Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

Nghệ thuật giao tiếp trong kinh điển Phật giáo (Chúc Phú)

novice

Chính phải đàm đạo mới biết được trí tuệ của một người, và phải trong một thời gian dài không thể khác được (1). Sự khẳng định của câu kinh vừa nêu đã đồng thời cho thấy, quá trình trao đổi thông tin giữa người với người mà thuật ngữ chuyên ngành hôm nay gọi là nghệ thuật giao tiếp, đã được ghi nhận và lưu tâm từ thời Đức Phật.

Với Phật giáo, việc giao tiếp giữa các cá nhân nhằm truyền đạt thông tin là điều rất mực quan trọng, nhất là những thông tin liên quan đến lộ trình khai phóng tâm linh và đoạn tận đau khổ.

Tầm quan trọng của nghệ thuật giao tiếp trong Phật giáo

Chân lý đã được Đức Phật thân chứng. Quá trình làm cho mọi người cùng nhận ra chân lý là khúc khải tấu nhiệm mầu của nghệ thuật giao tiếp, được Đức Phật và những đệ tử của Ngài thực hiện. Vì lẽ, giao tiếp là quá trình trao đổi thông tin giữa người với người nội hàm các yếu tố như người phát tin, người nhận tin, kênh truyền và bối cảnh… Ở đây, người phát tin có thể là Đức Phật, có thể là các Thánh Tăng thời Phật, có thể là nhà truyền giáo, có thể là vị giảng sư… cụ thể hơn, là những ai đang nỗ lực trong hoạt động hoằng pháp đều được xem là người truyền phát thông tintheo sự phân chia của ngành khoa học giao tiếp. Trong hoạt động hoằng pháp, đối tượng thính pháp chính là người nhận tin. Và lẽ dĩ nhiên, buổi thuyết giảng sẽ được diễn ra trong một không gian địa lý cụ thể nào đó (bối cảnh), với phương thức mặt đối mặt hoặc thông qua những phương tiện truyền thông khác như thuyết giảng từ xa hay qua băng đĩa, video (kênh truyền). Tựu trung, thuyết giảng giáo lý nói riêng hay hoằng pháp nói chung, thực chất là một quá trình giao tiếp theo nghĩa tích cực và thánh thiện.

Kể từ khi xuất hiện, Đức Phật thực sự là người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối 2. Gần năm mươi năm đi khắp lưu vực sông Hằng, hơn ai hết, Đức Phật đã gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều hạng người, đủ mọi giai tầng và phẩm loại. Trong tất cả mọi cuộc gặp gỡ và giao tiếp, Ngài đã “Với từ tâm, vì lợi tha và do lòng từ, Thế Tôn thuyết pháp”3 nhằm đem đến an lạc và giải thoát cho từng người. Đối tượng thì đa dạng, phức tạp và sai biệt, vì thế phương thức giao tiếp của Đức Phật cũng nhuần nhuyễn, uyển chuyển và tùy duyên. Sự thành công trong lãnh vực hoằng hóa của Đức Phật, đã đồng thời cho thấy Ngài là một bậc thầy vĩ đại trong nghệ thuật giao tiếp theo nghĩa hôm nay.

Đi theo con đường của Như Lai thì phải theo hạnh Như Lai. Thao thức đem giáo pháp vào đời là tâm nguyện của bất cứ ai dấn thân theo con đường mà Đức Phật đã khai mở. Phải dũng mãnh phát nguyện như Tỳ kheo Abhibhu khi đứng ở cõi trời Phạm Thiên:

Hãy đứng dậy, lên đường

Hãy dấn thân Phật giáo

Hãy đánh bại ma quân

Như voi phá chòi lá (4).

Muốn thực hiện tâm nguyện đó, phải đủ sức và đủ duyên, mà điều kiện cần ở đây là phải tương đối thành công trong nghệ thuật giao tiếp. Cần phải thấy rằng, nếu kham nhẫn là một đức tính đặc thù của nhà truyền giáo thì ở đây, nhuần nhuyễn trong nghệ thuật giao tiếp là một tố chất cần thiết, liên quan đến sự thành công của bất cứ một nhà hoằng pháp dù ở thời đại nào.

Trong lãnh vực sinh hoạt cộng đồng nói chung, lời nói là một trong những phương thức truyền đạt thông tin và tạo nên các mối liên hệ giữa con người với con người. Không có lời nói, không thể hình thành xã hội con người đúng nghĩa. Từ lịch sử phát triển của nhân loại cho thấy, một lời nói có thể hưng, vong cả một quốc gia, một triều đại hoặc liên quan đến sự thành, bại của một con người. Vì lẽ, lời nói là một trong ba trọng nghiệp căn bản trong dòng chảy sinh mạng của con người. Trọng nghiệp này thường được Đức Phật lặp lại nhiều lần trong kinh điển:

Phàm con người đã sanh

Sanh với búa trong miệng

Kẻ ngu khi nói bậy

Tự chặt đứt lấy thân (5). 

Phải ý thức rằng, tu tập là một quá trình chuyển hóa nghiệplực. Quán sát và làm chủ được hành vi giao tiếp thì ở một chừng mực nào đó nói lên sự tiến bộ, thăng hoa trên con đường tu tập của mỗi người.

Trong Phật giáo, kết quả của mọi nỗ lực tu tập nhằm đem đến an lạc, giải thoát cho mình và cho người. Thuần thục trong nghệ thuật giao tiếp là con đường tiệm cận dẫn đến lý tưởng vừa nêu. Đó cũng là điều để lý giải tại sao dù bất cứ ở đâu, nghệ thuật giao tiếp luôn được quan tâm và chú trọng.

Các thủ pháp trong phương thức giao tiếp

Để thành công trong giao tiếp thì phải có phương pháp. Phương pháp giao tiếp đã được Đức Phật nêu rõ trong nhiều kinh điển. Với những khái quát bước đầu cho thấy, trong kinh Sa Môn Quả (6), kinh Ví Dụ Cái Cưa, Tiểu Kinh Dụ Dấu Chân Voi (7) và kinh Lời Nói (8)đều đề cập và thống nhất về năm phương thức giao tiếp căn bản của con người nói chung và của một vị Tỳ kheo nói riêng. Năm phương thức giao tiếp đó là: Nói đúng thời, nói lời liên hệ đến lợi ích, nói đúng sự thật, nói lời nhu hòa, nói với lời từ tâm.

1. Nói đúng thời

Thời ở đây cần được hiểu là thời gian, không gian và cả tâm sinh lý của đối tượng vào thời điểm ấy. Thời gian và không gian là những yếu tố quan trọng trong lãnh vực giao tiếp. Có những lời nói thể hiện ở thời gian, không gian này thì phù hợp nhưng sẽ mất tác dụng và đôi khi gây ra những sự nguy hại nếu như xuất hiện ở lúc khác, trong bối cảnh khác. Theo ngành khoa học giao tiếp ngày nay, thời gian và địa điểm là những yếu tố có tác động rất lớn đến sự thành công của giao tiếp.

Đức Phật luôn nói đúng thời điểm. Thời điểm ở đây được hiểu là thời điểm của đối tượng cùng những thuộc tính và biến chuyển tâm lý. Cùng một chân lý, nhưng căn cứ vào nghiệp lực của từng đối tượng, trong bối cảnh không gian và ở những thời điểm phù hợp, mà Đức Phật có những cách triển khai chân lý khác nhau. Thủ pháp nói đúng thời điểm đã được Đức Phật vận dụng nhuần nhuyễn… Nơi đây, ta có thể đơn cử vài trường hợp mà Đức Phật đã tùy tâm trạng, thời điểm của mỗi người để có những bài thuyết giảng sinh động khác nhau như việc hóa độ nàng Kisa Gotami (9), kẻ điên cuồng Angulimala(10), Sa di La Hầu La(11) và rất nhiều trường hợp khác. Xem ra, khi lựa chọn thời điểm phù hợp, trong một không gian phù hợp, sẽ tạo nên những điều kiện tối ưu cho việc chuyển tải thông điệp từ người nói đến với người nghe. Yếu tố này rất mực quan trọng trong mọi mối quan hệ giao tiếp nói chung giữa người với người.

2. Nói lời liên hệ đến lợi ích

Lợi ích ở đây chính là lợi ích cho người nghe, liên hệ đến người nghe, vì người nghe mà nói. Như Lai là một vị nói lời liên hệ lợi ích cho chúng sanh (12). Theo kinh Thanh Tịnh, dù ở quá khứ, hiện tại hay vị lai, những pháp nào liên hệ sự chân thực và lợi ích, Như Lai sẽ trả lời. Như vậy, này Cunda, đối với các pháp quá khứ, vị lai, hiện tại, Như Lai là vị nói phải thời, nói chơn chánh, nói như thật, nói có lợi ích, nói đúng Pháp, nói đúng Luật. Do vậy mới gọi là Như Lai(13). Có thể xem tôn chỉ vì lợi ích người nghe mà nói là một dấu hiệu đặc thù trong nguyên tắc giao tiếp của Phật giáo.

Ở đây, trong giao tiếp thường tình, đôi khi người ta muốn nói cho sướng miệng, nói cho vơi đi sự bực bội trong lòng, nói với sự huênh hoang khoác lác, nói nhằm thỏa mãn tự ngã cá nhân… mà không chú ý đến thái độ của người nghe và những người không muốn nghe. Điều này ta có thể bắt gặp trong giao tế đời thường, trong những cuộc vui gặp mặt, trong những buổi diễn thuyết và thậm chí ngay cả trong những giảng đường, lớp học. Cần phải thấy rằng, một khi nội dung buổi nói chuyện không liên hệ đến lợi ích của thính chúng thì sẽ tạo nên một sự uể oải, rã rời cho cả người nói lẫn người nghe. Xét trên phương diện hiệu quả, đó là những kiểu nói không liên hệ đến lợi ích của người nghe.

3 Nói đúng sự thật

Giao tiếp nhằm truyền đạt thông tin cho người. Với Phật giáo, tính xác thực của thông tin là điều bắt buộc trong nguyên tắc giao tiếp. Các bậc Thế Tôn không bao giờ nói lời hư vọng (14). Đó là sự khẳng định rõ ràng nguyên tắc nói đúng sự thật trong giao tiếp. Hơn thế nữa, Thế Tôn nói gì thì làm vậy, làm gì thời nói vậy, một vị nói gì thì làm vậy, làm gì thì nói vậy, thành tựu các pháp và tùy pháp như vậy, chúng ta thật khó tìm thấy trong quá khứ, cũng như trong hiện tại, trừ Thế Tôn (15).

Thông thường trong giao tiếp, vì nhiều lý do khác nhau như vì sợ hãi, vì nguy hiểm, vì danh dự, vì lợi dưỡng, vì tế nhị, vì đùa chơi… nên đôi khi người ta không nói đúng sự thật, và đây là một trong những thói quen xấu của con người nói chung. Trong một vài trường hợp đặc biệt, việc nói dối không nhằm vào bất cứ mục đích gì, vì thói quen nói dối chỉ là dư tàn từ tập khí xa xưa. Để ngăn ngừa tập khí không tốt đó, Đức Phật đã mạnh dạn tuyên bố: Ta quyết không nói láo, dầu nói để mà chơi (16). Học theo hạnh Thế Tôn, ở đây, hạng người nói đúng sự thật thì sẽ không vì mình hay vì người, hay vì một vài lợi vật nhỏ mà đã cố ý nói láo. Người như vậy, này các Tỳ kheo, được gọi là người nói như hoa(17).

Trên phương diện thâm sâu, đôi khi nhằm bảo vệ tự ngã và sở dục của mình mà con người đã không nói đúng sự thật khi giao tiếp và đây là cửa ngõ tạo ra những đau khổ cho mình và cho người. Chính vì điều này, Đức Phật đã cẩn trọng khuyến hóa: Dầu cho vì quả đất đầy những vàng... Dầu cho vì mọi lợi ích vật chất... Dầu cho vì mạng sống... Dầu cho vì người mỹ nhân địa phương, vị ấy cũng không cố ý nói láo (18).

Đạo Phật là đạo như thật và tôn trọng sự thật, vì sự thật chính là chân lý. Nói đúng sự thật là sự khởi đầu để bước đến chân lý. Trên phương diện đời sống nhân sinh, việc nói đúng sự thật góp phần tạo nên một sự tin tưởng lẫn nhau ở tất cả mọi người. Và khi con người sống trong sự tin tưởng lẫn nhau, thì đó là dấu hiệu của một đời sống hạnh phúc thực sự.

Trên phương diện xuất thế, với những bậc có tâm hành vĩ đại, việc tôn trọng sự thật trong phương thức giao tiếp đã được tuân thủ một cách tuyệt đối, cho dù nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng: Dầu ai là kẻ thù của ta. Ðối với họ, ta không có gian trá (19). Trên lộ trình của một người học Phật, trong giao tiếp cần phải thực hiện theo phương châm:Thấy nói thấy, nghe nói nghe, cảm giác nói cảm giác, thức tri nói thức tri (20). Đây là nguyên tắc nói đúng sự thật cần phải tuân thủ khi giao tiếp với người.

4. Nói lời nhu hòa

Cùng biểu đạt một sự kiện, con người có thể vận dụng nhiều cách thức truyền đạt khác nhau. Có những cách nói dễ dàng đi vào lòng người nhưng đồng thời cũng có những cách nói làm cho người nghe bực bội, khó chịu. Một người khéo léo trong giao tiếp theo quy chuẩn Phật giáo thì trong ngôn hành, vị ấy nói những lời nhẹ nhàng, thuận tại, dễ thương, thông cảm đến tâm, tao nhã, đẹp lòng nhiều người, vui lòng nhiều người (21). Trong bốn phương pháp nhiếp hóa, thu phục lòng người thì lời nói nhẹ nhàng, dễ nghe, nhu nhuyến, mà kinh văn gọi là ái ngữ (22) đóng một vai trò quan trọng. Cần phải thấy rằng, bản chất của con người muốn nghe những điều thích ý, nhẹ nhàng. Ngay như các con vật nuôi trong nhà, ở một chừng mực nào đó cũng cảm nhận được những lời nói nhẹ nhàng, dễ nghe. Khi nói lời dễ nghe, nội dung thông tin được chuyển đến người nghe gần như trọn vẹn.

Trong liên hệ đời sống, với những va chạm từ nhiều phía, mà vẫn giữ được phong vị từ hòa trong ngôn ngữ, là dấu hiệu chứng tỏ cho một sự vững chãi, trưởng thành của một con người. Điều này, không phải ai cũng thực hiện được, thậm chí ngay cả người xuất gia. Cho nên kinh văn đã khẳng định: Khi nào Tỳ kheo bị những lời nói bất khả ý, xúc phạm mà vị ấy vẫn hết sức hiền lành, hết sức nhu thuận, hết sức ôn hòa, khi ấy vị ấy mới được xem là hiền lành, mới được xem là nhu thuận, mới được xem là ôn hòa (23). Sự khẳng định đó một lần nữa cho thấy rằng, cần phải giám sát ngôn hành thật kỹ lưỡng trong mọi liên hệ va chạm với thực tế đời sống, mới có thể thực hiện được trọn vẹn hạnh nói lời nhu hòa.

Cũng cần phải nói thêm rằng, nói lời nhu hòa, dễ nghe không hẳn biểu hiện cho tính yếu đuối, thiếu khẳng định. Khẳng định hay phủ định, nghe hoặc không nghe không liên quan nhiều đến tính chất nhẹ nhàng, ôn hòa trong lời nói. Mặc dù vậy, trong những trường hợp cần thiết, với những đối tượng cần thiết, việc nhấn mạnh ngữ điệu trong ngôn ngữ trình bày, như chuyện chàng thanh niên Ambattha, cũng được Đức Phật cân nhắc vận dụng (24).

5. Nói với từ tâm

Ta sẽ thuyết vì lòng từ mẫn (25), đó là sự khẳng định rõ ràng và dứt khoát về mục tiêu thuyết pháp nói riêng và giao tiếp của Phật giáo nói chung. Vì lẽ, nền tảng của đạo Phật được xây dựng trên hai cột trụ lớn, đó là đại trí và đại bi. Tất cả mọi pháp hành của Phật giáo về cơ bản đều quy hướng về hai cột trụ này. Ở đây, đại bi là tình thương yêu không hạn lượng và giao tiếp với tâm từ mẫn là sự biểu hiện sinh động cho lòng đại bi.

Trên phương diện tự thân, lời nói có một sức mạnh nội tại, gắn kết với tâm lực và toan tính của người nói. Lời tuyên bố hùng hồn của nhà luận chiến Niganthaputta Saccaka được ghi lại trong kinh Trung Bộ không hẳn là lời khoác lác, nói đùa: Khi đối thoại với ta, không ai là không run sợ, không hoảng sợ, không khiếp sợ, không ai là không toát mồ hôi nách. Dầu ta có đối thoại với một cột trụ vô tình, cột trụ ấy khi đối thoại với ta cũng run sợ, cũng hoảng sợ, cũng khiếp sợ, huống nữa là một người thường (26).Tuy nhiên, khi diện kiến Đức Phật, với ngôn ngữ từ hòa và cách thức trình bày khéo léo, Đức Phật đã thuận thứ thuyết giảng, khiến cho Niganthaputta Saccaka quy phục và dâng lời sám hối: Tôn giả Gotama, rất có thể còn có sự an toàn cho một người chiến đấu với con rắn độc dữ tợn, nhưng không thể có sự an toàn cho một người chiến đấu với Tôn giả Gotama! Tôn giả Gotama, chúng tôi thật lỗ mãng, chúng tôi thật là khinh suất(27). Câu chuyện vừa nêu phần nào cho thấy lời nói với từ tâm có sức mạnh chuyển hóa vô bờ.

Sống trong đời thì phải giao tiếp với đủ hạng người. Khi giao tiếp, để giữ được tâm từ mẫn, lời nói chan chứa thương yêu là điều không phải dễ dàng thực hiện. Nói rõ hơn, khi gặp phải những chướng duyên, thử thách, dù đó là những thử thách liên quan đến sự chịu đựng tột cùng thể xác, người đệ tử Phật không để sân tâm khởi lên, thể hiện qua ác ngữ. Hình ảnh một người dù bị kẻ đạo tặc dùng cưa cưa tay, chân nhưng vẫn không thốt lên một lời ác ngữ và vẫn giữ được nội tâm bình ổn, từ hòa là điều được Đức Phật tán thán trong kinh (28). Có thể đó chỉ là ẩn dụ lý tưởng, về sự kham nhẫn và giám sát ngôn hành của bậc Thánh, nhưng qua đó có thể thấy được, nói với từ tâm là thủ pháp giao tiếp cần được vận dụng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Tính khả dụng của ngôn từ trong giao tiếp

Việc sử dụng nhuần nhuyễn các tính chất, mức độ, cường độ, âm vực… của lời nói có ảnh hưởng quan trọng đến quá trình giao tiếp. Chẳng hạn, mặc dù nói lời ái ngữ, nói đúng thời điểm, nói đúng sự thật… nhưng chất giọng thì rền rĩ, bập bẹ, ngọng nghịu khó nghe… cũng ảnh hướng khá nhiều đến hiệu quả giao tiếp. Căn cứ vào kinh Sa Môn Quả(29), kinh Brahmayu (30), kinh Xà-ni-sa (31), kinh Vừa Đủ (32) thì ngôn từ lý tưởng được sử dụng trong giao tiếp, phải hội đủ nhiều tính chất tốt đẹp mà kinh điển thường dùng mỹ từ Phạm âm, tức là tiếng nói của Phạm Thiên,để biểu thị cho các tính chất đó. Theo kinh văn, Phạm âm bao gồm tám yếu tố (33). Tiếng nói của Đức Thế Tôn cũng bao hàm đầy đủ tám yếu tố này (34). Ở đây, chúng tôi chỉ giới thiệu khái quát về hai yếu cố cơ bản, tổng hợp từ các kinh vừa nêu: 1. Nói rõ ràng, dễ hiểu, tao nhã và phân minh; 2. Nói lưu loát, mạch lạc và có hệ thống.

1 Nói rõ ràng, dễ hiểu, tao nhã và phân minh

Giọng nói rõ ràng, dễ hiểu, tao nhã và phân minh là những lợi thế của người truyền đạt thông tin khi giao tiếp. Theo kinh văn, giọng nói dễ nghe, phát âm tốt, lời nói tao nhã, phân minh, phát ngôn không bập bẹ (35), là những điều kiện cơ bản thuận lợi cho việc giao tiếp. Khi nói rõ ràng, thì người nghe dễ dàng thấu đạt nội dung và không bị nhầm lẫn. Ở đây, yếu tố chất giọng, phương ngữ, cách thức ngắt câu, mức độ nhả chữ… là những lưu ý quan trọng. Vì lẽ, khi giọng nói trong trẻo, thanh tao, người nghe sẽ thích thú đón nhận và đó là một lợi thế trong việc giao tiếp. Kinh văn thường dùng ẩn dụ giọng nói dịu ngọt như tiếng chim Karavika (Ca-lăng-tần-già) (36) thì luôn được người nghe hân hoan đón nhận.

Bên cạnh đó, thính chúng ở mỗi khu vực thường sử dụng một phương ngữ nhất định trong giao tiếp. Kinh văn thường mô tả là mỗi cảnh giới, mỗi quốc độ có những ngôn ngữ khác nhau. Vận dụng nhuần nhuyễn phương ngữ khi giao tiếp cũng là một yếu tố đem đến sự thành công. Nôm na hơn, có thể hiểu, tùy theo mỗi vùng miền, quốc gia, trú xứ… để giao tiếp thuận lợi, cần phải am tường ngôn ngữ của khu vực đó. Ở đây, trong nhiều quốc độ, người ta biết những chữ Pati... Patta... Vittha... Sarava... Dharopa... Pona... Pisila... Như vậy, như họ biết trong các quốc độ ấy, những chữ là như vậy, như vậy, một người không chấp thủ mà giải thích: “Các vị ấy y cứ như thế này, giải thích như vậy”. Như vậy, này các Tỳ kheo, là không chấp trước địa phương ngữ, không đi quá xa ngôn ngữ thường dùng (37).Nói một cách cụ thể, thông hiểu nhiều ngôn ngữ là yếu tố thành công trong nghệ thuật giao tiếp.

Một điều cần lưu ý, để việc truyền đạt thông tin rõ ràng, dễ hiểu thì cách thức ngắt câu, mức độ nhả chữ… nói theo ngành khoa học giao tiếp ngày nay thì yếu tố âm thanh và cường độ giọng nói, là những lưu ý quan trọng. Kinh văn thường nêu rõ, khi giao tiếp thì nên nói chậm rãi, nhả chữ chắc chắn, không được nói hấp tấp, vội vàng. Vì, nếu nói vội vàng, thời thân mệt mỏi, tâm bị tổn hại, tiếng bị tổn hại và cổ họng bị đau. Lời nói một người vội vàng không được rõ ràng và không được nhận hiểu (38). Đây là một lưu ý quan trọng, không những liên quan đến việc bảo hộ sức khỏe dựa trên cơ sở y khoa, mà còn liên quan đến tư chất cũng như sự định tĩnh của một con người.

2 Nói lưu loát, mạch lạc và có hệ thống

Giao tiếp phải lưu loát, mạch lạc và có hệ thống. Các yếu tố này góp phần làm tăng tính hấp dẫn của câu chuyện, tạo sự tập trung lắng nghe và hướng thính chúng vào trọng tâm của vấn đề mình muốn trình bày. Có mạch lạc hệ thống(39), là nguyên tắc giao tiếp lý tưởng của một vị Tỳ kheo theo Kinh Sa Môn Quả. Cùng một vấn đề, nhưng được trình bày lưu loát thì sẽ đem đến một hiệu ứng và kết quả tối ưu cho người nghe. Cụ thể hơn, tính logic nội tại tạo nên sự mạch lạc, lưu loát của vấn đề được trình bày. Muốn nói lưu loát, mạch lạc, có hệ thống thì phải hội tụ nhiều điều kiện và vận dụng nhuần nhuyễn nhiều phương pháp. Trong những pháp thức căn bản, thì khả năng ghi nhớ và khả năng lý luận là những pháp thức nền tảng.

Cần phải thấy, muốn trình bày lưu loát thì phải nắm vững vấn đề mình muốn trình bày. Nói cách khác, phải có tri thức ghi nhớ. Trong điều kiện của xã hội thời xưa, khả năng ghi nhớ, nắm giữ, là tài sản thiêng liêng, cao cả. Kinh gọi đó làvăn tài. Theo kinh văn, vị Thánh đệ tử nghe nhiều, gìn giữ những gì đã nghe, chất chứa những gì đã nghe,… đã ghi nhớ tụng đọc nhiều lần, chuyên ý quán sát, khéo thành tựu nhờ chánh kiến. Này các Tỳ kheo, đây gọi là văn tài (40).

Trong điều kiện phương tiện lưu giữ tri thức còn thô sơ như xã hội thời xưa, yếu tố lắng nghe chăm chú và lãnh hội tri thức luôn được quan tâm, chú trọng. Nghe và tác ý ghi nhớ là điều kiện tối cần để có tri thức, đó là điều được khẳng định nhiều lần trong kinh điển. Cũng chính bởi điều này màkinh Tăng Chi phân biệt có ba hạng trí tuệ trên đời: trí tuệ lộn ngược, trí tuệ bắp vế và trí tuệ rộng lớn (41). Ở đây, hạng người nghe mà không chú ý, như cái ghè lộn ngược thì chẳng chứa đựng được gì; hạng thứ hai tuy có chú ý lắng nghe, nhưng khi đứng dậy là quên mất, như bỏ đồ trên bắp vế, khi đứng dậy thì đồ vật rơi tứ tung và hạng cuối cùng, nghe và lãnh hội đầy đủ được gọi là hạng trí tuệ rộng lớn. Do vậy, khao khát lắng nghe để có tri thức với con người thời xưa trở thành một khao khát cháy bỏng. Lời sẻ chia của một cư sĩ được ghi lại trong kinh đủ chứng minh được điều này: Bạch Thế Tôn, con cảm thấy không bao giờ vừa đủ được nghe diệu pháp, con chết con vẫn còn ân hận luyến tiếc (42).

Từ việc nghe nhiều, thuộc lòng, nắm vững tri thức… dẫn đến việc nói năng lưu loát, mạch lạc là điều không xa. Cũng bởi lý do này, nên Tôn giả Ananda, được xem là người đa văn đệ nhất. Ananda là bậc đa văn, gìn giữ điều đã nghe, tích tụ điều đã nghe… những pháp ấy được vị ấy nghe nhiều và gìn giữ kỹ, được lặp lại lớn tiếng, được ý tư duy, được tri kiến khéo quán sát. Vị ấy thuyết pháp cho bốn hội chúng, với văn cú viên dung lưu loát (43). Trên một tầm mức khác, với một tôn giáo tôn trọng trí tuệ và xem trí tuệ là hàng đầu như Phật giáo, thì việc không nghe, không hỏi là chướng ngại cho trí tuệ (44). Khẳng định đó cho thấy việc lắng nghe và cật vấn cũng là những yếu tố rất mực quan trọng cho trí tuệ nói chung và vấn đề giao tiếp nói riêng.

Về phương diện lý luận, cật vấn, theo kinh Phúng Tụng, thuộckinh Trường bộ, tập 2, và kinh Tăng chi, chương Bốn Pháp, phẩm Bánh Xe, kinh Các câu hỏi, thì có bốn pháp thức trả lời câu hỏi: Trả lời câu hỏi một cách dứt khoát, trả lời câu hỏi bằng cách phân tích, trả lời câu hỏi bằng cách cật vấn, trả lời câu hỏi bằng cách giả lơ, bỏ qua (45). Theo sự phân định của kinh văn, tùy tình hình và tùy đối tượng cụ thể để có thể lựa chọn một cách thức trả lời thích hợp. Suy luận thấu đáo về cách thức trả lời của từng vấn đề, nói rõ hơn là nắm vững phương thức lý luận, là một trong những tiền đề tạo nên tính mạch lạc và hệ thống.

Yếu tố phi ngôn ngữ trong quá trình giao tiếp

Theo ngành khoa học giao tiếp, yếu tố phi ngôn ngữ có một vai trò quan trọng trong giao tiếp. Vì lẽ khi giao tiếp thì khoảng lặng, nét mặt, nụ cười, ánh mắt, điệu bộ cử chỉ… có ảnh hưởng rất lớn đến sự thành công. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lời nói, điệu bộ tạo nên tính hấp dẫn của vấn đề và dễ dàng đưa người nghe tiếp cận chân lý.

Với Đức Phật, không phải ai hỏi gì Ngài cũng trả lời. Đôi khi, sự im lặng của Ngài đã là một bài pháp vô ngôn, có khả năng đưa người thấu đạt chân lý. Với người thường tình, im lặng chưa phải là giải pháp tối ưu trong tương quan giao tiếp. Với Đức Phật, sự vận dụng yếu tố phi ngôn ngữ này được phát hiện rải rác trong kinh. Kinh Brahmayu (46) đề cập rất mực chi tiết oai nghi của Đức Thế Tôn trong cuộc sống hàng ngày, từ việc nhỏ nhất như ăn cơm, rửa bát, đến việc thuyết pháp cho thính chúng sau khi thọ trai xong. Từ kinh văn có thể thấy rõ, mỗi việc của Đức Phật đều là những bài pháp không lời có khả năng thức tỉnh những ai có duyên thân cận. Khảo sát các tác phẩm về Đồ tượng họctrong Đại Tạng kinh Bắc truyền, ngay như hình tượng các thủ ấn (mudra) của Đức Phật, đã là yếu tố phi ngôn ngữ, nhưng có sự tác động rất lớn vào tâm thức nhiều người.

Một trong những yếu tố phi ngôn ngữ đầu tiên trong giao tiếp là ánh mắt. Ánh mắt của một người đôi khi có thể bộc lộ rõ ràng tâm trạng người đó. Ở một số giống loài không có ngôn ngữ, giao tiếp bằng ánh mắt được xem là một trong những kênh thông tin. Với loài người, trong khi giao tiếp, ánh mắt chuyển tải nhiều thông tin quan trọng về người nói cũng như về nội dung trình bày. Từ thực tế có thể thấy, có những ánh mắt tràn ngập thương yêu nhưng cũng có những ánh mắt tạo nên một sự khó chịu, bực bội, phản cảm cho người nghe. Bài học về cách nhìn từ Đức Phật luôn có ý nghĩa vượt thời gian: 

Không ngó liếc, ngó xiên

Và cũng không ngó trộm

Nhưng với tâm chánh trực

Rộng mở và cao thượng

Ngài nhìn khắp đại chúng (47). 

Với đại chúng đông đảo thì nhìn khắp, nhưng với giao tiếp đơn lẻ thì cần phải nhìn thẳng vào họ, như câu chuyện nhìn thẳng vào mắt chàng thanh niên Bà-la-môn Kapathika (48).

Với Đức Thế Tôn, trong khi thuyết giảng ở những pháp hội đông người, do đồ chúng đã thuần thục, tịnh tín, thế nên Ngài không vận dụng quá nhiều thân hành mà ở đây tạm hiểu là cử chỉ, điệu bộ trong khi thuyết giảng. Trong những nỗ lực khảo sát kinh tạng hiện có, chúng tôi vẫn chưa phát hiện Thế Tôn bộc lộ những điệu bộ hay cử chỉ khi thuyết giảng. Thoảng rất ít, ngài chỉ giơ tay chỉ vào một ai đó hoặc dùng tay minh họa một điều gì trong những bài thuyết giảng, nhằm vào một đối tượng cụ thể, trong một không gian cụ thể (49). Theo quan kiến của riêng chúng tôi, trong một chừng mực nào đó, phải chăng khi thuyết giảng đòi hỏi phải có một sự trang nghiêm về thân hành? Hoặc cũng có thể, phải chăng do nghiệp cảm của hội chúng thời Phật nhẹ nhàng nên Đức Thế Tôn không cần vận dụng quá nhiều thân hành nhằm minh họa cho buổi thuyết giảng? Phải chăng, chính yếu tố thân hành, cử chỉ, điệu bộ tạo nên sự khác biệt, giữa một buổi thuyết giảng giáo pháp của Đức Phật và một buổi diễn thuyết về các vấn đề thời sự trong nhân gian?

Trong khi đó, ngành khoa học giao tiếp thời nay vẫn xem yếu tố cử chỉ, điệu bộ có một ảnh hưởng không nhỏ trong quá trình giao tiếp. Vì thực tế chứng tỏ rằng, khi nói năng, điệu bộ và cử chỉ có tính bổ trợ cho vấn đề trình bày. Thử tưởng tượng, khi nói mà tay, thân xuội lơ, tất sẽ tạo nên một cảm giác thiếu phấn chấn cho cả người nói và người nghe. Các vị diễn giả thời nay hầu hết đều vận dụng nhuần nhuyễn yếu tố này trong những buổi diễn thuyết. Ngay như trong truyền thống sinh hoạt của các tu sĩ Phật giáo Tây Tạng, ngôn ngữ cử chỉ và điệu bộ cũng được tích cực vận dụng trong những cuộc tranh biện Phật pháp. Thậm chí, như Đức Đạt lai Lạt ma thứ 14 hiện tại, ngài cũng rất tự tại và hoan hỷ khi sử dụng yếu tố cử chỉ và điệu bộ, thậm chí trong những buổi thuyết giảng nơi đông người.

Từ hai lý do vừa trình bày, có thể cho thấy yếu tố phi ngôn ngữ cũng cần được vận dụng trong quá trình giao tiếp. Vấn đề là vận dụng yếu tố đó làm sao đừng để tạo nên một sự phản cảm trong giao thức văn hóa cộng đồng. Ở đây, trong giao tiếp phi ngôn ngữ, điều cần nhất là phải tạo nên một sự tương ứng với hoàn cảnh và hội chúng, nhằm đem đến một hiệu quả tối ưu trong giao tiếp với một người hay nhiều người.

Tạm kết

Giao tiếp là nhu cầu căn bản của con người, nhằm duy trì hoạt động sống ở nghĩa rộng nhất, thể hiện qua sự trao đổi thông tin giữa người với người. Có giao tiếp, con người sẽ từng bước kiện toàn những phẩm chất sống theo thú hướng nghiệp lực riêng mình. Giao tiếp không chỉ giới hạn trong lời nói, ngôn ngữ, chữ viết, mà còn thể hiện dưới những dạng thức khác nhau như ánh mắt, hình ảnh, âm thanh… Quá trình giao tiếp đạt đến trình độ nghệ thuật, đó là sự chuyển đạt và bảo lưu trọn vẹn thông tin từ người nói cho đến người nghe, là sự tổng hòa và phối hợp nhuần nhuyễn giữa các thủ pháp giao tiếp cùng các tính chất đặc thù của ngôn ngữ. Với người xuất gia, giao tiếp ở nghĩa rộng được hiểu là sứ mạng hoằng hóa độ sanh. Trong bất cứ ý nghĩa nào, người xuất gia có hai việc cần phải tư lượng khi giao tiếp: Nói pháp hay giữ im lặng của bậc Thánh(50). n

(1) Kinh Tương ưng, tập 1, phẩm thứ hai, kinhBện tóc; Nội dung tương tự cũng xuất hiện trongkinh tiểu bộ, kinhPhật tự thuyết (Udana), chương 6, phẩm Sanh ra đã mù, Ud. 64.

(2) Kinh Trường bộ, kinh Đại bát Niết bàn.

(3) Kinh Trung bộ, tập 3, kinh số 103, kinh Nghĩ như thế nào.

(4) Kinh Tương ưng, tập 1, chương 6, Tương ưng Phạm thiên, phẩm thứ hai, Arunavàti.

(5) Kinh Tương ưng, tập 1, chương 6, Tương ưng Phạm thiên, phẩm thứ nhất, Tudubrahmà;Nội dung tương tự cũng xuất hiện trongkinh Tiểu bộ, kinh Tập, chương 3, Đại phẩm, kinh Kokaliya, câu 657.

(6) Kinh Trường bộ, tập 1, kinh Sa môn quả.

(7) Kinh Trung Bộ, tập 1. Kinh Ví Dụ Cái Cưa; Tiểu kinh Dụ Dấu Chân Voi.

(8) Kinh Tăng chi, chương Năm pháp, phẩm Bà La Môn, kinh Lời Nói.

(9) Kinh Tiểu bộ, tập 3, Trưởng lão Ni kệ, phẩm 10, tập 10 kệ, Kisa Gotami, Theri 143.

(10) Kinh Trung bộ, tập 2, kinh Angulimala.

(11) Kinh Trung bộ, tập 2, kinh Giáo Giới La Hầu La Ở Rừng Ambala.

(12) Kinh Trường bộ, tập 1, kinh Tướng.

(13) Kinh Trường bộ, tập 2, kinh Thanh tịnh.

(14) Kinh Trường bộ, tập 1, kinh Đại bát Niết bàn.

(15) Kinh Trường bộ, tập 2, kinh Đại điển tôn.

(16) Kinh Trung bộ, tập 2, kinh Giáo giới La Hầu La ở rừng Ambala.

(17) Kinh Tăng chi, chương Ba pháp, phẩm Người, kinh Nói như hoa.

(18) Kinh Tương ưng, tập 2,Chương Sáu, Tương ưng lợi đắc cung kính, Phẩm thứ Hai, kinh Từ một đồng tiền vàng cho đến người mỹ nhân địa phương.

(19) Kinh Tương ưng, tập 1 Chương 11, Tương ưng Sakka, phẩm thứ nhất,Không Gian Trá.

(20) Kinh Tăng chi, chương Bốn pháp, phẩm Sợ hãi phạm tội, kinh Cách Thức Nói.

(21) Kinh Trung Bộ, tập 1, Tiểu kinh Dụ Dấu chân voi.

(22) Kinh Trường Bộ, tập 2, kinh Phúng tụng; kinh Tăng chi, chương Bốn pháp, phẩm Thắng trí, kinh Nhiếp pháp.

(23) Kinh Trung bộ, tập 1, kinh Ví dụ cái cưa.

(24) Kinh Trường bộ, tập 1, kinh Ambattha.

(25) Kinh Tăng chi, chương Năm pháp, phẩm Diệu pháp, kinh Tôn Giả Udayi.

(26) Kinh Trung bộ, tập 1, Tiểu kinh Saccaka.

(27) Kinh đã dẫn.

(28) Kinh Trung bộ, tập 1, kinh Ví dụ cái cưa.

(29) Kinh Trường bộ, tập 1, kinh Sa môn quả.

(30) Kinh Trung bộ, tập 2, kinh Brahmayu.

(31) Kinh Trường bộ, tập 2, kinh Xà ni sa.

(32) Kinh Tăng Chi, chương Tám pháp, phẩm Đất rung động, kinh Vừa đủ.

(33) Kinh Trường bộ, tập 2, kinh Xà ni sa. Tám yếu tố bao gồm: lưu loát, dễ hiểu, dịu ngọt, nghe rõ ràng, sung mãn, phân minh, thâm sâu và vang động.

(34) Kinh Trung bộ, tập 2, kinh Brahmayu. Tiếng nói thoát ra từ miệng Tôn giả Gotama có tám đức tánh: lưu loát, dễ hiểu, dịu ngọt, nghe rõ ràng, sung mãn, phân minh, thâm sâu và vang động.

(35) Kinh Tăng chi, chương Tám pháp, phẩm Đất rung động, kinh Vừa Đủ.

(36) Kinh Trường bộ, tập 1, kinh Tướng.

(37) Kinh Trung bộ, tập 3, kinh Vô tránh phân biệt.

(38) Kinh đã dẫn.

(39) Kinh Trường bộ, tập 1, kinh Sa Môn Quả.

(40) Kinh Tăng chi, chương Bảy pháp, phẩm tài sản, kinh Tài sản rộng thuyết.

(41) Kinh Tăng chi, chương Ba pháp, phẩm Người, kinh Lộn Ngược.

(42) Kinh Tăng chi, chương Ba pháp, phẩm Kusinara, kinh Hathaka.

(43) Kinh Trung bộ, tập 1, Đại kinh Rừng sừng bò.

(44) Kinh Tăng chi, chương Mười pháp, phẩm Ước nguyện, kinh Khả lạc.

(45) Kinh Trường bộ, tập 2, kinh Phúng tụng.

(46) Kinh Trung bộ, tập 2, kinh Brahmayu.

(47) Kinh Trường bộ, tập 1, kinh Tướng.

(48) Kinh Trung bộ, tập 2, kinh Canki.

(49) Kinh Trung bộ, tập 2, kinh Giáo Giới La Hầu La Ở Rừng Ambala.

(50) Kinh Tiểu bộ, kinh Phật tự thuyết, Udana, chương 3, phẩm Nanda.

Theo: Nguyệt san Giác Ngộ 191

Thứ Tư, 15 tháng 2, 2012

Ðại Hội Kết Tập Kinh Ðiển Lần Thứ Hai

a) Nguyên nhân:

Do sự bất đồng 10 điều giới luật giữa nhóm Tỳ khưu Vajjiputta và Ngài Yassakālaṇḍaputta.

Nhóm Tỳ khưu ở Vesāli hành trì 10 điều học[1] phi pháp quá lâu nên dân làng xứ Vajji cũng đã quen với nếp sống của chư vị ở đây. Thường xuyên họ đem vàng bạc châu báu cúng dường cho chư vị và họ suy nghĩ đây là sự cúng dường đúng pháp và giới luật. Không may, một hôm nọ Ngài Yassa, một vị Thánh Tăng, từ Kosambī đi đến Vesāli, tình cờ chứng kiến cảnh chư Tỳ khưu nhóm Vajjiputta tự do nhận vàng bạc từ sự cúng dường của chư thiện nam tín nữ. Ngài khiển trách thiện tín và khuyên chư tăng không nên thọ dụng vàng bạc như vậy, điều đó sẽ không đúng với luật pháp của Ðức Phật, nhưng họ không nghe lời dạy của Ngài Yassa. Sau khi thọ dụng vàng bạc xong, họ phân chia với nhau theo hạ lạp, và lẽ cố nhiên họ cũng đem đến cúng dường Ngài Yassa một phần, nhưng Ngài không nhận mà còn khiển trách việc làm của các vị một lần nữa.

Nhóm Tỳ khưu Vajjiputta thấy thái độ của Ngài Yassa làm như vậy quá đáng nên họp chư tăng lại tuyên ngôn xử phạt Ngài Yassa theo Patisāranīyakamma, nghĩa là bắt Ngài Yassa phải đi xin lỗi việc làm của Ngài xúc phạm đến niềm tin của cư sĩ; và lúc Ngài đi xin lỗi phải có Tỳ khưu đại diện của phái họ đi theo để làm chứng. Trước áp lực đa số hơn thiểu số, nên Ngài đành phải đi xin lỗi từng nhà. Tuy nhiên Ngài vừa xin lỗi vừa giải thích giới luật của Chư Tăng cho các cư sĩ hiểu. Ngài xác định với họ rằng việc làm của nhóm Tỳ khưu Vajjiputta là hoàn toàn không đúng với tinh thần giới luật của Ðức Phật. Ngài lập lại câu Phật ngôn cho các cư sĩ nghe:

Này các tỳ khưu, đây là bốn vật làm ô nhiễm đối với mặt trăng và mặt trời. Khi bị ô nhiễm bởi những vật làm ô nhiễm này, mặt trăng và mặt trời không còn cháy sáng, không còn rực rỡ, không còn chói lọi. Bốn vật ấy là gì?

Này các tỳ khưu, mây là vật làm ô nhiễm đối với mặt trăng và mặt trời. Khi bị ô nhiễm bởi vật làm ô nhiễm này, mặt trăng và mặt trời không còn cháy sáng, không còn rực rỡ, không còn chói lọi.

Này các tỳ khưu, sương mù là vật làm ô nhiễm đối với mặt trăng và mặt trời. Khi bị ô nhiễm bởi vật làm ô nhiễm này, mặt trăng và mặt trời không còn cháy sáng, không còn rực rỡ, không còn chói lọi.

Này các tỳ khưu, khói bụi là vật làm ô nhiễm đối với mặt trăng và mặt trời. Khi bị ô nhiễm bởi vật làm ô nhiễm này, mặt trăng và mặt trời không còn cháy sáng, không còn rực rỡ, không còn chói lọi.

Này các tỳ khưu, Rāhu chúa loài Asura (hiện tượng nguyệt và nhật thực) là vật làm ô nhiễm đối với mặt trăng và mặt trời. Khi bị ô nhiễm bởi vật làm ô nhiễm này, mặt trăng và mặt trời không còn cháy sáng, không còn rực rỡ, không còn chói lọi.

Này các tỳ khưu, đây là bốn vật làm ô nhiễm đối với mặt trăng và mặt trời. Khi bị ô nhiễm bởi những vật làm ô nhiễm này, mặt trăng và mặt trời không còn cháy sáng, không còn rực rỡ, không còn chói lọi.

Này các tỳ khưu, cũng tương tợ như vậy đây là bốn vật làm ô nhiễm đối với sa-môn và Bà-la-môn. Khi bị ô nhiễm bởi những điều làm ô nhiễm này, các sa-môn và Bà-la-môn không còn cháy sáng, không còn rực rỡ, không còn chói lọi. Bốn điều ấy là gì?

Này các tỳ khưu, có những sa-môn và Bà-la-môn uống rượu, uống men say, không chừa bỏ việc uống rượu và men say. Này các tỳ khưu, đây là điều làm ô nhiễm thứ nhất đối với sa-môn và Bà-la-môn. Khi bị ô nhiễm bởi điều làm ô nhiễm này, các sa-môn và Bà-la-môn không còn cháy sáng, không còn rực rỡ, không còn chói lọi.

Này các tỳ khưu, còn có điều khác nữa, có những sa-môn và Bà-la-môn thực hiện việc đôi lứa, không chừa bỏ việc đôi lứa. Này các tỳ khưu, đây là điều làm ô nhiễm thứ hai đối với sa-môn và Bà-la-môn. Khi bị ô nhiễm bởi điều làm ô nhiễm này, các sa-môn và Bà-la-môn không còn cháy sáng, không còn rực rỡ, không còn chói lọi.

Này các tỳ khưu, còn có điều khác nữa, có những sa-môn và Bà-la-môn thích thú vàng bạc, không chừa bỏ việc thọ lãnh vàng bạc. Này các tỳ khưu, đây là điều làm ô nhiễm thứ ba đối với sa-môn và Bà-la-môn. Khi bị ô nhiễm bởi điều làm ô nhiễm này, các sa-môn và Bà-la-môn không còn cháy sáng, không còn rực rỡ, không còn chói lọi.

Này các tỳ khưu, còn có điều khác nữa, có những sa-môn và Bà-la-môn chấp nhận cuộc sống bằng sự nuôi mạng không chân chánh, không chừa bỏ sự nuôi mạng không chân chánh. Này các tỳ khưu, đây là điều làm ô nhiễm thứ tư đối với sa-môn và Bà-la-môn. Khi bị ô nhiễm bởi điều làm ô nhiễm này, các sa-môn và Bà-la-môn không còn cháy sáng, không còn rực rỡ, không còn chói lọi.

Này các tỳ khưu, đây là bốn vật làm ô nhiễm đối với sa-môn và Bà-la-môn. Khi bị ô nhiễm bởi những điều làm ô nhiễm này, các sa-môn và Bà-la-môn không còn cháy sáng, không còn rực rỡ, không còn chói lọi

Nhóm cư sĩ hoan hỷ với lời giảng dạy của Ngài Yassa, họ xin lỗi việc làm của mình, và nhận ngài Yassa làm thầy để học hỏi và lễ bái cúng dường. Tuy nhiên, vị Tỳ kheo tháp tùng đi theo Ngài Yassa đem chuyện đó nói lại cho nhóm Tỳ khưu Vajjiputta. Các vị nghe thế quyết định lấy số đông tuyên ngôn xử phạt Ngài Yassa một lần nữa theo cách Ukkhepanīyakamma, nghĩa là cô lập mọi sinh hoạt của Ngài. Sau đó, tất cả các vị đó cùng nhau kéo đến nơi cư ngụ của Ngài. Nhưng qua thần thông của một vị A La Hán nên Ngài đã đi tự thuở nào rồi.

Trên đường đi Ngài suy tư, nếu như ta làm ngơ chuyện này thì giáo pháp của bậc đạo sư sẽ bị mai một và số vị ác Tỳ khưu sẽ gia tăng. Cho nên, Ngài không màng gian lao đi vào thành Pātheyyaka, Avanti, và Dakkhiṇāpatha để thông báo cho Chư Tăng biết những chuyện phi pháp luật của nhóm Tỳ khưu ở thành Vesāli với ý dụng là để giải quyết. Sau đó nữa, Ngài vân du lên núi Ahogaṅga để bạch chuyện đó cho Trưởng lão Sambhūtasāṇavāsī, ngài Trưởng lão này hoàn toàn nhất trí với Ngài Yassa là hành vi của nhóm Tỳ khưu ở Vesāli làm như vậy là sai pháp luật.

Sau đó, 60 vị A La Hán ở thành Pātheyyaka và 80 vị ở thành Avanti và Dakkhiṇāpatha cùng nhau họp ở núi Ahogaṅga, với Ngài Yassa và Trưởng lão Sambhūtasāṇavāsī. Chư vị đều nhất trí với nhau rằng việc này nên thỉnh Ngài Revata, một bậc thánh tứ quả làu thông Phật ngôn để làm chủ tọa giải quyết chuyện lộn xộn ở thành Vesāli. Ban đầu Ngài Revata không đồng ý, nhưng sau đó Ngài đồng ý. Sở dĩ Ngài đồng ý là vì Trưởng lão Sambhūtasāṇavāsī trình bày cho Ngài biết về 10 điều sai trái của các vị Tỳ khưu ở thành Vesāli, yêu cầu Ngài giải quyết chuyện này, và sau hết là kết tập Phật ngôn như các vị tiền bối đã làm.

b) Niên đại, địa điểm, vị chủ tọa và người bảo trợ

Một trăm năm sau khi Ðức Thế Tôn viên tịch, nhóm Tỳ khưu ở thành Vesāli không duy trì 10 điều học do Ðức Phật ban hành, nên các vị Thánh Tăng tuyệt đối cấm các vị Tỳ Khưu không được hành động nữa và đem chuyện này xử trước đại chúng tăng.

Sự việc này xảy ra ở thành Vesāli trong chùa Vālikārāma, do đó, Chư Thánh hiền Tăng cũng chọn địa điểm này để giải quyết chuyện lộn xộn về giới luật và đồng thời cũng chọn ngôi chùa này để kết tập Tam Tạng lần thứ hai.

Người chủ trương đầu tiên công việc này là Ngài Yassa, tuy nhiên người chủ tọa để giải quyết nhóm Tỳ khưu Vajjiputta thuộc phái Purāṇa không hành trì 10 điều học là Ngài Revata, và Ngài cũng là vị chủ tọa cuộc kết tập Tam Tạng lần thứ nhì.

Tỳ khưu Vajjiputta có lần đến yêu cầu Ngài Revata che chở việc làm của mình, nhưng bị Ngài khiển trách. Cho nên các vị theo phe Vajjiputta cùng vào hoàng cung yết kiến nhà vua Kākāsoka và bạch dối với nhà vua rằng khi họ trông coi tịnh xá thì có nhóm Tỳ khưu khách đến có ý định chiếm chùa, Vua không hiểu đầu đuôi câu chuyện nên ra lệnh cấm các vị Thánh Tăng không được vào chùa Vālikārāma. Đêm đó, Vua nằm mơ thấy quỷ sứ dưới địa ngục bắt Ngài bỏ vào chảo đồng. Lúc Vua tỉnh dậy thì lo âu và sợ hãi, và sáng hôm sau em gái Vua là vị Thánh Ni Nandā vào gặp Vua và giải thích đâu là đúng, đâu là sai cho Vua nghe. Thánh Ni Nandā đề nghị nhà vua nên ủng hộ Chư Thánh Tăng để chấn hưng Phật giáo, và Vua đồng ý. Vì vậy, người bảo trợ kết tập kinh điển lần thứ hai tại Vesāli là Ðức vua Kākāsoka.

c) Phương pháp kết tập

Trước khi chính thức kết tập kinh điển, Ngài Revata tuyên ngôn bầu một ban giám luật gồm có:

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Trong khi sự tranh tụng này của chúng ta đang được xem xét, các lời bàn cãi bất tận được sanh khởi nhưng không một lời phát biểu nào có ý nghĩa. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên giải quyết sự tranh tụng này bằng đại biểu. Hội chúng đã chọn bốn vị tỳ khưu ở hướng đông, bốn vị tỳ khưu ở Pāvā. Đại đức Sabbakāmī, đại đức Sāḷha, đại đức Ujjasobhita, đại đức Vāsabhagāmika là (đại biểu) của các tỳ khưu ở hướng đông, đại đức Revata, đại đức Sambhūta Sāṇavāsī, đại đức Yasa con trai của Kākaṇḍaka, và đại đức Sumana là (đại biểu) của các tỳ khưu ở Pāvā.

Ðiểm chú ý nơi đây, là Ngài Vāsabhagāmika và Sumana là đệ tử của Ngài Anuruddha, còn 6 vị còn lại là đệ tử của Ngài Ānanda, mà các ngài Anuruddha và Ānanda đều là những vị có tầm cở trong đại hội kết tập kinh điển lần thứ nhất.

Bốn vị đại diện cho phe bị cáo và bốn vị đại diện cho Chư Tăng trong ban giám luật. Thế là Ngài Revata nêu ra từng điều một trong 10 điều chủ trương sai của phái Tỳ khưu Vajji để hỏi Ngài Sabbakāmī:

Ðiều sai trái thứ nhất, Ngài Sabbakāmī trả lời rằng vị Tỳ khưu nào giữ muối riêng để dùng thì phạm tội Ưng đối trị.

Ðiều sai trái thứ hai, Ngài Sabbakāmī trả lời rằng ăn sái giờ là phạm tội, bất luận lúc đó là mặt trời chênh qua bao nhiêu.

Ðiều sai trái thứ ba, Ngài Sabbakāmī trả lời rằng sau bửa ăn chính, vị nào còn dùng thêm một lần nữa thì phạm tội Ưng đối trị.

Ðiều sai trái thứ tư, Ngài Sabbakāmī trả lời rằng khu vực Sīmā, Chư Tăng không được chia ra làm nhiều nhóm để làm lễ phát lồ.

Ðiều sai trái thứ năm, Ngài Sabbakāmī trả lời rằng theo Campeyyakhandhaka, các Tăng sư Chư Tỳ khưu phải vào một lượt để cùng hành không được vào xen kẻ.

Ðiều sai trái thứ sáu, Ngài Sabbakāmī trả lời rằng không nên căn cứ theo thầy tế độ và giáo thọ sư mà mọi việc nên y cứ theo kinh luật luận làm tiêu chuẩn để tu tập.

Ðiều sai trái thứ bảy, Ngài Sabbakāmī trả lời rằng nếu vị nào không có bịnh hoạn mà sau giờ ngọ dùng sửa chua đặc thì phạm tội Pācittiya (Ưng đối trị).

Ðiều sai trái thứ tám, Ngài Sabbakāmī trả lời rằng vị Tỳ khưu tuyệt đối không được dùng rượu, dù rượu ở bất nồng độ nào.

Ðiều sai trái thứ chín, Ngài Sabbakāmī trả lời rằng vị Tỳ khưu không được dùng tọa cụ không có biên, vị nào dùng thì phạm tội.

Ðiều sai trái thứ mười, Ngài Sabbakāmī trả lời rằng vị Tỳ khưu nào cất giữ vàng bạc cho cá nhân thì phạm tội Ưng xả đối trị, nếu phạm thì xã bỏ tất cả rồi sám hối mới hết tội.

Mỗi câu trả lời của Ngài Sabbakāmī, Chư Tăng xác nhận là đúng theo quan niệm của Ðức Phật đồng thời Chư Tăng cũng tuyên bố rằng chủ trương của nhóm Tỳ khưu phá giới hành động theo 10 điều phi pháp đó hoàn toàn sai lầm để cho đại chúng hiểu biết và am tường.

Sau khi Ngài Revata điều chỉnh 10 điều phi pháp luật của nhóm Tỳ khưu Vajjiputta xong, 700 vị Thánh Tăng vô lậu bắt tay vào công việc kết tập Phật ngôn. Phương pháp kết tập kỳ này giống như kỳ kết tập kinh điển lần thứ nhất, tuy nhiên kỳ kết tập kỳ này thời gian kéo dài đến 8 tháng.


[1] 10 điều học phi pháp là: được phép cất giữ muối trong ống sừng (kappati siṅgiloṇakappo), được phép ăn khi bóng mặt trời đã hai ngón tay (kappati dvaṅgulakappo), được phép đi vào làng rồi ăn thêm lần nữa (kappati gāmantarakappo), được phép hành lễ Uposatha riêng rẽ (kappati āvāsakappo), được phép hành sự không đủ tỳ khưu (kappati anumatikappo), được phép thực hành theo tập quán (kappati āciṇṇakappo), được phép uống sữa chua lúc quá ngọ (kappati amathitakappo), được phép uống nước trái cây lên men (kappati jaḷogiṃ pātuṃ), được phép sử dụng tọa cụ không có viền quanh (kappati adasakaṃ nisīdanaṃ), được phép tích trữ vàng bạc (kappati jātarūparajataṃ).

Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2012

Nét nhân văn trong đời sống Đức Phật

letamh8

Khi tìm hiểu tôn giáo người ta thường đề cập đến giá trị tâm linh hay khía cạnh cứu rỗi của mỗi tôn giáo. Dưới lăng kính tín ngưỡng, hình ảnh giáo chủ của tôn giáo luôn là những đấng thiêng liêng, đầy uy nghiêm, cao vời vợi, và không thể tiếp xúc. Người ta chỉ có thể tiếp cận các ngài bằng lòng chí thành, sự tôn kính, lời ước nguyện, hy vọng và đợi chờ. Vấn đề quan trọng nhất của tôn giáo nói chung là lo phần hồn cho tín đồ sau khi chết bằng những tín điều, lời răn, và sự hứa hẹn. Với chuyện đời thường, tôn giáo dường như ít quan tâm, nếu như không muốn nói là có rất ít liên hệ. Trong một nghĩa nào đó, nhiều người theo đạo Phật có lẽ cũng suy nghĩ như thế, bởi lẽ trong tâm của họ, hình bóng Đức Phật luôn ngự giữa hư không, ẩn hiện giữa các tầng mây ngũ sắc và đang quan sát những việc làm của họ. Điều này khiến họ yên tâm để hướng đến thế giới chân thiện mỹ bằng việc tu nhân tích đức, bố thí, phóng sanh nhằm hưởng quả báo tốt trong đời sau. Cách tư duy này có vẻ thiếu khôn ngoan và tích cực đối với tầng lớp trí thức. Tuy nhiên, nếu lúc nào đó mà cuộc sống bạn bất an bởi thế thái nhân tình hay tâm chao đảo bởi ngọn gió danh lợi vô thường, bạn hãy thử tắm mình trong thế giới tâm linh một lần, thử hướng lòng mình vào cõi hư không để tìm kiếm sức gia hộ từ năng lực siêu nhiên. Với không gian trầm lắng, với tấm lòng nhiệt thành, tôi nghĩ rằng bạn sẽ có được những phút giây tỉnh táo và sáng suốt hơn, có thể lấy lại sự cân bằng để suy nghiệm về cuộc sống. Thỉnh thoảng tôi cũng thường đối mặt với những khoảnh khắc như thế và thật sự thanh thản, an bình sau vài phút lắng lòng để cảm nghiệm tiếng vọng từ thinh không! Cảm giác của sự an lạc, trầm lắng khi hòa điệu với thiên nhiên là một thứ gì khó diễn đạt. Chỉ tự thân cảm nghiệm mới nhận chân được giá trị của hạnh phúc do nó mang lại.

Tất nhiên, Phật giáo không phải là tôn giáo chỉ hàm chứa những giá trị như thế. Giáo chủ của đạo Phật không chỉ ngự trên đài sen trong những ngôi chánh điện lộng lẫy, sơn son thiếp vàng, đèn hoa tráng lệ, hay giữa hư không đầy màu sắc huyền bí giám sát chúng sanh để phán xét, đợi chờ lời cầu nguyện để ban cho! Bởi vì qua đời sống Đức Phật chúng ta thấy rằng Ngài không phải là một vị thánh siêu nhiên, bất khả tiếp cận. Ngài không phải là một vị thần để thờ cúng lễ lạy. Ngài cũng không phải đấng sáng thế có quyền thưởng phạt sinh linh. Ngài vốn là con người, nhưng là con người đã giác ngộ, biết rõ từng nỗi đau của mọi con người: từ nghèo đến giàu, từ sang đến hèn, từ giới trí thức đến người thất học, đàn ông, phụ nữ, quý tộc, thấp hèn... Đức Phật hiện hữu khắp mọi nơi, trong từng ngõ ngách của cuộc sống! Nơi nào cần Ngài, ở đấy có Phật; vì hạnh nguyện của Phật là ban vui cứu khổ.

Một Tỳ-kheo trẻ xuất gia vì lòng mến mộ đức tướng của Phật. Sau một thời gian dài dong ruổi theo bước chân của Ngài, Tỳ-kheo ấy lâm trọng bệnh nên không thể diện kiến dung sắc của Ngài. Để thỏa ước nguyện trước giờ phút lâm chung của người học trò tội nghiệp, bậc đạo sư đã đến thăm Vekkhali, tên vị Tỳ-kheo, đang trú ngụ trong một căn chòi bé nhỏ lợp bằng tranh chỉ kê được một chiếc gường và để vừa một cái ghế. Sự xuất hiện của bậc Đạo Sư trong thời khắc ấy đã mang đến cho vị Tỳ-kheo niềm hỷ lạc vô biên, xua tan mọi nỗi đau, phiền muộn. Lời khuyến tấn “Ai thấy Duyên khởi là thấy Pháp. Ai thấy Pháp là thấy Phật” đã khai mở tâm trí cho Vekkhali về những gì mà một người đệ tử Phật đáng trân trọng và tìm kiếm trong cuộc đời. Với sự tỏ ngộ này, chắc chắn Vekkhali đã cảm nhận được hạnh phúc của “khoảnh khắc là thiên thu” trong kiếp sống đầy vô thường huyễn hóa này.

Khi được biết Tôn giả Đại Ca-diếp (Maha Kassapa), đại đệ tử của mình, bị bệnh nặng kịch liệt và đang trú tại hang động Pipphali, Thế Tôn đích thân đến thăm, thuyết bài pháp “Bảy yếu tố giác ngộ”(Thất giác chi) giúp Tôn giả vượt qua được cơn bệnh. Sau đó, Đức Phật mời tôn giả về ở chung, san sẻ y áo, thuốc men và thức ăn với người học trò gương mẫu và đức hạnh của mình.

Với nhãn quan thế gian, những việc làm trên là thường tình, chuyện nhỏ, chỉ là cuộc viếng thăm người bệnh. Tuy nhiên, trong lãnh vực tâm linh, hành động ấy lại vô cùng ý nghĩa vì nó được Đức Phật, bậc Giác ngộ thực hiện. Thật không dễ gì để tìm thấy cách hành xử đầy lòng nhân ái và đậm tính nhân văn như thế trong cuộc đời của giáo chủ các tôn giáo! Bởi lẽ, đối với cảnh giới thần linh, cách hành xử như vậy chỉ xảy ra trong thế giới trần tục, những người còn nặng nợ ân tình với nhau, còn thế giới thần thánh chỉ liên quan đến đời sau, đến việc phán xét và thưởng phạt. Nếu vị giáo chủ của một tôn giáo thời danh đã giận dữ với cây sung tội nghiệp, buông lời nguyền rủa nặng nề và khai tử nó vì nó không thể đơm hoa kết trái khi chưa đúng thời vụ để thỏa mãn cơn đói khát của vị ấy, Đức Phật lại dạy hàng đệ tử của mình hãy bình tĩnh và sáng suốt trong việc hành xử với những gì trái ý của mình. Cùng song hành với Đức Phật trên đường, một thanh niên Bà-la-môn dùng vô số ngôn từ tốt đẹp để ca ngợi Ngài. Trong khi ấy, vị Bà-la-môn già, thầy của thanh niên kia, lại dùng tất cả những ngôn từ xấu xa để chê bai, phỉ báng Thế Tôn. Sau sự kiện đó, Đức Phật dạy rằng khi được người ta khen ngợi, đừng vì lời khen mà vui mừng. Thay vào đó, các đệ tử của Ngài hãy xem xét những lời khen đó có hiện hữu trong mình hay không! Nếu có thì ghi nhận là có và tiếp tục tu tập để làm lớn thiện nghiệp ấy; nếu không thì hãy nói rằng trong tôi không có những phẩm chất tốt đẹp ấy. Ngược lại, nếu bị người khác chỉ trích, phê bình, chống đối, đệ tử Phật hãy bình tâm quán chiếu, xem thử sự phê phán ấy có trong ta hay không, nếu có thì ghi nhận và sửa chữa. Nếu không có thì nói rằng những bất thiện pháp ấy không hiện diện trong cuộc sống của tôi.

Khó lòng tìm thấy được một người thầy tâm linh vĩ đại như Đức Phật, người tuyên bố đã giải thoát hoàn toàn mọi sự trói buộc của thế gian, lại quan tâm và thương mến con người đến như thế. Trước khi thị tịch, Đức Phật thọ nhận buổi cơm cuối cùng do người thợ rèn Cunda (Thuần Đà) cúng dường. Thức ăn mà Cunda chuẩn bị riêng cho Đức Phật là món đặc biệt có tên gọi Sukaramaddava (nấm rừng). Ăn xong Thế Tôn bị kiết lỵ nặng. Ngài phải dùng định lực để nhiếp phục cơn đau. Những biểu hiện từ ái, bao dung trong chút sức tàn còn lại của một người thầy trước giờ mãi mãi ra đi ắt sẽ khiến cho mọi người không thể cầm được nước mắt mỗi lúc hồi tưởng lại sự quan tâm lo lắng của Ngài: “Này Ananda, có thể có người trách Cunda về bữa ăn cuối cùng dành cho Ta, vì sau bữa ăn đó Ta sẽ nhập diệt, và Cunda có thể ăn năn hối hận. Này Ananda, cần phải làm tiêu tan sự hối hận ấy của thợ rèn Cunda bằng cách tuyên bố sự thật rằng có hai bữa ăn cúng dường cho Như Lai đem lại công đức lớn cho người cúng dường. Đó là bữa ăn trước giờ Như Lai thành đạo và bữa ăn cúng dường Như Lai trước giờ Như Lai nhập Niết bàn… Này Anada, hãy nói như vậy để loại bỏ mọi nỗi ân hận của Cunda, nếu có”. Cách hành xử đầy lòng nhân ái và trí tuệ trên có thể đã chuyên chở đầy đủ ý nghĩa của lời dạy sau đây: “Thật sự này Simha, ta lên án những hành động, những cử chỉ đưa đến tội lỗi bằng lời nói, bằng tư tưởng hoặc bằng việc làm. Thật sự rằng, này Simha, Ta giảng dạy sự dập tắt, nhưng chỉ dập tắt lòng kiêu hãnh, tham lam, những tư tưởng tội lỗi và vô minh, mà không phải là sự dập tắt tính khoan dung, độ lượng, lòng yêu thương, nhân từ và chân lý”. Với những gì được chính Đức Phật thể hiện bằng cách sống, lối hành xử như trên chắc người ta sẽ không thể ngộ nhận thêm rằng đạo Phật là tôn giáo hủy diệt sự sống hay chỉ lo chuyện kiếp sau.

Cuộc đời đang tràn ngập khổ đau: nỗi đau do bệnh tật, do thiếu ăn, thiếu mặc, chiến tranh, hận thù, thiên tai, bão lụt; nỗi đau do mất mát người thân, sinh ly tử biệt, thế thái nhân tình, vô thường biến hoại…. Cuộc đời đang chờ những nhân cách đầy lòng từ bi, tâm trí tuệ che chở. Khó có ai sống trong thế giới này mà không cần đến sự chia sẻ, lòng yêu thương, đức nhân từ, khoan dung, độ lượng. Vì thế, hình ảnh của người thầy tâm linh như Đức Phật thật sự cần thiết cho cuộc đời này. Sự quan tâm, chia sẻ và lo lắng của Đức Phật trong chính cuộc sống đời thường là những liều thuốc kỳ diệu nhất có thể làm dịu mọi cơn đau cho nhân thế. Hãy đem Đức Phật vào trong thế giới này bằng cách áp dụng lời dạy của Ngài vào trong cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta để làm lắng dịu bớt nỗi đau của kiếp người. Khi đức hạnh và trí tuệ của Phật được hiện thực hóa bằng hành động của con người, cuộc đời sẽ trở nên an bình và hạnh phúc. Từ đây, người ta có lý do để tin vào một tương lai tốt đẹp trong một thế giới đầy tính nhân đạo nhân văn qua một nghệ thuật sống mà suốt 26 thế kỷ qua đã được nhân loại thẩm định giá trị.

Hãy săn sóc chủng tử Phật trong tâm của chúng ta! Hãy để cho hạt giống này đơm hoa kết trái trong mỗi hành vi, cử chỉ của mọi người! Hoa nở là mùa xuân về. Thế giới này luôn mãi là mùa xuân khi tâm từ bi được nuôi dưỡng, khi trí tuệ kết hoa. Ở đâu có từ bi trí tuệ, ở đó có hình bóng của Đức Phật, bởi lẽ “Phật ở đâu xa, Phật ở quanh ta, Phật ở đâu xa, Phật ở trong ta”.

Viên Trí

(Theo Giác Ngộ Online)

Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

Giới đức là cao quý nhất

Một thời Thế Tôn trú ở Sāvatthi, tại Jetanava, vườn ông Anāthapiṇḍika, dạy các Tỷ-kheo:

Có ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Có hạng người đáng ghê tởm, không cần phải gần gũi, không cần phải sống chung, không cần phải hầu hạ cúng dường. Có hạng người, này các Tỷ-kheo, cần phải nhìn một cách thản nhiên, không nên gần gũi, không nên sống chung, không nên hầu hạ cúng dường. Có hạng người, này các Tỷ-kheo, cần phải gần gũi, cần phải sống chung, cần phải hầu hạ cúng dường.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người đáng ghê tởm, không cần phải gần gũi, không cần phải sống chung, không cần phải hầu hạ cúng dường? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người ác giới, tính tình độc ác, sở hành bất tịnh, có những hành vi che đậy, không phải là Sa-môn nhưng hiện tướng Sa-môn, không sống Phạm hạnh, nhưng hiện tướng có Phạm hạnh, nội tâm hôi hám, đầy những tham dục, tánh tình bất tịnh. Hạng người như vậy, này các Tỷ-kheo, đáng ghê tởm, không cần phải gần gũi, không cần phải sống chung, không cần phải hầu hạ cúng dường. Vì cớ sao? Vì rằng, dầu không thuận theo một chút nào tri kiến của người như vậy, nhưng tiếng xấu được đồn xa về người ấy là có bạn ác, có bằng hữu ác, tôn sùng kẻ ác…

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người cần phải nhìn một cách thản nhiên, không nên gần gũi, không nên sống chung, không nên hầu hạ cúng dường? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người phẫn nộ, nhiều hiềm hận, dầu có bị nói chút ít cũng tức tối, phẫn nộ, sân hận, sừng sộ, hiện rõ phẫn nộ, sân hận và bực tức. Hạng người như vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải nhìn với cặp mắt thản nhiên, không nên gần gũi, không nên sống chung, không nên hầu hạ cúng dường. Vì cớ sao? Vì nghĩ rằng: “Người ấy có thể nhục mạ ta. Người ấy có thể chửi mắng ta. Người ấy có thể làm hại ta”…

Và như thế nào, này các Tỷ-kheo, là hạng người cần phải gần gũi, cần phải sống chung, cần phải hầu hạ cúng dường? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người giữ giới, tánh tình hiền thiện. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải gần gũi, cần phải sống chung, cần phải hầu hạ cúng dường. Vì cớ sao? Vì rằng, dầu không thuận theo chút nào tri kiến của người như vậy, nhưng tiếng tốt được đồn xa về người ấy là có bạn lành, là có bằng hữu lành, là tôn sùng kẻ lành. Cho nên, hạng người như vậy, cần phải gần gũi, cần phải sống chung, cần phải hầu hạ cúng dường.

(Kinh Tăng Chi Bộ I, chương 3, phẩm Người [lược])

SUY NGHIỆM:

Sống và ứng xử với mọi người trong xã hội sao cho đúng đắn, thuận tình và hợp lý là cả một nghệ thuật. Đức Thế Tôn thật minh triết khi chỉ dạy quan điểm ứng xử với mọi người, nhất là với người xuất gia thật phân minh, rõ ràng. Theo Thế Tôn, giới hạnh hay đức hạnh, đạo đức của một cá nhân chính là nhân tố quan trọng nhất để hàng Phật tử chúng ta bày tỏ và thể hiện ứng xử cung kính, thân cận nhằm nương tựa học tập noi gương. Ngoài yếu tố đạo đức ra, dù cá nhân ấy có mang bất cứ hình thức nào cũng chỉ là hạng người “đáng ghê tởm”, không đáng để quan tâm hay chỉ “nhìn một cách thản nhiên” mà thôi.

Trước hết, đối với hạng người tham lam, độc ác, luôn gian dối và che đậy những việc làm xấu ác và tệ hại của mình, không chỉ là người thế tục mà có thể họ là một số người tu biến chất hay đội lốt người tu vì những mục đích xấu xa, những người này dù họ có hình thức như thế nào đi nữa cũng đáng bị khinh miệt, ghê tởm. Người con Phật chân chính quyết không thân cận cũng như hầu hạ, cúng dường hạng người này.

Đối với hạng người nhiều nóng giận, hay sân si, lắm bực bội thì chúng ta nên tránh xa, cũng chẳng nên thân cận vì lợi bất cập hại, như cầm đuốc đi ngược gió sẽ khó tránh được họa cháy tay. Chỉ “nhìn một cách thản nhiên” tức không quan tâm để ý hay ly khai với người nhiều nóng giận là một cách ứng xử khôn ngoan, tinh tế nhất. Trong trường hợp phải sống chung thì cần “kính nhi viễn chi”, kính mà không gần họ, dù cho đó là bề trên đi nữa.

Chỉ có hạng người có giới đức, đạo hạnh với tính tình hiền thiện mới đáng để cho chúng ta “cần phải gần gũi, cần phải sống chung, cần phải hầu hạ cúng dường”. Dù rằng, những người này có thể họ rất bình thường, không danh phận, không chức vụ và thậm chí cũng có thể chư vị là những hành giả sống ẩn dật hay lang thang vô định.

Mới hay, phẩm chất đạo đức hay giới hạnh của một người mới là điều quan trọng nhất. Vì có giới mới có định, tuệ và có sự thảnh thơi, giải thoát. Cho nên, những người con Phật chúng ta phải tỉnh táo và mở to đôi mắt trí tuệ để ứng xử hợp lý nhằm thân cận, tôn vinh và cúng dường sao cho mình và mọi người đều được lợi lạc.

Quảng Tánh

(Theo Tạp chí Đạo Phật Ngày Nay 14)

Thứ Hai, 6 tháng 2, 2012

BHĀSITOVĀDASAṄKHEPA - LỜI CHỈ GIÁO TÓM TẮT (HT Hộ Tông)


Ukāsa.

Tôi xin tôn kính.

Yo pana dhammānudhammapaṭipanno viharati sāmīcipaṭipanno anudhammacārī so Tathāgataṃ sakkaroti garukaroti māneti pūjeti paramāya pūjāya paṭipattipūjāya.

Người nào tu hành hằng ở theo lẽ chánh, hằng hành theo điều chánh, người ấy gọi là người hết lòng thành kính, sùng bái đức Như Lai, bằng cách cao thượng, vì đã được hành theo Chánh pháp.

Sabbapāpassa akaraṇaṃ.

Tư cách chẳng làm tất cả điều dữ.

Kusalassāpasampadā.

Tư cách làm những việc lành.

Sacittapariyodapanaṃ.

Tư cách làm cho tâm mình trong sạch.

Etaṃ Buddhānasāsanaṃ.

Những tư cách ấy là Giáo-Pháp của Chư Phật.

Khantī paramaṃ tapo titikkhā, 
Nibbānaṃ paramaṃ vadanti buddhā, 
Na hi pabbajito parūpaghātī,
Samaṇo hoti paraṃ viheṭhayanto.

Sự nhịn nhục là Pháp thiêu hủy cao thượng, Chư Phật đã giải rằng: Niết-bàn là đức cao thượng, bậc xuất gia mà làm khó chúng sanh, thì chẳng phải bậc xuất gia, chẳng phải bậc Sa-Môn.

Anūpavādo anūpaghāto.

Tư cách không phỉ báng (kẻ khác).

Tư cách không làm khổ (kẻ khác).

Paṭimokkhe ca saṃvaro.

Tư cách thu thúc trong Giới Bổn.

Mattaññutā ca bhattasmiṃ.

Sự biết tiết độ trong thực phẩm.

Pantañca sayanāsanaṃ,
Adhicitte ca āyogo,
Etaṃ Buddhānasāsanaṃ.

Tư cách nằm ngồi trong nơi thanh vắng, tư cách cố gắng trong sự tu tâm. Những điều ấy là Giáo Pháp của Chư Phật.

Sīlasamādhiguṇānaṃ,
Khantī padhānakāraṇaṃ,
Sabbepi kusaladhammā,
Khantyāyeva vaddhanti te.

Tất cả các Pháp lành ấy, hằng được tăng tiến, do nhờ sự nhịn nhục; Sự nhịn nhục là nguyên nhân phát sanh Giới và Định.

Kevalānaṃpi pāpānaṃ,
Khanti mūlaṃ nikantati, 
Garahakalahādīnaṃ,
Mūlaṃ khaṇati khantiko.

Sự nhịn nhục dứt trừ được nguồn cội tất cả tội lỗi, người nhịn nhục gọi là người đã trừ tuyệt gốc rễ tội lỗi, nhứt là tội phỉ báng, mắng nhiếc, cãi lẫy.

Khantī dhīrassalaṅkāro.

Sự nhịn nhục là khí cụ của bậc Trí tuệ.

Khantī tapo tapassino.

Sự nhịn nhục là pháp thiêu hủy của người có pháp thiêu hủy.

Khantī balaṃ va yatīnaṃ.

Sự nhịn nhục là khí lực của người hành giả.

Khantī hitasukhāvahā.

Sự nhịn nhục là đức đem đến điều lợi ích cùng sự an vui.

Khantiko mettavā lābhī,
Yasassī sukhasīlavā,
Piyo devamanussānaṃ,
Manāpo hoti khantiko.

Người nhịn nhục hằng có bằng hữu, có tài lợi, có sự an vui. Người nhịn nhục là nơi yêu mến vừa lòng của Chư Thiên và tất cả nhân loại.

Attanopi paresañca,
Atthāvahova khantiko,
Saggamokkhagamaṃ maggaṃ
Āru
ho hoti khantiko.

Người nhịn nhục làm được nhiều điều lợi ích cho mình và cho kẻ khác. Người nhịn nhục là người đi trên đường về cõi Trời và Niết-bàn.

Satthuno vacanovādaṃ,
Karotiyeva khantiko,
Paramāya ca pūjāya,
Jinaṃ pūjeti khantiko.

Người nhịn nhục là người thật hành theo Giáo Pháp của Phật, người nhịn nhục là người sùng bái Đức Phật bằng cách cao thượng.

Dullabhañca manussattaṃ,
Buddhuppādo ca dullabho,
Dullabhā khaṇasampatti,
Saddhammo paramadullabho.

Phẩm cách sanh ra làm người, chúng sanh khó mà sanh ra được. Phẩm cách chứng quả Phật, chúng sanh khó mà chứng được.

Phẩm cách gặp thời kỳ, là sanh ra gặp Đức Phật, hoặc Phật Pháp, chúng sanh khó mà gặp được. Pháp của bậc Thiện Trí Thức, chúng sanh rất khó mà học được.

Sukho buddhānamuppādo,
Sukhā saddhammadesanā,
Sukhā saṅghassa sāmaggī,
Samaggānaṃ tapo sukho.

Phẩm cách được chứng quả của Chư Phật, đem đến sự an vui, cách giảng giải về Pháp của bậc Thiện Trí Thức, đem đến sự an vui.

Sự hòa hợp của Chư Tăng, hoặc của phe đảng, đem đến sự an vui, sự cố gắng của những người hòa hợp, đem đến sự an vui.

Sukho viveko tuṭṭhassa, 
Sutadhammassa passato.

Sự yên tịnh của người vui trong chỗ thanh vắng, là người đã được nghe Pháp, đã suy tưởng thấy Pháp, đem đến sự an vui.

Abyāpajjhaṃ sukhaṃ loke 
Pāṇabhūtesu saññamo.

Cách không làm khó, cách thu thúc đối với chúng sanh, đem đến sự an vui.

Sukhā virāgatā loke,
Kāmānaṃ samatikkamo,
Asmimānassa vinayo, 
Etaṃ ve paramaṃ sukhaṃ.

Phẩm hạnh tránh xa tình dục, là cách thoát khỏi tình dục, đem đến sự an vui tuyệt đối.

Cách làm cho tiêu tan ngã mạn, đem đến sự an vui.

Kiccho manussapaṭilābho.

Cách luân hồi lại làm người là việc khó.

Kicchaṃ maccāna jīvitaṃ.
Kicchaṃ saddhammassavanaṃ.

Sự nuôi mạng sống của tất cả chúng sanh là việc khó, sự được nghe Phật Pháp, là việc khó.

Kiccho buddhānamuppādo.

Cách được chứng quả của Chư Phật là việc khó.

Satthuno saddhammaṃ sutvā,
Sabbasmiṃ jinasāsane,
Kappāni satasahassāni,
Duggatiṃ so na gacchati.

Người đã nghe Phật Pháp mà được hành theo giáo lý của Chư Phật, thì chẳng bị đọa vào ác đạo, trọn 10 ngàn kiếp.

Pubbaṇhe piṇḍapātañca,
Sāyaṇhe dhammadesanaṃ,
Padose bhikkhu ovādaṃ,
Aḍḍharatte devapañhanaṃ,
Paccūseva gate kāle,
Bhabbābhabbe vilokanaṃ,
Ete pañcavidhe kicce,
Visodheti munipuṅkavoti.

Đức Phật lớn hơn tất cả các bậc Trí tuệ, Ngài làm trọn cả 5 phận sự:

1. Trong buổi mai, Ngài ngự đi trì bình khất thực.
2. Trong buổi chiều, Ngài thuyết pháp độ sanh.
3. Trong lúc hoàng hôn, Ngài giáo hóa các hàng Tỳ khưu.
4. Trong canh khuya, Ngài đáp lời vấn của Chư Thiên.
5. Trong canh năm, Ngài xem xét đến chúng sanh, coi hạng nào nên giác ngộ, cùng không nên giác ngộ.

Kukkuṭe gabbhavāso ca,
Soṇe cudaranikkhami,
Usabhe rājasampatti,
Sase pabbajito jino.

Đức Bồ-Tát giáng sanh vào lòng Phật mẫu trong năm Dậu, Ngài sanh ra trong năm Tuất, Ngài lên ngôi Vua trong năm Sửu, Ngài xuất gia trong năm Mão.

Kukkuṭe sabbaññū buddho,
Tattha cakkaṃ pavattayi,
Nibbānagamanaṃ sappe,
Sahassaṃ pañca mūsike.

Ngài chứng quả Phật trong năm Dậu, Ngài chuyển “Pháp-Luân” trong năm ấy, Ngài nhập Niết-bàn trong năm Tỵ. Phật Pháp đủ chẵn 5 ngàn năm trong năm Tý.

Okkanto ca guruvārasmiṃ,
Sukkavāre ca nikkhami,
Sambuddho buddhavārasmiṃ,
Aṅgāre parinibbuto.

Ngài giáng sanh vào lòng Phật mẫu trong ngày thứ năm, sanh ra trong ngày thứ sáu, được chứng quả Phật trong ngày thứ tư, nhập Niết-bàn trong ngày thứ ba.

Āsahapuṇṇamokkanto,
Visākhe yeva nikkhami,
Visākhapuṇṇamī sambuddho,
Visākhe parinibbuto.

Ngài giáng sanh vào lòng Phật mẫu trong ngày Rằm tháng Sáu, đản sanh trong ngày Rằm tháng Tư, được chứng quả Chánh-Biến-Tri trong ngày Rằm tháng Tư, Ngài nhập Niết-bàn trong ngày Rằm tháng Tư.

Nibbute Iokanāthamhi,
Sambuddhe aggapuggale,
Paṭimā bodhirukkhā ca, 
Thūpā ca jinadhātuyo,
Caturāsītisahassa,
Dhammakkhandhā sudesitā,
Aggappavattanaṭṭhāne,
Ṭhapitā honti pāniṇaṃ.

Khi Đức Chánh-Biến-Tri là bậc cao thượng, là nơi xu hướng của tất cả chúng sanh đã nhập Niết-bàn, Ngài để lại trong thế gian, những Kim thân, Bảo tháp, cây Bồ-Đề, Xá-Lợi tháp và 8 muôn 4 ngàn Pháp môn, đặng chúng sanh ức niệm và hành theo cho đặng hạnh phúc cao thượng.

lti sammāsambuddhena desitaṃ ovādaṃ citte ṭhapetvā sammāsambuddhena vuttappakārena paṭipattipūjāya pūjaṃ karontena lokiyalokuttara sampattisiddhaṃ kātabbaṃ.

Ukāsa ārādhaṇaṃ karomi.

Người nên hết lòng ghi nhớ, những lời giáo huấn của đức Chánh-Biến-Tri, nên xu hướng theo, nên hành theo những điều mà đức Chánh-Biến-Tri đã chỉ dẫn, hành theo cho được kết quả hữu lậu, cùng quả vô lậu, tôi xin hết lòng hoan hỷ ghi nhớ những điều như thế.

Ukāsa

Tôi xin tôn kính.

Sirīsakyamunisabbaññūbuddhassa balavapaccūsasamaye kusiṇārāya yamakasālānamantare amumhi sappasaṃvacchare gimha utumhi visākhamāse sukkapakkhe paṇṇarasiyā tithiyaṃ bhummavāre bhummayāme anurādhanakkhattadivase parinibbānaṃ ahosi anupādisesāya nibbānadhātuyā.

Đức Sakyamuni Chánh-Biến-Tri, là đấng Giáo chủ, Ngài đã nhập Vô dư Niết-bàn, vừa lúc rạng đông, tại khoảng trống giữa hai cây Song Long Thọ, gần thành Kusiṇārā, trong ngày thứ tư, trong mùa hạn năm Tỵ.

 

 

Kệ Tụng Thánh Hội

Nay tháng Giêng trăng tròn âm lịch
Tiết nguyên tiêu sự tích còn ghi
Hào quang rạng ánh từ bi
Tăng già thắng hội nan nghì nhân duyên
Cả hội chúng thánh hiền cụ túc
Nghìn hai trăm năm chục Tỳ khưu
Thiện Lai nhập đạo tối ưu
Viên thông tứ quả gương lưu cõi đời
Tự vân tập không lời mời thỉnh
Chốn đạo tràng thanh tịnh Trúc Viên
Hướng về hội chúng trang nghiêm
Phật ban giáo chỉ thiêng liêng bảo tồn
Hỡi Tăng chúng Thế Tôn quá khứ
Hội Thánh Tăng đầy đủ ba lần
Tháng Giêng bố tát ngày rằm
Biệt Giải Thoát Giáo pháp âm lưu truyền
Nay ta chỉ một phiên thánh hội
Bởi nhân duyên tùy mỗi thời kỳ
Vì rằng tuổi thọ hiện thời
Ngắn hơn những kiếp loài người thịnh hưng
Hỡi Tăng chúng lắng lòng nghe rõ
Thầy Tỳ khưu sùng mộ Như Lai
Là người chơn chánh triển khai
Tam học diệu pháp Như Lai giáo truyền
Các điều ác cần chuyên dứt bỏ
Những hạnh lành gắng cố trau giồi
Giữ tâm thanh tịnh trọn đời
Ấy lời chư Phật ba thời dạy khuyên
Pháp nhẫn nại thắng duyên tối thượng
Quả niết bàn lạc tịnh tối ưu
Xuất gia không hận không thù
Giữ lòng từ ái cho dù hiểm nguy
Không phỉ báng không gây thương tổn
Giữ mình theo giới bổn thọ trì
Uống ăn tiết độ quán tri
Ðộc cư thiền định chuyên trì công phu
Nhẫn nại pháp tối ưu căn bản
Khiến hạnh lành giới định đặc thù
Diệu năng nhẫn nại đoạn trừ
Căn nguyên lầm lỗi cho dù tế thô
Mọi tranh chấp hơn thua phải quấy
Dùng nhẫn kham hoá giải chấp tranh
Nhẫn nại trang phục tuyệt trần
Của hàng trí giả đạo căn kiên cường
Pháp nhẫn nại là nguồn cội phúc
Là bạn hiền tài lộc uy danh
Tự tha lợi lạc phúc lành
Trời người quí kính thác sinh cõi trời
Cuối sanh tử chứng ngôi bất tử
Liễu niết bàn bất khứ bất lai
Ðúng là ngưỡng mộ Như Lai
Cúng dường chư Phật cách này tối ưu.

Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2012

Ý nghĩa Đại Lễ Rằm Tháng Giêng (Dhamma Day) - Tỳ Kheo Giác Đẳng

Dai hoi thanh tang

Người Việt có câu "phép vua thua lệ làng". Những phong tục dân gian lắm lúc được biết nhiều hơn là những nguyên tắc chánh truyền. Lễ Thượng Nguyên Rằm Tháng Giêng là một trường hợp điển hình. Tên Phạn ngữ của đại lễ là Māghapūjā có nghĩa là lễ hội ngày rằm tháng Māgha - tương đương với tháng Giêng theo lịch Trung Hoa. Gọi là Thượng Nguyên là cách phân chia theo Âm Lịch cùng với Rằm tháng Bảy là Trung Nguyên và Rằm tháng Mười là Hạ Nguyên.

Người Phật tử Việt Nam thường đi chùa xin dâng sớ cầu an cúng sao giải hạn. Vì là ngày Rằm đầu năm nên các chùa tổ chức lễ rất trọng thể. Đại lễ Rằm Tháng Giêng theo truyền thống Phật Giáo mang hai ý nghĩa: Thứ nhất kỷ niệm ngày Ðức Phật thuyết kinh Giải Thoát Giáo tại Thánh Hội Tăng Già. Thứ hai kỷ niệm đánh dấu ngày Đức Phật công bố Giáo Pháp đã được thiết lập vững vàng và Ngài sẽ viên tịch trong ba tháng nữa.

Kinh Giải Thoát Giáo – Ovadapāṭimokkha- là bài kinh cô đọng về Giáo Pháp của chư Phật, căn bản của đời sống tu tập và tôn chỉ hoằng pháp. Mở đầu bài kinh Ðức Thế Tôn dạy rằng sự cúng dường Ðức Phật bằng cách cao quí nhất là sự hành trì Phật Pháp.

Yo pana dhammānudhammapaṭipanno viharati sāmīcipaṭipanno anudhammacārī so tathāgataṃ sakkaroti garukaroti māneti pūjeti paramāya pūjāya paṭipattipūjāya.

Ai hành trì chánh Pháp

Là cúng dường Ðức Phật

Bằng cách cao quí nhất

Trong các sự cúng dường

Pháp mà Ngài dạy có thể tóm lược trong ba điều: không làm các ác nghiệp, huân tu hạnh lành và thanh lọc tâm ý. Câu kinh nầy đã trở thành lời toát yếu Phật Pháp quen thuộc với mọi người Phật tử.

Sabbapāpassa akaraṇaṃ

Kusalass' ūpasampadā

Sacittapariyodapanaṃ

Etaṃ buddhānasāsanaṃ.

Không làm các nghiệp ác

Năng tu tập hành hạnh lành

Thanh lọc tâm thạnh tịnh

Là huấn ngôn chư Phật

Tiếp theo Ðức Phật nhấn mạnh khả năng kham nhẫn trong cuộc sống tu tập. Vị sa môn trên đường đạo phải học đức chịu đựng nhẫn nại. Trước hết là đối với bản thân. Đức Từ Phụ nhắc nhở về con đường giải thoát mà chư Phật truyền dạy đều đòi hỏi sự kiên tâm. Tự chế không nuôi hiềm hận, nghiêm trì giới luật, phòng hộ các căn, tiết độ trong ăn uống, sống thanh tịnh độc cư, sống với tâm hướng thượng là những pháp căn bản của người cầu đạo giải thoát.

Khantī paramaṃ tapo titikkhā

Nibbānaṃ paramaṃ vadanti buddhā

Na hi pabbajito parūpaghātī

Samaṇo hoti paraṃ viheṭhayanto.

Anūpavādo anūpaghāto

Paṭimokkhe ca saṃvaro

Mattaññutā ca bhattasmiṃ

Pantañca sayanāsanaṃ

Adhicitte ca āyogo

Etaṃ buddhānasāsanaṃ.

Diệt ác bằng nhẫn nại

Là pháp môn tối thắng

Chứng giải thoát niết bàn

Là thành tựu tối thượng

Sa môn không hiềm hận

Luôn tinh nghiêm giới luật

Sống phòng hộ các căn

Tiết độ trong ẩm thực

Sống thanh tịnh độc cư

Hướng tâm cầu giải thoát

Đi xa hơn Ðức Phật dạy thế nào là cái đẹp, cái được, cái nổi bật mà một người trên đường đạo nên mong mỏi. Pháp nhẫn nại là trang sức đẹp nhất; là điều kiện tất yếu cho các thiện pháp phát triển; là trang sức của người trí; là vẻ đẹp của người hiền; là điều kiện dẫn đến những thành tựu trong cuộc sống. Nhẫn nại là phương cách diệu dụng hóa giải mọi tranh chấp.

Sīlasamādhiguṇānaṃ

Khantī padhānakāraṇaṃ

Sabbepi kusaladhammā

Khantyā-y-eva vaddhanti te.

Kevalānaṃ pi pāpānaṃ

Khanti mūlaṃ nikantati

Garahakalahādīnaṃ

Mūlaṃ khaṇati khantiko.

Khanti dhīrassa laṅkāro

Khanti tapo tapassino

Khanti balaṃ va yatīnaṃ

Khanti hitasukhāvahā.

Tất cả các hạnh lành

Lớn mạnh nhờ kiên tâm

Với hiền trí trong đời

Dùng nhẫn là sức mạnh

Làm sang bằng nhẫn nại

Làm đẹp bằng nhẫn nại

Làm giàu bằng nhẫn nại

Thành công với nhẫn nại

Những tranh chấp lớn nhỏ

Hóa giải nhờ nhẫn nại

Đức Phật cũng nêu rõ tôn chỉ hoằng pháp khi Ngài dạy chư Tăng: Đời sa môn sống vì lợi ích của muôn loài. Không dụ dỗ, hăm dọa, hay dùng phỉ báng, phá hoại tha nhân. Con đường giải thoát giác ngộ là con đường của những người tự giác.

Không mê hoặc, doạ hẩm

Không gây thương tổn ai

Sa môn hoằng đạo cả

Vì lợi lạc cho đời

Một học giả Phật giáo gọi kinh Giải Thoát Giáo là bản tuyên ngôn về tôn chỉ tu tập và hoằng pháp của Tăng lữ. Bản tuyên ngôn đó đã được Đức Phật long trọng trình bày trước một thính chúng toàn bậc thánh nhơn giải thoát. Tất cả đã im lặng mặc nhiên đón nhận.

Thánh Hội Tăng Già là một sự cố hy hữu xảy ra duy nhất một lần trong thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Thuở ấy, Đức Bổn Sư đang trú ở chùa Trúc Lâm tại thành Rājagaha. Đó ngày trăng Rằm tháng Māgha (tháng Giêng). Mặc dù không một lời mời nào, 1250 vị thánh Tăng tự vân tập về. Tất cả đều là bậc thánh tứ quả vô lậu giải thoát và đều xuất gia bằng lời gọi của Đức Phật: "Ehi bhikkhu - Thiện lai Tỳ Kheo". Những bậc phước huệ vẹn toàn đó đã ngồi vây quanh dưới chân của Đấng Đại Giác trong sự im lặng tuyệt đối. Những lời giản dị nhưng thâm sâu của Phật được đón nhận bởi những tâm hồn cao khiết. Dưới ánh trăng vằng vặc sáng trong vườn trúc, tiếng nói giác ngộ được nói lên bởi con người giác ngộ cho một hội chúng giác ngộ. Quả là một cuộc gặp gỡ vô tiền khoáng hậu.

Rằm Tháng Giêng cũng kỷ niệm ngày Đức Phật tuyên bố đạo tròn duyên mãn và Ngài sẽ viên tịch trong ba tháng nữa. Sau 45 năm hoằng đạo, Ðức Phật kết thúc năm sau cùng bằng cuộc hành trình dài. Năm ấy Ngài đã 80 tuổi. Con đường từ Rājagaha về Kusinārā ghi lại nhiều sự cố quan trọng. Tại Vesalī, Đức Điều Ngự "với cái nhìn của con voi chúa" đưa mắt quanh núi đồi thanh tú của xứ Vajjī lần sau cùng. Buổi trưa hôm đó tôn giả Ānanda vị thị giả của Ðức Như Lai cảm nhận sự rung chuyển mạnh của một cơn động đất trong khi đang thiền tịnh. Tôn giả đến gặp bậc Đạo Sư và từ kim khẩu của Phật tôn giả được biết rằng Đức Phật đã quyết định sẽ viên tịch sau 3 tháng tới. Không cầm được nước mắt, người đệ tử trung kiên nầy đã khẩn cầu Ðức Phật trụ thế lâu hơn. Đức Phật ôn tồn:

Này Ānanda, chúng Tỷ-kheo còn mong mỏi gì nữa ở Ta! Này Ānanda, Ta đã giảng Chánh pháp, không có phân biệt trong ngoài (mật giáo và không phải mật giáo), vì này Ānanda, đối với các Pháp, Như Lai không bao giờ là vị Ðạo sư còn nắm tay (còn giữ lại một ít mật giáo chưa giảng dạy). Này Ānanda, những ai nghĩ rằng: "Như Lai là vị cầm đầu chúng Tỷ-kheo"; hay "chúng Tỷ-kheo chịu sự giáo huấn của Như Lai" thời này Ānanda, người ấy sẽ có lời di giáo cho chúng Tỷ-kheo. Này Ānanda, Như Lai không nghĩ rằng: "Ta là vị cầm đầu chúng Tỷ-kheo; hay "chúng Tỷ-kheo chịu sự giáo huấn của Ta" thời này Ānanda, làm sao Như Lai lại có lời di giáo cho chúng Tỷ-kheo? Này Ānanda, Ta nay đã già, đã thành bậc trưởng thượng, đã đến tuổi lâm chung, đã đến tám mươi tuổi. Này Ānanda, như cỗ xe đã già mòn, sở dĩ còn chạy được là nhờ dây thắng chằng chịt, cũng vậy thân Như Lai được duy trì sự sống giống như chính nhờ chống đỡ dây chằng. Này Ānanda, chỉ trong khi Như Lai không tác ý đến tất cả tướng, với sự diệt trừ một số cảm thọ, chứng và an trú vô tướng tâm định, chính khi ấy thân Như Lai được thoải mái.

Rằm Tháng Giêng cũng được gọi là Ngày Pháp Bảo - Dhamma Day. Cùng với ngày Phật Bảo (đại lễ Rằm Tháng Tư) và ngày Tăng Bảo ( Lễ Kaṭhina tháng Mười.) Bởi vì nội dung kinh Giải Thoát Giáo được xem là tôn chỉ của Giáo Pháp nên đại lễ nầy được gọi là Ngày Pháp Bảo.

Thọ Trì Hạnh Đầu Đà là cách cúng dường bằng sự tu tập. Lời xưa Phật dạy ai hành trì chánh pháp là cúng dường Như Lai bằng cách cao thượng. Nay những đệ tử cúng dường Phật bằng một đêm tu học không ngủ. Chữ đầu đà là phạn âm của từ ngữ Dhutaṅga có nghĩa là pháp tiêu trừ phiền não. Có tất cả là 13 hạnh đầu đà. Quyển Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) giải thích tường tận về mỗi hạnh với hiệu năng đối trị những phiền não khác nhau. Hạnh đầu đà trong đại lễ là hạnh sau cùng của mười ba hạnh. Đây là pháp tiết chế sự mê ngủ bằng cách chỉ đi, đứng, ngồi chứ không nằm. Nói cách khác đây là một đêm không ngủ tu tập cúng dường Ðức Phật. Thiền sư Buddhadāsa ghi lại những kinh nghiệm bản thân khi Ngài thức đêm thiền định trong rừng: "thế giới về đêm quả có nhiều điểm kỳ diệu. Hình như trong sự yên tĩnh của màn đêm có cả bao nhiêu sự sống động tiềm ẩn. Những ai theo đuổi cuộc sống tinh thần không nên bỏ qua kinh nghiệm quí báu nầy." Tùy theo mỗi chùa, đêm đầu đà có thể bao gồm nhiều tiết mục tu học. Thường thì gồm có thuyết pháp, luận đạo, tụng kinh, kệ kinh, hành thiền, kinh hành ..v.v.. Nói chung là những sinh hoạt tu học khó tìm thấy ở những đại lễ khác.

Cúng đèn cũng là một nghi thức đặc biệt của đại lễ. Túc Sanh Truyện cho chúng ta biết không phải chỉ có trong thời Đức Phật đến nay mới có việc cúng đèn. Từ thời xa xưa đã có cách dúng dường như vậy. Nền văn minh Ấn hà có tục thờ lửa nên xem đèn như một lễ phẩm quan trọng trong nghi thức tôn giáo. Thời xưa đèn là một nhu yếu cho các pháp hội buổi tối. Vì thế cúng đèn cũng là cúng dường Pháp Bảo. Dù làm cho sáng hay cho đẹp thì theo lý Nhân Quả người cúng đèn có phước quả sanh làm người có gương mặt sáng lạn, ngoài ra nếu có nguyện lực cũng là nhân sanh trí huệ. Người Phật tử Việt nam xem hương, đăng, hoa, quả là bốn lễ phẩm cúng dường chính cho bàn thờ. Vì lễ thọ đầu đà tổ chức buổi tối nên cúng đèn mang lại không khí thiêng liêng đặt biệt. 28 ngọn đèn được thắp để cúng dường 28 vị Chánh Đẳng Chánh Giác như trong Buddhavamsa ghi chép. 108 ngọn đèn để tiêu tai bạt nghiệp từ 6 căn, 6 cảnh, 6 thức thuộc nội phần và ngoại phận trong ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai ((6+6+6) x 2 x 3 = 108). Tục cúng cúng sao giải hạn vào lễ Thượng Nguyên cũng lấy việc cúng đèn làm nghi thức chánh. Nói chung dù theo truyền thống hay tập tục thì lễ Thượng Nguyên vẫn có hai điểm nổi bật là cúng dường ngày Pháp Bảo và cầu an cho bản thân và gia đình.