Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2012

MẤT HẠT MINH CHÂU


  • MẤT HẠT MINH CHÂU


  • Canada, ngày 1, tháng giêng, năm 2012
  • Sáng nào tôi cũng có thói quen lên mạng tìm đọc tin tức Phật giáo trước khi bắt đầu các sinh hoạt thường ngày. Có những mẩu tin làm tôi hoan hỷ, tăng trưởng niềm tin. Cũng có những mẩu tin làm tôi thắt ruột, đắng lòng vì một số người làm cho Phật giáo suy đồi, thối giảm nhanh hơn con số 5 ngàn năm. Mẩu tin đọc được sáng nay không làm tôi hoan hỷ, cũng chẳng làm tôi thắt ruột, đắng lòng mà nó làm tôi bàng hoàng, hụt hẩng. Đó là bản cáo phó Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Minh Châu đã ra đi. Tôi rưng rưng nghĩ  thầm vậy là Phật giáo đã mất đi một hạt minh châu!

    Ngài Hòa Thượng Thích Minh Châu viên tịch là một mất mát lớn cho Phật giáo Việt nam. Sự mất mát này để lại trong lòng mỗi người một nỗi đau khác nhau. Tôi không là đệ tử của Ngài. Tôi chưa từng được diện kiến, đảnh lễ Ngài. Nhưng tôi là một kẻ thọ ơn Ngài và cái đau của tôi là cái đau của một người thọ ơn nhưng không còn dịp để báo ơn. Thời còn trẻ, tôi chỉ biết đến Ngài như một viện trưởng trường đại học mà tôi hằng ao ước được bước chân vào học. Hơn ba mươi năm sau khi bắt tay vào dịch những trang kinh nguyên tác bằng Anh ngữ, cần sử dụng bản Việt ngữ của Ngài, tôi mới bắt đầu tìm hiểu về Ngài. Tuổi đời của tôi ít hơn cả hạ lạp của Ngài và tri kiến về đạo, kinh nghiệm về đời của tôi không thể nào so sánh với Ngài. Tôi chỉ dám ngước nhìn Ngài như con kiến nhỏ nhoi ngước nhìn tàng đại thụ. Càng đi sâu vào rừng Tam tạng tôi càng thán phục Ngài. Tôi tự hỏi sao 60 năm về trước có một Thầy Tỳ kheo uyên bác đến như thế. Những trang kinh Ngài dịch đã làm tôi động tâm không ít. Hãy nghe những lời một người Alavī bạch với Đức Thế Tôn qua sự chuyển ngữ của Ngài:

    Bạch Thế Tôn, lạnh là đêm mùa đông, thời gian giữa những ngày tám (trước và sau ngày rằm) là thời gian tuyết rơi, cứng rắn là đất do trâu bò dẫm đạp, mỏng manh là nệm làm bằng lá, lưa thưa là những lá của cây, lạnh là tấm vải cà sa, và lạnh là làn gió thổi.

    Với lối dịch truyền cảm của Ngài tôi cảm nhận được cái cứng của đá nện, cái mỏng manh của tấm nệm làm bằng lá, cái lạnh lùng của tấm vải cà sa cộng thêm làn gió thổi. Từ sự cảm nhận tôi lại thấy thương tâm! Những điều kiện sống như vậy mà Đức Thế Tôn khẳng định mình được an lạc trong khi chúng ta đòi hỏi quá nhiều.

    Những trang kinh Ngài dịch là những ánh sáng toát ra từ một viên ngọc quý dẫn đường cho những ai muốn đi vào con đường bát chánh. Nếu không có những tia sáng này, tôi không thể nào đi sâu vào giáo Pháp và đủ duyên lành để hoàn thành hai quyển sách mà tôi ước ao được gởi đến những người tu Phật, học Phật. Mỗi lần nhìn hình ảnh Ngài trên các trang báo là tôi nhủ lòng phải làm thế nào để được đảnh lễ Ngài, được nói lời tri ân đến Ngài. Bây giờ cơ hội đó không bao giờ đến nữa.

    Tôi không rõ vì sao Ngài có Pháp danh Minh Châu nhưng tôi vô cùng tán thán trí tuệ của vị đã đặt cho Ngài pháp danh này. Ngài đúng là một viên minh châu! Còn nếu như đó là tên Ngài tự gọi thì cũng là đúng pháp vì Phật đã dạy:

    Tín tâm, sống giới hạnh
    Ðủ danh xưng tài sản
    Chỗ nào người ấy đến,
    Chỗ ấy được cung kính. (PCK 303)

    Ngài là người đủ tiêu chuẩn Đức Phật đưa ra để tự xưng mình là kẻ có tài sản và tài sản của Ngài đâu chỉ là một viên minh châu. Ngài có cả thất thánh sản và nơi nào Ngài đến cũng đều được cung kính.

    Và ngày nay chúng ta đã vĩnh viễn mất viên minh châu trân quý này.

    Kính bạch Ngài Hòa Thượng Thích Minh Châu,

    Con xin thành tâm cung kính đảnh lễ Ngài và kính xin dâng Ngài phần phước con đã tạo được do sự học hỏi giáo pháp qua bản kinh Việt ngữ của Ngài. Mong Ngài dù ở cảnh giới nào cũng luôn được an vui và luôn rạng ngời ánh sáng của một viên minh châu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét