Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

THÁNH CẦU (MINH THIỆN)



Vì sao người ta chọn nếp sống xuất gia và xuất gia như vậy là để tìm cầu điều gì? Thỉnh thoảng, Đức Phật cũng nêu câu hỏi tương tự cho các đệ tử mình nhằm nhắc nhở các Tỷ-kheo phải luôn nhớ đến chí nguyện và mục đích xuất gia để nỗ lực tinh tấn tu học: 
“Này các Tỷ-kheo, các Thầy không vì mệnh lệnh của vua mà xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Các Thầy không vì mệnh lệnh của kẻ ăn trộm mà xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Các Thầy không vì nợ nần… không vì sợ hãi… Các Thầy không vì mất nghề sinh sống mà xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Nhưng có phải với tư tưởng như sau: ‘Ta bị sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, não áp bức, bị khổ áp bức, bị khổ chi phối. Tuy vậy, ta mong có thể thấy được sự chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này’ mà các Thầy khởi lòng tin, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình?” – “Thưa vâng, bạch Thế Tôn” (1).

Chúng ta biết rằng xuất gia hay “đi tu” tức là chấp nhận sống nếp sống độc thân, không gia đình, không vợ con quyến thuộc, không tài sản sở hữu, nuôi sống chủ yếu dựa vào niềm tin và hảo tâm của người khác, dành trọn thời gian cho việc học tập và thực hành đạo lý giác ngộ của Phật nhằm mục đích đoạn tận khổ đau sinh tử luân hồi hay chứng đắc Niết-bàn. Vì sao mà có quyết định như vậy? Nói cách khác, vì sao người ta không bằng lòng với đời sống hạnh phúc gia đình mà quyết định chọn lối sống xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình? Hẳn là phải có sự khác biệt căn bản trong hai lối sống như vậy? Đức Phật cho chúng ta câu trả lời rõ ràng và đầy đủ về vấn đề này. Trong bài kinh Thánh cầu (Ariyapariyesanasutta) thuộc tuyển tập Trung Bộ, Đức Phật kể lại lý do xuất gia và kinh nghiệm giác ngộ của Ngài – những suy nghĩ ưu tư sâu sắc của Ngài về sự luẩn quẩn khổ đau không lối thoát của đời sống gia đình khiến Ngài quyết tâm xuất gia tìm kiếm con đường giải thoát khổ đau, nhờ đó Ngài đã đạt được mục đích giác ngộ. Với tri kiến của bậc giác ngộ, Ngài gọi đời sống gia đình, tìm kiếm lạc thú thế gian là phi Thánh cầu (anariyapariyesanà) và sự quyết tâm xuất gia, từ bỏ đời sống gia đình, không tham muốn dục lạc là Thánh cầu (Ariyapariyesanà), cùng với những lời giải thích ý nhị về hai lối sống này:


“Này các Tỷ-kheo, có hai sự tầm cầu này: Thánh cầu và phi Thánh cầu.
Này các Tỷ-kheo, thế nào là phi Thánh cầu?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tự mình bị sanh lại tìm cầu cái bị sanh, tự mình bị già lại tìm cầu cái bị già, tự mình bị bệnh… tự mình bị chết… tự mình bị sầu… tự mình bị ô nhiễm lại tìm cầu cái bị ô nhiễm. Này các Tỷ-kheo, cái gì theo các Người gọi là bị sanh? Này các Tỷ-kheo, vợ con là bị sanh; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị sanh; dê và cừu là bị sanh; gà và heo là bị sanh; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái là bị sanh; vàng và bạc là bị sanh. Này các Tỷ-kheo, những chấp thủ ấy bị sanh, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng; tự mình bị sanh lại tầm cầu cái bị sanh. Và này các Tỷ-kheo, cái gì theo các Người gọi là bị già? Này các Tỷ-kheo, vợ con là bị già; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị già; dê và cừu là bị già; gà và heo là bị già; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái là bị già; vàng và bạc là bị già. Này các Tỷkheo, những chấp thủ ấy là bị già, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng; tự mình bị già lại tìm cầu cái bị già. Và này các Tỷ-kheo, cái gì theo các Người gọi là bị bệnh? Này các Tỷ-kheo, vợ con là bị bệnh; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị bệnh; dê và cừu là bị bệnh; gà và heo là bị bệnh; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái là bị bệnh. Này các Tỷkheo, những chấp thủ ấy là bị bệnh, và người ấy lại nắm giữ tham đắm, mê say chúng; tự mình bị bệnh lại tìm cầu cái bị bệnh. Và này các Tỷ-kheo, cái gì theo các Người gọi là bị chết? Này các Tỷ-kheo, vợ con là bị chết; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị chết; dê và cừu là bị chết; gà và heo là bị chết; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái là bị chết. Này các Tỷkheo, những chấp thủ ấy là bị chết, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng; tự mình bị chết lại tìm cầu cái bị chết. Và này các Tỷ-kheo, cái gì theo các Người gọi là bị sầu? Này các Tỷ-kheo, vợ con là bị sầu; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị sầu; dê và cừu là bị sầu; gà và heo là bị sầu; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái là bị sầu. Này các Tỷ-kheo, những chấp thủ ấy là bị sầu, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng; tự mình bị sầu lại tìm cầu cái bị sầu. Và này các Tỷ-kheo, cái gì theo các Người gọi là bị ô nhiễm? Này các Tỷ-kheo, vợ con là bị ô nhiễm; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị ô nhiễm; dê và cừu là bị ô nhiễm; gà và heo là bị ô nhiễm; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái là bị ô nhiễm; vàng và bạc là bị ô nhiễm. Và này các Tỷ-kheo, những chấp thủ ấy là bị ô nhiễm, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng; tự mình bị ô nhiễm lại tìm cầu cái bị ô nhiễm. Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là phi Thánh cầu.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Thánh cầu?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tự mình bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sanh, tìm cầu cái không sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị già, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị già, tìm cầu cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niếtbàn; tự mình bị bệnh… tìm cầu cái không bệnh… tự mình bị chết… tìm cầu cái bất tử… tự mình bị sầu… tìm cầu cái không sầu… tự mình bị ô nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hại của ô nhiễm, tìm cầu cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, như vậy, gọi là Thánh cầu.
Này các Tỷ-kheo, trước khi giác ngộ, khi chưa chứng Chánh Đẳng Giác, khi còn là Bồ-tát, Ta tự mình bị sanh, lại tìm cầu cái bị sanh; tự mình bị già, lại tìm cầu cái bị già; tự mình bị bệnh, lại tìm cầu cái bị bệnh; tự mình bị chết, lại tìm cầu cái bị chết; tự mình bị sầu, lại tìm cầu cái bị sầu; tự mình bị ô nhiễm, lại tìm cầu cái bị ô nhiễm. Này các Tỷ-kheo, rồi Ta suy nghĩ như sau: “Tại sao Ta, tự mình bị sanh, lại tìm cầu cái bị sanh; tự mình bị già… tự mình bị ô nhiễm, lại tìm cầu cái bị ô nhiễm? Vậy Ta, tự mình bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sanh, hãy tìm cầu cái không sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niếtbàn; tự mình bị già, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị già, hãy tìm cầu cái cái không già… tự mình bị bệnh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị bệnh, hãy tìm cầu cái không bệnh… tự mình bị chết, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị chết, hãy tìm cầu cái bất tử… tự mình bị sầu, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sầu, hãy tìm cầu cái không sầu… tự mình bị ô nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị ô nhiễm, hãy tìm cầu cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn. Rồi này các Tỷ-kheo, sau một thời gian, khi Ta còn trẻ, niên thiếu, tóc đen nhánh, đầy đủ huyết khí của tuổi thanh xuân, trong thời vàng son cuộc đời, mặc dầu cha mẹ không bằng lòng, nước mắt đầy mặt, than khóc, Ta cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Ta xuất gia như vậy, một người đi tìm cái gì chí thiện, tìm cầu vô thượng tối thắng an tịnh đạo lộ.
Này các Tỷ-kheo, Ta, kẻ đi tìm cái gì chí thiện, tìm cầu vô thượng tối thắng an tịnh đạo lộ, tuần tự du hành tại nước Magadha và đến tại tụ lạc Uruvela. Tại đây, Ta thấy một địa điểm khả ái, một khóm rừng thoải mái, có con sông trong sáng chảy gần, với một chỗ lội qua dễ dàng khả ái, và xung quanh có làng mạc bao bọc dễ dàng đi khất thực. Này các Tỷ-kheo, rồi Ta tự nghĩ: “Thật là một địa điểm khả ái, một khóm rừng thoải mái, có con sông trong sáng chảy gần, với một chỗ lội qua dễ dàng khả ái, và xung quanh có làng mạc bao bọc dễ dàng đi khất thực. Thật là một chỗ vừa đủ cho một Thiện nam tử tha thiết tinh cần có thể tinh tấn”. Và này các Tỷ-kheo, Ta ngồi xuống tại chỗ ấy và nghĩ: “Thật là vừa đủ để tinh tấn”.
Rồi này các Tỷ-kheo, Ta tự mình bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị sanh, tìm cầu cái không sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn và đã chứng được cái không sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị già, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị già, tìm cầu cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn và đã chứng được cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị bệnh, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị bệnh, tìm cầu cái không bệnh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn và đã chứng được cái không bệnh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị chết, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị chết, tìm cầu cái không chết, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn và đã chứng được cái không chết, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị sầu, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị sầu, tìm cầu cái không sầu, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn và đã chứng được cái không sầu, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị ô nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị ô nhiễm, tìm cầu cái không bị ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn và đã chứng được cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn, khỏi các khổ ách, Niết-bàn. Và trí và kiến khởi lên nơi Ta. Sự giải thoát của Ta không bị dao động. Nay là đời sống cuối cùng của Ta, không còn sự tái sanh nữa” (2).

Như vậy, Đức Phật đã phân định cho chúng ta rõ thế nào là phi Thánh cầu (anariyapariyesanà) và thế nào là Thánh cầu (Ariyapariyesanà). Qua đó, Ngài đã nêu rõ sự luẩn quẩn khổ đau của đời sống gia đình bị trói buộc bởi tập quán mê đắm dục lạc và sự sáng suốt an lạc của đời sống xuất gia không còn bị tham ái và dục vọng chi phối. Lời Phật cũng là câu trả lời rõ ràng và đầy đủ về lý do và mục đích của việc xuất gia. Xuất gia là quyết tâm xa lìa mọi trói buộc dính mắc của đời sống thế gian, tức rời bỏ tâm tham ái đối với những gì bị sanh, bị già, bị bệnh, bị chết, bị sầu, bị ô nhiễm để tìm kiếm cái không bị sanh, không bị già, không bị bệnh, không bị chết, không bị sầu, không bị ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn. Đây là hướng đi của thái độ suy tư chín chắn và sâu sắc về bản chất cuộc đời, bước ngoặt của tâm thức cần cầu giải thoát, xả ly ái thủ, tức sự quyết tâm rời bỏ các ham muốn dục lạc, rời bỏ tâm ái luyến đối với mọi đối 
tượng thuộc bản chất sinh diệt, do nhận thức rõ tính chất bất an khổ não của chúng. Chính vì mục đích cao quý như vậy (Thánh cầu) cho nên Đức Phật khuyên người xuất gia cần phải luôn luôn tự nhắc nhở mình:



Đệ tử bậc Chánh giác,
Không tìm cầu dục lạc,
Dầu là dục chư thiên,
Chỉ ưa thích ái diệt. (3)

“Ái diệt” là đồng nghĩa với khổ diệt, đồng nghĩa với việc thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, do không còn ái luyến đeo bám vào những gì bị sanh, bị già, bị bệnh, bị chết, bị sầu, bị ô nhiễm; do đó cũng được gọi là chứng được vô thượng an ổn khỏi các khổ ách hay đạt đến Niết-bàn.

Chú thích:

1. Đại kinh Thí dụ lõi cây, Kinh Càtuma, Kinh Nalakapàna, Trung Bộ.

2. Kinh Thánh cầu, Trung Bộ.

3. Kinh Pháp cú, kệ số 187.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét