên tịnh.
Lòng sân hận ví như than nóng vùi tro ngấm ngầm trong tâm hồn của ta, tay không sờ mó được, nhưng nếu để ý, thì ta sẽ thấy nó ngay khi nghịch cảnh.
Người bị sân hận lung lạc thì hành động lúc nào cũng tàn bạo, lời nói nham hiểm và ý nghĩ thường trái ngược với nhân đạo.
Tóm tắt lại, khi tâm ta nóng nảy thì tất nhiên hành động quấy.
Có nhiều lúc bình thường rất sáng suốt thế mà đến khi nóng giận thì họ chẳng khác nào con người mất trí. Như vậy có phải chăng sự sân hận đã biến con người của họ trở nên ngu muội.
Lại nữa dù cho hành động xấu xa đến đâu, họ vẫn không thấy hổ thẹn. Vì con mắt lương tâm đã mù quáng.


Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

Ý NGHĨA LỄ TỰ TỨ CỦA PHẬT GIÁO NAM TRUYỀN


646679
Theo truyền thống Phật giáo Nam truyền (Theravāda), mùa an cư của chư Tăng bắt đầu từ ngày 16 tháng 6 âm lịch và kết thúc vào ngày rằm tháng 9 âm lịch. Sau ba tháng an cư mùa mưa, vào ngày kết thúc an cư mùa mưa, chư Tăng phải hội lại tại trú xứ mà mình nhập hạ để làm lễ tự tứ (pavāraṇā). Ngày Tự tứ có thể thực hiện vào ngày rằm tháng 9, cuối tháng 10 hoặc là trễ lắm là vào ngày rằm tháng 10 âm lịch, nghĩa là phải làm lễ tự tứ trong thời gian mùa mưa, không được quá mùa mưa[1].
Pavāraṇā thường được dịch là Tự tứ, và từ này đã được dùng phổ thông trong Phật giáo. Tuy nhiên, ý nghĩa chính thức và chủ yếu của từ Pavāraṇā có nghĩa là sự thỉnh cầu (pavāreti), sự yêu cầu hay nói cách khác là sự thỉnh tội, tức là thỉnh cầu chư Tăng chỉ lỗi, nhắc nhở, khuyên bảo bằng tâm từ do thấy, do nghe, do nghi để vị Tỳ khưu đương sự thấy lỗi của mình mà sửa sai và hoàn thiện bản thân.
Đức Phật dạy trong Tạng Luật như sau:
Này các Tỳ khưu, đối với các tỳ khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa ta cho phép thỉnh cầu dựa trên ba tình huống là do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ. Bằng cách ấy, các ngươi sẽ có được sự hòa thuận lẫn nhau, có được sự thoát ra khỏi tội, và có được sự hiểu rõ thêm về Luật. [2]
Theo tinh thần của Phật giáo, lễ Tự tứ hay thỉnh cầu vị khác chỉ lỗi của mình là một cách kiểm điểm lại bản thân mình, từ những hành động do thân, đến những lời nói phát ra từ khẩu, thậm chí là những suy nghi từ ý, nếu thấy những lời chỉ dạy đó là đúng sự thật, mình sẽ thành khẩn sám hối để được thanh tịnh. Nhờ vậy, mọi thành viên trong Tăng đoàn đều trở nên hoàn thiện, xứng đáng là bậc phước điền của nhân thiên.
Có lẽ nhiều người sẽ thấy rằng cách thức xây dựng như thế này hơi khác so với thế tục. Lẽ thường, chúng ta rất giàu lòng tự ái, sống mà chỉ biết chấp vào cái ngã của mình, không mấy ai muốn người khác biết khuyết điểm của mình, chứ đừng nói là có thể chấp nhận để cho họ nêu ra những lỗi lầm mà mình đã phạm. Giả sử có ai đó động đến tên tuổi, tự ngã của ta thì ta sẽ phản ứng lại bằng nhiều hình thức ăn miếng trả miếng ngay lập tức, vì kẻ khác chạm đến nhược điểm của ta, đó là một sự xúc phạm tự ái không hề nhẹ, khó mà tha thứ được.
Học tập theo gương hạnh của đức Thế Tôn, chính Ngài, là bậc thầy của cả chư thiên và nhân loại, vậy mà Ngài vẫn đích thân làm lễ tự tứ với chúng Tỳ khưu Tăng. Đây sẽ là một bài học hữu ích về một vị Đạo Sư giản dị và bình thường như bao vị đạo sư khác mà không hề tầm thường.
Một thuở nọ, Thế Tôn trú ở Sāvatthi, tại Đông Viên, giảng đường Lộc Mẫu, cùng đại chúng khoảng năm trăm vị Tỳ khưu, tất cả đều chứng quả A-la-hán. Lúc bấy giờ, vào ngày lễ  Tự tứ của tỳ khưu tăng, Thế Tôn ngồi giữa đại chúng, sau khi nhìn quanh đại chúng im lặng, liền bảo các Tỳ khưu:
- Này các Tỳ khưu, Ta mời các ông nói lên, các ông có điều gì chỉ trích Ta hay không, về thân hay về lời nói?
Được nghe như vậy, Tôn giả Sāriputta từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay cung kính bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, chúng con không có chỉ trích gì Thế Tôn về thân hay lời nói. Và bạch Thế Tôn, con xin mời Thế Tôn nói lên, Thế Tôn có điều gì chỉ trích con hay không, về thân hay về lời nói?
- Này Sāriputta, Ta không có gì chỉ trích ông về thân hay về lời nói.
- Bạch Thế Tôn, đối với năm trăm Tỳ khưu này, Thế Tôn có gì chỉ trích về thân và lời nói hay không?
- Này Sāriputta, đối với năm trăm Tỳ khưu này, ta không có gì chỉ trích về thân hay về lời nói.[3]
7010190106_0_20121018-170618
Trong xã hội của chúng ta, đa số mọi người chỉ mong cầu nghe những lời nói ngọt nào, đường mật để đưa họ lên đến dây điện hay là nóc nhà, nhưng họ đâu biết rằng càng đưa lên cao thì họ sẽ càng té đau. Vì si mê, họ đâu biết điều đó mà chỉ lo đi tầm cầu cái tầm thường trong những cái quá bình thường mà họ không hề biết đến. họ cho rằng“Người quân tử chỉ ca ngợi những đức hạnh của người, chứ không đề cập đến lỗi lầm của họ”[4]. mới nghe qua thấy sao mà cao thượng quá, khiến ai cũng chạy theo răm rắp nhưng những kẻ a dua ăn hùa ấy đâu biết rằng họ đang sống theo một chủ nghĩa cầu an một cách đến tiêu cực, bởi vì những hành vi của họ chỉ muốn bảo đảm an toàn cho cá nhân mà không hề có một chút suy nghĩ gì đến việc xây dựng và phát triển của tập thể, của cộng đồng và xã hội.
Vượt ra ngoài thế gian phàm tục, đi ngược dòng đời, hàng xuất gia áp dụng phương thức thỉnh tội một cách tinh tế và đầy lòng vị tha. Tự tứ là nhằm mục đích xây dựng Tăng đoàn có một đời sống cao khiết, thanh tịnh và an lạc thực sự. Bởi vì, Tăng đoàn là một tập thể sống hòa hợp, vô ngã, theo đuổi một mục đích tối thượng là giác ngộ và giải thoát. Mà muốn thực sự giải thóat giác ngộ thì nỗ lực đoạn diệt những phiền não kiết sử như là thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân, ái sắc, ái vô sắc, mạn, trạo cử, vô minh[5]. Vì những kiết sử này vốn là những thế lực chủ yếu của ma vương, tay sai của luân hồi để cản trở chúng ta trên tiến trình hướng đến sự giác ngộ, vượt ra khỏi ma lực của tử thần.
Ye ca kho sammadakkhāte,
Dhamme dhammānuvattino;
Te janā pāramessanti,
Maccudheyyaṃ suduttaraṃ.
Những ai hành trì pháp, 
Theo chánh pháp khéo dạy, 
Sẽ đến bờ bên kia, 
Vượt ma lực khó thoát.[6]
ปวารณา
Trong đoàn thể chư Tỳ khưu Tăng, muốn cho được hoàn thiện, để đem lại đức tin đối với những người chưa có đức tin và làm tăng trưởng đức tin đối với những người đã có đức tin[7], nên Ðức Phật chế định cách hành Tăng sự Pavāraṇā của chư Tỳ khưu, từ vị Trưởng lão cho đến vị tân Tỳ khưu, mỗi vị đều thành tâm nghiêm chỉnh, tha thiết nói lên lời thỉnh mời chỉ rõ lỗi của mình, trong trường hợp do thấy, do nghe, hoặc do nghi ngờ. Khi nhận thấy đúng, vị ấy phải xin thành tâm sám hối và sửa chữa để trở nên thánh thiện, tốt đẹp. Tốt đẹp không chỉ riêng cho mình, mà còn chung cho đoàn thể chư Tỳ khưu Tăng. Ðó là mới là ý nghĩa của việc hành Tăng sự Pavāraṇā (lời thỉnh mời) đúng theo tinh thần giới luật cũng như là tinh thần của Phật giáo Nam truyền.


[1] Thời tiết Ấn Độ chia thành 3 mùa trong năm là mùa nóng, mùa mưa và mùa lạnh.
[2] Luật Tạng, Đại Phẩm, Chương IV, Đoạn 14 (TK. Indacanda dịch Việt).
[3] Tương Ưng Bộ Kinh 1, Chương 8, Phần Tự Tứ (HT Thích Minh Châu dịch Việt). (S.i.190)
[4] Quân tử thành nhân chi mỹ, bất thành nhân chi ác.
[5] Tăng Chi Bộ Kinh, Chương 10 Pháp, Phẩm Lợi Ích, Phần Các Kiết Sử (HT Thích Minh Châu dịch Việt).
[6] Pháp Cú Kinh 86 (HT Thích Minh Châu dịch Việt).
[7] Tạng Luật, Phân Tích Giới Tỳ Khưu, Chương I, Đoạn 40 (TK. Indacanda dịch Việt).

Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

THÔNG BÁO CHUYỂN NHÀ


"Nhất tự vi sư, bán tự vi sư", thoát dịch là ở chùa có một ông sư, bán chùa cũng còn một ông sư. Cái bờ-lóc này cũng thế. Suốt cuộc đời nó luôn là "cô đơn giữa chốn đông người" như cái ngày mà nó mới hình thành.

Thật ra thì không muốn chuyển nhà sang nơi đô thị đâu, nhưng vì vùng đất nghèo xa xôi, hẻo lánh quá, nguồn tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ không lặn lội đến được, cũng như là đôi khi lại gặp mưa gió, bão bùng nên không thể quánh dây thép đến kiếm được, sự tiếp cận với nhà của chúng tôi còn khó khăn hơn đi cầu tre lắt lẻo nữa.

Cho nên, nay chúng tôi quyết định thông báo đến toàn thể quý vị (không biết có ai không, nhưng nói cho hoành tờ-ráng vậy) là chúng tôi sẽ chuyển sang nhà mới. Mặt tiền khu đô thị, gần trường học, gần chùa chiền, đặc biệt là có một khuôn mặt rất dễ nhận diện, địa chỉ là: 
Định Phúc - 24 hours to live

Trong thời gian qua, chúng tôi có thấy một số người nặc danh (biết tên nhưng không muốn nói) sanh rình rập, canh me để đem bài về nhà của họ mà up, mà post. Việc tuyên truyền, phổ biến của chúng tôi không cần bản quyền, độc quyền gì cả, càng nhiều người biết, nhiều người xem thì càng tốt. Nhưng chỉ xin một điều, khi có lỡ tay đem về nhà mình thì vui lòng cũng lỡ tay để tên tác giả cũng như là nguồn "cung cấp" dùm. Chỉ mong như thế, không phải muốn nổi danh, có tên có tuổi gì với non sông gấm vóc hay là xưng bá thiên hạ gì cả. 

Ngoài ra, khi chuyển sang nhà mới, blog này vẫn được hoạt động bình thường chứ không hề bị bỏ rơi vào lãnh cung. Xin mời lâu lâu ghé qua thăm em nó chút để em nó không bị tủi thân vì không được bằng chị bằng em.

Xin cảm ơn quý vị đã quan tâm và ghé thăm trang nhà. Chúc tất cả quý vị thật nhiều sức khỏe, luôn an lạc và hạnh phúc.

Mong thay!

Định Phúc

Thứ Tư, 2 tháng 10, 2013

100th Birthday of Somdet Phra Nyanasamvara




100th Birthday of Somdet Phra Nyanasamvara 
Somdet Phra Sangharaja


TIỂU SỬ ĐỨC VUA SÃI PHẬT GIÁO THÁI LAN


Đức Vua Sãi Somdet Phra Nyanasamvara Somdet Phra Sangharaja (Charoen Suvaḍḍhano) (สมเด็จพระญาณสังวร สมเด็จพระสังฆราช (เจริญ สุวฑฒฺโน) là vị Vua Sãi, vị Tăng Thống thứ 19 của Phật Giáo Thái Lan kể từ năm 1989 trong Triều đại của Quốc Vương Bhumibol Adulyadej (Vua Rama IX).
Tên thật của Ngài là: Charoen Khotchawat - เจริญ คชวัตร.
Pháp danh: Suvaḍḍhano - สุวฑฺฒโน.
Danh hiệu chính thức: Somdet Phra Nyanasamvara Somdet Phra Sangharaja (Charoen Suvaḍḍhano) - สมเด็จพระญาณสังวร สมเด็จพระสังฆราช (เจริญ สุวฑฺฒโน)
Danh hiệu đầy đủ: Somdet Phra Nyanasamvara Borommanaritsatammanitiphiban Ariyawongsakhatayanawimon Sakonlamahasangkhaparinayok Tripidokpariyattithada Wisutthachariyathisombat Suwatthanaphithanasangkhawisut Pawachanuttamaphisan Sukhumthammawithanthamrong Wachirayannawongsasiwat Phutthaborisat Kharawasathan Wibunsilacharawattrasunthon Bowonthammabophit Sapphakhanison Mahapathanathibodi Khamawasiaranyawasi Somdet Phra Sangkharat - สมเด็จพระญาณสังวรบรมนริศรธรรมนีติภิบาล อริยวงศาคตญาณวิมล สกลมหาสังฆปริณายก ตรีปิฎกปริยัตติธาดา วิสุทธจริยาธิสมบัติ สุวัฑฒนภิธานสงฆวิสุต ปาวจนุตตมพิสาร สุขุมธรรมวิธานธำรง วชิรญาณวงศวิวัฒ พุทธบริษัท คารวสถาน วิจิตรปฏิภาณพัฒนคุณ วิบุลสีลาจารวัตรสุนทร บวรธรรมบพิตร สรรพคณิศรมหาปธานาธิบดี คามวาสีอรัณยวาสี สมเด็จพระสังฆราช.

Thời thơ ấu:
Somdet Phra Nyanasamvara là vị Vua Sãi thứ 19 của Giáo Hội Tăng Già Phật Giáo Thái Lan từ triều đại của Vua Rama I cho đến nay, sinh vào ngày 03 tháng 10 năm 1913 tại tỉnh Kanchanaburi của Thái Lan, vào lúc 04 giờ sáng (tính theo lịch hiện tại là sang ngày 04 tháng 10). Từ khi còn là một đứa trẻ, Ngài đã tỏ ra là một người thích quan tâm về đạo pháp và thích sống một cuộc sống của người tu sĩ Phật giáo. Người ta nói rằng: khi còn nhỏ, Ngài thích được mặc chiếc y cà-sa và thường hay giảng giải Phật Pháp cho những bạn bè và người thân trong gia đình. Ngài đã hoàn tất chương trình tiểu học tại một ngôi trường gần nhà và sau đó đã được thọ giới Sa-di khi mới 14 tuổi.
Vào những năm đầu của thế kỷ 20, việc giảng dạy và hướng dẫn học Pali tại tỉnh nhà còn khó khăn nên Ngài đi đến một ngôi chùa tại tỉnh Nakhon Pathom, cách quê nhà 70 km. Tại đây, Ngài đã dành trọn 2 năm để học và nghiên cứu môn Pali cũng như là triết học Phật Giáo. Sau đó, Ngài đã chuyển đến Bangkok, tá túc tại Wat Bovoranives – một ngôi chùa nổi tiếng và quan trọng của hệ phái Dhammayuttika của Phật Giáo Thái Lan. Ở tại ngôi chùa này, Ngài đã nghiên cứu hoàn thành đến trình độ Pali 9, trình độ Pali cao nhất trong hệ thống giáo dục của Phật Giáo tại Thái Lan.
Năm 1933, Ngài trở lại ngôi chùa cũ của mình tại quê nhà Kanchanaburi để thọ giới Tỳ-khưu, trở thành vị tu sĩ chính thức trong Giáo Hội Tăng Già của Phật Giáo Thái Lan. Hơn một năm sau đó, Ngài trở lại Wat Bovoranives để thọ giới một lần nữa theo nghi thức của hệ phái Dhammayutt dưới sự chứng minh của đức Vua Sãi thứ 13 của Phật Giáo Thái Lan. Theo sự giải thích của nhiều bậc trưởng lão, lúc bấy giờ các vị tu sĩ đã thọ giới theo nghi thức của hệ phái Mahanikaya sẽ tái thọ giới lại theo nghi thức của hệ phái Dhammayutt là rất phổ biến, bởi vì hệ phái Dhammayutt là hệ phái thuộc Giáo Hội Tăng Già Phật Giáo Thái Lan nhưng nghiêm khắc hơn về vấn đề gìn giữ giới luật cũng như là được sự hậu thuẫn từ Hoàng gia Thái Lan.

Tấn phong chức vụ trong giáo hội:
Sau khi thọ giới cụ túc một cách viên mãn, Ngài Somdet Nyanasamvara nhanh chóng được tiến cử và trải qua nhiều chức vụ trong Giáo Hội Phật Giáo Thái Lan. Theo truyền thống của Thái Lan, mỗi lần vị tu sĩ thay đổi chứ vụ thì chức danh đó sẽ làm thay đổi tên và danh hiệu của vị đó.
Năm 1956, khi được 43 tuổi, tên thường gọi của ngài lúc bấy giờ là Phra Dhammavarabhorn. Khi ấy, ngài được bổ nhiệm làm giám hộ và cố vấn cho Quốc vương Rama IX (Bhumibol Adulyadej) trong nghi lễ của Hoàng gia.
Năm năm sau đó, vào năm 1961, Ngài Somdet Nyanasamvara chính thức trở thành Trụ trì của Wat Bovoranives.
Năm 1972, Ngài được phong tặng danh hiệu Somdet Nyanasamvara, như là danh hiệu thường gọi hiện tại. Đây là một danh hiệu đã không được phong tăng cho bất cứ vị tu sĩ nào hơn 150 năm qua.
Năm 1989, Ngài chính thức được Quốc vương và Hoàng hậu tấn phong lên chức vụ Vua Sãi, vị Tăng Thống tối cao của Giáo Hội Tăng Già Phật Giáo Thái Lan.

Những việc làm của ngài Somdet Nyanasamvara:
Hơn 70 năm từ khi trở thành vị Sa-di và Tỳ-khưu trong Phật Giáo, Ngài Somdet Nyanasamvara đã tổ chức những hoạt động thiết thực trong hệ thống giáo dục của Phật Giáo Thái Lan, Ngài luôn quan tâm đến vấn đề phát triển giáo dục để làm tốt đạo đẹp đời. Ngài đã hỗ trợ rất nhiều trong việc sáng lập và xây dựng nhiều trường học, cũng như tài trợ cho các chiến dịch để xây dựng trường học, chùa chiền và các bệnh viện trong cộng đồng nông thôn.
Với cương vị Trụ trì Wat Bovoranives, Ngài thường xuyên giám sát việc cải tạo, mở rộng những ngôi chùa cỗ, lâu năm có tuổi thọ lên đến vài thế kỷ. Đặc biệt quan tâm đến các kỹ thuật thiền định của các tu sĩ tu thiền lâm ẩn cư, Somdet Nyanasamvara đã hỗ trợ xây dựng một trung tâm nghiên cứu thiền định và hướng dẫn tại Bangkok, Ngài thường thuyết giảng về thiền định và giáo lý Phật giáo vào hai ngày Uposatha mỗi tháng.
Ngài Somdet Nyanasamvara cũng đã hoạt động tích cực trong việc giảng dạy nhiều bài giảng đến cho những người ngoại quốc và những người trong cộng đồng di dân quốc tế tại Thái Lan. Những bài giảng của Ngài được ghi chép lại cẩn thận và được thuyết giảng lại trong cộng đồng người Thái sống xa quê hương, đặc biệt là ở những nơi không được tiếp cận với chùa chiền hoặc tu sĩ Theravada. Những người không phải là người Thái cũng được khuyến khích để nghiên cứu Phật Giáo; Wat Bovoranives được biết đến như là một trong những tu viện ở Thái Lan, nơi mà người phương Tây có thể không chỉ nghiên cứu phật pháp, cũng như xuất gia Tỳ-khưu gieo duyên có thời hạn hoặc là thọ giới Sa-di để thực tập sống cuộc sống của một vị tu sĩ Phật Giáo. Một số sách và các cuộc đàm luận của ngài Somdet Nyanasamvara được dịch sang tiếng Anh, và ngài đã được thỉnh tham gia vào tài trợ cho việc thành lập những tu viện ở nước ngoài.

Thời gian sau này:
Những năm cuối của thập niên 90, sức khỏe của Ngài Somdet trở nên yếu dần theo tuổi tác. Vào đầu năm 1999, Ngài đã ngừng tham dự các cuộc họp của Giáo Hội Tăng già. Các thành viên và cố vấn viên của Giáo Hội Tăng Già Thái Lan có thể hoạt động tiếp tục mà không cần sự lãnh đạo trực tiếp từ ngài Somdet Nyanasamvara.
Đến năm 2003, đức Vua Sãi đã 90 tuổi, Chính phủ và Hoàng gia Thái Lan đã thành lập và bổ nhiệm một Hội đồng các vị tu sĩ để thay mặt Ngài Vua Sãi để trực tiếp lãnh đạo Giáo Hội Tăng Già.
Đầu năm 2004, Đức Vua Sãi Nyanasamvara trở bệnh nặng và phải nhập viện tại Bệnh viện Chulalongkorn ở Bangkok. Ngài phải trị bệnh nội trú tại bệnh viện kể từ đó; trong thời gian đó, Ngài chỉ có 2 xuất hiện công khai bên ngoài các bệnh viện mới nhất trong tháng 10 năm 2005 để ban phước lành tại một buổi lễ tưởng niệm sinh nhật lần thứ 92.
Đến năm 2005, sức khỏe của đức Vua Sãi tiếp tục suy giảm, Somdet Kiaw (được gọi chính thức là Somdet Phutthacharn), Trụ trì Chùa Saket trở thành vị sẽ được tấn phong chức vụ Vua Sãi trong tương lai, nhưng tiếc thay ngài Somdet Kiaw vừa mới viên tịch trong năm 2013, trước lễ kỷ niệm sinh nhật thứ 100 của Ngài Vua Sãi chỉ có vài tháng.
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhật của Đức Vua Sãi Tối Cao trong Giáo Hội Tăng Già Thái Lan, Hoàng gia, Chính phủ, các Tu sĩ và Cư sĩ Phật tử đồng hướng tâm cầu nguyện phước báu và tổ chức nhiều lễ kỷ niệm cũng như là triễn lãm, những buổi lễ cầu nguyện đến cho Đức Vua Sãi được mạnh khỏe, sống lâu trường thọ.

DĪGHĀYUKO HOTU SAṄGHARĀJĀ.