Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

Người làm báo, giới thứ hai & giới thứ tư

GN - Giới thứ hai trong năm giới căn bản của người Phật tử được Đức Phật chế định là không tham lam, trộm cướp, không lấy những vật hoặc sản phẩm không phải của mình, không do mình làm ra, không được cho, tặng. 
Còn giới thứ tư, Ngài đề cập đến việc không nói dối cũng như không truyền tải thông tin sai sự thật hoặc mình không biết chắc…
1. Người làm báo là người truyền tin, bằng nghiệp vụ thao tác chuyên môn, thu thập thông tin, sắp xếp và truyền đi qua các ấn phẩm như báo giấy, hình ảnh, âm thanh... Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, trước ngồn ngộn thông tin được cập nhật nhanh nhạy trên internet, với sự cạnh tranh tin tức ngày một gay gắt, các báo đa dạng hóa công tác nghiệp vụ, trở thành truyền thông đa phương tiện để đáp ứng nhu cầu tổng hợp đọc, nghe, nhìn… trên một sản phẩm báo chí thì bên cạnh đó cũng có những trang web tổng hợp tin tức hoặc các công ty truyền thông “ngồi mát ăn bát vàng”.
tacnghiep.jpg
Người làm báo cần giữ tâm mình trong sáng để mỗi thông tin
truyền đi đều mang giá trị cho người đọc, chung tay làm đẹp cuộc sống - Ảnh minh họa
Mới đây, tờ Năng Lượng Mới đã có bài viết nói về sự “ăn cắp” của trang mạng như 24h và thẳng thừng cho rằng, trong khi các tờ báo chính thống đầu tư đội ngũ làm báo, viết tin, bài, cập nhật nhanh trong khả năng có thể thì trang 24h chỉ cần đầu tư kỹ thuật và sau đó cắt - dán tin bài báo khác hoặc “xào nấu”, tạo ra sản phẩm của mình mà không phải cần đội ngũ xông vào sự kiện, nghe ngóng thông tin - tác nghiệp báo chí. Từ đó, “ngồi không hưởng lợi” từ quảng cáo là một điều “bất công”, tất nhiên là phi pháp, cả đối với Luật Báo chí lẫn trong các nguyên tắc đạo đức mà nhà Phật chế định. Đó là giới thứ hai.
Hành động lấy cắp từ thô (như là việc thò tay bốc trái cam, trái ổi của người ta khi chưa được phép) đến ăn trộm tiền, cướp giật các vật dụng… và đôi khi vi tế như việc lấy cắp tin, bài của người khác bằng cách “đem” về “nhà” mình (từ trang web của người khác đem qua web mình) mà không được phép - nếu có quy định cấm hoặc được phép lấy lại “quên” để nguồn.
Ngày nay, có nhiều trang web thông tin hoặc báo mạng lấy cắp theo kiểu tuyển một đội ngũ chuyên đi nhặt nhạnh tin, bài từ các báo và “làm mới” lại rồi cho đăng tải trên trang nhà mình và ký tên hay mặc nhiên xem đó là nguồn của mình tạo ra, như thể mình cũng có đội ngũ phóng viên, cộng tác viên có mặt ở những sự kiện đó. Đặc biệt là hiện tượng “xào nấu” thông tin nghệ sĩ, giới tính, sức khỏe kết hợp “công nghệ giật tít” để biến những sản phẩm “có sẵn của người khác” thành những bài vở mới tinh, cập nhật hàng ngày chỉ nhằm câu độc giả truy cập.
Không phải một mà nhiều tờ báo chính thống, theo đường hướng rõ ràng cũng như tôn trọng lao động nghề nghiệp, đạo đức nghề báo… đã lên tiếng không phải một lần mà những nhiều lần về hoạt động báo chí, theo kiểu lấy cắp của một số trang báo mạng trong thời gian qua. Thậm chí còn kiện cáo (như vụ tờ baomoi.com), tuy nhiên, tình hình có vẻ “chai ỳ” bởi sự ăn bám thông tin đã lâu ngày, luật định lại chưa đủ sức răn đe hoặc chế tài chưa đủ mạnh để “bứng” tận gốc rễ của hiện trạng xấu này.
2. Trước thực trạng đó, việc kêu gọi hay xốc dậy “chữ tâm” của người làm báo được thực thi như một biện pháp kinh điển. Và, tất nhiên, luật pháp thế gian có thể có kẽ hở, có lúc không theo kịp những diễn biến của thực tế cuộc sống, nhưng định luật nhân-quả thì bất di, bất dịch và có chiều kích quá-hiện-vị lai chứ không phải chỉ một đời hay sẽ “quá hạn” trong thời gian nào đó, nếu không phát hiện hoặc quá thời gian cho phép để xử lý, có biện pháp chế tài.
Chính định luật này cùng những nguyên tắc đạo đức trên tiêu chuẩn nhà Phật sẽ là một trong những giải pháp cho mọi hướng nhìn và những lời kêu gọi mà tính khả thi có thể sẽ cao hơn là những khẩu hiệu khô khan khác.
Do vậy, nếu người viết báo, làm báo mà có học về giáo lý đạo Phật hoặc có tư tưởng Phật giáo hay là Phật tử thì sẽ ít nhiều hiểu rõ việc làm - nghề nghiệp của mình liên đới tới hai giới cơ bản thuộc về tham lam, trộm cắp và nói dối để biết giữ cái tâm sáng.
Dân gian có câu “một lần bất tín thì vạn lần bất tin” - đúc kết về sự nguy hiểm của việc nói dối, truyền tin sai sự thật… cũng là kết quả tất yếu mang tính nhân-quả của nhà Phật. Nên, nếu một tờ báo dựa trên những thông tin không đáng tin cậy hay bóp méo sự thật thì sự “bất tín”, hay niềm tin bị giảm của độc giả là có thật. Có thể có một số người thích những tin tức, bình luận mang tính “lá cải”, bóp méo do tính tò mò hoặc giải trí nhưng đa số vẫn là lựa chọn về tính chính thống, đáng tin cậy để đọc. Đó cũng chính là niềm tin cho những người làm nghề chân chính, nghiêm túc trong tác nghiệp.
Và, phải chăng đó cũng là “món quà” mà độc giả tặng cho những người làm báo không chỉ trong mỗi dịp 21-6 - Ngày Báo chí VN mà còn trong mỗi ngày với những tháng-năm làm báo của mình. Người làm báo nếu gìn giữ được giới thứ hai (không ăn cắp tin) và giới thứ tư (thông tin đúng sự thật, không bóp méo sự thật) thì sẽ yên lòng với những sản phẩm của mình đưa ra - bảo đảm mang lại giá trị tìm hiểu, nắm bắt tin của bạn đọc. Và quan trọng hơn là yên lòng với nhân mình gieo tạo là thiện nghiệp, giữ gìn được đạo đức (theo nguyên tắc đạo đức Phật dạy).
*
Trong thời đại phát triển của công nghệ thông tin và nhu yếu truyền tin nên các trang web Phật giáo ra đời khá nhiều, ít nhiều tạo ra hiệu ứng thông tin góp phần làm cho hoạt động Phật sự đến với quần chúng Phật tử. Tuy nhiên, có một số web có nguồn gốc Phật giáo vì vô tình hay cố ý đã “mượn” tin, bài của những tờ báo, trang web có nguồn tin, sản xuất bài vở lại “quên” để nguồn, vi phạm quyền tác giả, sở hữu tác phẩm mặc dù dưới mỗi website đều có lưu ý “Ghi rõ nguồn gốc nếu bạn phát hành lại thông tin từ website này”.

Thiết nghĩ, ngày 21-6, ngày của những người làm báo, truyền thông cũng là ngày nhắc nhớ về nguyên tắc làm nghề, nguyên tắc sống thật, có những ứng xử phù hợp trong tinh thần biết tôn trọng những sản phẩm liên quan tới trí tuệ và lao động chân chính của người khác, tổ chức khác. Đó là cách thể hiện sự tôn trọng chính mình.

Lưu Đình Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét