Chúng tôi đọc được một bài báo viết ở Việt Nam phản ảnh về cây Như Ý, việc này làm cho chúng tôi lưu ý vì đây là một trong những sinh hoạt cúng dường rất quen thuộc trong cuộc sống của người Phật tử theo truyền thống Nam tông
Một Phật tử mà chúng tôi nghĩ có lẽ đó là một Phật tử theo truyền thống Bắc Tông đến chùa Nam Tông, nhìn thấy Phật tử Nam Tông đến chùa và cúng dường một cái cây mà hoa lá của nó được kết từ những tờ tiền. Vị này đã viết một bài với lời phê phán và chỉ trích nặng nề về việc cúng dường cây “ tiền” đó, cho rằng cúng dường tiền là không thanh tịnh, theo tinh thần của Phật giáo .
Chúng tôi xin nói rằng đây là một vấn đề mang tính văn hóa và khi đề cập đến văn hóa, thì phải nói đến tính đa dạng của nó. Có nhiều chuyện nhìn từ ngoài chúng ta thấy là hay nhưng người khác thì lại thấy dở. Ví dụ như lmột số Phật tử Nam Tông đi chùa Bắc Tông thấy Phật giáo Bắc Tông có quá nhiều nghi lễ rườm rà, nhưng Phật giáo Bắc Tông thì cho rằng chuyện tụng Kinh , thực hành nhiều nghi lễ là cái gì rất trang nghiêm và rất đẹp. Đây thực chất chỉ là vấn đề văn hóa .
Như chúng ta biết người Cambodia hay là người Thái, đặc biệt là người Cambodia, họ có một phong tục gọi là dâng bông hay là dâng hoa. Theo phong tục này, thay vì bỏ tiền ra mua bông hoa về cúng Phật như chúng ta thường làm thì họ lấy tiền đó kết thành những hoa hoặc lá, và họ treo chúng trên những cành cây khô để làm một cây giả, cây giả này thật sự có giá trị vì hoa và lá của chúng là tiền. Sau đó họ đem cây bông hay hoa đó đến chùa cúng dường. Cây này được gọi là cây Như Ý, nó làm cho thí chủ hoan hỷ vì vừa có giá trị vừa đẹp. Sau khi cúng xong, thì số tiền treo trên cây trở thành tịnh tài để dâng lên chùa.
Thì đây cũng là chuyện văn hóa.
Cúng dường tịnh tài hay tiền vào chùa, dĩ nhiên là một điều rất bình thường, ai cũng hiểu là ở quốc gia nào Phật tử cũng làm việc đó. Nhưng không có nghĩa là anh đến chùa cúng dường một món tiền cho vị trụ trì để lo cho chùa, hay bỏ tiển vào hòm công đức là đúng còn một người khi lấy tiền kết thành một cái cây, rồi đem cái cây tiền đó cúng dường là sai trái, là điều phản văn hóa hay là đi ngược lại với Đạo Phật.
Ví dụ như qúi vị ký một cái check 5, 7 ngàn hoặc tiền mặt cúng vào chùa thì trường hợp này cũng tương tự như một vị thí chủ phát tâm làm một cây tiền đem cúng vào trong chùa. Đây cũng là tấm lòng của họ, nhưng ký tấm check cúng dường thì đơn giản, còn bỏ thì giờ ra để làm một cây tiền, ở trên đó cũng cùng số tiền đó, nhưng cái cây giúp cho buổi lễ trông rôm rã và nó làm thí hoan hỉ vì họ đã bỏ công sức để làm cây tiền đó. Chúng tôi cũng biết rằng có nhiều Phật tử , khi nhìn thấy những cây tiền đó, họ cũng xếp tiền và họ gắn thêm vào cây như là một cách hùn phước.
Như vậy về vấn đề cây Như Ý, cái chuyện hay, dở, đẹp, xấu, hoan hỷ hay không hoan hỷ nó tùy vào quan niệm, tùy vào cái nhìn của mỗi người. Chúng ta biết rằng với những người thí chủ cúng dường cây Như Ý, họ kết thành một cây tiền bằng tiền và công của chính họ, rồi đem đến chùa, khi họ cúng dường với lòng thành thì họ nhìn cây tiền đó họ phát sinh hoan hỉ. Dâng xong xong thì tiền đó lấy xuống xếp lại, cúng vào trong chùa thì đó cũng là chuyện phước thiện.
Một việc làm với tác ý tốt đẹp như vậy nhưng nếu chúng ta muốn chỉ trích thì chúng ta cũng có cách để chỉ trích. Chẳng hạn nói rằng "tại sao tiền không để nguyên mà lại xếp lại rồi đến khi đem cúng vào chùa lại mất công tháo xuống. mở ra" hay là ” vào trong chùa nhìn thấy cây mà treo tiền như vậy làm cho chùa mất thiền vị, trong chùa mà cúng dường tiền bạc lộ liễu như vậy là không hay".
Chuyện đó cũng là văn hóa.
Một thí dụ khác để minh chứng cho điều này: Người Việt Nam và người Trung Hoa đôi khi nghĩ rằng ngôi chùa phải là một nơi rất là yên tĩnh thanh tịnh.
Thế nhưng ở tại các quốc gia Phật giáo thì thiền viện là nơi thanh tịnh, thiền viện là nơi để tu tập, còn những ngôi chùa là những ngôi nhà cộng đồng. Làng nào cũng có những ngôi chùa và ở đó người ta có những chuyện vui buồn, từ sanh con, thôi nôi đầy tháng, tốt nghiệp, cưới hỏi, cho đến đám tang, tất cả đều đem đến chùa và cái sinh hoạt ở chùa trở thành ngôi nhà chung của tất cả người trong làng.
Điều đó không phải là dở, tuy nhiên tùy vào quan niệm mà mỗi chúng ta có cách nhìn có cách phê bình khác nhau. Vậy nếu chúng ta hiểu và tôn trọng văn hóa của người khác thay vì phê bình thì vẫn tốt hơn.
Tỳ khưu Giác Ðẳng
Biên tập: Pañña Dīpa Tuệ Đăng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét