Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

HT. Thích Minh Châu: Tri thức uyên thâm, lòng từ chan chứa



image
Cuộc đời của Hòa thượng như một chiếc chiếu trải rộng, không phân biệt hệ phái Nam - Bắc tông, Đại thừa hay Tiểu thừa. Kinh sách, dịch thuật, trước tác của Hòa thượng đều nhằm mục đích duy nhất là trình bày một cách nguyên thủy, trung thực lời Phật dạy.
Trải qua nhiều nhiệm kỳ tại Giáo hội phật giáo Việt Nam, Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu đã có những cống hiến cao quý, có những quyết sách, chiến lược tầm cỡ lâu dài trong việc hoạch định chương trình hoạt động Phật sự, xứng đáng là một danh Tăng của Phật giáo Việt Nam và cũng là người nối những nhịp cầu giữa Phật giáo Việt Nam với thế giới.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu
 
Sinh ra và lớn lên trong gia đình vọng tộc Nho gia tại xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An), ngay từ nhỏ Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu đã có ảnh hưởng sâu đậm tư tưởng và nền giáo dục tri thức tiến bộ. Năm 1940, Hòa thượng đỗ Tú tài toàn phần tại Trường Quốc học Huế và sau đó được bổ nhiệm làm Thư ký Tòa Khâm sứ tỉnh Thừa Thiên. Học trường Tây, làm việc cho Tây và hàng ngày phải chứng kiến những cảnh bất công, vô nhân đạo của chế độ phong kiến thực dân do Pháp cai trị, Hòa thượng đã thể hiện rõ tư tưởng yêu nước, thương dân. Làm việc được 1 năm, Hòa thượng xin nghỉ và tham gia các phong trào Thanh niên Phật giáo lúc bấy giờ.
 
Năm 1951, Hòa thượng xuất dương du học tại Ấn Độ và Sri Lanka. Trong quá trình học tập tại nước ngoài, Hòa thượng liên tiếp đỗ đạt các văn bằng như cử nhân Pali, Anh văn, thủ khoa cao học về Pali, Abhidhamma và là người Việt Nam đầu tiên đỗ tiến sĩ Phật học, văn học Pali tại Ấn Độ. Năm 1957, biết tin Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm chính thức Ấn Độ, từ Trường Đại học Bihar, vượt hơn 400 cây số trong đêm, Hòa thượng đến Thủ đô New Delhi để gặp Người. Từ cuộc gặp lịch sử đó đã tác động sâu sắc đến tư tưởng và tình cảm của Hòa thượng đối với Tổ quốc, dân tộc.
 
Trở về nước sau thời gian tu học ở nước ngoài, Hòa thượng sáng lập và phát triển nhiều cơ sở đào tạo Phật học trong nước, trong đó có Viện Đại học Vạn Hạnh - tiền thân của Học viện Phật giáo Việt Nam ngày nay. Khi đất nước được thống nhất, trước những khó khăn sau chiến tranh và âm mưu của các thế lực thù địch muốn chia rẽ, phá vỡ khối đại đoàn kết Phật giáo, Hòa thượng cùng với chư tôn Hòa thượng Thích Trí Thủ, Hòa thượng Thích Thiện Hào, Hòa thượng Thích Thế Long, Hòa thượng Kim Cương Tử, Hòa thượng Thiện Châu, Hòa thượng Từ Hạnh, Hòa thượng Thích Thanh Tứ, Hòa thượng Hiển Pháp thành lập Ban Vận động thống nhất Phật giáo, chính thức thành lập nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Hòa thượng Thích Minh Châu trong một chuyến công tác tại Triều Tiên

Ở cương vị nào dù là Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hội đồng trị sự, Trưởng ban Quốc tế Trung ương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Phật giáo Châu Á vì hòa bình (ABCP), Chủ tịch Trung tâm ABCP Việt Nam, Trụ trì Tổ Đình Tường Vân, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế; Đại biểu Quốc hội các khoá: VII, VIII, IX, X.... nhưng Hòa thượng vẫn dành nhiều thời gian để dịch thuật và biên soạn hàng trăm tác phẩm có giá trị học thuật cao, là tài liệu học tập và nghiên cứu Phật học cho các thế hệ tăng ni, tín đồ Phật giáo.
 
Với những cống hiến cho đạo pháp và dân tộc, Hòa thượng Thích Minh Châu đã được Nhà nước, UBTƯ MTTQ Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các cấp chính quyền tặng nhiều Huân, huy chương cao quý như Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Đại Đoàn Kết, Huân chương Hồ Chí Minh...
 
Cuộc đời của Hòa thượng như một chiếc chiếu trải rộng, không phân biệt hệ phái Nam - Bắc tông, Đại thừa hay Tiểu thừa. Kinh sách, dịch thuật, trước tác của Hòa thượng đều nhằm mục đích duy nhất là trình bày một cách nguyên thủy, trung thực lời Phật dạy, đó là giáo lý giải thoát mà Hòa thượng đã thuyết giảng hơn 70 năm không biết mệt mỏi, như nhạn bay xa không lưu lại dấu tích.
 
Đúng vào mùa Vu Lan năm nay, Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu đã nhẹ nhàng xả báo thân. 95 năm hiện diện ở cõi Ta Bà, hơn 70 năm phục vụ cho đạo pháp và dân tộc, Hòa thượng đã mở trường trong đạo ngoài đời để đào tạo hàng ngàn tăng ni, phật tử hữu danh cho "Hoa đời hoa đạo đua nhau nở”.

Theo Đại đoàn kết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét