Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

Quan hệ giữa nhà nước và công dân theo kinh điển Phật giáo


Theo Đức Phật, nhà nước và công dân có mối quan hệ thâm thiết với nhau và mỗi bên đều có những trách nhiệm và bổn phận tương ứng.
ef149f4bed6abb8dc9a20be5c26fcaaa.jpg

Khi đàn bò lội sông
Ðầu đàn đi đúng hướng
Cả đàn đều đúng hướng
Vì hướng dẫn đúng đường.(1)
Xuất thân từ giai tầng lãnh đạo và trải qua nhiều năm giáo hóa đủ mọi tầng lớp, đã lưu lại những quan tâm của Đức Phật, thể hiện trong sự minh giải về mối quan hệ giữa các bậc vương quyền và tầng lớp thứ dân, trong xã hội Ấn Độ cổ đại. Hơn thế, trong những đệ tử tại gia của Đức Phật, có những vị vua đang tại vị và đã tham vấn Ngài những vấn đề liên quan đến việc quản lý, điều hành đất nước. Thậm chí trong một vài trường hợp đặc biệt, các vị đệ tử này đã cầu thỉnh ý kiến của Đức Phật về những vấn đề chính sự nóng bỏng như dự định phát động chiến tranh(2). Trong những quan điểm của Đức Phật liên quan đến việc trị an quốc gia, hướng về việc xây dựng một xã hội lý tưởng, thì vấn đề mối quan hệ giữa nhà nước và công dân là một trong những vấn đề quan trọng. Nhà nước được hiểu ở đây chỉ cho giới chức lãnh đạo đất nước nói chung, và công dân là những con người đang sống trong một xã hội cụ thể nào đó.
Mô hình về một xã hội lý tưởng theo quan điểm Phật giáo được phát hiện thấp thoáng trong kinh Chuyển luân thánh vương sư tử hống(3), kinh Khởi thế nhân bổn(4),… Trong những nỗ lực hướng về một xã hội lý tưởng, thì việc giải quyết hợp lý mối quan hệ giữa nhà nước là công dân là một trong những vấn đề căn bản, bất luận ở thời đại nào.
Vai trò và trách nhiệm của công dân
Một công dân lý tưởng cần phải tuân hành theo những phận sự cơ bản được Đức Phật chỉ bày rải rác trong nhiều kinh điển. 
1- Hoàn thiện đạo đức cá nhân, sống theo pháp luật
Thứ nhất, là công dân, phải có một đời sống đạo đức căn bản. Theo quan điểm của Đức Phật, về phương diện đạo đức cá nhân, một công dân lý tưởng cần phải tuân hành năm chuẩn mực đạo đức căn bản (Panca Sila), mà thuật ngữ Phật học gọi là năm giới(5). Đây là những chuẩn mực đạo đức lý tưởng của một con người nói chung và một công dân nói riêng.
Kế đến, một công dân lý tưởng phải sống trong khuôn khổ của quy định pháp luật. Cơ sở của luận điểm này xuất phát từ câu chuyện làm sai khế ước của xã hội (Social contract)(6) thì bị trừng phạt, được dẫn xuất từ kinhKhởi thể nhân bổn(7). Theo kinh văn, kể từ khi con người phân chia đất đai, tài sản (đắp đê phân ruộng và chia lúa) và đạt được thỏa thuận với nhau (khế ước) về việc tự do thụ hưởng những phẩm vật do mình làm ra, thì xuất hiện những kẻ trộm cắp. Những kẻ đó mặc dù đã có một phần sở hữu hoa lợi do mọi người đã phân chia trước đó, nhưng vẫn khởi tâm tham lam, trộm cắp tài vật người khác. Đó là điều đi ngược với sự thỏa thuận mà mọi người đã đạt được với nhau. Trong trường hợp đó, nếu bị bắt, kẻ trộm kia phải chấp nhận những hình phạt xứng đáng.
 Quan điểm sống và tuân hành theo pháp luật còn được thể hiện khi Đức Phật tán thán dân Vajji, do họ không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với truyền thống của dân Vajjì như đã ban hành thuở xưa(8).
Là công dân, phải sống đúng theo pháp (Dhamma), theo khế ước xã hội (Social contract), theo hiến pháp và pháp luật mà quốc gia đã ban hành. 
2- Sống có trách nhiệm với quốc gia
Ngoài những trách nhiệm cần có trong những mối quan hệ cơ bản của con người như quan hệ cha con, chồng vợ, thầy trò…, công dân cần phải có trách nhiệm với nhà nước trên nhiều phương diện. Trước hết, cần phải đóng góp sức lực và tài vật cho đất nước thể hiện trong việc đóng thuế cho quốc gia. Trong năm loại hiến cúng được ghi nhận trong kinh Tăng chi, thì hiến cúng cho vua(9) một phần tài sản mình thâu góp được, là một trong những phận sự căn bản của công dân khi sống trong xã hội.
Kế đến, quốc gia là nơi mình sinh ra và lớn lên. Thể hiện tình yêu thương quốc gia là một trong những cách thể hiện lòng tri ân của một người công dân gương mẫu(10). Ngay như bản thân Đức Phật, hơn một lần đứng ra ngăn cản vua Tỳ Lưu Ly tận diệt dòng họ Thích Ca(11). Câu chuyện này có thể hiểu ở nhiều nghĩa và một trong những nghĩa cơ bản, là bậc xuất thế không hẳn rời bỏ trách nhiệm với người thân và đất nước của mình. Quan điểm vì nhà vua, vì đất nước mà dấn thân hành động còn được đề cập trong kinh Dhananjani(12). Theo kinh, trong cuộc hội đàm giữa công dân Dhananjani và ngài Sariputta về chủ đề liên quan đến những trách vụ của công dân đối với vua chúa, hệ luận: người vì vua chúa làm các điều đúng pháp, làm các điều chơn chánh, người ấy tốt đẹp hơn(13) đã được ngài Sariputta ghi nhận và tán thán từ cuộc hội thoại này.
 Không những thế, trong một số trường hợp bị nhà vua điều động phục vụ, công dân cũng phải chấp nhận thi hành, dù có hoan hỷ hay không. Đó cũng là tâm sự thổn thức của những người thợ mộc (thapataye) khi bị điều động phục vụ cho các chuyến du ngoạn của nhà vua Pasenadi(14). Vì trách nhiệm với Tổ quốc, với giang sơn đôi khi phải chấp nhận hiểm nguy như lời tự thán của chàng bảo tiêu anh hùng được ghi lại trong kinh Tiểu bộ:Tôi liều thân nếu tới lúc cần/ Hành vi dũng liệt muốn toàn/ Làm anh hùng, phải coi thường đời ta(15).
Trong Cullavagga đã ghi lại trường hợp thể hiện sự phân công trong trách nhiệm với dòng họ, với đất nước của các hoàng thân khi cùng nhau phát nguyện xuất gia. Đó là trường hợp của hai anh em Mahanama và Anuruddha khi cả hai đều muốn xuất gia, nhưng người anh Mahanama đã phát nguyện ở lại gánh vác những trách vụ của quốc gia, của việc nhà(16). Ngay trong những thiết định giới luật, Phật không cho phép người đang đi lính xuất gia(17)…, cho thấy quan điểm về trách nhiệm của công dân đối với quốc gia, dân tộc đã được Đức Phật minh định rất rõ ràng. 
3- Hỗ trợ nhà nước và phản biện xã hội khi cần
Mặc dù nhà nước có trách nhiệm phải giải quyết những vấn đề do xã hội đặt ra như nghèo đói, bệnh tật, an sinh xã hội… thì tuy nhiên, không phải khi nào nhà nước cũng có những giải pháp kịp thời và quyết sách hợp lý. Do đó, mỗi công dân có thể cùng chung tay hỗ trợ cho xã hội bằng khả năng có thể. Những công trình phúc lợi cho tha nhân, những công việc cứu tế, chẩn bần, ra tay hỗ trợ người khốn khó trong những khu vực bị thiên tai, thảm họa… cũng là một trong những trách vụ cơ bản của mỗi công dân khi sống trong xã hội. Đó cũng là điều được Đức Phật tán thán: Ai trồng vườn, trồng rừng/Ai dựng xây cầu cống/ Ðào giếng, cho nước uống/ Những ai cho nhà cửa/ Những vị ấy ngày đêm/ Công đức luôn tăng trưởng(18).
Với các đại thí chủ như Anathapindika(19), Upali(20), và tướng quân Siha(21)…, ngay sau khi quy y Tam bảo và trở thành các cận sự nam hộ pháp tích cực, Đức Phật vẫn khuyến khích họ tiếp tục thực hiện các thiện hạnh đã làm trước kia. Thậm chí Đức Phật vẫn không ngăn cấm các vị thí chủ này trong việc hỗ trợ cho các tôn giáo khác, cụ thể như việc hỗ trợ vật thực cho các đạo sĩ của giáo phái Nigantha. Điều đó cho thấy tình thương chất ngất của Đức Phật đối với mọi giai tầng nói chung, và quan điểm khuyến khích công dân góp phần vào việc hỗ trợ xã hội nói riêng.
Trong liên hệ với nhà nước, mỗi công dân còn có chức năng phản biện xã hội, tỏ thái độ đồng tình hay phản kháng trước những quyết sách hợp lý hay không hợp lý của nhà nước. Thái độ phản biện của công dân là điều kiện cần để hoàn thiện những quyết sách đúng đắn của nhà nước. Kinh Tiểu bộ đã ghi lại trường hợp, mặc dù góp ý trong vô tình, thế nhưng Trưởng lão Dhanuggahatissa đã giúp vua Pasenadi bắt sống Ajatasattu và ổn định tình hình đất nước(22).
Trong việc cũng cố và phát triển tổ chức Tăng đoàn, Cullavagga đã mô tả hàng loạt ví dụ về việc Đức Phật đã vận dụng hiệu ứng tích cực của dư luận xã hội, để kiện toàn những thiết định giới luật nhằm chấn chỉnh, làm trong sạch và nâng cao phẩm chất đời sống Tăng-già. Từ đó có thể thấy, tác dụng của dư luận xã hội, một dạng thức mang tính phản biện xã hội, đã được Đức Phật tiếp thu có chọn lọc. Xem ra, đóng góp những quan điểm của mình nhằm xây dựng và phát triển đất nước, là một trong những bổn phận cần có của công dân trong mối liên hệ với nhà nước, chính quyền.
Phẩm chất và bổn phận của nhà nước
Nhà nước thời Phật đã xuất hiện song hành cả hai thể chế quân chủ và cộng hòa. Tiêu biểu cho giới lãnh đạo nhà nước là nhà vua. Đức Phật đã khái quát về những phẩm chất cần có của các bậc vương quyền cũng như phương sách trị nước thể hiện qua mười tiêu chuẩn gọi là Thập vương pháp (Dasa-Ràja Dhamma).
1- Phẩm chất của lãnh đạo qua Thập vương pháp
 Thập vương pháp có độ khả tín khá cao vì được kinh điển của cả hai truyền thống, Bắc truyền và Nam truyền, đồng thời ghi nhận. Mười tiêu chuẩn đó là: bố thí (dana), đức hạnh (sila), hy sinh (paricagga), công bằng (ajjava), khổ hạnh (tapa), không oán hận (akkodha), bất hại (avihimsa), kham nhẫn (khati), nhu hòa (maddava), thuận lòng dân (avirodha)(23). Trong mười phẩm chất vừa nêu, chúng ta thử khảo sát vài phẩm chất tiêu biểu. 
a) Đức hạnh (Sila)
Đức hạnh là phẩm chất quan trọng của một bậc vương quyền. Với Đức Phật, bản chất của đức hạnh không phải do kế thừa từ dòng họ mà có mà do chính hành động của mỗi con người tự quyết định: Hành động làm ăn trộm/ Hành động làm nhà binh/ Hành động làm tế quan/ Hành động làm vua chúa(24).
Một bậc quân vương căn bản trước hết không nên vô cớ gây ra biến động can qua, phải biết vừa đủ với nữ sắc, không tà dâm, thu thuế vừa phải… Nói cách khác là hoàn thiện căn bản năm giới, mười điều thiện(25). Đức hạnh của một bậc quân vương không tự nhiên sinh ra mà xuất phát từ những việc làm cụ thể. Biết chế ngự dục vọng, không sống quá mức xa hoa, đôi khi phải chấp nhận hy sinh hạnh phúc cá nhân vì đời sống của số đông dân chúng… là những yếu tố quan trọng tạo nên phẩm hạnh cần có của một bậc minh quân.
 Một khi vương quyền có đức hạnh, nhà nước có đạo đức thì điều kiện hạnh phúc của mọi công dân được khẳng định và bảo đảm. Kinh Tiểu bộ đã phóng tác hình ảnh, nếu một quốc vương có đức hạnh và cai trị đúng pháp, thì ngay cả trái cây cũng tăng thêm vị ngọt(26)
b) Công bằng (Ajjava)
Là sự ngay thẳng, chính trực của một người lãnh đạo. Đây là phẩm chất cần có của một bậc quân vương để thiết lập sự công bằng trong xã hội. Theo cách gọi của kinh Khởi thế nhân bổn, nguồn gốc vai trò của một bậc quân vương đó chính là làm cho các người khác hoan hỷ bởi Pháp”, tức là Ràja (vị vua)(27)Giới chức lãnh đạo nói chung là người giữ gìn lẽ công bằng.
Công bằng là một phẩm chất của đời sống, là giá trị nhân văn, là nguyên tắc quan trọng của đời sống xã hội. Xã hội cần phải có công bằng như sự sống cần phải có thức ăn. Phẩm chất của một xã hội cao hay thấp liên quan đến yếu tố công bằng. Do vì công bằng có vai trò quan trọng như vậy, nên trách vụ gìn giữ sự công bằng của nhà nước, của các vị quân vương có một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Công bằng ở đây được thể hiện về nhiều mặt như công bằng trong nhân phẩm, công bằng trong hưởng thụ, công bằng về cơ hội phát triển, công bằng trong các chuẩn mực đạo đức và nguyên tắc pháp luật…
Kinh Tiểu bộ đã ghi lại câu chuyện về những ray rứt của vua Kosala sau khi xét xử một vụ án khó. Sau nhiều ngày trầm tư suy xét, vua đã đem lại công bằng trong phán quyết xét xử. Hầu Phật và lược thuật lại câu chuyện, Đức Phật đã tán thán vua Kosala: Thưa Ðại vương, xét xử một vụ kiện đúng pháp và công bằng là một việc thiện, đây là con đường đưa đến chư Thiên.(28) 
c) Thuận lòng dân (Avirodha)
Lãnh đạo ở đây là lãnh đạo công dân. Cho nên việc làm của lãnh đạo phải dựa trên cơ sở ước muốn chung của toàn dân, không đi ngược lại lợi ích của dân chúng. Đây là một cách hiểu khác về việc vận dụng giá trị dân chủ trong quản lý và điều hành xã hội. Một xã hội dân chủ là một xã hội lý tưởng. Lý thuyết về dân chủ sơ khởi có thể tìm thấy từ tổ chức Tăng-già(29). Vì lẽ, việc ra các quyết định của Tăng-già đều dựa trên sự đồng thuận của số đông Tăng chúng.
Ở đây, trên phương diện quản lý và điều hành đất nước, một nhà lãnh đạo, một bậc minh quân khi ra quyết định phải dựa trên quyền và lợi ích của số đông công dân. Quan điểm lấy dân làm gốc có nguồn cội sâu xa từ luận điểm này. Không những thế, nhờ yếu tố thuận lòng dân nên nối kết được mọi sức mạnh, tạo nên sự liên kết giữa mọi người. Một đất nước mà toàn thể dân chúng biết tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, và làm việc trong niệm đoàn kết(30) thì đất nước đó sẽ cường thịnh, dù bất cứ ở thời đại nào.
Thuận lòng dân còn có nghĩa là thuận lòng từ quan quân cho đến số đông dân chúng. Trong kinh Tăng nhất A-hàm, quốc vương và quần thần hòa thuận, là pháp thứ chín trong mười vương pháp(31). Thuận lòng dân còn có nghĩa đối với thần dân như cha mẹ đối với con(32); Thuận theo chị em, thương như mẹ/ Tùy tùng như bạn bè thân quen(33). Khi tạo nên một sự gắn kết, trên từ quan quân, dưới cho đến người thân và tùy tùng thì sẽ tạo nên một sức mạnh tổng hợp. Với sức mạnh đó không những bảo vệ được quốc gia mà còn xây dựng, phát triển đất nước. 
d) Kham nhẫn (Khanti)
Trong khi điều hành đất nước, các quyết định của nhà vua cần phải được phát xuất với tâm định tĩnh, ôn hòa. Biết kham nhẫn và giỏi chịu đựng sẽ tạo nên năng lượng định tĩnh và từ hòa trong ngôn ngữ và trong tâm. Kham nhẫn là một pháp tạo nên nhiều kết quả, do đó được Đức Phật tán thán trong nhiều bộ kinh.
Theo lời Phật dạy trong kinh Trung bộ, muốn vững chãi khi đối diện mọi việc trong đời thì phải học hạnh nhẫn nhục theo tứ đại(34). Trước hết, phải học hạnh nhẫn nhục như đất, dù người ta phun nhổ đồ bất tịnh hay chôn giấu vàng bạc trong đất, đất cũng không vì thế mà buồn rầu hay rung động. Phải học hạnh nhẫn nhục như nước, người ta dùng nước để rửa đồ bất tịnh hay lấy nước để dâng lễ thánh thần, nước cũng không vì vậy và dao động, hoang mang. Phải học hạnh nhẫn nhục như lửa, người ta đưa vào lửa củi mục hay trầm hương thì lửa đều hoan hỷ thiêu cháy mà không hề kêu ca hay phàn nàn. Phải học hạnh nhẫn nhục như gió, người ta theo gió rải hoa thơm hay xới tung các vật bất tịnh, gió cũng không vì vậy mà thay đổi, lo rầu.
Giận thì mất khôn. Yêu cầu cơ bản của mọi mệnh lệnh từ quân vương đòi hỏi về sự chính xác, thì hành động thiếu kham nhẫn là dấu hiện báo trước của nhiều mối nguy hiểm đang chực chờ. Biết kham nhẫn sẽ tạo nên sức mạnh. Sức mạnh đó chính là chiến thắng và chuyển hóa những năng lượng xấu từ bản thân. Nhờ sự chiến thắng đó, quân vương hay các nhà lãnh đạo sẽ ít phạm phải những sai lầm, và có những quyết sách hợp lý.
Trên đây chỉ là bốn pháp cơ bản trong mười vương pháp. Mười vương pháp tạo nên những phẩm chất lãnh đạo lý tưởng của một bậc quân vương. Nhờ những phẩm chất đó, quân vương hoặc giới lãnh đạo nói chung sẽ góp phần xây dựng và hướng về một xã hội lý tưởng. Đó cũng là điều được Đức Phật xác quyết trong kinhTăng chi: Khi đàn bò lội sông/ Ðầu đàn đi đúng hướng/ Cả đàn đều đúng hướng/ Vì hướng dẫn đúng đường/ Cũng vậy trong loài người/ Vị được xem tối thắng/ Nếu sở hành đúng pháp/ Còn nói gì người khác/ Cả nước được an vui/ Nếu vua sống đúng pháp(35). 
2- Nhà nước bảo hộ các quyền cơ bản của công dân
Phật giáo là một trong những tổ chức khá sớm đề cập về các giá trị quan trọng liên quan đến lãnh vực chính trị xã hội cũng như các quyền cơ bản của con người. Đơn cử như vấn đề tự do. Trong Phật giáo, tự do được thể hiện ở mức cao nhất là giác ngộ. Giác ngộ là sự thể hiện mức độ tự do trọn vẹn của con người(36).Theo công trình nghiên cứu của Phramahachanya Khongchinda(37), và Kancha Ilaiah(38), thì tổ chức Tăng đoàn của Đức Phật, là hình mẫu căn bản trong việc xây dựng một số chuẩn mực lý tưởng của quốc gia như dân chủ, công bằng, trách nhiệm. Theo nghiên cứu của Kancha Ilaiah, thì ngay cả Mao Trạch Đông cũng đã khéo léo tiếp thu những giá trị tích cực từ cách thức tổ chức của Tăng-già(39).
Có thể có một vài khác biệt hoặc trong cách thức diễn đạt hoặc không đồng nhất về nội hàm của một vài khái niệm; mặc dù vậy, khảo sát từ cơ sở kinh, luật Phật giáo, đã phản ánh khá đầy đủ những quyền cơ bản của con người, cũng như trách vụ của quân vương, trong việc đảm bảo thực thi các quyền ấy. 
a) Quyền tự do mưu sinh và quyền thừa kế
Là công dân trong nước, họ có thể làm bất cứ việc gì, hoặc nghề nông, hoặc đi buôn, hoặc nuôi bò, hoặc làm người bắn cung, hoặc làm việc cho vua, hoặc bất cứ nghề gì(40)thì được nhà nước bảo hộ và xã hội tán thán. Miễn làm sao, các nghề mưu sinh đó không phải là những nghề rắc rối(41) tức là không can dự vào những phương cách mưu sinh phi pháp. Được tự do mưu sinh, khi có được một số tài sản thì được quyền trao lại của thừa tự cho con(42). Và như vậy, trong thời Phật, quyền thừa kế đã xuất hiện và được nhà nước bảo hộ. Câu chuyện một lão phú ông chết đột ngột, do không có con nên toàn bộ tài sản được sung vào công quỹ của nhà vua, điều đó cho thấy đã xuất hiện các quy định chi tiết về quyền thừa kế trong thời Phật(43)
b) Quyền phụ nữ và trẻ em
Quyền của phụ nữ và trẻ em đã được phát hiện rất sớm trong kinh điển Phật giáo. Đó là những lưu ý quan trọng trong bảy pháp đặc thù mà Đức Phật đã dạy cho người dân Vajji. Theo Đức Phật, nếu như người dân Vajji không có bắt cóc và cưỡng ép những phụ nữ và thiếu nữ Vajjì phải sống với mình(44), thì dân Vajji sẽ cường thịnh. Sự ghi nhận đó đã chứng tỏ quyền của phụ nữ và trẻ em đã xuất hiện và được pháp luật bảo hộ. Trong kinh Saleyyaka còn nêu rõ, nếu như thực hiện quan hệ tính dục với hạng nữ nhân có mẹ che chở, có cha che chở, có mẹ cha che chở, có anh che chở, có chị che chở, có bà con che chở(45)… thì bị coi là tội phạm.
 Không phải đợi đến ngày nay quyền phụ nữ và trẻ em mới được công nhận mà ngay từ thuở xưa, Đức Phật đã đề cập và tán thán về các quyền nhân bản này. 
c) Quyền tự do tín ngưỡng và tự do ngôn luận
Trong lịch sử phát triển của các tôn giáo trên thế giới, chưa ở đâu như ở Ấn Độ, khi cùng tồn tại nhiều tôn giáo, sinh hoạt trong ôn hòa và được pháp luật bảo hộ. Trong bảy pháp bất thối của dân Vajji, nội dung liên quan đến sinh hoạt tôn giáo chiếm đến hai điều(46): 1. Dân Vajjì tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc trưởng lão Vajjì và nghe theo lời dạy của những vị này, thời dân Vajjì sẽ được cường thịnh; 2. Dân Vajjì tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các tự miếu của Vajjì ở tỉnh thành và ngoài tỉnh thành, không bỏ phế các cúng lễ đã cúng từ trước, đã làm từ trước đúng với quy pháp.
Có thể sự bảo hộ tôn giáo trong hai điều vừa nêu mang ý nghĩa là sự bảo hộ đạo đức, nhưng ít ra qua đó đã cho thấy ý thức của các bậc quân vương trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân đã manh nha từ rất sớm.
Không những thế, việc tranh luận giữa các trường phái triết học, tôn giáo, cũng như công dân được quyền tranh luận với giới công quyền luôn được đảm bảo và diễn ra sôi nổi. Ngay như bản thân đức vua Pasenadi cũng từng than thở với Đức Phật: Bạch Thế Tôn, khi con ngồi xử kiện, có người đôi khi nói ngắt lời của con. Và con không có dịp để nói: “Này quý vị, chớ có ngắt lời nói của ta, khi ta đang ngồi xử kiện. Quý vị hãy chờ cho đến khi ta nói xong”(47). Sự thú nhận đó đã minh chứng rằng, việc tự do ngôn luận đã có mặt và thể hiện rất thông thoáng ngay trong thời Phật.
Trong kinh điển Phật giáo còn đề cập đến nhiều quyền cơ bản của con người. Những quyền vừa nêu tuy mang tính sơ khai nhưng xét riêng về thời điểm lịch sử, thì mang tính tiên phong trong lịch sử tư tưởng chính trị xã hội. Điều đáng lưu ý là những quyền cơ bản của con người vừa phân tích ở trên, đều có mặt trong hiến pháp của các quốc gia trên thế giới và ngay cả của Việt Nam. 
3- Phòng tránh những hạn chế thường gặp của nhà nước
Nhà nước như một cơ thể. Để cơ thể khỏe mạnh thì cần phải ngăn ngừa và loại trừ những nguy cơ bệnh tật. Có vài hạn chế thường phát sinh trong bộ máy nhà nước cần phải nhận thức thấu đáo, để cho bộ máy lãnh đạo được trong sạch, nghiêm minh, hầu đem lại lợi ích cho bản thân nhà lãnh đạo và số đông dân chúng.
Một trong những hạn chế thường gặp đầu tiên là vấn đề tham nhũng. Tham nhũng là cơn bệnh trầm kha xuất hiện rất sớm trong bộ máy lãnh đạo nhà nước. Trong kinh Tiểu bộ đã ghi nhận trường hợp đầu tiên về việc tham nhũng của vua Kosala khi nhận của đút lót một trăm ngàn đồng từ một giáo phái. Biết được điều này, Đức Phật đã tận tình khuyên bảo: Thưa Ðại vương, các vua thuở trước đã nhận của hối lộ, do đó gây ra sự đấu tranh giữa các vị có giới đức, nên đã mất chủ quyền nước mình và gặp đại nạn(48).
Khi có quyền thế trong tay nhưng tâm tư dung dưỡng tư dục, thì giới quan chức thường nhũng nhiễu công dân để mưu cầu tài lợi. Theo kinh Bại vong, đó là con đường sớm nhất dẫn đến suy kiệt, tiêu vong: Ðàn bà, hay đàn ông/ Rượu chè, tiêu hoang phí/ Ðược địa vị quyền thế/ Chính cửa vào bại vong(49).
Trong sự vận hành của bộ máy nhà nước, khi uy quyền được sử dụng đúng chỗ và đúng lúc thì tạo nên sự bình an và vững chãi cho xã hội. Trong một số trường hợp, uy quyền bị lạm dụng nhằm thực hiện cho một ý đồ riêng tư nào đó thì sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ. Đây cũng là một hạn chế thường gặp trong bộ máy công quyền. Trong năm thứ quyền lực được ghi nhận trong kinh Tiểu bộ(50), thì sử dụng quyền lực đúng chỗ đem đến sự thịnh trị cho quốc gia và bình an cho tất cả mọi người.
Cuối cùng, đoàn kết nội bộ, nhất là đoàn kết trong tầng lớp lãnh đạo có ý nghĩa tồn vong cho quốc gia, dân tộc. Họp mặt trong đoàn kết và chia tay trong đoàn kết là dấu hiệu của một cơ thể nhà nước sung mãn. Đây là một trong bảy pháp quan trọng mà từ xưa Đức Phật đã dạy cho dân Vajji để được sung mãn và cường thịnh(51). Không biết đoàn kết nội bộ sẽ tạo ra những ẩn họa nguy hiểm từ bên trong. Khi bên trong không đoàn kết, khi giai tầng lãnh đạo chia rẽ rã rời, thì dù không có bất cứ sự tác động nào từ bên ngoài, tổ chức ấy cũng tự mình đi đến suy vong.
Có thể nói, tham nhũng, lạm quyền và mất đoàn kết nội bộ là ba nguy cơ làm suy giảm khả năng lãnh đạo của quân vương, của nhà nước. Thấy rõ những nguy cơ này và hoàn thiện tổ chức, là tiền đề dẫn đến mọi sự thành tựu trong công việc quản lý và điều hành quốc gia.
Thay lời kết
Tuy không đặt nhiều chú trọng, quan tâm đến lãnh vực chính trị xã hội, mặc dù vậy trong thực tiễn giáo hóa chúng sanh nói chung, Đức Phật đã thể hiện những luận điểm sắc bén về nhà nước, về chính quyền mà ở đây là mối quan hệ giữa nhà nước và công dân.
Theo Đức Phật, công dân và nhà nước có mối quan hệ thâm thiết với nhau và mỗi bên đều có những trách nhiệm và bổn phận tương ứng. Sự chu toàn về bổn phận và trách vụ của mỗi bên là dấu hiệu tích cực của một xã hội thăng tiến và nhân bản. Trong điều kiện giới hạn của bối cảnh lịch sử, những quan điểm liên quan đến chính trị xã hội đã được Đức Phật ghi nhận, phát hiện và đề xuất từ hàng ngàn năm trước, như quan điểm về nhà nước lý tưởng, cai trị dân bằng pháp (Dhamma), quan điểm về tự do, bình đẳng… vẫn mang một ý nghĩa thời đại. Vì lẽ khát vọng về hạnh phúc, về bình đẳng và tự do luôn là khát vọng muôn đời, mà nhân loại ngày nay vẫn đang trong nỗ lực kiện toàn và hướng tới.  
 Chú thích 
(1) Kinh Tăng chi, chương Bốn pháp, phẩm Nghiệp công đức, kinh Phi pháp. Xem thêm, Kinh Tiểu bộ, chuyện Tiền thân Đức Phật, tập 6, chuyện Khuyến dục quốc vương, số 334.
(2) Kinh Trường bộ, kinh Đại bát Niết-bàn, tụng phầm 1, số 16. Xem thêm, kinh Tăng chi, chương Bảy pháp, phẩm Vajji, kinh Tại Sarandada.
(3) Kinh Trường bộ, tập 2, kinh Chuyển luân Thánh vương sư tử hống, số 26.
(4) Kinh Trường bộ, kinh Khởi thế nhân bổn, số 27.
(5) Kinh Trường bộ, tập 2, kinh Chuyển luân Thánh vương sư tử hống, số 26.
(6) Jean Jacques Rosseau, The Social Contract and Discourses, London: J.M. Dent & Sons Ltd., 1952, p.4.
(7) Kinh Trường bộ, kinh Khởi thế nhân bổn, số 27.
(8) Kinh Trường bộ, kinh Đại bát Niết-bàn, tụng phầm 1, số 16.
(9) Kinh Tăng chi, chương Bốn pháp, phẩm Nghiệp công đức, kinh Bốn nghiệp công đức.
(10)大 正 新 脩 大 藏 經 第 三 冊 No. 159, 大 乘 本 生 心 地 觀 經, 卷 第 二,  卷 第 三.
(11) Kinh Tăng nhất A-hàm, bản dịch của Hòa thượng Thích Thanh Từ, tập 2, phẩm Đẳng kiến, xem thêm kinhDuy lâu lặc vương, bản dịch của Thiền sư Nhất Hạnh; Tích truyện Pháp cú, phẩm Hoa, bản dịch của Viên Chiếu; kinh Tiểu bộ, tập, Chuyện Tiền thân Đức Phật, chuyện Sala, cổ thụ cát tường, số 465.
(12) Kinh Trung bộ, tập 2, kinh Dhananjani, số 97.
(13) Kinh đã dẫn.
(14) Kinh Tương ưng, tập 5, chương 11, phần a, Tương ưng dư lưu, kinh Các người thợ mộc.
(15) Kinh Tiểu bộ, tập 6, chuyện Tiền thân Đức Phật, chuyện Mũi tên, số 265.
(16) Cullavagga, chương Bảy, Chia rẽ hội chúng, Câu chuyện Mahānāma và Anuruddha dòng Sākya, công việc gia đình, đoạn 337. Bản dịch tiếng Việt của Tỳ-kheo Indacanda.
(17) Mahavagga, chương Trọng yếu, tụng phẩm thứ tám, Không nên cho xuất gia binh sĩ của đức vua, đoạn 102. Bản dịch tiếng Việt của Tỳ-kheo Indacanda.
(18) Kinh Tương ưng, tập 1, chương Một, Tương ưng chư thiên, phẩm Thiêu cháy, kinh Trồng rừng.
(19) Cullavagga, chương Sàng tọa, thứ 6, tụng phẩm thứ hai, từ đoạn 241-256. Bản dịch tiếng Việt của Tỳ-kheo Indacanda.
(20) Kinh Trung bộ, tập 2, kinh Ưu Ba Ly, số 56
(21) Kinh Tăng chi, chương Tám pháp, phẩm Lớn, kinh Tướng quân Siha.
(22) Kinh Tiểu bộ, tập 6, chuyện Tiền thân Đức Phật, chuyện Con heo rừng của thợ mộc, số 283.
(23) Kinh Tiểu bộ, chuyện Tiền thân Đức Phật, chuyện Lộc vương hoan hỷ, số 385. Chuyện Hiếu tử Sama, số 540. Chuyện Đại vương Janasandha, số 468. Chuyện Đại thiên nga, số 534. Xem thêm, kinh Tăng nhất A-hàm,quyển số 42, kinh số 7.  大 正 新 脩 大 藏 經 第 三 十 二 冊 No. 1673 勸 發 諸 王 要 偈, 龍 樹 菩 薩 撰.
(24) Kinh Trung bộ, tập 2, kinh Vasettha, số 98.
(25)大正新脩大藏經第三十二冊 No. 1674 龍樹菩薩勸誡王頌.
(26) Kinh Tiểu bộ, chuyện Tiền thân Đức Phật, tập 6, chuyện Khuyến dụ quốc vương, số 334.
(27) Kinh Trường bộ, kinh Khởi thế nhân bổn, số 27.
(28) Kinh Tiểu bộ, chuyện Tiền thân Đức Phật, chuyện Lời giáo giới cho vua, số 151.
(29) Phramahachanya Khongchinda, The Buddha’s Socio-Political Ideas, New Delhi: Navrang, 1993, p. 109.
(30) Kinh Trường bộ, kinh Đại bát Niết-bàn, tụng phầm 1, số 16. Xem thêm, kinh Tăng chi, chương Bảy pháp, phẩm Vajji, kinh Tại Sarandada.
(31) kinh Tăng nhất A-hàm, quyển số 42, kinh số 7, bản dịch của Tuệ Sỹ.
(32) Kinh Tiểu bộ, chuyện Tiền thân Đức Phật, chuyện Đại vương Janasandha, số 468.
(33)大 正 新 脩 大 藏 經 第 三 十 二 冊 No. 1674 龍 樹 菩 薩 勸 誡 王 頌.
(34) Kinh Trung bộ, tập 2, Đại kinh giáo giới La Hầu La, số 62.
(35) Kinh Tăng chi, chương Bốn pháp, phẩm Nghiệp công đức, kinh Phi pháp. Xem thêm, Kinh Tiểu bộ, chuyện Tiền thân Đức Phật, tập 6, chuyện Khuyến dục quốc vương, số 334.
(36) Jatava, Philosophies of the Buddha and Marx, New Delhi: National Publishing House, 1998, p.122.
(37) Phramahachanya Khongchinda, The Buddha’s Socio-Political Ideas, New Delhi: Navrang, 1993, p.161.
(38) Kancha Ilaiah, God as a Political Philosopher: Buddha’s Challenge to Brahminnism, New Delhi: Mumbai, 2001, p.122.
(39) Ibid., p.148.
(40) Kinh Tăng chi, chương Tám pháp, phẩm Gotami, kinh Dìghajanu, Người Koliya.
(41) Kinh Tiểu bộ, kinh Tập, kinh Đại hạnh phúc.
(42) Kinh Trường bộ, tập 2, kinh Giáo thọ thi ca la việt, số 31.
(43) Kinh Tương ưng, tập 1, chương Ba, tương ưng Kosala, phẩm thứ hai, kinh Không con.
(44) Kinh Trường bộ, kinh Đại bát Niết-bàn, tụng phầm 1, số 16. Xem thêm, kinh Tăng chi, chương Bảy pháp, phẩm Vajji, kinh Tại Sarandada.
(45) Kinh Trung bộ, tập 1, kinh Saleyyaka, số 41.
(46) Kinh Trường bộkinh Đại bát Niết-bàn, tụng phầm 1, số 16. Xem thêm, kinh Tăng chi, chương Bảy pháp, phẩm Vajji, kinh Tại Sarandada.
(47) Kinh Trung bộ, tập 2, kinh Pháp trang nghiêm, số 89.
(48) Kinh Tiểu bộ, chuyện Tiền thân Đức Phật, chuyện Vua Bharu, số 213.
(49) Kinh Tiểu bộ, kinh Tập, kinh Bại vong.
(50) sKinh Tiểu bộ, chuyện Tiền thân Đức Phật, chuyện Ba con chim, số 521.
(51) Kinh Trường bộ, kinh Đại bát Niết-bàn, tụng phầm 1, số 16. Xem thêm, kinh Tăng chi, chương Bảy pháp, phẩm Vajji, kinh Tại Sarandada
Chúc Phú

Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

Chiến thắng ấy không tốt



Chuyện tiền thân Kuddala kể lại câu chuyện về một Trưởng lão có tên thời trẻ là Cittahatta Sariputta. Một hôm, sau khi cày xong thửa ruộng, chàng thanh niên Cittahatta Sariputta ghé vào tinh xá và nhận được các món ăn
thượng vị béo và ngọt từ bát của một vị Trưởng lão. Anh suy nghĩ: “Mình ngày đêm tự tay làm nhiều công việc nhưng không được các món ăn ngon như thế này. Vậy ta đi tu thì hơn”. Chàng trai ấy xuất gia.
Chàng thanh niên này đi tu để kiếm miếng ăn. Anh muốn  hưởng mối lợi của người tu hành: “ăn món ăn thượng vị béo và ngọt” mà chẳng phải cày bừa vất vả. Nếu nghề làm không vất vả mà thu nhập lại khá thì gọi là “có ăn”. Hay nói khác đi, “ăn nhiều làm ít” thì gọi là “có ăn”. Nếu nghề “ăn ít làm nhiều” hay “làm nhiều mà chẳng có bao nhiêu” thì gọi là nghề “không có ăn”. Tâm lý tìm nghề “có ăn” rất thông thường trong xã hội. Mọi người thường  có quan  niệm thủ kho là “có ăn”, cung cấp vật tư là “có ăn”, hải quan thuế vụ là “có ăn”, thầu xây dựng là “có ăn”, “cò” giấy tờ là “có ăn”, lãnh đạo là “có ăn”. Nghề “có ăn” thì nhiều người muốn làm, nghề “không có ăn” thì khó có ai muốn làm. Anh thanh niên này đi tu vì “đi tu thì ‘có ăn’”.
Mặt khác, những  người không biết đến  luật nhân quả nghĩ rằng mọi chuyện ở đời sẽ có “hên, xui.” Nếu “hên,” cho dù không có tài, vào chỗ “có ăn,” cuối năm được thưởng  tết  vài trăm  triệu đồng.  Nếu “xui,” cho dù có tài, vào chỗ “không có ăn” thì chỉ được thưởng vài trăm ngàn hay chẳng có gì cả. Vào chỗ “có ăn” mà “ăn” khéo léo, hạ cánh an toàn thì quá “khôn”. Vào chỗ “không có ăn” mà vẫn làm việc có trách nhiệm thì sẽ bị nói là “hâm”. Nếu vì quá có trách nhiệm mà lại bị thiệt hại cho mình, cho gia đình mình thì bị nói là “dại”. Đến khi kết thúc cuộc đời, “có ăn, khôn” và “không có ăn, dại” cũng có kết quả như nhau. Vậy thì ai dại gì vào chỗ “không có ăn”.
Nếu lập luận theo lý thuyết nhân quả thì không có chuyện chạy chọt để vào chỗ “có ăn”. Chỉ khi đã có tâm chia sẻ rộng rãi trong quá khứ, bây giờ ta mới được vào chỗ “có ăn”. Khi vào chỗ “có ăn” mà làm điều xấu thì sẽ tạo ra cái quả “không có ăn” trong tương lai. Đó gọi là “từ chỗ sáng vào chỗ tối”. Khi vào chỗ “có ăn” mà tiếp tục làm điều tốt, chia sẻ rộng rãi thì sẽ tiếp tục vào chỗ “có ăn” trong tương lai. Đó gọi là “từ chỗ sáng vào chỗ sáng”. Còn người không có tâm chia sẻ rộng rãi trong quá khứ thì bây giờ sẽ vào chỗ “không có ăn”. Khi vào chỗ “không có ăn” mà làm điều xấu thì sẽ tiếp tục tạo ra cái quả “không có ăn” trong tương lai. Đó gọi là “từ chỗ tối vào chỗ tối”. Khi vào chỗ “không có ăn” mà làm điều tốt, chia sẻ rộng rãi thì sẽ vào chỗ “có ăn” trong tương lai. Đó gọi là “từ chỗ tối vào chỗ sáng”.
Tuy nhiên, sau một tháng rưỡi không bị phiền não chinh phục, anh ta hoàn tục.
Anh thanh niên đi tu, bị ràng buộc bởi các giới luật chặt chẽ rất khó chịu. Xưa, đói thì anh ăn, nay đói mà đã quá ngọ thì không được ăn. Xưa buồn  ngủ thì đi ngủ, nay buồn ngủ mà chưa tới giờ thì không được ngả lưng. Xưa nếu buồn anh đi bù khú với bạn bè, nay có người kèm cặp không cho đi phi thời.
Cũng tương tự như vậy, nghề “có ăn” thật ra không “dễ ăn” như mọi người nghĩ. Có quyền lợi thì phải có ràng  buộc. Thu nhập  càng  cao  thì ràng  buộc  càng nặng. Một cơ cấu quản lý tốt phải thể hiện được điều này. Công chức cờ bạc dưới mọi hình thức phải bị cách chức, không cần phải xem xét mức độ nhiều hay ít tiền, tiền nghìn hay tiền tỉ.
Rồi vì mệt  nhọc kiếm ăn, anh ta lại xuất gia, học Abhidhamma. Cứ thế, sáu lần anh ta hoàn tục, sáu lần anh ta xuất gia.
Ra khỏi chùa, kiếm ăn lại như cũ. Anh thanh niên lại thấy khổ sở, vào chùa “có ăn” hơn mà có vẻ yên ổn hơn. Thế là anh lại xuất gia. Trong chùa nửa tháng lại có một buổi lễ phát  lộ. Nếu làm điều gì không đúng  với giới luật thì tự nguyện nói ra cho người khác biết và hứa sẽ sửa đổi trong tương lai. Trong vòng nửa tháng  thì các lỗi gây ra còn nhỏ, chưa kịp phát triển lớn. Do đó, hình thức phát lộ giúp ngăn chặn các lỗi nghiêm trọng. Anh thanh  niên lại thấy buồn bực, không thích hợp với lối sống tu sĩ nên anh nói ra cho người khác biết và xin hoàn tục. Vì chưa có lỗi gì nên sau một thời gian hoàn tục, anh lại dễ dàng xin xuất gia. Cứ thế đến sáu lần.
Đến lần thứ bảy anh trở thành vị Tỷ-kheo thông suốt bảy bộ Abhidhamma. Do đọc lớn tiếng nhiều lần pháp Tỷ-kheo, do triển khai thiền quán, vị ấy chứng quả A-la- hán. Các thân hữu Tỷ-kheo ấy cười nhạo nói rằng: Này hiền giả, trước kia tâm hiền giả là như vậy, nay làm sao các phiền não không tăng trưởng được? Vị ấy trả lời: thưa các hiền giả, từ hôm nay trở đi, tôi không có thể quay lại đời sống gia đình nữa.
Vấn đề này được thảo luận tại Pháp đường: thưa các hiền giả, dầu được duyên trở thành một vị A-la-hán như vậy, tôn giả Cittahatta Sariputta sáu lần từ bỏ việc xuất gia. Ôi thật sự là sai lầm cho tánh phàm phu của vị ấy!
Mọi người đều lấy làm ngạc nhiên vì vị này xuất gia- hoàn tục tới sáu lần. Họ có vẻ không tin tưởng vào vị Tỷ-kheo này. Vào thời đó, các giới luật được thực hiện nghiêm túc, những người thối thất bị phê phán nhiều.
Bậc Đạo sư đến và hỏi: Này các tỷ-kheo, nay các ngươi ngồi họp bàn vấn đề gì? Khi vấn đề được nói ra, bậc Đạo sư nói: Này các Tỷ-kheo, tâm của phàm phu là nhẹ dạ, khó điều phục, bị các đối tượng chi phối, hay dính chặt. Một khi đã dính chặt thì không thể thoát ly mau lẹ. Tâm tư như vậy mà nhiếp phục được thật rất tốt lành. Được nhiếp phục thì đem lại an lạc.
Khó nắm giữ khinh động Theo các dục quay cuồng Lành thay, điều phục tâm Tâm điều an lạc đến.
Bậc Đạo sư lại cho rằng việc của trưởng lão Cittahatta Sariputta cũng hoàn toàn “bình thường thôi”. Đức Phật hoàn  toàn  thông  cảm  với Trưởng lão. Vì  thế  mà  vị Trưởng lão có thể đi tu trở đi trở lại đến sáu lần. Tâm bị các đối tượng chi phối mãnh liệt. Xem phim hài Thời đại tân kỳ của Charlot thì cười khà khà. Coi Lan và Điệp thì khóc hu hu. Do đó Đức Phật nói: “Này các Tỷ-kheo, tâm của phàm phu là nhẹ dạ, khó điều phục, bị các đối tượng chi phối…”. Đã vậy, lại còn hay bị ám ảnh. Bị mắng một câu cứ nhớ hoài, tựa như máy video ghi âm, thu tiếng. Lâu lâu lại nhớ lại, tựa như bật máy chiếu lên. Do đó Đức Phật nói tâm này “hay dính chặt. Một khi đã dính chặt thì không thể thoát ly mau lẹ”. Ngài nói tiếp một cách “cận nhân tình”,
Vì tính khó nhiếp phục này, thuở xưa các bậc hiền trí, chỉ vì một cái cuốc, không thể bỏ được. Vì lòng tham, sáu lần từ bỏ xuất gia. Chỉ lần xuất gia thứ bảy, thiền định khởi lên, mới nhiếp phục được lòng tham ấy.
Ngài đại ý nói rằng, chuyện của Trưởng lão Cittahatta Sariputta là hoàn toàn thông cảm được, ngày xưa Ngài cũng đã có thời gian như vậy.
Nói vậy xong bậc Đạo sư kể lại câu chuyện quá khứ. Thuở xưa khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sanh trong một gia đình làm vườn. Lớn lên Bồ-tát được gọi là bậc hiền trí cái cuốc. Với cái cuốc, Bồ-tát dọn sạch đất, tự mình gieo trồng các loại như rau, bí, bầu, dưa leo và các thứ rau khác để bán và sinh sống một cách khó khăn. Ngoại trừ cái cuốc này ra, Bồ-tát không có một tài sản gì khác.
Bồ-tát trong  các truyện tiền thân dùng  để chỉ cho các đời sống trước khi Đức Phật thành đạo. Trong câu chuyện này, Bồ-tát sinh ra trong cảnh nghèo khó. Điều đó chứng tỏ rằng trong quá khứ ngài đã có một thời gian không chia sẻ rộng rãi. Tuy nhiên, ngài có trí tuệ nên được gọi là bậc hiền trí.
Người có trí thường  hay bị giảm sút về sự thông cảm. Một người học quá giỏi, giải quyết  vấn đề quá nhanh thì khó thông  cảm với một học trò chậm chạp. Một bệnh nhân chảy máu tùm lum, gia đình hốt hoảng. Ông bác sĩ giỏi nhìn biết ca này nhẹ, không sao, nên rất bình thản. Bác sĩ này có vẻ ít thông  cảm với gia đình bệnh  nhân. Nhìn thấy cách sống phung  phí của anh X., người có trí biết kết cuộc “không có chiếu mà chôn” của X. Đến khi X. nghèo  khổ, người có trí nghĩ rằng: đã làm thì phải chịu. Người có trí nhìn thấy lỗi lầm ở người khác, do đó họ thường  dễ không  thông  cảm. Trường hợp của các vị Tỷ-kheo cười nhạo Trưởng lão chính là trường hợp này. Với người có trí mà không có sự thông cảm với người khác, trong tương lai họ cũng bị hậu quả là ít người thông  cảm với mình. Vì quá sắc bén, người có trí cũng thường bị giảm sút về tâm thức chia sẻ. Muốn chia sẻ, họ phải có lý do xác đáng. Điều đó ảnh hưởng tới sự rộng rãi, hào phóng của tâm trong việc chia sẻ. Hậu quả là có nhiều người có trí nhưng lại không dư dả về tài sản. Vì thế một người có trí tuệ, muốn đầy đủ phải có sự thông cảm với người khác (từ bi) và sự sẵn lòng chia sẻ (bố thí).
Một hôm, Bồ-tát suy nghĩ: Ta sống trong gia đình làm gì? Hãy xin đi xuất gia. Bồ-tát cất cái cuốc vào một chỗ kín đáo, xuất gia làm vị tiên nhân du sĩ.
Chuyện này vẫn thường xảy ra. Trưởng lão Cittahatta Sariputta  xuất gia vì trong  chùa “có ăn” hơn ở ngoài. Tuy nhiên,  có những  người khác không  hành  động chỉ vì cái lợi áo cơm như vậy. Họ có thể hành động vì những  ý tưởng  cao đẹp  hay vì muốn  giải thoát  bản thân.  Một người trẻ tuổi một  hôm  bỗng  có ý muốn cao thượng, muốn giúp đỡ giai cấp cần lao, muốn giải phóng  hết những  người bị áp bức, bóc lột. Người đó quyết định rời bỏ những thứ tầm thường, tẻ nhạt của cuộc đời để rảnh thì giờ mà cải biến xã hội, nghĩa là cải biến môi trường xung quanh  mình. Bồ-tát thì nảy sinh ý nghĩ muốn  điều khiển cái tâm thức “khó nắm giữ, khinh động” của mình, nghĩa là cải biến chính bản thân mình.
Lại nhớ đến cái cuốc ấy, không thể chặt đứt lòng tham với cái cuốc sứt mẻ, Bồ-tát lại hoàn tục. Như vậy lần thứ hai, lần thứ ba cho đến lần thứ sáu. Bồ-tát lại chôn cái cuốc đó vào chỗ kín đáo rồi lại xuất gia.
Đây là chỗ “cận nhân tình” của Đức Phật. Ngài biết rằng rất khó mà từ bỏ những gì đã bị chấp chặt trong tâm. Có câu thơ rằng “Giang hồ ta chỉ giang  hồ vặt, Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà”. Ý tác giả khiêm tốn cho rằng với bản chất “yếu đuối” của mình, cái gì cũng nhớ, cũng  không  từ bỏ được thì làm sao mà thành “giang hồ thứ thiệt”. Thế nhưng, Đức Phật lại nói rằng: chuyện giang hồ vặt của ông là chuyện bình thường, cho dù ông là loại “giang hồ thứ thiệt” đi nữa thì ông vẫn vô cùng khó khăn, gần như là không thể, rời bỏ những cái “tầm thường ti tiện” được. Vì thế câu thơ trên có thể sửa lại một chút “Giang hồ ta chẳng  giang hồ vặt, Nghe tiếng cơm sôi vẫn nhớ nhà”.
Đến lần thứ bảy, Bồ-tát suy nghĩ: chỉ vì cái cuốc sứt mẻ này, ta tiếp tục từ bỏ xuất gia, nay ta sẽ quăng nó vào con sông lớn rồi sẽ xuất gia! Bồ-tát đi đến bờ sông nghĩ rằng: nếu thấy chỗ cái cuốc bị rơi thì ta có thể đến và vớt nó lên được. Vì thế, với sức mạnh kiên trì như sức con voi, Bồ-tát cầm cán cuốc quay tròn trên đầu ba lần, nhắm mắt lại, quăng cuốc vào giữa dòng sông, và rống lên tiếng rống sư tử ba lần: ta đã chiến thắng, ta đã chiến thắng, ta đã chiến thắng.
Nhiều người tưởng lầm rằng chỉ cần có một lý tưởng cao đẹp, lý tưởng Bồ-tát là đủ đánh dẹp các thói xấu. Đó là các suy nghĩ không “cận nhân tình”. Thực tế, phải rất cương quyết, mạnh mẽ mới từ bỏ được những cái “tầm thường ti tiện”.
Lúc bấy giờ, vua xứ Ba-la-nại sau khi dẹp xong loạn ở biên giới trở về, tắm trong con sông ấy. Sau khi trang điểm với mọi đồ trang sức, vua ngồi trên lưng voi, đang đi, nghe tiếng la lớn của Bồ-tát liền nghĩ: Người này nói ‘Ta đã chiến thắng’. Nó đã chiến thắng ai vậy? Ta hãy gọi nó. Sau khi gọi Bồ-tát đến, vua hỏi: Này bạn, Ta vừa thắng trận ở chiến trường trở về. Còn ngươi thời chiến thắng ai vậy? Bồ-tát thưa: Thưa Đại vương, một ngàn hay một trăm ngàn chiến trận được đại vương chiến thắng là vô ích, nếu đại vương không tự mình chiến thắng các phiền não. Chính do chiến thắng lòng tham trong nội tâm, Ta đã chiến thắng các phiền não! Trong khi nói vậy, Bồ-tát nhìn con sông lớn, khởi lên thiền quán với đối tượng về nước, đạt được thiền chứng. Ngài ngồi trên hư không, thuyết pháp cho vua và đọc bài kệ
Chiến thắng ấy không tốt Nếu chiến thắng rồi bại Chiến thắng ấy tốt lành Là chiến thắng nội tâm.
Dù cho có cải biến  được xã hội xung  quanh  cho tốt đẹp nhưng không sửa chữa những thói hư tật xấu của bản thân thì đó là một “chiến thắng không tốt”, vì những  tật xấu đó sẽ tạo ra một kết quả xấu mà ta sẽ phải nhận lấy trong tương lai. Còn nếu đã “chiến thắng nội tâm” thì chắc chắn người đó sẽ làm những việc có ích cho cộng đồng và tương lai người ấy cũng tốt đẹp nên đó là một “chiến thắng tốt lành”.
Ghi chú: Bài viết có sử dụng bản dịch Truyện Tiền thân Đức Phật của Hòa thượng Thích Minh Châu

Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

Đức Phật đi giữa dòng đời (Liên Trí)




Ngay sau khi thành tựu đạo giải thoát, Đức Phật làm một vị Khất sĩ, rày đây mai đó, như cánh chim bạt gió đem niềm an vui đến cho mọi người khắp nơi thuộc khu vực Bắc Ấn. Tiếng chuông pháp gióng đến đâu, người người tỉnh ngộ hồi tâm hướng thượng đến đó. Lớp lớp người đủ mọi thành phần trong xã hội quy ngưỡng Ngài, gia nhập Tăng đoàn, tắm nguồn suối Pháp, an lạc thảnh thơi. Lúc bấy giờ, các tôn giáo khác, vốn bám gốc sâu trong lòng dân bản xứ, cũng lung lay trước ảnh hưởng to lớn của Đức Phật đối với xã hội. Do đó, một số người bắt đầu kỳ thị với Đức Phật và đạo giáo của Ngài, một tôn giáo mới vào thời ấy. Tuy nhiên, với một nhân cách tuyệt vời, với lòng từ bao la như đại dương và sự dấn thân đi giữa dòng đời, hy sinh quên mọi gian khó, Ngài đã cảm hóa được tất cả. Những đặc tính vô song này nơi Đức Phật cảm kích lòng người qua mọi thế hệ, mọi thời đại, cho đến hiện tại và mãi về sau.  Ngày nay, lần giở từng trang kinh, chúng ta cảm nhận được tinh thần ấy và đó chính là ngọn đuốc sáng soi đường cho mỗi người trên bước đường học Phật trong mọi thời đại.

Đức Phật có mặt trên cuộc đời như một đóa sen thanh vươn mình lên khỏi bùn lầy tù đọng, tỏa hương thơm ngào ngạt khắp muôn phương. Sen ngát hương dâng đời, thế là đủ; sen không hề nghĩ đến những nỗi khổ khi đứng trong bùn! Đức Phật nhận chân được chân lý, khai mở con đường sáng đem lại an vui cho đời, Ngài nào có quản chi những điều kiện không xứng ý bên ngoài. Thế nhưng, chúng ta cũng nên nhắc lại những khó khăn trong những tháng năm hành đạo của Ngài để tự soi mình, tự nỗ lực hơn trên hành trình theo dấu chân Đức Phật.

1. Những gian khó do đệ tử Ngài gây nên

Với trí tuệ cao vời và từ bi rộng lớn, chẳng bao lâu trên con đường giáo hóa, Đức Phật tạo nên sức ảnh hưởng mạnh mẽ khắp vùng Bắc Ấn, nhiều người đã theo Ngài xuất gia tu học. Hầu hết Tăng chúng hết lòng vâng theo lời khuyên dạy của Ngài, tuy nhiên, đôi khi chư đệ tử cũng tạo nên những việc không làm đẹp ý Ngài lắm. Có khi, vị thị giả đi với Ngài cãi lời, bỏ mặc Ngài đi một mình. Kinh kể lại rằng, một lần, Đức Phật cùng với một vị thị giả tên là Nagasamala đang trên đường đi đến Kosala. Khi đến một đường có ngả rẽ, Đức Phật muốn đi đường này mà sư Nagasamala muốn đi lối khác. Đức Phật chỉ con đường đúng nhưng rồi vị ấy cãi lời không nghe. Thế là sư Nagasamala đặt y bát Đức Phật xuống đất giữa ngã ba đường rồi rẽ đi lối khác. Giữa đường sư Nagasamala gặp cướp và bị chúng đánh, đập vỡ bình bát và xé rách thượng y. [1]

Ngay cả trong Tăng đoàn, Ngài cũng gặp sự chống đối của Devadatta, người em họ đầy lòng ganh tỵ. Devadatta đã rắp tâm hại Đức Phật nhiều lần. Lần đầu, Devadatta âm mưu cùng với Ajātasattu cho người bắn tên vào Đức Phật. Không ngờ oai lực của Đức Phật cảm hóa người đó. Lần thứ hai Devadatta thả voi say hại Đức Phật, nhưng với lòng từ ban trải khắp vạn loài, Ngài cũng cảm hóa được voi say Nalagiri. Lần thứ ba, Devadatta đã lăn đá làm Phật bị thương ở chân. Tuy chân bị đau, nhưng Đức Phật chánh niệm tỉnh giác, không phiền não.[2]



Devadatta lăn đá mưu hại đức Phật

Thường thì Đức Phật du hành cùng với một số đông chúng Tỳ-kheo, thế nhưng đôi khi Ngài đi một mình, làm mọi việc một mình, không gọi thị giả, không cần người giúp. Có một lần Đức Phật ở Kosambi, Tăng chúng không hòa thuận, Đức Phật đã ân cần dạy bảo, nhưng các vị không nghe, vẫn bất hoà. Thế là sau khi vào thành khất thực, độ ngọ xong, Ngài dọn dẹp chỗ nằm của mình, cầm y bát, không gọi thị giả, không tin cho chúng Tăng biết, một mình ra đi, không có ai theo cùng.[3]

2. Những gian khó từ bên ngoài

Với lòng từ bi, vị tha rộng lớn, Đức Phật luôn có tâm bao dung và hài hòa đối với các truyền thống tôn giáo khác. Ngài tuyên bố không tranh chấp với thế gian, không tranh cãi với ai ở đời [4]. Tuy nhiên, các tôn giáo, các triết thuyết vẫn tìm cách chống đối Ngài dưới nhiều hình thức. Có lần Ngài đi đến Thuna, một làng Bà-la-môn. Dân chúng nghe tin, đem trấu và cỏ lấp hết miệng giếng để cho Ngài không có nước để uống. [5] Ngày nay, Tăng Ni xuất gia thường được đón tiếp nồng hậu và được tôn trọng quý mến, chứ thời Đức Phật, ngay cả Ngài và chư đệ tử không phải lúc nào cũng được như vậy. Sự kỳ thị, đố kỵ của các ngoại đạo lắm khi làm Ngài thêm nhọc nhằn, nhưng không vì thế mà Ngài không khởi phát bi tâm. Ngài biết căn tánh chúng sanh và trải lòng từ đến tất cả. Trong kinh kể lại rằng, thuở xưa, khi Đức Phật và chư Tăng đang du hành trên đoạn đường từ Rājagaha đến Nālandā, Ngài và chư đệ tử gặp Suppiya, du sĩ ngoại đạo dùng đủ cách để hủy báng Phật, Pháp, Tăng, còn đệ tử của du sĩ ngoại đạo Suppiya, thanh niên Brahmadatta, lại dùng vô số phương tiện tán thán Tam Bảo.  Đức Phật bất động và dạy chúng Tăng không vui mừng khi được khen, không tức tối khi bị chê mà phải xét coi lời khen chê ấy đúng hay sai. [6] Với lòng kiên định, thực hiện mục đích ban vui, cứu khổ cho đời, Ngài bất chấp.


Ngoại đạo Suppiya hủy báng đức Phật và Tăng đoàn

Không những Đức Phật chỉ trải qua nhiều gian khó trong những năm tháng chưa thành chánh giác mà sau khi thành đạo, trên cuộc đời du phương hoằng hóa đạo giải thoát, Đức Phật cũng gặp nhiều vất vả. Tuy nhiên, đối với Ngài, một người có đời sống nội tâm định tĩnh, luôn sống và làm việc không mệt mỏi vì lợi ích cho người khác, khó khăn nào rồi cũng qua.

Sau khi chứng đắc đạo mầu, Đức Phật trải qua một chặng đường dài từ Bodhgaya đến Benares để trình bày những gì Ngài vừa chứng ngộ với năm người bạn cũ đồng tu. Tiếp đó, Ngài độ Yasa và các người bạn. Thế là với 60 vị tỳ-kheo đầu tiên, Đức Phật thành lập nên Tăng đoàn. Với tinh thần “ra đi, vì an lạc cho số đông, vì hạnh phúc cho số đông”, Ngài đã khuyến khích những người đệ tử đầu tiên này ra đi, mỗi người một ngả, để truyền giảng giáo lý giác ngộ cho mọi người [7]

Với bức thông điệp đó, Đức Phật cùng chư đệ tử không mệt mỏi trên bước đường du hóa. Phạm vi hoạt động chính của Đức Phật lúc bấy giờ thuộc hai bang Bihar và Uttar Pradesh ngày nay. Những gì được trình bày trong kinh điển Pali cho chúng ta biết rằng Đức Phật  chủ yếu du hóa nhiều lần ở các thành phố Savatthi, Vesali và Kosambi. Vào thời xưa, đường sá Ấn Độ chủ yếu là đường đất, thường ngập bụi vào mùa hè cháy bỏng và lầy lội sình bùn vào mùa mưa, rét buốt đến tái tê vào mùa đông lạnh giá. Thêm vào đó là những toán cướp thường xuyên rình chặn các ngả đường, nhất là đoạn đường từ Savatthi đến Sakheta. [8] Trong khi người dân thời đó chỉ đi xa, vượt khó khi nào có công việc thật sự cần thiết, còn Đức Phật, Ngài không quản bao khó khăn, luôn luôn ra đi, vì nghĩ đến sự an lạc cho nhiều người.

Trong một năm, chỉ có ba tháng an cư mùa mưa Ngài dừng chân một chỗ cùng chư Tăng tinh chuyên tu tập, chín tháng còn lại Ngài luôn trên đường du hóa. Dù thời tiết có khi lạnh khi nóng, trời có lúc nắng lúc mưa, Ngài vẫn tinh cần, luôn đến với mọi người để đem bức thông điệp cứu khổ trao gởi cho đời. Địa bàn Đức Phật đi lại trong suốt cuộc đời hành đạo có nhiều sông, thuyền bè đi lại tấp nập, tuy nhiên, vì mục đích giáo hóa, để tạo điều kiện cho nhiều người được gặp, Ngài chỉ đi bộ. Không thấy nơi nào trong kinh đề cập đến Đức Phật đi xe, ngựa gì cả. Cứ thế, đầu đội trời chân đạp đất, tay ôm bát, đơn giản mà oai nghiêm, Đức Phật đi giữa dòng đời.

3. Đi để mà đi…

Kinh sách ghi lại những cuộc hành trình của Đức Phật có thể giúp chúng ta hình dung lại những nơi mà Ngài đã đặt chân đến. Ví dụ trong 12 tháng đầu tiên sau khi thành đạo, Ngài đi từ Uruvela đến Isipatana qua Gayā và Benares, trải qua ba tháng mùa mưa tại đấy rồi sau đó đến Rājagaha qua Benares, Gayā, Uruvelā và Lativanna. Từ những nơi xác định này, chúng ta có thế tính được Ngài đã đi bộ như vậy ít nhất là hơn 300 km trong mỗi chuyến đi. Chuyến đi dài nhất của Đức Phật là khi Ngài khởi hành từ Rājagaha đi Vesālī, rồi từ Vesali đi Sāvatthī rồi sau đó về lại Rājagaha đi qua Kiṭāgiri và Avali, cả vòng đi vòng về khoảng chừng 1600 km. [9] Tuy nhiên, kinh không đề cập đến cuộc du hành này cũng như bao cuộc du hành khác mất bao nhiêu thời gian. Chỉ biết rằng, sau mùa an cư Ngài ra đi và liên tiếp trên bước chân không ngừng nghỉ, du phương khắp nơi và chỉ trở về đủ kịp cho mùa an cư tiếp mà thôi.

Theo Kinh Đại Niết Bàn [10] Đức Phật bắt đầu chuyến du hành lần cuối cùng từ thành Rājagaha đến Kusināra qua Nālandā, Patna và Vesālī. Đoạn đường dài khoảng 300 km. Kinh ghi rằng Đức Phật rời Vesālī vào cuối mùa mưa an cư (tháng 10) và Ngài đến Kusināra và nhập Niết-bàn vào ngày trăng tròn tháng Vesak (tháng 5). Như vậy là Ngài mất 7 tháng để đi một đoạn đường 95 km. Có lẽ lúc này Ngài đã già yếu nhiều. Tuổi đã 80. Do vậy, từ Pava về Kusināra chỉ chừng 10 km, Đức Phật dừng nghỉ 25 chỗ trên dọc đường đi.Tuy nhiên, Ngài luôn thong thả trên những đoạn đường đi qua. Hễ ai có thắc mắc gì, Ngài ân cần dạy bảo, giải đáp thỏa đáng cho họ, vì mục đích của Ngài không phải là đi để đến một địa điểm nào đó mà là đi để giảng dạy giáo pháp cho người.

Mỗi buổi sáng, Đức Phật đi đến một ngôi làng gần chỗ trú ngụ để khất thực. Sau đó Ngài thọ trai, rồi tìm một nơi vắng tĩnh tọa. Xế chiều, khi trời dịu mát Đức Phật lại lên đường, nếu như không có việc gì cần ở lại. Đến chiều tối, Ngài dừng bước nghỉ ngơi. Nếu có ngôi làng hay khu rừng nào gần đó có thể nghỉ tạm qua đêm, Ngài sẽ nghỉ  ở đấy.

Ngài trú lại một nơi nào đó trong thời gian dài hay ngắn tùy thuộc vào nhiều yếu tố: dân làng có nhiều vấn đề thắc mắc muốn hỏi Ngài hay không; người ta đến nghe pháp đông không; thức ăn và nước uống có khan hiếm lắm không, môi trường có thuận tiện không. Có nhiều lúc Ngài đi đến những nơi hẻo lánh, nơi thức ăn khan hiếm, không tìm ra nước uống, không tìm được chỗ trú thân, nhưng có người cần sự có mặt của Ngài, thế là lòng từ bi của Ngài vượt qua mọi chướng ngại. Đường sá nhiều đoạn vô cùng gian nan hiểm trở. Thế nhưng với tâm kiên định, với lòng từ mẫn, thương chúng sanh khổ đau như người mẹ thương đứa con duy nhất của mình, Ngài đã không từ gian khó, không quản nhọc nhằn, luôn đi đến từng hang cùng ngõ hẻm, giảng đạo mầu cứu khổ nhân sanh. Luật có ghi rằng trong lần đầu tiên đến thành Rājagaha, Đức Phật đã rút ngắn thời gian lưu lại vùng này khi dân chúng phàn nàn vì quá nhiều người nam bỏ gia đình đi theo Ngài làm Tỳ-kheo. [11] Điều này phản ánh sự linh động, tùy cơ ứng biến của Đức Phật trên đường vân du của Ngài.

4. Du phương vì tâm từ đối với nhân gian

Đức Phật luôn duy trì cuộc sống du phương trong suốt cuộc đời hành đạo của Ngài. Với cách giảng dạy này, người nghe, người học sẽ tiếp thu tốt hơn, hiểu pháp nhanh hơn và thực hành đạt kết quả hơn qua sự tiếp xúc trực tiếp với Ngài. Rất nhiều bài kinh diễn tả, ngay sau khi nghe pháp, thính chúng tại pháp hội ấy chứng quả Thánh, có lẽ phần nào nhờ vào cách tiếp cận dân chúng trong tinh thần hòa đồng này. Chỉ cần thấy Ngài trong tư thái thong dong của một bậc giải thoát, lòng người đủ an tịnh rồi. Với oai lực nhiệm mầu, với tâm từ ái vô biên, với khả năng thấu hiểu mọi trình độ căn cơ của thính chúng, lời dạy của Ngài  có tác dụng rất lớn trong việc đánh động tâm thức người nghe. Do đó, chỉ bằng cách du phương hóa đạo, Ngài mới tạo được nhiều cơ hội cho dân chúng gặp gỡ Ngài.

Là một bậc giáo chủ, Đức Phật vẫn mãi đi giữa dòng đời, chịu vất vả nhiều mặt. Thời ấy có một số tịnh xá, nổi tiếng nhất là Kỳ Viên (Jetavana) và Trúc Lâm (Veḷuvana), có điều kiện sinh hoạt rất phù hợp cho đời sống thanh bần của người xuất gia, Ngài cũng chỉ trú lại đây trong các mùa mưa an cư mà thôi. Một khi ra đi, những tiện nghi trong sinh hoạt lắm lúc không sẵn có. Có khi Ngài tạm lưu trú trong trong một lều cỏ, có lúc tiện đâu ngả lưng đấy. Có lần Ngài lưu lại trên một thảm cỏ trải trong nhà làm đồ gốm của ngoại đạo Bhāradvāja. [12] Dịp khác, khi Ngài đang ở Kapilavatthu, Ngài không tìm được chỗ ngụ, đành trải một tấm vải trên nền đất trong am của du sĩ Bharanda để nghỉ đỡ qua đêm. [13]  Thường thì Ngài nghỉ đêm trong các vườn xoài như những vườn xoài ở miền Bắc Ấn chúng ta thấy hiện nay. Có dạo ở Alavi, thấy Ngài nghỉ trong cảnh  màn trời chiếu đất, lót lá trong rừng nghỉ lưng như vậy trong tiết mùa đông lạnh giá, hoàng tử Hattaka tình cờ gặp đã hỏi Ngài có cảm thấy an lạc không. Ngài đáp: “Đúng, ta sống rất an lạc, ta rất hài lòng. Và những ai cảm thấy an lạc ở đời, Ta là một trong số những người ấy” [14]

Những gì Đức Phật nói và làm chứng tỏ Ngài vui với tâm thanh thoát, tâm không nhuốm dòng đời. Tâm Ngài an lạc thì có sá gì cái không tiện nghi của điều kiện bên ngoài, cái khó khăn về vật chất. Cái khổ của tham ái, cái khổ nhiệt não cột trói chúng sanh vào vòng sanh tử mới thật là khổ. Khổ không thấy được bản chất như thật của vạn pháp để rồi trôi lăn trong vòng luân hồi vô tận mới là đáng nói. Do đó, dù đang trong tiết mùa đông, tuyết rơi phủ đất, Ngài chỉ lót lá đơn sơ vừa đủ cho một chỗ nằm. Gió lùa từng cơn, từng cơn trong rừng thưa lá, với tấm vải cà sa mỏng manh, Đức Phật vẫn sống an lạc vì Ngài có cái an của giải thoát, cái lạc của nội tâm không bị tham ái thiêu đốt và đó là hạnh phúc tối thượng ở đời. Còn đối với những người sống trong nhà cao cửa rộng, kín cổng cao tường, nằm trên nệm êm gối ấm, kẻ hầu người hạ, vợ đẹp con xinh, thì có vui gì đâu khi bị tham sân si đốt cháy suốt ngày đêm không lúc nào ngừng nghỉ?

Chính nếp sống vân du, thanh bần, giản dị này có sức cảm hóa mãnh liệt, là bài pháp sống động cho mọi người. Những lời đối đáp của Đức Phật với hoàng tử Hattaka là tiếng chuông đánh thức, không chỉ cho người trực tiếp nghe Ngài trả lời mà cho tất cả chúng ta. Khái niệm “khổ”, “vui” theo cái nhìn của phàm phu thật giới hạn, nhỏ hẹp trong các nhu cầu vật chất thế gian và những thú vui trần tục. Chỉ có những bậc giải thoát giác ngộ mới hướng đến sự an lạc thật sự của nội tâm. Do đó, Ngài từng nói, đời sống gia chủ đầy những chướng ngại, đời sống xuất gia phóng khoáng như gió thoảng hư không. [15]

Quan điểm “ra đi vì sự an lạc cho số đông, vì hạnh phúc cho số đông” là sợi chỉ thắm xuyên suốt trong suy nghĩ và hành động của Ngài trong suốt 45 năm hành đạo không có một phút giây ngơi nghỉ. Ngài biết mọi người cần sự có mặt của Ngài, cả gia chủ cư sĩ và Tăng Ni xuất gia, nhất là những người mới nhập đạo. Ngài thường cân nhắc: “Ta đã củng cố được chúng Tỳ-kheo vững mạnh. Tuy nhiên, có một số Tỳ-kheo mới xuất gia, sống trong Pháp và Luật chưa được bao lâu. Nếu những người này không thấy ta, tâm họ có thể thay đổi, như con bê, nếu không thấy mẹ, có thể thay đổi; như hạt giống non, nếu không có nước, có thể thay đổi. Trước đây ta đã từng giúp đỡ chúng Tỳ-kheo thế nào, thì nay đối với những vị mới vào đạo này, ta cũng sẽ giúp đỡ như vậy.” [16]Do đó, Ngài thường xuyên lui tới, nhắc nhở những vị Tỳ-kheo mới. Những vị mới xuất gia chưa có duyên may diện kiến Đức Phật rất khát khao được thấy Ngài. [17] Chư Tỳ-kheo lâu ngày không được gặp Ngài, họ cũng mong mỏi không kém. Hễ có cơ hội là họ cùng nhau đến đảnh lễ Ngài. Có khi một nhóm đông đến 500 vị Tỳ-kheo đi từ đường xa đến yết kiến Ngài. [18]

Không lúc nào ngừng nghỉ, Ngài vẫn tiếp tục ra đi, ngày đi đêm nghỉ. Có khi Ngài đi qua một vùng, sau một thời gian lâu, lắm lúc mấy năm, Ngài mới có dịp quay trở lại. Do đó, mỗi lần dân chúng được gặp Ngài, họ vui mừng hơn cả trời nắng hạn nhiều năm có được cơn mưa. Khi Ngài sắp ra đi, họ buồn rầu không biết khi nào Ngài quay trở lại để được gặp Ngài, nghe pháp. Họ trông mong được nhìn thấy hình bóng an tịnh của Ngài, bất cứ khi nào, ở đâu. Một lần, có hai người thợ mộc, khi nghe tin Ngài sắp đi, họ đến thưa: Khi Thế Tôn sắp rời khỏi Savatthi để du hành đến xứ Kosala, chúng con cảm thấy không hoan hỷ, buồn rầu, nghĩ rằng: Thế Tôn sẽ ở xa chúng con. Khi Ngài đi khỏi, chúng con cũng buồn rầu vì Ngài đã ở xa chúng con.[19]

Có khi nhiều nhóm người từ những nơi xa đến viếng Đức Phật. Có một lần khi Đức Phật đang ở tại Vesālī, một nhóm bà la môn từ Magadha, một nhóm khác từ Kosala, có cả người Licchavi cùng đến yết kiến Đức Phật. Gặp lúc Ngài đang chỉ tịnh, họ đợi đến khi yết kiến được Đức Phật, nghe được pháp rồi mới chịu đi.[20] Ngài đến rồi đi như cánh chim ngàn, lắm lúc người ta không biết chính xác Ngài đang ở đâu. Trong Kinh Tậpkể câu chuyện 16 người đệ tử của du sĩ Bavari, đang trú tại miền Bắc Ấn, muốn diện kiến Đức Phật. Ban đầu, họ nghe tin Đức Phật đang trú tại Savatthi, họ “bện tóc, mặc áo da thú”, băng qua Kosambi và Saketa, thẳng đến đó để yết kiến Ngài. Đến nơi, họ biết Đức Phật vừa rời khỏi Savattthi. Họ lần theo lộ trình Ngài đi, qua Setavya, Kapilavatthu, Kusināra, Pāvā và Vesālī. Cuối cùng họ gặp được Ngài ở đền thờ Pasanaka. Niềm vui mừng của họ khi gặp Ngài được diễn tả “giống như người khát nước gặp được nguồn nước trong mát; giống như người đi buôn được món lời lớn; giống như đang trên đường nóng bức gặp được tàng cây mát.” [21] 

Dấn thân đi giữa dòng đời, Đức Phật đã thiết thực đem lại lợi ích an vui cho nhiều người. Chính cách du hành tùy duyên hóa đạo như thế, Ngài đã làm chiếc cầu nối cảm thông cho bao con người đau khổ tìm về nẻo sáng. Chính sự vân du đây đó như mây ngàn gió nội, Ngài là ánh dương chiếu rọi nhân gian cho ánh sáng ngập tràn, giúp bao người thoát khỏi rừng mê u ám. Ngài là hiện thân của trí tuệ và từ bi đi vào cuộc đời để đưa bao người qua biển khổ trầm luân. Chính sự dấn thân, coi thường gian khó, Ngài đã san bằng được những hố thẳm bất công trong xã hội mà chiếc gông phân biệt giai cấp đã nghiệt ngã đè lên đầu người dân Ấn Độ vào thời bấy giờ. Ngay từ lúc thành đạo đến giây phút cuối cùng trước khi vào Niết-bàn, Ngài luôn trên bước đường du hóa, thực hiện chu toàn sứ mạng cứu khổ ban vui cho đời. Gương hạnh của Ngài, vượt không gian vô tận, thời gian vô cùng, luôn tỏa sáng trên vạn nẻo đường từ ngàn xưa mãi đến ngàn sau.

Liên Trí

 [I] Kinh Phật tự thuyết, Chương 8, Phẩm Pātaligāmiya, mục VII(Ud. 90)

 [2] Kinh Tương Ưng , tập I, chương I, phẩm 4, mục 8: Miếng đá vụn.

[3] Kinh Tương Ưng, tập III, Chương I, mục 9: Parileyya.

[4] Kinh Trung bộ, tập I, Kinh số 18: Kinh Mật Hoàn.

[5] Kinh Phật Tự Thuyết, Chương 7, phẩm Nhỏ, mục IX (Ud.78)

[6] Kinh Trường bộ, tập I, Kinh số 1: Kinh Phạm Võng.

 [7] Luật tạng, tập IV, tr. 20.

[8] Luật tạng, tập IV, tr. 87.

[9] Luật tạng, tập IV, tr. 189.

[10] Kinh Trường bộ, tập I, số 16: Kinh Đại bát Niết Bàn.

[11] Luật tạng, tập IV, tr. 43

[12] Kinh Trung bộ, tập II, số 75: Kinh Magandiya

[13] Kinh Tăng Chi, tập I, chương 3 pháp, phẩm 13, mục 124: Bharandu

[14] Kinh Tăng Chi, tập I, chương 3 pháp, phẩm 4, mục 34: Về Alavì

[15] Kinh Trường bộ, tập I, số 2: Kinh Sa môn quả.

[16] Kinh Tương Ưng Bộ, tập III, mục 8: Người khất thực.

[17] Kinh Phật Tự Thuyết, phẩm 5,mục 6 (Ud. 57).  

[18] Kinh Trung bộ, tập II, số 67: Kinh Catuma.

[19] Kinh Tương Ưng, tập V, Chương 11: Tương ưng dự lưu, mục 6: Các người thợ mộc.

[20] Kinh Trường bộ, tập I, số 6: Kinh Mahali.

[21] Kinh Tập, chương 5, phẩm Con đường đến bờ kia, kệ 1006-1014.




Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013

Uy nghi bảo tháp Gotama Cetiya

Ngôi bảo tháp Gotama Cetiya được thi công xây dựng từ ngày 1-8-2007, thuộc tổ đình Bửu Long (số 81/1, đường Nguyễn Xiển, P.Long Bình, Q.9, TP.HCM), trong công viên Lịch sử và Văn hoá dân tộc.

Đại bảo tháp Gotama Cetiya - nơi tôn thờ Xá-lợi Phật và chư đại Thánh Tăng.

buu Long 1.jpg
Đại bảo tháp thờ xá-lợi - Ảnh: Tam Ngu

Mặt bằng xây dựng tháp rộng trên 2.000m2, cao khoảng 70m so với mặt biển. Một kiến trúc vừa hoành tráng hiện đại vừa biểu hiện nét cổ kính nhất của nền văn minh Suvannabhumi cổ đại trong vùng Đông Nam Á.

Ngôi bảo tháp to lớn này còn có giảng đường lớn để hội họp, thuyết pháp, hành thiền…

Được biết, tổ đình Bửu Long có đặc điểm kiến trúc theo văn hóa Phật giáo cổ đại, có nguồn gốc trực tiếp từ nền văn minh vùng Suvannabhumi - ảnh hưởng văn minh Phật giáo Ấn Độ thời đại vua Asoka, còn đậm nét ở Ankor Wat và các tháp Chăm Việt Nam.

Chùm ảnh từ tổ đình Bửu Long:


buu Long 2.jpg
Ánh nắng và con đường rực rỡ

buu Long 3.jpg
Thạch đăng tự

buu Long 4.jpg
Bảo tháp in bóng nước, trời mây uy nghiêm

buu Long 5.jpg
Cửa hướng Bắc của bảo tháp

buu Long 6.jpg
Đối lập mà hài hòa

buu Long 7.jpg
Nhìn dưới chân mình

buu Long 8.jpg

buu Long 9.jpg
Nhìn từ xa, tuyệt đẹp
Tam Ngu thực hiện

Xuất gia gieo duyên 100.000 vị tại Wat Phradhammayaka

Sáng ngày 20 tháng 03 năm 2013, Phật lịch 2556, tại Wat Phradhammakaya (tỉnh Pathomthani, Thái Lan) đã tổ chức lễ xuất gia cho 100.000 vị thiện nam tử phát tâm xuất gia gieo duyên vào mùa hè (theo truyền thống Phật Giáo Thái Lan).
Xin giới thiệu đến quý vị những hình ảnh của buổi lế xuất gia đặc biệt hiếm thấy ở các quốc gia khác