Thứ Năm, 11 tháng 8, 2011

TRUYẾN THỐNG HIẾU HẠNH THEO KINH TẠNG PĀLI (TK. Định Phúc)





TRUYẾN THỐNG HIẾU HẠNH
THEO KINH TẠNG PĀLI
                                               TK. Định Phúc


Vu Lan, hai tiếng đã trở nên quá quen thuộc không chỉ đối với hàng Phật tử mà còn quá gần gũi đối với hầu hết những người dân Việt chúng ta. Trên thế giới, các nước phương Tây có một ngày dành riêng cho mẹ, một ngày riêng cho cha. Còn ở Việt Nam chúng ta thì một ngày để tưởng nhớ đến công ơn cha mẹ chính là ngày Vu Lan Báo Hiếu (rằm tháng 7 âm lịch).
Lễ Vu Lan được bắt nguồn từ câu chuyện đức Mục-kiền-liên cứu mẹ thanh đề trong truyền thống Phật Giáo Bắc Truyền. Trong kinh Vu Lan Bồn ghi lại rằng : Đức Phật dạy Ngài Mục Kiền Liên cúng dường vật thực đến tứ phương Tăng chúng vào ngày Tự tứ mãn mùa an cư kiết hạ của chư Tăng và hồi hướng phước báu đến cho mẹ của mình đang chịu kkhổ trong cảnh địa ngục.
Trong Kinh Tạng Nam Truyền không thấy đề cập đến vấn đề này. Và nếu có đi nữa thì ngày Vu Lan phải đổi sang ngày rằm tháng 9 mới đúng là ngày Tự tứ chư Tăng mãn hạ an cư. Tuy nhiên, trong Tạng Kinh có ghi lại một câu chuyện có ý nghĩa tương tự như thế để nói đến sự hồi hướng phước báu đến thân nhân quá vãng.
Câu chuyện ghi lại rằng: Một thuở nọ, Tôn giả Sāriputta, Tôn giả Mahāmoggallāna, Tôn giả Anuruddha và Tôn giả Kappina trú tại một khu rừng không xa Vương Xá thành lắm. Lúc bấy giờ, Tôn giả Sāriputta đang đi kinh hành trong đêm, có một nữ dạ xoa muốn đi đến yết kiến với Tôn giả nhưng các vị chư thiên bảo vệ tịnh xá không cho dạ xọa vào bên trong. Nữ dạ xoa nói với các chư thiên rằng : mình là mẹ của Tôn giả cách đây bốn kiếp về trước nên xin các vị ấy cho vào trong để thăm viếng ngài Tôn giả. Chư thiên nghe vậy cho nàng vào. Khi đã vào, nàng dạ xoa ấy đã hiện hình ra trước mặt Tôn giả ngay tại cuối con đường kinh hành. Nàng thuật lại câu chuyện quá khứ của mình, do đã tạo ác nghiệp mắng chửi, nguyền rủa các vị xuất gia nên phải chịu cảnh khổ như thế này. Dạ xoa cầu xin Tôn giả bố thí cúng dường vật thực và hồi hướng phước đến cho mình để thoát khỏi sự đau khổ.
Sáng hôm sau, nhân khi đi khất thực trong thành Vương Xá, các ngài đến gặp vua Bình-sa, và Ngài Mục-kiền-liên thuật lại câu chuyện ấy cho vua nghe. Nhà vua hoan hỷ phát tâm trong sạch hứa sẽ giúp Ngài Xá-lợi-phất. Vua truyền lệnh cho các quan dựng bốn tịnh thất trong khu rừng ngoại thành, và sửa soạn vật thực, đồ ăn, thức uống và y phục. Sau đó, nhà vua chuyển toàn bộ những thứ ấy đến Ngài Xá-lợi-phất. Nhân danh mẹ, Ngài Xá-lợi-phất bố thí cúng dường đến Đức Phật và Tăng đoàn, rồi hồi hướng công đức phước báu đến cho bà. Nhờ đó, bà được tái sinh vào cõi Trời Phạm Thiên.
(Chú giải Ngạ quỷ sự. Tích truyện Ngạ quỷ mẹ của ngài Xá-lợi-phất)

Mặc dù hai câu chuyện không giống nhau, hai truyền thống Phật Giáo không giống nhau nhưng cả hai đều đề cập đến một vấn đề, đó là cúng dường vật thực đến tứ phương Tăng chúng và hồi hướng phước báu đến thân mẫu quá vãng để được tái sanh về cảnh an vui.
Với tinh thần thiêng liêng của mùa Vu Lan báo hiếu, chắc hẳn những người con Phật không thể nào bỏ quên được một truyền thống tốt đẹp đã ăn sâu vào trong tâm thức của mỗi người con Việt Nam chúng ta. Vai trò là một người tu sĩ ly gia cắt ái, từ bỏ cuộc sống gia đình, chấp nhận cuộc sống không gia đình, tuy nhiên không thể nào phủ nhận mình đã từng là một người con, người cháu trong một gia đình được. Vì lẽ đó, hòa mình với không khí của mùa Vu Lan, xin sẻ chia với tất cả mọi người về tấm lòng hiếu thảo và ân đức của cha mẹ đã được Đức Thế Tôn truyền dạy trong Tam Tạng Kinh điển Pāli từ hàng ngàn năm về trước.
Với tinh thần của đạo Phật, cha mẹ không còn là bậc sinh thành thông thường như bao người thường nghĩ. Theo lời Phật dạy, cha mẹ chính là những vị Phạm thiên, những vị Đạo sư, những vị chư thiên và đáng được những người con lễ bái, cúng dường, cung phụng.
Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, các cha mẹ được các con đảnh lễ cúng dường ở trong nhà, những gia đình ấy được xem là giống như Phạm thiên. Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, các cha mẹ được các con đảnh lễ cúng dường ở trong nhà, những gia đình ấy được xem là giống như bậc Ðạo sư thời xưa. Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, các cha mẹ được các con đảnh lễ cúng dường ở trong nhà, những gia đình ấy, này các Tỷ-kheo, được xem là giống như chư Thiên thời trước. Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, các cha mẹ được các con đảnh lễ cúng dường ở trong nhà, những gia đình ấy được xem là đáng được cúng dường.
Phạm Thiên, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha; các bậc Ðạo sư thời xưa, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha; chư Thiên thuở xưa, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha; đáng được cung kính cúng dường, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, vì mẹ cha giúp đỡ rất nhiều cho các con, nuôi dưỡng chúng lớn và giới thiệu chúng vào đời này.
"Cha mẹ gọi Phạm Thiên,
Bậc Đạo sư thời trước,
Xứng đáng được cúng dường,
Vì thương đến con cháu.
Do vậy bậc hiền trí,
Đảnh lễ và tôn trọng.
Dâng đồ ăn và uống,
Vải mặc và giường nằm,
Thoa bóp (cả thân mình).
Tắm rửa cả chân tay.
Với sở hành như vậy,
Đối với mẹ và cha,
Đời này người hiền khen,
Đời sau hưởng thiên lạc"
(Tăng Chi Bộ Kinh 1, Chương Bốn Pháp, Phẩm Nghiệp Công Ðức, 
Phần Bằng Với Phạm Thiên, Trang 684)

Ân đức của cha mẹ cao quý như những vị trời, những vị đạo sư, chẳng những vậy công sức cha mẹ nuôi lớn đời con còn vô cùng vô tận được sánh như đại dương rộng bao la.
- Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, cái gì là nhiều hơn, sữa mẹ mà các Ông đã uống trong khi các Ông lưu chuyển luân hồi trong một thời gian dài, hay là nước trong bốn biển?
- Bạch Thế Tôn, theo như lời Thế Tôn thuyết pháp, chúng con hiểu rằng cái này là nhiều hơn, tức là sữa mẹ mà chúng con đã uống trong khi chúng con lưu chuyển luân hồi trong một thời gian dài chớ không phải nước trong bốn biển!
- Lành thay, lành thay, này các Tỷ-kheo! Lành thay, này các Tỷ-kheo, các Ông đã hiểu như vậy Pháp do Ta dạy! Cái này là nhiều hơn, này các Tỷ-kheo, tức là sữa mẹ mà các Ông đã uống trong khi các Ông lưu chuyển luân hồi trong một thời gian dài chớ không phải nước trong bốn biển.
(Tương Ưng Bộ Kinh 2, Chương IV - Tương Ưng Vô Thỉ, 
Phẩm Thứ Nhất, Phần Sữa, Trang 314)

Sữa mẹ nuôi lớn mình nhiều còn hơn nước trong bốn đại dương, ân đức cha mẹ ví như là ngọn lửa đem đến cho đời con nguồn sống, vì nhờ có cha mẹ nên mới có mình hiện hữu trong cái cõi đời này. Ân đức ấy cao vời khó mà đến đáp được trong muôn một. Và cho dù suốt cả đời con cũng không thể nào đáp trả lại ân tình máu mủ ấy.
Có hai hạng người, này các Tỷ-kheo, ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Mẹ và Cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, này các Tỷ-kheo, nếu một bên vai cõng cha, làm vậy suốt trăm năm, cho đến trăm tuổi; nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội, và dầu tại đấy, mẹ cha có vãi tiểu tiện đại tiện, như vậy, này các Tỷ-kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Hơn nữa, này các Tỷ-kheo, nếu có an trí cha mẹ vào quốc độ với tối thượng uy lực, trên quả đất lớn với bảy báu này, như vậy, này các Tỷ-kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Vì cớ sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, cha mẹ đã làm nhiều cho con cái, nuôi nấng, nuôi dưỡng chúng lớn, giới thiệu chúng vào đời này...
(Tăng Chi Bộ Kinh 1, Chương Hai Pháp, 
Phẩm Tâm Thăng Bằng, Phần Ðất, Trang 119)


Ân cha là như thế, nghĩa mẹ là như thế, làm con, mình phải biết vuông tròn phận sự của mình. Dù không đền đáp được trong trách nhiệm của mình là phải biết phụng dưỡng mẹ cha lúc về già, giúp đỡ mẹ cha và trở thành những đứa con hiếu thảo để làm mẹ cha vui lòng.
Khi thấy Singāla (Thi-ca-la-việt) mỗi buổi sáng, dậy sớm đảnh lễ sáu phương, đúng theo lời dặn của người cha để lại, đức Phật thấy rõ sự vô ích của lễ nghi và Ngài đã giải thích theo hướng chuyển thành hành động đúng bổn phận của mình. Phương Đông chỉ cho cha mẹ và con cái, phương Nam chỉ cho sư trưởng, phương Tây chỉ cho vợ chồng, phương Bắc chỉ cho bạn bè, phương Dưới chỉ cho kẻ phục vụ và phương Trên chỉ cho Sa môn, Bà-la-môn. Và hành động ở đây có nghĩa là bổn phận của người con đối với cha mẹ, và cha mẹ đối con, chỉ cho phương Đông; bổn phận thầy đối với trò, trò đối với thầy, chỉ phương Nam, v.v...: Như vậy, người con có năm bổn phận đối với cha mẹ:
"Ðược nuôi dưỡng, tôi sẽ nuôi dưỡng lại cha mẹ;
tôi sẽ làm bổn phận đối với cha mẹ;
tôi sẽ gìn giữ gia đình và truyền thống;
tôi bảo vệ tài sản thừa tự;
tôi sẽ làm tang lễ khi cha mẹ qua đời".
(Trường Bộ Kinh 2, Kinh Giáo Thọ Thi-Ca-La-Việt, Trang 541)

Lại nữa, không chỉ có bấy nhiêu, người con có hiếu nếu biết quan tâm chăm sóc cha mẹ còn phải lo lắng đến cuộc sống của cha mẹ không chỉ trong đời sống hiện tại mà lo luôn cho cha mẹ trong đời sống ở tương lai. Nghĩa là an trú cha mẹ vào trong chánh pháp, vào trong thiện pháp, có như thế mới được gọi là người con đền đáp ân đức của cha mẹ.
...Này các Tỷ-kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn an trú các vị ấy vào lòng tin; đối với mẹ cha theo ác giới, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào thiện giới; đối với mẹ cha xan tham, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào bố thí; đối với mẹ cha theo ác trí tuệ, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào trí tuệ. Cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo, là làm đủ và trả ơn đủ mẹ và cha.
(Tăng Chi Bộ Kinh 1, Chương Hai Pháp, 
Phẩm Tâm Thăng Bằng, Phần Ðất, Trang 119)


Trách nhiệm của người con là thế, khi biết hiếu thảo với cha mẹ thì chính là người con biết tự lo cho bản thân mình bởi vì hiếu hạnh là một truyền thống tốt đẹp, một phước báu đặc thù sẽ có quả báu lớn.
Bà-la-môn Màtaposka đến hỏi đức Phật:
"Thưa Tôn giả Gotama, tôi tìm món ăn thiết thực theo thường pháp. Sau khi tìm món ăn thiết thực theo thường pháp, tôi nuôi dưỡng mẹ cha. Thưa Tôn giả Gotama, tôi làm như vậy, tôi có làm đúng trách nhiệm không?".
"Này Bà-la-môn, người làm như vậy là có làm đúng trách nhiệm: Này Bà-la-môn, ai tìm món ăn, thiết thực theo thường pháp, lại nuôi dưỡng mẹ cha, người ấy được nhiều công đức".
"Người này theo thường pháp,
Nuôi dưỡng mẹ và cha,
Chính do công hạnh này,
Đối với cha và mẹ,
Nhờ vậy, bậc Hiền thánh,
Trong đời này tán thán,
Sau khi chết, được sanh
Hưởng an lạc chư Thiên".
(Tương Ưng Bộ Kinh 1, Chương VII - Tương Ưng Bà La Môn, 
Phẩm Cư Sĩ, Phần Nuôi Dưỡng Mẹ, Trang 398)


Hãy nuôi dưỡng mẹ cha,
Hợp pháp và đúng pháp,
Và cũng đúng với pháp,
Hãy làm nghề buôn bán,
Người gia chủ như vậy,
Sở hành không phóng dật,
Ðược sanh làm Thiên nhân,
Tên là: "Tự chói sáng". (Sn.404)

Và Thiên chủ Đế Thích sakka, cũng do nhờ làm việc thiện từ trong đời quá khứ, trong đó có việc phụng dưỡng mẹ và cha nên được sanh làm Thiên chủ. Chính điều này đã được Đức Phật xác nhận.
- Này các Tỷ-kheo, thuở xưa, khi Thiên chủ Sakka còn làm người, vị này chấp trì và thật hành bảy cấm giới túc. Nhờ chấp trì bảy cấm giới túc này, Sakka được địa vị Sakka. Bảy cấm giới túc là gì?
"Cho đến trọn đời, tôi hiếu dưỡng cha mẹ. Cho đến trọn đời, tôi kính trọng gia trưởng. Cho đến trọn đời, tôi nói lời nhu hòa. Cho đến trọn đời, tôi không nói lời hai lưỡi. Cho đến trọn đời, với tâm ly cấu uế và xan tham, tôi sống trong gia đình với tâm bố thí, với tay sạch sẽ, hoan hỷ thí xả, nhiệt tình đáp ứng các yêu cầu, sung sướng phân phối vật bố thí. Cho đến trọn đời, tôi nói lời chân thực. Cho đến trọn đời, tôi không phẫn nộ, nếu tôi có phẫn nộ, tôi sẽ mau chóng dẹp trừ phẫn nộ ấy".
- Này các Tỷ-kheo, thuở xưa, khi Thiên chủ Sakka còn làm người, vị này chấp trì và thật hành bảy cấm giới túc. Nhờ chấp trì bảy cấm giới túc này, Sakka được địa vị Sakka.
Ai hiếu dưỡng cha mẹ,
Kính trọng bậc gia trưởng,
Nói những lời nhu hòa,
Từ bỏ lời hai lưỡi,
Chế ngự lòng xan tham,
Là con người chân thực,
Nhiếp phục được phẫn nộ,
Với con người như vậy,
Chư Thiên tam thập tam,
Gọi là bậc Chơn nhơn.
(Tương Ưng Bộ Kinh 1. Chương XI – Tương Ưng Sakka. 
Phẩm Thứ Hai. Phần Chư Thiên Hay Cấm Giới. Trang 288)

Quả thật như thế, phước báu do người con biết tôn kính cha mẹ, biết phụng dưỡng cha mẹ thì thật là to lớn bởi vì cha mẹ chính là những bậc ân nhân khả kính, cha mẹ là bậc đáng cho những người con lễ bái. Bằng ngược lại, những người con nào không biết hiếu thuận với cha mẹ thì chắc hẳng rằng sẽ bị đau khổ trong đời vị lai. Là một vị Chánh Đẳng Giác, Đức Thế Tôn Ngài thấy rõ tâm tánh mỗi chúng sanh, biết rõ sở hành của mỗi chúng sanh nên ngài đã nhận xét rằng “người có hiếu rất ít”.
- Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, cái nào là nhiều hơn, một ít đất Ta lấy lên trên đầu móng tay, hay là quả đất lớn này?
- Cái này là nhiều hơn, bạch Thế Tôn, tức là quả đất lớn này. Còn ít hơn là một ít đất Thế Tôn lấy lên trên đầu móng tay. Chúng không có thể ước tính được, không có thể so sánh được, không có thể thành một phần nhỏ được, nếu đem so sánh quả đất lớn với một ít đất được Thế Tôn lấy lên trên đầu ngón tay.
- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh có hiếu kính với mẹ. Và nhiều hơn là các chúng sanh không hiếu kính với mẹ.
... - Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh có hiếu kính với cha. Và nhiều hơn là các chúng sanh không hiếu kính với cha.
(Tương Ưng Bộ Kinh 5, Chương XII - Tương Ưng Sự Thật, Phẩm Bánh Xe Lược Thuyết, Phần Hiếu Kính Mẹ - Hiếu Kính Cha, Trang 675)

Một trường hợp được ghi nhận lại trong Kinh Tạng, cho thấy rằng một vị Bà la môn già có bốn người con, nhưng bốn đứa con này đã nghe lời vợ của chúng, không chịu cung phụng, chăm sóc cha của mình và đã đuổi cha của mình ra khỏi nhà. Ông Bà la môn ra đi đến nơi Đức Thế Tôn đang ngự, trình bày với Thế Tôn mọi việc và Ngài đã dạy cho ông ta một bài kệ với lời dạy là : hãy đọc bài kệ này giữa hội chúng thính pháp. Rồi khi hội chúng đang ngồi tại hội trường thính pháp, có cả những đứa con của mình, ông Bà la môn đã đứng dậy đọc bài kệ đã thọ trì từ nơi Đức Thế Tôn.
Khi chúng sanh, tôi mừng,
Tôi muốn chúng sinh thành.
Cùng vợ, chúng âm mưu,
Chống tôi và đuổi tôi,
Chẳng khác gì con chó,
Xua đuổi bầy heo lợn.
Ác độc và lỗ mãng,
Chúng gọi tôi: "Cha thân".
Chúng thật quỷ Dạ-xoa,
Ðội lốt là con tôi,
Và chúng trục xuất tôi,
Khi tôi đến tuổi già,
Như ngựa già, suy nhược,
Bị tẩn xuất chuồng ăn.
Nay cha già bọn trẻ,
Phải ăn xin nhà người.
Thà cho tôi cái gậy,
Hơn lũ con bất hiếu.
Với gậy, chận bò dữ,
Chận được loài chó dữ.
Chỗ tối, dò an toàn,
Chỗ sâu, tìm chân đứng,
Với sức mạnh chiếc gậy,
Vấp ngã, đứng dậy được.
(Tương Ưng Bộ Kinh 1. Chương VII – Tương Ưng Bà La Môn. Phẩm Cư Sĩ. 
Phần Đại Phú Giả Hay Y Choàng Thô. Trang 218)

Sau khi nghe như thế, những đứa con hổ thẹn và đón cha về gia đình để chăm sóc và phụng dưỡng. Do nhờ Thế Tôn giáo hóa, những đứa con này đã không đi quá sâu vào tội lỗi, và sẽ không bị ăn năn một khi sự việc đã quá muộn màng như trường hợp của thái tử A-xà-thế đã giết phụ hoàng của mình để chiếm ngôi.
Thái tử A-xà-thế nghe theo lời xúi dục của Tỳ-kheo Đề-bà-đạt-đa, thái tử sẽ giết cha để xoán ngôi, còn Đề-bà-đạt-đa sẽ hãm hại Đức Phật để nhận quyền thống lĩnh Tăng đoàn. Thái tử lập mưu giết vua cha xoán ngôi nhưng bại lộ, chẳng những phụ vương không ép tội mà còn chấp nhận thoái vị, truyền ngôi cho thái tử. Lẽ ra đã đoạt được điều mong ước, thái tử phải biết tri ân và phụng dưỡng phụ hoàng chu đáo, nhưng không ngờ tân vương vừa lên ngôi đã bắt giam phụ hoàng của mình vào trong ngục tối.
Hoàng hậu thương xót chồng nên thường xuyên đến chăm sóc, được một thời gian thì bị chính đứa con của mình cấm không cho đem thức ăn vào nhà ngục nữa. Hoàng hậu lén giấu thức ăn vào búi tóc đem vô cho vua nhưng cũng bị phát hiện. Hết cách, hoàng hậu phải tắm rửa sạch sẽ rồi thoa mật ong, những thực phẩm thượng vị lên thân thể của mình, rồi đi vào ngục thất, dùng những chất bổ dưỡng ấy cho chồng của mình sống qua tháng ngày. Sự việc ấy cũng bại lộ, hôn quân ngỗ nghịch cấm không cho mẫu hậu vào thăm vua cha nữa.
Một ngày nọ, A-xà-thế cho một người đem dao kéo đến ngục thất, vua cha thấy vậy tưởng con mình đã hồi tâm chuyển ý nên cho người đến cắt tóc, đón mình về cung. Ai ngờ, chính niềm vui ấy đã làm vua cha lầm tưởng. Người thợ ấy được lệnh ông vua con vào trong ngục thất để cắt gót chân của vua cha, xát muối vào trong gót chân và hơ trên lửa nóng. Ôi đau đớn, ôi xót xa. Đau đớn vì vết thương hành hạ thể xác, xót xa vì chính đứa con thân yêu của mình sai người giết mình.
Cùng lúc ấy, ông vua trẻ nhận được tin hoàng hậu của mình đã sanh một hoàng nam. Niềm vui tràn ngập đối với vị vua trẻ lần đầu tiên làm cha. Vua A-xà-thế bồng con đến với mẫu hậu, đã hỏi mẫu hậu xem phụ hoàng có từng thương yêu mình như mình yêu thương con của mình không?
Mẫu hậu kể lại câu chuyện về tình thương của vua cha dành cho thái tử khi thái tử chưa lọt lòng. Khi ấy, các vị quan chiêm tinh đoán biết sau này vị thái tử sinh ra sẽ là người giết cha xoán ngôi nên có ý định khuyên hoàng hậu nên phá thai. Vua cha không chịu. Hoàng hậu cũng đôi lần có ý định như thế rồi đức vua cũng cản ngăn và sẵn sàng chấp nhận sự việc ấy. Đến khi thái tử được vài tuổi, thái tử bị nổi mụn nhọt trên tay, đau nhức khóc lóc dữ dỗi, vua cha đau lòng không biết làm sao nên đã ngậm ngón tay ấy vào trong miệng để thái tử bớt đau nhức. Và đúng như vậy, thái tử đã nín thật. Nhưng mụn nhọt ấy đã chính mùi, máu mủ vỡ ra, vua cha không nỡ bỏ ra để con đau nhức nên đã nuốt luôn những máu mủ hôi thúi ấy vào trong miệng. Mẫu hậu nói với vua con rằng : khó mà kiếm được một người cha thương con hết mình như thế.
Nghe qua câu chuyện của mẫu hậu kể, vị vua trẻ cảm thấy thương cha và hối hận nên liền hối hả chạy đến ngục thất ra lệnh thả phụ hoàng ra. “Thả phụ hoàng ta ra! Thả phụ hoàng ta ra!” Lời vua trẻ sao mà thống thiết nhưng đã muộn rồi, vị thánh vương đã ra người thiên cổ.
Câu chuyện thật đau lòng về hình ảnh vị cha già bị chính đứa con thân yêu của mình giam lỏng và giết hại. Tấm lòng người cha lúc nào cũng bao dung, rộng lượng đối với con cái. Hỵ vọng rằng, với hai mẫu chuyện trên sẽ là những bài học để tự chúng ta kiểm điểm lại chính mình, xem mình đã và đang đối xử với song thân của chúng ta ra sao?
Và ở nơi đây, trong phạm vi bài viết này chỉ trích dẫn một số trích đoạn Kinh điển Pāli đề cập đến công ơn cha mẹ và trách nhiệm của người con phải biết tri ân và báo ân đối với ân đức sinh thành dưỡng dục ấy. Và cách báo hiếu cao quý nhất không phải là cung phụng những món vật dụng cao sang, những món tiền kếch xù mà chính là an trú cha mẹ vào trong thiện pháp, vào trong Chánh Pháp để cha mẹ hướng đến một con đường nội tâm thanh khiết, bỏ sạch mọi phiền não để đạt đến sự giải thoát khỏi mọi sanh tử khổ đau.
Xin kính chúc tất cả quý vị một mùa Vu Lan thật cao quý và đầy đủ ý nghĩa theo như lời Đức Từ Phụ đã dạy. Xin nguyện tất cả phước báu phát sanh đến cho các bậc song thân của tất cả chúng ta, cầu mong các vi ấy luôn được an vui và tiến hóa trong Phật Pháp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét