Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

Một sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho chư thiên và loài người

dan-sanh1

Một thời, Thế Tôn  trú ở Sàvatthi, rừng Jetavana, dạy các Tỷ kheo:

Một người, này các Tỷ kheo, khi xuất hiện ở đời, đem lại hạnh phúc và an lạc cho số đông, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người. Một người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, bậc A la hán, Chánh đẳng giác.

Một người, này các Tỷ kheo, khi xuất hiện ở đời, là xuất hiện một người vi diệu, khó gặp được ở đời. Một người, khi xuất hiện ở đời, không hai, không có đồng bạn, không có so sánh, không có tương tợ, không có đối phần, không có người ngang bằng, bậc tối thượng giữa các loài hai chân. Một người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, bậc A la hán, Chánh đẳng  giác.

Sự xuất hiện của một người, này các Tỷ kheo, là sự xuất hiện của mắt lớn, là sự xuất hiện của đại quang, là sự xuất hiện của đại minh, là sự xuất hiện của sáu vô thượng, là sự chứng ngộ bốn vô ngại giải, là sự chứng ngộ quả Dự lưu, Nhất lai, Bất lai và A la hán.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 1, phẩm Một người, phần Như Lai [lược], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr 46)

 

LỜI BÀN:

Lâm Tỳ Ni ngày Thế Tôn đản sanh thật huy hoàng, tráng lệ. Trên trời, chư thiên trỗi nhạc, tung hoa. Mặt đất rúng động. Chim chóc ca hát. Cây cối nở hoa. Lòng người vô cùng hoan hỷ. Một đám rước linh đình, xa giá đưa thái tử hồi cung trong niềm hân hoan tột bậc của vương triều và thần dân Ca Tì La Vệ.

Ngài ra đời dưới cội Vô ưu, nơi không phiền muộn. Hoa sen tinh khiết không vướng lụy trần nâng bảy bước chân Ngài ca khúc khải hoàn “thiên thượng thiên hạ duy ngã vi tôn”, bậc tôn quý trong trời đất. Chỉ có bậc Bồ tát Nhất sanh bổ xứ, thị hiện Đản sanh, thành Phật mới đủ phước đức và thần lực làm nên sự kiện hi hữu này.

Ngài xuất hiện ở đời, thế giới reo vui, tin lành đến vạn nẻo. Thần dân không hề có lo sợ, không có cuộc bố ráp hay vây bắt nào và không có trẻ em nào sanh cùng thời bị giết hại… Chỉ có những nụ cười trên môi khi tin lành Đản sanh truyền đến, ngoại trừ những giọt nước mắt già nua, quéo quắt trên mặt tiên nhân A Tư Đà. Vừa cười lại vừa khóc, vì A Tư Đà mừng cho tương lai của thái tử và tủi phận mình kém phước không trụ thế đến ngày diện kiến Thế Tôn.

Không lâu sau, dưới cội Bồ đề, bên dòng sông Ni Liên Thiền, ngài trở thành đấng Giác ngộ. Chư thiên lại vui  mừng tấu nhạc. Ma Ba Tuần và dân ma sợ hãi. Các đạo sĩ khổ hạnh ngỡ ngàng. Xa lìa dục lạc và khổ hạnh, tránh xa hai cực đoan, Ngài thực hành trung đạo và nỗ lực thiền quán. Rồi đạo lớn được tìm ra, Bồ Đề đạo tràng sáng lòa trong hào quang của Tam minh. Với Lậu tận minh, tuệ giác quét sạch mọi vi tế phiền não và chấp thủ, Ngài chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Thế Tôn, bậc tôn quý nhất, đấng Giác ngộ duy nhất,  tối tôn ở đời. Bởi chỉ có thành tựu tuệ giác vô ngã, kết quả của thiền quán mới dẹp tan vô minh, vượt ra khỏi mọi sự kềm tỏa của ác ma, giải thoát hoàn toàn mọi chi phối của phiền não, sanh tử. Thế Tôn là bậc Thiên nhân sư, thầy của trời người. Không chỉ loài người được ân hưởng tuệ giác Bát nhã soi đường hướng đến và chứng đạt giải thoát mà ngay cả Thiên chủ, vị thần linh tối thượng cùng với thiên chúng cũng đều quy ngưỡng, nương tựa.

Ngày nay, nhân loại đều ghi nhận những giá trị tuệ giác của Đạo Phật trong việc thiết lập hòa bình. Hóa giải những mâu thuẫn, xung đột trong nội tâm mỗi cá nhân, các đoàn thể, cộng đồng, sắc tộc, tôn giáo và các quốc gia trên toàn thế giới đang là nhu yếu vô cùng quan trọng. Cội rễ của những xung đột, tranh chấp, nguồn gốc của mọi khổ đau đều phát xuất từ ý niệm tự ngã, chấp thủ cái tôi, nói chung là mọi quan điểm, tư tưởng hữu ngã. Vì thế, vô ngã là tuệ giác vĩ đại có thể cứu tinh cho nhân loại và một người vượt thoát ngã chấp, thấy rõ như thật về tính Không của vạn pháp, thành tựu tuệ giác vô ngã, xóa sạch tham sân si và chấp thủ, xứng đáng được trời người xưng tán, Thế Tôn.

Quảng Tánh

Nguồn: GNO

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

Ý NGHĨA NGÀY RẰM THÁNG TƯ VESĀKHA (TK. Định Phúc)

 

 

clip_image002

Theo Tam Tạng Kinh điển của Phật giáo Nam truyền Theravāda, ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ tát Đản sanh, Bồ tát Thành đạo và đức Phật viên tịch Níp bàn. Ba sự kiện trọng đại, tuy khoảng cách thời gian khác nhau, nhưng xảy ra đều trùng hợp vào đêm rằm tháng tư, đúng theo ý nguyện của Đức Phật Gotama. Cho nên, tất cả mọi người Phật tử từ những bậc xuất gia đến các hàng tại gia cư sĩ trên toàn thế giới, đều lấy đêm rằm tháng tư, làm ngày lễ cúng dường Đức Phật, gọi là: “Vesākhapūjā”.

Trở lại lịch sử cách đây hơn 25 thế kỷ, đức Thế Tôn, vị thầy của nhân thiên đã xuất hiện giữa Trung Ấn Độ để sau này trở thành một bậc Vĩ Nhân mở đầu cho một kỷ nguyên an lạc và giải thoát.

Ngày rằm tháng tư cách nay 2636 năm, tại khu rừng Lumbinī (nay thuộc xứ Nepal), khoảng giữa kinh thành Kapilavatthu và kinh thành Devadaha, Đức Bồ Tát Thái tử Siddhattha đản sinh kiếp chót từ lòng bà chánh cung Hoàng hậu Mahāmayadevī của Đức vua Suddhodana thuộc dòng dõi Sakya.

Vị Bồ-tát khi sanh ra, Ngài đứng vững, thăng bằng trên hai chân, mặt hướng phía Bắc, bước đi bảy bước, một lọng trắng được che trên. Ngài nhìn khắp cả mọi phương, lớn tiếng như con ngưu vương, thốt ra lời như sau:

Aggohamasmi lokassa,

Jeṭṭhohamasmi lokassa,

Seṭṭhohamasmi lokassa,

Ayamantimā jāti,

Natthidāni punabbhavo’ti.

"Ta là bậc tối thượng ở trên đời.

Ta là bậc tối tôn ở trên đời.

Ta là bậc cao nhất ở trên đời.

Nay là đời sống cuối cùng.

Không còn phải tái sanh ở đời này nữa".[1]

Thái tử Siddhattha lớn lên trong cung vàng điện ngọc với ba tòa lâu đài nguy nga tráng lệ cùng những phi tần, vũ nữ múa hát ngày đêm, nhưng vẫn không quên được chí nguyện giải thoát từ bao kiếp quá khứ, Ngài luôn suy tư về cuộc đời và lo âu về một con đường nào đó có thể giải thoát sự đau khổ, đem chúng sanh ra khỏi ngục tù u mê của thế gian

Bỏ lại phụ vương đã lớn tuổi, bỏ lại người vợ đẹp, đứa con thơ chưa bít được mặt, bỏ lại sau lưng ngai vàng đế vương, Ngài đã vượt hoàng thành trong đêm tối, quyết chí xuất gia tầm đạo. Đánh đổi áo mũ cân đai, lụa là gấm vóc để nhận lấy những cái gọi là khắc nghiệt nhất, đau khổ nhất, Ngài thực hành phương pháp ép xác tu khổ hạnh trong sáu năm ròng rã nơi rừng vắng hoang vu. Và rốt cuộc, Ngài phải từ bỏ nó, Ngài khám phá ra con đường Trung đạo – Majjhimapatipadā, con đường có tám chi phần có thể đưa chúng sanh thoát ly dòng sanh tử.

Vào canh chót đêm rằm tháng tư cách nay 2501 năm, tại cội đại Bồ Đề trong khu rừng Uruvela (nay gọi Bodh Gaya xứ Ấn Độ), tỉnh Senanigama, Đức Bồ Tát Siddhattha chứng đắc thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác có danh hiệu Đức Phật Gotama vào năm Ngài được 35 tuổi.

Mười ngàn thế giới chúng sinh từ mặt đất lên đến cõi sắc giới phạm thiên tột đỉnh, chư thiên, phạm thiên vô cùng vui mừng, hoan hỷ thốt lên lời: Sādhu! Sādhu! (Lành thay! Lành thay!). Tiếng hoan hô vang dội khắp toàn cõi 10 ngàn thế giới chúng sinh. Toàn thể mười ngàn thế giới, chư thiên, phạm thiên đem những phẩm vật cao quý và những đóa hoa xinh đẹp cúng dường đến Đức Phật và tán dương ca tụng Đức Phật bằng hàng ngàn bài kệ.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tự thuyết ở trong tâm bằng hai bài kệ rằng:

153- Anekajātisaṃsāraṃ,           

Sandhāvissaṃ anibbisaṃ.

Gahakāraṃ gavesanto,  

Dukkhājāti punappunaṃ. 

153. Lang thang bao kiếp sống

Ta tìm nhưng chẳng gặp,

Người xây dựng nhà này,

Khổ thay, phải tái sanh.

154- Gahakāraka! diṭṭho’si,

Puna gehaṃ na kāhasi.

Sabbā te phāsukā bhaggā,      

Gahakūtaṃ visaṅkhataṃ.

Visaṅkhāraṃ gataṃ cittaṃ,

Taṇhānaṃ khayamajjhagā”.

Ôi! Người làm nhà kia

Nay ta đã thấy ngươi!

Người không làm nhà nữa.

Ðòn tay ngươi bị gẫy,

Kèo cột ngươi bị tan

Tâm ta đạt tịch diệt,

Tham ái thảy tiêu vong.[2]

Trong vô số lượng kiếp, Như Lai còn lặn lội tìm kiếm người thợ cất nhà thì sự sanh đã khiến Như Lai đau khổ không ngừng. Này người thợ nhà kia, ngươi đã bị Như Lai khám phá ra rồi, đừng hòng cất nhà cho Như Lai được nữa, sườn nhà, nóc nhà đã bị Như Lai phá vỡ và triệt hạ, tâm Như Lai hoàn toàn vô hành, vô nhiễm.

Hai bài kệ cảm ứng tự thuyết ở trong tâm, đó là Phật ngôn đầu tiên của Đức Phật  (Paṭhamabuddhavacana).

Sau khi chứng quả Chánh Biến Tri (Sammāsambuddho) thay vì an hưởng quả vị siêu thoát một mình, nhưng với lòng từ bi vô lượng thúc đẩy Ngài không nỡ để cho chúng sanh chìm ngập khổ sầu mãi trong biển lệ trầm luân, nên Ngài nỗ lực suốt 45 năm trường đem đạo vàng truyền bá khắp nơi, nhằm một mục đích duy nhất là đem lại hạnh phúc và giải thoát cho chư Thiền và nhân loại.

Mỗi ngày đêm, Đức Phật luôn tinh tấn không ngừng hành năm phận sự gọi làBuddhakicca: Phận sự của Đức Phật.

Phận sự buổi sáng trước khi độ ngọ (purebhattakicca).

Mỗi buổi sáng đến giờ đi khất thực, có khi Đức Phật ngự đi khất thực một mình để tế độ chúng sinh nào đó, có khi Đức Phật ngự cùng với chư Tỳ khưu Tăng đi vào xóm, vào kinh thành để khất thực. Khi Đức Phật thọ thực xong, có số dân chúng thỉnh Đức Phật thuyết pháp, có số xin thọ phép quy y Tam Bảo thọ trì ngũ giới…, có số xin Đức Phật cho phép xuất gia, xong rồi Đức Phật ngự trở về chùa.

Phận sự sau khi độ ngọ (pacchābhattakicca).

Sau khi giảng dạy hoặc kêu gọi chư vị đệ tử, Đức Phật lui về tịnh thất. Nếu muốn, Ngài nằm nghiêng mình bên mặt và định thần một lát. Lúc dậy, Ngài nhập Đại Bi Định (mahākaruṇāsamāpatti) và dùng Phật nhãn quan sát thế gian, nhất là các vị tỳ khưu đã đi vào rừng sâu hành thiền nơi vắng vẻ và các vị đệ tử khác ở xa, để hướng dẫn và khuyên dạy. Nếu có một vị ở xa cần được hỗ trợ, Ngài dùng thần thông bay đến nơi để tế độ rồi trở về tịnh thất.

Phận sự canh đầu đêm (paṭhamayāma).

Đức Phật giáo huấn chư Tỳ khưu, có số Tỳ khưu hỏi về pháp, về luật; có số Tỳ khưu xin thọ pháp hành thiền định, pháp hành thiền tuệ; có số Tỳ khưu nghe pháp. Qua hết canh đầu, chư Tỳ khưu đảnh lễ Đức Phật trở về chỗ ở của mình.

Phận sự canh giữa đêm (majjhimayāma).

Đức Phật cho phép Chư Thiên, Phạm Thiên trong 10.000 thế giới đến hầu Ngài, đảnh lễ xong đứng một nơi hợp lẽ, bạch hỏi pháp. Đức Phật giảng giải những câu hỏi của Chư Thiên, Phạm Thiên xong, hết canh giữa, Chư Thiên, Phạm Thiên đảnh lễ Đức Phật trở về cảnh giới của mình.

Phận sự canh chót đêm (pacchimayāma).

Đức Phật phân chia canh chót làm ba thời:

Thời đầu: Đức Phật đi kinh hành.

Thời giữa: Đức Phật ngự vào cốc Gandhakuṭi nghỉ ngơi, nằm nghiêng bên phải, có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác, định giờ tỉnh dậy.

Thời chót: Đức Phật nhập thiền đại bi, khi xả thiền, quán xét chúng sinh trong 10.000 thế giới bằng Phật Nhãn Tuệ, xem xét chúng sinh nào đã có gieo duyên lành với Ngài, hoặc đã từng tạo ba-la-mật từ Chư Phật quá khứ đến kiếp hiện tại này, có khả năng chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, Ngài ngự đến để tế độ chúng sinh ấy, dầu ở gần hay xa, trong thế giới này hay thế giới khác.

Có khi Đức Phật ngự cùng với chư Tỳ khưu du hành khắp mọi nơi để tế độ chúng sinh có duyên lành nên tế độ. Mỗi ngày, mỗi đêm Đức Phật hành đầy đủ năm phận sự ròng rã suốt 45 năm cho đến phút giây cuối cùng tịch diệt Níp bàn.

Đến ngày rằm tháng tư, Ngài được 80 tuổi, Thế Tôn cùng chư Tỳ khưu ngự đến khu rừng Sālā xứ Kusinārā của Hoàng tộc Malla, để tế độ vị Đạo sĩ Subhadda, bậc Thanh Văn đệ tử cuối cùng của Đức Phật, bởi vì ngoài Ngài ra, không có một vị nào có khả năng tế độ vị Đạo sĩ Subhadda được.

Vào canh chót, Đức Phật gọi Đại đức Ānanda khuyên dạy rằng:

Này Ānanda, trong số các con, nếu có người nào nghĩ rằng: “Đức Thế Tôn tịch diệt Niết Bàn rồi, chúng ta không còn Đức Tôn Sư”, thì các con chớ có nên nghĩ như vậy.

Đức Phật dạy rằng:

Yo vo Ānanda, mayā dhammo ca vinayo ca desito paññatto, so vo mamaccayena satthā.

Này Ānanda, Pháp và Luật, Ta đã giảng dạy và trình bày, sau khi Ta diệt độ, chính Pháp và Luật ấy sẽ là Ðạo Sư của các Ngươi.[3]

Sau đó, Đức Thế Tôn một lần nữa nhắc nhở khuyên bảo các hàng Thinh Văn đệ tử lần cuối cùng rằng:

Handa dāni bhikkhave āmantayāmi vo, vayadhammā saṅkhārā, appamādena sampādetha.

Này các Tỷ-kheo, nay Ta khuyên dạy các ngươi: "Các pháp hữu vi là vô thường, hãy tinh tấn, chớ có phóng dật".[4]

Lời dạy này của đức phật là lời dạy cuối cùng của ngài (Pacchimabuddhavacana) dành cho các đệ tử như là lời di huấn tối hậu.

Đức Phật có danh hiệu Đức Phật Gotama là Bậc Cao Cả nhất, Bậc Vĩ Đại nhất, Bậc Tối Thượng nhất trong toàn cõi thế giới chúng sinh, đã tịch diệt Níp bàn.

Như vậy ngày Rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Níp bàn.

Ngày nay, cứ mỗi mùa trăng tròn tháng Tư, hàng triệu tín đồ Phật giáo trên khắp thế giới đều hướng tâm về đức Phật. Ngài đã viên tịch Níp bàn, nhưng ân đức của Ngài vẫn còn mãi theo dòng thời gian. Tuy Đức Phật đã tịch diệt Níp bàn cách đây 2556 năm rồi, song Giáo pháp của Ngài vẫn còn được tồn tại đầy đủ trọn vẹn 84000 pháp môn cho đến ngày nay.

Nhân dịp Đại lễ Tam hợp, kinh chúc chư tôn đức Tăng pháp thể khinh an, thân tâm thường lạc, Phật sự viên thành và trí đạo viên mãn. Kính chúc quý Phật tử một mùa lễ hội Rằm tháng Tư thật an lành và tràn đầy phước báu.


[1] Trường bộ kinh 1. Kinh đại bổn.

[2] Pháp cú kinh 153-154.

[3] Trường bộ kinh 1. Kinh đại bát níp bàn.

[4] Trường bộ kinh 1. Kinh đại bát níp bàn.

Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2012

LỜI TỤC TỬ (Văn Thùy)

5

Em đi tu? Thật vậy sao?


A đi đà phật, thảo nào bưởi chua...


Từ ngày em quét sân chùa

Cau nhà tôi cứ mất mùa liên miên

Em ăn mày oản cửa thiền

Tôi thành hành khất, lụy duyên cõi đời

Nam mô Bồ Tát trên giời

Thỉnh chuông ngộ mũ ni người hờn duyên

Cổng chùa xin tiểu lỏng then

Kẻ trần tục dễ lẻn lên thăm chùa

Cái gì mà chẳng hư vô

Sao em tìm mõ trốn mùa trầu cau?

Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2012

SỰ GIÁNG SANH CỦA CHƯ PHẬT

04
Hoàng hậu đến cội sala
Thấy nhành xinh xắn tay ngà với vin
Bồ tát lập tức đản sinh
Oai hùng như vị Pháp sư rời tòa
Bước đi bảy bước lạ kỳ
Hoa sen nâng gót tiên tri mấy lời
"Chúng sanh khắp cõi sa bà
Chỉ ta quý nhất hơn là nhân thiên
Kiếp này đoạn tuyệt nhân duyên
Dứt dòng sanh từ triền miên luân hồi"

Nói về sự giáng sanh của chư Phật, thì bất cứ vị Phật Chánh Đẳng Giác nào, dù là ở quá khứ, hiện tại hay vị lai cũng đều có chung những đặc điểm, những sự kiện mà chỉ có những bậc đại bồ tát kiếp cuối cùng giáng sanh để thành phật mới có được.
Trong Trường Bộ Kinh, Đức Phật đã giảng về một số phương pháp thông thường khi một vị đại bồ tát đản sanh khác với một phàm phu bình thường, tức loài người chúng ta. Chẳng những Đức Phật Cồ-đàm (Gotama) trong thời hiện tại mà chư Phật trong quá khứ như Đức Phật Tỳ-bà-thi (Vipassī), Đức Phật Thi-khí (Sikhī), Đức Phật Tỳ-xá-bà (Vesabhū), Đức Phật Câu-lưu-tôn (Kakusandha), Đức Phật Câu-na-hàm (Konāgamana), Đức Phật Ca-diếp (Kassapa)... cũng có một số hiện tượng siêu xuất giống nhau khi các Ngài vừa giáng sanh ra khỏi bào thai của các thân mẫu. Các phương cách đản sanh của chư Phật đều giống nhau như sự xuất hiện của các Ngài giữa thế gian này đã cảm ứng đến thế giới chư thiên và các loài khác; các Ngài đều giáng sanh dưới gốc cây giữa thiên nhiên bao la; các Ngài đều từ hông mẹ bước ra và tuyên bố các Ngài là bậc tối thượng trong tam giới; các Ngài đều có hảo tướng với 32 tướng tốt và 80 tướng phụ và thông điệp của các Ngài ở đời là cứu khổ cho chúng sanh. Đức Phật diễn tả cụ thể phương pháp đản sanh của chư Phật trong quá khứ và hiện tại qua hình ảnh đầy màu sắc của Bồ Tát Tỳ-bà-thi và thân mẫu của ngài.
Bồ-tát Vipassī, sau khi từ giã cảnh giới Ðâu-suất thiên, chánh niệm tỉnh giác nhập vào mẫu thai. Này các Tỷ-kheo, pháp nhĩ là như vậy. Khi Bồ-tát Vipassī từ giã cảnh giới Ðâu-suất thiên, chánh niệm tỉnh giác nhập vào mẫu thai, khi ấy một hào quang vô lượng, thần diệu, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra cùng khắp thế giới, gồm có các thế giới ở trên chư Thiên, thế giới của các Ma vương và Phạm thiên và thế giới ở dưới gồm các vị Sa-môn, Bà-la-môn, các vị hoàng tử và dân chúng. Cho đến các cảnh giới ở giữa các thế giới, không có nền tảng, tối tăm, u ám, những cảnh giới mà mặt trăng mặt trời với đại thần lực, đại oai đức như vậy cũng không thể chiếu thấu, trong những cảnh giới ấy một hào quang vô lượng, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra. Và các chúng sanh sống tại những chỗ ấy, nhờ hào quang ấy mới thấy nhau và nói: "Cũng có những chúng sanh khác sống ở đây". Và mười ngàn thế giới chuyển động, rung động, chuyển động mạnh. Và hào quang vô lượng, thần diệu ấy, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra ở thế giới.
Khi vị Bồ -tát nhập mẫu thai, bốn vị Thiên tử đứng canh gác bốn phương trời và nói: "Không cho một ai, người hay không phải loài người, được hãm hại vị Bồ-tát".
Khi vị Bồ-tát nhập mẫu thai, mẹ vị Bồ-tát giữ giới một cách hồn nhiên, không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói láo, không uống các thứ rượu men, rượu nấu.
Khi vị Bồ-tát nhập mẫu thai, mẹ vị Bồ-tát không khởi dục tâm đối với một nam nhân nào, và không vị phạm tiết hạnh với bất kỳ người đàn ông nào dầu người này có tâm ái nhiễm đối với bà.
Khi vị Bồ-tát nhập mẫu thai, mẹ vị Bồ-tát có được năm món dục lạc đầy đủ, tận hưởng, trọn hưởng năm món dục lạc ấy.
Khi vị Bồ-tát nhập mẫu thai, mẹ vị Bồ-tát không bị một bệnh tật gì. Bà sống với tâm hoan hỷ, với thân khoan khoái. Bà thấy trong bào thai của mình vị Bồ-tát đầy đủ mọi bộ phận và chân tay.
Này các Tỷ-kheo, ví như viên ngọc lưu ly, thanh tịnh, thuần nhất, có tám cạnh, khéo cắt, khéo giũa, trong sáng, không tỳ vết, hoàn hảo trong mọi phương diện. Rồi một sợi dây được xâu qua viên ngọc ấy, dây màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng hay màu vàng lợt. Nếu có người có mắt để viên ngọc trên bàn tay của mình, người ấy sẽ thấy rõ ràng: "Ðây là viên ngọc lưu ly, thanh tịnh thuần nhất, có tám cạnh, khéo cắt khéo giũa, trong sáng, không tỳ vết, hoàn hảo trong mọi phương diện. Ðây là sợi dây xâu qua, sợi dây màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng hay màu vàng lạt". Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi vị Bồ-tát nhập mẫu thai, mẹ vị Bồ-tát không một bệnh tật gì. Bà sống với tâm hoan hỷ, với thân khoan khoái. Bà thấy trong bào thai của mình vị Bồ-tát đầy đủ mọi bộ phận và chân tay.
Sau khi sanh vị Bồ-tát bảy ngày, mẹ vị Bồ-tát mệnh chung và sanh lên cảnh trời Ðâu suất.
Trong khi các người đàn bà khác mang bầu thai trong bụng chín tháng hay mười tháng rồi mới sanh, mẹ vị Bồ-tát sanh vị Bồ-tát không phải như vậy. Mẹ vị Bồ-tát mang vị Bồ-tát trong bụng mười tháng trời mới sanh.
Trong khi các người đàn bà khác, hoặc ngồi, hoặc nằm mà sanh con, mẹ vị Bồ-tát sanh vị Bồ-tát không phải như vậy. Mẹ vị Bồ-tát đứng mà sanh vị Bồ-tát.
Khi vị Bồ-tát từ bụng mẹ sanh ra, chư Thiên đỡ lấy Ngài trước, sau mới đến loài người.
Khi vị Bồ-tát từ bụng mẹ sanh ra, vị Bồ-tát không đụng đến đất. Có bốn Thiên tử đỡ lấy Ngài, đặt Ngài trước bà mẹ và thưa: "Hoàng hậu hãy hoan hỷ. Hoàng hậu sanh một bậc vĩ nhân".
Khi vị Bồ-tát từ bụng mẹ sanh ra, Ngài sanh ra thanh tịnh, không bị nhiễm ô bởi nước nhớt nào, không bị nhiễm ô bởi loại mủ nào, không bị nhiễm ô bởi loại máu nào, không bị nhiễm ô bởi bất cứ vật bất tịnh nào, thanh thịnh, trong sạch.
Này các Tỷ-kheo, như viên ngọc ma-ni bảo châu đặt trên một tấm vải Ba-la-nại. Hòn ngọc không làm nhiễm ô tấm vải Ba-la-nại, tấm vải Ba-la-nại cũng không làm nhiễm ô hòn ngọc. Vì sao vậy? Vì cả hai đều thanh tịnh. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo. Khi vị Bồ-tát từ bụng mẹ sanh ra, Ngài sanh ra thanh tịnh, không bị nhiễm ô bởi nước nhớt nào, không bị nhiễm ô bởi loại mủ nào, không bị nhiễm ô bởi loại máu nào, không bị nhiễm ô bởi bất cứ sự vật bất tịnh nào, thanh tịnh, trong sạch.
Khi vị Bồ-tát từ bụng mẹ sanh ra, hai dòng nước từ hư không hiện ra, một dòng lạnh, một dòng nóng. Hai dòng nước ấy tắm rửa sạch sẽ cho vị Bồ-tát và cho bà mẹ.
Vị Bồ-tát khi sanh ra, Ngài đứng vững, thăng bằng trên hai chân, mặt hướng phía Bắc, bước đi bảy bước, một lọng trắng được che trên. Ngài nhìn khắp cả mọi phương, lớn tiếng như con ngưu vương, thốt ra lời như sau:
"Ta là bậc tối thượng ở trên đời.
Ta là bậc tối tôn ở trên đời.
Ta là bậc cao nhất ở trên đời.
Nay là đời sống cuối cùng, không còn phải tái sanh ở đời này nữa".
Khi vị Bồ-tát từ bụng mẹ sanh ra, khi ấy một hào quang vô lượng thần diệu, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra cùng khắp thế giới, gồm có các thế giới trên chư Thiên, thế giới của các Ma vương và Phạm thiên, và thế giới ở dưới gồm các vị Sa-môn, Bà-la-môn, các vị hoàng tử và dân chúng. Cho đến các cảnh giới ở giữa các thế giới, không có nền tảng, tối tăm, u ám, những cảnh giới mà mặt trăng, mặt trời với đại thần lực, đại oai đức như vậy cũng không thể chiếu thấu, trong những cảnh giới ấy, một hào quang vô lượng, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra. Và các chúng sanh sống tại những chỗ ấy, nhờ hào quang ấy mới thấy nhau mà nói: "Cũng có những chúng sanh khác sống ở đây". Và mười ngàn thế giới chuyển động, rung động, chuyển động mạnh. Và hào quang vô lượng thần diệu ấy thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra ở thế giới. [1]
Khi chư Phật vừa đản sanh, đều có các tướng sư và đạo sĩ đến xem tướng và khi thấy các thánh nhân đều có đủ 32 tướng tốt và 80 tướng phụ, đều tiên đoán rằng nếu các ngài xuất gia thì sẽ thành bậc giác ngộ, thầy của trời người.
Tâu Ðại vương, Hoàng tử này có đầy đủ ba mươi hai tướng tốt của bậc Ðại nhân. Ai có đủ ba mươi hai tướng tốt này sẽ chọn hai con đường này thôi, không có con đường nào khác. Nếu sống tại gia đình, vị này sẽ trở thành vua Chuyển luân Thánh vương, dùng chánh pháp trị nước, bình định bốn phương, đem lại an toàn cho quốc độ, đầy đủ bảy món báu. Bảy món báu trở thành vật sở hữu của vị này, tức là xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, gia chủ báu và thứ bảy là tướng quân báu. Vị này có đến hơn một ngàn thái tử, những bậc anh hùng, lực sĩ, chinh phục quân thù. Vị này chinh phục cõi đất này cho đến hải biên và trị nước với chánh pháp, không dùng trượng, không dùng đao. Nếu vị này từ bỏ gia đình, xuất gia sống không gia đình, vị này sẽ thành bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, vén lui màn vô minh che đời.
Paripuṇṇakāyo suruci
Sujāto cārudassano;
Suvaṇṇavaṇṇosi bhagavā
Susukkadāṭhosi vīriyavā.
Thân trọn đủ chói sáng,
Khéo sanh và đẹp đẽ,
Thế Tôn sắc vàng chói,
Răng trơn, láng, tinh cần.
Narassa hi sujātassa
Ye bhavanti viyañjanā;
Sabbe te tava kāyasmiṃ
Mahāpurisalakkhaṇā.
Đối với người khéo sanh,
Những tướng tốt trang trọng,
Đều có trên thân Ngài,
Tất cả đại nhân tướng.
Pasannanetto sumukho
Brahā uju patāpavā;
Majjhe samaṇasaṅghassa
Ādiccova virocasi.
Mắt sáng, mặt tròn đầy,
Cân đối, thẳng, hoàn mỹ,
Giữa chúng Sa-môn Tăng,
Ngài chói như mặt trời.
Kalyāṇadassano bhikkhu
Kañcanasannibhattaco;
Kiṃ te samaṇabhāvena
Evaṃ uttamavaṇṇino.
Đẹp mắt vị tỷ-kheo,
Da sáng như vàng chói,
Với hạnh sa-môn, Ngài
Cần gì sắc tối thượng.
Rājā arahasi bhavituṃ
Cakkavattī rathesabho;
Cāturanto vijitāvī
Jambusaṇḍassa issaro.
Ngài xứng bậc đại vương,
Chuyển Luân, bậc Điều Ngự,
Chiến thắng khắp thiên hạ,
Bậc tối thượng Diêm-phù.
[2]
“Này các tỷ-kheo, vị này có lòng bàn chân bằng phẳng. Tướng này được xem là tướng tốt của bậc đại nhân.
Này các tỷ-kheo, dưới hai bàn chân của vị này có hiện ra hình bánh xe, với ngàn tăm xem với trục xe vành xe, với các bộ phận hoàn toàn đầy đủ...
Này các tỷ-kheo, vị này có gót chân thon dài...
Vị này có ngón tay, ngón chân dài...
Vị này có tay chân mềm mại...
Vị này tay chân có màn da lưới...
Vị này có mắt cá tròn như con sò...
Vị này có ống chân như con dê rừng....
Vị này đứng thẳng, không co lưng xuống có thể sờ đầu gối với hai bàn tay...
Vị này có tướng mã âm tàng...
Vị này có màu da đồng, màu sắc như vàng...
Vị này có da trơn mướt, khiến bụi không thể bám dính vào...
Vị này có lông da mọc từ lông một, mỗi lỗ chân lông có một lông...
Vị này có lông mọc xoáy trong thẳng lên, mỗi sợi lông đều vậy, màu xanh đậm như thuốc bôi mắt, xoáy lên từng xoáy tròn nhỏ, và xoáy về hướng mặt...
Vị này có thân hình cao thẳng...
Vị nầy có thân với các góc cạnh tròn đầy, đều đặn...
Vị này có nửa thân trước như thân con sư tử...
Vị này không có lõm khuyết xuống giữa hai vai...
Vị này có thân thể cân đối như cây bàng. Bề cao của thân ngang bằng bề dài của hai tay sải rộng, bề dài của hai tay sải rộng ngang bằng bề cao của thân...
Vị này có bán thân trên vuông tròn...
Vị này có vị giác rất nhạy bén...
Vị này có quai hàm như con sư tử...
Vị này có bốn mươi cái răng...
Vị này có răng đều đặn...
Vị này có răng không khuyết hở...
Vị này có răng cửa trơn láng...
Vị này có tướng lưỡi rộng dài...
Vị này có giọng nói tuyệt diệu như tiếng chim ca-lăng-tần-già...
Vị này có hai mắt màu xanh đậm...
Vị này có lông mi con bò cái...
Vị này có hai lông mày, có sợi lông trắng mọc lên, mịn màng như bông nhẹ...
Vị này có nhục kế trên đầu...”[3]
Như vậy, chúng ta thấy có rất nhiều điềm cát tường hiện ra khi một bậc vĩ nhân đản sanh. Nếu các Ngài chọn làm tại gia thì sẽ trở thành bậc Chuyển Luân Thánh Vương, trị vì khắp bốn châu thiên hạ với sự giàu có thịnh vượng, của cải vật chất phong phú, binh hùng tướng mạnh và danh tiếng lẫy lừng mà thế gian mong muốn; nhưng các Ngài đã từ bỏ các hạnh phúc ngũ dục đó để tìm một hạnh phúc cao thượng và giải thoát khổ miên viễn cho tất cả chúng sanh, tức là tìm con đường xuất gia học đạo, làm một mẫu mực đạo đức cho thế gian, một bậc thầy của trời người, một bậc tối tôn tối thượng giữa thế gian này. Cho nên sự xuất hiện của các ngài là một điểm sáng cho nhân loại noi theo, để thoát khỏi cảnh khổ trong sáu đạo. Vì thế, thật may mắn và phước báo cho chúng ta gặp được Tam Bảo, được dự lễ Phật đản để chào đón một vĩ nhân, một vị cứu tinh của nhân loại đã ra đời.
Yesaṃ ve dullabho loke
Pātubhāvo abhiṇhaso
Sohaṃ brāhmaṇa sambuddho
Sallakatto anuttaro.
Hỡi này bà-la-môn
Ta, bậc Chánh Đẳng Giác
Bậc Tối Thượng Y Vương
Người xuất hiện như vậy
Thế gian thật hiếm thấy.[4]
Kính chúc quý vị một mùa lễ hội Vesak thật an lạc và tràn đầy phước báu.




[1] Trường bộ kinh 1. Kinh đại bổn.
[2] Sn.548-552
[3] Trường bộ kinh 2. Kinh tướng.
[4] Sn.560

Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

ĐI TU (Văn Thùy)

P2030020

Đập gương, bẻ lược, vào chùa

Chôn son, vùi phấn, trốn mùa trầu cau

Tóc tơ vĩnh biệt da đầu

Má hồng nhuộm lại một màu cánh sen

Em thành tâm tắm suối thiền

Tôi còn bụi bặm lỡ duyên thượng thừa

Em ăn mày oản trên chùa

Tôi thành hành khất bốn mùa yêu chay

Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Ướt nhẹp Tết té nước Thái Lan

 

imageTừ ngày 13 -15/4 toàn đất nước Thái lan đón chào năm mới. Vào ngày này người dân thường nô nức kéo nhau đi lễ chùa, tắm Phật... mong ước điều may mắn cho năm tới.

Một phong tục không thể thiếu trong ngày Tết mà theo tiếng Thái là Rốt-nám-đăm-húa có nghĩa là khi con cháu đến chúc tết cha mẹ thì đổ một ít nước thơm trong một chiếc chậu nhỏ bằng bạc có thả các loại hoa thơm vào tay cha mẹ, sau đó cha mẹ xoa nước đó lên đầu con cháu chúc điều tốt lành.
Không chỉ những người Thái Lan đón chào năm mới mà có hàng trăm ngàn người trên khắp thế giới tới đây để hòa chung vào không khí lễ hội, đặc biệt là lễ hội té nước trong dịp năm mới.
Mời các bạn đón xem lễ hội té nước tại khu Khaosan, nơi tập trung nhiều khách du lịch nhất Bangkok ngày đầu tiên của năm mới.

 

Sáng sớm, người dân làm lễ thắp hương cầu may mắn.

Một chiếc xe được trang trí rực rỡ cho buổi diễu hành quanh Bangkok.

Phố Khaosan tràn ngập mầu sắc.

Những điệu múa Thái.

Tắm Phật, phong tục cổ truyền Thái Lan.

Một nhà sư vẩy nước thơm may mắn.

Lễ diễu hành.

Và sau những nghi lễ truyền thống là té nước.

Càng té nước nhiều càng may mắn.

Ai cũng vui vẻ tham gia.

Theo quan niệm, nước đem lại sự sống và chính nước sẽ gột rửa hết mọi ưu phiền xấu xa để tất cả bắt đầu hồi sinh, bắt đầu làm lại bằng sự sạch sẽ, tinh khôi.

Những người qua đường cũng không thoát khỏi cảnh bị té nước.

Một du khách người Úc tham gia với khẩu súng khá to được mua với giá 500bath ( khoảng 350ngàn VNĐ).

Những túi nilon tránh cho điện thoại, ví tiền bị ướt được bán rất nhiều.

CTV Minh Quân/VOV online

Nguồn: VOV online

Lễ tang hoành tráng của công chúa Thái Lan

 

Nhà vua Thái Lan cùng hàng nghìn binh sĩ và người dân trong sắc phục đen tham dự lễ hỏa táng cho công chúa Bejaratana Rajasuda Sirisobhabannavadi, người qua đời cách đây hơn nửa năm.

Hôm thứ hai, lễ hỏa táng công chúa Bejaratana Rajasuda Sirisobhabannavadi đã được tổ chức với nghi thức trang trọng ở Sanam Luang, thủ đô Bangkok. Sanam Luang là một quảng trường hình ô van lớn, nằm ngay trước Cung điện Hoàng gia, được dùng làm chỗ hỏa táng các nhân vật hoàng tộc Thái Lan.

The royal chariot carryiesthe royal urn of Thai Princess Bejaratana Rajasuda Sirisobhabannavadi during the ancient rites of the royal cremation ceremony at Sanam Luang in Bangkok on April 9, 2012

Chiếc xe vàng lộng lẫy chở bình tro cốt của công chúa Bejaratana Rajasuda được 200 người đàn ông kéo qua đường phố Bangkok, thu hút sự chú ý của đông đảo người dân và các phương tiện truyền thông trong, ngoài nước. Các hãng tin của 170 nước trên thế giới đã truyền hình trực tiếp lễ tang này.

The royal chariot carryiesthe royal urn of Thai Princess Bejaratana Rajasuda Sirisobhabannavadi during the ancient rites of the royal cremation ceremony at Sanam Luang in Bangkok on April 9, 2012

Công chúa Bejaratana Rajasuda là người con gái duy nhất của nhà vua Rama VI và là người chị thân thiết với quốc vương đang trị vì của Thái Lan. Bà qua đời vì bệnh nhiễm trùng máu vào tháng 7/2011 ở tuổi 85.

This handout photograph taken and released by the Royal Bureau on April 9, 2012 shows Thai King Bhumibol Adulyadej (r) preside at the royal cremation of Thai Princess Bejaratana Rajasuda Sirisobhabannavadi at Sanam Luang in Bangkok.

Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej (phải) lần đầu xuất hiện sau hơn hai năm nằm viện với vai trò người chủ trì lễ hỏa táng cho công chúa Bejaratana Rajasuda Sirisobhabannavadi.

Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra (phải) và đại diện quân đội Thái Lan, tướng Prayut Chan-O-Chaparade diễu hành với nét mặt nghiêm trang trong lễ hỏa táng công chúa Bejaratana Rajasuda Sirisobhabannavadi.

Thai Princess Maha Chakri Sirindhorn (C) parade during the royal cremation of Thai Princess Bejaratana Rajasuda Sirisobhabannavadi at Sanam Luang in Bangkok on April 9, 2012. Thai Princess Bejaratana, the first cousin of Thai King Bhumibol Adulyadej, was admitted to Bangkok's Siriraj Hospital on July 13 for bloodstream infection and passed away on July 27, 2011 after her condition worsened

Công chúa Thái Lan Maha Chakri Sirindhorn (giữa) cũng tham dự diễu hành trong lễ hỏa táng công chúa Bejaratana Rajasuda.

Thai soldiers dressed in ancient traditional uniforms pull the royal chariot carrying the royal urn of Thai Princess Bejaratana Rajasuda Sirisobhabannavadi during the ancient rites of the royal cremation ceremony at Sanam Luang in Bangkok on April 9, 2012

Lễ diễu hành có sự tham gia của hàng nghìn binh sĩ Thái Lan.

Các binh sĩ mặc quân phục truyền thống.

Thai soldiers walk of the royal chariot carrying the royal urn of Thai Princess Bejaratana Rajasuda Sirisobhabannavadi (not seen) during the ancient rites of the royal cremation ceremony at Sanam Luang in Bangkok on April 9, 2012.

Các binh sĩ Thái Lan trong quân phục màu xanh.

Thai royal guards fire artillery to salute during the royal cremation for late Princess Bejaratana Rajasuda Sirisobhabannavadi at Sanam Luang in Bangkok on April 9, 2012

Buổi lễ hỏa táng công chúa Bejaratana Rajasuda thêm phần trang trọng với màn bắn 21 phát súng đại bác do các binh sĩ thực hiện.

Thai people attend the royal cremation of Thai Princess Bejaratana Rajasuda Sirisobhabannavadi at Sanam Luang in Bangkok on April 9, 2012.

Hàng nghìn người dân Thái Lan mặc sắc phục đen tập trung hai bên đường để theo dõi lễ diễu hành và tưởng nhớ công chúa Bejaratana Rajasuda.

Anh Ngọc (Ảnh: AFP)

Nguồn: http://phatgiaonguyenthuy.com

 

Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012

Chiếc áo tâm linh

 

Bạn trẻ với những dấu hỏi

Tôi nhận thấy gần đây, ngày càng nhiều bạn trẻ rủ nhau đi chùa, làm từ thiện và phát tâm quy hướng Tam bảo. Là thành viên trong nhóm Phật tử trẻ, tôi vô cùng hạnh phúc trước lòng mộ đạo trong giới trẻ đang ngày càng khởi sắc. Sự quy hướng Tam bảo đã ảnh hưởng tích cực lên nhân cách đạo đức của các bạn cũng như đi sâu vào từng nếp sống thiện lành ở mỗi gia đình. Để có sự kết nối rộng rãi này, internet và điện thoại di động… là một trong những phương tiện hỗ trợ dẫn dắt Phật tử chúng tôi có điều kiện tiếp xúc với chùa chiền, chư vị xuất gia cũng như giao lưu, học hỏi lẫn nhau.

SONG DAO 1.jpg

Các vị Sa-di Myanmar thích thú với laptop.

Thế nhưng, song song với mặt tích cực tu học, nhiều bạn trẻ thường để tâm chú ý đến đời sống tu sĩ khá nhiều và không ngần ngại phê phán người tu hành, nhất là với các vị xuất gia trẻ tuổi. Các bạn cho phép mình phản ảnh đủ điều từ hành vi đến cuộc sống riêng tư của các vị. Khi thì bạn thắc mắc vì sao “một số nhà tu ở chùa với các tiện nghi… sang quá”. Có bạn thì lấy làm khó chịu khi thấy vị sư trẻ dùng điện thoại đời mới cùng chiếc xe tay ga hiện đại. Tệ hại hơn, việc hoàn tục của vị tu sĩ nào đó cũng được các bạn quan tâm, bình luận và mổ xẻ một cách gay gắt trong sự thiếu cảm thông.

Nói chung, phần nhiều thời gian các bạn dành cho việc bàn luận bày tỏ ý kiến, đánh giá với lời lẽ luôn phàn nàn, khó chịu trước những gì các bạn nhìn thấy. Các bạn cùng nhau tự do lên tiếng mà quên mất, mỗi một bình luận được đưa ra (nhất là được truyền tải nhanh đến chóng mặt trên internet, các mạng xã hội) vô tình góp phần làm xấu đi hình ảnh chung của người tu.

Vì sao? Vì “Chiếc áo không làm nên thầy tu”. Hẳn bạn đã hiểu nghĩa câu nói này. Trong bối cảnh đời sống xã hội phát triển như hiện nay, những ngôi chùa hoặc tịnh thất trang nghiêm đẹp đẽ, những chiếc xe máy (hoặc xe hơi) cùng điện thoại đời mới hiện đại…, mọi cái mà bạn thấy, tất cả là “chiếc áo” để các người tu làm phương tiện tu tập và hành đạo, hoàn toàn không mấy liên quan và gần như không hề ảnh hưởng gì nhiều đến tư cách cá nhân của các vị ấy.

Hơn ai hết, các vị ấy luôn ý thức điều đó. Vậy, các bạn trẻ chúng ta đừng quá lo lắng và xét nét mà vô tình mạo phạm đến những vị tu sĩ, bậc thầy tâm linh của mình. Vì tu hành là việc của tâm linh, không phải việc của hình thức. Mọi phương tiện vật chất chỉ là phương tiện hỗ trợ công việc hoằng hóa của các vị được tốt hơn mà thôi. Khi đời sống con người ngày càng phát triển thì nhu cầu học hỏi, thính pháp, giao lưu của Phật tử bá tánh càng được nâng cao. Không thể căn cứ vào hình thức thanh bần hay hiện đại để xác định một vị chân tu đích thực. Vậy, có nên tồn tại mọi thắc mắc, thẳng thắn tỏ bày quan điểm nơi hàng đệ tử chúng ta về các phương tiện, vật dụng cần thiết của quý thầy, quý cô - những điều buộc phải có, phải dùng cần thiết cho tu học và hành đạo?

Tăng sĩ ngày nay chắc chắn phải khác với đời sống Tăng sĩ ngày xưa. Người tu ở thị thành đương nhiên lại không giống những vị tu hành ẩn dật nơi núi non, hành trang được gói gọn trong ba tấm y và một bình bát. Tu sĩ ngày nay không nhất thiết cứ phải cần đến hình thức thanh bần dung dị, tối giản mọi phương tiện vật dụng cần thiết trong đời sống. Vì trong chừng mực nào đó, thiếu những điều kiện cần này sẽ là một bất lợi lớn cho việc hoằng pháp, hành đạo của các vị, khi xã hội vốn đầy ắp phương tiện truyền thông, con người luôn cần sự kết nối, giao lưu, làm việc v.v…

Vai trò tâm linh

Đối với các vị tu sĩ, mọi vật phẩm cúng dường không phải hễ muốn là được. Không hẳn bất cứ vị tu sĩ nào cũng được cúng dường đầy đủ các vật dụng. Đó là phước báu riêng của mỗi vị được hình thành từ quá trình dày công tu tập nhiều đời hôm nay mới hiện hữu. Khi tín chủ dâng cúng, các vị tùy duyên thọ nhận. Song quan trọng đối với các vị, những phương tiện ấy chỉ là “vật ngoài thân”, hầu hết các vị ấy không quá lệ thuộc vật chất như chúng ta.

Người tu có phước đức thì từ không thành có. Như Trí Giả đại sư từ chối mọi quyền lợi, cung kính, ẩn dật trong vùng đầm lầy Học Tuyền nhưng đức hạnh của ngài khiến  vua Tùy Dạng đưa binh lính đến tận vùng hẻo lánh ấy xây chùa cho ngài. Điều này trong kinh Pháp Hoa (phẩm Pháp sư thứ 10) có dạy nếu tu ở chỗ vắng, Phật khiến hóa nhân đến nghe pháp, cúng dường.

Vậy nên, đừng nhìn qua những tiện nghi bề ngoài mà đánh giá phẩm chất người tu hành. Dẫu một lúc nào đó hay một phương diện nào đó các vị có thể sơ suất, hạn chế về tư cách hay ứng xử nhưng vẫn hơn gấp vạn lần chúng ta bằng chính con đường các vị đã chọn: đời sống xuất gia. Một đời sống hướng thượng mà người thế tục chúng ta không thể so sánh khi từng ngày, từng giờ các vị dũng cảm đương đầu với bao thử thách, từng bước tạo dựng sự nghiệp tu tập, chuyển hóa phiền não, tập khí và bản năng của con người mà hình thức “đầu tròn áo vuông” cũng chưa nói lên được điều gì.

SONG DAO 2.jpg

Là người con Phật, hẳn các bạn biết rằng, trước hết, mỗi người tu cho chính mình, không phải tu vì… người khác và càng không phải để chứng tỏ một nét đẹp đáng kính nào ở hình thức bên ngoài, vì điều đó nói cho cùng cũng không thật sự cần thiết. Người có phước báo và đức độ, tức hảo tướng sẽ hiện. Những vị tu sĩ chân chính không phải nhọc thân cố sức thể hiện cho đúng với “kiểu mẫu” một nhà tu (dẫu là oai nghi tứ hạnh). Từ nơi tâm thảnh thơi sẽ biểu hiện ra bên ngoài thong dong tự tại.

Đừng đánh đồng nhà tu bình thường với chư vị Thánh tăng, đừng thần thánh hóa các vị ấy. Đó là chưa kể vô tình ta mạo phạm và bất kính qua những đánh giá sai lầm, trách nhầm chính các bậc Bồ-tát, đại sĩ hiện thân nghịch hạnh ở cuộc đời. Điển hình như Tế Điên tăng, Tuệ Trung thượng sĩ, Bùi Giáng thi sĩ…, các vị xuất hiện giữa đời qua hình thức bình dị, có phần xuềnh xoàng cùng những hành động kỳ quặc, song ai dám bảo tâm hồn các vị chưa thoát tục?

Nên, hàng Phật tử chúng ta nếu có bắt gặp một vài vị có phong cách sống phá cách, đừng vội cho đạo đức các vị đó có “vấn đề”. Chúng ta đừng làm giám khảo xét đoán đối với các nhà tu mà hãy quán sát từ xa, mọi tốt xấu đều là hình ảnh cho ta quán niệm. Chính Đức Phật, trước khi giác ngộ thành Phật, Ngài cũng đã trải qua vô vàn thể nghiệm và khó khăn. Bài học ngộ nhận sai lầm từ chính những vị đồng tu với Phật (5 anh em Kiều Trần Như) của hàng ngàn năm về trước mãi là bài pháp quý giá với chúng ta. Chúng ta đừng lặp lại sai lầm mà các vị ngày xưa đã mắc phải khi Đức Thế Tôn nhận bát sữa do cô gái chăn bò cúng dường. Chính bát sữa này đã góp phần làm thay đổi cuộc đời Sa-môn Cồ Đàm, đưa Ngài đến quả vị Toàn giác sau những năm tháng theo đường lối khổ hạnh. Vì vậy, chúng ta không nên phí phạm thời giờ vào việc khắt khe với những phương tiện mà người tu sử dụng. Người Phật tử có Chánh kiến không vì một cá nhân hay bề ngoài mà đánh mất niềm tin nơi Tăng bảo. Điều đó nói lên tính thị phi không nên có nơi một người mộ đạo, bởi người học Phật ngoài Chánh kiến còn cần Chánh tư duy để có nhận thức đúng đắn và niềm tin vững chắc với đạo.

Việc một người xuất gia hoàn tục, vì lý do nào đó các vị chọn con đường trở về đời sống bình thường làm người cư sĩ cũng là nhân duyên. Hoàn tục không phải việc đáng chê trách. Hoàn tục chưa hẳn các vị ấy đã thối thất tâm bồ-đề mà chỉ là những chướng duyên nhỏ trên bước đường tu tập các vị phải gặp và cần đối diện. Không nên vội vàng quy kết hay đổ lỗi cho sự buông lung nào đó mới dẫn đến việc hoàn tục. Đó chỉ là nghiệp duyên của mỗi người. Xuất gia không phải con đường dễ dàng cho mọi người và rõ ràng không phải ai đi tu cũng đều trọn vẹn và thành tựu.

Nếu các bạn thực sự lo lắng và quan tâm đến một số hình ảnh không đẹp của đạo theo quan niệm của cá nhân bạn, chúng ta vẫn còn nhiều phương cách bộc lộ. Sự việc sẽ ý nhị hơn nếu ta phản ánh với chư tôn đức có trách nhiệm giáo dục các vị xuất gia trẻ hay dùng phương thức góp ý hoặc đổi trao riêng qua điện thoại, email của vị ấy trên tinh thần sẻ chia nhẹ nhàng, tránh đàm luận có tính cách gièm pha phổ cập trên các phương tiện truyền thông sẽ gây mất tín tâm với những người vừa bước vào đạo, chưa hiểu hết giáo pháp.

Làm được như vậy ta vừa dựng xây tô bồi cho đạo pháp mà vẫn giữ được sự quý kính với các vị xuất gia, tu hành. Đây cũng là một cách để các bạn tu cho mình và tu… cho người. Hãy là thiện tri thức trẻ, các bạn nhé!

Nhật Nguyệt

Nguồn: Giác Ngộ Online

Thứ Năm, 5 tháng 4, 2012

Vị Tu sĩ Nam Tông 31 lần hiến máu

Mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút, trên đất nước ta đang có hàng ngàn những số phận không may mắn. Ngay khi bạn ngồi đây thì rất nhiều người đang cần truyền máu để duy trì sự sống. Thế nhưng theo số liệu mới nhất, nhu cầu truyền máu hiện nay đã vượt gần gấp đôi sức cung của ngân hàng máu - bệnh viện truyền máu huyết học. Đặc biệt là khoảng thời gian này trong năm, khi lượng máu thu nhận chỉ đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu. Phần thiếu hụt còn lại này đang trông chờ vào những tấm lòng nhân ái của chúng ta, thế hệ thanh niên trẻ, khỏe.
clip_image002Ca dao đã có câu "một giọt máu đào hơn ao nước lã". Hiến máu nhân đạo là một hành động cao cả, một nghĩa cử cao đẹp của toàn xã hội. Hằng ngày, hằng giờ, trên cả nước chúng ta vẫn luôn gặp phải những hoàn cảnh rất khó khăn vì không có đủ máu kịp thời cung cấp cho những ca cấp cứu. Chỉ cần hiến một phần máu của mình bạn đã cứu được rất nhiều người trước nguy cơ mất người thân, bạn bè và trước tiên là cứu được tính mạng của chính các người bệnh đang cần đến máu.
Đại đức Tịnh Quang, xuất gia theo truyền thống Phật Giáo Nam Tông, tuy là vị tu sĩ nhưng Đại đức đã có một bề dày kỷ lục về số lần tình nguyện hiến máu lên đến con số 31. Trước khi xuất gia, Đại đức từng là giáo viên giảng dạy ở trường Cao Đẳng Sư Phạm Tp.HCM, sau này Đại đức là đệ tử xuất gia với Thượng tọa Giác Sơn – Trụ trì Chùa Siêu Lý (Vĩnh Long). Trách nhiệm chính của một vị tu sĩ vốn chỉ là tu học và hành pháp, nhưng không chỉ đừng lại đó, Đại đức đã làm nên một điều kỳ diệu trong cuộc sống, những giọt máu của Đại đức đã cứu sống không biết bao nhiêu mạng người thoát khỏi cơn nguy kịch, tấm lòng từ bi đấy đã trải rộng cho biết bao nhiêu chúng sanh còn đang khốn khổ.
Khi được hỏi về lý do tình nguyện đi hiến máu nhân đạo, Đại đức Tịnh Quang chia sẻ: "nhiều năm về trước, có những lần vào bệnh viện thăm người thân, thấy nhiều gia đình bệnh nhân nghèo khó không có đủ tiền mua máu để tiếp tế mà bệnh viện cũng không có đủ máu để cung cấp cho bệnh nhân, cho nên tôi mới suy nghĩ là mình sẽ đi hiến máu giúp cho những gia đình bệnh nhân khốn khó, vừa giúp ích cho xã hội và vừa tạo được pháp độ ba la mật".
Vừa có tấm lòng từ ái đối với chúng sanh, vừa tạo được cơ hội tích trữ phước báu, trong tinh thần "tốt đạo đẹp đời", vị tu sĩ đã 31 lần hiến máu nhân đạo đã gửi gắm những suy nghĩ của mình về nghĩa cử ấy: "người trên thế gian này thường ăn theo thói quen và ăn với tâm hưởng thụ, cơ thể nạp rất nhiều chất bổ vào, cơ thể hấp thụ không hết cũng thải ra ngoài rất uổng phí, trong khi vị tu sĩ Nam Tông tuy không ăn chiều nhưng vẫn có những vị rất khỏe mạnh, trước khi bác sĩ lấy máu của người hiến, đều có đo huyết áp, cân nặng, đo nhịp tim, và có trả lời 1 số câu hỏi, bác sĩ xem xét nếu đủ sức khỏe thì mới cho hiến máu, cho nên tu sĩ nam tông vẫn có thể hiến máu giúp người khi sức khỏe tốt, vả lại theo khoa học thì các tế bào máu chỉ tồn tại trong cơ thể chỉ 1 thời gian ngắn, các tế bào mới được sinh sản ra, cho nên hiến máu chỉ là động lực cho tế bào máu mới sinh ra nhanh hơn, nếu để tự nhiên tế bào máu chết bị đào thải rất uổng phí, trung tâm hiến máu cũng có quy định nghiêm ngặt cho người hiến, giữ sức khỏe cho người hiến là chỉ được hiến máu tiếp theo lần sau  là khoảng thời gian ít nhất tròn 3 tháng mới được. Người tu sĩ Nam Tông đã biết trên con đường đưa đến giải thoát sanh tử luân hồi phải thực hành pháp độ ba la mật, hiến máu là một cách bố thí không lựa chọn đối tượng thí, không biết bệnh nhân nào sẽ nhận máu hiến này, cho nên đây là thiện sự cần thực hành để bổ túc ba la mật góp phần tạo duyên lành giải thoát trong ngày vị lai".
Vào năm 2000, Thượng tọa Giác Giới, lúc bấy giờ là Giáo thọ sư Chùa Siêu Lý (Vĩnh Long), bị té gãy xương chân, phải vào cấp cứu và bác sĩ phải làm phẩu thuật. Bác sĩ nói rằng trong khi phẩu thuật sẽ bị mất máu nhiều cho nên rất cần máu, thế là rất nhiều chư Tăng, Phật tử tình nguyện hiến máu nhưng sau khi làm xét nghiệm thì chỉ có Thượng tọa Thường Niệm và Đại đức Tịnh Quang mới đồng nhóm máu. Đó là kỷ niệm khó phai trong những lần hiến máu của Đại đức Tịnh quang, vừa thể hiện tấm lòng tri ân với thầy tổ, vừa là tấm lòng xả thân cứu người, từ bi của đạo Phật.
Thấm nhuần lời Đức Phật dạy về sự vô thường tạm bợ của thế gian, của sự sống, nhận thức về thân thể này, một khi tâm thức rời khỏi thân xác này rồi thì xác thân này ví như một đống gỗ mục, ví như một đống tro tàn, chẳng có lợi ích chi. Với tâm nguyện của người đã, đang và sẽ tiếp tục đem máu của mình cứu lấy sinh mạng của người khác, Đại đức Tịnh Quang còn có thêm một ước nguyện rất cao quý "sống hiến máu, chết hiến xác là tâm nguyện của tôi".
clip_image004Nhận thấy các sinh viên Y khoa nhiều năm không có xác chết để mổ xẻ thực hành trên xác người thật, ít có người chịu hiến xác cho khoa học nghiên cứu cho nên đại đức đã tình nguyện làm giấy hiến xác cho khoa học, "sinh viên Y khoa là những bác sĩ tương lai, sẽ giúp được nhiều bệnh nhân, đem đến sự sống cho họ, nếu thực tập trên xác người thật thì khả năng cứu chữa cho người bệnh sẽ được nâng cao, nhân loại sẽ được lợi ích từ những xác chết được tình nguyện hiến xác thay vì đem chôn hay đem thiêu".
Đối với phật giáo Nam Tông, sau khi thân hoại mạng chung, tâm thức liền tái sanh đi ngay đến cảnh giới khác tùy theo do năng lực phước báu hay nghiệp ác của chúng sanh đó. Bởi thế, khi còn sống thì cố gắng tu tập, tạo phước, chứ sau khi chết rồi thì dù có thiêu trong lửa cũng không biết nóng, dù có chôn xuống đất cũng chẳng biết ngộp, làm tang lễ cũng chỉ là hình thức không quan trọng, bên cạnh đó còn có sự hỗ trợ của thầy tổ, huynh đệ, quyến thuộc đã tạo nên động lực giúp Đại đức làm giấy hiến xác sau khi chết.
Làm nhiều trách nhiệm với xã hội, vị tu sĩ đã bước qua tuổi 61 vẫn không bao giờ xao lãng trong việc công phu tu tập. Đại đức thường xuyên sang các trường thiền tại Miến Điện (Myanmar) vào những mùa an cư kiết hạ để tu tập thiền định với những vị Thiền sư nổi tiếng tại đất nước chùa vàng này. 6 mùa an cư trôi qua, với 6 lần xuất dương hành pháp nơi xứ Phật, cùng với những kinh nghiệm trong việc tu tập thiền Tứ niệm xứ, hiện tại, Đại đức Tịnh Quang được giao trách nhiệm phụ giúp Thượng tọa Giác Giới – Trụ trì Tổ đình Viên Giác (Vĩnh Long) để hướng dẫn cho chư Tăng, Tu nữ và quý Phật tử hành thiền vào mỗi ngày chủ nhật hằng tuần.
Sống tốt đạo đẹp đời, phụng sự đạo pháp, nêu cao tinh thần tri ân và báo ân đối với các bậc thầy tổ, các bậc cha mẹ và những người Phật tử đã hộ độ trong những chuyến tu học tại miến điện, tấm lòng và nghĩa cử cao quý, đang trân trọng và khó kiếm trong xã hội thật xứng đáng là một tấm gương cho hậu thế nói theo. Khi sống, mình là người có ích cho xã hội và đạo pháp, khi chết xin làm một đống tro tàn ươm mầm cho những tài năng của đất nước mai sau.
Hy vọng qua tấm gương của Đại đức Tịnh Quang, càng ngày có càng nhiều người, nhiều thành phần xã hội hiểu biết và hiểu đúng hơn về hiến máu nhân đạo, cùng tham gia hiến máu nhân đạo và vận động mọi người hiến máu tình nguyện, để bệnh viện và bệnh nhân không còn phải khổ vì thiếu máu cho điều trị.
Xin thay lời cho những bệnh nhân đã mang trong người dòng máu tình nguyện ấy vài dòng thơ như là một lời tri ân sâu sắc.
Trao giọt máu cho người một sự sống
Vì lòng từ ai nỡ nói là không
Trao giọt máu cho người thêm hy vọng
Nên tiếc chi, xin hiến giọt máu hồng.
Mỗi giọt máu trao tặng mỗi tấm lòng
Đem bác ái đến tận người chờ mong
Cứu chúng sanh và nguyện thoát trần hồng
Về bờ giác thoát khỏi kiếp sắc không.

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Ðại Hội Kết Tập Kinh Ðiển Lần Thứ Sáu

 

a) Nguyên nhân

Ðại hội kỳ này cũng được tổ chức tại Miến Ðiện, thời gian cách đại hội kỳ V khoảng 83 năm. Phật giáo Miến Ðiện được nhà nước chiếu cố quan tâm giúp đỡ ngay từ buổi đầu khi Phật giáo đặt chân đến xứ sở này. Có lẽ do ảnh hưởng đạo đức của hai vị A La Hán trong phái đoàn thứ 8 của vua Asoka, sự truyền thừa và tổ chức tăng đoàn có nề nếp theo giới luật của Ðức Phật. Được nhà nước Miến Điện hết lòng yểm trợ, kết tập kinh điển kỳ này nhằm ba mục đích:

- Ðoàn kết Phật giáo đồ.

- Chấn hưng Phật giáo Trưởng lão bộ.

- Ðề cao địa vị độc lập của Miến Ðiện.

b) Niên đại, địa điểm, thời gian vị chủ tọa và người bảo trợ

Niên đại bắt đầu từ ngày 17.5.1954 đến ngày lễ Tam Hợp (Phật đản) năm 1956, Phật Lịch 2500, nghĩa là trong 2 năm mới hoàn tất. Nơi tổ chức kỳ kết tập là trong một thạch động vĩ đại tại thủ đô Rangoon (Yangon). Ngài Nyungan Sayadaw được đại hội suy tôn làm vị chủ tọa. Thủ tướng U Nu của chính phủ Miến Ðiện tài trợ chi phí cho cuộc kết tập kinh điển kỳ này.

c) Phương pháp kết tập

Trong kỳ kết tập này, các Ngài căn cứ theo hình thức kỳ kết tập thứ nhất tại Ấn Ðộ. Ngài Mahāsī Sayadaw được đại hội bầu là vị vấn những vấn đề Tam tạng chú giải, còn Ngài Bhadanta Vicittasārābhivaṃsa sẽ đáp những câu hỏi của Ngài Mahāsī. Trong lúc hỏi đáp Tam tạng chú giải như vậy thì Ngài chủ tọa và 2500 vị Tỳ kheo lắng nghe, nếu không đồng ý thì lên tiếng. Đặc biệt Ngài chủ tọa là vị làu thông Tam tạng. Ngôn ngữ sử dụng trong đại hội gồm có 3 thứ tiếng: Pāli, Miến Ðiện, và Anh ngữ.

Trong kỳ kết tập Tam tạng lần thứ sáu này, đại hội sử dụng 729 phiến đá khắc Tam tạng và 1774 phiến đá cẩm thạch khắc chú giải của kỳ kết tập thứ 5 làm căn cứ. Ðồng thời các bản kinh cổ của Tích Lan, Thái Lan, Cao Miên và Hiệp hội Thánh điển Pāli ở Luân Ðôn được đem ra nghiên cứu, so sánh và hiệu đính. Sau khi đại hội hoàn mãn, Giáo hội Tăng già Miến Ðiện cho in ra để phổ biến, tổng cộng là 45 cuốn chánh tạng và 92 cuốn chú giải. Lần kết tập này có mời đại diện tám quốc gia Phật giáo Nam truyền đến tham dự, trong đó có Việt Nam. Phái đoàn Việt Nam do Giáo hội Tăng già Nguyên Thủy Việt Nam tổ chức, vị trưởng đoàn là Hòa thượng Bửu Chơn.