Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2012

Tản mạn về ngày 20 tháng 11

 

 image

Người xưa nói : “ Nhất niên chi kế mạc như thụ cốc, thập niên chi kế mạc như thụ mộc, bách niên chi kế mạc như thụ nhân” ( Sự nghiệp một năm không gì bằng trồng lúa đậu, sự nghiệp mười năm không gì hơn là trồng cây gỗ, sự nghiệp trăm năm không gì bằng đào tạo con người). Đào tạo con người đúng nghĩa là công trình thế kỷ, nhưng để thành tựu một vị Phật phải trải qua 3 a tăng kỳ kiếp, một thời gian dài không thể tính đếm, một công đức tu tập khó thể đo lường. So ra, tu và học trong một kiếp mấy mươi năm đời người thật chẳng đáng là gì cả, nhưng có đi là có đến, thôi, hảy dõng mãnh cùng nhau học và tu, thầy cùng trò hòa hợp thăng tiến để hoàn thành công hạnh trong cái mắc xích ngắn ngủi trên lộ trình hướng về Phật quả.

Những ngày gần 20 tháng 11 trời Sài Gòn thật dễ chịu. Nắng cuối Thu có phần gay gắt vào ban trưa nhưng sáng sớm và chiều trời dịu hẳn, mây cũng gieo chút âm u cho đất trời có phần thi vị của mùa Thu phương Nam . Cứ mỗi năm vào dịp này, một cảm giác nhẹ nhàng ấm áp lại hiện hữu trong tôi. Đến hẹn lại lên, sáng nay những người học trò đáng yêu của tôi( những Tăng Ni giảng sinh Cao cấp Giảng Sư khóa VI ) rồi đến chiều một nhóm Tăng Ni sinh lớp Sơ cấp Phật học Gò Vấp đã hiện diện nơi tệ xá _trú xứ của tôi_với món quà, giỏ hoa tươi kèm theo là những nụ cười hân hoan.

__Chúng con chào sư phụ!!!

Những câu chào hỏi thân thương tôi vẫn thường nghe, nay thấy khác mọi ngày. Ngày nhà giáo mà, cả năm học có một ngày để là dịp học trò biểu lộ sư tri ân. Thiêng liêng là thế mà thân thuộc gần gũi cũng là đây.

         Ngôi tệ xá của tôi không biết đã bao lần đón nhận những bước chân vui tươi háo hức của những Tăng Ni sinh học trò đến thăm thầy. Lần được gọi là đầu tiên có lẽ cũng đã hơn 15 năm, mỗi năm lại có những vị khách mới _những Tăng Ni sinh các trường Phật học nơi tôi đang giảng dạy. Bóng dáng những học trò cũ cũng thưa dần (có vị đã là giáo thọ cùng đứng chung bục giảng với thầy cũ), thay vào đó là những khuôn mặt mới tinh khôi và đầy nhiệt huyết tuổi trẻ. Thôi thì những lời hỏi han rối rít, những câu đùa cợt nhí nhảnh dễ thương có chừng mực, dành cho thầy, cho bạn để cùng nhau đổi lấy những nụ cười. Vui để ngày mai còn tiếp tục tu và học nữa chứ!

          Những giờ lên lớp với viên phấn trên tay, những dòng chữ in trên bảng đen và những ngôn từ phương tiện chuyên chở thông tin làm cầu nối với những bóng áo lam, áo nâu ngồi dưới kia, cả những “sự cố bục giảng”, những tình huống không có trong giáo tài giáo án, đã trở thành những mảng ký ức, có khi thăng hoa thành những nỗi niềm mà người trong cuộc( hay nói trong nghề cũng được) mới cảm nhận được. Ngoài đời người ta vẫn hay dùng chữ “tuổi nghề” để chỉ một ai đó có bề dày kinh nghiệm và thâm niên trong một lĩnh vực, riêng tôi sao thấy mình càng tham gia giảng dạy càng lâu càng phải bổ khuyết thật nhiều thêm nữa, càng phải đào sâu chiêm nghiệm tư duy và hoàn thiện thiện xảo phương tiện hơn nữa.

          Thật cũng nhiều danh xưng mọi người, mọi nơi trân trọng dành cho chúng tôi, là giảng sư, là giáo thọ, giáo thọ sư,… thậm chí có vị trụ trì còn ưu ái trịnh trọng gọi tôi là Pháp sư trong nghi thỉnh sư thăng tòa thuyết giảng. Thôi thì thế nào cũng được, tôi chỉ nghĩ mình đang đem cái sở học cỏn con mà báo ơn Phật Tổ bằng cách phổ biến cùng Tứ chúng. Người đời vẫn dùng từ “thiên chức” để chỉ cho những vai trò thiêng liêng trong cuộc sống : thiên chức làm mẹ, thiên chức làm thầy,…thuật ngữ cuộc sống thì nhiều, chúng tôi chỉ biết mình đang theo gót chân Đức Từ Phụ cố gắng gieo trồng vun xới những hạt giống, những chồi mầm Phật Pháp để Chánh Pháp còn mãi với mai sau. Và như một quán tính, chúng tôi cứ giảng dạy, cứ nghiên tầm, cứ tư duy, quán chiếu và cứ ngày ngày lên bục giảng, như một con người bình thường đã quen những sinh hoạt thường nhật.

          Nhưng có một điều rất thật là tình thương chúng tôi dành cho những Tăng Ni sinh của mình rất đậm, rất lớn. Càng thương quý học trò của mình bao nhiêu, chúng tôi càng kỳ vọng vào các vị bấy nhiêu, và rồi những băn khoăn khi bài giảng chưa chỉnh chu, một thuật ngữ khi chưa cùng học trò khai thác ý nghĩa triệt để và thấu đáo khiến chúng tôi bất ổn trong hạnh nguyện trước Chư Phật Chư Tổ. Bởi học và dạy Phật Pháp thật vô cùng gian nan nếu ai hiểu được ý nghĩa của hai từ này. Thâm nghĩa Chư Phật gởi gắm trong câu Kinh bài Kệ nếu làm cho đồ chúng lệch lạc trong khi lĩnh hội thì tội Phá kiến người truyền trao phải gánh chịu. Thật cẩn trọng chẳng bao giờ thừa!

          Người xưa nói : “ Nhất niên chi kế mạc như thụ cốc, thập niên chi kế mạc như thụ mộc, bách niên chi kế mạc như thụ nhân” ( Sự nghiệp một năm không gì bằng trồng lúa đậu, sự nghiệp mười năm không gì hơn là trồng cây gỗ, sự nghiệp trăm năm không gì bằng đào tạo con người). Đào tạo con người đúng nghĩa là công trình thế kỷ, nhưng để thành tựu một vị Phật phải trải qua 3 a tăng kỳ kiếp, một thời gian dài không thể tính đếm, một công đức tu tập khó thể đo lường. So ra, tu và học trong một kiếp mấy mươi năm đời người thật chẳng đáng là gì cả, nhưng có đi là có đến, thôi, hảy dõng mãnh cùng nhau học và tu, thầy cùng trò hòa hợp thăng tiến để hoàn thành công hạnh trong cái mắc xích ngắn ngủi trên lộ trình hướng về Phật quả.

          “Trước mắt việc đi mãi

          Trên đầu già đến rồi”

                             (Thiền sư Mãn Gíac )

          Nhớ những năm còn là học Tăng ở các Phật Học viện, hồn nhiên vui tươi vì còn đang tuổi ăn tuổi học, nhựa sống tràn trề, cứ tưởng mọi người chung quanh mình cũng đều như thế, thật là cặp “kiếng màu” tuổi trẻ. Thuở đó các vị giáo thọ sư dạy chúng tôi hầu hết đều đã ngoài 50, các vị vẫn lên  lớp đều đặn. Cũng thỉnh thoảng có vị này bị bệnh này, vị khác phải triệu chứng nọ, nghe cũng thương và lo cho quý thầy, nhưng thông và cảm thì vẫn chưa “tới”. Thấm thoát mười năm trôi qua, rồi mười mấy năm nữa, một buổi sáng để ý thấy mình cũng đã lấm tấm muối tiêu, đầu xanh chớm bạc, ngoại tuổi “tri thiên mệnh” rồi còn gì. Lại thêm nay mỡ máu cao, mai lại men gan tăng đột ngột, mốt lại đau gối nhức xương vì thoái hóa khớp,…cũng có hôm tự dưng thấy cơ thể mệt mỏi không hiểu nguyên do, y như bệnh giả đò; thì cũng ngoại ngũ tuần còn gì, làm sao còn “phây phây” như thuở tráng niên được, đời người sanh trụ dị diệt không ai tránh khỏi. Nghĩ lại càng thương những bậc ân sư giáo thọ ngày trước. quả là “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Lại thoáng nghĩ một câu buồn cười : Có khi nào các học Tăng học Ni bây giờ nghĩ về mình như mình đã nghĩ về quý thầy giáo thọ cũ của mình không nhỉ? Mà giả dụ như có thật chắc có lẽ họ sẽ chăm học chăm tu hơn hiện tại, được thế thì tốt quá, vui quá.

          Lại nhớ xa hơn chút nữa, vào năm 1968 1969 gì đó, cái “ngày đầu tiên đi học, em theo mẹ đến trường”, lời bài hát luôn gợi cho tôi một trang ký ức xa xăm. Một buổi sáng đầu Thu, mẹ tôi mặc chiếc áo dài, tôi vai mang một chiếc cặp bằng nhựa áo trắng quần sooc, mẹ nắm tay tôi dẫn đến văn phòng trường tiểu học công đồng X. Tôi thấy rất đông các bà mẹ cũng xúm xít tranh nhau nộp hồ sơ nhập học cho con mình. Mẹ tôi chen vào đám đông, lâu lâu lại quay lại trông chừng tôi. Xong việc, tôi được mẹ mua cho cây cà rem đá mút mút, tê đầu lưỡi lành lạnh thật lạ và thật thích. Ngày đến trường đầu tiên của tôi là thế. Lại thoáng nghĩ, thời điểm đó mẹ có nghĩ một ngày mình sẽ rời mẹ bước vào đời sống xuất gia. Nhưng dù sao mẹ vẫn là bậc thấy đầu tiên của đời mình, “ mẹ dạy cho con tiếng nói quê hương” như ca từ của nhạc sĩ thiên tài họ Trịnh, mẹ dạy con cách cầm đũa, cách mặc áo, cách cảm ơn, xin lỗi, cách đối phó sơ đẳng nhất với những bất lợi cuộc sống. Mẹ_người thầy vĩ đại biết bao!

          Thế rồi hôm nay, tôi vẫn đang bước theo con đường của Bậc thầy vĩ đại nhất của nhân loại_Thầy của trời người : Đức Đạo Sư Từ Phụ Thích Ca, tôi mang trong mình hành trang của bậc thầy vĩ đại đầu đời : người mẹ hiền đã khuất bóng và tiếp tục lộ trình vì đàn em Tăng ni sinh với tinh thần báo ơn với những bậc ân sư trưởng lão đã một thời dày công khai sáng giới thân tuệ mạng.

          Lớp lớp Tăng ni trẻ mới nhập Đạo của tôi, một ngày khai giảng rồi một kỳ bế giảng tốt nghiệp, họ đến rồi ra đi vào những lộ trình cao xa hơn theo từng giai đoạn tu học. Như dòng chuyển lưu vô tận, Phật Pháp vẫn truyền trì qua từng thế hệ.

          Tôi_người lái đò sắp già nua vẫn còn đứng đây, mãi dõi theo bóng những người khách qua sông, mong họ vững bước đăng trình đến những chân trời cao rộng. Sẽ có một ngày sức tàn lực kiệt, có thể do bệnh duyên, hay sức khỏe không còn đảm đương nổi những nhịp chèo, nhưng người lái đò vẫn sẽ mãi vui khi biết rằng những khách sang sông năm nào đã đúng hướng hành trình.

Thiên Hạnh

Sài Thành, 20-11-2012 – PL. 2556

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét