Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

Ðại Hội Kết Tập Ðiển Kinh Lần Thứ Nhất

103

a) Nguyên nhân:

Ngài Mahākassapa nhận thấy Ðức Thế Tôn nhập Níp-bàn mới có một tuần lễ mà lại có chuyện không hay xảy ra trong Tăng đoàn. Chuyện là lúc ngài Mahākassapa và năm trăm Tỳ khưu đang chu du truyền đạo ở Pàvà và nghe tin loan truyền từ người này sang người nọ, là Ðức Thế Tôn viên tịch. Trước tin chẳng lành đó một số Chư Thánh Tăng điềm nhiên trong oai nghi tế hạnh, còn một số phàm Tăng thì buồn bã tiếc nuối bậc đạo sư rằng:

- Đức Thế Tôn Vô Dư Niết Bàn quá sớm, đấng Thiện Thệ Vô Dư Niết Bàn quá sớm, bậc Trí Tuệ đã biến mất trên đời quá sớm!

Rồi Chư Thánh Tăng an ủi và khuyến khích Chư Phàm Tăng bằng thuyết vô thường:

- Này các sư đệ, đủ rồi! Chớ có buồn rầu, chớ có than vãn nữa. Này các sư đệ, không phải điều ấy đã được đức Thế Tôn khuyến cáo và đề cập đến hay sao? Chính ngay với tất cả các vật thân yêu vừa ý đều có bản chất đa dạng, có bản chất không thật, và có bản chất thay đổi. Này các sư đệ, nhưng vì sao việc ấy lại có thể xảy ra ở đây? Bởi vì vật gì sanh lên, tồn tại, thay đổi, thuận theo pháp thế gian, (nếu nghĩ rằng): ‘Mong sao vật ấy chớ có bị hư hoại;’ sự kiện này không thể có được!

Tuy nhiên lúc đó có một vị Tỳ khưu lớn tuổi và mới xuất gia tên là Subhada chưa có niềm tịnh tín nơi bậc Đạo sư nên có những thái độ và những lời nói bất kính với Ðức Phật như sau:

- Này các vị, thôi đi! Chớ có buồn rầu, chớ có than vãn nữa. Chúng ta được hoàn toàn tự do rồi, chúng ta đã bị vị đại sa-môn ấy làm khó khăn rằng: ‘Điều này được phép cho các ngươi, điều này không được phép cho các ngươi.’ Giờ đây, điều gì chúng ta thích chúng ta sẽ làm điều ấy, điều gì chúng ta không thích chúng ta sẽ không làm điều ấy.

Câu nói của vị Tỳ khưu già đó tỏ ra xem thường giáo pháp và chưa gì thì muốn tách rời pháp luật của bậc đạo sư. Ngài Mahākassapa nghe như vậy cảm thấy xót xa và lo ngại cho tiền đồ của Phật giáo, nhưng Ngài làm ngơ để lo chu toàn việc an táng Ðức Thế Tôn. Sau khi an táng Thế Tôn xong, Ngài đem câu chuyện ấy trình bày lên Tăng chúng và nói lên sự lo ngại cho nền đạo pháp về sau:

- Nếu vậy thì từ nay phi pháp, phi luật sẽ phát huy, pháp và luật sẽ suy đồi; chủ trương phi pháp, phi luật sẽ nhiều, còn những chủ trương pháp luật sẽ bị giảm thiểu.

Cho nên với tư cách là một vị tăng được Ðức Thế Tôn ban cho là đệ tử nhất về "Hạnh đầu đà", ngài Mahākassapa không muốn đạo pháp mai một về sau, và liền đứng ra triệu tập 500 vị Thánh Tăng để kết tập. Tuy nhiên Ngài chỉ tuyển chọn được 499 vị nghĩa là còn thiếu một vị nữa. Ngài thấy không vị nào ngoài Ðại Ðức Ānanda được, vì Ðại Ðức là một vị làu thông Phật ngôn do Ðức Thế Tôn thuyết giảng trong suốt 45 năm. Tuy nhiên, Ðại Ðức chưa phải là bậc Thánh A La Hán vô lậu nên ngài Mahākassapa động viên Đại Đức, và chờ Đại Đức khi nào đạo quả viên mãn thì cuộc kết tập mới khai mạc.

b) Niên đại, địa điểm, vị chủ tọa và người bảo trợ

Niên đại chính xác của đại hội kết tập kinh điển lần thứ nhất là sau ba tháng Ðức Thế Tôn viên tịch.

Ngài Mahākassapa triệu tập đầy đủ 500 vị A La Hán với nhau tại thạch động Sattapaṇṇa trên núi Vebhāra ở thành Rājagaha để kết tập Phật ngôn.

Sau khi tuyển chọn thành phần kết tập và đã có địa điểm sẳn, Ngài Mahākassapa bắt đầu Tụng tuyên ngôn và đề nghị với Chư Thánh Tăng ba điều:

- Số lượng tham dự kết tập kỳ này chỉ chọn 500 vị mà thôi, trong thời gian kết tập không được thêm hoặc bớt.

- Chọn thạch động Sattapaṇṇa trên núi Vebhāra trong thành Rājagaha là địa điểm kết tập.

- Cấm tuyệt đối những vị Tỳ khưu nào không phải là thành viên kết tập kinh điển đến an cư kiết hạ mùa mưa tại thành Rājagaha. Lý do như vậy là đề phòng hai điều xảy ra:

a) chư vị kết tập sẽ gặp khó khăn trong vấn đề đi khất thực;

b) phòng ngừa sẽ có những vị ác tâm đến phá cuộc kết tập kinh điển.

Chư Thánh hiền Tăng đã thỏa thuận với nhau ba điều trên, rồi cùng nhau kéo đến thành Rajagaha yêu cầu nhà vua A Xà Thế (Ajātasattu) giúp đỡ bằng cách cho nới rộng 18 Tăng đường cho chư vị kết tập có chổ nghỉ ngơi. Ðức vua hoan hỷ nhận lời và đứng ra bảo trợ toàn bộ chi phí cuộc kết tập kinh điển.

Lúc này Ðại Ðức Ānanda cũng vừa đắc quả vị A La Hán nên đại hội bắt đầu khai mạc. Người chủ tọa kết tập Tam tạng lần thứ nhất là Trưởng lão Mahākassapa, đồng thời Ngài cũng là vị Vấn đạo sư về pháp luật. Trưởng lão Upāli đã từng được Ðức Phật tuyên dương trước đại chúng là đệ nhất về trí luật và đã thông thạo những điều giới luật Ðức Phật đã đặt ra, về thời gian, địa điểm và đối tượng phạm giới lúc Ngài còn sinh tiền, cho nên Ngài được chọn là vị đáp những câu hỏi của ngài Mahākassapa. Còn Trưởng lão Ānanda vốn đệ tử nhứt của Ðức Phật về hạnh đa văn, am tường những bài thuyết của Ðức Thế Tôn trong suốt 45 năm, do đó Chư Thánh Tăng chọn Ðại Ðức làm vị đáp về Kinh tạng lẫn Vi Diệu tạng.

c) Phương pháp kết tập

Trước tam vị tuyên ngôn xác định vai trò và vị trí của mình trong cuộc kết tập mà được Chư Thánh hiền tăng đã chọn lựa, ngài Mahākassapa lần lượt nêu từng điều luật tỉ mỉ và chi tiết như sau: "Này hiền giả Upāli! Nguyên nhân thế nào Thế Tôn cấm chế điều luật này? Ai phạm? Ðiều phụ chế của điều luật ấy thế nào? Thế nào là sự phạm tội trong những điều luật này?".

Ngài Upāli căn cứ trên những câu hỏi ấy mà đáp một cách rành mạch, theo thứ lớp. Mỗi câu trả lời của Ngài Upāli, Chư Thánh Tăng cùng tụng lại điều luật ấy. Nếu không thấy sự lầm lẫn gì trong câu đáp, các Ngài nhất trí nhau tuyên bố rằng đây là điều luật Thế Tôn cấm chế và ban hành. Áp dụng cách thức kết tập như vậy cho đến hết phần Luật tạng, và trong đại hội kết tập lần thứ nhất này phân Luật tạng ra làm năm phần lớn: Ādikamma, Pācittiya, Mahāvagga, Cullavagga, Parivāra.

Khi kết tập phần Kinh tạng, các Ngài nhất trí là bắt đầu bằng bài kinh Phạm Võng (Brahmajāla sutta). Ngài Mahākassapa vấn như sau: "Này hiền giả Ānanda! Nguyên nhân nào mà Thế Tôn thuyết bài kinh này? Ðịa điểm ở đâu? Ðối tượng thuyết giảng là ai? Nội dung của từng bài kinh là gì?"

Ðại Ðức Ānanda trả lời xong, rồi Chư Tăng bắt đầu cùng nhau tụng lại và xác nhận đây là lời của Thế Tôn. Cách thức như vậy cho đến phần Kinh tạng, đồng thời trong kỳ kết tập này các Ngài cũng phân ra năm bộ Nikàya. Cuộc kết tập này kéo dài bảy tháng mới hoàn thành.

Sau cuộc kết tập, Ðại Ðức Ānanda có bạch với Chư Thánh Tăng rằng lúc Như Lai sắp sửa viên tịch, Ngài có dạy: "Khi ta viên tịch các vị có thể bỏ bớt những giới học nào không quan trọng". Ngài Mahākassapa hỏi Ðại Ðức Ānanda học giới nào là không quan trọng, ngài Ānanda trả lời vì lúc Ðạo sư Níp-bàn, Ðại Ðức quá bận rộn nên không hỏi điều đó.

Ngài Mahākassapa với tư cách là chủ tọa liền tụng tuyên trước Chư Thánh Tăng như vầy:

- Này các sư đệ, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Có các điều học của chúng ta có liên quan đến hàng tại gia và hàng tại gia cũng biết rằng: “Điều này là được phép đối với các sa-môn Thích tử, điều này là không được phép.” Nếu chúng ta bỏ đi các điều học nhỏ nhặt và ít quan trọng, sẽ có những người nói rằng: “Các điều học đã được Sa-môn Gotama quy định cho các đệ tử đến lúc người được hỏa táng. Khi nào bậc Đạo Sư của họ còn tồn tại khi ấy họ còn học tập các điều học. Bởi vì bậc Đạo Sư của họ đã Vô Dư Niết Bàn nên giờ đây họ không còn học tập các điều học nữa.” Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng không nên quy định thêm điều chưa được quy định và không nên bỏ đi điều đã được quy định, hội chúng nên thọ trì và thực hành các điều học theo như đã được quy định. Đây là lời đề nghị.

Này các sư đệ, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Có các điều học của chúng ta có liên quan đến hàng tại gia và hàng tại gia cũng biết rằng: “Điều này là được phép đối với các sa-môn Thích tử, điều này là không được phép.” Nếu chúng ta bỏ đi các điều học nhỏ nhặt và ít quan trọng, sẽ có những người nói rằng: “Các điều học đã được Sa-môn Gotama quy định cho các đệ tử đến lúc người được hỏa táng. Khi nào bậc Đạo Sư của họ còn tồn tại khi ấy họ còn học tập các điều học. Bởi vì bậc Đạo Sư của họ đã Vô Dư Niết Bàn nên giờ đây họ không còn học tập các điều học nữa.” Hội chúng không quy định thêm điều chưa được quy định và không bỏ đi điều đã được quy định, hội chúng thọ trì và thực hành các điều học theo như đã được quy định. Đại đức nào đồng ý việc không quy định thêm điều chưa được quy định, việc không bỏ đi điều đã được quy định, việc thọ trì và thực hành các điều học theo như đã được quy định xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Hội chúng không quy định thêm điều chưa được quy định và không bỏ đi điều đã được quy định, hội chúng thọ trì và thực hành các điều học theo như đã được quy định. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét