Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

TÂM TỪ BA-LA-MẬT (METTĀPĀRAMĪ)

Trong một tiền kiếp khi Ðức Phật là Ngài Suvannasama, Ngài thực hành hạnh Từ Tâm Balamật. Ngài chăm sóc cha mẹ mù lòa. Ngài nọ, Ngài bị Kapilayakkha, vua xứ Benares, bắn chết. Cha mẹ Ngài cầu nguyện vàb thực hiện một lời nguyền chân thật, và mũi tên độc rớt ra khỏi thân Ngài, và Ngài sống trở lại. Và Ngài cũng thực hiện lời nguyền tương tự, và cha mẹ Ngài mắt sáng trở lại, thoát khỏi cảnh mù lòa.
Trong một tiền kiếp khi Ðức Phật là Ngài Suvannasama, Ngài thực hành hạnh Từ Tâm Balamật. Ngài chăm sóc cha mẹ mù lòa. Ngài nọ, Ngài bị Kapilayakkha, vua xứ Benares, bắn chết. Cha mẹ Ngài cầu nguyện vàb thực hiện một lời nguyền chân thật, và mũi tên độc rớt ra khỏi thân Ngài, và Ngài sống trở lại. Và Ngài cũng thực hiện lời nguyền tương tự, và cha mẹ Ngài mắt sáng trở lại, thoát khỏi cảnh mù lòa.
Câu chuyện hiện tại:
Tại chùa Kỳ Viên (Jetavana), có một thanh niên con ông Bá Hộ xuất gia tu hạnh ở rừng 12 năm không kết quả. Sau được tin cha mẹ bị sa sút thành người ăn xin, tỳ kheo đó bèn từ rừng trở về, đi khất thực nuôi dưỡng cha mẹ, lắm khi tự nhịn ăn. Đức Thế Tôn biết được liền ngợi khen vị tỳ kheo đó như sau: "Tốt lành thay! Tốt lành thay! Ông đang đi con đường ngày xưa Ta đã đi qua, ngày xưa khi đi khất thực Ta cũng phụng dưỡng cha mẹ Ta".
Sau đó Thế Tôn kể lại câu chuyện quá khứ về đạo sĩ Suvannasāma (Jā.540).
Câu chuyện quá khứ:
Có người nam tên Dukura và người nữ tên Pārikā
Được cha mẹ đôi bên đính hôn từ thuở nhỏ. Nhưng vì hai vị này từ cõi Phạm Thiên giáng sanh xuống làm người, nên không có sự luyến ái ngũ dục dù sống chung với nhau. Lúc cưới hỏi xong cả hai liền từ giả cha mẹ đi xuất gia làm đạo sĩ và đạo sĩ ni.
Vua trời Đế Thích hiểu rõ tiền nghiệp cả hai đạo sĩ ấy khi đến già cả hai sẽ bị mù mắt, không có người hộ độ nên hiện xuống yêu cầu hai vị gần gũi cho có con.
Đức Bồ Tát được sanh ra từ hai vị Đạo Sĩ đó và có tên là Suvannasāma. Lớn lên vừa biết được mọi việc thì cha mẹ bị mù. Ngài phụng dưỡng cha mẹ hết lòng, mỗi ngày vào rừng hái trái ngon ngọt dâng đến cha mẹ. Phần Ngài thì luôn khi tham thiền về "Tứ vô lượng tâm". Những loài thú thấy Bồ Tát có tánh hiếu đạo và nhất là hiền lành có từ tâm đối với mọi loài nên chúng hằng sống loanh quanh theo Ngài.
Một hôm trong khi đi lấy nước, Bồ Tát bị Đức vua Karaliyakkha xứ Bārānasī đi săn thú bắn nhầm. Vì tên có tẩm thuốc độc, làm cho Bồ Tát rất đau đớn, khổ sở, nhưng Ngài nghĩ rằng đây là quả khổ của nghiệp ác mà ta đã tạo, nên Ngài nhẫn chịu không oán trách chỉ than rằng: "Ai là người giết tôi? Từ khi tôi sanh ra đến nay được 16 tuổi. Cha mẹ tôi và tôi chẳng bao giờ làm điều ác. Nay tôi chịu chết đã đành nhưng rất thảm thương, cha mẹ tôi đều mù biết lấy ai nương nhờ, người là ai mà đến đây hại tôi thế này? Cha mẹ tôi chắc sẽ từ trần, vì không ai phụng dưỡng". Thở than bay nhiêu rồi Ngài bất tỉnh.
Đức vua nghe được hối hận lỗi mình làm, đi tìm hai vị đạo sĩ mù xin chịu lỗi và xin thay thế Bồ Tát nuôi dưỡng Cha Mẹ của Ngài.
Hai vị đạo sĩ sau khi nghe tin Bồ Tát chết, lấy làm thương cảm khóc than bèn nói lời chân thật và chú nguyện rằng: "Con của ta đây luôn thực hành tâm từ Ba La mật, là đứa con hiếu kính … Do lời chân thật này xin cho thuốc độc tiêu tan!"
Lúc ấy có nàng Thiên nữ từ núi Gandhamādana cũng bay đến phát lời chân thật nguyện rằng: "Tôi trú trên núi này rất lâu, chỉ có đạo sĩ Suvannasàma là nơi yêu mến vừa lòng của chúng sanh. Do oai lực lời chơn thật này, xin cho thuốc độc được tiêu tan." Liền khi ấy, nhờ đức tu trong sạch và tiền nghiệp đã hết nên Đức Bồ Tát được bình phục và hai mắt của cha mẹ Bồ Tát cũng được sáng tỏ như xưa.
Sau đó, Đức vua xin thọ giới tu theo Bồ Tát và trở thành vị đạo sĩ.
Nhận diện tiền thân:
Vua là Ānanda,
Nữ thần là Uppalavannā,
Thiên chủ Sakka là Anuruddha,
Người cha là Kassapa ,
Người mẹ là Bhaddakāpilāni.

Trong một tiền kiếp khi Ðức Phật là Ngài Suvannasama, Ngài thực hành hạnh Từ Tâm Balamật. Ngài chăm sóc cha mẹ mù lòa. Ngài nọ, Ngài bị Kapilayakkha, vua xứ Benares, bắn chết. Cha mẹ Ngài cầu nguyện vàb thực hiện một lời nguyền chân thật, và mũi tên độc rớt ra khỏi thân Ngài, và Ngài sống trở lại. Và Ngài cũng thực hiện lời nguyền tương tự, và cha mẹ Ngài mắt sáng trở lại, thoát khỏi cảnh mù lòa.
Hạnh lành từ ái bao la
Chúng sanh bốn loại chan hoà tình thương
Lòng như cam lộ suối nguồn
Rải ban phúc lạc lệ tuôn quản gì
Hy sinh ngoại vật tứ chi
Hoặc luôn mạng sống sá gì huyển thân
Phật xưa pháp độ vẹn toàn
Chúng con nguyện bước theo chân Ðại Từ


Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

CHÍ NGUYỆN BA-LA-MẬT (ADHIṬṬHĀNAPĀRAMĪ)

Trong một tiền kiếp khi Ðức Phật là Ngài Nemi, Ngài thực hành hạnh Chí Nguyện Balamật. Thần Ðế Thích Sakkha sai Matali đánh xe đến đưa Ngài đi viếng các cảnh địa ngục và thiên đàng, và các nơi trú ngụ của nam thiên và nữ thiên.
Trong một tiền kiếp khi Ðức Phật là Ngài Nemi, Ngài thực hành hạnh Chí Nguyện Balamật. Thần Ðế Thích Sakkha sai Matali đánh xe đến đưa Ngài đi viếng các cảnh địa ngục và thiên đàng, và các nơi trú ngụ của nam thiên và nữ thiên.
Câu chuyện hiện tại:
Một buổi chiều nọ, bậc Đạo Sư cùng hội chúng đông đảo Tỷ- kheo đang dạo chơi trong vườn xoài, Ngài chợt thấy một nơi hợp ý Ngài. Vì muốn kể lại hành nghiệp của Ngài ở thời quá khứ, Ngài liền để lộ một nụ cười trên khuôn mặt cho hội chúng chiêm ngưỡng. Khi Tôn giả Ānanda hỏi tại sao ngài mỉm cười, Ngài đáp:
- Này Ānanda, ở chỗ kia, ngày xưa Ta đã nhập Thiền định vào thời vua Makhādeva.
Rồi theo lời thỉnh cầu của Tôn giả, đức Thế-tôn ngồi xuống nơi Tôn giả mời Ngài, và kể câu chuyện quá khứ về đại vương Nimi - Nimi Jātaka (Jā. 541)
Câu chuyện quá khứ:
Một thời, Bồ Tát sanh làm Hoàng tử của nhà vua trị vì thành Mithilā trong quốc độ Videha.  Ngài là hậu thân của Vua Makhādeva, từ giã cõi Phạm thiên để làm cho con số thân thích xuất thế ly gia của dòng tộc ông chẵn 84 ngàn.  Do đó ông được gọi là Nemi, tức ra đời để khép lại chiếc vòng bánh xe.  
Ông lên ngôi lúc phụ hoàng xuất thế.  Ông trị vì theo chánh pháp và pháp bố thí cũng như dạy hai pháp này cho thần dân.  Một hôm, Vua Nimi khởi tâm hoài nghi giữa đời Thánh hạnh và pháp bố thí, thì ngôi của Thiên chủ Sakka nóng lên.  Thiên chủ xuất hiện và làm sáng tỏ thành quả vĩ đại của đời tu hành.  
Tiếng đồn của Vua Nimi lan đến cõi Tāvatiṃsa; Thiên chủ Sakka đưa xe và Quản xa Mātali đến rước ông.  Trên đường lên Thiên giới, Quản xa chỉ ông các địa ngục cũng như thiên đàng, vì ông muốn thấy cả hai đường ác và thiện.  Tới Sudhammā (Thiện pháp đường), ông thuyết cho chư Thiên tử.
Sau bảy ngày ở trên cõi Tāvatiṃsa,Vua Nimi trở về thành Mithilā và thuật lại cho dân chúng nghe những gì ông thấy. Một hôm, người thợ hớt tóc thấy sợi tóc bạc trên đầu ông, ông liền nhường ngôi, xuất thế như các tiền nhơn của ông từng làm (tục lệ trong dòng tộc ông), và đi tu khổ hạnh.  Thái tử Kaḷārajanaka của ông là vì vua thứ 84 ngàn của triều đại Makhādeva.
Nhận diện tiền thân:
Thiên chủ Sakka là Tôn giả Anuruddha;
Mātali là Tôn giả Ānanda.


Bởi do chí nguyện dẫn đường
Biết nơi cứu cánh mà nương lối về
Bờ kia là đạo bồ đề
Tự lòng đã quyết bến mê phải lìa
Hy sinh ngoại vật tứ chi
Hoặc luôn mạng sống sá gì huyển thân
Phật xưa pháp độ vẹn toàn
Chúng con nguyện bước theo chân Ðại Từ

Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

CHÂN THẬT BA-LA-MẬT (SACCAPĀRAMĪ)


Trong một tiền kiếp khi Ðức Phật là Ngài Vidhurapandita, Ngài thực hành hạnh Chân Thật Balamật. Ngài thuyết phục được Punnakayakkha khi người nầy cố gắng vô vọng để giết Ngài bằng cách đe dọa Ngài.
Trong một tiền kiếp khi Ðức Phật là Ngài Vidhurapandita, Ngài thực hành hạnh Chân Thật Balamật. Ngài thuyết phục được Punnakayakkha khi người nầy cố gắng vô vọng để giết Ngài bằng cách đe dọa Ngài.
Câu chuyện hiện tại:
Một ngày kia các Tỷ kheo đưa ra một vấn đề tranh luận tại Chánh pháp Đường, bảo nhau:
- Này các Hiền giả, Bậc Đạo Sư đã đạt đại trí, quảng trí, Ngài thật tinh thông, ứng đối mau lẹ, nhạy bén, lý giải sắc xảo và có khả năng đánh đổ mọi biện luận của các đối thủ của Ngài, nhờ uy lực Thắng trí của Ngài, Ngài đã phá tan những vấn đề nan giải do các vị hiền trí Sát-đế-ly đưa ra và khiến họ phải yên lặng chấp nhận. Sau khi an trú họ vào Tam quy và Ngũ giới, Ngài dạy họ con đường đưa Niết-bàn bất tử.
Bậc Đạo Sư đi vào, hỏi các Tỷ kheo đang ngồi bàn luận đề tài gì và khi nghe vậy, Ngài bảo:
- Này các Tỷ kheo, Như Lai sau khi đạt Trí tuệ Viên mãn, đã phá tan mọi lý luận của các đối thủ và giáo hóa các vị vua Sát- đế- ly cùng nhiều vị khác, việc chẳng phải kỳ diệu gì. Vì từ ngàn xưa khi Ta còn đang tầm cầu Trí tuệ Tối thượng, Ta đã đầy đủ trí tuệ để phá kiến các đối thủ. Hơn thế nữa, chính vào thời Vidhurakumàra, trên đỉnh Hắc Sơn, cao chừng sáu mươi dặm, nhờ uy lực Thắng trí của Ta, Ta đã hàng phục Đại tướng Dạ-xoa Punnaka, khiến y phải chịu im lặng và đem sinh mạng cúng dường.
Nói xong Ngài kể một câu chuyện quá khứ về Bồ-tát Vidhura - Vidhurapaṇḍita Jātaka (Jā.545)
Câu chuyện quá khứ:
Có bốn vị vua là Vua Dhanañjaya-Korabba trị vì thành Indapatta (quốc độ Kuru), Thiên chủ Sakka, Xà vương Varuṇa, và Vua Venateyya của các Supaṇṇa (Kim xí điểu) — sau khi hành trì trai giới, vào ngự viên Migācira thuộc quyền của Koravya để tĩnh toạ thực hành Samôn hạnh. Vào một buổi xế chiều, chư vị gặp nhau tại một điểm trong ngự uyển để thảo luận xem ai là vị có đức hạnh cao hơn cả. Không quyết định được, chư vị đem câu chuyện đến Đại thần Vidhurapaṇḍita (Bồ Tát) để nhờ phân giải. Nghe qua lời giải bày của chư vị, Trí giả Vidhura tâu rằng đức hạnh của bốn vị đều là một, như “căm xe ở trục quay”. Hoan hỷ, Thiên chủ Sakka ban cho ông chiếc cẩm y bằng gấm thiên đình, Xà vương Varuṇa thưởng ông hạt minh châu, Kim xí điểu vương Venateyya tặng ông trành hoa bằng vàng, và Vua Dhanañjaya cấp cho ông một ngàn con bò cái.
Chánh hậu Vimalā của Xà vương Varuṇa nghe tài trí của Virudha ước mong được gặp Trí giả nên giả đau và nói chỉ được chửa bằng trái tim của Trí giả Vidhura. Công chúa Irandatī treo giải cho ai lấy được tim của Virudha. Dạxoa Puṇṇaka, cháu của Thiên vương Vessaṇa, muốn chiếm nàng nên xung phong. Ông vô cung vua Dhanañjaya và dùng danh tánh Kaccāyana đánh cá cược với nhà vua trong một ván súc sắc: nếu thua chàng sẽ hiến tặng viên bảo châu như ý, nếu thắng chàng chỉ xin được Trí giả Vidhura. Nhà vua thua cá cược. Vidhura đồng ý đi với Puṇṇaka.
Trước khi ra đi, Trí giả giải thích cho nhà vua về cuộc sống hưng thịnh của một cư sĩ tại gia và mời Puṇṇaka về nhà nghỉ ba hôm để ông khuyến giáo thân nhân gồm: phu nhân Anujjā, công tử Dhammapāla, và con dâu Cetā. Ba ngày đã mãn, Trí giả Vidhura lên đường theo Dạxoa Puṇṇaka. Dạxoa muốn giết Trí giả bằng kinh sợ nên hiện hình ác quỷ, sư tử, voi dữ, mãng xà, nhưng Trí giả không hề nao núng. Lúc biết được sự thật, Trí giả Vidhura ngồi trên Kāḷapabbata thuyết pháp và chuyển hoá Puṇṇaka; hoan hỷ, Dạxoa Puṇṇaka hứa đưa Trí giả trở về Indapatta; nhưng Trí giả Vidhura xin đi gặp Hoàng hậu Vimāla để thuyết pháp cho bà nghe. Đến cõi Xà vương, Trí giả Vidhura thuyết pháp trước cho Xà vương sau cho Chánh hậu. Hai vị đều hoan hỷ. Còn Dạxoa Puṇṇaka cưới được Công chúa Irandatī. Trong niềm hạnh phúc vô biên, Dạxoa Puṇṇaka tặng Trí giả Vidhura bảo châu và đưa ông trở về Indapatta. Tại đây, Trí giả Vidhura dâng bảo châu lên nhà vua và kể lại chuyện của mình. Nhà vua ban chiếu tổ chức lễ hội kéo dài một tháng để mừng Trí giả Vidhura trở về.
Nhận diện tiền thân:
Phu nhân Anujjā là Rāhulamātā;
Con trai Dhammapāla là Rāhula;
Xà vương Varuṇa là Tôn giả Sāriputta;
Kim xí điểu vuơng là Tôn giả Moggallāna;
Thiên chủ Sakka chỉ Tôn giả Anuruddha;
Vua Dhanañjaya chỉ Tôn giả Ānanda.


Thiện hiền chân thật không ngoa
Quí gìn lẽ thật như là bảo châu
Chân tâm ấy đạo nhiệm mầu
Nói làm nhất quán cho dù hiểm nguy
Hy sinh ngoại vật tứ chi
Hoặc luôn mạng sống sá gì huyển thân
Phật xưa pháp độ vẹn toàn
Chúng con nguyện bước theo chân Ðại Từ

Bhik Samādhipuñño Định Phúc

Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

NHẪN NẠI BA–LA– MẬT (KHANTIPĀRAMĪ)


Trong một tiền kiếp khi Ðức Phật là Ngài Candakumāra, Ngài thực hành hạnh Kiên Nhẫn Balamật. Ngài bị đánh gần chết nhiều lần, nhưng vẫn chịu đựng. Ðế-thích Sakkha cứu Ngài. Sau đó, Ngài được tôn vinh làm vua xứ Pupphavatī.

Câu chuyện hiện tại:
Trong lúc trú tại núi Gijjhakūta, bậc Đạo Sư đã kể câu chuyện này liên quan đến Devadatta, là kẻ vong ân bội nghĩa, đã nhiều lần hãm hại Thế Tôn. Sau đó, do lời thỉnh cầu của chúng Tỳ-khưu, Thế Tôn đã thuyết lại câu chuyện tiền thân Khaṇḍahāla Jātaka - Chuyện Tế Sư Khaṇḍahāla (Jā. 542).
Câu chuyện quá khứ:
Khaṇḍahāla là Tế sư của Vua Ekarāja ở Pupphavatī. Ông được nhà vua rất trọng dụng nhưng hay ăn hối lộ. Lần nọ, trong một cuộc tranh chấp tài sản, ông xử không phân minh bị Thái tử Candakumāra xử lại. Thái tử được dân chúng hoan nghênh vang dội. Tiến hoan nghênh tới tai vua nên vua phán để cho Thái tử xử án thay tế sư. Bổng lộc của Tế sư đương nhiên bị giảm, nên ông đem lòng thù oán Thái tử.
Một thời, nhà vua mơ ước cõi thiên đàng và hỏi Tế sư Khaṇḍahāla đường lên Thiên giới. Ông trình tấu rằng con đường ấy phải đi qua sự hy sanh của Hoàng hậu, các vương tử, và tài sản quý giá của hoàng cung. Vua Ekarāja chấp thuận lời cố vấn của Tế sư và chuẩn bị mọi sự hy sanh, dầu tâm trí có bị dao động. Khaṇḍahāla không ngần ngại thúc giục và khi gươm kề cổ Candakumāra, Chánh hậu Candā của ông liền cầu xin được chư thiên hộ trì.

Mong các thần, tiên, quỷ chốn đây,
Hãy nghe lời nói của con vầy,
Thực hành nhiệm vụ con giao phó,
Tái hợp con cùng thái tử này.

Tất cả thần tiên ở chốn này,
Con xin quỳ xuống dưới chân ngài,
Hộ phù con trẻ không người giúp,
Thương xót nghe con cầu cứu đây.

Thiên chủ Sakka xuất hiện cứu Candakumāra. Tiếp theo, đám dân chúng phẫn nộ giết chết Tế sư Khaṇḍahāla, đuổi Vua Ekarāja khỏi kinh thành và tôn Candakumāra lên ngôi vua trị vì thiên hạ.
Nhận diện tiền thân:
Devadatta là tế sư Khaṇḍahāla,
Mẫu hậu Mahāmāyā là hoàng hậu Gotamī,
Mẹ của Rāhula là Candā,
Rāhula là Vāsula,
Tỳ-khưu ni Uppalavannā là Selā,
Tôn giả Kassapa thuộc dòng họ Vāma là Surā,
Tôn giả Moggallāna là Candasena,
Tôn giả Sāriputta là vương tử Suriya.
Vua Canda chính là Bồ-tát.


Ðức tu nhẫn nại vạn năng

Nuốt điều cay đắng nuôi phần tinh anh
Chông gai khéo tạo tâm thành
Xưa nay nguyện lớn hành trình gian nguy 
Hy sinh ngoại vật tứ chi
Hoặc luôn mạng sống sá gì huyển thân
Phật xưa pháp độ vẹn toàn
Chúng con nguyện bước theo chân Ðại Từ



Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

TINH TẤN BA–LA–MẬT (VIRIYAPĀRAMĪ)

Trong một tiền kiếp khi Ðức Phật là Ngài Ðại Janaka, Ngài thực hành hạnh Tinh Tấn Balamật. Khi thuyền bị đắm ngoài biển khơi, Ngài bơi không ngừng nghỉ trong bảy ngày, cho đến khi Thần Biển Manimekhala khâm phục lòng dũng cảm của Ngài và ra tay cứu Ngài. Sau đó, Ngài được tôn vinh là vua xứa Mithila.

Câu chuyện hiện tại:
Một ngày kia, các Tỷ-kheo ngồi tại Chánh pháp đường bàn luận về việc xuất thế của đức Như Lai. Bậc Ðạo Sư đến và thấy vấn đề này, Ngài bảo:
- Ðây không phải là lần đầu tiên Như Lai thực hành Ðại sự Xuất thế, trước kia Như Lai cũng đã làm như vậy.
Rồi Ngài kể một chuyện tiền thân Mahājanaka Jātaka - Chuyện Đại Vương Mahājanaka (Jā. 539) cũng đề cập đến hạnh Tinh tấn Ba-la-mật của Bồ-tát.
Câu chuyện tiền thân:
Vua Mahājanaka có hai vương tử, Ariṭṭhajanaka và Polajanaka. Ariṭṭhajanaka nối nghiệp cha và phong vương đệ làm phó vương. Về sau, Polajanaka bị vương huynh hạ ngục vì bị nghi ngờ phản bội. Polajanaka trốn thoát, chiêu binh, đánh bại Ariṭṭhajanaka, lên ngôi. Hoàng hậu của Ariṭṭhajanaka trốn thoát với nhiều của cải. Bà mang thai Bồ Tát do dó ngôi Thiên chủ nóng lên và Thiên chủ giả làm người đánh xe đưa bà đến Kālacampā. Tại đây bà được một Bàlamôn Udicca nhận làm em nuôi, và sanh hạ một hoàng nam đặt tên là Mahājanaka. Lúc chơi với chúng bạn, bé thường bị trêu chọc là đứa con không cha. Bé hỏi mẹ về cha, nhưng mẹ bé lần lựa mãi cho đến khi bé bú doạ cắn vú bà, bà mới nói thật. Lên 16, chàng được mẹ cho nữa gia tài để đi buôn ở Suvaṇṇabhūmi hầu kiếm tiền dành lại ngôi vua. Tàu buôn chìm giữa biển khơi, Mahājanaka can đảm và tinh tấn bơi suốt trong bảy ngày liền và sau cùng được Nữ thần Maṇimekkhala (Ngọc Đới) cứu đưa lên vườn xoài ở Mithilā.
Bấy giờ, Vua Polajanaka băng hà và di chúc truyền ngôi cho ai làm đẹp lòng công chúa Sīvalī, hoặc biết được đâu là phía đầu của chiếc ngự sàng hình vuông, hoặc giương được chiếc cung cần sức mạnh của cả ngàn người, hoặc tìm ra được mười sáu kho báu. Không ai đáp ứng được điều kiện nêu ra. Vị Tế sư cho trang trí chiếc xe hoa với năm phù hiệu của hoàng gia và gởi đi rao truyền với nhạc chiên trống inh ỏi. Xe đến vườn xoài chỗ Mahājanaka đang nằm ngủ. Nhìn thấy các tướng hảo của chàng, vị Tế sư đánh thức chàng, và cung kính thưa ngai vàng này thuộc về Ngài rồi. Lúc về thành, Công chúa Sīvalī đẹp lòng ngay và chàng đáp ứng trọn vẹn các điều kiện của Vua quá vãng Polajanaka đề ra.
Mahājanaka lên ngôi, lập Sīvalī làm hoàng hậu và sanh được Hoàng tử Dīghāvukumāra. Về sau Dīghāvukumāra được cử làm phó vương.
Một hôm, Vua Mahājanaka ngự du trong vườn xoài, thấy cây có trái bị hái phá, còn cây không trái được yên lành, nhận thức rằng của cải đem đến khổ não. Thế là ông vô phòng sống một mình và khổ hạnh. Bốn tháng sau, ông ra đi xuất thế. Hoàng hậu thấy ông dưới cầu thang nhưng không nhận ra ông. Chừng thấy ông vắng cung, bà cho người chạy theo, nhưng tất cả đều bị đuổi về; riêng bà đích thân theo ông một đoạn đường dài 60 lý.  
Ẩn sĩ Nārada trên Hy Mã Lạp Sơn thấy Mahājanaka bằng thiên nhãn, khích lệ ông nhất tâm; Ẩn sĩ Migājina vừa xả định cũng khuyến khích ông. Hoàng hậu và quân sĩ tiếp tục đi theo ông đến thành Thūṇā. Tại đây ông thấy miếng thịt nướng của con chó tha trộm bỏ rơi vì hoảng sợ; ông lượm ăn bởi nghĩ rằng không có của bố thí nào hơn miếng thịt nầy. Hoàng hậu kinh tởm và cho ông không xứng đáng một vì vua. Đi đến cổng thành, ông thấy cô bé sàn lúa; hai chiếc vòng trên tay cô khua kêu lẻng kẻng, còn một chiếc bên tay kia không phát ra tiếng kêu. Chỉ vòng, ông khuyên bà nên để ông một mình. Bà rẽ đi nhưng chỉ một đỗi đường rồi quay lại và theo ông vào thành. Trong thành Thūṇā, ông đi khất thực, đến cửa nhà người làm tên. Thấy người thợ nheo mắt nhắm mũi tên, ông hỏi và được trả lời rằng hai mắt chỉ làm lạc hướng nhãn quan, nên nhìn đích xác định bằng một mắt. Nhưng Hoàng hậu vẫn không rời ông. Đến bìa rừng ông bảo từ giờ giữa hai ông bà không còn tình vợ chồng nữa, bà ngất xỉu trong lúc ông đi thẳng vô rừng. Lúc tỉnh dậy, không thấy ông đâu, bà trở về cung. Sau đó Hoàng hậu cho xây nhiều tháp nơi chỗ nhà vua nhất tâm xuất thế như chỗ đàm luận với hai vị ẩn sĩ, chỗ ăn miếng thịt, chỗ nói chuyện với cô bé, với người làm tên, dâng bông cúng dường, rồi sống đời khổ hạnh trong ngự uyển ở Mithilā.
Nhận diện tiền thân:
Maṇimekhālā clà hỉ Tỳ-khưu ni Uppalavaṇṇā,
Nārada là Tôn giả Sāriputta,
Magājina là Tôn giả Moggallāna,
Cô bé là Tỳ-khưu ni Khemā,
Người làm tên là Tôn giả Ānanda,
Sīvalī là Tỳ-khưu ni Rahulamātā,
Dīghāvu là Tôn giả Rāhula,
Mahājanaka là Bồ Tát.

Chính do nghị lực tinh cần
Vượt qua bể ái chứng thân đại hùng
Kiên trì giữa cuộc lao lung
Càng nhiều chướng nghịch thêm công tu trì
Hy sinh ngoại vật, tứ chi
Hoặc luôn mạng sống sá gì huyển thân
Phật xưa pháp độ vẹn toàn
Chúng con nguyện bước theo chân Ðại Từ



Thứ Hai, 21 tháng 7, 2014

TRÍ TUỆ BA–LA–MẬT (PAÑÑĀPĀRAMĪ)

Trong một tiền kiếp khi Ðức Phật là Ngài Mahosodha, Ngài thực hành hạnh Trí Tuệ Balamật. Ngài thuyết phục được vua Culani và hơn 101 vua khác để chung sống hòa bình, thực hành lý tưởng vô hại, bất bạo động.

Câu chuyện hiện tại:
Một ngày kia, các Tỷ kheo ngồi tại Chánh pháp đường, miêu tả Trí tuệ Tối thắng của đức Phật:
- Này các hiền giả, đức Phật Chánh Đẳng Giác có Thắng trí thật quảng bác, linh lợi, tinh anh, sắc sảo, đánh tan mọi tà thuyết, chính nhờ thần lựcđại trí của Ngài, sau khi quy phục Bà-la-môn Kùtadanta và nhiều Bà-la-môn khác, các ẩn sĩ Sàbhiya và nhiều ẩn sĩ khác, cường đạo Angulimàla cùng nhiều cường đạo khác, thần Dạ-xoa Àlavaka cùng nhiều thần Dạ-xoa khác, Thiên chủ Sakka cùng nhiều Thiên chủ khác, Bà-la-môn Baka cùng nhiều Bà-la-môn khác, v.v…khiến bọn họ phải khiêm nhường bái phục, Ngài lại truyền Đại giới cho một số đông ẩn sĩ và an trú họ vào Thánh Đạo Quả.
Bậc Đạo Sư đi đến, hỏi các Tỷ-kheo đang bàn luận gì, khi các vị nói cho ngài biết, Ngài bảo :
- Không phải bây giờ đức Phật mới có trí tuệ viên mãn, mà ngày xưa, trước khi trí tuệ Ngài viên mãn, Ngài đã đủ đại trí vào thời kỳ Ngài cònđang đi tìm đạo Giác Ngộ.
Sau đó Ngài kể một chuyện tiền thân Mahā-Ummagga Jātaka - Chuyện Đường Hầm Vĩ Đại (Jā. 546) về đức Bồ-tát Mahosadha.
Câu chuyện tiền thân:
Một thời, Bồ Tát sanh làm con của Phú thương Sirivaḍḍhaka và Bà Sumanādevī ở Mithilā. Hài nhi chào đời được Thiên chủ Sakka đặt một cành thuốc thần trên tay, nên được đặt tên là Mahosadha (Osadha-Kumāra, Dược thảo Nam tử). Truyền thuyết nói rằng trước khi Ngài giáng nhập thai mẫu, Vua Videha trị vì Mithilā nằm mộng thấy bốn cột lửa bừng sáng ở bốn gốc hoàng cung, cao như bức trường thành, ở giữa nổi lên một tia lửa bằng con đom đóm, bỗng chốc nó vượt cao quá bốn ngọn kia và bùng lên đến tận Phạm thiên giới, soi sáng toàn cõi thế gian, ngay đến một hột cải cũng được thấy rõ. Nhân giới và Thiên giới liền đưa hương hoa ra cung kính cúng dường ngọn lửa ấy rồi một đám đông đi xuyên qua ngọn lửa nhưng chẳng hề bị cháy sợi tóc nào. Các nhà tinh thông đoán mộng giải điềm trình tâu đó là điềm có bậc Đại sĩ xuất thế.
Ngay từ lúc bé, Mahosadha đã biết xây một hý trường lớn với vườn bông chung quanh để tránh mưa nắng lúc vui chơi với các bạn. Lúc bé lên bảy, nhà vua muốn vời bé vô triều nhưng có đại thần không đồng ý vì ganh tỵ. Sau khi thử và biết rõ tài nghệ phi thường của bé, nhà vua triệu chàng vô triều và cử chàng làm vị Cố vấn thứ năm bên cạnh các Đại thần Senaka, Pukkusa, Kāvinda và Devinda.
Một hôm, Trí giả Mahosadha giải oan cho Hoàng hậu Udumbāra khỏi cơn thịnh nộ bất công của nhà vua, và được bà xem như người bạn thân thiết. Tại triều, Mahosadha phải đối trí nhiều lần với các Đại thần, nhưng lần nào chàng cũng thắng.
Năm lên 16, Mahosadhha thành hôn với Amarādevī, con gái của một gia đình nghèo nhưng có trí. Nàng giúp Mahosadha giải quyết nhiều hiểu lầm do các Đại thần ganh tỵ tìm kế ly gián chàng với vua và tạo sự tin tưởng nơi nhà vua. Có lần các Đại thần trộm báu vật của hoàng cung và vờ đem tặng nàng. Nàng nhận tất cả nhưng cũng ghi giữ tất cả bằng chứng như của ai tặng, ai đem đến, ngày, tháng... Sau đó, các Đại thần vu khống Mahosadha đang cất giữ báu vật của vua. Vua nổi giận và không cho Mahosadha tấu trình. Thế là chàng phải trốn đi. Bốn Đại thần đến tư dinh của Amarādevī và bị nàng cho gia nhân bắt bỏ vô nhà tắm, cạo hết râu tóc, và hành hạ đủ điều. Xong, nàng trình diện họ với nhà vua cùng báu vật bị trộm.
Trong lúc Trí giả Mahosadha trốn làm thợ gốm, vị nữ thần giữ lọng vua đặt nhiều câu hỏi, biết ngoài Trí giả không ai có thể giải đáp được, với mục đích để vua triệu ông về. Đúng vậy, nhà vua cho tìm, rước ông về triều, và phục hồi mọi vinh quang.
Bốn vị Đại thần tiếp tục bày mưu triệt hạ Trí giả Mahasodha: câu chuyện tiết lộ bí mật. Lão thần Senaka học được từ nơi Trí giả lời khuyên không nên tiết lộ bí mật với ai cả, rồi lão tâu vua hãy hỏi Mahasodha, nếu gả bảo không nên tiết lộ bí mật với ai cả tức gả âm mưu soán ngôi. Được vua hỏi, Mahasodha đáp không nên tiết lộ bí mật với ai cả, nên bị vua nghi và ra lệnh giết vào sáng mai tại cửa hoàng cung. Hoàng hậu Udumbarī biết được, viết mật thư gởi Mahasodha. Hôm sau, nắm toàn binh lực trong tay, cử quân thị vệ khắp nơi, Trí giả Mahasodha cùng đoàn tùy tùng rầm rộ uy nghi tiến vào cung. Ông trách vua rồi nói ra bí mật của bốn vị Đại thần mà họ đã tiết lộ cho nhau và Trí giả Mahasodha nghe được: Senaka giết một kỹ nữ, Pukkusa có vết cùi trên đùi, Kāvinda bị quỷ dạ xoa Nara ám, và Devinda cắp ngọc thần. Bốn vị đại thần bị vua bắt tội. Trí giả Mahasodha dạy không nên tiết lộ bí mật với ai cả, kẻ nào bảo phải tiết lộ bí mật, kẻ đó sẽ bị suy tàn. Sau đó ông tâu trình và được vua tha tội cho bốn lão thần. Một lần nữa, Trí giả Mahasodha được Vua Videha trọng dụng; ông cũng cố an ninh quốc độ và đem an lạc cho toàn dân.
Có Vua Samkhapāla của Ekabala đang chiêu binh mãi mã. Trí giả Mahasodha gởi con két thân tín của mình đi dò la tin tức. Trên đường về két bay ngang thành Uttarapañcāla và nghe Vua Cūḷani-Brahmadatta bàn với Quân sư Kevaṭṭa kế hoạch tóm thâu Jambudīpa. Bramadatta chinh phục được 101 nhà vua trong xứ Jambudīpa rồi, giờ chỉ còn Vua Videha. Kevaṭṭa biết tài trí của Mahasodha nên can gián. Nhưng bị Mahasodha bẫy, Brahmadatta xua quân vây hãm Mithilā,; ông không chiến thắng được dầu đã cắt nước, cắt lương thực, cắt cũi đốt, vân vân. Trong thành Mithilā, Mahasodha bày ra nhiều mưu kế thâm sâu, kể cả Pháp chiến để hạ nhục Quân sư Kevaṭṭa (Kevaṭṭa đối mặt với Mahasodha để tranh luận, Mahasodha liệng bảo ngọc nói để tặng Kevaṭṭa, ngọc rơi xuống đất, Kevaṭṭa cuối xuống lượm ngọc, bị ngỡ là cúi đầu chào Mahasodha), nhưng cũng không thể đuổi được địch quân. Sau cùng, Mahasodha gởi Anukevaṭṭa sang trá hàng và phao tin Kevaṭṭa cùng nhiều quân sư khác đã nhận quà mua chuộc để về phe Mithilā rồi. Vua Brahmadatta rút quân trở về Uttarapañcāla.
Để trả thù, năm sau Quân sư Kevaṭṭa bày mưu cho Vua Videha đắm say nhan sắc tuyệt thế của Công chúa Pãncālacandī của Vua Bramadatta, với mục đích bắt lấy vua cùng Mahosadha. Bấy giờ có con chim Maynah đứng bên cạnh vương sàng nghe hết âm mưu. Thế là Quân sư sang Mithilā định ngày sính lễ. Để rõ thiệt hư, Trí giả Mahasodha gởi két Maṭṭhara sang tìm chim Maynah lấy tin đem về. Mahasodha tìm cách phản công. Ông đi sứ sang Uttarapañcāla nói là để chuẩn bị ngày hôn lễ. Ông được Vua Brahmadatta dành cho mọi đặc quyền để xây cung cho Vua Videha trong Uttarapañcāla. Ông doạ sẽ quy hoạch chỗ này chỗ nọ để dân chúng đút lót hầu tránh nhà đất mình bị sung công. Sau cùng ông chọn địa điểm Upacāri giữa thành và sông Hằng. Bên kia sông, ông lập làng Gaggali để dự trử voi, ngựa, xe, pháo, trâu, bò, vân vân. Ông phạt nặng người không có phận sự lai vãng. Trong bốn tháng, ông cho xây một đường hầm vĩ đại và một đường hầm phụ ăn thông với hầm vĩ đại, có cửa mở vô cung điện của Vua Brahmadatta. Hầm được trang hoàng lộng lẫy như cung đình chư Thiên.
Chuẫn bị xong xuôi thành Upācari, Vua Videha được Mahasodha mời ngự. Lúc vua tôi của Videha yến tiệc, Brahmadatta cho phong toả Upācari. Cùng lúc, Mahasodha cho quân theo đường hầm nhỏ đến, nhơn danh Vua Brahmadatta, mời Hoàng thái hậu Talatā, Hoàng hậu Nandā và Công chúa Pãncālacandī đến dự tiệc mừng nói là Videha và Mahasodha bị diệt trừ. Mahasodha đưa hoàng gia xuống đường hầm vĩ đại, rồi đưa Vua Veheha đến gặp. Mahosadha đặt Công chúa trên đống châu bảo và tâu Vua Videha sắc phong nàng làm hoàng hậu. Xong, Mahasodha đưa nhà vua và tuỳ tùng ra khỏi hầm, lên thuyền, ra khơi, còn ông ở lại.
Hôm sau, Vua Brahmadatta dẫn quân đến Upakāri định bắt Vua Videha, nhưng Trí giả Mahasodha tâu mọi sự việc xảy ra hôm trước và xin nhà vua bớt cơn thịnh nộ để thân hành ngự du địa đạo. Thấy địa đạo nguy nga huy hoàng, Vua Brahmadatta ca tụng tài trí của Đại sĩ Mahasodha và kết tình bằng hữu chơn thật.
Trí giả Mahasodha trở về Mithilā đem theo của hồi môn của Công chúa Pãncālacandī. Vua Cūḷa-Brahmadatta hồi cung ở Uttarapañcāla. Hai vương quốc sống trong thuận hoà.
Vua Videha băng hà 10 năm sau đó. Để giữ lời hứa với Vua Brahmadatta, Trí giả Mahasodha sang phục vụ triều đình Uttarapañcāla. Có lần Nữ tu sĩ Bheri (bạn thân thiết của Vua Brahmadatta) và Mahasodha đối thoại bằng cách ra dấu tay: bà hỏi có toại ý chăng, nếu không sao không làm ẩn sĩ; ông đáp chưa làm ẩn sĩ được vì còn phải cấp dưỡng nhiều người. Nandā tâu vua rằng Mahashodha và Bherī đang âm mưu chiếm vương quốc. Nhưng nhà vua xét thấy ông vô tội, phong ông làm Đại tướng quân, được yêu quý hơn mọi người. Nhà vua từng tâm sự với Bheri rằng ví như phải tế đàn quỷ thần để cứu nguy, ông sẽ lần lượt tế sáu vị trong hoàng gia (mẫu hậu, hoàng hậu, vân vân) kể cả ông, và giữ Trí giả Mahasodha lại.
Nhận diện tiền thân:
Bherī là Tỳ-khưu ni Uppalavaṇṇā,
Sirivaḍḍhaka là đức vua Suddhodana,
Sumanādevī là hoàng hậu Mahamāyā,
Amarā là công chúa Bimbādevī,
Maṭṭhara là Tôn giả Ānanda,
Cūḷani-Brahmadatta là Tôn giả Sāriputta,
Kevaṭṭa là Devadatta,
Talatā là Culla-Nandikā,
Pañcālacaṇḍī là Sundarī,
Nandī là Yasassikā,
Kāvinda là Ambaṭṭha,
Pukkusa là Poṭṭhapāda,
Devinda là Pilotika,
Senaka là Saccaka,
Udumbarā là Diṭṭhamaṅgalikā,
Chim Maynah là Kuṇḍalī,
Vua Videha là Lāḷūdāyi.


Ðèn tâm trí tuệ sáng ngời
Bởi vô lượng kiếp vun bồi huệ căn
Phân minh thiện ác giả chân
Ðiều hay chuộng học bạn lành tương tri
Hy sinh ngoại vật tứ chi
Hoặc luôn mạng sống sá gì huyển thân
Phật xưa pháp độ vẹn toàn
Chúng con nguyện bước theo chân Ðại Từ


Bhik Samādhipuñño Định Phúc

Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2014

XUẤT GIA BA–LA–MẬT (NEKKHAMMAPĀRAMĪ)


Trong một tiền kiếp khi Ðức Phật là Ngài Temiya, Ngài thực hành hạnh Xuất Gia Balamật bằng cách giả làm người ngu độn, không làm được việc gì. Vua cha sai người đánh xe chôn sống Ngài. Temiya biểu hiện một lòng dũng cảm phi thường và sau đó, quyết định sống đời xuất gia.

Câu chuyện hiện tại:
Một ngày nọ, các Tỷ-kheo ngồi tại Chánh pháp đường tán thán công hạnh xuất gia cao cả của đức Thế Tôn. Khi đức Thế Tôn đến hỏi các Tỷ-kheo đang ngồi bàn luận đề tài gì, và khi được biết đề tài ấy, Ngài bảo:
- Không đâu, này các Tỷ-kheo, việc xuất thế của ta ngày nay, sau khi từ bỏ ngai vàng, không có gì kỳ diệu, khi Ta đã thành tựu đầy đủ mười Ba-la-mật. Vì trước kia, ngay khi trí Ta chưa thành tựu và Ta đang tinh tấn đạt đến các hạnh Ba-la-mật, Ta đã rời bỏ ngai vàng và xuất thế.
Rồi theo lời thỉnh cầu của các Tỷ-kheo, Ngài kể câu chuyện quá khứ về tiền thân vị thiên tử què câm - Mūgapakkha Jātaka (Jā. 538) — Còn được gọi là Temiya Jātaka..

Câu chuyện quá khứ:
Hoàng hậu Candādevī của xứ Kāsi làm công đức rất chuyên cần. Một hôm bà cầu tự để sinh thái tử nối nghiệp vua cha. Thiên chủ Sakka khuyên Bồ Tát xuống thế làm con của Hoàng hậu. Vô cùng hoan hỷ, nhà vua đặt tên Thái tử là Temiya, vì hôm Thái tử ra đời trời mưa to trên toàn vương quốc và Thái tử bị ướt đẫm.
Lúc lên một tháng tuổi, Thái tử được đưa vô triều với vua cha và chàng được nghe vua cha xử tội bốn tên cướp. Chàng kinh hãi nghĩ thầm vì làm vua mà vua cha phải mang lấy ác nghiệp. Hôm sau, nằm trên giường che lọng trắng, chàng hồi tưởng các kiếp trước và thời làm vua trị vì Benares trong 20 năm gây nhiều ác nghiệp khiến bị đoạ địa ngục Ussada 20 ngàn năm. Chàng lo sợ mình phải làm vua lần nữa. Bấy giờ, nữ thần trong lọng (mẹ chàng trong tiền kiếp xa xưa) an ủi chàng và khuyên chàng giả què, câm và điếc.
Con ơi, đừng lộ trí thông minh,         Cứ giả ngu đần trước chúng sinh,         Hãy chịu khinh khi từ tất cả,        Cuối cùng con đạt đến quang minh.
Trong suốt 16 năm nhà vua và quần thần tìm cách thử Temiya bằng nhiều cách thức như là thử bằng sữa, bánh, trái cây, đồ chơi, thực phẩm, lửa, voi, rắn, diễn kịch, múa dao, tiếng tù và, tiếng trống, đèn, ruồi, nước tiểu và phẩn, than lửa…
- Cách thử bằng sữa: Đức vua ra lệnh không cho Thái tử bú, để xem Ngài có phải liệt, câm, điếc thật chăng. Nếu không, Ngài phải la khóc trong khi đói khát. Lúc đói nhiều, Thái tử có trí nhớ tự nhắc nhở rằng: "Này Temiya! Sự đói này không bằng thứ ngươi đã bị hành phạt đói khổ trong địa ngục đồng sôi đâu. Nếu ngươi bất thường cử động, la khóc, ngươi sẽ không thoát khỏi ngai vàng, đó là nhân gây nhiều tội ác, rồi phải sa vào địa ngục nữa." Tự khuyên mình như thế, Ngài nhẫn nại với sự đói khổ rồi nằm yên.
- Cách thử bằng bánh: Những người hầu để Thái tử nằm trên long sàng, xung quanh có những đồng nam, rồi đem bánh trưng bày trước mặt gần Thái tử, cho các trẻ con dành nhau ăn. Họ rình xem Thái tử có dành lấy bánh chăng, nhưng Ngài không động đậy.
- Cách thử bằng lửa: Thái tử đã lên năm tuổi, những người hầu bồng Ngài để nằm giữa đám trẻ đang chơi đùa. Bỗng nhiên, họ đốt lá cây, lửa cháy xung quanh làm cho các trẻ em sợ hãi, la hoảng chạy trốn. Nhưng Thái tử vẫn im lặng.
- Cách thử bằng ruồi: Thái tử lên mười ba tuổi. Vua cho thị vệ lấy nước mía thoa vào khắp thân thể Thái tử, rồi bồng Ngài đem để chỗ trống cho ruồi bu mút. Thái tử vẫn chiến thắng với sự khổ, không chút than phiền.
- Cách thử bằng nước tiểu và phẩn: Trải qua hai ngày, Thái tử đại tiểu tiện không ai tắm rửa. Trước cảnh bẩn thỉu, hôi thúi như vậy, nhưng Thái tử không chút khó chịu.
Thất vọng vì đứa con trai của mình, nhà vua truyền lệnh cho quản xa Sunanda đem chôn chàng ngoài nghĩa địa. Trong lúc quản xa đào huyệt, Temiya đến đứng gần nói lên ước nguyện của chàng là sống đời ẩn sĩ. Quản xa hoan hỷ và cũng muốn chọn đời khổ hạnh, nhưng Temiya muốn Sunada trở về báo tin cho phụ vương và mẫu hậu chuyện xảy ra.
Triều đình tìm đến am thất của Đại sĩ Temiya với mục đích rước Thái tử về. Sau khi nghe Đại sĩ thuyết pháp, tất cả đều xuất gia làm ẩn sĩ. Dân chúng trong ba vương quốc cạnh Kāsī noi gương theo bước chân của bậc Đại sĩ Temiya khiến số ẩn sĩ lên cao ngất. Thiên chủ Sakka truyền Thiên tử kiến trúc Vissakamma cất am thất cho mọi người, và hội chúng ẩn sĩ được gọi là Mūgapakka-samāgama.

Nhận diện tiền thân:
Triều thần khi ấy là hội chúng của Đức Phật bây giờ.
Phụ vương mẫu hậu của Temiya chỉ Vua Suddhodana và Hoàng hậu.
Người đánh xe Sunanda là Tôn giả Sāriputta.
Nữ thần trong lọng trắng là Trưởng lão ni Uppalavaṇṇā.

Xuất gia vốn hạnh ly trần
Quyết ra nhà lửa bỏ thân luân hồi
Lợi danh quyến thuộc xa rời
Ðộc cư thanh tịnh sống đời xả ly
Hy sinh ngoại vật tứ chi
Hoặc luôn mạng sống sá gì huyển thân
Phật xưa pháp độ vẹn toàn
Chúng con nguyện bước theo chân Ðại Từ


Thứ Năm, 17 tháng 7, 2014

TRÌ GIỚI BA–LA–MẬT (SĪLAPĀRAMĪ)

Trong một tiền kiếp khi Ðức Phật là Ngài Bhuridatta, Ngài thực hành hạnh Trì Giới Balamật. Ngài bị người bàlamôn tên là Alambayana bắt và người ấp đánh gảy xương ngày. Tuy nhiên, Ngài không phản ứng làm hại người đó.

Câu chuyện hiện tại:
Một thuở nọ, khi Thế Tôn trú tại thành Xá Vệ, vào ngày trai giới, các cư sĩ thức dậy thật sớm, phát nguyện hành trì giới luật, bố thí và sau khi thọ trai, họ đem hương hoa đến tịnh xá Kỳ-Viên, gặp thời thuyết Pháp họ đều ngồi xuống một bên nghe giảng.
Bậc Đạo Sư đến tại Chánh Pháp đường ngồi xuống sàng tọa được trang hoàng dành cho đức Phật xong, liền nhìn xuống hội chúng Tỷ-kheo.
Lúc bấy giờ đức Như Lai thường muốn đàm đạo với một vài vị này hay vị kia trong hội chúng, khi bài thuyết giảng có liên quan đến họ, vì thế vào dịp này, Ngài biết rằng bài Pháp thoại liên quan đến các bậc Đạo Sư ngày xưa sắp được thuyết giảng cho các cư sĩ, nên trong khi đàm đạo với họ, Ngài hỏi:
- Này các cư sĩ, các ông có hành trì trai giới chăng?
Khi các cư sĩ đồng thanh đáp có, Ngài bảo:
- Tốt lành thay! Tốt lành thay! Này các cư sĩ, tuy nhiên ngày nay các ông có một vị Phật làm Đạo Sư như Ta và hành trì trai giới thì không phải là chuyện lạ gì, vì các bậc hiền trí ngày xưa, chưa có bậc Đạo Sư nào, cũngđã từ bỏ mọi vinh quang thế tục và giữ ngày trai giới.
Nói xong, theo lời thỉnh cầu của các cư sĩ, Ngài kể một chuyện quá khứ về bậc đại hiền trí Bhūridatta.
Câu chuyện tiền thân: Bhūridatta Jātaka (Jā.543)
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì thành Ba-la-nại, ngài phong cho con làm phó vương. Nhưng khi ngài thấy thái tử đạt vinh quang lừng lẫy, ngài lạiđâm ra hoài nghi một ngày kia thái tử sẽ chiếm trọn giang sơn. Vì thế ngài đày con đi biệt xứ và chỉ được trở về khi phụ vương đã băng hà. Thái tử vâng lệnh, giã từ vua cha ra đi đến vùng núi Yamunā dựng một túp chòi lá nằm giữa dòng sông giáp bờ biển và sống bằng rau quả qua ngày. thái tử đắp y sống như là một vị ẩn sĩ nhưng nội tâm vẫn còn bi dục vọng chi phối, vì thế chẳng bao lâu chàng bị cám dỗ bởi một long nữ, cả hai ăn ở với nhau có được hai đứa con là Sāgara Brahmadatta và Samuddajā.
Lúc vua cha băng hà, Thái tử Brahmadatta về lại triều cùng với hai con, còn vợ chàng là một long nữ nên trở lại cảnh giới của loài rồng. Một hôm, Sāgara Brahmadatta và Samuddajā thấy con rùa Cittacūla nên hoảng sợ. Cả hai trình bạch với vua cha và nhà vua truyền bắt thả rùa xuống vực xoáy của sông Yamunā như một loại hình phạt rất nặng nề. Theo dòng nước xoáy, rùa vô tình đến cung long vương Dhataraṭṭha. Bị thẩm vấn, rùa xảo quyệt đáp rằng được triều đình Benares cử xuống cầu hôn long vương cho công chúa Samuddajā. Sứ giả của long vương được gởi lên Benares để chuẩn bị hôn lễ. Bàng hoàng và phẫn nộ, vua cha Brahmadatta chối từ thì bị long vương bao vây kinh thành Benares để trả thù. Nhằm mục đích tránh tang thương vì nạn chiến tranh, công chúa Samuddajā chấp nhận hy sinh thân mình và được gả cho long vương Dhataraṭṭha, nhưng nàng không biết mình đang sống trong cõi Nāga, vì theo lệnh long vương, tất cả đều hiện thân làm người. Samuddajā sanh được bốn con: Sudassana, Datta (Bồ-tát), Subhaga và Ariṭṭha (Kāṇariṭṭha) và còn có thêm Accimukhī là con riêng của long vương.
Bồ-tát Datta thường hay đến viếng Thiên vương Virūpakkha trị vì cõi Nāga và một hôm ngài đi cùng Đại Thiên vương đến viếng Thiên chủ Sakka. Một ngày kia, Thiên vương Virūpakkha cùng với hội chúng lên cảnh giới chư Thiên để chầu Thiên chủ Sakka, một vấn đề được đưa ra đàm dạo nhưng không có ai trong chư Thiên giải đáp được ngoại trừ đức bồ-tát lúc ấy đang ngồi trên bảo tọa. Thế rồi Thiên Đế tỏ lòng hâm mộ ngài, đem tặng hoa quả của cõi trời và Thiên chủ gọi ngài là Bậc Đại Trí Datta (Bhūridatta). Thấy vẻ huy hoàng của Thiên triều, Datta muốn mau được sanh lên cảnh giới này nên phát nguyện trở về cõi Nāga của cha để tu tập công hạnh. Chàng lên tổ kiến nằm để nghiêm trì giới hạnh và chờ được các long nữ đưa về cõi Nāga.
Lúc bồ-tát Bhūridatta nằm trên tổ kiến, có người thợ săn cùng với đứa con trai tên Somadatta leo lên cây gần đó rình bắt nai. Họ nghe tiếng nhạc và ca hát của các long nữ dâng sàng toạ cho Bhūridatta nên tìm đến. Bhūridatta hiện làm người và nói thật gốc gác của mình. Sợ họ báo cho người bắt rắn biết, sẽ cản trở việc trì giới cùa mình, Bhūridatta đề nghị đưa hai cha con về cõi Nāga và thiết đãi họ thật trịnh trọng để họ không báo cho người bắt rắn biết.
Sau khi sống một năm trong huy hoàng của cảnh giới Nāga, hai cha con thợ săn bất toại nguyện vì thiếu công đức, nên muốn trở về trần thế. Họ lấy lý do muốn tu khổ hạnh để ra đi. Bhūridatta ban cho người thợ săn viên ngọc như ý (ban mọi điều ước), nhưng ông từ chối. Lên trần thế hai cha con thấy lại hồ xưa nên xuống tắm. Lúc lên bờ thiên y lộng lẫy biến mất chỉ còn lại áo quần nghèo khổ của ngày trước trên thân, hai cha con trở lại nghề săn nai như lúc trước.
Trong rừng, hai cha con gặp một Bà-la-môn tên Ālambāyana, chủ viên ngọc Nāga mà hai người không nhận lúc trước. Bà-la-môn kể lại chuyện mình được ngọc. Ông bỏ kinh thành Benares vô rừng trốn nợ vì quá nghèo. Tại đây ông gặp đạo sĩ Kosiya, người mà Điểu vương Garuḍa dạy cho thần chú Ālambāyana để chinh phục Nāga. Đạo sĩ sống trong am thất cạnh cây cổ thụ. Một hôm, Garuḍa bắt một Nāga đem về đây. Rắn Nāga quấn mình vào cổ thụ mong thoát thân, nhưng vẫn bị Điểu vương bay lên mang đi cùng với cây cổ thụ. Lúc ăn thịt Nāga xong, Điểu vương thả xác xuống và nghe đánh rầm một tiếng lớn. Thì ra cây cổ thụ bị nhổ đi mà Điểu vương không hay biết. Nghĩ mình đã gây tai hại cho vị Đạo sĩ, Điểu vương trở lại đáp đền bằng cách dạy cho Đạo sĩ thần chú Ālambāyana. Rồi Đạo sĩ dạy thần chú lại cho người Bàlamôn trốn nợ mong giúp ích ông. Bà-la-môn này được gọi là Ālambāyana. Một hôm Bà-la-môn Ālambāyana đến chỗ của Nāga, vừa đi vừa đọc chú đang học. Các Nāga giữ ngọc hoảng sợ, bỏ chạy quên đem ngọc theo. Ālambāyana lượm được ngọc quý.
Thấy ngọc quý của Bà-la-môn Ālambāyana, cha của Somadatta lập mưu đoạt. Ông bày ra những thảm hoạ do ngọc đem lại nếu không đủ ân đức gìn giữ. Ngoài ra, nếu Ālambāyana trao ngọc cho ông, ông sẽ chỉ chỗ của long vương. Người con Somadatta phản đối sự phản bội của cha nên bỏ lên núi ẩn tu.
 Ālambāyana cùng cha của Somadatta đi bắt Nāga Bhūridatta. Tới nơi, Ālambāyana giữ lời nên thảy viên ngọc cho cha của Somadatta, ngọc vuột khỏi tay rớt xuống đất và biến mất vào cảnh giới Nāga. Cha của Somadatta buồn rầu vì mất sạch cả ba thứ: ngọc quý, con và tình bạn. Còn Ālambāyana đem Nāga Bhūridatta về phun thuốc, bẻ xương, bỏ vô giỏ đem ra làm trò cho hội chúng xem và làm giàu. Dầu có bị hành hạ thế nào Bhūridatta cũng không phẫn nộ vì sợ bị đứt giới.
Ngày Bhūridatta bị bắt, Hoàng hậu Samuddajā nằm mộng hãi hùng. Tháng sau không thấy con, bà đau sầu thảm thiết và cho đi tìm. Kāṇariṭṭha lên cõi trời, Subhaga lên Himavā, Sudassana và Accimukkhī xuống cõi thế. Sudassana (giả dạng làm đạo sĩ) và Accimukkhī (làm con cóc) gặp Bhūridatta đang chuẫn bị làm trò cho vua Benares xem. Sudassana thi triển thần thông: gọi cóc nhả nọc độc lên tay mình; tuyên bố nọc này sẽ tiêu diệt vương quốc nếu rơi xuống đất; đề nghị đào ba hố dưới đất; rót nọc vô ba hố; lửa phừng cháy từ hố thứ nhứt lan đến hố thứ ba; Ālambāyana đứng gần đó bị hơi nóng của nọc độc làm da biến dạng và thành tên hủi trắng. Kinh hoàng, Ālambāyana thả Nāga ra. Bhūridatta bước ra khỏi giỏ, hiện hình sáng loà, mang đầy châu ngọc. Sudassana và Accimukhī cũng vậy. Sudassana tâu vua lai lịch của anh em ông, nhà vua vui mừng khôn xiết và đưa các cháu vô cung thiết đãi trọng thể. Sau đó, Bhūridatta trở về cõi Nāga; nhà vua ngự theo và lưu lại đó vài hôm trước khi trở lại Benares.
Lên đường tìm anh trên Himavā, Subhaga gặp cha của Somadatta, bắt ông đưa về cõi Nāga trị tội. Kāṇāriṭṭha gác cửa phòng của Bhūridatta đang nằm dưỡng bệnh, thấy vậy trách anh sao đối xử thô bạo với một Bà-la-môn, và thuyết cho hội chúng Nāga biết về các tế lễ hy sinh và học tập kinh Vệ-đà của người Bà-la-môn. Sợ hội chúng rơi vào tà giáo, Bhūdaritta cho gọi em vào và giảng giải về chánh kiến.
Một thời gian sau, Bhūridatta cùng tuỳ tùng đi viếng tổ phụ Brahmadatta, nay làm ẩn sĩ. Có long vương Dhataraṭṭha, Hoàng hậu Samuddajā và các vương tử khác cùng ngự theo. Họ gặp lại Sāgara-Brahmadatta và đại gia đình hội ngộ. Sau đó, Samuddajā và gia đình trở về cõi Nāga, sống an lạc, hạnh phúc đến ngày mãn tuổi thọ.
Nhận diện tiền thân:
Khi Pháp thoại chấm dứt, Bậc Đạo Sư dạy: “Như vậy các vị Thánh đệ tử, các bậc hiền nhân ngày xưa, trước khi đức Phật ra đời, đã từ bỏ mọi vinh quang của quốc độ Nàga và trang nghiêm hành trì các công hạnh trong ngày trai giới”.
Rồi Bậc Đạo Sư nhận diện tiền thân như sau: gia tộc của Đại vương Brahmadatta là song thân của Thế Tôn, Devadatta là gã Bà-la-môn hạ đẳng Ālambāyana, tôn giả Ānanda là Somadatta, Tỳ-khưu ni Uppalavaṇṇā là Accimukhī, tôn giả Sāriputta là Sudassana, tôn giả Moggallāna là Subhaga, Sunakkhatta là Kānāriṭṭha và Thế Tôn chính là bậc Đại trí Bhūridatta.


Thiện nhân giới hạnh nghiêm trì
Nói làm suy nghĩ luôn khi giữ gìn
Nuôi ý lực dưỡng tâm lành
Cắt dây kiết phược phá thành mê si
Hy sinh ngoại vật tứ chi
Hoặc luôn mạng sống sá gì huyển thân
Phật xưa pháp độ vẹn toàn
Chúng con nguyện bước theo chân Ðại Từ.
Bhik Samādhipuñño Định Phúc