Mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút, trên đất nước ta đang có hàng ngàn những số phận không may mắn. Ngay khi bạn ngồi đây thì rất nhiều người đang cần truyền máu để duy trì sự sống. Thế nhưng theo số liệu mới nhất, nhu cầu truyền máu hiện nay đã vượt gần gấp đôi sức cung của ngân hàng máu - bệnh viện truyền máu huyết học. Đặc biệt là khoảng thời gian này trong năm, khi lượng máu thu nhận chỉ đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu. Phần thiếu hụt còn lại này đang trông chờ vào những tấm lòng nhân ái của chúng ta, thế hệ thanh niên trẻ, khỏe.
Ca dao đã có câu "một giọt máu đào hơn ao nước lã". Hiến máu nhân đạo là một hành động cao cả, một nghĩa cử cao đẹp của toàn xã hội. Hằng ngày, hằng giờ, trên cả nước chúng ta vẫn luôn gặp phải những hoàn cảnh rất khó khăn vì không có đủ máu kịp thời cung cấp cho những ca cấp cứu. Chỉ cần hiến một phần máu của mình bạn đã cứu được rất nhiều người trước nguy cơ mất người thân, bạn bè và trước tiên là cứu được tính mạng của chính các người bệnh đang cần đến máu.
Đại đức Tịnh Quang, xuất gia theo truyền thống Phật Giáo Nam Tông, tuy là vị tu sĩ nhưng Đại đức đã có một bề dày kỷ lục về số lần tình nguyện hiến máu lên đến con số 31. Trước khi xuất gia, Đại đức từng là giáo viên giảng dạy ở trường Cao Đẳng Sư Phạm Tp.HCM, sau này Đại đức là đệ tử xuất gia với Thượng tọa Giác Sơn – Trụ trì Chùa Siêu Lý (Vĩnh Long). Trách nhiệm chính của một vị tu sĩ vốn chỉ là tu học và hành pháp, nhưng không chỉ đừng lại đó, Đại đức đã làm nên một điều kỳ diệu trong cuộc sống, những giọt máu của Đại đức đã cứu sống không biết bao nhiêu mạng người thoát khỏi cơn nguy kịch, tấm lòng từ bi đấy đã trải rộng cho biết bao nhiêu chúng sanh còn đang khốn khổ.
Khi được hỏi về lý do tình nguyện đi hiến máu nhân đạo, Đại đức Tịnh Quang chia sẻ: "nhiều năm về trước, có những lần vào bệnh viện thăm người thân, thấy nhiều gia đình bệnh nhân nghèo khó không có đủ tiền mua máu để tiếp tế mà bệnh viện cũng không có đủ máu để cung cấp cho bệnh nhân, cho nên tôi mới suy nghĩ là mình sẽ đi hiến máu giúp cho những gia đình bệnh nhân khốn khó, vừa giúp ích cho xã hội và vừa tạo được pháp độ ba la mật".
Vừa có tấm lòng từ ái đối với chúng sanh, vừa tạo được cơ hội tích trữ phước báu, trong tinh thần "tốt đạo đẹp đời", vị tu sĩ đã 31 lần hiến máu nhân đạo đã gửi gắm những suy nghĩ của mình về nghĩa cử ấy: "người trên thế gian này thường ăn theo thói quen và ăn với tâm hưởng thụ, cơ thể nạp rất nhiều chất bổ vào, cơ thể hấp thụ không hết cũng thải ra ngoài rất uổng phí, trong khi vị tu sĩ Nam Tông tuy không ăn chiều nhưng vẫn có những vị rất khỏe mạnh, trước khi bác sĩ lấy máu của người hiến, đều có đo huyết áp, cân nặng, đo nhịp tim, và có trả lời 1 số câu hỏi, bác sĩ xem xét nếu đủ sức khỏe thì mới cho hiến máu, cho nên tu sĩ nam tông vẫn có thể hiến máu giúp người khi sức khỏe tốt, vả lại theo khoa học thì các tế bào máu chỉ tồn tại trong cơ thể chỉ 1 thời gian ngắn, các tế bào mới được sinh sản ra, cho nên hiến máu chỉ là động lực cho tế bào máu mới sinh ra nhanh hơn, nếu để tự nhiên tế bào máu chết bị đào thải rất uổng phí, trung tâm hiến máu cũng có quy định nghiêm ngặt cho người hiến, giữ sức khỏe cho người hiến là chỉ được hiến máu tiếp theo lần sau là khoảng thời gian ít nhất tròn 3 tháng mới được. Người tu sĩ Nam Tông đã biết trên con đường đưa đến giải thoát sanh tử luân hồi phải thực hành pháp độ ba la mật, hiến máu là một cách bố thí không lựa chọn đối tượng thí, không biết bệnh nhân nào sẽ nhận máu hiến này, cho nên đây là thiện sự cần thực hành để bổ túc ba la mật góp phần tạo duyên lành giải thoát trong ngày vị lai".
Vào năm 2000, Thượng tọa Giác Giới, lúc bấy giờ là Giáo thọ sư Chùa Siêu Lý (Vĩnh Long), bị té gãy xương chân, phải vào cấp cứu và bác sĩ phải làm phẩu thuật. Bác sĩ nói rằng trong khi phẩu thuật sẽ bị mất máu nhiều cho nên rất cần máu, thế là rất nhiều chư Tăng, Phật tử tình nguyện hiến máu nhưng sau khi làm xét nghiệm thì chỉ có Thượng tọa Thường Niệm và Đại đức Tịnh Quang mới đồng nhóm máu. Đó là kỷ niệm khó phai trong những lần hiến máu của Đại đức Tịnh quang, vừa thể hiện tấm lòng tri ân với thầy tổ, vừa là tấm lòng xả thân cứu người, từ bi của đạo Phật.
Thấm nhuần lời Đức Phật dạy về sự vô thường tạm bợ của thế gian, của sự sống, nhận thức về thân thể này, một khi tâm thức rời khỏi thân xác này rồi thì xác thân này ví như một đống gỗ mục, ví như một đống tro tàn, chẳng có lợi ích chi. Với tâm nguyện của người đã, đang và sẽ tiếp tục đem máu của mình cứu lấy sinh mạng của người khác, Đại đức Tịnh Quang còn có thêm một ước nguyện rất cao quý "sống hiến máu, chết hiến xác là tâm nguyện của tôi".
Nhận thấy các sinh viên Y khoa nhiều năm không có xác chết để mổ xẻ thực hành trên xác người thật, ít có người chịu hiến xác cho khoa học nghiên cứu cho nên đại đức đã tình nguyện làm giấy hiến xác cho khoa học, "sinh viên Y khoa là những bác sĩ tương lai, sẽ giúp được nhiều bệnh nhân, đem đến sự sống cho họ, nếu thực tập trên xác người thật thì khả năng cứu chữa cho người bệnh sẽ được nâng cao, nhân loại sẽ được lợi ích từ những xác chết được tình nguyện hiến xác thay vì đem chôn hay đem thiêu".
Đối với phật giáo Nam Tông, sau khi thân hoại mạng chung, tâm thức liền tái sanh đi ngay đến cảnh giới khác tùy theo do năng lực phước báu hay nghiệp ác của chúng sanh đó. Bởi thế, khi còn sống thì cố gắng tu tập, tạo phước, chứ sau khi chết rồi thì dù có thiêu trong lửa cũng không biết nóng, dù có chôn xuống đất cũng chẳng biết ngộp, làm tang lễ cũng chỉ là hình thức không quan trọng, bên cạnh đó còn có sự hỗ trợ của thầy tổ, huynh đệ, quyến thuộc đã tạo nên động lực giúp Đại đức làm giấy hiến xác sau khi chết.
Làm nhiều trách nhiệm với xã hội, vị tu sĩ đã bước qua tuổi 61 vẫn không bao giờ xao lãng trong việc công phu tu tập. Đại đức thường xuyên sang các trường thiền tại Miến Điện (Myanmar) vào những mùa an cư kiết hạ để tu tập thiền định với những vị Thiền sư nổi tiếng tại đất nước chùa vàng này. 6 mùa an cư trôi qua, với 6 lần xuất dương hành pháp nơi xứ Phật, cùng với những kinh nghiệm trong việc tu tập thiền Tứ niệm xứ, hiện tại, Đại đức Tịnh Quang được giao trách nhiệm phụ giúp Thượng tọa Giác Giới – Trụ trì Tổ đình Viên Giác (Vĩnh Long) để hướng dẫn cho chư Tăng, Tu nữ và quý Phật tử hành thiền vào mỗi ngày chủ nhật hằng tuần.
Sống tốt đạo đẹp đời, phụng sự đạo pháp, nêu cao tinh thần tri ân và báo ân đối với các bậc thầy tổ, các bậc cha mẹ và những người Phật tử đã hộ độ trong những chuyến tu học tại miến điện, tấm lòng và nghĩa cử cao quý, đang trân trọng và khó kiếm trong xã hội thật xứng đáng là một tấm gương cho hậu thế nói theo. Khi sống, mình là người có ích cho xã hội và đạo pháp, khi chết xin làm một đống tro tàn ươm mầm cho những tài năng của đất nước mai sau.
Hy vọng qua tấm gương của Đại đức Tịnh Quang, càng ngày có càng nhiều người, nhiều thành phần xã hội hiểu biết và hiểu đúng hơn về hiến máu nhân đạo, cùng tham gia hiến máu nhân đạo và vận động mọi người hiến máu tình nguyện, để bệnh viện và bệnh nhân không còn phải khổ vì thiếu máu cho điều trị.
Xin thay lời cho những bệnh nhân đã mang trong người dòng máu tình nguyện ấy vài dòng thơ như là một lời tri ân sâu sắc.
Trao giọt máu cho người một sự sống
Vì lòng từ ai nỡ nói là không
Trao giọt máu cho người thêm hy vọng
Nên tiếc chi, xin hiến giọt máu hồng.
Mỗi giọt máu trao tặng mỗi tấm lòng
Đem bác ái đến tận người chờ mong
Cứu chúng sanh và nguyện thoát trần hồng
Về bờ giác thoát khỏi kiếp sắc không.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét