Chùa Kyaikh-ti-yo (đọc là Chai-ti-dô) được xây trên đỉnh của dãy đồi Pau-laung. Chùa cách huyện Kyaith-to chỉ vài dặm.
Mặc dù đường lên chùa khó khăn nhưng hàng năm khách hành hương ngàn ngàn người vẫn đến chiêm bái. Tên chùa Kyaikh-ti-yo có nghĩa là ‘chùa được vị đạo sĩ mang trên đầu’. Truyền thuyết giải thích tên gọi này vốn có từ lâu đời.
Thuở xưa, trong khu rừng rậm của vương quốc Suvannabhumi (nay là Thaton) có 2 anh em đạo sĩ nọ. Họ vốn là 2 vị hoàng tử nhưng họ đã từ bỏ cuộc sống huy hoàng, cung vàng điện ngọc, của cải sang giàu của trần thế để tu hành khổ hạnh ở nơi rừng thẳm ấy. Người anh tên là Teikthadharma, người em là Thiharaza.
Một hôm, khi hai đạo sĩ đi tìm củ, quả để ăn thì họ thấy 2 quả trứng rất to nằm trên mặt đất. Người anh bảo ‘Trứng này to lớn lạ thường, chắc không phải của loài tầm thường. Chúng ta hãy giữ lại xem sao.’ Người em đồng ý. Mỗi người mang một quả đem về chỗ trú ngụ của mình trong rừng.
Thời gian sau, họ thật ngạc nhiên thấy trứng nở ra 2 hài nhi. Họ hết lòng nuôi dưỡng, chăm sóc 2 trẻ. Nhờ tình thương yêu lo lắng của họ mà 2 bé ấy chóng lớn thành 2 thanh niên khôi ngô tuấn tú. Hai đạo sĩ cùng con trai nuôi của mình thường đi lại trong khu rừng rậm, hai cậu được huấn luyện cách sử dụng nhiều loại vũ khí khác nhau cũng như lối sống nơi rừng xanh.
Mười năm cứ thế trôi qua, rồi bỗng nhiên đứa con nuôi của người em qua đời. Nỗi đau buồn mất mác đó thật sự là biến cố bi thương cho hai anh em đạo sĩ và người con nuôi còn lại. Nhưng hoạ vô đơn chí! Chẳng bao lâu sau họ nhận được tin phụ hoàng tức Vua xứ Suvannabhumi băng hà. Các triều thần vội đến van nài người anh trở lại kinh thành để lên ngôi kế vị cha mình. Đạo sĩ Teikthadharma đã khước từ lời đề nghị mặc dầu các triều thần có thưa rằng một nước mà không vua như tàu không bánh lái. Vị tể tướng thốt lên “Ôi! thần dân của Ngài sẽ ra sao nếu Ngài không quay về chăn dân trị nước?” Thế nhưng vị đạo sĩ đã quyết, ông nói “Hỡi các triều thần trung thành và sáng suốt! Ta không muốn rời chỗ trú ngụ trong khu rừng này vì ta đã rời bỏ thế gian cùng các thú vui và cám dỗ. Tuy nhiên nếu các vị đồng ý thì ta sẽ trao con trai nuôi của ta về cai trị dân chúng.” Thấy vị đạo sĩ cương quyết, biết không thay đổi được, các triều thần bèn tuân theo đề nghị này. Thế là người con nuôi được đưa về cung và lên ngôi vua, lấy hiệu là Teikthadharma Thiriraza, theo tên của cha nuôi và chú nuôi.
Nói về con trai nuôi của người em, sau khi qua đời chẳng bao lâu cậu được tái sanh làm con trai của một nhà giàu tại nước Mithila. Cậu lớn lên thành một thanh niên ngoan hiền và hiếu thảo. Một hôm, cậu đến đảnh lễ Đức Phật và cầu xin Ngài cho cậu xuất gia làm tỳ-khưu. Sau nhiều năm hành thiền và kính tin Phật Pháp, cậu trở đắc Thánh quả A-la-hán, mọi người gọi là Đại Đức Gavanpati.
Một lần nọ, khi đang hành thiền, tâm Đại Đức nhớ lại kiếp trước ở trong rừng xứ Suvannabhumi, khi nghĩ về cha nuôi và bác nuôi, lòng Đại Đức tràn ngập lòng biết ơn trước công lao nuôi dưỡng cao dày thuở nào, Đại Đức quyết định lên đường viếng thăm họ.
Khi đến chỗ của hai vị đạo sĩ, Đại Đức bảo họ rằng Đại Đức là con trai nuôi trước đây của họ, đứa con mà lúc lên mười tuổi đã chết và được tái sinh. Khi nghe thấy thế, hai đạo sĩ vui mừng khôn tả, họ càng hoan hỷ hơn khi được tin Bồ-tát Gotama đã Giác Ngộ thành Phật và đang thuyết Pháp tại Ấn Độ. Họ khát khao chờ đợi được diện kiến đảnh lễ Ngài và được lắng nghe lời dạy thiêng liêng cao quý của Ngài biết bao! Vị A-la-hán này có thể nào cầu xin Đức Thế Tôn quang lâm đến Suvannabhumi được không? Đại Đức Gavanpati cung kính chuyển lời khẩn cầu này và Đức Phật đã chấp thuận. Ngài cùng chư Tăng khởi hành sang Suvannabhumi.
Họ chuẩn bị chu đáo mọi thứ để cung đón Đức Phật. Khi Ngài đến nơi, Ngài được hai đạo sĩ, nhà Vua tức con trai nuôi của họ và vị đạo sĩ Kelathaya ở khu rừng bên cạnh, long trọng nghinh tiếp. Đức Thế Tôn thuyết nhiều bài Pháp về từ bi và trí tuệ cho họ nghe. Lúc Ngài chuẩn bị trở về Ấn Độ , họ cầu xin Ngài ban cho họ một đặc ân có được ít xá lợi để họ phụng thờ những bảo vật Phật ban trong chuyến viếng thăm này. Ngài từ bi chấp thuận và trao cho mỗi đạo sĩ một sợi xá lợi tóc cuộn tròn. Đạo sĩ Thiharaza và Kelathaya đặt xá lợi Phật trong một tráp nhỏ và gìn giữ trong ngôi chùa họ kiến tạo. Đạo sĩ Teikthadharma thì cất xá lợi trong tóc của mình, thường xuyên đảnh lễ bảo vật của Đấng Giác Ngộ.
Ít năm sau, hai đạo sĩ Thiharaza va Kelathaya từ trần. Đạo sĩ Teikthadharma linh cảm mạng sống của mình cũng sắp hết. Vua Trời Đế Thích bồn chồn không yên sợ xá lợi quý báu của Đức Phật sẽ bị thất lạc. Vua Trời bèn xuống trần, hiện ra trước Vua xứ Suvannabhumi bảo rằng ‘Thưa đức vua, cha của người tức đạo sĩ Teikthadharma sắp lâm chung, tôi cảm thấy bất an lo ngôi xá lợi mà Đức Phật ban rồi đây không biết ra sao. Nếu chúng ta có thể thuyết phục vị đạo sĩ tìm cách nào gìn giữ ngôi xá lợi được an toàn trước khi ông qua đời thì thật là tốt.’
Nghe thế, Vua Suvannabhumi bèn cùng Vua Trời Đế Thích đến khu rừng gặp Teikthadharma. Thấy họ, vị đạo sĩ ngạc nhiên hỏi nguyên do. Vua Trời Đế Thích đáp rằng ‘Vì đạo sĩ không còn sống bao lâu nữa, chúng tôi đến đây cầu xin ông trao ngôi xá lợi quý giá mà Đấng Giác Ngộ đã ban cho ông. Chúng tôi sẽ xây một ngôi chùa bên trên xá lợi, đây sẽ là nơi mọi người đến chiêm bái khi ông không còn nữa.’ Ban đầu vị đạo sĩ tỏ ra miễn cưỡng, nhưng sau một lúc suy nghĩ, ông đồng ý trao xá lợi với điều kiện phải tìm một hòn đá trông giống như đầu của ông. Xá lợi sẽ được cất trong hốc nhỏ của tảng đá, và phía trên đó hãy xây một ngôi chùa.
Vua Trời Đế Thích rất hoan hỷ khi nghe điều kiện này, Vua Trời lập tức ra bờ biển và tìm thấy một hòn đá khổng lồ rất giống đầu của vị đạo sĩ, rồi cùng nhiều người đem hòn đá này lên đỉnh đồi cao, đặt hòn đá theo vị trí mà Vua Trời có thể ngồi giữa mặt đáy của hòn đá và đỉnh đồi. Sau đó, Vua Trời đi gọi vị đạo sĩ và nhà vua đến xem.
Teikthadharma vô cùng hài lòng, vừa ý trước cách sắp xếp này đến nỗi ông bảo Vua Trời Đế Thích tạo một lỗ nhỏ trên hòn đá để ông đặt xá lợi vào. Sau khi việc này hoàn tất, vị đạo sĩ cẩn trọng lấy xá lợi từ đầu ông xuống, đảnh lễ, và trang trọng đặt vào nơi cất giữ này. Bên trên xá lợi, tại đỉnh của hòn đá, họ xây dựng một ngôi chùa mới. Khi mọi việc đâu vào đấy, Vua Trời Đế Thích trở về cung trời của mình. Còn vị đạo sĩ thì ngồi bên dưới ngôi già lam nơi an vị xá lợi thiêng của Đức Phật mà bình thản ra đi.
Từ lúc chùa được trùng tu lại, khoảng trống giữa mặt đáy hòn đá và đỉnh đồi không còn nữa. Tuy nhiên, hòn đá thiêng khổng lồ này vẫn có thể chuyển động tới lui nhưng hoàn toàn thăng bằng, vững vàng!
(Theo www.seasite.niu.edu, Liên Thuỷ dịch)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét