Một năm bắt đầu từ mùa xuân và tháng giêng là tháng khởi đầu cho một năm mời. trong truyền thống Phật giáo Nam truyền thì có ba ngày lễ lớn đánh dấu những sự kiện trong cuộc đời và sự nghiệp hoằng pháp của Đức Thế Tôn.
- Māghapūjā – lễ hội rằm tháng giêng, kỷ niệm ngày Đức Phật thuyết kinh Ovādapātimokkha (Giải Thoát Giáo) trong sự kiện đại hội Thánh Tăng tại Tịnh-xá Trúc Lâm; và một sự kiện khác vào cuối cuộc đời của Ngài, là Ngài khả hứa với ma vương sẽ viên tịch sau ba tháng nữa.
- Vesākhapūjā – lễ hội rằm tháng tư hay lễ Tam hợp, đánh dấu ba sự kiện trọng đại trong cuộc đời của Đức Phật là: Bồ-tát đản sanh, Bồ-tát thành đạo và Đức Phật viên tịch Níp-bàn.
- Āsaḷhapūjā – lễ hội rằm tháng sáu, kỷ niệm ngày Đức Phật thuyết kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkappavattanasutta) tại vườn Nai trong thành Bārānasī và sau ngày này thì tất cả chư Tăng bắt đầu thời gian ba tháng an cư mùa mưa tại một nơi.
Như đã nói ở trên, ngày rằm tháng giêng đánh dấu hai sự kiện trọng đại trong cuộc đời Đức Thế Tôn: một sự kiện xảy ra vào thời kỳ, khoảng năm đầu tiên sau khi giác ngộ và một sự kiện xảy ra vào cuối cuộc đời của Ngài, trước khi Ngài viên tịch vô dư Níp-bàn ba tháng.
1. KỲ ĐẠI HỘI THÁNH TĂNG DUY NHẤT
Vào khoảng thời gian đầu của năm thứ hai sau khi giác ngộ, khi Đức Thế Tôn đang ngụ tại Tịnh-xá Trúc Lâm (Veḷuvanavihāra) trong Vương-xá thành (Rājagaha) do đức Bình-sa vương (Bimbisāra) dâng cúng, khi ấy, 1250 vị tỳ-khưu đệ tử đã vân tập về đảnh lễ Ngài, đúng vào ngày trăng tròn tháng Magha của Ấn Độ (tức là ngày rằm tháng giêng âm lịch Việt Nam). Các vị ấy là những vị đệ tử xuất gia tỳ-khưu với Đức Thế Tôn và đều là các vị Thánh A-la-hán.
Sự kiện đại hội Thánh Tăng không phải là một sự hội họp thông thường mà đòi hỏi phải hội đủ bốn điều kiện đặc biệt và trong thời kỳ Giáo pháp của Đức Phật Gotama chỉ có duy nhất một kỳ đại hội Thánh Tăng mà thôi:
- Đúng vào ngày trăng tròn của tháng Magha.- Các vị tỳ-khưu tự vân tập đến, không ai mời thỉnh.- Tất cả đều là những vị xuất gia tỳ-khưu bằng hình thức "Ehi Bhikkhu!"[1].- Tất cả đều là bậc A-la-hán chứng đắc lục thông[2].
Nhân dịp này, Đức Phật đã thuyết kinh Giải Thoát Giáo – Ovādapātimokkha đến chư Tỳ-khưu. Nội dung kinh Giải Thoát Giáo cô đọng lại toàn bộ nội dung của Giáo pháp cũng như là phương thức căn bản của cuộc sống tu tập để các vị thinh văn đệ tử lấy đó làm tôn chỉ thực hành trong quá trình hoằng truyền Chánh pháp.
Đức Phật đã nêu rõ tôn chỉ hoằng pháp: đời sa-môn sống vì lợi ích của muôn loài. Con đường giải thoát, con đường giác ngộ là con đường của những người tự giác. Và người xuất gia là người đang đi trên con đường giải thoát thì không thể dụ dỗ, hăm dọa, hay phỉ báng, phá hoại tha nhân.
Chư Phật thường giảng dạy,Nhẫn, khổ hạnh tối thượng,Níp-bàn, quả tối thượng,Xuất gia không phá người,Sa-môn không hại người.[3]
Toàn bộ nội dung giáo Pháp mà Ngài dạy có thể tóm lược trong ba điều: không làm các ác nghiệp, tu tập các hạnh lành và thanh lọc tâm ý. Ba tôn chỉ này trở thành tôn chỉ của Phật giáo và là huấn từ của ba đời chư Phật trong quá khứ, hiện tại và cả vị lai sau này cũng đều cùng một tôn chỉ như thế.
Không làm mọi điều ác,Thành tựu các hạnh lành,Giữ tâm ý trong sạch,Chính lời chư Phật dạy.[4]
Đặc biệt, Ðức Phật nhấn mạnh khả năng kham nhẫn trong cuộc sống tu tập. Vị sa-môn trên bước đường hoằng đạo phải học đức chịu đựng nhẫn nại với mọi hoàn cảnh. Dù với nghịch cảnh như thế nào cũng phải kiên tâm, tự chế không nuôi dưỡng hiềm hận trong tâm, nghiêm trì giới luật, thu thúc trong các căn, tiết độ trong ăn uống, sống thanh tịnh độc cư thiền định, sống với tâm hướng thượng là những pháp căn bản của người cầu đạo giải thoát.
Không phỉ báng, phá hoại,Hộ trì giới căn bản,Ăn uống có tiết độ,Sàng tọa chỗ nhàn tịnh,Chuyên chú tăng thượng tâm,Chính lời chư Phật dạy.[5]
Đi xa hơn Ðức Phật dạy thế nào là cái đẹp, cái được, cái nổi bật mà một người trên đường đạo nên mong mỏi. Pháp nhẫn nại là trang sức đẹp nhất; là điều kiện tất yếu cho các thiện pháp phát triển; là trang sức của người trí; là vẻ đẹp của người hiền; là điều kiện dẫn đến những thành tựu trong cuộc sống. Nhẫn nại là phương cách diệu dụng hoá giải mọi tranh chấp.
Nhẫn nại pháp tối ưu căn bảnKhiến hạnh lành giới định đặc thùDiệu năng nhẫn nại đoạn trừCăn nguyên lầm lỗi cho dù tế thôMọi tranh chấp hơn thua phải quấyDùng nhẫn kham hoá giải chấp tranhNhẫn nại trang phục tuyệt trầnCủa hàng trí giả đạo căn kiên cườngPháp nhẫn nại là nguồn cội phúcLà bạn hiền tài lộc uy danh.[6]
Theo lịch sử ghi lại, những vị Phật Toàn Giác trong quá khứ thì số tăng hội, thời kỳ đại hội, địa điểm có phần khác với thời kỳ Đức Phật Gotama của chúng ta. Còn những yếu tố căn bản cho kỳ đại hội thì hoàn toàn giống nhau.
- Đức Chánh giác Vipassī có 3 Tăng hội: Một Tăng hội 68.000 Tỳ-khưu, một Tăng hội 100.000 Tỳ-khưu, một Tăng hội 80.000 Tỳ-khưu.
- Đức Chánh giác Sikhī có 3 Tăng hội: Một Tăng hội 100.000 Tỳ-khưu, một Tăng hội 80.000 Tỳ-khưu, một Tăng hội 70.000 Tỳ-khưu.
- Đức Chánh giác Vessabhū có 3 Tăng hội: Một Tăng hội 80.000 Tỳ-khưu, một Tăng hội 70.000 Tỳ-khưu, một Tăng hội 60.000 Tỳ-khưu.
- Đức Chánh Giác Kakusandha có một Tăng hội 40.000 Tỳ-khưu.
- Đức Chánh giác Konāgamana có một Tăng hội 30.000 Tỳ-khưu.
- Đức Chánh giác Kassapa có một Tăng hội 20.000 Tỳ-khưu.
- Đức Chánh giác Gotama có một Tăng hội 1.250 Tỳ-khưu.[7]
2. KHẢ HỨA VỚI MA VƯƠNG
Đức Thế Tôn cùng chư Tỳ khưu Tăng từ kinh thành Rājagaha du hành đến kinh thành Vesāli. Một hôm, Đức Thế Tôn ngự vào thành Vesāli khất thực, sau khi thọ thực xong Đức Phật dạy bảo Đại đức Ānanda cùng ngự đến ngôi tháp Cāpālacetiya. Sau khi Đức Thế Tôn ngự trên chỗ ngồi đã trải sẵn, Đại đức Ānanda đảnh lễ Đức Thế Tôn xong, ngồi một nơi hợp lẽ. Khi ấy, Đức Thế Tôn dạy rằng:
- Này Ānanda, bậc nào đã thường tiến hành 4 pháp thành tựu (idhipāda), đã tiến hành trở thành thuần thục, đã tiến hành trở thành nền tảng vững chắc, có căn bản, đã luyện tập thành thói quen hằng ngày, thường tinh tấn không ngừng tiến hành 4 pháp thành tựu này. Này Ānanda, bậc ấy có khả năng duy trì trọn kiếp tuổi thọ hoặc hơn kiếp tuổi thọ như ý.
Này Ānanda, Như Lai đã thường tiến hành 4 pháp thành tựu, đã tiến hành trở thành thuần thục, đã tiến hành trở thành nền tảng vững chắc, có căn bản, đã luyện tập thành thói quen hằng ngày, thường tinh tấn không ngừng tiến hành 4 pháp thành tựu này.
Này Ānanda, Như Lai cũng có khả năng duy trì trọn kiếp tuổi thọ (100 năm) hoặc hơn kiếp tuổi thọ (hơn 100 năm) vậy.
Đức Thế Tôn đã dạy gián tiếp như vậy, mà Đại đức Ānanda không hiểu, nên không thỉnh mời Đức Thế Tôn rằng:
- Kính bạch Đức Thế Tôn, kính xin Ngài duy trì suốt kiếp tuổi thọ (100 năm). Kính xin Ngài duy trì trọn kiếp tuổi thọ, để tế độ cho phần đông chúng sinh, để đem lại sự lợi ích, sự an lạc phần đông chúng sinh, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc cho chư thiên và nhân loại.
Bởi vì, khi ấy Đại đức Ānanda bị Ma vương quấy nhiễu, nên không hiểu ý của Đức Thế Tôn. Dù Đức Thế Tôn dạy như vậy lần thứ hai, lần thứ ba, Đại đức Ānanda vẫn không hiểu được; Ngài đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi xin phép đi ra ngoài ngồi dưới gốc cây không xa nơi Đức Thế Tôn.
Khi Đại đức Ānanda vừa mới ra ngoài, Ác Ma liền đến hầu Đức Thế Tôn, rồi đứng một nơi hợp lẽ và bạch rằng:
- Bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn hãy diệt độ, Thiện Thệ hãy diệt độ. Bạch Thế Tôn nay đã đến thời Thế Tôn diệt độ.
Thật ra, Ác Ma đã nhiều lần đến thỉnh Đức Thế Tôn tịch diệt Niết Bàn, những lần trước Đức Thế Tôn đều khước từ. Nhưng lần này, Đức Thế Tôn hứa với Ác Ma Thiên rằng:
- Này Ác ma, hãy an tâm, không bao lâu Như Lai sẽ diệt độ. Sau ba tháng bắt đầu từ hôm nay Như Lai sẽ diệt độ.
Như vậy, Đức Thế Tôn có trí tuệ sáng suốt, xác định thời gian ba tháng nữa sẽ xả tuổi thọ, sinh mạng của Ngài, tại ngôi Tháp Cāpālacetiya, đó là vào ngày rằm tháng giêng (âm lịch). Ngay khi ấy, trái đất rùng mình chuyển động.
Đại đức Ānanda thấy điều lạ thường, trái đất rung chuyển nên vào hầu Đức Thế Tôn, bạch rằng:
- Kính bạch Đức Thế Tôn, do nguyên nhân nào làm trái đất rung chuyển, bạch Ngài.
Đức Thế Tôn dạy rằng:
- Này Ānanda, ngay hôm nay, vừa rồi, Như Lai có trí tuệ sáng suốt hứa với Ác Ma Thiên rằng: “Chỉ còn ba tháng nữa, Như Lai sẽ tịch diệt Níp-bàn”.
Nghe như vậy, Đại đức Ānanda kính thỉnh rằng:
- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy ở lại cho đến trọn kiếp, Thiện Thệ hãy ở lại cho đến trọn kiếp, vì lợi ích cho chúng sanh, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc cho loài Trời và loài Người.
Đức Thế Tôn dạy rằng:
- Này Ānanda, con chớ nên thỉnh Như Lai nữa; bây giờ không phải lúc thỉnh cầu Như Lai nữa. Như Lai đã gián tiếp dạy con nhiều lần mà con vẫn không hiểu, con không có lời thỉnh cầu Như Lai. Nay Như Lai đã hứa với Ác Ma rồi, không thể nào khác được.
Đại đức Ānanda cảm thấy buồn vô hạn, hối hận về điều sơ suất của mình, nên Đức Thế Tôn an ủi Đại đức Ānanda rằng:
- Này Ānanda, phải chăng ngay từ ban đầu Ta đã từng tuyên bố rằng mọi vật ưu ái, thân hình đều phải bị thay đổi, trở về hư không, biến dịch? Này Ānanda, làm sao có thể được như vầy: Những gì sanh khởi, tồn tại, hữu vi, chịu sự biến hoại mà lại mong khỏi có sự biến diệt? Thật không có sự trạng ấy. Này Ānanda, những gì Như Lai đã từ bỏ, dứt khoát, xả ly, phóng xả, khước từ, chính là thọ, hành. Như Lai đã nói và nói một cách dứt khoát: "Không lâu, Như Lai sẽ diệt độ. Sau ba tháng bắt đầu hôm nay, Như Lai sẽ diệt độ". Nói rằng Như Lai vì muốn sống mà phản lại lời tuyên bố trên thời thật không có sự trạng ấy.
Rồi Ngài nói với các Tỳ-khưu:
- Này các Tỳ-khưu, đây là lời Ta nhắn nhủ quý vị. Các hành là vô thường. Hãy tinh tấn lên để tự giải thoát, vì không bao lâu Như Lai sẽ diệt độ. Sau ba tháng bắt đầu từ hôm nay, Như Lai sẽ diệt độ.
Ðó là lời Đức Thế Tôn dạy. Sau khi nói vậy, Ngài lại nói thêm:
Ta đã già, dư mạng chẳng còn bao,Từ biệt các Ngươi, Ta đi một mình.Tự mình làm sở y cho chính mình,Hãy tinh tấn, chánh niệm, giữ giới luật,Nhiếp thúc ý chí, bảo hộ tự tâm.Ai tinh tấn trong pháp và luật nàySẽ diệt sanh tử, chấm dứt khổ đau.[8]
Đó là hai sự kiện vô cùng ý nghĩa và quan trọng trong phật giáo về ngày trăng tròn tháng giêng. Người Phật tử Việt Nam thường đi chùa xin dâng sớ cầu an cúng sao giải hạn. Vì là ngày Rằm đầu năm nên các chùa tổ chức lễ rất trọng thể.
Nhưng với Phật giáo Nam truyền Theravāda thì tổ chức lễ rằm tháng giêng bằng nhiều hình thức nghi lễ khác nhau: như lễ hội đặt bát đến chư Tăng, lễ thọ giới, lễ quy y, lễ thuyết pháp, lễ thọ đầu đà, lễ cúng đèn... nhằm giúp người Phật tử có cơ hội gieo duyên lành trong chánh pháp.
Ðặc biệt là lễ Ðầu-đà (Dhutanga): thức một đêm không ngủ để tưởng nhớ đức Phật - một con người vĩ đại, với một lý tưởng phi thường, suốt cuộc đời tận tụy hy sinh vì quyền lợi của tha nhân. Thông thường trong đêm đầu-đà có nhiều tiết mục để người Phật tử tham gia học và thực hành thêm về giáo lý. Những tiết mục đó thường là Thuyết pháp, Chiêm bái Xá lợi, Hành thiền, Vấn đáp Phật pháp, Hái hoa chánh pháp, Luận đạo v.v. Người tham dự một đêm đầu đà, qua những mục đó, chắc chắn sẽ được hiểu biết giáo lý căn của đức Phật và sẽ có thêm niềm tin vững chắc ở Tam Bảo.
[1]“Ehi Bhikkhu! Svākkhato dhammo cara brahmacariyaṃ sammā dukkhassa antakiriyāya - Con hãy đến với Như Lai, con trở thành Tỳ khưu theo ý nguyện! Chánh pháp mà Như Lai đã khéo thuyết; con hãy nên cố gắng tinh tấn thực hành phạm hạnh cao thượng để chấm dứt sự khổ tử sinh luân hồi”. Sau khi Đức Phật truyền dạy vừa dứt lời, ngay tức thì người nam ấy trở thành vị Tỳ-khưu có đầy đủ 8 thứ vật dụng của Sa-môn và có tăng tướng trang nghiêm, ngũ căn thanh tịnh như một vị Tỳ-khưu có 60 hạ.
[2] Lục thông là : Biến hoá thông (iddhividhi), Thiênnhĩ thông (dibbasota), Tha tâm thông (cetopariññāṇa),Túc mạng thông (pubbenivāsānussati), Sinh tử thông (cutūpapātaññāṇa) và Lậu tận thông (biết rõ mọi ô
nhiễm đã diệt tận) āasavakkhayaññāṇa).
[3] Pháp Cú Kinh 184
[4] Pháp Cú Kinh 183.
[5] Pháp Cú Kinh 185.
[6] Nghi Thức Tụng Niệm (Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam).
[7] Kinh Đại Bổn – Mahāpadānasutta (D.14)
[8] Kinh Đại Bát Níp-Bàn – Mahaparinibbānasutta (D.16)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét