Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

Cây Như Ý - nét văn hóa của Phật giáo Nam tông

1__20__755086325
Chúng tôi đọc được một bài báo viết ở Việt Nam  phản ảnh về cây Như Ý, việc này làm cho chúng tôi lưu ý vì đây là một trong những sinh hoạt cúng dường rất quen thuộc trong cuộc sống của người Phật  tử theo truyền thống Nam tông
Một Phật tử mà chúng tôi nghĩ có lẽ đó là một Phật tử theo truyền thống Bắc Tông đến chùa Nam Tông, nhìn thấy Phật tử Nam Tông  đến chùa và cúng dường một cái cây mà hoa lá của nó được kết từ những tờ tiền.  Vị này đã viết một bài   với lời phê phán và chỉ trích nặng nề về việc cúng dường cây “ tiền” đó, cho rằng cúng dường tiền là  không thanh tịnh,  theo tinh thần của Phật giáo .

Chúng tôi  xin nói rằng đây là một vấn đề mang tính văn hóa và khi đề cập đến văn hóa, thì phải nói đến tính đa dạng của nó. Có nhiều chuyện nhìn từ ngoài  chúng ta thấy là hay nhưng người khác thì lại thấy dở. Ví dụ như lmột số Phật tử Nam Tông  đi chùa Bắc Tông thấy Phật giáo Bắc Tông có quá nhiều nghi lễ rườm rà, nhưng Phật giáo Bắc Tông thì cho rằng chuyện tụng Kinh , thực hành nhiều  nghi lễ  là cái gì rất trang nghiêm và rất đẹp.  Đây thực chất chỉ là vấn đề văn hóa .

Như chúng ta  biết  người Cambodia hay là người Thái, đặc biệt là người Cambodia, họ có một phong tục  gọi là dâng bông hay là dâng hoa. Theo phong tục này,   thay vì  bỏ tiền ra mua bông hoa về cúng Phật như chúng ta thường làm thì họ lấy tiền đó kết thành những hoa hoặc lá, và họ treo chúng trên những cành cây khô để làm một cây giả, cây giả này thật sự  có giá trị vì hoa và lá của chúng là tiền. Sau đó họ  đem  cây bông hay hoa đó đến chùa  cúng dường.  Cây này được gọi là cây Như Ý, nó làm cho thí chủ hoan hỷ vì vừa có giá trị vừa đẹp.     Sau khi cúng xong, thì số tiền treo trên cây trở thành tịnh tài để dâng lên chùa. 

Thì  đây cũng là chuyện văn hóa. 

Cúng dường tịnh tài hay tiền vào chùa, dĩ nhiên  là một điều rất bình thường, ai cũng hiểu là ở quốc gia nào Phật tử cũng làm việc đó. Nhưng  không có nghĩa là  anh đến chùa cúng dường một món tiền cho vị  trụ trì để lo cho chùa, hay bỏ tiển vào hòm công đức là đúng còn một người  khi lấy tiền kết thành một cái cây, rồi đem cái cây tiền đó cúng dường là sai trái, là điều phản văn hóa hay là đi ngược lại với Đạo Phật.

Ví dụ như qúi vị ký một cái check 5, 7 ngàn hoặc tiền mặt cúng vào chùa thì trường  hợp này cũng tương tự như một vị thí chủ phát tâm làm một cây tiền đem cúng vào trong chùa.  Đây cũng là tấm lòng của họ,   nhưng  ký tấm check cúng dường thì đơn giản,  còn  bỏ thì giờ ra để làm một cây tiền, ở trên đó cũng cùng số tiền đó,  nhưng cái cây giúp cho buổi lễ  trông rôm rã và nó làm thí hoan hỉ vì họ đã bỏ công sức để làm cây tiền đó. Chúng tôi cũng biết rằng có nhiều Phật tử , khi  nhìn thấy những cây tiền đó,  họ cũng xếp tiền và họ gắn thêm vào  cây như là một cách hùn phước. 

Như vậy về vấn đề cây Như Ý, cái chuyện  hay,  dở, đẹp, xấu, hoan hỷ hay không hoan hỷ nó tùy vào quan niệm,  tùy vào cái nhìn của mỗi người. Chúng ta  biết rằng  với những người thí chủ cúng dường cây Như Ý, họ kết thành một cây tiền bằng tiền và công của chính họ, rồi đem đến chùa, khi họ cúng dường với  lòng thành thì  họ nhìn cây tiền đó họ  phát sinh hoan hỉ. Dâng xong  xong thì tiền đó lấy xuống xếp lại, cúng vào trong chùa thì đó cũng là chuyện phước thiện. 

Một việc làm với tác ý tốt đẹp như vậy nhưng nếu chúng ta muốn chỉ trích thì chúng ta cũng có cách để chỉ trích.  Chẳng hạn  nói rằng "tại sao tiền không để nguyên mà lại xếp lại rồi đến khi  đem cúng vào chùa lại mất công tháo xuống. mở ra" hay là ” vào trong chùa nhìn thấy cây mà treo tiền như vậy làm cho chùa mất thiền vị, trong chùa mà cúng dường tiền bạc lộ liễu như vậy là không hay". 

Chuyện đó cũng là văn hóa. 

Một thí dụ khác để minh chứng  cho điều này: Người Việt Nam và người Trung Hoa đôi khi nghĩ rằng ngôi chùa phải là một nơi rất là yên tĩnh thanh tịnh. 

Thế nhưng ở tại các quốc gia Phật giáo  thì thiền viện là nơi thanh tịnh, thiền viện là nơi để tu tập, còn những ngôi chùa là những ngôi nhà cộng đồng. Làng nào cũng có những ngôi chùa và ở đó người ta có những chuyện vui buồn, từ  sanh con,  thôi nôi đầy tháng, tốt nghiệp,  cưới hỏi, cho đến đám tang, tất cả đều đem đến chùa và cái sinh hoạt ở chùa trở thành ngôi nhà chung của tất cả người trong làng.

Điều đó không phải là dở, tuy nhiên tùy vào quan niệm mà  mỗi chúng ta có cách nhìn có cách phê bình khác nhau.   Vậy nếu chúng ta hiểu và tôn trọng văn hóa của người khác thay vì phê bình thì vẫn tốt hơn.


Tỳ khưu Giác Ðẳng

Biên tập: Pañña Dīpa Tuệ Đăng

Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2013

TÌM LẠI CHIẾC Y


Đi với Phật thì mặc áo cà sa, đi với ma thì mặc áo giấy.
Câu nói ấy chắc hẳn đa số chúng ta đều biết và hiểu được ý nghĩa ẩn dụ trong đó. Nhưng đó là cái của ngày xửa ngày xưa, chứ bây giờ, trong thời hiện đại nhiễu nhương này, đâu đó chúng ta sẽ thấy được nhữngcon người đi với Phật mà lại thích mặc áo giấy.
Mùa lễ hội suốt một tháng đã trôi qua, trở lại với cuộc tu như ngày nào, chợt hồi tưởng lại những gì đã thấy và chứng kiến rồi tự thấy có chút gì đó đáng để suy nghĩ.
Ngày xưa, khi các vị tác bạch xin xuất gia, ai cũng nguyện bằng một niềm tin rất là tích cực:
Sabbadukkhanissaraṇanibbānasacchikaraṇatthāya imaṃ kāsāvaṃ gahetvā pabbājetha maṃ bhante anukampaṃ upādāya.
Vì mục đích chứng ngộ níp bàn và thoát mọi khổ đau, bạch ngài, xin ngài vì lòng bi mẫn mà thu nhận y cà sa này và cho con xuất gia.[1]
Hoặc là:
Chúng sinh vô biên thề nguyện độ,
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn .
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học,
Phật đạo vô thượng thề nguyện thành.
Lời nguyện đó nay còn đâu, hay là đã ra đi biền biệt đâu đó rồi, để thay vào đó là những chiếc y giải thoát ngày nào nhường chỗ cho những chiếc áo giấy lung linh nhiều màu sắc, mỏng manh, tha thướt theo từng thời đại, theo từng dòng đời của những đợt ra hàng mới…
Người xuất gia tu hành phải ăn mặc giản dị, không cầu kỳ, màu mè, đúng theo tinh thần của giới luật phật ban hành. Đức Phật và Tăng chúng đệ tử của Ngài ngày xưa phải đi lượm vải quấn tử thi để về may y mà mặc, gọi là phấn tảo y. Chiếc y như là tượng trưng cho màu cờ của bậc A-la-hán, màu cờ của bậc giải thoát, lại nữa, chiếc y như là lời nhắc nhở cho hàng xuất giả phải biết tri túc, thiểu dục, không tham đắm trong y áo. Bậc xuất gia phải thường quán tưởng về việc thọ dụng y áo để mình biết mục đích của việc mặc y áo là gì?
Này các tỷ-kheo, ở đây, tỷ-kheo như lý giác sát, thọ dụng y phục, chỉ để ngăn ngừa lạnh, ngăn ngừa nóng, ngăn ngừa sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loài bò sát, chỉ với mục đích che đậy sự trần truồng.[2]
Mỗi buổi sáng, hình ảnh các vị sư ôm bát đi khất thực ngoài phố, đầu trần, chân đất, bất kể mưa gió là một hình ảnh vô cùng đẹp và thiêng liêng của đời sống tu sĩ xuất gia. Chiếc y của các ngài khoác lên trên mình tượng trưng cho những thuở ruộng, vì các ngài là những vị đại diện cho Tăng già, là ruộng phước điền vô thượng của toàn chư thiên và nhân loại.
Chuyện kể lại rằng: một thời, khi Thế Tôn du hành trong xứ Dakkhiṇāgiri, Ngài đã nhìn thấy mảnh ruộng ở Magadha được kết nối bằng những khoảnh vuông vức, được kết nối bằng những mảnh vuông giao nhau, nên ngài bảo Đại đức Ānanda rằng:
- Này Ānanda, ngươi có khả năng thực hiện các y có kiểu mẫu như thế cho các vị Tỳ khưu không?
- Bạch Thế Tôn, con có khả năng.
Khi ấy, Đại đức Ānanda đã làm theo lời của Thế Tôn rồi đem những y đã hoàn thành đến trình bạch với Thế Tôn. Đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết pháp thoại rồi bảo các Tỳ khưu rằng:
- Này các tỳ khưu, Ānanda thật thông thái. Này các Tỳ khưu, Ānanda có đại trí tuệ bởi vì vị ấy hiểu ý nghĩa một cách đầy đủ của điều đã được ta nói ra một cách vắn tắt. Vị ấy làm được dải nối theo chiều dọc (của y), vị ấy làm được dải nối theo chiều ngang (của y), vị ấy làm được mảnh lớn thuộc dải điều (của y), vị ấy làm được mảnh nhỏ thuộc dải điều (của y), vị ấy làm được mảnh lớn thuộc dải điều giữa (của y), vị ấy làm được mảnh lớn thuộc các dải điều bên (của y), vị ấy làm được mảnh nhỏ thuộc dải điều giữa (của y), vị ấy làm được mảnh nhỏ thuộc các dải điều kế (của y), vị ấy làm được mảnh nhỏ thuộc hai dải điều biên (của y), (như thế y) sẽ được cắt ra, sần sùi khi được ráp lại, phù hợp với sa-môn, không còn được mong mỏi bởi những kẻ đối nghịch.[3]
Y áo xa hoa, bình bát bị chôn vùi theo đời sống thị trường khiến biết bao người mộ đạo mất đi niềm tin và làm cho những người chưa có niềm tin không thể phát khởi niềm tin được.
Chiếc y chỉ là trang phục của người xuất gia, chứ chiếc y không thể tạo nên người xuất gia mà chính bản thân những người khoác lên mình chiếc y đó mới là điều kiện quan trọng quyết định mình có xứng đáng khoác lên mình chiếc y hay không. Bao nhiêu trang sức, bao nhiêu bằng cấp học cao, bao nhiêu vật dụng hiện đại cũng không thể tạo nên một người xuất gia. Và cái trang sức mà người xuất gia cần có trong mình chính là sự nhẫn nại (khanti) và sự nghiêm tịnh (soracca). Đây là hai pháp làm cho xinh đẹp, khiến cho người thực hành trở nên xinh đẹp chứ không phải là những trang sức tầm thường. Chúng ta đừng nghĩ rằng sự xa hoa, lộng lẫy trong trang phục và vật chất là chỗ bù đắp và che dấu sự yếu kém phẩm chất của mình, mà ngược lại chỉ làm cho người khác thêm khó chịu.
Sự thanh thoát khiến người đời tín mộ của một tu sĩ là thân khẩu ý luôn đồng nhất, nghĩa là thân làm, miệng nói và ý nghĩ không trái nghịch nhau, chỉ có thân làm việc đúng đắn, miệng nói lời chân chính thì mới làm cho phẩm hạnh của người tu toả sáng, nếu không thì miệng nói thao thao nhưng nội tâm rối loạn, làm cho phẩm hạnh khiếm khuyết không toả sáng lên được. Cũng ví như một con két, nó có bộ lông rực rỡ, đẹp đẽ, có thể bắt chước giọng nói của người khác nhưng tuyệt nhiên nó vẫn chỉ là một con két không hơn không kém.
Xã hội đương đại bây giờ, chúng sanh thích tầm cầu sự hào nhoáng bên ngoài, họ thích cái mác, cái thương hiệu sao cho sành điệu chứ không nghĩ đến cái bên trong đang dần thúi rục mà chẳng ai thèm để ý đến. Chính vì điều đó, đời sống thị trường xâm nhập mọi nơi, kể cả nơi thanh tịnh như chùa chiền, cá hơi của kinh tế làm mất dần đi đời sống thiêng liêng của người xuất gia.
Tôi có những người bạn, họ đã khoác chiếc y ca-sa ngót hơn mươi năm vậy mà một ngày họ lại trả lại chiếc y, trở lại cuộc sống thế tục. Cũng buồn đấy chứ. Nhưng thà vậy mà tốt, tôi trân trọng họ, vì họ là những người dám chấp nhận ra đi để gìn giữ đạo tâm chứ không phải ở lại để rồi trở thành một con sâu đục khoét đây đó, chẳng xứng đáng với chiếc y đang mặc.
Một vài lời sau chuyến đi của mùa lễ hội, đôi chút bang khuâng và suy nghĩ. Hy vọng sẽ là một bài học và tự nhắc nhở bản thân chứ không dám trách ai hay là giáo giới ai. Xin đừng hiểu lầm và xuyên tạc không đúng sự thật.
Kết thúc lễ hội… 2013

[1] Luật Nghi Sa-di (TT. Giác Giới biên soạn).
[2] Trung Bộ Kinh 1, Kinh Tất Cả Lậu Hoặc (HT Thích Minh Châu dịch việt).
[3] Tạng luật, đại phẩm, chương y phục (TK. Indacanda dịch việt).

Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

NĂM BỔN PHẬN CỦA CON CÁI ĐỐI VỚI CHA MẸ


Trong bài Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt, Đức Thế Tôn đã dạy cho thanh niên Siṅgāla về năm trách nhiệm của con cái đối với đấng sanh thành như sau:
(1) Tôi sẽ nuôi dưỡng cha mẹ.
(2) Tôi sẽ làm tròn bổn phận đối với cha mẹ.
(3) Tôi sẽ giữ gìn danh dự gia đình và truyền thống.
(4) Tôi sẽ bảo vệ tài sản thừa tự.
(5) Tôi sẽ lo chu toàn tang lễ của cha mẹ.
Đó là năm nghĩa vụ thiêng liêng và cao cả mà những người con nên thực hiện và hành theo để tự mình có thể tiến hóa từ nội tâm đến cuộc sống bên ngoài được thành công tốt đẹp.
1. Tôi sẽ nuôi dưỡng cha mẹ.
Trách nhiệm đạo đức trước tiên của một người con đối với hai đấng sanh thành ra mình
theo Đức Phật là nuôi dưỡng cha mẹ. Hay nói cách khác người con phải lấy sự báo đền cha mẹ bằng cách chăm sóc cha mẹ về đời sống vật chất, cũng như chính cha mẹ đã lo cho chúng ta trưởng thành, trong suốt mười tám năm vị thành niên.
Sự chăm lo đến đời sống vật chất của cha mẹ ở đây cho thấy đạo Phật rất thực tiễn. Người con hiếu thảo không chỉ biết vâng lời cha mẹ, làm việc tốt cho gia đình và xã hội mà trước tiên và hơn hết là lo phần đời sống vật chất cho cha mẹ mình. Chăm lo đời sống vật chất bao gồm việc dâng tặng cho cha mẹ tiền chi tiêu, quà quý, thuốc thang, sự thăm viếng và phụng dưỡng khi cha mẹ đau ốm hay không còn sức lao động.
2. Làm tròn bổn phận đối với cha mẹ.
Ý thức trách nhiệm làm tròn bổn phận của một người con là điều quan trọng thứ hai trong đạo hiếu thảo của người Phật tử. Lời dạy này mặc dù rất bao quát nhưng có ý nghĩa đạo đức rất lớn. Khái niệm bổn phận ở đây cần phải được hiểu là sự thực thi những điều trách nhiệm của người con đối với cha mẹ tùy theo hoàn cảnh và điều kiện cho phép. Nghĩa là công việc hiếu thảo không bao giờ là một sự bắt buộc mà trái là một ý thức cao độ, ý thức làm người có đạo lý.
Có nhiều trường hợp người con vì thương cha kính mẹ mà làm nhiều điều tội ác để chu cấp tài sản cho cha mẹ. Đạo Phật chống lại sự hiếu thảo phi pháp như vậy. Nói cách khác làm trọn bổn phận tùy theo hoàn cảnh và điều kiện cho phép là một trong những cách thể hiện chữ hiếu hợp lý nhất. Ví dụ khi còn ngồi dưới mái trường, việc làm trọn bổn phận của người con đối với cha mẹ là vâng lời thầy cô, học hành chăm chỉ, thu hoạch kiến thức để làm nền tảng trí thức và đạo đức cho bản thân, hiện tại và về sau. Khi đã xây dựng gia thất riêng, việc làm tròn bổn phận của người con là sống đúng, sống theo và sống hợp với các nguyên tắc đạo đức của đạo Phật, không làm các điều ác, phát huy các điều thiện, chăm lo cho vợ chồng, con chu đáo, thăm viếng cha mẹ khi có thời gian, phụng dưỡng đời sống vật chất cho cha mẹ tùy theo khả năng và điều kiện…
Ở một góc độ khác, việc làm tròn bổn phận còn có ý nghĩa đạo đức rất lớn, nhất là trong
trường hợp cha mẹ sống thiếu Chánh kiến đối với Phật – Pháp – Tăng hoặc tạo tác nhiều điều tội lỗi. Người con có hiếu là người con phải biết tìm mọi cách khuyên gián cha mẹ, giúp cho cha mẹ trở về với con đường hiền lương và thánh thiện.
Nói cách khác, báo hiếu trong đạo Phật không chỉ đơn thuần về đời sống vật chất mà
quan trọng hơn là đời sống tinh thần và đạo đức. Đây chính là nét đặc sắc và độc đáo của chữ hiếu trong đạo Phật.
3. Giữ gìn danh dự và truyền thống gia đình.
Người con hiếu thảo theo Đức Phật là người, ngoài việc làm tròn bổn phận, phụng dưỡng vật chất cho cha mẹ đúng pháp còn là người biết tôn trọng các giá trị văn hóa và di sản truyền thống tốt đẹp của gia đình, giống nòi và dân tộc.
Lời dạy này phản ánh rằng các truyền thống có thể có hai mặt, một mặt tốt và tiến bộ, và một mặt xấu và phản tiến hóa. Đức Phật chỉ khuyên chúng ta theo mặt tốt và tiến hóa của truyền thống trong khi mạnh dạn loại bỏ các mặt tiêu cực và bất lợi của nó. Lời dạy này càng có ý nghĩa to lớn hơn nếu ta đặt nó trong sự vận động bảo tồn và duy trì các sắc thái văn hóa. Nói dễ hiểu hơn, đây có thể là phương châm cho một khuynh hướng giữ gìn và bảo vệ nền văn hóa tích cực của các sắc dân, của các dân tộc trên thế giới theo chiều hướng có chọn lọc các truyền thống và đặt chúng trong tiêu chí của các giá trị phát triển đạo đức và đạo lý con người hơn là chỉ đơn thuần tìm hiểu và làm sống dậy chúng.
4. Bảo vệ tài sản thừa tự.
Nếu “duy trì các truyền thống tốt đẹp của gia đình, quốc gia” là một nguyên tắc chung và bao quát đối với những người con có hiếu theo tinh thần lời Phật dạy thì “bảo vệ tài sản thừa tự” là một nguyên tắc cụ thể ứng dụng trong phạm vi của truyền thống gia tộc. Điều này có ý nghĩa giáo dục rằng một mặt con cái phải biết sử dụng gia tài và di sản của cha mẹ để lại đúng pháp và mặt khác phải là người kế thừa có đạo lý. Nghĩa là cha làm thầy thì con cái không được đốt sách. Cha mẹ làm việc thiện, tôn kính Tam bảo, thì con cái không nên làm việc ác, phỉ báng Phật – Pháp – Tăng, trái lại còn phát huy một cách tốt hơn và có chiều sâu hơn.Rất tiếc hiện nay trong nhiều xã hội, lời dạy này không được áp dụng nên đã có nhiều cảnh con cái trở thành những kẻ phá hoại tài sản của cha mẹ và tổ tiên để lại. Nhiều người con chỉ biết chi tiêu gia tài của cha mẹ theo khuynh hướng tán gia bại sản hơn là duy trì và phát huy chúng.
5. Lo chu toàn tang lễ cho cha mẹ đúng pháp.
Điều hiếu thảo cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là khi cha mẹ qua đời, con cái phải tổ chức tang lễ cho cha mẹ một cách chu toàn và đúng pháp. Tổ chức tang lễ chu toàn tùy thuộc rất nhiều vào phong tục tập quán của từng quốc gia, xã hội và gia đình. Nói chung là phải làm đúng theo các quan niệm đạo hiếu của từng dân tộc và truyền thống.
Tổ chức đúng pháp là điều quan trọng hơn. Nếu tổ chức “chu toàn” nhằm nhấn mạnh đến hình thức và trình tự của tang lễ như tẩm liệm, chôn cất… thì tổ chức đúng pháp nhấn mạnh đến nội dung và tinh thần của tang lễ. Đúng pháp theo tinh thần lời Phật dạy là con cái không nên khóc lóc, than vãn mà trái lại nên Chánh niệm, tỉnh giác trước cơn vô thường sinh ly tử biệt để hỗ trợ cho cha mẹ không còn quyến luyến tình cảm thế gian, vãng sanh một cách nhẹ nhàng và dễ dàng. Sự khóc lóc và rên rĩ của con cái có thể làm động tâm các bậc cha mẹ vừa quá cố và do đó làm trở ngại rất nhiều cho tiến trình tái sanh của cha mẹ. Do đó, người Phật tử không nên quá bi lụy theo thường tình của thế gian, trái lại thỉnh mời chư Tăng đến để làm phước hồi hướng cho người quá vãng.
Có nhiều người con khi cha mẹ còn sống thì đối xử một cách bỏn xẻn, không phụng dưỡng cha mẹ. Nhưng khi cha mẹ vừa nằm xuống thì lại cố tình tổ chức tang lễ cho rình rang, để chứng tỏ ta đây là người con có hiếu. Đạo Phật không dạy chúng ta như vậy. Trái lại, đạo hiếu của Đức Phật rất chu đáo và nhấn mạnh đến ý thức trách nhiệm chân thành của người con hơn là các hình thức nghi lễ bề ngoài, đôi lúc có tính cách lạc dẫn.
Khi cha mẹ còn sống thì cúc cung, chăm sóc, sớm thăm tối viếng, cung phụng miếng ăn và thuốc thang cho cha mẹ. Vâng lời cha mẹ khi cha mẹ có lời dạy bảo hay. Làm tròn bổn phận làm con trong mọi hoàn cảnh. Khuyến khích cha mẹ trở về con đường hiền lương và đạo đức nếu cha mẹ vượt quá con đường hiền thiện. Rồi đến lúc cha mẹ nhắm mắt lìa đời thì tổ chức tang lễ giản đơn nhưng không kém phần trang nghiêm và có ý nghĩa đạo đức.
Nói chung, báo hiếu khi cha mẹ qua đời là việc lo chu toàn tang lễ một cách chân thành, trang trọng; không đặt nặng các hình thức lễ nghi như hiến tế súc vật, cúng tam sên (sanh), trổ nhạc tây nhạc tàu, thuê người khóc mướn, tổ chức ca hát xướng kỵ v.v… Các việc làm như vậy chỉ tạo thêm nhiều nghiệp ác và tội lỗi mà thôi. Tang lễ theo đạo Phật nên đơn giản bao gồm các khóa lễ tụng kinh tưởng niệm, phóng sanh thả vật, làm phước cúng dường, để hồi hướng công đức cho cha mẹ vừa quá cố, như một hành trang đạo đức cho cha mẹ đi tái sanh vào các cảnh giới an lạc.Trong những bài pháp của Ngài, Đức Phật liệt kê một số nhiệm vụ và bổn phận chủ yếu như là những lời hướng dẫn cơ bản đó là, bằng đức tu tập và hành động, để dẫn dắt con cái tránh xa những điều xấu xa và bằng những lời động viên nhẹ nhàng, để dìu dắt chúng làm tất cả những điều cho gia đình, xã hội và tổ quốc.
(trích PHÁP TRIỀU – TK. ĐỊNH PHÚC)

BĂNG HÀ NƠI NGỤC THẤT


Thái tử Ajātasattu nghe theo lời xúi dục của Tỳ-kheo Devadatta, thái tử sẽ giết cha để xoán ngôi, còn Devadatta sẽ hãm hại Đức Phật để nhận quyền thống lĩnh Tăng đoàn. Thái tử lập mưu giết vua cha xoán ngôi nhưng bại lộ, chẳng những phụ vương không ép tội mà còn chấp nhận thoái vị, truyền ngôi cho thái tử. Lẽ ra đã đoạt được điều mong ước, thái tử phải biết tri ân và phụng dưỡng phụ hoàng chu đáo, nhưng không ngờ tân vương vừa lên ngôi đã bắt giam phụ hoàng của mình vào trong ngục tối.
Hoàng hậu thương xót chồng nên thường xuyên đến chăm sóc, được một thời gian thì bị chính đứa con của mình cấm không cho đem thức ăn vào nhà ngục nữa. Hoàng hậu lén giấu thức ăn vào búi tóc đem vô cho vua nhưng cũng bị phát hiện. Hết cách, hoàng hậu phải tắm rửa sạch sẽ rồi thoa mật ong, những thực phẩm thượng vị lên thân thể của mình, rồi đi vào ngục thất, dùng những chất bổ dưỡng ấy cho chồng của mình sống qua tháng ngày. Sự việc ấy cũng bại lộ, hôn quân ngỗ nghịch cấm không cho mẫu hậu vào thăm vua cha nữa. 
Một ngày nọ, Ajātasattu cho một người đem dao kéo đến ngục thất, vua cha thấy vậy tưởng con mình đã hồi tâm chuyển ý nên cho người đến cắt tóc, đón mình về cung. Ai ngờ, chính niềm vui ấy đã làm vua cha lầm tưởng. Người thợ ấy được 
lệnh ông vua con vào trong ngục thất để cắt gót chân của vua cha, xát muối vào trong gót chân và hơ trên lửa nóng. Ôi đau đớn, ôi xót xa. Đau đớn vì vết thương hành hạ thể xác, xót xa vì chính đứa con thân yêu của mình sai người giết mình. 
Cùng lúc ấy, ông vua trẻ nhận được tin hoàng hậu của mình đã sanh một hoàng nam. Niềm vui tràn ngập đối với vị vua trẻ lần đầu tiên làm cha. Vua Ajātasattu bồng con đến với mẫu hậu, đã hỏi mẫu hậu xem phụ hoàng có từng thương yêu mình như mình yêu thương con của mình không?
Mẫu hậu kể lại câu chuyện về tình thương của vua cha dành cho thái tử khi thái tử chưa lọt lòng. Khi ấy, các vị quan chiêm tinh đoán biết sau này vị thái tử sinh ra sẽ là người giết cha soán ngôi nên có ý định khuyên hoàng hậu nên phá thai. 
Vua cha không chịu. Hoàng hậu cũng đôi lần có ý định như thế rồi đức vua cũng cản ngăn và sẵn sàng chấp nhận sự việc ấy. Đến khi thái tử được vài tuổi, thái tử bị nổi mụn nhọt trên tay, đau nhức khóc lóc dữ dội, vua cha đau lòng không biết làm sao nên đã ngậm ngón tay ấy vào trong miệng để thái tử bớt đau nhức. Và đúng như vậy, thái tử đã nín thật. Nhưng mụn nhọt ấy đã chính mùi, máu mủ vỡ ra, vua cha không nỡ bỏ ra để con đau nhức nên đã nuốt luôn những máu mủ hôi thúi ấy vào trong miệng. Mẫu hậu nói với vua con rằng: khó mà kiếm được một người cha thương con hết mình như thế.
Nghe qua câu chuyện của mẫu hậu kể, vị vua trẻ cảm thấy thương cha và hối hận nên liền hối hả chạy đến ngục thất ra lệnh thả phụ hoàng ra. “Thả phụ hoàng ta ra! Thả phụ hoàng ta ra!” 
Lời vua trẻ sao mà thống thiết nhưng đã muộn rồi, vị thánh vương đã ra người thiên cổ.Câu chuyện thật đau lòng về hình ảnh vị cha già bị chính đứa con thân yêu của mình giam lỏng và giết hại. Tấm lòng người cha lúc nào cũng bao dung, rộng lượng đối với con cái. 
Hỵ vọng rằng, với mẫu chuyện trên sẽ là những bài học để tự chúng ta kiểm điểm lại chính mình, xem mình đã và đang đối xử với song thân của chúng ta ra sao?

(trích PHÁP TRIỀU - TK. ĐỊNH PHÚC)

NĂM BỔN PHẬN CỦA CHA MẸ ĐỐI VỚI CON CÁI


Kinh “Giáo thọ Thi-ca-la-việt” đã đề cập đến mối quan hệ đạo đức của các bậc cha mẹ đối với con cái qua năm tiêu chí căn bản sau đây:
(1) ngăn chặn con cái làm việc ác.
(2) khuyên dạy con cái làm việc thiện.
(3) tạo dựng nghề nghiệp cho con cái.
(4) tạo dựng gia thất cho con cái.
(5) truyền trao gia tài cho con cái đúng thời.
1. Ngăn chặn con làm việc ác.
Trong trách nhiệm thiêng liêng thứ nhất này, các bậc cha mẹ ngoài việc nuôi nấng con cái về thể chất, còn phải nuôi con cái bằng đạo đức và trí tuệ chân chánh. Đó là sự giáo dục con cái không được làm các điều ác. Khái niệm” điều ác” được chỉ chung cho các hành vi, lời nói và cả tâm tư ý nghĩ có hại cho bản thân chúng, cho cha mẹ chúng và cho các mối quan hệ con người và xã hội khác. Dạy con thành người là dạy con xa lánh các điều tội ác. Đó là không giết người, không trộm cướp, không lừa gạt, không tà dâm và không nghiện ngập say sưa để thần trí mê mờ.
Ngoài ra, không làm các điều ác còn là sự tuân thủ luật pháp xã hội, tôn trọng thuần phong mỹ tục của quốc gia, duy trì truyền thống tốt đẹp của gia đình. Sự giáo dục con cái như vậy rõ ràng là sự giáo dục của người có trí: không nuông chìu con cái, không để chúng có cơ hội đi vào con đường tội lỗi. Các bậc cha mẹ nuôi con mà không biết dạy con tránh xa tội ác như vậy sẽ trở thành chướng ngại cho đời sống gia đình và xã hội.

2. Khuyên dạy con làm việc lành.
Không có gì tích cực hơn đối với các bậc cha mẹ theo đạo Phật là dạy con cái làm điều thiện, đạo đức. Nói khác hơn, giáo dục con cái từ bỏ điều ác là cơ sở nền tảng để từ đó giáo dục chúng làm điều lợi ích cho xã hội. Nội dung trách nhiệm thứ hai của các bậc cha mẹ trong lời dạy này là khuyến khích con cái vào các hoạt động lợi ích cho cộng đồng, xã hội. Đây là cách giáo dục vô cùng tích cực cho một xã hội an bình. Đó là giáo dục con cái theo tinh thần của bậc giác ngộ, để tạo dựng một gia đình và xã hội vắng ác đầy thiện, vắng cái xấu xa tội lỗi, tràn đầy cái chân thiện mỹ.

3. Tạo dựng nghề nghiệp chân chánh cho con cái.
Tạo dựng nghề nghiệp cho con cái không những bao gồm sự nuôi nấng theo tinh thần khoa học mà còn chăm lo đến nghề nghiệp tương lai của chúng. Điều này có nghĩa là giao cho con cái cả gia tài sự nghiệp sẵn có của mình không bằng truyền thụ cho chúng kiến thức để có được nguồn tài sản đó. Ở đây, giáo dục Phật giáo nhấn mạnh đến giáo dục “nhân” để sinh ra “quả”. Vun bồi nhân là cách tốt nhất để gặt hái quả tốt. Do đó giáo dục trong đạo Phật luôn là giáo dục con đường chứ không ban cho con đường. Đây là lối giáo dục vô cùng sáng suốt vì đã loại bỏ yếu tố tha lực trong các hoạt động và phát triển nhân cách đạo đức và năng lực bản thân.
Kế đến lời dạy này còn nhắm đến tính giáo dục tinh thần tự lực cho con cái, theo quy luật của cuộc sống và theo đạo đức của cuộc đời. Chỉ có tinh thần tự lực, dưới sự hướng đạo của cha mẹ, con cái mới thật trưởng thành trong xã hội.
Một ý nghĩa khác có thể rút ra từ lời dạy trên là để khắc chế nạn lêu lõng và buông thả của đời sống thanh thiếu niên trong xã hội nhiều cám dỗ, các bậc cha mẹ phải dạy chúng ý thức về một nghề nghiệp ổn định cho bản thân. Sự sống nhờ vả, dù đó là nhờ vào cha mẹ, cũng chỉ là tạm thời và có ý nghĩa rất ít; trong khi sự tự lập bằng mồ hôi, sức lực, trí khôn trong chiều hướng đạo đức và khả năng của bản thân mới là con đường tự tồn tại lâu dài và bền bĩ. Chính sự giáo dục này giúp cho con cái thoát khỏi các cạm bẫy ăn chơi sa đọa của xã hội, góp phần ổn định đời sống tập thể và cộng đồng, nhất là hạn chế nạn thất nghiệp và những việc làm phi pháp.

4. Xây dựng gia thất xứng đáng cho con cái.
Trách nhiệm của các bậc cha mẹ không chỉ dừng lại ở giáo dục đạo đức tránh ác làm lành, ổn định nghề nghiệp cho con mà còn chăm lo đến đời sống lứa đôi cho con cái. Cần nhấn mạnh ở đây rằng xây dựng gia thất cho con cái không có nghĩa là ép buộc con cái phải làm chồng – vợ một người nào đó mà mình thích, thay vì người mà chúng yêu thương. Đạo Phật không khuyến khích một tập tục “bắt đâu ngồi đó” như trong truyền thống Ấn giáo cổ đại, cũng như truyền thống “phụ vi tử cương” của Nho giáo. Đạo Phật đề cao tinh thần bình đẳng trong nhận thức của cha mẹ và con cái. Khi chưa đến tuổi thành niên, con cái tùy thuộc vào sự quyết định đúng đắn của cha mẹ. Khi con cái đã đến tuổi trưởng thành, việc quyết định đời sống hôn nhân của chúng phải tùy thuộc vào sự lựa chọn của chúng.
“Ép dầu ép mỡ ai nỡ ép duyên” là một phương châm rất phù hợp với tinh thần của lời dạy này. Ngoài ra, một ý nghĩa giáo dục khác là nếu cha mẹ có thể dạy và tạo dựng nghề nghiệp chân chánh và ổn định cho con cái thì các bậc cha mẹ cũng có thể cố vấn tình yêu và hôn nhân cho chúng. Lời dạy này mang tính giáo dục rất cao. Cha mẹ không chỉ là người sanh ra con cái mà còn là người thầy, người cố vấn, người hướng đạo đời sống yêu đương và hôn nhân cho con cái. Ở đây, ngoài yếu tố truyền trao kinh nghiệm yêu đương và hôn nhân cho con cái, các bậc cha mẹ còn phải đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn con cái chọn lựa người bạn đời thích hợp. Không có gì thiêng liêng và cao quý cho bằng khi cha mẹ còn đóng vai trò của người thầy và người cố vấn hôn nhân.
Ngoài ra, lối giáo dục cố vấn con cái trong hôn nhân theo tinh thần lời Phật dạy còn có những giá trị đạo đức sau đây:
- Chặn đứng hoặc hạn chế một cách tối đa tình trạng tự tử của những đôi uyên ương do cha mẹ không đồng ý gả họ cho người họ yêu say đắm.
- Chặn đứng tình trạng ly thân, ly dị, đổ vỡ hôn nhân do đôi uyên ương không tương đồng về đạo đức, trí tuệ và lý tưởng.
- Hướng đến một xã hội mà các phần tử của nó có tinh thần tự chủ, độc lập trong nhận thức và hành động nhất là trong việc chọn người bạn đời thích hợp.

5 . Truyền trao gia tài cho con cái đúng thời.
Trách nhiệm thứ năm này mang ý nghĩa pháp lý và đạo đức rất cao. Về phương diện pháp lý, việc truyền trao này bao gồm di chúc và tài sản thừa tự cho con cái. Có nhiều bậc cha mẹ đã không nghĩ tới chuyện này khi còn khỏe mạnh. Do đó, một khi nhắm mắt xuôi tay, con cái bất hiếu đã gây cảnh nồi da xáo thịt về quyền thừa tự, tranh giành tài sản do cha mẹ để lại. Chính vì thế, để tránh các tình trạng trên, Đức Phật đã dạy các bậc cha mẹ phải di chúc và trao truyền gia tài khi mình còn sáng suốt và khỏe mạnh. Chỉ có trong tình trạng khỏe mạnh và sáng suốt, người ta mới có thể chọn người xứng đáng vá thích hợp để mà ủy thác.
Nói chung, nếu tinh thần này được áp dụng ở xã hội thì lo gì xã hội không có đủ người tài đức, đất nước không có được minh quân. Mọi sự phân biệt mang tính cách bè phái, cục bộ “con ông cháu cha” sẽ không còn cơ hội để tồn tại trong một xã hội mà tinh thần giáo dục của Đức Phật được truyền thừa và phát huy triệt để.

Nói tóm lại, mối quan hệ giữa cha mẹ đối với con cái là mối quan hệ mang tính đạo đức và giáo dục rất cao. Các bậc cha mẹ không chỉ chăm lo về đời sống vật chất cho con cái mà còn và quan trọng hơn hết là chăm lo và phát triển đời sống đạo đức và trí tuệ của chúng. Về đời sống đạo đức, cha mẹ phải huấn luyện và dạy dỗ con cái các phẩm chất đạo đức, tránh ác làm lành, từ bỏ con đường xấu xa phát huy đời sống chánh mạng và chánh nghiệp. Kế đến cha mẹ còn dạy cho con cái ý thức trách nhiệm cao độ của người con, tinh thần tự lập qua việc ổn định nghề nghiệp trong xã hội. Ngoài ra, cha mẹ còn phải cố vấn cho con cái trong việc lựa chọn một người bạn đời lý tưởng, để đời sống gia thất về sau được bền bỉ và hạnh phúc. Chỉ có những người con như vậy mới xứng đáng tiếp hưởng gia tài được đúc kết bằng mồ hôi và xương máu của cha mẹ, của những thế hệ cha anh đi trước. Thiết nghĩ tinh thần giáo dục cao thượng này nên được các hội bô lão, các hội phụ huynh học sinh nghiên cứu và áp dụng triệt để, để tình thương, sự phát triển và hạnh phúc nở hoa trên sự sống của con người hôm nay và mai sau.
(Trích PHÁP TRIỀU - TK. ĐỊNH PHÚC)

Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

Lễ dâng Y Kathina tại Tổ đình Giác Quang -TPHCM

Sáng ngày 13/11/2013, nhằm ngày 11/10 PL 2557, Tổ đình Giác Quang (47 Lương Văn Can Q8 Tp.HCM) do HT Tịnh Giác làm viện chủ đã long trọng cử hành đại lễ dâng Y Kathina theo truyền thống Phật Giáo Nam truyền Theravāda đến chư Tăng đã viên mãn sau ba tháng an cư mùa mưa tại bổn tự.
Đến tham dự và chứng minh buổi lễ, ban tổ chức hân hạnh được vinh dự với sự quang lâm của HT Minh Giác, TT Pháp Chất, TT Kim Cang Trí cùng chư Thượng toạ, Đại đức Tăng, trụ trì và đại diện các chùa của hệ phái Phật giáo Nam tông. ngoài ra, góp thêm phần đông đảo và phước bau cho buổi lễ còn có sự góp mặt của quý Tu nữ, Thiện tín nam nữ xa gần.
Xin tri ân những bức hình của cô Phật tử Trần Mộng Thu đã chia sẻ.
20131113-203011.jpg
20131113-203038.jpg
20131113-203028.jpg
20131113-203044.jpg
20131113-203056.jpg
20131113-203104.jpg
20131113-203113.jpg
20131113-203123.jpg
20131113-203118.jpg
20131113-203128.jpg
20131113-203133.jpg
20131113-203139.jpg
20131113-203155.jpg
20131113-203145.jpg
20131113-203149.jpg
20131113-203213.jpg
20131113-203205.jpg
20131113-203201.jpg
20131113-203218.jpg

Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013

Lễ dâng Y Kathina tại chùa Từ Quang – TPHCM

Sáng ngày 11/11/2013 (nhằm ngày 09/10/PL.2557 AL. Quý Tỵ) chùa Từ Quang (63 Trần Bình Trọng, Phường 10, Quận Gò Vấp, TPHCM) đã long trong cử hành đại lễ Dâng Y Kathina đến chư Tăng nhập hạ tại bổn tự.
Đáp lại lời thỉnh cầu của ban tổ chức cũng như tập thể thí chủ, buổi lễ đã được sự quang lâm và chứng minh của chư Tăng đến từ nhiều quốc gia khác nhau.
Về phía đoàn chư Tăng Việt Nam, cớ sự quang lâm và chứng minh của HT Tịnh Giác, HT. Minh Giác, HT Thiện Pháp, TT Kim Cang Trí, TT Pháp Chất, TT Bửu Chánh, TT Giác Sơn, TT Tăng Định cùng chư tôn Thượng toạ, Đại đức Tăng trụ trì và đại diện các chùa hệ phái Phật giáo Nam truyền. Đến từ đất nước chùa vàng Thái Lan, có ngài HT Phra Kru Jotidhamma (trụ trì Wat Kantatharam, Bangkok). Đến từ đất nước Phật giáo Sri Lanka có ngài HT Mahinda cùng chư Tăng.
Ngoài ra, đến tham dự và góp phần cho buổi lễ còn có sự hiện diện và chung hùn của quý Tu nữ cũng như chư thiện nam tín nữ Phật tử xa gần, kẻ công người của gố phần cho buổi lễ thêm phần long trọng và tràn đầy phước báu.
Chùa Từ Quang do cố Hòa thượng Thích Hộ Giác sáng lập năm 1930; 80 năm qua, chùa đã trãi qua 9 đời trụ trì.
Hiện nay Chùa Từ Quang là một trong những điểm tiếp nhận nuôi dưỡng các trẻ em mồ côi và trẻ cơ nhỡ có hoàn cảnh khó khăn, tất cả đều được xuống tóc quy y xuất gia tu học cả 2 mặt thế học và đạo học.
20131112-165324.jpg
20131112-165336.jpg
20131112-165354.jpg
20131112-165414.jpg
20131112-165556.jpg
20131112-165603.jpg
20131112-165609.jpg
20131112-165621.jpg
20131112-165726.jpg
20131112-165732.jpg
20131112-165741.jpg
20131112-165758.jpg
20131112-165806.jpg
20131112-165815.jpg
20131112-165819.jpg
20131112-165825.jpg
20131112-165831.jpg
20131112-165836.jpg
20131112-165848.jpg
20131112-165925.jpg
20131112-165919.jpg
20131112-165904.jpg
20131112-165930.jpg
20131112-165940.jpg
20131112-165950.jpg
20131112-170002.jpg
20131112-170011.jpg
20131112-170023.jpg
20131112-170042.jpg
20131112-170057.jpg