Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2013

Bố thí bữa ăn



- Người bố thí bữa ăn, này các Tỷ-kheo, người thí chủ đem lại cho người thọ lãnh năm điều. Thế nào là năm?
Cho thọ mạng, cho dung sắc, cho an lạc, cho sức mạnh, cho biện tài. Cho thọ mạng, vị ấy được chia thọ mạng chư Thiên hay loài Người. Cho dung sắc, vị ấy được chia dung sắc chư Thiên hay loài Người. Cho an lạc, vị ấy được chia an lạc chư Thiên hay loài Người. Cho sức mạnh, vị ấy được chia sức mạnh chư Thiên hay loài Người. Cho biện tài, vị ấy được chia biện tài chư Thiên hay loài Người. Người bố thí bữa ăn, này các Tỷ-kheo, người thí chủ đem lại cho người thọ lãnh năm điều này.
(Tăng Chi Bộ Kinh 2, Chương Năm Pháp, Phẩm Sumanā, Phần Bố Thí Bữa Ăn, Trang 368)

Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

ĐỪNG HỨA LÈO NHÉ!!!





Hứa, lời nói ra để người khác tin vào mình, nhưng lời hứa chưa chắc hẳn việc làm đó sẽ được thực hiện. Người xưa có nói:
"Nói lời phải giữ lấy lời
Đừng như con bướm đậu rồi lại bay"
Có nhiều người, họ hứa hẹn, thích "nổ" vì sĩ diện và họ thích "nói bằng niềm tin" cho vui vẻ đấy thôi chứ chưa chắc họ làm được điều mà họ vừa nói ra. Lời nói không mất tiền, nhưng lời nói tốt hay xấu, thật hay giả đó đều gọi là khẩu nghiệp.
Khẩu nghiệp bất thiện gồm có 4 là :
1. Nói dối (Musāvāda)
2. Nói ly gián (Pisuṇāvācā)
3. Nói độc ác (Pharusavācā)
4. Nói chuyện phiếm (Samphappalāpa)
Ngược lại với khẩu nghiệp thiện chính là khẩu nghiệp thiện như là không nói dối, không nói ly gián, không nói độc ác và không nói chuyện phiếm.
Hứa lèo hẳn nhiên đó là việc xấu, mà hứa léo, hứa rồi không làm đối với những vị sa-môn xuất gia thì việc làm đó càng tạo ra hậu quả xấu hơn nữa.
Trong cuộc sống, chúng ta thấy có nhiều người họ làm ăn nhưng công việc của họ không được thành công cho mấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thất bại của họ, và một trong những nguyên nhân đó chính là việc lời nói không đi đôi với hành động, nói một đường và làm một nẻo...
Tôn giả Sāriputta bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, ở đây, có hạng người do buôn bán như vậy, đi đến thất bại? Do nhân gì, do duyên gì, bạch Thế Tôn, ở đây, có hạng người, do buôn bán như vậy, không thành tựu được như ý muốn? Do nhân gì, do duyên gì, bạch Thế Tôn, ở đây, có hạng người do buôn bán như vậy, thành tựu được như ý muốn? Do nhân gì, do duyên gì, ở đây có hạng người do buôn bán như vậy, lại được thành tựu ngoài ý muốn?
- Ở đây, này Sāriputta, có hạng người đi đến vị Sa-môn hay Bà-la-môn và hứa hẹn như sau: "Thưa Tôn giả, hãy nói lên điều Tôn giả cần giúp đỡ", nhưng người ấy không cho như đã được hứa. Nếu từ chỗ đấy mạng chung, đi đến chỗ này, dầu cho người ấy có buôn bán gì, buôn bán đi đến chỗ thất bại.
Ở đây, này Sāriputta, có hạng người đi đến Sa-môn hay Bà-la-môn và hứa như: "Thưa Tôn giả, hãy nói lên điều Tôn giả cần giúp đỡ", nhưng người ấy không cho như đã quyết định muốn cho. Nếu từ chỗ đấy mạng chung, đi đến chỗ này, dầu cho người ấy có buôn bán gì, buôn bán ấy không đi đến thành tựu như ý muốn.
Ở đây, này Sāriputta, có hạng người đi đến Sa-môn hay Bà-la-môn và hứa như sau: "Thưa Tôn giả, hãy nói lên điều Tôn giả cần giúp đỡ". Và người ấy cho như đã quyết định muốn cho. Nếu từ chỗ đấy mạng chung, đi đến chỗ này, dầu cho người ấy có buôn bán gì, buôn bán ấy đi đến thành tựu như ý muốn.
Ở đây, này Sāriputta, có hạng người đi đến Sa-môn hay Bà-la-môn và hứa như sau: "Thưa Tôn giả, hãy nói lên điều Tôn giả cần giúp đỡ", và người ấy cho hơn như đã quyết định muốn cho. Nếu từ chỗ đấy mạng chung đi đến chỗ này, dầu người ấy có buôn bán gì, buôn bán như vậy được thành tựu ngoài ý muốn.
Này Sāriputta, đây là nhân, đây là duyên, ở đây, có hạng người do buôn bán như vậy đi đến thất bại. Ðây là nhân, đây là duyên, này Sāriputta, ở đây, có hạng người do buôn bán như vậy, không thành tựu được như ý muốn. Ðây là nhân, đây là duyên, này Sāriputta, ở đây, có hạng người, do buôn bán như vậy, thành tựu được như ý muốn. Ðây là nhân, đây là duyên, này Sāriputta, ở đây, có hạng người do buôn bán như vậy được thành tựu ngoài ý muốn.
(Tăng Chi Bộ  Kinh 1, Chương Bốn Pháp, Phẩm Không Hý Luận, Phầ N Buôn Bán, Trang 708)
Vì thế, khi chúng ta mở lời hứa hẹn một điều gì phải suy nghĩ xem chúng ta làm được chăng? Điều mà chúng ta sắp hứa có nằm trong tầm tay của chúng ta chăng? Đừng vì hãnh diện hão mà quên đi cái hậu quả mà mình sẽ gánh trong tương lai.
Hãy nhìn vào hành động và lời nói của bạn, nhìn vào nghiệp của bạn. Làm lành bạn sẽ gặt quả vui, làm ác bạn sẽ mang quả khổ.



Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2013

NHỮNG "CÔ TU NỮ" DỄ THƯƠNG MÙA SONGKRAN






















Songkran–Tết năm mới của đất nước Thái Lan




Tết năm mới truyền thống của một số nước và dân tộc của Đông Nam Á, như Campuchia, Lào, Mianma, Thái Lan, người Thái ở Nam Trung Quốc và người Khmer Nam Bộ ở Việt Nam là một trong những lễ hội mang tính khu vực và cũng mang tính dân tộc nhất.
Một trong những nơi mà Tết năm mới vừa có một lịch sử lâu đời, vừa có sự thích ứng và hòa nhập cao với những biến đổi của đời sống xã hội, là đất nước Thái Lan.
Từ một huyền thoại
Những ngày hội năm mới của Thái Lan thường rơi vào tháng Tư dương lịch. Cho đến nay, người Thái Lan cũng như người Lào và người Campuchia vẫn còn truyền tụng một huyền thoại gần giống nhau về nguồn gốc Tết năm mới của mình. Huyền thoại kể rằng, xưa kia có một chàng trai thông minh, học giỏi, thậm chí biết cả tiếng nói của chim, tên là Dhammaban. Tiếng tăm về sự tài giỏi của chàng trai bay đến tai thần Maha Songkran (tức thần Brahma, vua của các thần trên thiên giới). Thần đến gặp chàng trai và ra một câu đố để thử tài và cũng để cá cược luôn, nếu trong bảy ngày mà không có câu trả lời đúng thì chàng trai sẽ mất đầu, và ngược lại, nếu có câu trả lời đúng thì vị thần cũng sẽ chịu mất đầu.
Câu đố là: “Niềm hãnh diện của con người ta nằm ở đâu vào buổi sáng, buổi chiều và buổi tối?”. Gần hết bảy ngày rồi mà chàng trai vẫn chưa tìm được câu trả lời. Buồn bã, chàng trai lang thang đây đó và đi vào rừng. Và, khi mệt mỏi nằm mơ màng dưới một gốc cây to, chàng trai nghe thấy đôi vợ chồng chim đại bàng nói chuyện với nhau về cuộc cá cược của bản thân mình. Trong cuộc trò chuyện đó, cô vợ đã nói cho chồng mình câu trả lời. Thế là, đúng ngày hẹn, chàng trai đã trả lời câu đố của vị vua của các thần như sau: “Buổi sáng, niềm hãnh diện của con người nằm ở mặt, vì thế, sáng nào họ cũng rửa mặt; buổi chiều nằm ở thân thể, nên người ta thường tắm vào buổi chiều; còn buổi tối thì nằm ở chân, nên tối nào, trước khi đi ngủ, mọi người đều rửa chân”.
Bị thua, thần Maha Songkran phải chịu mất đầu. Thế nhưng, cái đầu của thần rất linh thiêng và có sức mạnh khủng khiếp: chạm vào đất thì đất bị thiêu cháy, rơi xuống biển, biển sẽ cạn khô… Và, để tránh những thảm họa cho thế giới, thần gọi bảy cô con gái của mình đến và dặn dò: “Các con phải đem đầu của cha cất giữ trong một cái hang của núi Krailas (tức quả núi Kailas của thần Siva). Hàng năm, vào ngày Tết Songkran, một trong số các con đem đầu của cha ra để các thần rước quanh núi cầu may cho con người.”

Tết Songkran-di sản văn hóa của người Thái Lan
Theo như phân tích của các nhà nghiên cứu và như huyền thoại đã mô tả, đầu của thần Maha Songkran chính là hình ảnh của mặt trời; còn cuộc diễu hành rước đầu thần là hình ảnh mặt trời xuất hiện ở những nơi nào đấy của thế giới. Và, thời gian mà mặt trời xuất hiện lộng lẫy nhất là vào mùa xuân ở miền Bắc Ấn Độ, nơi khởi nguồn của truyền thống Songkran. Trong khi đó, ở khu vực Đông Nam Á, tháng Tư dương lịch lại là đỉnh điểm của mùa khô, khi mà mặt trời chiếu sáng trực diện nhất, nóng nhất và sáng nhất. Vào thời gian này, ruộng đồng và các sông suối nhỏ thường khô cạn, còn người nông dân thì nhàn rỗi, không có việc đồng áng để làm. Chính thời gian chuyển mùa này là rất phù hợp đối với người Đông Nam Á tổ chức các lễ hội lớn. Và Tết Songkran là lễ hội lớn nhất và quan trọng nhất.
Vì là Tết năm mới, nên vào mấy ngày trước Tết, mọi nhà, mọi người đã phải làm vệ sinh nhà cửa, làng xóm, đốt hết những đồ bỏ đi. Ai ai cũng tin rằng mọi thứ bẩn thỉu của năm cũ sẽ không tốt đẹp gì cho người ta trong năm mới. Khi buổi sáng ngày đầu của năm mới đến, mọi người đến chùa dâng thức ăn cho các sư, làm lễ tắm tượng Phật và tắm cho vị sư chủ trì ngôi chùa. Lễ tắm tượng Phật là dấu hiệu mở đầu cho hội té nước kéo dài suốt cả ba ngày Tết.
Không phải ngẫu nhiên mà người Thái, người Lào, người Khmer, người Miến gọi Tết năm mới là Hội té nước. Ngoài hội té nước, trong những ngày Tết, mọi người còn ra các bến sông hay vào chùa đắp các tháp cát để làm phúc và tích đức. Theo quan niệm của người dân, xây các tháp cát trong những ngày Tết cũng có được công đức lớn như xây cất chùa tháp thật vào những ngày thường. Do vậy, đắp tháp cát cũng trở thành một hoạt động tưng bừng và vui vẻ như một hội lớn. Trong thời gian gần đây, xuất hiện thêm một hoạt động nữa là thi chọn người đẹp Nang Songkran.
Những ngày Songkran là khoảng thời gian khích lệ từng người phải sống và hành động sao cho đúng với vị thế của mình trong gia đình và ngoài xã hội. Người có tuổi phải làm sao cho xứng đáng với sự tôn kính của những người ít tuổi hơn. Rồi thì qua những ngày Tết Songkran, tất cả trẻ em và những người trẻ có thể tiếp nhận và đánh giá những giá trị truyền thống của người Thái để rồi chọn ra cách tốt nhất để gìn giữ Tết Songkran như một di sản văn hóa của người Thái.
Theo Langvietonline.vn - thethaovietnam.vn

Lời dạy của Đức Phật về nhưng điều không nên làm



Lời nói và hành động có giới hạnh
Là phước báu của người cư sĩ.[1]
Kinh Tập
Trong hai chương trước, Đức Phật đã giới thiệu toàn bộ tiêu chuẩn để đánh giá các quyết định.  Dựa trên cùng tiêu chuẩn đó, Đức Phật liệt kê tám hành động bất hảo sau đây mà chúng ta cần phải tránh.  Trong chương này chúng ta sẽ triển khai xem làm thế nào để tránh bị các hành động bản năng này điều khiển vì chúng rất dễ mang lại khổ đau.
Nói chung, có năm thói quen chánh cần phải tránh, đã được phân loại trong Ngũ Giới.  Nhiều người nghĩ rằng Ngũ Giới là những luật lệ đơn giản, rõ ràng, nhưng khắt khe.  Tuy vậy, khi quan sát kỹ giáo lý quan trọng này của Đức Phật, chúng ta thấy rằng điều đó không phải lúc nào cũng đúng.  Ngũ Giới thường không giống theo cách ta hiểu, vì trong bảng giải thích bằng tiếng Pali, mỗi giới không được trình bày rõ ràng lắm.  Chúng ta sẽ làm sáng tỏ những điều Đức Phật dạy về Ngũ Giới, nhưng trước hết, chúng ta hãy phân tách từng điều lệ trong tám điều theo thứ tự.
1.    KHÔNG SÁT HẠI
Đức Phật luôn dạy chúng ta tránh tước đoạt mạng sống.  Chính xác, hành động này được hiểu như là tấn công bất cứ sinh vật nào –bằng vũ khí hay sức mạnh cơ bắp.  Giới luật đầu tiên trong Ngũ giới bao gồm cả việc giết người và thú.
Lời dạy này có một vị trí quan trọng trong giáo lý của Đức Phật vì Ngài đã kêu gọi chúng ta phải tôn trọng sự sống.  Đối với Đức Phật, bất cứ sự sống nào cũng đáng được coi trọng, nhất là của người và thú vật.  Dĩ nhiên, cuộc sống phải dựa vào sự sống để tồn tại, nhưng Đức Phật không bao giờ cho phép việc diệt hại bừa bãi sự sống.
Những hình thức sát hại nào được bao gồm trong giới này? Nghiên cứu kỹ kinh tạng cho ta thấy “hủy diệt sự sống” bao gồm các hình thức sát hại sau đây.
Theo Đức Phật, giết người là một hành động hủy diệt sự sống.  Không thể chối cãi điều đó.  Đức Phật không bao giờ cho phép  cá nhân hay tập thể sát hại kẻ khác.  Ngài nói, “Ta bảo vệ sự sống của mình, thì người khác cũng quý trọng sự sống, tránh né cái chết, và tìm kiếm hạnh phúc.  Vậy tại sao ta lại giết nhau?”[2]  Với thái độ này, Đức Phật luôn thuyết phục tăng đoàn của Ngài tôn trọng đồng loại, và không bao giờ nên tước đoạt mạng sống của họ.
Việc Đức Phật phản đối hành động giết người dựa trên nhiều yếu tố.  Trước hết là vì Đức Phật quý trọng mạng sống con người hơn tất cả mọi thứ. Ngài nói: “Được sinh ra làm người là một cơ hội hiếm có”.[3]  Trong giáo lý của Đức Phật, mạng sống con người luôn được đề cao vì chỉ có con người mới có thể đạt được Niết Bàn, mức độ cao nhất của sự phát triển nội tâm.  Kế đến, triết lý của Đức Phật cũng không bao giờ chấp nhận cho hành động sát hại, vì nó tạo ra sự sợ hãi và đau đớn.  Dựa trên hai yếu tố này, Đức Phật tuyên bố rõ ràng hành động giết người có nghĩa là hủy diệt sự sống.
Tự tử, theo Đức Phật, là một biểu hiện khác của việc hủy diệt sự sống.  Ngài không tin rằng tự tử là giải đáp cho những vấn đề của con người.  Trong các bài giảng, Đức Phật thường nhấn mạnh đến nghiệp quả của các nỗ lực của con người.  Được có thân người với bao tiềm năng to tát, chúng ta không được chạy trốn các vấn đề, mà phải đối mặt với chúng.  Tự tử là hành động chối bỏ tiềm năng to lớn mà chỉ có con người mới được sở hữu.
Đức Phật là một trong những người đầu tiên chống đối việc tự tử.  Quan trọng hơn nữa, Ngài còn có thể là người đầu tiên ngăn ngừa việc tự tử bằng sự can thiệp tràn đầy lòng bi mẫn.  Khi Rajjumala, một đầy tớ gái, muốn tự tử, Đức Phật đã sẵn lòng giúp đỡ cô.  Cô gái kể với Đức Phật rằng cô đã mất lòng tin nơi cuộc sống vì cô luôn bị chủ hành hạ.  Đức Phật an ủi cô gái, và đến nói chuyện với người chủ của cô.  Ngài biết được cô gái đã bị đối xử như nô lệ.  Đức Phật kiên nhẫn thuyết phục bà chủ nhận Rajjumala làm con nuôi.[4]
Đức Phật xác nhận rằng khuynh hướng tự tử là một trạng thái tinh thần mất quân bình.  Ngài nói, “Bị thúc đẩy bởi ảo tưởng (mucchita), con người tự sát bằng dao kiếm, uống thuốc độc, treo cổ, hay nhảy xuống vực sâu”.[5]   Người có hành động tự tử thiếu sự phán đoán sáng suốt.  Trong những lúc nội tâm bị xáo trộn, ta cần phải phấn đấu để hành động sáng suốt, hơn là tước đoạt mạng sống của mình.
Tuy nhiên trong kinh tạng có kể hai trường hợp đặc biệt ngoại lệ.[6]  Đức Phật đã không trách hai vị đệ tử xuất gia của Ngài khi họ tìm đến cái chết, vì họ mắc những chứng bệnh nan y và phải chịu đau đớn cùng tột.  Hai thí dụ này cho ta thấy cũng có những trường hợp ngoại lệ, nhưng cơ bản là Đức Phật không bao giờ khuyến khích hành động tự tử như là một giải pháp cho những xung đột và vấn đề nội tâm của một con người.  Tự tử hầu trốn tránh vấn đề là hành động hủy diệt sự sống.
Theo Đức Phật, việc giải trí bằng săn bắn, cũng bị coi là hành vi tước đoạt mạng sống.  Đức Phật từ bi không bao giờ chấp nhận việc ta bày tỏ niềm vui khi nhìn thấy một con vật đang đau đớn.  Ngày nọ, trên đường đến thành Savatthi, Đức Phật nhìn thấy đám trẻ đang hành hạ một con rắn.  Ngài nhận thấy động cơ đàng sau hành động tàn nhẫn của đám trẻ là tìm sự vui thú khi nhìn thấy con rắn đau đớn.  Ngài giúp đám trẻ hiểu rõ về tính độc ác trong hành động đó.
Đức Phật đã làm rõ quan điểm của mình khi nói rằng, “Những kẻ giết hại thú vật làm vui sẽ không bao giờ được hạnh phúc.”[7] 
Theo Đức Phật, việc cúng tế thú vật cũng là hành động tước đoạt mạng sống.  Giết thú vật để cúng tế thần thánh là một nghi lễ phổ biến trong thời Đức Phật. Trong những buổi tế thần này, các con thú bị cột hay bị treo trong suốt thời gian buổi lễ diễn ra trước khi bị giết.  Rất nhiều kinh điển cho thấy Đức Phật hoàn toàn chống đối các nghi thức này.

Trong kinh Kutadanta,[8]  Đức Phật trích dẫn một chuyện ngụ ngôn để nhấn mạnh đến sự vô ích và tàn ác trong việc giết thú vật tế thần.  Ngài nhận thấy rằng vua Mahavijita đã có một buổi tế thần long trọng mà không vấy một giọt máu nào.  Đức Phật nói, “Trong buổi tế thần đó, không có một con trâu, dê, gà, chim, hoặc heo bị sát hại.  Với bơ, dầu, sữa, mật và đường, nhà vua cũng đã có phước báu đầy đủ từ các vị thần”.  Kể cả những người hầu của vua Mahavijita “cũng tiếp tục làm nhiệm vụ của họ mà không rơi giọt nước mắt nào” vì không có con thú nào bị giết cả.
Đức Phật đã xác nhận rõ rằng việc giết thú vật trong các nghi lễ vừa lãng phí, vừa là một minh họa cho lòng ác độc của con người.
GIẾT THỊT ĐỂ ĂN THÌ THẾ NÀO?
Một trong những vấn đề tranh cãi triền miên về đạo đức con người, là nếu giết thịt để ăn thì có được chấp nhận không.  Ngày càng có nhiều người khẳng định rằng thú vật không phải là nguồn thức ăn cho con người.  Chúng ta sẽ thấy quan điểm của Đức Phật đối với vấn đề gây tranh cãi này rất lý thú và hữu ích.
Quan điểm của Đức Phật về việc ăn thịt thú vật rõ ràng là dựa vào nhiều yếu tố quan trọng khác.  Ngài cho phép các vị tỳ kheo có thể tiếp nhận thịt, cá nếu họ không chứng kiến con vật bị giết cho họ ăn.  Điều quan trọng là các vị tỳ-kheo không bao giờ tự sửa soạn bữa ăn cho mình.  Mỗi ngày một lần họ mang bình bát đi từng nhà để khất thực.  Họ phải tiếp nhận bất cứ thức ăn gì cúng dường cho họ, thường là một phần thức ăn của gia đình đã tự nấu.
Vào thời đó có rất nhiều thú rừng và dân số quá thưa thớt, nên con người trong xã hội đó ăn chủ yếu là thịt.  Các vị tỳ-kheo không có sự chọn lựa nào ngoài việc phải ăn những gì được cúng dường.  Thí dụ này gợi ý rằng con người có thể dựa vào thịt thú vật để sống khi họ không có chọn lựa nào khác.
Một bài kinh quan trọng trong Tăng Chi Bộ xác nhận quan điểm này của Đức Phật.  Trong bài kinh đó Ngài khuyên các đệ tử tại gia tránh dựa vào nguồn thịt thú vật nếu họ có sức khỏe (viriya).[9]   Điều này dường như muốn nói rằng nếu người có đủ sức khỏe để làm việc thì cần tham gia vào nông nghiệp, hơn là sử dụng những phương thức dễ dàng như giết thú nuôi trong nhà hoặc bẫy thú hoang để ăn. Dĩ nhiên, không phải ai cũng cần trở thành nông gia – nhưng ta có thể sử dụng sức mạnh của mình để làm bất cứ công việc gì phù hợp giúp ta có phương tiện mua hoặc trao đổi các sản phẩm mà nhà nông thu hoạch được.
Như vậy một người bệnh, không tự lực được có thể làm bẫy để bắt thú hoang; nhưng sau khi khỏe lại, người ấy cần phải trở lại với nghề trồng trọt, hay những nghề tương tự.  Trong trường hợp bình thường, dùng súc vật làm nguồn thức ăn là sai, nhưng trong những hoàn cảnh bất khả kháng, mỗi cá nhân có thể quyết định khác đi.

Đức Phật kể trường hợp người thiếu sức khỏe thì có lý do để có thể ăn thịt thú vật, điều đó đúng trong xã hội của thời Đức Phật.  Tuy nhiên, cũng có những hoàn cảnh và xã hội buộc người ta phải sinh sống bằng thịt thú vật.  Thí dụ, những người sống gần Bắc Cực, không thể tìm được bất cứ thu hoạch nông nghiệp nào để sinh sống.  Kết quả là họ đành phải giết và ăn thịt thú để sống còn.  Đức Phật cũng chấp nhận rằng trong trường hợp khó khăn, không thể tìm ra sản phẩm nông nghiệp thì ta có thể sống bằng thịt thú còn hơn là bị chết đói.
Tuy vậy, Đức Phật dạy ta không nên giết thú vật để lấy thịt hoặc mua thịt thú khi các loại thực phẩm khác thì tràn đầy.  Theo Đức Phật, việc tham ăn thịt thú khiến người ta thích giết hại, nhất là khi họ có thể kiếm được bao thức ăn bổ dưỡng khác bằng những phương cách vô hại.
2.    KHÔNG LẤY CỦA KHÔNG CHO
Trong Ngũ Giới, thói quen không nên làm kế tiếp là  adinna + adana veramani, nghĩa đen là, “không nên lấy của không cho”, không trộm cắp.  Tuy nhiên cụm từ Pali này có ý nghĩa rộng rãi hơn định nghĩa theo lệ thường này.
Hợp từ adinna + adana bao gồm sự hối lộ, ăn trộm, ăn cướp, xâm chiếm đất đai, cưỡng đoạt nhà cửa, lừa đảo, hoặc bất cứ mánh khóe nào để có tiền, của cải, hay lợi lộc.
Đức Phật quan sát thấy nhiều hình thái “lấy của không cho” rất thịnh hành trong xã hội thời đó.  Người giúp việc ăn cắp tiền hoặc lấy đồ đạc của gia chủ.  Vợ dối gạt chồng để đoạt lấy gia tài.  Các băng đảng cướp bóc thôn làng và thị thành.  Nhà buôn lường gạt khách hàng, thổ phỉ chặn đường cướp khách vãng lai, những kẻ muốn mau giàu nhận hối lộ.  Rõ ràng là tất cả các hình thức chiếm đoạt sai trái như thế đều bao gồm trong những điều không nên làm.
Đặc tính của hành vi sai trái này là “lấy của không cho bằng cách trộm cắp”.[10]   Hiển nhiên là Đức Phật khuyên các đệ tử của mình kiềm chế không sử dụng các biện pháp như gian dối, tham nhũng, hay cưỡng đoạt tài sản để làm giàu.
3.  KHÔNG TÀ DÂM
Lời khuyên kế tiếp của Đức Phật với hàng đệ tử tại gia là tránh sự tà dâm (kamesu micchacara veramani).  Kamesu có nghĩa “bất cứ hình thức thỏa mãn nhục dục nào”.  Micchacara là một từ ghép có nghĩa “hạnh vi bất hảo”.  Lời khuyên này nhằm hướng dẫn con người thỏa mãn sắc dục như thế nào để điều đó không trở thành là một vấn đề cho họ và người xung quanh.
Như đã nói trước đây, Đức Phật nhìn nhận rằng tính dục là một bản năng mạnh mẽ nơi con người. Ngài bảo cả đàn ông lẫn đàn bà đều chỉ thấy sắc, thinh, hương, hoặc xúc chạm của người mình yêu thích là hấp dẫn hơn cả.[11]  Bản năng thỏa mãn tình dục của con người quá mạnh mẽ, nên Đức Phật ban những lời khuyên để hàng đệ tử tại gia có thể kiềm chế dục vọng của họ.
Dưới đây chúng ta sẽ nói qua những hoạt động tình dục mà Đức Phật khuyên ta nên tránh.

Không Chung Thủy
Trong kinh Sigalovada, Đức Phật dạy rằng trong một mối liên hệ gắn bó, cả hai người đều phải làm tròn bổn phận và trách nhiệm đối với nhau.  Và cả hai cần tránh tìm kiếm những mối quan hệ khác.
Tuy vậy, sự trung thành đối với nhau đó dường như còn tùy điều kiện. Không phải khi đã bắt đầu có mối liên hệ gắn bó với nhau là người nam hay người nữ đó đã được định đoạt là phải tùy thuộc vào nhau mãi mãi.  Sự vô trách nhiệm, thiếu chung thủy và không làm tròn bổn phận của một đối tượng, cho phép người kia chấm dứt mối liên hệ và tìm đối tượng khác.  Câu nói sau đây của Đức Phật hỗ trợ cho ý tưởng này:
Người vợ không nên xem thường [na atimannati] một người chồng nhiệt tình, phấn đấu [để thành đạt], thỏa mãn nhu cầu của vợ, và luôn chăm sóc vợ mình.[12]
Câu này cho ta thấy sự gắn bó cần được hỗ tương.  Trong xã hội thời Đức Phật, đàn ông có trách nhiệm tạo ra của cải.  Đức Phật khuyên họ phải siêng năng và phấn đấu để thành công.  Họ cũng phải sử dụng tiền của để chăm sóc và cung cấp tiện nghi cho vợ con.  Người vợ không được xem thường một người chồng có trách nhiệm như thế.
Điều đó cũng có nghĩa là người vợ có quyền xem thường một người chồng bê tha, không có chí phấn đấu để thành công, lãng phí thời gian, và bỏ bê bổn phận đối với vợ.  Người vợ có quyền tự do tìm một người bạn đời khác trong trường hợp người chồng quá thiếu trách nhiệm đối với vợ và gia đình.
Dĩ nhiên, không phải là Đức Phật khuyên người chồng hay vợ có thể tìm kiếm những mối quan hệ ngoài hôn nhân khi người phối ngẫu không làm tròn trách nhiệm.  Mà Đức Phật muốn nhắc nhở rằng việc tìm một đối tượng có trách nhiệm vẫn tốt hơn là trung thành với một người vô trách nhiệm.  Đức Phật cho cả người nam lẫn người nữ, quyền tự do rời bỏ một người vô trách nhiệm và lựa chọn người tốt hơn.
Tuy nhiên, Đức Phật vẫn khẳng định rằng, khi người vợ hay chồng có trách nhiệm và chung thủy, thì người phối ngẫu phải hết lòng duy trì mối quan hệ đó.  Theo Đức Phật, nếu quan hệ với người khác ngoài vợ hay chồng mình là đã phạm vào giới tà dâm.
Dụ Dỗ
Đức Phật cũng xác định sự dụ dỗ – gạ gẫm liên hệ tình dục bằng sự gian trá, hứa xuông, và những đòi hỏi tình dục vô lý – là một hình thức của tà dâm.  Trong kinh Veludvareyya, Đức Phật khuyên các đệ tử tại gia tránh dụ dỗ, rù quyến, đó cũng là một nỗ lực để tránh tà dâm.  Ngài bảo người nam hãy so sánh cảm giác của họ với người khác bằng cách sau đây: “Tôi ghét những người quyến rũ vợ tôi. Như vậy, người khác cũng ghét tôi quyến rũ vợ họ”.[13]  Đức Phật giải thích rằng phương cách so sánh này sẽ giúp họ dễ dàng hiểu được sự dụ dỗ, quyến rũ là tà dâm.
Cưỡng Dâm
Một hình thức khác của tà dâm là việc sử dụng sức mạnh để giao cấu.  Dạng tà dâm này bao gồm bất cứ sự cưỡng hiếp nào, thí dụ như hiếp dâm, cưỡng bức, quấy rối tình dục, vân vân.  Đức Phật không bao giờ chấp nhận việc sử dụng bạo lực.  Tất cả mọi hành động của con người phải vô hại đối với người khác.  Cưỡng dâm là hành động vi phạm nguyên tắc quan trọng nhất này.
Đức Phật cho rằng người cư sĩ nếu gìn giữ để tránh phạm tội cưỡng dâm thì đó là một dấu hiệu tiến bộ.[14]   Trong các thí dụ mà Đức Phật đưa ra cho ta thấy nam giới dễ phạm vào những hành động sai trái này.  Họ mon men tiếp cận với các thiếu nữ độc thân hay người đã có gia đình được sự bảo vệ của người khác,[15] hoặc họ dùng sức mạnh để cưỡng hiếp nạn nhân.[16]  Đức Phật khuyên chúng ta nên tránh những hành động sai trái như thế.  Tóm lại, đối với Đức Phật, bất cứ hành động cưỡng dâm nào cũng đều là tà dâm.
Loạn Luân
Chính vì vậy, Đức Phật cũng xếp loạn luân vào loại tà dâm.  Ngài không chấp nhận hành động loạn luân kể cả khi sự quan hệ tính dục này được đồng thuận.[17]  Dầu việc tránh phạm tội loạn luân là một nguyên tắc xã hội, nhưng Đức Phật tôn trọng nguyên tắc này vì sự ích lợi của nó. Ngài cho rằng hành động loạn luân là một dấu hiệu của sự thoái hóa nơi con người.[18]    Đức Phật khuyên các đệ tử tại gia của Ngài tránh phạm tội loạn luân vì sự kiềm chế này góp phần vào sự tiến bộ của cá nhân cũng như của xã hội.
Lạm Dụng Tình Dục Trẻ Em
Theo Đức Phật, hành động lạm dụng tình dục trẻ em cũng là một dạng của tà dâm.  Ngài phê bình rằng những kẻ lạm dụng tình dục trẻ em hay người thiểu năng còn thấp hèn hơn loài thú vật.[19]  Đức Phật kể rằng ngay cả các con chó đực cũng không giao cấu với các con chó cái còn chưa trưởng thành về tình dục.  Vì thế, bất cứ kẻ nào lạm dụng tình dục trẻ em là đã vi phạm luật lệ đạo đức mà cả đến loài chó cũng tôn trọng.
Quan Hệ Tình Dục Bừa Bải
Một dạng khác của tà dâm, theo Đức Phật, là hành vi phóng túng, buông lung trong tình dục.  Đối với người cư sĩ, Đức Phật luôn khuyên họ tiết chế trong mọi hình thức thỏa mãn nhục dục.  Quá bê tha, phóng túng là một cực đoan; tự hành xác là một cực đoan khác.  Con đường trung dung cũng có thể giúp người cư sĩ thọ hưởng các dục lạc.  Đức Phật sử dụng câu “số lượng vừa đủ” để chỉ sự điều độ trong ăn uống, nhưng điều đó cũng có thể áp dụng cho tất cả mọi hình thái thỏa mãn dục lạc khác, kể cả sự thỏa mãn những ham muốn nhục dục.
Câu “bừa bãi trong tình dục” không thể hiểu một cách đơn giản.  Nó có thể là sự tham gia vào nhiều mối quan hệ tình dục cùng một lúc, đòi hỏi thỏa mãn thái quá nơi người tình, hay hăng say tìm kiếm nhiều phương cách để thỏa mãn nhục dục.  Thái độ của chúng ta đối với tình dục sẽ đề ra giới hạn cho sự điều độ hay buông lung.  Quan điểm sai lầm cho rằng việc không dừng thỏa mãn dục lạc sẽ mang lại hạnh phúc, là nguyên nhân đưa ta đi quá đà.
Rõ ràng là Đức Phật không cho rằng mối quan hệ giữa người nam và nữ chỉ là để sinh con.  Mà Ngài coi mối quan hệ đó là nguồn vui của người cư sĩ.  Điều đó được thể hiện qua lời dạy của Đức Phật, “Người chồng phải bằng lòng, hạnh phúc (santuttho) với vợ mình, chứ không nên tìm đến những người phụ nữ khác”.[20]  Từ santuttho bao gồm ý nghĩa về tình dục.  Sự đòi hỏi về tình dục không phải là điều ta cần luôn đè nén; người cư sĩ có quyền thỏa mãn đòi hỏi đó.  Vấn đề là ta phải biết giới hạn của sự điều độ.
Ngoài ra, việc chung sống trước hôn nhân và đồng tính luyến ái thì sao?  Chúng tôi không tìm được tài liệu gì liên quan đến những vấn đề này trong giáo lý của Đức Phật.  Vì vậy, thái độ thích hợp nhất là đánh giá cả hai vấn đề này theo những nguyên tắc chung mà Đức Phật đã nói đến trong những trường hợp khác.  Như chúng ta đã biết, hành động với ý đồ xấu và hành động đem lại những hậu quả tiêu cực là các tiêu chuẩn chúng ta cần xét đến khi đánh giá.

Một trong những quan niệm vĩ đại nhất trong Phật giáo là sự tự do lựa chọn của một cá nhân.  Do đó, một sự thay thế vô hại cho mối quan hệ tình dục truyền thống giữa nam và nữ dường như không có gì mâu thuẫn với tiêu chuẩn đánh giá hành động mà Đức Phật đã đề ra.
4.     TRÁNH NÓI DỐI
Đức Phật khuyên cộng đồng cư sĩ hãy tránh nói lời không thật với ý định lừa đảo.  “Ý đồ xấu” là điều then chốt cần tránh của giới này.  Chúng ta cần phải quán sát ý nghĩ của mình để tìm ra động cơ ở phía sau việc nói sai sự thật.  Nếu động cơ là để được lợi mình một cách không công bằng hoặc để gây tai hại, thì đó là nói lời gian dối.
Mặc dù thuật ngữ musavada được nhắc đến cả trăm lần trong kinh tạng, nhưng định nghĩa của nó, tương tự như nhiều thuật ngữ khác, luôn ngắn gọn.  Tuy nhiên, qua nhiều đoạn kinh chúng ta có thể đoán được điều Đức Phật thật sự muốn nhắn nhủ trong giới luật này.  Đoạn trích dẫn sau đây là một thí dụ:
Nếu một người làm hại đến quyền lợi của tôi bằng lời gian dối, thì hành động đó thật đáng ghét.  Nếu tôi cũng hành động như vậy, thì hành động của tôi cũng đáng ghét đối với người khác....  Người quán chiếu được như vậy cần tránh lời gian dối (musavada).[21]
Đoạn trích dẫn này cho ta thấy đặc tính của lời nói dối là ý muốn xâm phạm đến quyền lợi của người khác.  Ý đồ xấu và những hậu quả tai hại trước mắt là những yếu tố nổi bật của lời nói dối.  Các kinh cho ta thấy có nhiều loại nói dối gây tai họa lớn, do đó, cần phải tránh.  Dưới đây là tóm tắt của một số loại này.
Báo Cáo Sai Sự Thật
Báo cáo sai sự thật là một hình thức nói dối khác mà Đức Phật khuyên các đệ tử của Ngài nên tránh.  Trong xã hội thời Đức Phật, rất nhiều nhà tư tưởng hăng hái vận động để tìm môn đệ.  Do đó, những người ủng hộ các trường phái tư tưởng khác nhau cố ý xuyên tạc những lời phát biểu của các vị thủ lãnh đối lập, để gây tai tiếng cho các vị này.  Ngay những lời giảng của Đức Phật cũng bị người ta cố tình diễn giải sai lệch để gây tai tiếng cho Ngài.  Ngài cho rằng sự xuyên tạc đó là một hành động bất hảo cần phải tránh.
Buộc Tội Oan Và Khai Man
Sự buộc tội oan và lời khai man là hai hình thức khác của lời nói dối mà Đức Phật khuyên các đệ tử của Ngài nên tránh.  Kinh Mahasihanada[22] cho ta một thí dụ về việc buộc tội oan mà Đức Phật đã phê bình.  Ngài dạy rằng khi nói về việc làm sai trái của ai đó, dù ở nơi công cộng hay chốn riêng tư, thì ta chỉ nên nói “về những gì đã xảy ra”.[23]  Ngài khẳng định rằng việc khai man sẽ gây tai họa cho bản thân người nói cũng như những người xung quanh.  Cả hai hành động này đều là gian dối, ta cần phải tránh phạm vào.
Hứa Xuông
Đức Phật cũng khuyên ta nên tránh những lời hứa không đúng sự thật chỉ nhằm đạt được lợi lộc cho bản thân, vì đó cũng là một hình thức nói dối.  Ngài xếp những kẻ khéo miệng thuộc loại nói dối này.[24]   Người có khả năng giúp đỡ bạn, nhưng viện đủ lý do để thoái thác trách nhiệm đối với bạn, cũng thuộc loại gian dối này.[25]   Nhiều người còn có thể “lừa gạt một vị Bà-la-môn, người tu hành hoặc bất cứ vị thầy tâm linh nào bằng cách nói dối”.[26]  Thí dụ trong trường hợp này là những người đệ tử muốn được thầy nhận dạy thì hứa dối rằng mình sẽ làm tròn trách nhiệm.  Trong tất cả các trường hợp này, ý đồ gian dối thầm kín là đặc tính của lời nói không thật.
Giả Danh
Đức Phật bảo việc giả danh cũng là một hình thức nói dối mà chúng ta cần phải tránh.  Lời nói dối này bao gồm việc đưa ra những thông tin sai lệch về trình độ chuyên môn, khả năng,  thành tích, đức hạnh, hầu đạt được những lợi lộc mà bản thân họ không xứng đáng được hưởng.  Thổi phồng về mức độ chứng đạt tâm linh cũng là một thí dụ của việc giả danh. Theo Đức Phật, sự phát triển nhân cách chưa đầy đủ là nguyên nhân đưa đến hành động này.
Nói Lời Không Thật Với Hảo Ý
Theo Đức Phật, nếu nói lời không thật, với ý định tốt đẹp để phục vụ cho một mục đích lành mạnh, thì hành động đó khả dĩ được chấp thuận.  Đức Phật cũng sử dụng ngay chính sự không thật đó để hướng người nghe đến những quyết định hay hành động thiện hảo (và Đức Phật cũng thường giữ im lặng, như là một cách để không phải nói sự thật, khi việc nói lên sự thật chẳng giúp ích gì cho người nghe).
Thí dụ, Kesi, người nài ngựa, bạch cùng Đức Phật rằng ông ta muốn giết đi mấy con ngựa khó dạy.  Đức Phật liền trả lời rằng Đức Phật cũng sẽ “giết” những người không bao giờ đạt được tiến bộ nội tâm.  Ngạc nhiên về câu trả lời của Đức Phật, Kesi chất vấn lại rằng ông không hiểu tại sao Đức Phật, người đã dạy về lòng từ bi, lại giết người.  Lúc đó Đức Phật giải thích rằng Ngài sử dụng từ “giết” có nghĩa là “bỏ ra ngoài”.[27]  Nói cách khác, Đức Phật đã sử dụng ngay chính lời không thật để thuyết phục Kesi nên thả những con ngựa chứng đó trở lại rừng thay vì giết chúng.
Ngoài ra, cũng có những trường hợp, Đức Phật cố ý nói lời không thật như là một cách để chờ đúng lúc mới nói sự thật.

Một thí dụ rõ ràng là lời bảo đảm của Đức Phật với bà Gotami rằng đứa con đã chết của bà sẽ được làm sống lại.  Nhưng để chữa trị cho đứa bé, Đức Phật bảo bà Gotami phải đem về một nắm hạt cải từ một gia đình chưa bao giờ có người chết.  Đức Phật nhận thấy rằng việc nói sự thật lúc đó (rằng đứa bé đã chết rồi không thể sống lại được) sẽ không ích lợi gì cho bà Gotami vì bà đang quẩn trí.  Với trí tuệ, Đức Phật sử dụng chính điều không thật này như là một cách để trì hoãn việc nói lên sự thật.  Phương cách này đã giúp bà Gotami dần dần chấp nhận cái chết của đứa con với sự tĩnh ngộ.

5.    ĐỪNG ĐỂ RƯỢU LÀM THÂN TÂM ĐIÊN ĐẢO
Giới luật này đã gây nên nhiều tranh cãi.  Một số người tranh luận rằng giới này có nghĩa là sự kiêng cử hoàn toàn tất cả các chất gây say.  Kẻ khác lại cho rằng nó chỉ giới hạn việc uống rượu.  Chúng ta hãy quán xét kỹ giới luật này để tìm ra ý nghĩa đích thực nhất của nó.
Cụm từ Pali để chỉ cho giới luật gây nhiều tranh cãi này là suramerayamaj-japamadatthana veramani.  “Kiêng khem” là ý nghĩa của từ veramani, nhưng những từ đứng phía trước đó mới thật là không rõ ràng và rắc rối.  Đó là một hợp ngữ của năm từ.  Sura, meraya, và majja dường như được dùng để chỉ ba loại rượu mà người ta sử dụng trong thời của Đức Phật.  Pamada, một từ chuyên môn trong Pali mang ý nghĩa “không chú ý,” “lơ đễnh,” hoặc “trì hoản,” nhằm chỉ sự bất lực trong hành động hay suy nghĩ đúng đắn của người say rượu.  Thana có rất nhiều nghĩa, nhưng khi dùng để nói về giới luật này, nó có nghĩa là “có thể gây ra”.  Như thế, nói chung, giới này có nghĩa là “tránh xa những chất say có thể khiến tâm mê muội và thân điên đảo”.
Sự mơ hồ này không chỉ tiềm ẩn trong việc chuyển ngữ, mà còn nằm ngay nơi giới luật.  Liệu có phải ý Đức Phật là khuyên cộng đồng cư sĩ tránh uống rượu, vì nó thường khiến tâm thần bấn loạn, thân thể dã dượi?  Nếu không, liệu có phải Đức Phật chỉ khuyên họ tránh dùng rượu quá độ?  Nói cách khác, Đức Phật cho rằng những hiểm nguy được cảnh báo là do rượu, hay do việc sử dụng rượu quá độ?
Chúng ta nên nhớ rằng Đức Phật không bao giờ áp đặt những luật lệ khắt khe cho hàng đệ tử tại gia của Ngài.  Hơn nữa, vào thời Đức Phật, một số tập tục coi rượu là thức uống thiêng liêng, số khác lại cho rằng rượu cần thiết cho sức khỏe và hạnh phúc. Trong nền tảng xã hội đó, chúng ta khó tin rằng Đức Phật đã quyết liệt cấm hàng cư sĩ hoàn toàn không được sử dụng rượu.  Khi khuyến giáo Sigala, Đức Phật nhắc nhở rằng một người không nên bê tha rượu chè vì sự bê tha này sẽ khiến người đó đánh mất sức khỏe và tiền bạc.[28]   Như vậy, dường như Đức Phật quan tâm nhiều hơn về ảnh hưởng của rượu đối với tinh thần, sức khỏe và của cải vật chất của các vị cư sĩ tại gia.
Như vậy rõ ràng là Đức Phật đề ra giới này để ngăn ngừa các vị đệ tử tại gia thường xuyên uống rượu hoặc uống quá độ, có nghĩa là, bị nghiện rượu.
Lạm Dụng Thuốc
Chúng tôi không tìm thấy tài liệu nào trong các kinh nói về việc lạm dụng các loại thuốc vì hiện tượng này không xảy ra vào thời của Đức Phật.  Tuy nhiên với tình trạng sử dụng thuốc bừa bãi hiện nay, thì cũng giống như việc uống rượu quá độ, chắc chắn là Đức Phật cũng sẽ khuyên các đệ tử tại gia của Ngài tránh xa chúng….
Sử dụng thuốc để chữa bệnh thì không có gì sai trái.  Nhưng dùng thuốc để thỏa mãn ảo giác là một thí dụ của việc vượt quá giới hạn sử dụng phù hợp.
Lạm dụng thuốc cũng là đi ngược lại nguyên tắc chung của Đức Phật trong việc đánh giá một hành động.  Trước đây chúng ta đã nói về tác ý hành động, và kết quả của hành động, cả hai hợp lại sẽ cho ta thấy hành động đó có hiệu quả hay không như thế nào.  Trong vấn đề lạm dụng thuốc, chúng ta chẳng tìm thấy tác ý hay kết quả hành động thiện hảo nào trong đó.
6.    TRÁNH NÓI LỜI CHIA RẼ
Kế đến, Đức Phật khuyên các đệ tử tại gia của Ngài tránh nói lời chia rẽ.  Từ ngữ Pali dùng để chỉ lời nói chia rẽ là pisunavaca.  Pisuna có nghĩa “ác ý, vu khống, cay cú”.  Vaca là lời nói.  Gộp chung lại, pisunavaca có nghĩa là “sử dụng ngôn ngữ để chia rẽ các mối liên hệ”.
Nói dối cũng có thể tạo sự chia rẽ giữa mọi người, nhưng nói dối và pisunavaca thật sự khác nhau.  Vì pisunavaca là lời nói thật hay được phóng đại đôi chút nhắm làm tổn hại một mối quan hệ.  Đức Phật nhận định rằng “nói với đàng kia chuyện mình nghe được ở đây, và nói ở đây chuyện mình nghe được ở đàng kia” là đặc tính của lời nói gây ra chia rẽ giữa mọi người.[29]
Đức Phật khẳng định Ngài là người “dùng lời nói để mang lại sự đoàn kết, hòa hợp”.[30]    Do vậy, Ngài khuyên các đệ tử của mình nên “ưa thích sự đoàn kết, khuyến khích sự đoàn kết, và dùng lời nói để mang lại đoàn kết”.[31]   Ngài luôn bảo họ cần phải tránh sử dụng bất cứ hình thức nào của lời nói mà có thể đe dọa đến sự đoàn kết giữa mọi người.
7.    TRÁNH NÓI LỜI THÔ LỖ
Trong chương 8, chúng ta đã khẳng định rằng giới luật này là điều kiện tiên quyết cho một mối liên hệ lành mạnh.  Tránh nói lời thô lỗ rất quan trọng đến nỗi Đức Phật đã khuyên hàng đệ tử tại gia của mình luôn cẩn trọng trong cách nói năng của mình.
Theo kinh Veludvareyya, ta cần tránh nói lời thô lỗ vì những lời như thế “thật khó chịu và gay gắt đối với người nghe”.[32]  Trái lại, lời nói nhẹ nhàng thì “êm dịu tai nghe và đi thẳng vào trái tim của mọi người”.[33]  Đức Phật tin tưởng mãnh liệt rằng việc sử dụng ngôn ngữ bừa bãi chẳng bao giờ giúp ta tu sửa hành động hay thiết lập được những mối liên hệ lành mạnh nào.

8.  TRÁNH NÓI LỜI PHÙ PHIẾM
Cuối cùng, Đức Phật khuyên chúng ta tập “tránh nói chuyện phù phiếm” trong cuộc sống hằng ngày.  “Nói chuyện phù phiếm” bao gồm nhiều ý nghĩa, trong tiếng Pali đó là samphappalapa.
Theo Đức Phật có sáu loại đối thoại bị liệt kê là chuyện phù phiếm.[34]  Ngài khuyên chúng ta cần nên lưu ý để không phạm vào lỗi này.  Ở đây chúng ta sẽ tóm tắt thế nào là nói chuyện phù phiếm hay samphappalapa.
Nói Không Đúng Thời
Theo Đức Phật, lời nói không hợp hoàn cảnh, không đúng lúc là phù phiếm.  Đức Phật là người luôn nói đúng lúc, hợp thời.  Ngài giải thích rằng, để cho sự trao đổi, đối thoại hoặc góp ý của ta có ý nghĩa, thì ta cần nói đúng thời (kalavadi).
Nói Dối Hoặc Ba Hoa
Nói sai sự thật cũng là một hình thức của lời nói phù phiếm.  Phóng đại, thêu dệt tin tức, sự kiện, đàm tiếu, v.v… cũng thuộc lời nói phù phiếm.  Đức Phật dạy rằng muốn thuyết phục người nghe, chúng ta phải trình bày thông tin chính xác (bhutavadi).
Nói Lời Vô Ích
Lời nói không mang lại lợi ích cho người nói hay người nghe cũng thuộc về loại phù phiếm.  Tự phô trương bằng lời nói, dông dài về chuyện của người, và bàn luận về những đề tài vô nghĩa là vài thí dụ của việc nói lời vô ích.  Ta có thể nói những chuyện này hằng giờ mà chẳng học hỏi hay thấy được ý nghĩa gì.  Trái với nói lời vô ích là việc sử dụng lời nói có ích, mà Đức Phật gọi là atthavadi.
Nói Lời Xúi Giục
Đức Phật còn thêm rằng việc nói lời khiến người nghe sinh tà ý và hành động sai trái cũng thuộc về samphappalapa.  Việc sử dụng lời nói để lôi kéo, xúi giục người nghe thuộc về loại lời nói phù phiếm.  Những lời nói này có thể làm bại hoại tâm trí người nghe và khêu gợi những tình cảm không lành mạnh nơi người ấy.  Dưới ảnh hưởng nặng nề của những lời nói ấy, người nghe có thể nổi lòng tham, khởi tà ý và gây ra tội ác.  Đức Phật khuyên chúng ta hãy dùng lời nói để khuyến khích người nghe hướng đến những ý nghĩ và hành động thiện (dhammavadi) thay vì dẫn dắt họ đi theo con đường ngược lại.
Nói Lời Rù Quến
Giống như nói lời xúi giục người làm chuyện xấu, nói lời rù quến có thể khiến người nghe phạm giới.  Ở đây, Đức Phật cảnh báo cho chúng ta về sự nguy hiểm của việc sử dụng lời nói như một cách để đưa người nghe vào việc phạm giới.  Lời nói để thuyết phục người nghe phạm giới luật và hình thành những thói quen xấu cũng thuộc vào lời nói phù phiếm. Trái ngược lại là việc sử dụng lời nói để khuyến khích người nghe nâng cao phẩm hạnh (vinayavadi).
Sáo Ngữ & Lời Nói Hời Hợt
Cuối cùng, khi lời nói được dùng để diễn tả những tư tưởng thiếu sự sáng tạo, sáo mòn và không có chiều sâu, thì chúng không mang lại lợi ích gì cho người nghe, và chúng cũng thuộc vào loại lời nói phù phiếm.  Trái lại, Đức Phật khuyên ta nên dùng lời nói để bày tỏ những quan điểm, tư tưởng quan trọng (nidhanavati vaca).
Theo Đức Phật, bất cứ lời nói nào thuộc vào sáu loại lời nói trình bày ở trên đều là samphappalapa, hay lời nói phù phiếm.  Những lời nói này vừa vô ích, vừa tai hại, do đó Đức Phật khuyên chúng ta cần phải quán chiếu trước khi mở lời.
TÓM TẮT
Tám hành động nên tránh được thảo luận trong chương này là những điều thực tập quan trọng trong đời sống hằng ngày của người cư sĩ.  Mặc dù ba hành động cuối cùng được kể ra ở đây không bao gồm trong Ngũ Giới, nhưng Đức Phật thường xuyên nhấn mạnh sự quan trọng của việc thực tập chúng hằng ngày.  Ngài đề ra những điều luật này vì chúng sẽ giúp người cư sĩ phát triển những hành vi bên ngoài –thân và khẩu- với hết khả năng của họ.  Sự phát triển cá nhân, ngược lại, sẽ đóng góp cho sự tiến bộ xã hội.
Chú thích:
[1] Câu trích từ: Kinh Tập(Sutta Nipata): Phẩm Culla:  Kinh Mangala 
[2] Tương Ưng Bộ Kinh V:  Sotapatti Samyutta: Kinh Veludvareyya; 1796-1799
[3] Kinh Pháp Cú:  Kệ  182
[4] Vimanavatthu Atthakatha:  Rajjumala Vimana
[5] Tăng Chi Bộ Kinh VII:  Phẩm Avyakata:  Kinh Kodhana
[6] Trung Bộ Kinh III: 144:  Kinh Channovada; 1114-1116;  Tương Ưng Bộ Kinh III:  Khandha Samyutta: Kinh Vakkali; 938-941
[7] Kinh Pháp Cú:  Kệ 131
[8] Trường Bộ Kinh I:  5; 133-141
[9] Tăng Chi Bộ Kinh V:  Phẩm Upasaka:  Kinh Gihi
[10] Tương Ưng Bộ Kinh V:  Sotapatti Samyutta: Kinh Veludvareyya, 1796-1799
[11] Tăng Chi Bộ Kinh I:  Phẩm Cittapariyadana
[12] Tăng Chi Bộ Kinh VIII:  Phẩm Uposatha:  Kinh Dutiyavisakha
[13] Tương Ưng Bộ Kinh V: Sotapatti Samyutta: Kinh Veludvareyya, 1796-1799
[14] Trung Bộ Kinh I: 41:  Kinh Saleyyaka, 379-385
[15] Trường Bộ Kinh II:  16: Kinh Mahaparinibbana; 231-277
[16] Tương Ưng Bộ Kinh IV: Gamini Samyutta: Kinh Pataliya; 1361-1362
[17] Tăng Chi Bộ Kinh V:  Phẩm Nivarana:  Kinh Mataputta
[18] Trường Bộ Kinh III:  26: Kinh Cakkavattisihanada; 395-405
[19] Tăng Chi Bộ Kinh V:  Phẩm Sona:  Kinh Sona
[20] Tăng Chi Bộ Kinh V:  Phẩm Upasaka: Kinh Gihi
[21] Tương Ưng Bộ Kinh V:  Sotapatti Samyutta: Kinh Veludvareyya, 1796-1799
[22] Trường Bộ Kinh I: 8;  151-157
[23] Tăng Chi Bộ Kinh V:  Phẩm Aghata:  Kinh Codana
[24] Trường Bộ Kinh III:  31:  Kinh Sigalovada; 461-469
[25] Như trên 
[26] Kinh Tập:  Phẩm Culla:  Kinh Mangala
[27] Tăng Chi Bộ Kinh IV:  Phẩm Kesi:  Kinh Kesi
[28] Trường Bộ Kinh III: 31:  Kinh Sigalovada: 461-469
[29] Trung Bộ Kinh III: 101:  Kinh Devadaha;  827-838
[30] Trung Bộ Kinh III: 112:  Kinh Chabbisodana; 903-908
[31] Trung Bộ Kinh III: 101:  Kinh Devadaha;  827-838
[32] Tương Ưng Bộ Kinh V:  Sotapatti Samyutta: Kinh Veludvareyya, 1796-1799
[33] Trung Bộ Kinh III: 101:  Kinh Devadaha; 827-838
[34] Như trên

Chuyển ngữ sang tiếng Việt: Diệu Liên Lý Thu Linh và Diệu Ngộ Mỹ Thanh
Theo: thuvienhoasen.org