Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

TẬP TU NHƯ ĐẤT



Đất – nước – lửa – gió, gọi chung là tứ đại, dù ít dù nhiều thì chẳc hẳn người tu Phật nào mà chẳng biết bốn nguyên tố này. Vấn đề hôm nay chúng tôi không phải bàn về những nguyên tố này mà muốn nói đến đặc điểm của bốn thành phần này. Mỗi một loại đều có những đặc điểm riêng biệt và đáng để cho những người con Phật của chúng ta noi theo mà tu tập. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chia sẻ về những đặc điểm của quả đất hay nói cách khác là tập tu theo nết hạnh của đất.
Bộ Milinda Vấn Đạo – Milindapañha ghi lại, ngài Nāgasena nói với đức vua Milinda rằng quả đất có năm tính chất đáng được các hành giả thọ trì[1]. Năm tính chất cao thượng này đáng để chúng ta học hỏi và áp dụng vào cuộc sống tu tập của mình.
Thứ nhất, giống như đất là khi có kẻ đang vung vãi các vật được ưa thích hay không được ưa thích như là long não, gỗ tagara, gỗ trầm hương, nghệ, v.v... Cũng như đang vung vãi mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước miếng, nước mũi, nước ở khớp xương, nước tiểu, phân, v.v... thì cũng y như thế ấy. Dù người ta đổ và rải lên đất những thứ sạch đẹp như hoa, nước thơm, sữa thơm; hoặc người ta đổ lên đất những thứ dơ dáy, hôi hám như phân, nước tiểu và máu mủ; hay thậm chí là người ta khạc nhổ xuống đất thì đất cũng tiếp nhận tất cả những thứ ấy một cách thản nhiên, không vui vẻ, mừng rỡ mà cũng không chán ghét, tủi nhục, không hề có sự phản kháng hay chống đối, cũng chẳng mảy may có sự vướng lụy vào những thứ đó.
Sống trong cuộc đời ai cũng gặp phải nhiều vấn đề trong cuộc sống. Đường đời không phải lúc nào cũng êm xuôi, không phải lúc nào cũng trải thảm đỏ để cho chúng ta bước đi. Đôi khi, trong cuộc sống chúng ta gặp phải nhiều chướng ngại, lắm chông gai và thử thách. Có những lúc ta được nhiều người chào đón, ngợi khen và giúp đỡ nhưng cũng có lúc ta bị nhiều người chán ghét, chê bai và tìm đủ mọi cách để hãm hại. Chính vì lẽ đó, nếu mình không có đủ sức chịu đựng và thiếu nghị lực thì khó lòng tồn tại và phát triển, khó đứng vững trước những sóng gió của cuộc đời. Chúng ta phải học theo hạnh của đất, phải tập chịu đựng, phải làm chủ bản thân mình từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày, để rồi dần dần hình thành thói quen biết chịu đựng, biết làm chủ trước mọi khen chê, vinh nhục của cuộc sống. Tám ngọn gió đời[2]luôn rình rập thổi ùa vào mặt chúng ta, nếu chúng ta không kiên cường thì sẽ dễ bị quật ngã và thậm chí cuốn theo chiều gió.
Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập trong mọi trường hợp về các việc được ưa thích hay không được ưa thích như là về có lợi lộc và không có lợi lộc, về có danh tiếng và không có danh tiếng, về chê trách và khen ngợi, về an lạc và khổ đau thì cũng nên là y như thế ấy.
Được hay mất, lời khen tiếng chê… cũng chỉ là những thứ tạm bợ, vô thường, rồi sẽ ra đi, nhưng vì mình bị vô minh che ám nên chẳng nhận biết được thế nào là chân, thế nào là giả. Do đó cứ mãi là những thành viên thân thiết của cái siêu thị giả ảo đó để rồi hùa chân theo trò chơi luân hồi đến bất tận. Thuở xưa, có một con bạc đi đến đức Phật để hỏi đạo, đức Phật đã hỏi người đó:
- Bà-la-môn, ông sống bằng nghề gì?
- Bằng nghề cờ bạc, thưa Ngài.
- Thế ai thắng, ông hay người kia?
- Khi thì con thắng, khi thì người kia thắng.
- Bà-la-môn, chiến thắng kẻ khác là một việc tầm thường, chiến thắng như thế đâu có lợi lạc gì. Nhưng người nào chiến thắng dục lạc và tự chiến thắng bản thân mình, thì chiến thắng như thế lợi lạc hơn, không ai có thể đánh bại mình.[3]
Vượt qua mọi cám dỗ của dục lạc, vượt qua mọi tiếng khen chê, vượt qua mọi danh lợi của thế gian, bậc trí vững vàng sống giữa thế gian ví như ngọn đá kiên cố không hề bị di chuyển bởi bão táp phong ba.
Như đá tảng kiên cố,
Không gió nào lay động,
Cũng vậy, giữa khen chê,
Người trí không giao động.[4]
Hãy tập như đất, noi theo đất mà tu tập, đừng để những thứ rác rưởi làm hôi thúi cái tâm của mình và cũng đừng để những hào nhoáng của ánh đèn màu làm lu mờ trí tuệ của người con Phật. Đó là đặc điểm thứ nhất mà chúng ta cần phải hành trì từ đặc điểm của quả đất.
Thứ hai, đất lánh xa việc trang điểm, trang sức, và được bao phủ bằng mùi hương của chính nó, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên lánh xa việc trang sức, nên bao phủ bằng mùi hương giới hạnh của chính mình.
Tục ngữ có câu: “người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân”. Xin thưa rằng, với Phật Giáo, vẻ đẹp bên ngoài của một người chẳng là vấn đề gì đáng phải đề cập đến. Hình dáng đẹp, nhan sắc kiều diễm nhưng một giới hạnh không có, cư xử theo lối vô đạo đức thì có đẹp cỡ nào đi nữa cũng chỉ là một kẻ côn đồ không hơn không kém.
Thành này làm bằng xương,
Quét tô bằng thịt máu,
Ở đây già và chết,
Mạn, lừa đảo chất chứa.
Xe vua đẹp cũng già,
Thân này rồi sẽ già.
Pháp bậc thiện, không già.
Như vậy bậc chí thiện
Nói lên cho bậc thiện.[5]
Trang sức bằng những món nữ trang đắc tiền, xài toàn đồ hàng hiệu với giá cả tỷ, đi xe sang trọng là xu hướng của nhiều người có tiền cả khối. Tiền của họ chỉ sắm được những vật chất phù du chứ không thể nào có được những trang sức của bậc trí. Người có trí sẽ không thèm đeo những món hàng phù phiếm đó, các ngài chỉ trang sức bằng hương của giới hạnh.
Hương các loại hoa thơm 
Không ngược bay chiều gió
Nhưng hương người đức hạnh
Ngược gió khắp tung bay
Chỉ có bậc chân nhân
Tỏa khắp mọi phương trời.
Hoa chiên-đàn, già-la,
Hoa sen, hoa vũ quý.
Giữa những hương hoa ấy,
Giới hương là vô thượng.[6]
Hương thơm của giới hạnh không cần phải tốn tiền, tốn bạc để tìm mua hoặc phải chầu chực ngoài cửa hàng để đặt hàng như các thương hiệu nổi tiếng. Người nào tu tập giữ giới một cách chính chắn thì chắc chắn vị ấy đã thoát lên người chiếc áo của giới hạnh. Hơn thế nữa, đức Phật có dạy về hai cách để làm cho mọi người trở nên xinh đẹp, tức là người nào muốn mình đẹp hơn thì nên có hai pháp này, đó là sự nhẫn nại (khanti) với mọi nghịch cảnh và hành vi đoan trang - hòa nhã (soracca) trong lúc xử sự[7].
Đeo nhiều trang sức có thể nguy hiểm đến tính mạng, mình phải cực khổ canh giữ và một điều nữa là mình sẽ mất nó; nhưng nếu là một người có giới hạnh, chúng ta sẽ không bị mất nó và mình sẽ đem theo nó sau khi thân hoại mạng chung, thậm chí sẽ hữu ích cho mình trong nhiều cuộc hành trình khác nữa. Đất vô tri nhưng biết giữ lại mùi hương của chính nó, con người tự nhận là loài thông minh nhất thì hãy cố gắng tỏ ra là người có trí tuệ, cố giữ giới để làm món hành trang, món trang sức cho chính mình.
Thứ ba, đất không có khoảng trống, không có chỗ nứt, không có lỗ hổng, dày, đặc, được trải rộng, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên có giới không có khoảng trống, không có mảnh bể, không có chỗ nứt, không có lỗ hổng, dày, đặc, được trải rộng.
người tu Phật phải yêu giới đức của mình như người phụ nữ trong thời kỳ trẻ đẹp thường hay chăm sóc sắc đẹp của họ, không cho có một bợn nhơ nào. Và mỗi ngày phải tự coi lại giới của mình có được vuông tròn hay không, ví người thanh niên mới lớn thường soi gương xem có mụn không. Phải tự suy xét lại giới hạnh của chính mình, nếu thấy chỗ nào còn tỳ vết, cần giải phẫu thì phải tìm phương chữa trị. người học Phật luôn luôn cố giữ giới đức của mình cho trong sạch, thà là chết chớ không để phạm tội nhỏ.
Người cư sĩ nên thọ trì năm giới cho được chính chắn, những ai phạm năm giới này là tự đào bỏ mất thiện căn của mình, bỏ mất đi cái gốc lành, rồi tự đào hố chôn sâu gốc rễ của mình vào vòng trầm luân, bám chặt, dính mắc vào kiếp sống sinh tử luân hồi, không bao giờ thoát ra khỏi thế gian đầy đau khổ này. Vì vậy, chúng ta nên cố đừng phạm vào những nghiệp bất thiện đó, phải cố gắng thọ trì học giới. Thuở xưa, có năm trăm cư sĩ tại gia than phiền rằng thật là khó giữ tròn năm giới, vì mỗi người có một hay hai giới không giữ được. Nghe câu chuyện, đức Phật dạy rằng không giới nào kém quan trọng hơn giới nào. Tất cả các giới đều khó giữ, nhưng phải giữ cho thật đầy đủ thì mới được giải thoát.
Ai ở đời sát sinh,
Nói láo không chân thật,
Ở đời lấy không cho,
Qua lại với vợ người.
Uống rượu men, rượu nấu,
Người sống đam mê vậy,
Chính ngay tại đời này,
Tự đào bới gốc mình.[8]
Chuyện tiền thân ghi lại rằng, có người thợ hớt tóc đi chung tàu với một thánh đệ tử của đức Thế Tôn Kassapa. Chàng được vợ căn dặn rằng phải chăm sóc vị Thánh đệ tử chu đáo. Ra khơi, tàu bị chìm. Hai người với được tấm ván nên bơi được vô bờ. Tại đây, chàng bắt chim làm thức ăn để ăn và dâng cho vị cư sĩ; nhưng ông không ăn, chỉ niệm tưởng ân đức tam bảo. Động từ tâm, xà vương trú trên đảo biến mình thành thuyền và vị thần biển làm thuyền trưởng lái thuyền đưa vị cư sĩ trở về Jambudīpa. Người thợ hớt tóc muốn theo nhưng bị từ chối vì chàng bị nói rằng không có công đức. Thế là chàng xin trao hết công đức chàng lập được bấy lâu nay, giới đức chàng giữ bấy lâu nay cho vị cư sĩ. Bấy giờ chàng được mời lên tàu.  Về đến Bārānasi, thần biển dùng thần lực mình biến ra nhiều tài sản cho cả hai người và dạy rằng: “Hãy thân cận với các bậc hiền trí. Nếu người thợ hớt tóc không thân cận với vị cư sĩ, ông ấy đã chết giữa biển rồi”.[9]
Giới chính là hành trang của mỗi chúng ta trong hành trình luân hồi. Không giữ giới được trong sạch xem như tự chúng ta đánh mất gia tài của mình và chắc hẳn sẽ khốn đốn trong tương lai. Xin hãy ghi nhớ câu chuyện này để làm gương, người có giới đức thanh cao, thương yêu giới đức của mình, dầu tội nhỏ nhen cũng không làm, ấy mới thật là người biết thương mình. người có giới hạnh thanh cao, nhờ giới đức ấy đưa đến chỗ an vui, cũng ví như chiếc thuyền đưa người qua biển khổ. nhờ có giới đức thanh cao mà con người tránh khỏi những điều tội lỗi cũng như nhờ có quả địa cầu nâng đỡ con người.
Thứ tư, đất không mệt nhọc trong khi nâng đỡ làng mạc, thị trấn, thành phố, xứ sở, cây cối, núi, sông, ao, hồ, thú rừng, chim, con người, đàn ông, đàn bà, tập thể, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập là không mệt nhọc trong những việc thuyết giảng giáo pháp, trong khi giáo giới, trong khi giáo hóa, trong khi giải thích, trong khi chỉ dạy, trong khi thức tỉnh, trong khi khuyến khích, trong khi tạo niềm phấn khởi.
Đất đã nâng đỡ cho cỏ cây, hoa lá, đất làm điểm tựa cho sự sống của con người và các loài động vật. Không có sự nâng đỡ của đất thì sự sống không thể nào tồn tại được trên thế gian này. Học theo hạnh nâng đỡ của đất, chúng ta phải cố gắng phấn đấu để hoàn thiện bản thân mình, trước hết là để tự lập và tiếp đến là làm chỗ dựa vật chất cũng như tinh thần cho người khác, gần gũi nhất là những người thân yêu xung quanh mình. Nâng đỡ ở đây cũng chính là giúp đỡ, trợ lực. Làm người sống trong xã hội, chúng ta không thể sống vô tâm, sống vị kỷ mà phải biết hướng tâm nghĩ đến người khác, tìm cách giúp đỡ người khác trong khả năng của mình, đem đến cho người khác niềm an vui, hạnh phúc. Nếu như không thể đem đến cho người khác niềm vui, không giúp đỡ được thì đừng làm cho người ta đau khổ và đừng hãm hại.
tâm của hành giả cũng phải như thế quả đất vậy, phải can đảm cương quyết chịu đựng với mọi khó khăn, trở ngại trên đời cũng như trong đạo, và phải ví ta như con đường, trên đó các sự khó khăn của trường hợp phải lăn qua lại cũng như xe cộ lớn nhỏ, nặng nhẹ trên đường mà đường không buồn phiền gì cả.
Ngoài vấn đề tu tập của cá nhân, ở đây còn muốn đề cập đến tâm lý của một vị sứ giả Như Lai, đem Chánh Pháp của Như Lai truyền giảng đến cho mọi người. Công việc hoằng pháp không chỉ là trách nhiệm riêng của chư Tăng mà còn là nhiệm vụ của tất cả người con Phật chúng ta. Đức Phật đã khích lệ các đệ tử của mình tự thân lên đường, dấn thân để tuyên truyền Giáo Pháp bất tử đến cho chúng sanh bằng Pháp Lệnh Hoằng Dương thật thiêng liêng và cao quý: Này các tỳ khưu, hãy cất bước du hành vì lợi ích của nhiều người, vì an lạc của nhiều người, vì lòng thương xót thế gian, vì sự tiến hóa, sự lợi ích, sự an vui của chư thiên và nhân loại, chớ đi hai người chung một (đường). Này các tỳ khưu, hãy thuyết giảng giáo pháp toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, và toàn hảo ở đoạn kết, thành tựu về ý nghĩa, thành tựu về văn tự, giảng giải về phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn và đầy đủ”.[10]
Chấp nhận sứ mệnh hoằng giáo, người truyền giáo phải mang trên mình lý tưởng dấn thân vì Giáo Pháp. Bước chân vân du đây đó để đem Chánh Pháp đến với nhiều người không phải lúc nào cũng trải thảm đỏ rước mời mà lắm lúc cũng khó khăn. Nhưng với lý tưởng không mệt mỏi, niềm vui khi đem pháp bất tử đến cho mọi người sẽ là động lực giúp cho vị sứ giả thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Sớ giải ghi lại rằng, mỗi ngày ông Cấp-cô-độc đều đi đến yết kiến Thế Tôn hai lần nhưng ông không hề vấn đạo với đức Phật. Người ta nói rằng sở dĩ ông không dám thưa hỏi vì quá kính mến Phật. Ông nghĩ rằng đức Thế Tôn là một vị Phật cao quý và là một thái tử phong nhã. Sở dĩ Thế Tôn thuyết pháp cho ai vì nghĩ đó là thí chủ của ngài. Nếu bây giờ phải thuyết pháp cho ta, ngài sẽ nhọc mệt thêm. Vì lý do đó, ông không dám đến vấn đạo với đức Thế Tôn. Khi ông vừa ngồi xuống, đức Phật đã nghĩ: "Trưởng giả này bảo trợ cho ta khi ta không cần bảo trợ. Ta đã trải qua bốn a-tăng-kỳ và trăm ngàn kiếp để thành tựu đạo quả. Mái tóc đeo đầy trang sức ta đã cắt bỏ, đôi mắt ta đã vứt đi, máu thịt tim ta cũng nhổ bỏ tận gốc. Con ta, vợ ta thân thiết như chính mạng sống, ta cũng từ bỏ, chỉ vì muốn đem chánh pháp đến cho chúng sanh. Người này bảo trợ cho ta khi ta không cần bảo trợ"[11]. Đó là tấm gương của Thế Tôn, vị thầy của cả chư thiên và nhân loại, chúng ta cần noi theo để làm kim chỉ nam cho chí nguyện hoằng hóa độ sanh của vị sứ giả như lai. Tu theo Phật mới thấy được Phật và muốn thấy được Phật thì phải hành theo lời Phật dạy.
 Tôn giả Puṇṇa thọ trì lời giáo giới đức Thế Tôn và xin trở lại quê nhà ở Sunāparanta để hoằng pháp. Thế Tôn mới hỏi rằng:
- Như Lai biết rõ rằng, dân chúng xứ Sunāparanta đa phần sống theo những giáo phái cuồng tín, bản chất họ còn rất hoang dã. Thô ác, hung bạo, dữ tợn là tâm tánh của họ. Vậy nếu họ nhục mạ, phỉ báng, mắng nhiếc ông thì ông phải làm sao? Có chịu đựng nổi không?
- Bạch đức Thế Tôn! Nếu có trường hợp họ đối xử với đệ tử như thế, đệ tử vẫn tâm niệm họ là người tốt. Tại sao vậy? Thưa, vì họ mới chỉ nhục mạ, phỉ báng, mắng nhiếc đệ tử bằng lời nói, chớ họ chưa đánh đập đệ tử bằng tay hay bằng chân!
- Thế nếu họ đánh đá ông bằng tay, bằng chân thì ông làm sao?
- Thưa, đệ tử vẫn cảm ơn họ vì họ vẫn chưa dùng đá, gạch, sỏi để quăng ném đệ tử!
- Vậy giả dụ họ sử dụng đá, gạch, sỏi quăng ném ông thì sao hả?
- Thưa, đệ tử vẫn cảm ơn họ như thường vì họ chưa sử dụng đùi gậy.
- Vậy nếu, không những họ dùng đùi gậy đánh đập ông, mà còn cả dao bén và kiếm sắc đâm chém ông nữa thì ông phải làm sao?
- Bạch đức Thế Tôn! Cho dẫu mà như thế chăng nữa thì đệ tử vẫn sẵn có đủ áo giáp của tâm nhẫn và tâm từ để chịu đựng và thương yêu họ vì họ dù đâm dù chém nhưng vẫn chưa giết hại đệ tử!
- Vậy nếu họ giết ông thì sao?
- Thì đệ tử vẫn cảm ơn họ vì họ đã xả bỏ giùm cái thân giả hợp, bất tịnh này!
Đức Phật tán thán:
- Lành thay, lành thay, này Puṇṇa! Ðầy đủ với sự an tịnh tự điều này, ông có thể sống tại xứ Sunāparanta. Này Puṇṇa, nay ông hãy làm những gì ông nghĩ là hợp thời.[12]
Thế là Tôn giả Puṇṇa lên đường vì trách nhiệm hoằng dương Chánh Pháp. Sau mùa an cư đó, Tôn giả đã tiếp độ được năm trăm thiện tín tại quê nhà.
Tấm gương của Thế Tôn, gương lành của chư Thánh còn đó, ngần ngại gì mà chúng ta không dám hy sinh vì lý tưởng dấn thân với đạo pháp. Hãy sẵn sàng, hãy nhiệt tâm không mệt mỏi vì Chánh Pháp, vì sự nghiệp hoằng dương Giáo Pháp để chúng sanh được thấm nhuần lời Phật dạy.
Và thứ năm, đất được thoát ra khỏi sự nuông chiều hay ghét bỏ, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên sống với tâm ý tương tợ như trái đất, là được thoát ra khỏi sự nuông chiều hay ghét bỏ.
Trầm mình vào dòng chảy của các pháp thế gian nên chúng sanh lúc nào cũng trở nên đau khổ và cảm thấy thiếu thốn mọi thứ. Với người Phật tử, phải cố gắng để thoát ra khỏi dòng thế tục thường tình, vượt qua khỏi con sông ái dục thì mới có thể thoát được những vui buồn, hỷ nộ của thế gian. Sở dĩ chúng ta còn đau khổ là vì chúng ta còn chưa thể tự cởi trói cho chính bản thân mình.
Bà Visākhā thường nhờ cậy cô cháu gái tên Dattā, chăm sóc các tỳ-kheo khi bà vắng nhà. Ít lâu sau Dattā chết. Bà Visākhā hỏa táng thi hài cháu gái xong, quá buồn khổ bà đi đến chỗ Phật đảnh lễ và lui ngồi một bên. Phật hỏi:
- Này Visākhā! Có việc gì ngươi ngồi đây đầy vẻ buồn khổ, rơi nước mắt khóc than?
- Bạch Thế Tôn, đứa cháu gái thân yêu rất thật thà và trung tín của con vừa qua đời. Con sẽ không còn thấy lại nó.
- Này Visākhā, có bao nhiêu cư dân trong thành Xá-vệ này?
- Bạch Thế Tôn, con có nghe ngài nói khoảng bảy mươi triệu.
- Giả sử tất cả những người này đều là người thân yêu của ngươi như Dattā, ngươi có thích không?
- Thưa vâng, con thích ạ.
- Có bao nhiêu người ở Xá-vệ chết trong một ngày?
- Bạch Thế Tôn, rất nhiều.
- Trong trường hợp đó, chắc chắn ngươi sẽ không đủ thời giờ than khóc, ngày đêm ngươi sẽ chẳng làm gì ngoài việc khóc lóc, kể lể.
- Thưa Thế Tôn, đúng vậy. Con đã hiểu.
- Tốt lắm, đừng ưu sầu. Ưu sầu hay sợ hãi chỉ khởi lên từ ái luyến.
Yêu thương, ngục buồn phiền,
Ái luyến, xiềng sợ hãi.
Người lòng như hư không
Ngục xiềng nào khóa mãi?[13]
Hãy tập như đất, dù chúng sanh trên quả đất có như thế nào, ghét bỏ hay nuông chiều thì đất vẫn là đất, không hề oán hờn hay thích thú. Đừng để cái tâm chạy theo những tâm lý tình cảm thường tình. Hãy noi theo tấm gương của đức Bồ-tát Kuṇḍaka[14]trong chuyện tiền thân sau:
Một thời, Bồ-tát sanh trong một gia đình giàu có ở Kāsi. Ngài tên Kuṇḍaka. Sau khi cha mẹ mất, Kuṇḍaka bố thí hết tài sản thừa hưởng và lên núi Hy-mã-lạp để tu khổ hạnh. Lúc nọ, ông xuống núi, vô sống trong ngự uyển, và được quan đại tướng hậu đãi. Một hôm, vua Kalābu ở Bārānasi du ngoạn trong ngự uyển cùng phi tần cung nữ. Lúc vua no say và ngủ mê, các cung tần đi ngao du. Khi tỉnh giấc ông đi tìm và thấy các nàng đang nghe nhà tu khổ hạnh thuyết về đạo lý kham nhẫn. Ông ra lệnh thử tánh kham nhẫn của đạo sĩ bằng cách cho đánh ông hai ngàn roi gai rồi chặt tay chân, thẻo tai thẻo mũi của ngài. Hành hình đạo sĩ xong, nhà vua bỏ đi. Nghe quân báo, vị đại tướng liền đến băng bó thương tích cho đạo sĩ và xin đừng giận hờn ai khác ngoài nhà vua. Vị đạo sĩ không những chẳng oán hờn mà còn đọc kệ cầu chúc nhà vua được sống lâu trường thọ và không căm giận ai cả.
Trên đây là năm đặc tính của quả đất đáng cho tất cả chúng ta cùng nhau học hỏi và tu theo. Mong rằng đi bất cứ nơi đâu, gặp bất cứ hoàn cảnh nào, hãy cứ tập theo hạnh của đất. Cuộc sống có thế nào, đất bằng hay sóng dữ, xin hãy ghi nhớ rằng chúng ta không thể nào rời xa quả đất này. Vì thế, khi gặp nghịch duyên trở ngại hãy ráng tập nhìn xuống chân mình để nhớ đến đặc tính của quả đất và tự thức tỉnh bản thân mình.
Mùa không trăng đầu tiên năm Giáp Ngọ.
Tỳ-khưu Định Phúc.


[1] Tiểu Bộ Kinh, Milinda Vấn Đạo, Câu Hỏi Về Tính Chất Của Đất (TK. Indacanda dịch Việt).
[2] Tăng Chi Bộ Kinh, Chương Tám Pháp, Phẩm Từ, Kinh Tùy Chuyển Thế Gian (1).
[3] Chú Giải Kinh Pháp Cú, Kệ Số 104 (HT Pháp Minh dịch Việt).
[4] Pháp Cú Kinh, Kệ Số 81.
[5] Pháp Cú Kinh, Kệ Số 150 - 151.
[6] Pháp Cú Kinh, Kệ Số 54 - 55.
[7] Tiểu Bộ Kinh, Chương Hai Pháp, Phẩm Nhập Định.
[8] Chú Giải Kinh Pháp Cú, Kệ Số 246 – 247.
[9] Chuyện Tiền Thân Silānisaṃsa, Số 190.
[10] Tạng Luật, Đại Phẩm, Chương Trọng Yếu, Tụng Phẩm Thứ Nhì (TK. Indacanda dịch Việt).
[11] Chú Giải Kinh Pháp Cú, Kệ Số 1.
[12] Tăng Chi Bộ Kinh 4, Tương Ưng Sáu Xứ, Phẩm Channa, Kinh Puṇṇa (S.iv.61).
[13] Chú Giải Kinh Pháp Cú, Kệ Số 213.
[14] Chuyện Tiền Thân Khantivādī, Số 313.


Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

VỊ THẦY THUỐC VĨ ĐẠI


 1969380_10152048740659069_701374565_n
27/2, ngày Thầy Thuốc Việt Nam, ngày để tỏ lòng tri ân và ghi nhận ân đức của các y bác sĩ. Cũng đúng thôi, ngày tôi sinh ra đời, người đón tôi đầu tiên khi cất tiếng khóc chào đời không phải là cha mẹ tôi mà chính là vị bác sĩ. Bao nhiêu năm sống trên cõi tạm này, mẹ sanh, cha dưỡng, mọi người chăm sóc nhưng không thể thiếu người thầy thuốc. Và biết đâu, ngày ta nhắm mắt ra đi nhanh hay chậm cũng có thể nhờ đến bác sĩ vậy.
 Với tôi, người tu sĩ Phật Giáo hay bất cứ người con Phật nào, mỗi ngày, mỗi lúc nên tưởng nhớ đến ân đức Phật, ân đức Pháp và ân đức Tăng. Hôm nay, ngày thầy thuốc, khá nghĩ cũng là một dịp để tưởng nhớ đến ân đức của vị thầy thuốc vĩ đại nhất trên cõi sa bà này.
Đức thế tôn xuất hiện trên thế gian này vì hạnh phúc cho chư thiên và nhân loại, Ngài “như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc[1]. Ngài như là một vị lương y, một vị bác sĩ chuyên nghiệp với kiến thức thâm sâu tình nguyện vì lợi ích cho nhiều người nên đem những phương lương diệu dược để trị bệnh cho mọi người. Phương thuốc Ngài dùng trị bệnh đó chính là Chánh Pháp. Đem Chánh Pháp đến với mọi người, Ngài biết được căn cơ từng người, nghiệp duyên mỗi chúng sanh nên tùy theo cơ địa mỗi người mà bốc thuốc. Vì lẽ đó, Ngài hoàn toàn xứng đáng là một vị thầy thuốc vĩ đại nhất trên toàn cõi thế gian này.
Với y học thì thế gian này có nhiều loại bệnh, xuất phát từ nhiều nguồn gốc khác nhau, nhưng với Phật Giáo thì phân loại chỉ có hai loại bệnh, đó là bệnh về thân và bệnh về tâm[2]. Bệnh về thân có thể chữa được bằng thuốc men, kiêng cử và theo sự hướng dẫn của bác sĩ, ngoại trừ những bệnh do nghiệp chi phối thì vô phương hoán chuyển. Nhưng cái đau khổ nhất của chúng sanh đó là căn bệnh trầm kha bởi phiền não chi phối, đó là tâm bệnh.
Sống 24 giờ mỗi ngày, mỗi một tâm niệm xấu khởi lên trong tâm chính là chúng ta mắc một căn bệnh và chúng ta phải dùng thuốc tốt, bảo đảm đúng chất lượng thì mới hòng thoát khỏi căn bệnh đó. Giáo Pháp tám muôn bốn ngàn pháp môn chính là tám muôn bốn ngàn toa thuốc cho mỗi chúng ta.
Bệnh thì nhiều, thuốc đã có sẵn, ấy vậy mà vẫn có nhiều người không chịu uống thuốc mà cứ muốn mau hết bệnh. Bạn không giữ sức khỏe, thuốc không chịu uống thì có mà nằm đó chờ ngày ra đi vậy. Phật tử chúng ta cũng như thế, có nhiều người chẳng chịu tu, chẳng chịu thực hành theo lời Phật dạy mà hễ đi chùa là cầu nguyện với khấn vái để được sức khỏe, bình an và mau giải thoát khỏi luân hồi. Giải thế nào mà được. Đức Phật đem thuốc cho chúng ta uống để chúng ta chữa bệnh phiền não của mình chứ không phải thấy thuốc là bệnh liền suy giảm hay là đem chưng vào tủ để tỏ lòng “Tôn Kính Pháp Bảo” thế là hết bệnh. Xin thưa rằng, cách suy nghỉ đó đúng là “chúng tôi đã cố gắng hết sức…”
Đức Phật là vua của các thầy thuốc, Ngài có những toa thuốc chuyên trị tất cả bệnh của chúng sanh. Chúng ta bệnh phải dùng những toa thuốc đó thì bệnh mới lành. Muốn lành bệnh chúng ta phải chịu uống thuốc, chớ không thể ôm toa thuốc mà ngồi tụng mãi, hoặc chấp tay xin thầy thuốc cho lành bệnh trong khi thuốc lại chẳng chịu uống.
Nhắc lại câu chuyện của nàng Kisāgotamī[3], chúng ta sẽ thấy được cách chữa bệnh khéo léo của Đức Thế Tôn như thế nào.
Nàng Kisāgotamī được gả cho một gia đình triệu phú giàu có trong kinh thành. Một thời gian sau kết hôn thì nàng có thai. Đủ mười tháng nàng hạ sanh một đứa con trai. Đứa bé vừa biết đi chập chừng thì nó bị bạo bệnh mà chết.
Quá hoảng loạn vì chưa bao giờ gặp hoàn cảnh thế này, nàng ẵm xác con đi từng nhà để hỏi xem ai có biết thuốc gì chữa bịnh cho con trai không. Nhiều người khuyên răn nhưng nàng bất cần, vẫn đi lang thang và tin chắc rằng: “nhất định thế nào cũng gặp được người biết sẽ được phương thuốc trị bịnh cho con trai của mình”.
Khi ấy có một hiền trí thấy nàng như vậy, nên nói rằng:
- Con ơi! Bác không biết thuốc men gì cả, nhưng bác biết một vị lương y.
- Thưa bác vị đó là ai vậy.
- Đức Bổn Sư là vị lương y, vậy con hãy tìm đến Ngài mà hỏi thuốc.
- Cám ơn bác, để con đi hỏi thuốc.
Nói rồi, Kisāgotamī đến yết kiến Đức Bổn Sư đảnh lễ Ngài rồi đứng qua một bên, hỏi rằng:
- Bạch Ngài, nghe đồn rằng Ngài biết được thứ thuốc chữa bệnh cho con trai con phải không?
- Phải, Ta biết.
- Bạch Ngài, có cần kiếm món chi không?
- Chỉ cần kiếm cho được một nhúm hạt cải mà thôi.
- Bạch Ngài, con sẽ kiếm được hột cải, nhưng có cần phải kiếm ở nhà người nào không?
- Ở nhà người nào mà chưa từng có đứa con trai hoặc đứa con gái nào chết cả, mới được.
- Lành thay, bạch Ngài.
Nàng Kisāgotamī đảnh lễ Đức Bổn Sư ẵm đứa con chết ra đi vào xóm làng, đến đứng trước cửa nhà đầu tiên hỏi chủ nhà:
- Trong nhà này có hột cải không? Ông lương y nói đó là món thuốc chữa lành bịnh của con tôi.
- Nầy cô, có.
- Nếu có, cho tôi xin một nhúm.
Khi chủ nhà mang hột cải ra, Kisāgotamī lại hỏi thêm:
- Trong nhà nầy chưa từng có đứa con trai hoặc đứa con gái nào chết cả, phải không bác?
- Sao nàng lại nói như vậy? Thật ra thì số sống còn chỉ vài ba người, còn số chết thì lu bù, cô em à!
Nghe nói vậy, Kisāgotamī giao trả lại nhúm hạt cải và nói: “thôi xin bác giữ hột cải của bác, nó không phải là thuốc chữa lành bịnh của con tôi”.
Kể từ đó, Kisāgotamī lại tiếp tục đi sâu vào trong xóm, đến nhà cuối cùng khi trời đã xế chiều, cô cầm nhúm hột cải, cô tự nghĩ:
- Ôi! Ta thật là nặng nghiệp! Con ta đã chết rồi mà ta cứ mong cho nó cải tử hoàn sanh. Khắp cả một xóm làng như vầy mà số người sống còn ít, số tử vong lại nhiều hơn…
Càng suy xét, Kisāgotamī càng dịu lòng thương yêu con, trái tim lần lần trở nên chai lì. Cô vứt bỏ xác con trong rừng, trở về đảnh lễ Đức Bổn Sư rồi đứng qua một bên, khi ấy Đức Bổn Sư hỏi cô:
- Con đã kiếm được một nhúm hạt cải phải không?
- Bạch Ngài, con kiếm không được, khắp cả làng số người sống còn thì quá ít, số chết mất lại nhiều hơn.
Đức Bổn Sư dạy rằng:
 - Con cứ mãi băn khoăn nghĩ rằng: “con trai ta đã chết.”. Đó chỉ là thường sự đối với chúng sanh. Quả thật, tử thần hằng lôi cuốn tất cả mọi người ở thời thiếu niên, vị thành niên… chẳng khác nào thác nước lụt đem vùi thây chúng sanh trong biển cả ác đạo.
Nói rồi, Đức Bổn Sư thuyết pháp và kết luận bằng bài kệ rằng:
 “Người tâm ý đắm say,
Con cái và súc vật,
Tử thần bắt người ấy,
Như lụt trôi làng ngủ”.[4]
Đến cuối bài kệ nàng Kisāgotamī đắc quả Tu-đà-hườn.
Căn bệnh phiền não của chúng ta như là một chứng bệnh ung thư, nó ăn dần ăn dần cái tâm của mỗi người, khiến cho chúng ta phải điên đảo, đau khổ vì nó. Nguyên nhân chính, mầm mống phát khởi bệnh đã được vị thầy thuốc vĩ đại nhất phát hiện ra. Theo tinh thần của giáo lý Tứ Diệu Đế, ta có thể hình dung như sau:
- Khổ đế: chính là căn bệnh phiền não của mỗi người.
- Tập đế: vô minh và ái dục chính là nguyên nhân của căn bệnh.
- Diệt đế: trạng thái vô bệnh hay kết quả của quá trình chữa bệnh nếu áp dụng đúng thuốc.
- Đạo đế: phương thuốc gồm có 8 loại thuốc dùng để chữa bệnh.
Bệnh đã được chẩn đoán, thuốc đã có, bác sĩ trình độ chuyên môn cao, thôi thì ráng nhắm mắt nhắm mũi mà uống thuốc để được hết bệnh và khỏe mạnh. Đừng ham chơi mà bỏ thuốc kẻo rồi bệnh nặng thêm đó nhé. Thôi thì tạm kết thúc bài viết tại đây.
Kính tri ân và đảnh lễ vị thầy thuốc vĩ đại nhất trong lòng con.
Namo Buddhāya!
Wat Maiphiren, 27/02/2014.
Tỳ-khưu Định Phúc.


[1] Trung Bộ Kinh, Kinh Upāli (M.56)
[2] Tăng Chi Bộ Kinh, Chương Bốn Pháp, Phẩm Các Căn, Phần Bệnh.
[3] Chú Giải Kinh Pháp Cú Số 114.
[4] Pháp Cú Kinh Số 287.

Thứ Hai, 24 tháng 2, 2014

Looking for the way – kiếm một con đường.

cau-chuyen-ve-con-duong
Cũng gần mươi năm từ ngày cất bước ra đi trở thành một người hành khất homeless và cô đơn giữa chốn đông người. Mươi năm nhìn lại, kẻ còn, người mất. Âu thì ai cũng tự tìm cho mình một con đường riêng, một góc khuất riêng và một chân trời riêng. Đạo hay đời, ừ thì cũng chỉ là một con đường và cũng vẫn là buồn vui, khổ lạc của thế gian. Đạo cũng từ đời mà ra, há chẳng phải ngày xưa Bồ-tát Sĩ-Đạt-Ta đã bỏ đời để tầm đạo sao.
À, mà cũng mấy lần tự hỏi mình. Sao chúng ta lại có nhiều khái niệm oan trai dữ lắm luôn. Người đi tu thì gọi là xuất gia, sao không gọi là xuất đời? Vậy mà đến lúc đương sự hoàn tục trở về nhà thì sao không gọi là hồi gia mà gọi là ra đời? Lúc nào chúng ta cũng đang ở trong đời đấy thôi. Mệt não nhỉ!
Chuyện tu học của mỗi người thì ai nấy đều chọn cho mình một con đường riêng nhưng nói chung cũng là một hành trình khám và phá để tìm ra được đúng con đường mà mình phải đi. Vì lầm đường mà Bồ-tát phải mất 6 năm trường khổ hạnh tận rừng sâu, để rồi một ngày tá hỏa ra và quay trở lại từ đầu. Vậy là khám phá ra Trung Đạo, tức là con đường ở giữa: quá đắm chìm trong ngũ dục cũng chết mà quá khổ hạnh ép xác cũng chỉ khổ thân. Thà cứ thong dung tự tại như thế, đừng bám chấp vào bất cứ cực đoan nào, thế là okie hết thôi. Cuộc tu là những chuyến hành trình để tự tìm con đường cho chính mình. Mà nếu là hành trình thì không thể nào dừng lại và ở hoài mãi được. Chỉ có bỏ lại những bến tàu xưa thì mới có thể tiến lên phía trước. Kẻ đi thuyền qua sông rồi thì bỏ lại thuyền chứ dại gì mà lại vác thuyền đi vòng vòng trên bờ cho thiên hạ dòm ngó với anh mắt nhìn chẳng giống ai.
10 năm, cũng là một thập kỷ nhỉ, chuyến đi dài cho một hành trình xa xăm chưa biết hồi kết thúc. Cứ mỗi bến tàu, mỗi sân ga, ta ghé vào rồi lại tiếp tục lên đường. Đôi lúc tự nghĩ, mình đang tìm cái gì cà? Ừ, thì tìm con đường chứ gì nữa mà hỏi. Con đường tự mình i bằng chính đôi chân của mình, tự tại sống với những gì mình gom góp được trên hành trình. Bao nhiêu gạch đá, bao nhiêu chê khen, thôi thì gom lại xây một cái am nhỏ bằng mây vậy. Một ngày nào đó mây tan, am mất, mọi khen chê cũng từ đấy mà đi luôn. Thế là ta lại thong dong tự tại tiếp tục hành trình tìm kiếm một con đường… Đi tiếp vậy…
 Bangkok mùa nóng, 24 Feb 2557
ĐỊNH PHÚC

Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

AI CHẲNG LÀ DÂN VIỆT (Toại Khanh)

life

Khuya. Một mình. Tình cờ đọc thấy một bài viết kỳ thú trên báo Tuổi Trẻ của Việt Nam mà nghe nao cả lòng. Bài báo viết về một chuyến du khảo tháng 10/2007 của nhóm phóng viên tờ Tuổi Trẻ trên Con đường Tơ Lụa, bắt đầu từ Tây An rồi thì sau đó Đôn Hoàng, Cao Xương,... với khoảng 8000 cây số đi về.
Đọc chưa hết bài báo mà lòng cứ nghe dậy lửa, thứ tâm hoả hừng hực của một gã du tử tạm thời đang bị trói chân chưa thể lên đường. Rồi bỗng đâu đó trong sâu thẳm trí nhớ, một câu hỏi thật lạ: Ô hay, trước cả cuộc di tản lừng danh của hàng triệu dân Việt trên rừng sâu dưới biển cả mấy mươi năm trước, đời nào mà chẳng có những bước chân phiêu linh biệt xứ chứ? Các ngài Pháp Hiển, Nghĩa Tịnh, Bồ-đề Đạt-ma, rồi Phật Âm, Giám Chân đã chẳng là những tăng sĩ vuợt biên đường thủy đó sao... Rồi các ngài Huyền Trang, Tôn-khách-ba, A-đề-xá đã chẳng vượt biên đường bộ đó sao.
Rồi thì những người vượt biên tại chỗ. Thân tại quê hương mà lòng đã nằm ngoài muôn dặm tự bao giờ. Cứ theo chữ nghĩa mà nói, ai lại chẳng là người Việt, ai lại chẳng vượt qua và bỏ lại cái gì đó sau lưng để mà vượt qua chính mình. Phải mà. Phải đi để mà lớn. Đi để mà nâng cao tầm nhìn, mở rộng phương trời, sống nhiều một đời ngắn, sống vui một kiếp buồn!
Bài báo được viết tài hoa, duyên dáng và nói theo người trong nước là có nhiều thông tin. Đọc để thấy mình phải lên đường. Đọc để thấy ngồi yên một xó là bi kịch nhân sinh. Đọc để thấy mình phải là dân Việt đến suốt đời. Đọc để hiểu vì sao Phật xưa kêu gọi môn đệ một đời vô trụ xứ!
Tinh thần Việt tộc gì ấy thực ra đã được nhắc tới trong kinh điển Pāli từ mấy ngàn năm trước. Theo giáo lý A-tỳ-đàm, đời sống tâm linh của chúng sinh từ muôn thuở là một dòng chảy bất tuyệt của những sát-na ý thức ngắn ngủi. Và bao đời nay trên dòng chảy ấy trước sau chỉ gồm hai thứ tâm thức căn bản là Nhân hiệp thế và Quả hiệp thế. Cao thì về các cõi nhân thiên, thấp thì đi về 4 nẻo đọa theo quy luật nhân quả tương ứng. Trong trường hợp có ai đó chứng đắc thiền định hay đạo quả thì trên dòng tâm thức kia trước hết sẽ xuất hiện một sát-na tâm có tên gọi là Gotrabhū, nghĩa đen của thuật ngữ này có thể dịch là Đổi Đời, nghĩa bóng là đương sự hiện đang bỏ lại cái gốc gác thấp kém của mình trước đây để góp mặt vào một gia tộc cao quý hơn. Rồi nhìn lại nhân gian, như chúng tôi đã bao lần thưa chuyện, cuộc nhân sinh là thân phận một chiếc lá hay một con đò trên dòng. Không có gì trên dòng nước lại có thể muôn kiếp đứng yên một vị trí: Hoặc tới, hoặc lui, hay phải chìm xuống.
Có một dịp nào rỗi rảnh, độc giả có thể tìm đọc bài kinh đầu tiên của Tương Ưng Bộ (Samyuttanikāya) để thấy ra vấn đề đang được đề cập ở đây. Nếu cảm thấy chánh kinh mơ hồ tối nghĩa, ta có thể tìm vào Sớ Giải của bộ kinh này (Sāratthapakāsinī) để thấy rằng chỉ riêng việc làm sao có thể tồn tại trên sóng nước là cả một nghệ thuật, và cái lý tưởng tối hậu của kẻ trên dòng chính là hai chữ Vượt Qua (oghamtara)Chìm xuống (samsīdati) hay trôi giạt (nibbuyhati) vô định đều phải bị xem là tai nạn (Sớ nói, tham ái là chìm xuống và tà kiến là trôi giạt, Thường kiến là chìm xuống và Đoạn kiến là trôi giạt, lười biếng là chìm xuống và phóng dật là trôi giạt, lợi-dưỡng là chìm xuống và khổ hạnh là trôi giạt, ác pháp hiệp thế là chìm xuống và thiện pháp hiệp thế là trôi giạt). Hết bến bờ này, sang đến bến bờ khác, gì cũng phải bỏ lại sau lưng. Cho đến một ngày không còn gì để làm, không còn gì để học, không còn gì để vượt qua hay bỏ lại. Tôi nhắc lại, anh có là ai, cái anh có được là gì, anh đang có mặt ở đâu, chuyện đó không quan trọng bằng hành trình trước mặt của anh sẽ dẫn về đâu.
Anh theo đuổi một lý tưởng chính trị và bây giờ nắm được vận mệnh cả quốc gia trong tay, nhưng dân chúng của anh đói nghèo và quốc gia của anh lạc hậu, thì cái mà anh phải nhắm tới chính là một ngày mai tốt đẹp hơn bữa nay chứ không phải suốt ngày trùm mền nhắc lại chuyện hôm qua để tự khen thưởng bản thân. Anh phải biết tự vượt qua chính mình để lý tưởng chính trị của anh không bị đời sau xem là một chỗ bê bối của lịch sử.
Thế giới văn hoá hình như cũng vậy. Nghe đâu một chàng Thôi Hiệu từ sau lúc làm được bài thơ Hoàng Hạc Lâu đã một đời sợ hãi bút mực với chút lý do thực khó tin. Chàng không đủ sức vượt qua cái hào quang của bài thơ được xem là thần bút kia của mình. Kể cả những khi muốn làm thơ tả sông, tả núi, tả cỏ tả cây, cứ bày giấy mực là lại nhìn thấy một cánh hạc chập chờn ngay trước mắt và bên tai lại văng vẳng mấy câu thơ càng lúc càng dễ ghét: Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản, bạch vân thiên tải không du du...! Mấy câu thơ đó là của chính chàng đó chứ, nhưng Thôi Hiệu không ngờ là chúng đã báo hại đời mình thê thảm đến vậy: Người ta tán thưởng bài thơ Hoàng Hạc Lâu ghê quá, làm bài thơ khác không hay bằng thì có phải khó ăn nói hay không chứ? Đã vậy, cái bóng dáng của lầu Hoàng Hạc kia đã che khuất tất cả mọi cảm xúc của Thôi Hiệu: Không nhà cửa nào đẹp bằng lầu Hoàng Hạc, không loài cầm thú nào đẹp bằng chim hạc, không thời khắc nào trong trời đất tuyệt vời bằng buổi chiều trên sông, và con sông ấy phải là con sông Hán Dương với một cái cù lao Anh Vũ mắc toi ấy. Tội nghiệp, cái thiên tài đáng lẽ thuộc hàng thi bá ấy ai ngờ lại bị dìm chết không bởi một đối thủ nào ghê gớm, mà chỉ vì một bài thơ non chục câu của chính mình. Đúng là chết oan ức hơn cả Từ Hải đời sau. Không vượt qua được cái hàng rào của xó vườn nhà mình, thì người ta không thể ra được tới chỗ gọi là thiên hạ.
Về đạo học ư? Trong kinh Trung Bộ (Majjhimānikāya) có một bài kinh Lõi Cây (sārūpamāsutta) gì ấy, nội dung nói toàn những gì vừa được đề cập ở đây. Theo đó, cuộc tu là một hành trình gạn lọc và chọn lựa thông minh. Anh vừa lòng quá sớm với cái mình có, không vượt qua được những ngọt ngào trước mắt? Anh chết thẳng cẳng ngay. Từ một nếp sống sung túc lợi danh, tới một nếp sống giới hạnh trong suốt như pha-lê, một khả năng thiền định thần thông quán thiên địa, một trình độ tri kiến suýt soát thánh nhân, tất cả đều chỉ là những quán trạm qua đêm. Nếu anh chưa là thánh nhân thì con đường phía trước vẫn còn dài lắm.
Anh nổi hứng dừng lại ở đâu đó, trong Tăng Chi Bộ (Anguttaranikāya) đức Phật gọi là tình huống một khúc gỗ bị mắc cạn. Trong kinh Đại Bát Niết-bàn của Trường Bộ (Dīghanikāya), đức Phật trước khi viên tịch cũng đã nhắc lại lý tưởng này trong các pháp Bất Thối (aparihāniyadhamma): Cho đến bao giờ còn có các tỷ kheo không dừng lại nửa chừng (antaravosānam āpajjati) trong công phu tu học thì ngày đó tăng đoàn vẫn còn hùng mạnh, chưa bị suy giảm.
Ngó ra thiên hạ, từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, người Đức rồi người Nhật, Nam Hàn, Do Thái đã biết vuợt qua những khốn khó ngất trời của thời hậu chiến để bây giờ, hầu hết những dân tộc còn lại khi nói về họ đều phải ngưỡng mộ hoặc ghen tỵ. Tôi muốn gọi họ là những người biết vượt biên. Rồi thì những mảnh đời của từng cá nhân, bất kể thuộc dân tộc nào, chỉ cần biết bỏ lại sau lưng một quá khứ buồn để có được một hoàn cảnh đủ sức tự lợi và lợi tha, đó cũng là những kẻ vượt biên. Và bất cứ ai từng vượt biên đều có thể được gọi chung là người Việt, kẻ vượt qua một biên giới nào đó. Nếu nói vậy, đồng bào của tôi không chỉ là những người sinh trưởng trong cái bản đồ có hình chữ S nằm bên bờ Đông Hải, mà còn là tất cả những ai từng trải qua những hành trình ngoạn mục để vượt qua chính mình ngày cũ để trở thành một cái gì mới mẻ và hữu ích.
Nói đời là biển khổ thì không sai, có điều là buồn quá. Nhưng đổi lại, có thể gọi cuộc đời là một dòng sông, một hành trình, với những bến bờ để vượt qua, những trạm ghé qua đêm để bỏ lại ... thì rõ ràng là vẫn còn có chút gì để nhớ để thương!

Thứ Ba, 18 tháng 2, 2014

Phật giáo Nguyên Thủy và công bằng xã hội

Các nhà tư tưởng Bà-la-môn đã tạo ra một xã hội phân chia đẳng cấp dựa theo chủng tộc hay thân thế của một người; trong khi đó, Phật giáo phân chia xã hội theo sự phát triển về tinh thần và đạo đức.
60
Xã hội Ấn Độ thời đức Phật ra đời đầy dãy những bất công, bởi xã hội bị phân chia thành nhiều đẳng cấp khác nhau. Những đẳng cấp thấp bị tước hết những quyền căn bản của cuộc sống, họ sinh ra chỉ để phục vụ và nô dịch cho các tầng lớp cao hơn. Vào thời gian cách đây đến 2.500 năm, khi đó xã hội loài người còn chưa phát triển, không chỉ có Ấn Độ mới có một xã hội bất công như thế, cả thế giới này chúng ta có thể gọi tên không biết bao nhiêu là quốc gia mà người dân luôn là kẻ bị tước đoạt nhân quyền. Ngày nay, chúng ta vẫn còn chứng kiến nhiều quốc gia mà bất công trong xã hội vẫn còn hiện diện. Điều đó cho thấy, vào thời kỳ đó, Phật giáo đã làm một cuộc cách mạng để giải phóng con người khỏi ách bóc lột của các tầng lớp trên nhân danh Thượng đế để chiếm hữu tư liệu sản xuất quan trọng và gay go như thế nào!
Trước khi bước vào phân tích quan điểm của Phật giáo đối với công bằng xã hội, chúng ta thử xem hệ thống đẳng cấp trong xã hội Ấn Độ thời ấy được quy định như thế nào trong bộ luật Manu của Hindu giáo.
1. LUẬT MANU
Ấn Độ giáo là tên sau này của Hindu giáo, hiện giờ được coi là tôn giáo chính của đất nước có trên một tỷ dân. Hindu giáo có mặt trên đất nước Ấn Độ từ rất sớm và đã để lại cho nhân loại nhiều học thuyết, trong đó ba bộ Thánh kinh là Vệ Đà, Upanisad và Chí Tôn Ca phản ảnh mọi mặt của cuộc sống vào thời gian đó. Ngoài ba bộ kinh điển thiêng liêng của Hindu giáo, bộ luật Manu ra đời nhằm điều chỉnh mọi hành vi trong cuộc sống xã hội. Từ bộ luật ấy, chúng ta sẽ thấy tư tưởng phân biệt đối xử đẳng cấp thể hiện rất rõ và đã tồn tại rất lâu trong xã hội Ấn Độ cách đây hơn 2.500 năm.
Bộ luật Manu của Ấn Độ cổ là một tác phẩm luật xuất hiện sớm nhất trong xã hội loài người. Đây là bộ luật có thể nói đã thể hiện bao quát hết mọi mặt của cuộc sống xã hội. Bộ luật gồm 12 chương, với 2.385 điều, được cho là đã xuất hiện vào khoảng năm 1.200 trước Công Nguyên.  Đây là công cụ mà đẳng cấp Bà-la-môn dùng để kiểm soát xã hội. Hầu hết là những luật điều chỉnh hành vi xã hội do hai đẳng cấp Bà-la-môn và Sát Đế Lợi đặt ra, nhằm đem lại cho họ những quyền lợi to lớn trong xã hội.
Luật Manu quy định rõ ràng về những nghĩa vụ và bổn phận của mỗi đẳng cấp khác nhau, cho đó là những lời đấng Phạm Thiên mong muốn sau khi Ngài hoàn tất công việc tạo ra thế giới:
Để bảo vệ Vũ Trụ này, đấng Phạm Thiên Toàn Năng đã phân công nhiệm vụ khác nhau cho những người được sinh ra từ miệng, cánh tay, đùi và bàn chân của Ngài”.[1]
Đối với đẳng cấp tăng lữ Bà-la-môn (được sinh từ miệng đấng Phạm Thiên – NV) được phân công giảng dạy và học tập (thánh điển Vệ Đà), chủ trì tế lễ vì lợi ích của chính họ và người khác, được cho và nhận (của bố thí)”.[2] 
Đối với đẳng cấp Sát Đế Lợi  - Vua quan (Kshatriya), đấng Phạm Thiên giao phó cho việc bảo vệ người dân, ban tặng quà cáp, được tham dự cúng tế, học kinh điển Vệ Đà, và tránh không sa vào những thú vui nhục dục”.[3]
Đối với người thuộc Phệ Xá – Thương buôn (Vaisya) ban cho việc chăm sóc gia súc, ban cho quà tặng, tham gia cúng tế, học kinh điển Vệ Đà, buôn bán, vay tiền và khai phá đất đai”.[4]
Một bổn phận duy nhất mà đấng Phạm Thiên ban cho đẳng cấp Thủ Đà La (Sudra) là phục vụ một cách tận tình cho ba đẳng cấp trên”.[5]
Điều đó cho thấy, đẳng cấp Thủ Đà La đã bị bóc lột một cách tàn nhẫn như thế nào! Những đẳng cấp trên được trao cho nhiều công việc béo bở, được đấng Phạm Thiên ưu ái trao cho quà tặng, được tham gia cúng tế, học tập kinh điển để mở mang trí óc. Trong khi đó, đấng Toàn Năng, đấng Chiếu Khắp chỉ trao cho đẳng cấp Thủ Đà La một vai trò duy nhất, một vai trò chẳng ai muốn nhận. Thế nhưng đó là điều mà bộ luật điều chỉnh hành vi xã hội của Ấn Độ cổ quy định nên không thể không thi hành.
Sự phân cấp giai tầng đó còn được thể hiện bất công qua việc hôn nhân cưới hỏi với quy định một người thuộc đẳng cấp Bà-la-môn có quyền cưới người phụ nữ thuộc cả ba đẳng cấp dưới, còn người thuộc đẳng cấp Thủ Đà La chỉ có một sự lựa chọn duy nhất là cưới vợ cùng đẳng cấp với mình:
Luật quy định rằng, một người phụ nữ thuộc đẳng cấp Thủ Đà La chỉ có thể là vợ của người cùng đẳng cấp; người thuộc đẳng cấp Phệ Xá có thể có vợ đẳng cấp Phệ Xá và Thủ Đà La; người đẳng cấp Sát Đế Lợi có thể có vợ cùng đẳng cấp mình và cả hai đẳng cấp thấp hơn; cả ba người thuộc đẳng cấp thấp nhất có thể làm vợ của người thuộc đẳng cấp Bà-la-môn”.[6]
Xã hội hầu như không có một biện pháp nào bảo vệ quyền lợi cho đẳng cấp Thủ Đà La. Bộ luật được coi là cổ nhất lịch sử loài người chỉ chăm chăm bảo vệ quyền lợi của tầng lớp Bà-la-môn và Sát Đế Lợi, với những điều luật như:
“Một người thuộc đẳng cấp Thủ Đà La, cho dù bị mua hay không mua, anh ta có thể buộc phải làm công việc nô lệ, vì anh ta được sinh ra cho việc đó, là làm nô lệ cho đẳng cấp Bà-la-môn”.[7] Hay “Một người đẳng cấp Thủ Đà La dù được giải phóng bởi chủ của mình, vẫn không thoát khỏi tình trạng nô lệ, vì đó là tình trạng bẩm sinh của anh ta, ai có thể giải thoát cho anh ta được?[8]
Và khi ra tòa, một người thuộc đẳng cấp Bà-la-môn chỉ cần một cuộc nói chuyện là ổn thỏa; đẳng cấp Sát Đế Lợi thì chỉ cần khai báo thành thật; đẳng cấp thứ ba thì bị cảnh cáo phạt lúa, bò, tiền; còn đẳng cấp Thủ Đà La thì bị răn đe, trừng phạt rất nặng nề.[9]
Một người Sát Đế Lợi phỉ báng người thuộc đẳng cấp Bà-la-môn sẽ bị phạt một trăm tiền, sẽ bị phạt từ một trăm năm mươi đến hai trăm nếu đó là người đẳng cấp thứ Phệ Xá, và sẽ là nhục hình đối với một người Thủ Đà La dám phỉ báng đẳng cấp Bà-la-môn.[10] Ngược lại, nếu là một người Bà-la-môn phỉ báng người thuộc ba đẳng cấp kia sẽ bị phạt tiền theo thứ tự trên xuống như sau: năm mươi, hai mươi lăm và mười hai. Nếu một người Thủ Đà La chưởi mắng, thóa mạ ba đẳng cấp kia thì sẽ bị trừng phạt cắt lưỡi v.v...
Nói chung, rất nhiều điều luật hiện hành trong luật Manu đều đem lại sự bất lợi cho các đẳng cấp thấp, thiên vị đối với hai đẳng cấp mà luật cho là thượng đẳng: Bà-la-môn và Sát Đế Lợi. Với những gì ghi trong luật Manu của Ấn Độ giáo, chúng ta thấy có tất cả năm loại quyền lợi mà người thuộc đẳng cấp thấp bị tước đoạt là:
a. Không có quyền lợi về chính trị.
b. Không có được cơ hội và lợi ích về kinh tế.
c. Không có được công bằng xã hội.
d. Không có quyền công bằng về tôn giáo.
e. Không có cơ hội công bằng về xét xử.[11]
Trong khi đó, cũng vào thời gian đó, ở hai quốc gia Yona và Kamboja chỉ có hai giai cấp được thành lập, đặc biệt vai trò giai cấp của họ có thể thay đổi. Hai giai cấp đó là chủ nhân và người làm công. Vị trí đó bị hoán đổi nếu chủ nhân phá sản hay không còn khả năng kinh tế và ngược lại, người làm công, đầy tớ nếu tích tụ của cải, có thể trở thành chủ nhân ông, thuê lại người chủ củ của mình để làm công.[12] Hệ thống xã hội đó giống với xã hội chúng ta ngày nay.
2. PHẬT GIÁO
Đức Phật đã chỉ ra những sự thật đáng chú ý về sự khác biệt giữa người này với người kia trong xã hội qua  những gì đề cập trong kinh Vasettha. Ngài đưa ra quan điểm của mình chủ yếu là để phá hủy cấu trúc xã hội già cỗi, một cấu trúc xã hội dựa trên nền tảng nguyên tắc hẹp hòi về đẳng cấp, tín ngưỡng, gia tộc và bất công. Ngài muốn thiết lập một xã hội mới dựa trên nền tảng bình đẳng, tình anh em và công bằng xã hội. Những nguyên nhân sau được đưa ra để cho thấy không có một lý do nào để tồn tại cái gọi là hệ thống đẳng cấp trong xã hội:
a) Về sinh học.
b) Về nghề nghiệp.
c) Về lịch sử.
d) Về xã hội.
e) Về đạo đức.[13]
“Sinh học”
Để làm sáng tỏ lý do về sinh học, đức Phật nói với hai thanh niên dòng dõi Bà-la-môn tên là Vasettha và Bharadvaja rằng, không có chỉ dấu khác biệt lớn nào giữa loài người với nhau, trong khi đó những loài động thực vật mới có tướng sinh dị biệt khác nhau:
                  “Hãy xem loại côn trùng
                  Bướm đêm, các loài kiến,
                  Chúng có tướng thọ sinh,
                  Do sanh, có dị loại.
                  Hãy xem loại bốn chân,
                  Loại nhỏ và loại lớn,
                  Chúng có tướng thọ sinh,
                  Do sinh, có dị loại v.v...[14]
Ta cũng thấy rằng, không có sự khác nhau giữa những người thuộc đẳng cấp này với những người thuộc đẳng cấp khác. Có lẽ nào, tóc tai mũi lưỡi chân tay của đẳng cấp Bà-la-môn dài hơn, to hơn, trắng hơn những thứ đó của đẳng cấp Thủ Đà La? Ở các loài sinh vật, thực vật chúng có sự khác nhau để phân loại này với loài khác, hình dáng con mèo khác hoàn toàn so với con bò, con cá, con heo. Và trong cùng loài với nhau như loài bốn chân, cũng đã có hàng trăm hình dạng khác nhau. Thế nhưng, chúng ta không thấy những điểm khác nhau rõ ràng trên của hơn bảy tỉ người để có thể phân loại.
Có sự khác nhau giữa cảm thọ hạnh phúc và khổ đau giữa các đẳng cấp? Lẽ nào đẳng cấp Bà-la-môn khi tạo ác nghiệp không bị sa vào các cõi ác thú địa ngục, hay chỉ có những tầng lớp khác mới chịu hậu quả như thế? Một khi quả dị thục chín muồi thì không có sự phân biệt đẳng cấp, ai cũng phải chịu ác báo giống nhau. Lại nữa, lẽ nào chỉ có giai cấp Bà-la-môn mới có từ tâm, lương thiện, từ bỏ ác nghiệp khi mạng chung được sinh lên thiên giới, còn các giai cấp khác thì không? Hoàn toàn sai lầm khi nghĩ rằng điều đó là đúng.
Có phải chỉ có ngọn lửa của người thuộc đẳng cấp Bà-la-môn sáng hơn, nóng hơn ngọn lửa của các đẳng cấp khác? Cả hai người đó cùng kiếm lửa, tạo ra lửa bằng một loại cây giống nhau, vậy thì hai ngọn lửa đó có khác nhau về màu sắc, sức nóng không?
Ngay cả trong cùng một giai cấp Bà-la-môn, nếu một người đọc tụng, thông hiểu thánh điển Vệ Đà thì sẽ được mọi người tôn kính và cúng dường hơn những người không đọc tụng và thông hiểu thánh điển. Và hơn thế nữa, một Bà-la-môn không đọc tụng, không thông hiểu thánh điển nhưng có trì giới, hành thiện pháp thì được tôn kính, cúng dường hơn người thông hiểu thánh điển nhưng không trì giới và hành thiện pháp. Điều này nói lên rằng, giá trị của một người không nằm ở đẳng cấp mà đến từ khả năng kiến thức và đạo đức mà người đó sở hữu.[15]
Hai chàng trai trẻ Bà-la-môn tranh luận với nhau rằng: “Nếu ai thiện sinh từ mẫu hệ, phụ hệ, huyết thống thanh tịnh cho đến bảy đời tổ phụ, không bị một vết nhơ nào,  không bị một dèm pha nào về vấn đề huyết thống thọ sinh, như vậy là làm một vị Bà-la-môn”.[16] Luận cứ này cũng không vững chắc, bởi trong luật Manu của Ấn giáo cho phép một người thuộc đẳng cấp Bà-la-môn được lấy vợ thuộc mọi đẳng cấp, nghĩa là có thể lấy vợ thuộc đẳng cấp Thủ Đà La kia mà. Nhà Phật học lừng danh Asvaghosa đặt nghi vấn về vấn đề này như sau: “Nếu cho rằng, mình thuộc đẳng cấp Bà-la-môn vì có cha mẹ thuộc dòng dõi Bà-la-môn, thì tôi phản đối điều đó trừ khi tổ tiên của họ phải thuần chủng, nghĩa là phải quan hệ huyết thống. Còn trong những trường hợp khác như cha là Bà-la-môn, mẹ là Thủ Đà La  hoặc ngược lại thì đứa trẻ sinh ra không còn thuộc đẳng cấp Bà-la-môn”.[17] Xa hơn, đức Phật cũng đã chứng minh cho chàng thanh niên Ambattha về việc không có một thứ giai cấp tối thượng, một dòng dõi tinh khiết hơn các dòng dõi khác khi vạch trần lịch sử tổ tiên của chàng thanh niên kiêu mạn này:
Này Ambattha, ngươi thuộc dòng dõi nào? Đức Phật hỏi. Và khi chàng thanh niên trẻ tuổi kiêu mạng ấy trả lời, đức Phật dạy rằng: Này Ambattha, nếu theo phụ mẫu hệ của ngươi về thời quá khứ, thời dòng họ Thích Ca (Sakya) là thầy của ngươi và ngươi là con một nữ tỳ của dòng họ Thích Ca. Tổ tiên của dòng họ Thích Ca là vua Okkhala, vì muốn trao vương vị cho hoàng tử con bà hoàng hậu chính mà vua thương yêu nên đã đuổi những người con lớn của mình ra khỏi nước. Bị tẩn xuất, nên họ đến sống tại một khu rừng bên sườn núi Hy Mã Lạp Sơn. Vị sợ huyết thống của mình bị lẫn lộn với huyết thống khác nên các vị hoàng tử này đã ăn nằm với những người chị của mình. Khi đức vua biết những hoàng tử này vị sợ lẫn lộn huyết thống đang sống ở sườn núi tuyết đã thốt lên rằng: Những hoàng tử này thật là Sakya (cứng như lõi cây sồi), thật đúng là Sakya. Vì thế, vua Okkhala chính là tổ phụ của dòng họ Thích Ca. Vị vua ấy có một nữ tỳ tên là Disa, nữ tỳ này hạ sinh một đứa con da đen, đặt tên là Kanha, khi vừa mới sinh đã biết nói, khiến cho mọi người sợ hãi. Kanda chính là tổ phụ của dòng họ Khahayana, chính là dòng họ của ngươi. Vì thế, dòng họ Thích Ca là thầy của ngươi, và ngươi là con một nữ tỳ của dòng họ Thích Ca.[18]
Thêm nữa, trong cuộc đối thoại với chàng thanh niên Bà-la-môn Assalayana, đức Phật cũng đưa ra chứng minh không có sự khác nhau về mặt sinh học nào đối với con người để từ đó sinh ra phân biệt đẳng cấp. Một người Bà-la-môn sinh ra từ mẹ như trăm ngàn người mẹ khác. Họ cũng mang thai, sinh con và chăm sóc bú mớn. Vậy những người mẹ đẳng cấp Bà-la-môn có gì hơn những người mẹ bình thường khác?[19] Như vậy, ta có thể nói rằng, không có bất kỳ sự khác nhau nào về mặt sinh học để phân chia xã hội thành nhiều đẳng cấp khác nhau như thế.
“Nghề Nghiệp”
Sự khác nhau giữa người này với người kia trong xã hội là dựa trên nghề nghiệp của họ. Ví dụ, một người làm nghề buôn bán, thì họ được xem là thương gia, không phải là nghề nông, không phải thợ săn, không phải ngư ông, càng không phải giới tu sĩ Bà-la-môn:
                  “Chính do sự hành động,
                  Được gọi Bà-la-môn,
                  Chính do sự hành động,
                  Được gọi Sát Đế Lợi,
                  Hành động làm nông phu,
                  Hành động làm công thợ,
                  Hành động làm lái buôn,
                  Hành động làm nô bộc.[20]
Con người không có sự khác biệt nào cả về ngoại hình. Họ khác nhau chăng là từ trí tuệ và nghiệp lực của họ. Đức Phật không công nhận việc một người Bà-la-môn dựa trên căn bản từ việc sanh ra, cũng như không chấp nhận việc Bà-la-môn tuyên bố họ sinh ra từ miệng của Đại Phạm Thiên. Một người trở thành Bà-la-môn hay thuộc đẳng cấp Thủ Đà La là do nghiệp lực của họ. Một người trở thành Bà-la-môn không phải do sanh ra trong gia đình Bà-la-môn mà do nghiệp hành thiện của họ. Tương tự như vậy, một người trở thành đẳng cấp thấp bởi hành nghiệp ác của họ.
“Lịch Sử”
Theo lời giải thích của đức Phật trong kinh trên, ta có thể thấy rằng, sự bình đẳng và hòa hợp của con người có thể đạt được. Đức Phật từ chối xác nhận giới đẳng cấp Bà-la-môn tuyên bố về đấng Siêu Nhiên. Trong kinh Khởi Thế Nhân Bổn (Agganna), đã cung cấp cho chúng ta những dữ kiện đáng tin cậy về lịch sử phát triển xã hội loài người.
Theo kinh Khởi Thế Nhân Bổn, thời kỳ đầu khi trái đất hình thành, xã hội loài người lúc đó sống hòa bình và hưởng thụ sự bình đẳng về vật chất. Càng về sau, những hành động bất thiện như trộm cướp, nói láo, tà hạnh xảy ra. Để kiểm soát tình trạng này, nhóm người trong xã hội đó muốn bầu lên một người có sức mạnh, có uy tín để răn đe và trừng phạt những kẻ gây rối. Vì thế, họ tập hợp lại với nhau, chọn một người có dáng dễ nhìn, thông minh và mạnh khỏe để lãnh đạo họ, người này có thể khiển trách và trừng phạt kẻ phạm tội. Đổi lại, họ cung cấp cho anh ta thực phẩm. Như vậy, người lãnh đạo được bầu bởi dân chúng. Những người lãnh đạo đó sau này đã trở thành đẳng cấp vua chúa. Đẳng cấp vua chúa được bầu bởi người dân chứ không phải được tạo ra bởi Thượng đế toàn năng. Và từ suy luận đó, có thể nói những hạng người khác trong xã hội cũng không phải do Thượng đế toàn năng tạo ra. Vì thế, tất cả lý thuyết của Bà-la-môn giáo, tuyên bố trên nền tảng siêu nhiên trở nên vô giá trị. Điều này nói lên rằng, đẳng cấp Bà-la-môn, vì để phục vụ cho lợi ích ích kỷ của mình, đã phân chia xã hội thành nhiều đẳng cấp khác nhau để cai trị và thâu tóm lợi ích kinh tế.
“Xã Hội”
Kinh Madhura chỉ ra rằng, một người thuộc bất kỳ tầng lớp xã hội nào cũng đều được tôn trọng, kính nể từ các tầng lớp khác.[21] Tôn giả Đại Ca Chiên Diên đã chỉ cho đức Vua Madhura rằng không có sự khác biệt nào giữa những người dù khác nhau về chủng tộc, màu da hay đẳng cấp. Tất cả mọi người bất kỳ ở đẳng cấp nào cũng có thể tích lũy làm giàu. Điều đó cũng giống như trong xã hội ngày nay, một người với tiềm lực kinh tế mạnh dễ dàng trở thành ông chủ, và có thể thuê nhiều người làm công cho mình.
Như vậy, sự phát triển về kinh tế quyết định tình trạng xã hội của bất cứ người nào. Vì thế, những cái gọi là chủng tộc, đẳng cấp, màu da không giúp gì cho việc cải thiện tình trạng xã hội của một người.
Trong khi đó, ở một quốc độ khác lại có sự phân tầng rất đặc biệt, hệ thống đẳng cấp của xã hội đó không tồn tại, cũng không có một học thuyết nào cho rằng đẳng cấp do Phạm Thiên sinh ra trong xã hội đó. Một xã hội chỉ có hai giai cấp được nhắc tới, đặc biệt hơn, hai giai cấp này có thể hoán đổi cho nhau dựa vào tình trạng xã hội của họ. Đó là những gì mà kinh Assalayana mô tả:
Thưa vâng, con có nghe. Trong các quốc độ biên địa như Yona, Kamboja, chỉ có hai giai cấp: chủ nhân và đầy tớ. Sau khi làm chủ nhân, lại trở thành đầy tớ, sau khi làm đầy tớ, lại trở thành chủ nhân”.[22]
Điều đó cho chúng ta thấy, tình trạng xã hội của một cá nhân thông qua tài sản họ có được. Một khi người đầy tớ chăm chỉ làm việc, tích lũy của cải, họ sẽ trở thành ông chủ. Còn người chủ với cái túi trống rỗng, hai bàn tay trắng thì trở lại làm đầy tớ.
Về những sự kiện xã hội, cũng đã nói lên được sự vô lý của cái gọi là hệ thống bốn đẳng cấp của Bà-la-môn. Mối quan hệ của một người với xã hội được đề cập rõ ràng trong kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt[23]. Theo đó, mối quan hệ của một cá nhân được chỉ định qua sáu phương hướng mà đức Phật dạy rõ cho chàng thanh niên Thi Ca La Việt: “Này Gia chủ tử, sáu phương này cần được hiểu như sau: Phương Ðông cần được hiểu là cha mẹ. Phương Nam cần được hiểu là sư trưởng. Phương Tây cần được hiểu là vợ con. Phương Bắc cần được hiểu là bạn bè. Phương Dưới cần được hiểu là tôi tớ, lao công. Phương Trên cần được hiểu là Sa Môn, Bà-la-môn.
Trong một xã hội có mối quan hệ sâu sắc như vậy, việc mình tạo ra của cải vật chất luôn chia sẻ và sử dụng nó để làm cho gia đình mình hạnh phúc và còn chia sẻ với người khác. Và theo điều này thì hệ thống đẳng cấp là điều bất lợi cho sự phát triển của xã hội. Bình đẳng xã hội cần được thiết lập thông qua phương tiện kinh tế. Cả hai đẳng cấp Bà-la-môn và không phải Bà-la-môn khi sinh ra không có bất cứ phương tiện kinh tế nào trong tay, điều kiện kinh tế của họ dần dần được phát triển. Đôi khi, trong xã hội lúc bấy giờ ta cũng bắt gặp không ít những người thuộc đẳng cấp Bà-la-môn nghèo khó. Vì thế, ngay cả họ cũng phải đấu tranh để tìm kiếm cơ hội vươn lên.
Sự phát triển của loài người trong xã hội, không phải là sự sáng tạo của một đấng Toàn Năng nào cả. Trongkinh Khởi Thế Nhân Bổn có ghi chú cho chúng ta thấy rằng hệ thống đẳng cấp xã hội có thể biến mất một khi kinh tế phát triển. Trong trường hợp này, khi xem xét những sự kiện kinh tế, chúng ta có thể chứng minh sự bình đẳng và thống nhất của xã hội.
“Đạo Đức”
Phật giáo tin rằng, tiềm năng của một người sẽ giúp người đó đạt được quả vị giải thoát. Mọi người đều có khả năng thành Phật, đạt được hay không tùy thuộc vào việc lựa chọn con đường đi của họ. Các nhà tư tưởng Bà-la-môn xem họ là một thể thống nhất với đấng Tối Cao như Phạm Thiên. Họ tự hào về một thứ lý thuyết mà từ đó, chỉ có giới chức Bà-la-môn mới có thẩm quyền đạt được sự hợp nhất với đấng Tối Cao. Đây là thứ lấy đi tự do tư tưởng của con người.
Đức Phật trong thời gian đó, đã đặt chú ý của mình vào vấn đề trên. Ngài ủng hộ cho tất cả mọi người bất kể đẳng cấp nào, chủng tộc nào, màu da nào đều có thể gia nhập Tăng đoàn của mình. Không một ai có thể tự cho mình trong sạch hơn kẻ khác.
Đức Phật dạy rằng, không ai có thể khiến mình thanh tịnh hay nhiễm ô, chỉ có chính mình mới làm được điều đó:
                  “Tự mình, điều ác làm
                  Tự mình làm nhiễm ô,
                  Tự mình, ác không làm
                  Tự mình làm thanh tịnh.
                  Tịnh, không tịnh tự mình,
                  Không ai thanh tịnh ai.”[24]
Từ đoạn trích trên, ta có thể thấy rõ rằng, đức Phật đã giành lại sự tự do hoàn toàn cho con người. Ngài động viên các đệ tử hãy cố gắng tự thân nỗ lực, Như Lai chỉ là bậc thầy hướng đạo:
                  “Ngươi hãy nhiệt tình làm
                  Như Lai chỉ thuyết dạy…[25]
Hay trong một trường hợp khác, đức Phật dạy rằng: Mình là chúa tể của chính mình; làm thế nào người khác có thể là chúa tể của chính mình được. Bằng cách chế ngự chính bản thân mình, chúng ta có thể đạt được quả vị khó đạt được:
                  “Mình tự y chỉ mình,
                  Nào có y chỉ khác,
                  Nhờ khéo điều phục mình,
                  Được y chỉ khó được.[26]
Chúng ta thấy được rằng, Phật giáo nghiêng về tự do, dân chủ và nhân tính hơn là những triết lý vốn có trong xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ. Chính vì yêu cầu xã hội nên đã tạo ra nhiều tầng lớp trong xã hội. Con người đều giống nhau, đều có những hoạt động căn bản như đi, đứng, nằm, ngồi, ngủ nghỉ, làm việc v.v... Đức Phật dạy rằng, chúng ta có thể tự giải phóng chính mình, đi theo con đường mà Ngài đã dạy.
Thiện nghiệp và ác nghiệp đồng hành với chúng ta ngay cả khi từ giã cõi đời này. Nó rất quan trọng, sẽ quyết định cuộc sống của chúng ta có được hạnh phúc hay đau khổ ngay trong đời này và đời sau. Theo triết học Phật giáo, con người là thừa tự của nghiệp lực mà mình tạo ra:
                  “Ý dẫn đầu các pháp
                  Ý làm chủ, ý tạo;
                  Nếu với ý ô nhiễm,
                  Nói lên hay hành động,
                  Khổ não bước theo sau,
                  Như xe, chân vật kéo”.[27]
                  “Ý dẫn đầu các pháp,
                  Ý làm chủ, ý tạo;
                  Nếu với ý thanh tịnh,
                  Nói lên hay hành động,
                  An lạc bước theo sau,
                  Như bóng, không rời hình.”[28]
Trong kinh Madhura cũng nói tới việc không có sự khác nhau giữa những người thuộc các đẳng cấp khác nhau nhận lấy quả báo thiện và ác do chính họ tạo ra. Thiện báo mà những người Bà-la-môn và Thủ Đà La nhận không có bất kỳ sai khác nào. “Ở đây, nếu có vị Bà-la-môn, ở đây nếu có vị Phệ Xá, ở đây nếu có vị Thủ Đà La từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm, từ bỏ tham dục, từ bỏ sân hận, theo chánh kiến, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy có thể sanh Thiện thú, Thiên giới”.
Đức Phật không bao giờ xem xét một người nào đó quan trọng hơn hay ít quan trọng hơn thông qua đẳng cấp, chủng tộc, màu da của họ. Ngài luôn nhấn mạnh đến phẩm hạnh của một người. Trong giai đoạn đầu phát triển về Tăng già, tất cả ai cũng có thể sống và gia nhập Tăng đoàn. Lúc đó, gia tộc dòng họ Thích rất được tôn kính trong xã hội. Có một vài hoàng tử của gia tộc này xuất gia làm sa môn như Ananda, Bhagu, Kimbila và Devadatta. Một người thợ hớt tóc hoàng gia tên là Upali cũng muốn gia nhập Tăng đoàn. Đức Phật đã để cho Upali xuất gia trước rồi mới cho phép các vị hoàng tử kia xuất gia. Theo quy định của Tăng đoàn đức Phật, vì Upali xuất gia trước nên các vị hoàng tử kia phải kính trọng tôn giả Upali mặc dù tôn giả xuất thân từ gia đình đẳng cấp thấp.
Trong một trường hợp khác, những vị nữ giới xuất thân từ đẳng cấp thấp cũng được đức Phật cho gia nhập Ni đoàn, và sau này được mọi người kính trọng. Một trong số đó là tỳ kheo ni Punna đến từ gia đình nô lệ. Các vị tỳ kheo và tỳ kheo ni bất kể xuất thân từ đẳng cấp nào cũng thành tựu được quả vị thánh, được người đời kính trọng và tôn kính.
Trong kinh Phật Tự Thuyết, nói về buổi thuyết giới kinh, đức Phật có tuyên thuyết về sự hợp nhất của các đẳng cấp trong Tăng đoàn của Ngài. Ngài lấy ví dụ bốn con sông chảy ra biển. Một khi nước của bốn con sông chảy ra biển thì chúng lập tức mất tên trước đó của nó, và trở thành biển lớn.
Ví như, này các tỳ kheo, phàm có các con sông lớn nào, ví như sông Hằng, sông Yamunà, sông Aciracati, sông Sarabhù, sông Mahi, các con sông ấy khi chảy đến biển, liền bỏ tên họ trước, trở thành biển lớn. Cũng vậy, này các tỳ kheo, có bốn đẳng cấp này: Sát-đế-lị, Bà-la-môn, Phệ-xá, Thủ-đà, sau khi từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia trong Pháp và Luật được Như Lai tuyên bố sau này, chúng từ bỏ tên và họ của chúng từ trước, và chúng trở thành những Sa môn Thích tử”.[29]
Các nhà tư tưởng Bà-la-môn đã tạo ra một xã hội phân chia đẳng cấp dựa theo chủng tộc hay thân thế của một người; trong khi đó, Phật giáo phân chia xã hội theo sự phát triển về tinh thần và đạo đức. Trong khi Bà-la-môn tuyên bố sự hiện diện của đấng Thượng đế toàn năng thì đức Phật lại cho rằng, con người là kẻ thừa tự của nghiệp lực, do nghiệp lực chi phối.

Tiến sĩ Phật học. Đại học Delhi


[1]The Laws of Manu, C.1. điều 87.           
[2]. Sđd. điều 88.              
[3]. Sđd. điều 89.              
[4]. Sđd. điều 90.              
[5]. Sđd. điều 91.              
[6]. Sđd. C. III, điều 13.  
[7]. Sđd. C. VIII, điều 113.             
[8]. Sđd. điều 114.            
[9]. Sđd. điều 88.              
[10]. Sđd. điều 267.          
[11]Buddhism and the Race Question, str.14, 15; G.P Malalakera and K.N.Jayatilleke.            
[12]. TB. kinh Assalayana, tr. 685.
[13]Buddhism and The race question, str. 53, 54; G.P. Malalasekara and K.N. Jayatilleke (Sinhala edition).           
[14]. TB. Kinh Vasettha, tr. 779.  
[15]. TƯ. tr. 359.               
[16]. TB. Kinh Vasettha, tr. 776.    
[17]. Trd. Jayatilleke, 1992, tr. 44. 
[18]. Tr.B. kinh Ambattha, tr. 169. 
[19]. TB. tr. 684.
[20]. Sđd. tr. 686.              
[21]. TB. Kinh Madhura, tr. 549.   
[22]. TB. kinh Assalayana, tr. 685.               
[23]. Tr.B. tr. 541.             
[24]. PC. số 165.
[25]. PC. số 276.
[26]. PC. số 160.
[27]. PC. số 01.  
[28]. PC. số 02.  
[29]. TK. Kinh Phật Tự Thuyết, C. 5, Ph. Trưởng Lão Sona, kinh số 51.