Thứ Năm, 26 tháng 7, 2012

TRUYỀN KỲ VỀ NHỮNG NGÀI TAM TẠNG

Từ sáng sớm ngày 19/7, không khí tại Trúc Lâm, ngôi chùa nhỏ thuộc hệ phái Therevada (Phật giáo Nguyên thuỷ) ở Q.6, TP.HCM đã náo nức và nhộn nhịp hơn thường lệ bởi sự tụ hội của hàng trăm tăng sĩ và Phật tử. Chánh điện, hành lang và thậm chí lối đi của chùa không còn một chỗ trống khi tất cả những người có mặt chào đón Yesagyo Sayadaw, Ngài Tam Tạng thứ 6 cùng với 14 vị tăng của Myanmar. Đây không phải là lần đầu tiên một vị Tam Tạng viếng thăm Việt Nam song mỗi một chuyến thăm luôn là một sự kiện đặc biệt, bởi những vị Tam Tạng luôn là những cá nhân siêu việt, những hiện tượng tối hiếm về khả năng ghi nhớ của con người.

Ngài Tam Tạng thứ 6 Yesagyo Sayadaw thuyết pháp tại chùa Trúc Lâm.

Cho đến nay, trừ những người nghiên cứu chuyên sâu thì phần lớn mọi người đều còn mơ hồ về sự đặc biệt của một vị Tam Tạng. Chính vì vậy, người viết bài này quyết định chia sẻ những hiểu biết còn hạn hẹp của mình được tích luỹ trong hành trình tìm hiểu những kiến thức về Phật giáo và trải nghiệm trực tiếp về thiền trên đất nước Myanmar. 

Tam Tạng chính là danh vị trao tặng cho một số lượng đếm trên đầu ngón tay những vị tăng chuyên sâu về pháp học được lựa chọn từ 500.000 nhà sư ở khắp Myanmar thông qua các kỳ thi dài và khó nhất thế giới. Đó là những bộ nhớ siêu phàm với khả năng ghi nhớ và thông suốt toàn bộ 16.000 trang của bộ Tam Tạng (Tipitaka) hay còn gọi là Đại Tạng kinh Pali, ghi lại những lời giáo huấn của Đức Phật và nền tảng giáo lý Phật giáo đồng thời cũng là những người chiến thắng ở các kỳ thi viết (bao gồm cả bộ chú giải và phụ chú giải) về các nội dung nói trên.

Những bài pháp thường xoay quanh lợi ích củaviệc thực hành thiện pháp trong đời sống hàng ngày

như phát triển tâm từ, hiểu rõ lợi ích của bố thí không phân biệt.

Trên thế giới, chỉ có 2 quốc gia được coi là thành trì vững chắc của Phật giáo Nguyên thuỷ là Sri Lanka và Myanmar vẫn còn duy trì truyền thống tổ chức những kỳ thi quốc gia để vinh danh những bộ nhớ siêu việt về pháp học, trong đó Myanmar được đánh giá là nổi trội hơn cả. Kể từ khi giành được độc lập từ tay thực dân Anh vào năm 1948, cả chính quyền dân sự lẫn quân sự của Myanmar đều dành sự ủng hộ tuyệt đối cho Phật giáo Nguyên thuỷ và không ngừng thực hiện nhiều biện pháp tích cực để trợ giúp cho sự tăng trưởng của pháp học và pháp hành. Bản Hiến pháp năm 1947 nêu rõ: “Nhà nước công nhận đạo Phật có vai trò đặc biệt, đó là đức tin của tuyệt đại đa số người dân thuộc Liên bang”. Từ năm 1948, chính quyền của Thủ tướng U Nu đã khởi động một chương trình nhằm tuyển chọn và tôn vinh những cá nhân kiệt xuất có thể thuộc lòng, thông suốt và tụng lại được toàn bộ nội dung của bộ Tipitaka kinh điển (với dung lượng khoảng 7.983 trang và 2,4 triệu từ thuộc ngôn ngữ Pali, tương đương khoảng 16.000 trang của các ngôn ngữ thuộc hệ Latin). Cho đến nay, trải qua 63 kỳ thi và gần 7 thập niên, mới chỉ có vỏn vẹn 12 vị Tam Tạng chính thức được công nhận và trở thành quốc bảo của đất nước Myanmar, được chính phủ cấp xe, cấp đất xây chùa, hưởng mọi đãi ngộ xứng đáng và được chu cấp suốt đời.

Chân dung Ngài Tam Tạng thứ 6 Yesagyo.

Trong lịch sử đầy những biến động của Phật giáo, vào thời kỳ Phật Thích Ca còn tại thế thì việc thông thuộc và thấu suốt những lời dạy của Đức Phật là điều không quá khó khăn với các vị thánh Alahán, những người đã đạt quả vị giải thoát và thấu triệt mọi chân lý trên đời. Tuy nhiên, khoảng 500 năm sau khi Phật nhập Niết Bàn, đối mặt với nguy cơ bị mai một giáo pháp do chiến tranh và loạn lạc, vị vua người Sri Lanka mới cho chép toàn bộ kinh điển xuống lá buôn khô và cứ sau một thời gian lại diễn ra một cuộc kết tập kinh điển Pali nhằm tụng lại và kiểm tra lại toàn bộ nội dung của kho tàng đồ sộ này với một số lượng lớn các vị thánh tăng tham dự. Cho đến nay, tổng cộng đã có 6 kỳ kết tập kinh điển Pali với cuộc kết tập gần nhất diễn ra tại Thủ đô Yangoon của Myanmar vào năm 1954 với sự tham dự của 2.500 vị tăng đến từ 8 quốc gia Phật giáo Nguyên thuỷ, trong đó có Việt Nam. Dưới sự chủ trì của Đại Thiền sư Mahasi và phần trả lời về Pháp do Ngài Mingun phụ trách, cuộc kết tập kéo dài tới 2 năm mới kết thúc.

Nếu có kỳ thi nào lớn nhất, dài nhất, sâu sắc nhất và cũng khó nhất thế giới thì đó chính là kỳ thi tuyển chọn một vị Tam Tạng. Phải mất 5 năm để hoàn thành một cuộc chạy marathon như vậy, và trong quá khứ cũng phải mất tới 4 năm. Trong 2 năm đầu tiên, các ứng viên phải trải qua bài thi sát hạch Tạng Luật (Vinaya Pitaka) và bình quân một thí sinh phải mất 20 ngày mới hoàn tất phần thi của mình (tụng liên tục 5 tập kinh với tốc độ trung bình 3 ngày/tập cộng thêm 5 ngày phải hoàn thành phần thi viết liên quan đến bộ chú giải và phụ chú giải). Vào năm thứ ba, các ứng viên phải tụng 3 tập của Tạng Kinh (Sutta Pitaka). Vào năm thứ tư và thứ năm, các ứng viên phải tụng 7 tập thuộc Tạng Vi diệu pháp (Abhidhamma Pitaka).   

Mặc dù đều phải vượt qua những kỳ thi hóc búa và gian khổ nhưng không phải vị Tam Tạng nào cũng đều sở hữu những danh vị giống nhau. Có 4 thang bậc danh vị dành cho một vị Tam Tạng và người nào càng nhiều danh vị thì càng chứng tỏ sự siêu việt và lỗi lạc của mình. Danh vị thứ nhất, đó làTipitakadhara, có nghĩa là Bậc Thông thuộc Tam Tạng dành cho người vượt qua các kỳ sát hạch tụng lại toàn bộ kinh điển. Danh vị thứ hai là Tipitakakovida, nghĩa là Bậc Thấu suốt Tam Tạng, dành cho những vị xuất sắc vượt qua tất cả các phần thi tụng Tam Tạng bằng miệng và cả thi viết, giải đáp được thấu đáo phần chú giải và phụ chú giải trong đó có những nội dung vô cùng hóc búa. Danh vị thứ ba là Maha Tipitakakovida, nghĩa là Bậc Đại Thấu suốt Tam Tạng, dành cho những vị đã giành được danh vị thứ hai với sự xuất chúng và lỗi lạc phi thường. Danh vị thứ tư, vô cùng cao quý,Dhammabhandagarika, Bậc Giữ gìn Kho tàng Pháp bảo dành cho những ngài Tam Tạng có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp truyền bá Phật pháp và mang lại nhiều lợi ích cho quê hương, đất nước.

Ngài Tam Tạng thứ 11 chụp hình chung với Phật tử Việt Nam tại Myanmar.

Tại kỳ thi đầu tiên được tổ chức tại Yangoon vào năm 1948 ngay sau khi Myanmar giành được độc lập từ tay thực dân Anh, không có ai là người giành chiến thắng. Mãi đến tận năm 1953, Myanmar mới có vị Tam Tạng đầu tiên là Ngài Mingun Sayadaw (pháp danh là U Vicittasarabhivamsa). Khả năng ghi nhớ siêu việt của Mingun Sayadaw đã được Sách Kỷ lục Guiness công nhận từ năm 1985 và cho đến nay, Ngài vẫn được coi là một trong những bộ nhớ vĩ đại nhất của nhân loại và là vị Tam Tạng vĩ đại nhất trong lịch sử Myanmar, không chỉ vì Ngài là Đệ Nhất Tam Tạng mà còn vì vai trò chủ chốt của Ngài trong cuộc tập kết kinh điển Pali lần thứ 6.

Mingun Sayadaw vĩ đại

Ngài Mingun đã viên tịch vào năm 1993 nhưng người viết bài, khi còn ở trên đất nước Myanmar đã trực tiếp được tiếp xúc với những truyền nhân của Ngài, trong đó có những vị đã đậu Tam Tạng và được nghe những câu chuyện về trí nhớ phi thường của Ngài. Đó là vào năm 1985, khi một đoàn của Sách Kỷ lục Guiness đến Myanmar để trực tiếp kiểm tra và ghi nhận bộ nhớ siêu phàm này. Mingun Sayadaw đã khiến tất cả những người tham dự phải kinh ngạc khi Ngài đọc liên tục 16.000 trang, không quên một câu, không đọc sai hay vấp dù chỉ một từ nào. Đã rất choáng váng vì điều này, một người trong đoàn vẫn còn tò mò hỏi: “Thưa Sayadaw, Ngài còn có khả năng ghi nhớ thứ gì khác nữa không?”. “Có chứ, hãy đưa cho tôi một tờ báo bất kỳ”, Ngài Mingun nói. Thế là một người trong đoàn đưa cho Ngài một tờ báo mới. Ngài cầm tờ báo và chỉ đọc lướt qua một lượt rồi nói: “Nào, bây giờ hãy hỏi tôi một đoạn bất kỳ”. Và trong sự kinh ngạc đến thảng thốt của những  người tham dự, Ngài Mingun đọc vanh vách toàn bộ nội dung của cột báo hay trang báo Ngài được hỏi tới. Dường như trong Ngài đã có sẵn một cái máy quét (scanner) kết nối với một máy tính có ổ cứng chứa dữ liệu vậy.

Các vị Nhất Tạng, Nhị Tạng và Tam Tạng tương lai tại trung tâm pháp học

đặt tại trường thiền nổi tiếng Shwe Oo Min. Họ được học tập kinh điển từ nhỏ

với sự hướng dẫn của Ngài Tam Tạng thứ 4, Yaw Sayadaw.

Cho đến nay, người ta vẫn đi tìm lý giải cho câu hỏi: “Làm thế nào mà một vị Tam Tạng lại có thể thuộc nằm lòng với sự am hiểu sâu sắc tới 16.000 trang của bộ kinh điển đồ sộ như vậy?”. Người viết bài đã bỏ ra hàng tháng trời ở những trung tâm thiền và pháp học nổi tiếng của Myanmar, nhờ đó có hình dung đầy đủ về cách thức đào tạo ra một vị Tam Tạng. Theo đó, hàng năm, những “tuyển trạch viên” đầy kinh nghiệm toả đi khắp đất nước để tuyển chọn các thiếu niên có tư chất thông minh, sau đó đưa họ tới các trung tâm pháp học danh tiếng và cho họ thọ giới xuất gia Sa-di (cấp bậc đầu tiên của các vị Sư theo truyền thống Phật giáo Nguyên thuỷ). Tại đây, các vị Tam Tạng tương lai được huấn luyện bởi những vị thầy có tên tuổi, với một chế độ học tập khắc nghiệt: hàng ngày phải thức dậy và bắt đầu học từ lúc 4 giờ sáng, cứ khoảng 15 phút là học thuộc lòng một trang sách và hết buổi sáng, người nào nhanh sẽ học thuộc được khoảng 10-15 trang. Thời gian còn lại trong ngày là ôn lại bài cũ. Một bí quyết quan trọng cho một vị học Tam Tạng, đó là hạn chế các đối tượng bên ngoài có thể làm phân tâm và siêng năng ôn lại bài cũ. Vì thế mà một số vị đã sử dụng các phương pháp của thiền định để kích hoạt khả năng ghi nhớ của mình.  Phải mất từ 15 năm để hoàn tất một chương trình học như thế này, sau đó một ứng viên sẽ tham gia vào kỳ thi quốc gia để lần lượt giành các danh hiệu Nhất Tạng, Nhị Tạng rồi Tam Tạng. Tất nhiên, chỉ có một số vô cùng ít giành được danh hiệu thứ ba. Thời gian lâu như vậy nên có nhiều vị đậu Tam Tạng khi đã ngoài bốn mươi tuổi, thậm chí có người ở tuổi 55 mới bước lên bục vinh quang như Ngài Kondanna (1997). Tuy nhiên, cũng có những trường hợp đặc biệt, đậu Tam Tạng ở tuổi 27 như Ngài Sumingalalankara (1973).

Cũng giống như các cậu bé khác, các vị Tam Tạng tiềm năng cũng tham gia lao động

và vui đùa vào thời gian ngoài giờ học tập căng thẳng.

Theo số liệu thống kê của Hội đồng thi Tam Tạng quốc gia Myanmar, tính đến năm 2007, trải qua lịch sử 59 năm, số ứng viên đăng ký tham gia thi lên tới con số 7.103, trong đó số tham dự thực sự là 5.474, số người vượt qua từng phần thi là 1.662, nhưng chỉ có 11 vị được trao danh hiệu Tipitakadhara Tipitakakovida, Bậc Thông thuộc Thấu suốt Tam Tạng (con số mới nhất là 12 vị). Trong số những nhân vật kiệt xuất này, có 4 vị đã không còn tại thế. Những người đã ra đi có thể đang hưởng pháp lạc tối thượng, đó là trải nghiệm cảnh giới bất tử của Niết Bàn hay được tái sinh trên các cõi trời có phước báu thù thắng, nơi họ tiếp tục hành trình thuyết giảng Phật pháp. Người ta cũng tính được rằng, trong tương lai gần, dự kiến có 3Bậc Thông thuộc Tam Tạng sẽ vượt qua các kỳ thi viết với các nội dung về chú giải để đạt danh hiệu Bậc Thấu suốt Tam Tạng, kết thúc hành trình dài và đầy gian khổ này. Ngoài ra, có một số ứng viên còn lại cũng đã thông thuộc ít nhất một Tạng. Số vị Nhất Tạng hiện nay lên tới con số 114, Nhị Tạng là 13 người và Hai Tạng rưỡi là 5 người.

Đại thiền sư đồng thời là Ngài Tam Tạng Maha Thero Ariya Dhamma của Sri Lanka

chụp hình với tác giả bài viết tại Thiền viện Visudhi tại Singapore.

Do những nhân duyên đặc biệt, người viết bài này đã được gặp ngài Tam Tạng thứ 6 hai lần và được Ngài mời dùng cơm ở Myanmar. Người viết bài cũng đã được gặp gỡ các vị Tam Tạng thứ 4, thứ 10, thứ 11 của Myanmar và 2 vị Tam Tạng khác người Sri Lanka, trong đó có Ngài Ariya Dhamma, một vị Tam Tạng đồng thời là một thiền sư danh tiếng. Cảm nhận chung trong các cuộc gặp gỡ là tâm từ ái của các vị đã luôn tạo ra một trường năng lượng vô cùng an lành, mát mẻ cho môi trường ở xung quanh và sự thông suốt và uyên thâm về kiến thức khiến cho người nghe pháp cảm thấy vô cùng hoan hỉ và an lạc. Trong những lần gặp gỡ, các Ngài Tam Tạng cũng rất vui khi tìm hiểu những thông tin về Việt Nam và có vị còn thử học tiếng Việt. Những năm gần đây, gần như năm nào cũng có các vị Tam Tạng về Việt Nam để thuyết pháp, giúp cho tăng sĩ và Phật tử tăng trưởng đức tin vào Tam Bảo và động viên họ nỗ lực hơn trên con đường tu tập để hướng đến mục tiêu cao thượng: trải nghiệm cảnh giới bất tử Niết Bàn. Không chỉ tích cực tham gia vào việc truyền bá Phật pháp sau khi đạt được những danh vị cao quý này, những ngài Tam Tạng còn làm rất nhiều việc để đền ơn cho quê hương, thầy tổ và giúp đỡ cho Phật tử như: vận động xây đường xá, cầu cống, trường học, phòng khám chữa bệnh, bố thí máy phát điện, cúng dường tôn tượng và Phật thất,...

Ngài Tam Tạng thứ 6 Yesagyo Sayadaw chụp hình chung với Phật tử Việt Nam tại Myanmar.

Trong thời đại ngày nay, nhiều người sẽ đặt câu hỏi về sự khôn ngoan của việc tổ chức một kỳ thi dài và căng thẳng như vậy để chọn ra một vị Tam Tạng trong khi toàn bộ Đại Tạng kinh Pali đã được ghi trên lá cây, trên phiến đá, được in thành sách và trong cả những đĩa CD-Rom và rất khó có khả năng những văn bản Tipitaka sẽ biến mất khỏi thế giới này. Tuy nhiên, trên thực tế, việc so sánh giữa lưu trữ vật lý với lưu giữ bằng trí nhớ của con người là một điều hoàn toàn khập khiễng. Một người thuộc nằm lòng Tam Tạng có thể sử dụng những kiến thức của mình vào bất cứ lúc nào, với một thái độ đúng đắn và đầy trách nhiệm, truyền tải những thông điệp phù hợp với trình độ hiểu biết, hoàn cảnh tâm lý của người nghe, một điều mà không một phương tiện vô tri vô giác nào có thể thay thế được. Bên cạnh đó, những bậc thông suốt Tam Tạng cũng hiểu rõ Phật, luôn thẳng bước trên con đường chánh pháp và cống hiến không mệt mỏi để mang đến những lợi ích vô giá cho những người xung quanh. Chính vì thế, mục đích tối thượng của kỳ thi Tam Tạng chính là quảng bá rộng rãi những lời giáo huấn của Đức Phật, những lời dạy được coi là món quà cao quý nhất trên thế gian và chính là món quà Pháp bảo dưới dạng thức thuần khiết nhất.

Đàm Đức Anh (TP.HCM, ngày 20/07/2012)

Photo: Đức Anh.

(Từ Facebook)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét