Người viết có dịp viếng thăm Học viện Sitagu do Hoà thượng (HT) Pháp sư Nyanissara sáng lập vào tháng 12 năm 2006 với một số Tăng Ni ở trường thiền Shwe Oo Min. Đây là một trong những cơ sở học thuật có nhiều triển vọng, đặc biệt khi thủ đô Miến Điện được dời về Mandalay. Diện tích của Học viện không lớn lắm nhưng khá lý tưởng vì nằm dưới chân đồi Sagaing - một trong những thắng tích chính của khu vực. Đứng dưới chùa nhìn lên là Đại Tháp uy nghiêm của đồi Sagaing, bên cạnh là nhà thương miễn phí dành cho mọi Tăng Ni do Hòa thượng đứng ra vận động và chịu trách nhiệm.
Học viện Phật giáo quốc tế Sītagū, Sagaing, Myanmar
(Sītagū International Buddhist Academy)
Hoà thượng Pháp sư Nyanissara - người sáng lập Học Viện Phật Giáo Quốc Tế Sītagū
Như tên gọi của nó: Sītagū International Buddhist Academy (Học Viện Phật Giáo Quốc Tế Sitagu), nên trong tương lai rất có thể đây là một trong những cơ sở học thuật lớn ở Miến. Rất tiếc là thời gian đoàn ở đó chỉ 2 hôm, nên bản thân tôi không tìm được thông tin đầy đủ và cũng không có thời gian tham vấn những vị phụ trách giảng dạy. Dầu vậy, môi trường ở đó như thế nào, chương trình giảng dạy ra sao,… xin lược ghi những gì đã biết để chia sẻ vậy.
I. CƠ SỞ VẬT CHẤT VÀ MÔI TRƯỜNG
Nhìn chung, cơ sở vật chất khá khang trang. Các phòng ốc và lớp học đã khá hoàn bị. Chính giữa chùa là Đại Tháp theo mô hình tháp Sanchi ở Ấn Độ. Giảng đường, phòng học và khu chung cư cho sinh viên được bố trí xung quanh theo mô hình chữ nhật hướng tâm khá đẹp.
Một góc Học Viện Phật Giáo Quốc Tế Sītagū
Tạm thời Tăng sinh ngoại quốc và Miến được bố trí ở chung. Mỗi phòng trên dưới 10 vị. Bên cạnh đó có những dãy lầu có khoảng 60 phòng đơn, rất tiện nghi, khang trang, dành cho giáo thọ sư và những vị học cấp Cao học trở lên. Hệ thống phòng thính thị khá lớn, trên cả 100 máy vi tính, nhằm tạo điều kiện tối đa cho Tăng sinh học Anh văn. Thư viện tương đối rộng, có một số sách căn bản, nhưng nguồn tài liệu thật sự chưa phong phú đối với một nghiên cứu sinh.
Thời tiết ở Sagaing vào mùa đông lạnh hơn ở Yangon, nhưng cũng không lạnh như ở Bắc Delhi, Ấn Độ. Nhìn chung, thời tiết và cơ sở vật chất lý tưởng cho môi trường học tu đối với một tu sĩ khép mình.
II. TIÊU CHUẨN ĐỂ NHẬN SINH VIÊN
Theo cách trình bày của vị điều hành nội vụ Học Viện, mọi đối tượng đều được nhận, không phân biệt Tăng tục, truyền thống, quốc gia, giới tính và tuổi tác. Hiện nay có một số nữ cư sĩ của vài nước khối Âu châu tham học, nhưng phần lớn đều là đại thí chủ của tu viện. Trường hiện nay chưa chính thức nhận Ni giới hoặc nữ cư sĩ ngoại quốc vì phòng ốc dành cho chư Ni chưa ổn định. Riêng chư Ni Miến ở chùa ngoài gần đó đến học, hoặc những Ni ngoại quốc nào muốn học ở Học viện Sitagu tự lo chỗ ở.
Chúng tôi gặp vị Trưởng phòng Đào tạo (Registrar) của Học viện, nhưng không có thời gian để trao đổi những vấn đề cần thiết. Theo thông tin chung, mặc dầu trường chưa đi vào nề nếp thi cử tuyển sinh, nhưng những sinh viên biết tiếng Anh tương đối mới được nhận.
Tiêu chuẩn sinh viên được nhận vào tối thiểu là tốt nghiệp trung học, hoặc đã học Phật pháp căn bản ở một vài trường Phật học nào đó thì càng tốt. Hiện nay chưa có chế độ thi tuyển cụ thể, nhưng về sau chắc chắn việc này sẽ từ từ đi vào nề nếp. Đối với các sinh viên đã có bằng diploma hoặc tốt nghiệp cử nhân ở Yangon đều có thể đến Sitagu học tiếp mà không cần thi cử gì cả.
Về phương diện học phí, các sinh viên không cần phải đóng bất cứ loại phí gì, nhưng nếu có điều kiện cúng dường hoặc kêu gọi Phật tử hỗ trợ cho Học viện vẫn là điều cần thiết. Vì nhà trường không nhận tài trợ của chính phủ, chỉ nhận từ các tổ chức từ thiện phi chính phủ hoặc các Phật tử tín thành dâng cúng mà thôi.
Về thủ tục visa, sinh viên hoàn toàn tự làm lấy. Học viện chỉ có thể cấp giấy giới thiệu, nhưng mọi thủ tục hành chánh mình phải tự lo, giống như đại học ở các nước khác vậy. Điều này có thể gây trở ngại đối với một vài vị, bởi lẽ phần lớn tân Tăng Ni sinh không rành cơ cấu hành chánh ở Miến, hộ chiếu bị giam quá lâu ở các bộ, nên khi có việc khẩn cấp cần về nước thì không có hộ chiếu mà về.
Có một số sinh viên Việt Nam học tại Học viện này khi chưa chính thức trúng tuyển vào Trường Đại học Phật giáo Quốc tế ở Yangon, nhưng đến khi ổn định được các trường khác tiếp nhận, thì hầu như các vị đều xin chuyển trường.
III. CHƯƠNG TRÌNH HỌC
Vì là cơ sở mới nên chương trình học chưa ổn định. Giống như các học viện non trẻ khác, giáo trình sẽ được bổ túc, cải cách cho đến khi nó được hoàn chỉnh. Dầu vậy, nhìn chung giáo trình này thoáng hơn, và ở một góc độ nào đó, nó có hệ thống hơn Đại học Phật giáo ở Yangon. Điều này cũng là lẽ tất yếu, thứ nhất là mang tính kế thừa, thứ hai là hoạt động độc lập, tham khảo nhiều chương trình học Phật pháp ở các nước khác, trong khi đó ở Yangon nhắm đến đào tạo các sứ giả hoằng pháp theo truyền thống Phật giáo Nam truyền, nên những tư tưởng của Phật giáo Đại thừa không phải là vấn đề Giáo hội và Chính phủ nhắm đến.
Các vấn đề như truyền giới thuộc truyền thống Phật giáo Đại thừa, truyền giới Tỳ-kheo-ni, lịch sử và triết học Phật giáo Đại thừa và những thông tin cần thiết liên quan đều được đem ra thảo luận và giảng dạy. Rất có thể tất cả những vấn đề trên chưa hẳn là sở trường của giáo thọ sư ở Học viện Sitagu, nhưng dầu sao Học viện cũng có kiến thức tổng quát về Phật giáo các nước. Người viết xin lược dịch giáo trình để chúng ta cùng tham khảo về Học viện này.
Chư Tăng trong giờ học tại Học Viện
Lưu ý là trên văn bản chúng ta không thấy phân chia rõ ràng về chương trình diploma và cử nhân, chỉ thấy đề 4 năm cử nhân, nhưng trên thực tế để cho đồng nhất với vài trường ở Miến, nên Học viện vẫn nói với sinh viên là 2 năm đầu là tiền đại học (Diploma) và 2 năm sau mới chính thức cử nhân (B.A).
Theo giáo trình, có tất cả 9 môn, 6 môn chính và 3 môn phụ. Sáu môn chính gồm: (1) Luật, (2) Kinh, (3) Luận, (4) Pháp hành, (5) Pali - Sanskrit, và (6) Anh văn. Ba môn phụ gồm: (1) Lịch sử Phật giáo, (2) Văn hoá và Nghệ thuật Phật giáo, và (3) Triết học. Tất cả 9 môn này được phân phối trong 4 năm, mỗi năm học 8 tháng. Thời gian khai giảng cũng giống như Đại học Phật giáo ở Yangon hay ở các trường phổ thông bên ngoài, khoảng đầu tháng 6 dương lịch. Chương trình như sau:
NĂM THỨ NHẤT
1. VINAYA (LUẬT)
(A) Giới thiệu về luật học (Vinaya)
(B) Các lễ truyền giới của Phật giáo
(C) Năm chúng Phật giáo (sahadhammika, tức là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa-ma-na, Sa-di và Sa-di-ni) và mối liên hệ của 5 chúng
(D) Tứ vật dụng (nissaya) và sử dụng đúng cách như thế nào
(E) Tám nhu yếu (parikkhāra) của một Tỳ-kheo và làm thế nào sử dụng các nhu yếu này hợp cách. Đặc biệt tìm hiểu về y, bát, trú xứ và thuốc men.
2. SUTTANTA (KINH)
(A) Giới thiệu về Suttanta
(B) Các bài kinh về cuộc đời Đức Phật
(C) Các bài kinh liên hệ thiết yếu đến tu tập
3. ABHIDHAMMA (LUẬN)
(A) Giới thiệu về Abhidhamma
(B) Thắng Pháp Tập Yếu Luận (chương 1, 2 và 6)
(C) Vibhāvanī Ṭīkā về ba chương trên
4. ENGLISH (ANH VĂN)
(A) Văn phạm (Grammar)
(B) Viết đoản luận (Composition)
(C) Văn học (Literature)
NĂM THỨ HAI
1. VINAYA
(A) Yết-ma (Saṅghakamma)
(B) Giới đường (Sīma)
(C) Giới bổn (Pātimokkha)
(D) Trị phạt (Vinaya Vinicchaya)
2. SUTTANTA
(A) Các bài kinh về Nghiệp báo (Kamma) và Luân hồi (Saṃsāra).
(B) Các bài kinh về nhận thức luận
(C) Các bài kinh về nhân duyên
3. ABHIDHAMMA
(A) Thắng Pháp Tập Yếu Luận (chương 3, 4 và 5)
(B) Vibhāvanī Ṭikā về 3 chương trên
4. ENGLISH (gồm 3 phần như năm thứ nhất).
NĂM THỨ BA
1. ABHIDHAMMA
(A) Thắng Pháp Tập Yếu Luận (chương 7, 8 và 9)
(B) Vibhāvinī Ṭikā về 3 chương trên.
2. PAṬIPATTI (PHÁP HÀNH)
(A) Thanh Tịnh Đạo Luận (Visuddhimagga), gồm phần Giới, Định và chương 9.
(B) Các kỹ thuật Thiền Chỉ (Samatha).
3. SAMAYANTARA (TRIẾT HỌC)
(A) Triết học Ấn Độ: Vệ-đà (Veda), Áo Nghĩa Thư (Upanishad), Sankhya (Số Luận), Kỳ-na (Jainism), Trung Luận (Madhyamika) và Duy Thức Tông (Viññāṇamātratā).
(B) Triết học Tây phương
4. PALI VÀ SANSKRIT
Văn phạm (Grammar)
Viết tiểu luận (Composition)
Triết học (Philosophy)
Từ nguyên (Etymology).
NĂM THỨ TƯ
1. ABHIDHAMMA
(A) Dhammasaṅgaṇi (Pháp Tụ Luận)
(B) Paṭṭhāna (Duyên Luận hay Phát Thú Luận)
(C) Atthasālinī (Sớ giải của bộ Pháp Tụ)
(D) Sớ giải về Paṭṭhāna.
2. PAṬIPATTI (PHÁP HÀNH)
(A) Thanh Tịnh Đạo Luận: phần Tuệ (Paññāniddesa)
(B) Các kỹ thuật Thiền quán (Vipassanā) ở Miến
3. LỊCH SỬ, VĂN HOÁ VÀ NGHỆ THUẬT PHẬT GIÁO (BUDDHIST HISTORY, CULTURE AND ARTS)
(A) Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Miến Điện, Trung Quốc, Nhật Bản, châu Á, châu Âu, phương Tây và Phật giáo Tây Tạng.
(B) Văn hoá và Nghệ thuật Phật giáo ở Ấn Độ, Miến Điện, Tích Lan và các nước khác.
4. PALI VÀ SANSKRIT
Gồm 4 phần như năm 3. Mặc dầu Miến ngữ không được đề cập trong chương trình, nhưng nó vẫn được giảng dạy ở Học viện cho sinh viên ngoại quốc, nhất là trong thời gian học bán chính thức.
IV. ĐỘI NGŨ GIÁO SƯ
Trong tương lai, đội ngũ giảng viên của Học viện có lẽ khá hùng hậu vì Hòa thượng nỗ lực tối đa tạo điều kiện cho đệ tử học khắp nơi. Có một số vị tốt nghiệp cao học ở Ấn Độ và đang học tại Đại học Oxford, Anh quốc, hoặc các vị tiếp tục học ở Ấn để lấy bằng tiến sĩ. Hiện nay đội ngũ giảng viên hơi khiêm tốn.
Hoà thượng Viện chủ được Chính phủ Miến tặng bằng Tiến sĩ danh dự vì công lao hoằng pháp độ sanh cũng như các công trình từ thiện to lớn mà ngay cả Chính phủ Miến cũng không lo xuể, như nhà thương miễn phí cho chư Tăng và các Phật tử nghèo, hoặc hệ thống nước uống cho toàn khu Sagaing. Tuy nhiên, Hòa thượng vì quá bận Phật sự nên đã mời HT. Nandamālābhivaṃsa làm Viện trưởng. Mặc dầu HT. Nandamālābhivaṃsa đã làm Viện trưởng Trường Đại học Phật giáo ở Yangon, nhưng cũng phải đảm trách Học viện ở Sagaing nữa.
Hiện nay chỉ có 5, 6 vị giảng dạy chính thức. Một số được mời từ vùng lân cận hoặc Mandalay để phụ trách một số môn.
Nhìn tổng quát, trong giai đoạn hiện nay, nếu sinh viên nào có trình độ ngoại ngữ khá nên cố gắng thi vào TRƯỜNG ĐẠI HỌC QUỐC TẾ TRUYỀN BÁ PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY ở Yangon là tốt nhất. Dẫu sao, ở đó mọi thứ đã tương đối ổn định. Trong trường hợp bất đắc dĩ, có thể đến Học viện Sitagu như là một giải pháp chờ thời, tự rèn kỹ năng, để chuẩn bị những bước đi dài và vững vàng hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét