Toi đã mặc y Nam Tông từ bé, giờ già rồi, sau chút phong trần mới hay lá y của Phật ban hành là đồ quý. Người Hi Lạp thời Socrates hay người La Mã thời J.Cesar đều có kiểu trang phục giống hệt y áo của PG Theravada. Các kiểu quần có ống, áo có tay thấy vậy mà không đắc dụng bằng kiểu y phục dùng tấm vải lớn trùm trên quấn dưới.
Cái quần hay chiếc áo chỉ có mỗi tác dụng che thân. Trong khi đó tấm sà-rông của các dân tộc Miên, Miến, Thái, Lào, Ấn....thì ngoài tác dụng y phục còn có thể dùng làm khăn tắm, miếng trải giường, trải chỗ ngồi, khăn choàng lúc trời lạnh (nếu có hơn hai cái).
Đó là chưa kể một điều đặc biệt nữa, phụ nữ vận sà-rông nhìn nữ tính hơn, gợi cảm hơn, xấu cũng thành dễ nhìn, thêm được vài điểm. Và nếu cắc cớ bị mất sạch y phục, người mặc sà-rông chỉ việc vơ vội một tấm vải là đâu sẽ vào đấy thôi.
Thậm chí kẻ mặc sà-rông có thể không cần cúng tiền cho tiệm may như kẻ mặc áo quần. Hay thiệt. Chợt nhớ chiếc khăn rằn vắt vai của các cụ ở miền tây Nam Bộ cũng đa dụng như vậy: Làm tay nải, khăn quấn đầu, khăn tắm, sà-rông, hay lúc ngang nhà có chó dữ cũng yên tâm.
Nhìn người Miến hôm nay, tôi thầm mong một điều: Đừng bao giờ cái quần hiện đại thế chỗ chiếc sà-rông truyền thống, uổng lắm, buồn lắm.
Tổng chi, nếu có ai hỏi tôi sao nói quá nhiều về cái sa-rông như vậy, tôi sẽ thưa rằng tấm sà-rông chứa cả một trời triết học và đạo học trong đó chứ chẳng chơi.
Kiếp người ngắn ngủi, nên thời gian, tiền bạc và công sức phải được tận dụng cho những điều thật sự cần thiết. Mặc sà-rông, ta tiết kiệm được cả ba thứ đó.
Và một tấm sà-rông đã cũ xì vẫn dùng được nhiều việc hơn là áo quần cũ. Một món đồ giản dị, dùng được nhiều việc, rẻ tiền, vả lại thêm nét đẹp thì tiếc gì mà không coi trọng nó !
Source: FB Toại Khanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét