Có thể nói rằng, ở những đạo tràng hay sinh hoạt chùa chiền thì người phụ nữ tham gia nhiều hơn là các nam nhân. Đó là một điều không ai chối cãi được. Nói đến người nữ, hẳn nhiên từ cổ chí kim, từ xưa cho đến nay vẫn còn tồn tại vấn đề bình đẳng giới và nữ quyền mà đa số họ có phần bị bất công trong các nền văn hóa và tôn giáo phương Đông. Chưa từng có một cuộc cách mạng để giải phóng quyền lợi, vai trò của người nữ trong xã hội cũng như đề cập đến đời sống tâm linh của họ. Và chính Phật giáo đã làm được điều đó.
Đức Thế Tôn - bậc thầy thông suốt cả tam giới – Ngài đã nâng cao vai trò của người nữ ngang tầm với nam nhân, Ngài xóa bỏ vách ngăn kỳ thị giới tính và giải thoát người nữ của xã hội Ấn Độ bấy giờ có được một đời sống tâm linh phong phú. Bằng chứng cụ thể là việc Ngài chấp nhận cho người nữ gia nhập vào Tăng đoàn và trở thành những thành phần quan trọng trong việc duy trì Giáo Pháp được tồn tại lâu dài.
Ở đây, này Kimbila, khi Như Lai nhập diệt, các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sống tôn trọng và vâng lời bậc Ðạo sư; sống tôn trọng và vâng lời Pháp; sống tôn trọng và vâng lời chúng Tăng; sống tôn trọng và vâng lời học pháp; sống tôn trọng và vâng lời lẫn nhau. Ðây là nhân, đây là duyên, này Kimbila, khi Như Lai nhập diệt, diệu pháp được tồn tại lâu dài.[1]
Nữ giới trong xã hội Ấn Độ bấy giờ được xem là không xứng đáng để hưởng bất luận điều gì cao hơn hàng tôi tớ của chồng, của cha, hay của anh. Họ không bao giờ được sắp ngang hàng với nam giới trong xã hội. Điều này dẫn đến một tư tưởng thật cổ hủ: “Sinh con gái là một điều bất hạnh - còn hơn vậy nữa - là một đại họa”. Quan kiến hẹp hòi này không phải chỉ có ở người dân thường mà nó còn tồn tại trong cả hàng vua chúa. Đức Phật đã cải chính sự tin tưởng rằng sanh ra một bé gái không đem đến sự mừng rỡ bằng sanh một bé trai. Đức Phật đã chỉ rõ vai trò quan trọng và xứng đáng của người phụ nữ trong xã hội và Ngài đã khẳng định vai trò đó với sự sáng suốt và làm thích nghi vai trò của họ một cách hài hòa trong cơ cấu của xã hội. Họ là những thành viên đáng yêu thích trong cuộc sống tại gia, giữ nhiều sự liên hệ trong gia tộc và được mọi người quý trọng như một người mẹ của đàn con ngoan.
Một ngày nọ, vua Pasenadi xứ Kosala đến hầu Phật như thông thường vua vẫn đến và đàm đạo với Ngài. Vào lúc ấy có tin báo là Hoàng hậu Mallikā hạ sanh con gái. Nghe tin này vua tỏ vẻ khó chịu, sắc mặt trở nên ủ dột âu lo và phiền muộn. Nhìn thấy vậy đấng Toàn Giác mở lời khuyên:
Này Nhân chủ, ở đời,Có một số thiếu nữ,Có thể tốt đẹp hơn,So sánh với con trai,Có trí tuệ, giới đức,Khiến nhạc mẫu thán phục.Rồi sinh được con trai,Là anh hùng, quốc chủ,Người con trai như vậy,Của người vợ hiền đức,Thật xứng là Ðạo sư,Giáo giới cho toàn quốc.[2]
Lời tuyên bố của Bậc Đạo Sư như một phán quyết đanh thép xóa tan quan niệm trọng nam khinh nữ của nền văn hóa cổ hủ. Ngài nâng cao vai trò và giá trị của người nữ như là một món quà tối thượng ở thế gian[3]. Và một lần nữa, Tỳ-khưu ni Somā đã hùng hồn tuyên bố với ác ma, khiến cho ác ma phải kính nể.
Ác ma muốn làm Tỳ-khưu ni Somā run sợ, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, muốn nàng từ bỏ Thiền định, liền đi đến Tỳ-khưu ni Somā; và nói lên bài kệ:
Ðịa vị khó chứng đạt,Chỉ Thánh nhân chứng đạt,Trí nữ nhân hai ngón,Sao hy vọng chứng đạt?
Tỳ-khưu ni Somā biết được đây là ác ma, liền nói lên bài kệ:
Nữ tánh chướng ngại gì,Khi tâm khéo Thiền định,Khi trí tuệ triển khai,Chánh quán pháp vi diệu?Ai tự mình tìm hỏi :"Ta, nữ nhân, nam nhân,Hay ta là ai khác?"Xứng nói chuyện Ác ma,Ác ma thật cân xứng.[4]
Ðức Phật phát huy một cuộc cải cách tư tưởng và trong lối cảm xúc của đại chúng bằng cách công khai và can đảm tuyên bố rằng người nữ không có gì là thấp kém hơn người nam, và trên con đường đức hạnh toàn hảo và trí tuệ thâm sâu dẫn đến Níp-bàn, vừa khó khăn vừa khổ nhọc, nam và nữ vẫn ngang nhau. Sự kiện chấp nhận cho nữ giới bước vào tăng đoàn đã chứng minh được điều ấy.
Sau nhiều lần xin cho người nữ được xuất gia trong giáo pháp của đức thế tôn nhưng đều bị khước từ, Tôn giả Ānanda đã bạch hỏi:
- Bạch ngài, sau khi rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố, người nữ có khả năng chứng đạt quả vị Nhập Lưu, hoặc quả vị Nhất Lai, hoặc quả vị Bất Lai, hoặc quả vị A-la-hán hay không?- Này Ānanda, sau khi rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố, nữ nhân có khả năng chứng đạt quả vị Nhập Lưu, quả vị Nhất Lai, quả vị Bất Lai, luôn cả quả vị A-la-hán.- Bạch ngài, nếu sau khi rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố, người nữ có khả năng chứng đạt quả vị Nhập Lưu, quả vị Nhất Lai, quả vị Bất Lai, luôn cả quả vị A-la-hán nữa; bạch ngài, bà Mahāpajāpati Gotamī có nhiều công đức đối với đức Thế Tôn, là dì ruột, là người chăm sóc, là người nuôi dưỡng, là người cho sữa, bà đã cho đức Thế Tôn bú sữa khi người mẹ ruột qua đời. Bạch ngài, tốt đẹp thay người nữ có thể đạt được sự xuất gia rời nhà sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố.[5]
Thế Tôn nhận lời thỉnh cầu cho Di mẫu Mahāpajāpati Gotamī xuất gia Tỳ-khưu ni nếu như Di mẫu chấp nhận thọ trì Bát Kỉnh Pháp. Đó là sự kiện thành lập Ni đoàn, chính thức chấp nhận nữ giới xuất gia vào trong Giáo Pháp của Đức Thế Tôn. Như biển chỉ có duy nhất một vị mặn và Giáo Pháp của đức Như Lai cũng chỉ có duy nhất một vị, đó là vị giải thoát[6], người nữ cũng có thể tu tập và chứng đắc quả vị giải thoát như nam nhân.
Bên cạnh Đức Thế Tôn có hai vị thượng thủ thinh văn và các vị trưởng lão đại thinh văn với các đặc hạnh ưu việt, và các vị trưởng lão Tỳ-khưu ni cũng có nhiều vị có các đặc hạnh đặc biệt bên hàng ni chúng được Đức Thế Tôn tuyên bố và tán dương giữa hội chúng như là: Tỳ-khưu ni Khemā – đệ nhất về trí tuệ, Tỳ-khưu ni Uppalavannā – đệ nhất về thần thông, Tỳ-khưu ni Paṭācārā – đệ nhất về trì luật, Tỳ-khưu ni Dhammadinnā – đệ nhất về thuyết pháp[7] và còn rất nhiều vị Tỳ-khưu ni khác nữa. Ngoài ra, hàng cận sự nữ cũng nhiều vị được tuyên dương như là: Sujātā Seniyadhītā – vị tín nữ đầu tiên quy y Tam Bảo, Visākhā Migāramātā – đệ nhất hạnh bố thí, nàng Khujjuttarā – đệ nhất về nghe nhiều, hoàng hậu Sāmāvatī – đệ nhất về từ tâm, nữ gia chủ Nakulamātā – đệ nhất về nói chuyện một cách thân mật[8]…
Nam hay nữ chỉ nói lên được giới tính của họ nhưng với phương diện giải thoát thì bất kể nam hay nữ cũng đều như nhau. Một khi anh hay chị có chí nguyện giải thoát, tu tập để giác ngộ thì xem như chung một chuyến xe, chung một chuyến đò vượt qua bờ kia của cuộc trầm luân.
Ðường ấy tên chơn trực,Phương ấy danh vô úy,Cỗ xe gọi vô thanh,Với pháp luân khéo ráp,Tàm là dàn xe dựa,Niệm là trướng màn xe,Ta nói vị đánh xe,Tức là chơn diệu pháp,Và chính chánh tri kiến,Mau chóng đi tiền phong.Không kể nam hay nữ,Ðều dùng cỗ xe ấy.Chính nhờ cỗ xe ấy,Hướng tiến đến Niết-bàn.[9]
Những gì vừa trình bày ở trên chỉ là một trong số những lời dạy của Đức Phật về người nữ đủ để khẳng định rằng họ cũng chẳng thua kém gì người nam về khả năng tu chứng và giải thoát. Riêng về vai trò của người nữ trong gia đình và xã hội, Đức Thế Tôn còn có nhiều thời Pháp thoại, những lời dạy súc tích để giúp cho những người mẹ, người vợ có lấy đó làm hành trang riêng của mình. Giải thoát khỏi người nữ khỏi vị trí thấp hèn, Đức Thế Tôn còn hướng dẫn cho họ con đường và những phương pháp để có được vị trí cao và thành công trong xã hội ngay cả đời hiện tại mà cả trong kiếp vị lai cũng như thế. Để làm được điều đó, người nữ cần phải thường xuyên trào dồi các đức tính sau:
1. Có tâm đạo nhiệt thành.2. Có tâm hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi.3. Không nuôi dưỡng tâm địa ác độc, oán thù và sân hận.4. Không ghen tuông bóng gió.5. Không cãi vả mà nên có lòng rộng lượng.6. Nhã nhặn trong mọi hành vi.7. Đầy đủ đức hạnh.8. Học hỏi để nâng cao kiến thức, nhất là sự hiểu biết.9. Nhiệt tình và sốt sắng trong công việc.10. Luôn phòng hộ tâm và khôn khéo trong xử sự.11. Có trí tuệ hiểu biết.[10]Ðời này, ai tăng trưởng,Lòng tin và giới hạnh,Với trí tuệ, thí xả,Với nghe nhiều, cả hai;Vị nữ cư sĩ ấy,Với giới hạnh như vậy,Nắm giữ được lõi cây,Cho tự mình ở đời.[11]
Đức Phật được gia chủ Uggaha thỉnh mời về tư gia để cúng dường và Ngài đã dạy cho những người con gái sắp lấy chồng năm điều để họ suy ngẫm trước ngưỡng cửa hôn nhân:
- Ðối với những người chồng nào, mẹ cha cho các con, vì muốn lợi ích, vì tìm hạnh phúc, vì lòng thương tưởng, vì lòng từ mẫn khởi lên, đối với vị ấy, chúng ta sẽ thức dậy trước, chúng ta sẽ đi ngủ sau cùng, vui lòng nhận làm mọi công việc, xử sự đẹp lòng, lời nói dễ thương- Những ai, chồng ta kính trọng, như mẹ, cha, Sa-môn, Bà-la-môn, chúng ta sẽ tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường và khi họ đến, chúng ta sẽ dâng hiến họ chỗ ngồi và nước.- Phàm có những công nghiệp trong nhà, hoặc thuộc về len vải hay vải bông, ở đây, chúng ta sẽ phải thông thạo, không được biếng nhác, tự tìm hiểu phương pháp làm, vừa đủ để tự mình làm, vừa đủ để sắp đặt người làm.- Trong nhà người chồng, phàm có nô tỳ nào, hay người đưa tin, hay người công thợ, chúng ta sẽ phải biết công việc của họ với công việc đã làm; chúng ta sẽ phải biết sự thiếu sót của họ với công việc không làm. Chúng ta sẽ biết sức mạnh hay sức không mạnh của những người đau bệnh. Chúng ta sẽ chia các đồ ăn, loại cứng và loại mềm, mỗi người tùy theo phần của mình.- Phàm có tiền bạc, lúa gạo, bạc và vàng người chồng đem về, chúng ta cần phải phòng hộ, bảo vệ chúng, và sẽ gìn giữ để khỏi ăn trộm, ăn cắp, kẻ uống rượu, kẻ phá hoại.[12]
Nhan sắc của nữ nhân có thể làm cho trái tim của bao người điên đảo, từ kẻ bần dân cho đến các hàng vua chúa đều phải lụy với sắc đẹp của bao giai nhân tuyệt sắc. Đây là thứ vũ khí lợi hại nhất mà rất nhiều người phải bị dính "độc hoa tình". Giàu sang, tiền bạc và của cải cũng là thứ vũ khí giúp sức cho người nữ rất nhiều, và bên cạnh đó là sự giúp sức của bà con họ hàng càng làm cho sức mạnh tăng thêm gấp bội lần. Tuy nhiên, nhan sắc có thể phai tàn theo thời gian, tài sản, bà con có thể sẽ mất đi theo năm tháng, có được con trai (theo quan niệm xa xưa là để thờ cúng ông bà) thì những cái đó không cao quý bằng sức mạnh về giới hạnh của người phụ nữ[13]. Đó là một sức mạnh tiềm tàng bên trong rất đáng được trân quý và gìn giữ. Chính đức hạnh của người nữ sẽ giúp cho họ dễ dàng chinh phục mọi người, là tâm điểm của mọi hoạt động và để lại hình ảnh người phụ nữ có tài có đức trong trái tim những người đàn ông.
Và này các Tỷ-kheo, đầy đủ năm đức tánh này, một nữ nhân hoàn toàn khả ý đối với người đàn ông. Thế nào là năm? Có nhan sắc, có tài sản, có giới hạnh, lanh lợi, không biếng nhác, có sanh con. Ðầy đủ năm đức tánh này, này các Tỷ-kheo, một nữ nhân hoàn toàn khả ý đối với người đàn ông.[14]
Chính vì có sức mạnh nên nữ nhân sẽ có được những thành công rực rỡ trong cuộc sống xã hội bên ngoài cho cho đến thành công trong việc tạo dựng và gìn giữ hạnh phúc gia đình. Vai trò của người nữ càng ngày càng được cải thiện hóa trong vai trò của một nữ chủ nhân, thậm chí có thể điều hành một bộ máy nhà nước, một tập đoàn… và cho đến cơ quan nhỏ nhất chính là gia đình của chính mình.
Để có thể đạt đến sự thành công ở tương lai, người phụ nữ ngoài việc trao dồi phẩm hạnh, đạo đức còn phải tạo cho mình có được niềm tin chân chánh, có được giới đức, có sự xả tài và có được trí tuệ. Để có được những điều đó thì thật không phải là một chuyện một sớm một chiều. Tuy nhiên, nếu có nghị lực và sức mạnh, người nữ sẽ đạt đến sự thành công, sẽ có được một sức mạnh về vẻ đẹp bên ngoài mà còn có được vẻ đẹp về nội tâm. Đẹp về tâm hồn, đẹp về thể xác mà còn biết gìn giữ hạnh phúc gia đình, lo lắng cho gia đình… tất cả những sức mạnh đó của người phụ nữ chính là thứ vũ khí lợi hại nhất mà người phụ nữ có được.
Điển hình là tín nữ Visākhā, là con gái của một gia đình triệu phú giàu sang nhưng khi được gả về nhà chồng, nàng trở thành một người con dâu hiếu thảo, một người vợ ngoan hiền khiến cho ai cũng mến thương. Tương truyền rằng, trước lúc về nhà chồng, cha mẹ của nàng đã trao cho nàng món “của hồi môn” tốt đẹp nhất, đó chính là những lời giáo huấn được ghi lại trong Chú giải Kinh Pháp Cú qua những lời huấn dụ của cha nói với bà đại thí chủ Visākhā vào ngày bà lấy chồng :
Không đem lửa trong nhà ra ngoài.Không đem lửa ở ngoài vào nhà.Chỉ cho những người đáng được cho.Không cho những người không đáng cho.Cho cả hai hạng người, đáng cho và không đáng cho.Ngồi một cách vui vẻ.Ăn một cách vui vẻ.Ngủ một cách an lạc.Trông nom, gìn giữ lửa.Tôn trọng các vị trời ở trong nhà.
Ngụ ý những lời dạy trên như sau :
Lửa ở đây ngụ ý những lời phỉ báng, vu cáo. Một người vợ không nên nói xấu chồng và gia đình chồng cho người khác nghe; cũng như không nên nói những khuyết điểm hay những cuộc cãi cọ ở trong nhà chồng cho người khác nghe.
Không nên nghe ngóng ở ngoài đường hay những người láng giềng nói xấu gia đình bên chồng rồi đem về nhà mà thuật lại cho gia đình bên chồng nghe.
Chỉ nên cho người nào mượn mà biết rằng sẽ đem trả lại.
Không nên cho người nào mượn mà biết rằng người ấy thường mượn luôn không bao giờ hoàn trả lại.
Những thân bằng quyến thuộc nghèo khó thì nên giúp đỡ họ, cho dù biết rằng họ không thể trả lại được.
Ngồi một cách vui vẻ có nghĩa là khi thấy cha mẹ chồng, nên đứng dậy để tỏ lòng tôn kính chớ không nên ngồi im lặng. Những lời dạy này dành cho những người vợ biết khiêm nhường, biết lễ độ để biểu hiện sự kính trọng cha mẹ chồng.
Ăn một cách vui vẻ nghĩa là trước khi ăn cơm, hãy quan sát xem có những gì thiếu xót mà cha mẹ chồng cần khi ăn không; nếu có nên đi lấy mang đến dâng cho họ rồi mới được ngồi ăn. Và cũng nên chăm sóc miếng ăn cho tôi tớ trong nhà chu đáo nữa.
Ngủ một cách an lạc không có nghĩa là người vợ muốn ngủ bao lâu hay giờ giấc nào tùy thích mà ngụ ý là trước khi đi ngủ phải nên đi quan sát xem tất cả cửa nẻo đã đóng lại hết chưa, đồ đạc trong nhà được an toàn chưa, tôi tớ đã làm xong phận sự trong nhà chưa, cha mẹ chồng và chồng đã lên giường ngủ chưa, xong rồi mới nên đi ngủ. Một người vợ hiền phải nên thức dậy sớm trừ khi bị đau ốm hay không được khỏe và cũng không nên ngủ ban ngày.
Lửa ở đây ám chỉ cho cha mẹ chồng và chồng. Hãy đối xử với họ hết sức cẩn trọng như thể sử dụng lửa vậy, nếu vô ý sẽ bị phỏng hoặc nhiều tai hại khác nữa. Các vị trời trong nhà ở đây ý muốn nói đến cha mẹ chồng và chồng. Phải tỏ ra hết sức kính trọng họ. Chính ngay như Đức Phật khi đề cập đến cha mẹ bên vợ lúc Ngài còn là bồ tát thì Ngài vẫn xem họ như là chư thiên tại thế.[15]
Theo phong tục phương Đông, người vợ xem chồng mình như ông vua. Theo lời dạy của Đức Phật thì người vợ được xem như là một người bạn tốt của chồng[16].
Nhiệm vụ của người chồng là phải nên đối xử với vợ như một người thân cận mang đến lợi ích to lớn nhất và nên xem vợ như là tấm thân thứ hai của mình. Một người vợ đảm đang và chung thủy hết sức coi trọng chồng như là nơi nương tựa, che chở lý tưởng của mình. nếu làm được như vậy thì gia đình sẽ rất hạnh phúc và tràn đầy tiếng cười.
Vợ hiền, đồng tuổi, có tình thân,Tận tụy, nhân từ, trẻ lại đông,Ðức hạnh, trung thành, dòng quý tộc,Ấy niềm hạnh phúc giữa hồng quần.[17]
Nói tóm lại, Phật Giáo đã đi tiên phong trong việc giải thoát người phụ nữ thoát khỏi cảnh giam cầm của cái gia đình nhỏ bé để hòa nhập cùng với người nam trong xã hội. Hơn thế nữa, Ngài giúp cho họ con đường mới để thăng tiến về đời sống tâm linh, giải thoát khỏi cuộc sống trầm luân khổ hải.
Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, xin gửi món quà Pháp bảo đến tất cả nữ nhân trên toàn thế giới. Cầu chúc cho tất cả luôn được an lạc, nhiều sức khỏe, gia đình hạnh phúc và luôn luôn phát triển cho bản thân mình một đời sống tâm linh dồi dào vững chắc.
Bangkok, 07 Feb 2014.
Bhik.Samādhipuñño Định Phúc
[1] Tăng Chi Bộ Kinh, Chương Năm Pháp, Phẩm Kimbila, Phần Kimbila (A.iii.247).
[2] Tăng Chi Bộ Kinh 1. Tương Ưng Kosala. Phẩm Thứ Hai. Kinh Người Con Gái (S.i.89).
[3] Tương Ưng Bộ Kinh 1, Tương Ưng Chư Thiên, Phẩm Đoạn, Phần Tôn Chủ (S.i.43).
[4] Tương Ưng Bộ Kinh 1. Tương Ưng Tỳ-Khưu Ni. Phần Somā (S.i.129).
[5] Tạng Luật, Tiểu Phẩm, Chương Tỳ-Khưu Ni (Vin.ii.254).
[6] Tiểu Bộ Kinh, Kinh Phật Tự Thuyết, Chương Năm, Phẩm Trưởng Lão Sona (Ud.51)
[7] Tăng Chi Bộ Kinh 1, Chương Một Pháp, Phẩm Người Tối Thắng, Phần Nữ Ðệ Tử Tỷ Kheo Ni (A.i.25).
[8] Tăng Chi Bộ Kinh 1, Chương Một Pháp, Phẩm Người Tối Thắng, Phần Nữ Cư Sĩ (A.i.26).
[9] Tương Ưng Bộ Kinh 1, Tương Ưng Chư Thiên, Phẩm Thiêu Cháy, Phần Thiên Nữ (S.i.32)
[10] Tương Ưng Bộ Kinh 4, Tương Ưng Nữ Nhân, Phẩm Trung Lược (S.iv.242-243).
[11] Tương Ưng Bộ Kinh 4, Tương Ưng Nữ Nhân, Phẩm Các Sức Mạnh, Phần Tăng Trưởng (S.iv.250).
[12] Tăng Chi Bộ Kinh 3. Chương Năm Pháp. Phẩm Sumanā. Phần Người Gia Chủ (A.iii.36-37).
[13] Tăng Chi Bộ Kinh III, Chương Tám Pháp, Phẩm Lớn, Phần Sự Trói Buộc Của Nữ Nhân (A.iv.196).
[14] Tương Ưng Bộ Kinh 4, Chương III - Tương Ưng Nữ Nhân, Phẩm Trung Lược, Phần Khả Ý Và Không Khả Ý (S.iv.238).
[15] Chú Giải Kinh Pháp Cú, Kệ Số 53 (DhpA.i.403).
[16] Tương Ưng Bộ Kinh 1, Tương Ưng Chư Thiên, Phẩm Già, Phần Bạn (S.i.36)
[17] Tiểu Bộ Kinh, Chuyện Tiền Thân Mahāmaṅgala (Jā.453).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét