Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

CHỮ "HIẾU" TRONG CA DAO - TỤC NGỮ


Hằng năm, cứ vào mùa mưa là chúng ta bắt đầu cho một mùa Vu Lan báo hiếu. Tuy đây không phải là một lễ nghi truyền thống tôn giáo mà chỉ là một hành động, một việc làm để gợi nhớ nơi những đứa con về công sanh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Đó cũng là một truyền thống của dân tộc Việt Nam ta, truyền thống về tinh thần hiếu thảo của người con giống tiên rồng.
Vu Lan, hai tiếng đã trở nên quá quen thuộc không chỉ đối với hàng Phật tử mà còn quá gần gũi đối với hầu hết những người dân Việt chúng ta. Trên thế giới, các nước phương Tây có một ngày dành riêng cho mẹ (ngày chủ nhật của tuần thứ hai trong tháng 5) nên gọi là Mother's Day; còn đối với cha cũng có một ngày riêng (ngày chủ nhật của tuần thứ 3 trong tháng 6) nên gọi là Father's Day. Còn ở Việt Nam chúng ta thì một ngày để tưởng nhớ đến công ơn cha mẹ chính là ngày Vu Lan Báo Hiếu (rằm tháng 7 âm lịch).
Vu Lan, nếu nói cho đủ chữ, đủ nghĩa thì phải gọi là Vu Lan Bồn, theo tiếng Pāli thì được phiên âm từ chữ Ullumpana, xuất phát từ động từ Ullumpati, có nghĩa là giúp đỡ, cứu vớt; còn tiếng hán có nghĩa là Đảo Huyền; tức là lễ cứu vớt những vong nhân đang bị đọa xứ khổ cảnh.
Lễ Vu-lan là dựa theo tích chuyện trong kinh Vu-lan-bồn (Ullambana Sutra, Đại Chánh Tạng, tập 16), trong đó, Đức Phật dạy Trưởng lão Mục-kiền-liên cúng dường thức ăn đến chư Tăng trong ngày Tự tứ và hồi hướng phước báu đến mẹ là bà Thanh-đề để giúp bà thoát khỏi khổ cảnh của kiếp ngạ quỷ.
Trong kinh điển nguyên thủy, không thấy đề cập đến sự tích nêu trên. Tuy nhiên, trong quyển Ngạ quỷ sự thuộc Tiểu Bộ có ghi lại một câu chuyện tương tự. Đó là chuyện ngạ quỷ mẹ của Ngài Xá-lợi-phất (Chú giải Ngạ quỷ sự, Phẩm Ubbari, Chuyện số 2, Tỳ khưu Thiện Minh dịch). Tóm tắt như sau:
Một ngày nọ, các ngài Trưởng lão Sāriputta, Trưởng lão Mahāmoggallāna, Trưởng lão Anuruddha ngụ tại một khu rừng hoang gần thành Vương Xá. Một nữ ngạ quỷ với thân hình gầy ốm, hình tướng gớm ghiết, đến gặp các ngài và cho biết trong tiền kiếp, ngạ quỷ từng là mẹ của Ngài Xá-lợi-phất. Do lòng keo kiết, bủn xỉn, bà đã đối xử tàn tệ với các vị tu sĩ, và lại sinh ác tâm chưởi rủa mắng nhiếc các vị ấy, nên bà phải lảnh quả báo ác, sinh làm ngạ quỷ trong kiếp này. Bà xin Trưởng lão Xá-lợi-phất tổ chức bố thí cúng dường, rồi hồi hướng phước đến cho bà để được thoát khỏi cảnh ngạ quỷ khổ sở.
Sáng hôm sau, nhân khi đi khất thực trong thành Vương Xá, các ngài đến gặp vua Bình-sa, và Ngài Mục-kiền-liên thuật lại câu chuyện ấy cho vua nghe. Nhà vua hoan hỷ phát tâm trong sạch hứa sẽ giúp Ngài Xá-lợi-phất. Vua truyền lệnh cho các quan dựng bốn tịnh thất trong khu rừng ngoại thành, và sửa soạn vật thực, đồ ăn, thức uống và y phục. Sau đó, nhà vua chuyển toàn bộ những thứ ấy đến Ngài Xá-lợi-phất. Nhân danh mẹ, Ngài Xá-lợi-phất bố thí cúng dường đến Đức Phật và Tăng đoàn, rồi hồi hướng công đức phước báu đến cho bà. Nhờ đó, bà được tái sinh vào cõi Trời Phạm Thiên.
Mặc dù vài chi tiết trong câu chuyện này không giống như chuyện ghi trong kinh Vu-lan-bồn, việc cúng dường đến chư Tăng, rồi hồi hướng phước báu đến cha mẹ đã qua đời, có một ý nghĩa rất rõ ràng, tương hợp trong cả hai truyền thống chính của Phật giáo.
Những năm gần đây, lễ Vu Lan dường như trở nên phổ biến, phát triển rộng rãi trong hàng Phật tử với nhiều việc làm thiết thực mà chúng ta có thể thấy rõ nhất là việc cúng dường trai đàn, đặt bát cúng dường đến chư Tăng...
Những việc làm đó, phải chăng đã đủ để chúng ta đền đáp công ơn sanh thành? Nếu nói cho cùng, những việc làm đó, so với công lao của cha mẹ cũng giống như là so sánh một hạt mưa với những trận mưa ngâu của tháng 7 vậy. Làm sao mà so sánh được. Ân sanh thành, giáo dưỡng của cha mẹ đối với chúng ta quá to lớn, quá bao la, quá vĩ đại thì những việc làm đó làm sao mà đền đáp được.
Đã là con người, được sinh ra trong thế gian, được đi-đứng-nằm-ngồi thì không ai là không có cha mẹ, ai cũng được cha mẹ sanh ra và lớn lên nhờ cha mẹ, dẫu rằng ai đó là một đứa con ngoài ý muốn, hoặc sanh ra đã không biết mặt cha mẹ đi chăng nữa thì thịt xương này, hơi thở này, hình hài này vẫn là của cha mẹ tạo ra cho chúng ta. Chín tháng cưu mang, bao năm bồng bế, bao năm cho bú mớm, rồi lớn lên phải cho ăn học, phải lo cơm áo, gạo tiền cho con... Bấy nhiêu thôi cũng đủ để chúng ta tri ân đối với song thân, người đã tạo ra cho ta hình hài này để hiện diện trên thế gian này.
Ân đức của cha mẹ được ca dao ví như sông núi, như bầu trời bao la, như suối nguồn vô tận. Có biết bao lời ca tiếng hát để ca ngợi tình thương con của cha mẹ dành cho con, rồi ca dao tục ngữ...
Ngay từ lúc nhỏ, thậm chí từ lúc chưa được ngồi trên ghế nhà trường, ông bà, cha mẹ đã dạy cho thuộc lòng câu ca dao :
"Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu, mới là đạo con".
Quả thật, đúng như thế, công ơn cha mẹ quá cao dày thì làm sao có thể so sánh được. Chúng ta chỉ có thể hình dung được sự cao lớn của núi Thái và sự mênh mông, vô tận của nước trong nguồn để ví von về ân đức cao dày của cha mẹ đối với con cái.
"Công cha nghĩa mẹ cao vời,
Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta.
Nên người con phải xót xa,
Đáp đền nghĩa nặng như là trời cao.
Đội ơn chín chữ cù lao,
Sanh thành kể mấy non cao cho vừa".
Chín chữ cù lao, đó là chín điều khó nhọc mà cha mẹ phải mang nặng khi sanh con ra và nuôi con khôn lớn.
1.Sinh: Sanh đẻ.
2.Cúc: Nâng đỡ.
3.Dục: Dạy dỗ.
4.Phủ: Vuốt ve triều mến.
5.Xúc: Cho bú sữa.
6.Trưởng: Nuôi cho khôn lớn.
7.Cố: Trông nom.
8.Phục: Ôm ấp.
9.Phúc: Bảo vệ.
"Công cha đức mẹ cao dày,
Cưu mang trứng nước những ngày ngây thơ.
Nuôi con khó nhọc đến giờ,
Trưởng thành con phải biết thờ song thân".
"Ngó lên trời thấy cặp cu đang đá,
Ngó ra ngoài biển, thấy cặp cá đang đua.
Đi về lập miếu thờ vua,
Lập trang thờ mẹ, lập chùa thờ cha".
Khi sanh con ra, cha mẹ lo cho con từ miếng cơm đến manh áo để không thua sút bạn bè, bởi thế khi cha mẹ đã lớn, người con phải biết phụng dưỡng cha mẹ, chăm sóc cha mẹ.
"Ai về tôi gởi buồng cau,
Buồng trước kính mẹ, buồng sau kính thầy.
Ai về tôi gởi đôi giày,
Phòng khi mưa gió để thầy mẹ đi".
Thậm chí, có những người con gái, vì lòng hiếu thuận cha mẹ, dám hy sinh đời mình để phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi đã xế chiều như là tấm lòng đền đáp của người con hiếu thảo.
"Ơn hoài thai, to như bể!
Công dưỡng dục, lớn tựa sông!
Em nguyện ở vậy không chồng,
Lo nuôi cha mẹ, hết lòng làm con".
Mình nuôi cha mẹ không phải vì cha mẹ đã nuôi mình, giờ mình phải nuôi lại như là một món hàng trao gửi qua lại. Tinh thần hiếu thảo không nằm ở đó. Mình phụng dưỡng cha mẹ vì cha mẹ là bậc ân nhân của mình, nhờ có cha mẹ nên mình mới có được hình hài như bây giờ, mình được hiện hữu trên cõi đời này cũng nhờ có cha mẹ, vì không ai sinh ra mà không có cha mẹ sanh thanh dưỡng dục cả. Vả lại, quy luật nhân quả khắc nghiệt sẽ không tha thứ cho những kẻ vô tâm làm trái với luân thường đạo lý, không biết tôn kính cha mẹ.
"Nếu mình hiếu với mẹ cha,
Chắc con cũng hiếu với ta khác gì?
Nếu mình ăn ở vô nghì,
Đừng mong con hiếu làm gì uổng công?".
"Hiếu thuận sinh ra con hiếu thuận,
Ngỗ nghịch nào con có khác chi!
Xem thử trước thềm mưa xối nước,
Giọt sau, giọt trước chẳng sai gì".
Không phải tất cả những người con đều là những người con hiếu thảo. Bàn tay thì có ngón ngắn, ngón dài. Lòng người cũng thế, làm sao biết được. Có những đứa con, chúng vô tâm đâu biết quan tâm đến cha mẹ chúng như thế nào, chúng chỉ biết quanh quẩn với những đồng tiền chúng làm ra rồi thỏa sức mà ăn xài và tiêu phí. Chỉ khi nào chúng trở thành những người cha, người mẹ thì mới thấu hiểu được câu ân tình, chữ cù lao mà cha mẹ dành cho chúng từ khi chúng chưa biết gì.
"Ở đời ai cũng có lần,
Làm cha mẹ mới biết ơn sinh thành.
Người xưa khó nhọc nuôi mình,
Khác gì mình đã hết tình nuôi con".
"Lên non mới biết non cao
Nuôi con mới biết công lao mẫu từ".
Tình mẹ dạt dào vô bờ bến, lòng mẹ thương con cũng như thế. Bởi thế, kho tàng ca dao - tục ngữ có rất nhiều câu để đề cao tình mẹ vô bến bờ.
"Ai rằng công mẹ như non,
Thật ra công mẹ lại còn lớn hơn".
"Lòng mẹ như bát nước đầy,
Mai này khôn lớn, ơn này tính sao ".
"Nhớ ơn chín chữ cù lao,
Ba năm bú mớm biết bao thân tình".
"Con ho lòng mẹ tan tành,
Con sốt lòng mẹ như bình nước sôi".
"Nuôi con chẳng quản chi thân,
Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo con lăn".
"Mẹ ngoảnh đi, con dại,
Mẹ ngoảnh lại, con khôn".
"Mẹ giàu con có, mẹ khó con không".
"Mẹ già như chuối ba hương,
Như xôi nếp một, như đường mía lau" .
"Bồng cho con bú một hồi,
Mẹ đã hết sữa, con vòi con la".
"Nuôi con buôn tảo bán tần,
Chỉ mong con lớn nên thân với đời.
Những khi trái nắng trở trời,
Con đau là mẹ đứng ngồi không yên.
Trọn đời vất vả triền miên,
Chăm lo bát gạo đồng tiền nuôi con".
Cha tuy không trực tiếp sanh ra ta, nhưng nếu không có cha thì mình cũng không thể nào có trên thế gian này để nếm trải đủ thứ mật ngọt, đắng cay của cuộc đời. Tuy con cái không gần gũi cha như mẹ, và người cha cũng ít bộc lộ tình cảm như người mẹ, nhưng tình cha luôn ấm nồng như vầng thái dương của cuộc đời con.
"Con có cha như nhà có nóc,
Con không cha như nòng nọc đứt đuôi".
"Khôn ngoan nhờ ấm ông cha,
Làm nên phải đoái tổ tông phụng thờ".
"Đạo làm con chớ hững hờ,
Phải đem hiếu kính mà thờ từ nghiêm".
"Còn cha gót đỏ như son,
Một mai cha chết gót con đen sì".
Công cha là như thế, tình mẹ là như thế, luôn cao vời vợi, luôn rộng mênh mông, là người, mình đừng bao giờ bỏ quên phận sự làm con phải biết báo đền ơn sinh dưỡng. Tuy không là bao so với ân tình cha mẹ đã bỏ ra nhưng cũng là tấm lòng hiếu thuận của người con.
"Mẹ già ở túp lều tranh,
Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con".
"Tôm càng lột vỏ bỏ đuôi,
Giã gạo cho trắng mà nuôi mẹ già".
"Đói lòng ăn đọt chà là,
Nhịn cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng".
"Đói lòng ăn trái ổi non,
Nhịn cơm cho mẹ, cho tròn nghĩa xưa".
"Dấn mình gánh nước làm thuê,
Miễn nuôi được mẹ quản gì là thân".
"Vô Chùa thấy Phật muốn tu,
Về nhà thấy mẹ, công phu chưa đành".
"Nuôi con chẳng quản chi thân,
Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn,
Lấý gì đền nghĩa khó khăn,
Lên non xắn đá, xây lăng phụng thờ".
"Đây bát cơm đầy nặng ước mong,
Mẹ ôi, đây ngọc với dây lòng.
Đây tình con nặng trong tha thiết,
Ơn nghĩa sanh thành, chưa trả xong".
Đó là một số ít trong vô số câu ca dao, tục ngữ đề cập đến ân sinh thành dưỡng dục của cha mẹ và truyền thống hiếu thảo của con người Việt Nam trong tinh thần của dân tộc. Qua đó, chúng ta thấy rằng, truyền thống hiếu thảo là một truyền thống đã đi sâu vào tâm trí của mỗi con người Việt Nam, dù ở xa xứ hay tại quê hương cũng đều hướng về ngày Vu Lan để đáp nghĩa song thân. Hỵ vọng với chút tấm lòng, xin hướng về những bậc cha mẹ như là món quà để dâng lên các bậc song thân nhân mùa lễ Vu Lan.

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

VỀ LẠI DÒNG SÔNG (Quach Khang Huy)

Ta về
               trở lại dòng sông

Như người thuở ấy,
                 bên dòng lắng nghe

Trưa rơi
      gió lộng
        bên hè

Nắng soi tâm sự
                khô se tim mình

Đời trao du sĩ
                          chút tình

Nửa là gian dối,
                        nửa hình như ... thôi

Chiều nay
   bến nước
        sông trôi

Ngậm ngùi ký ức,
                 bồi hồi chuyện mai

Cuộc đi
      ai biết ngắn dài

Mỗi khi nguy sự
                   thì hay một lần.

Thứ Ba, 19 tháng 7, 2011

TÌNH BẠN CHÂN THẬT (Định Phúc)




Bất cứ người nào, khi có được một tình bạn chân thật thì chắc chắn rằng sẽ nhận được rất nhiều lợi ích. Nếu mình sống thành thật và trung thành với bạn bè, thì dù đi bất cứ nơi đâu cũng sẽ có được nhiều điều may mắn, hữu ích xảy ra với mình.

Những lợi ích của tình bạn chân thật được ghi lại trong Kinh bổn sanh như sau:

 Nhận được nhiều sự tiếp đón ân cần, nhiều người khác cũng sẽ được lợi ích qua người ấy.

Pahūtabhakkho bhavati,
Vippavuṭṭho sakaṃ gharā;
Bahū naṃ upajīvanti,
Yo mittānaṃ na dubbhati.

Một kẻ trung thành với bạn thân,
Dù đi phiêu bạt khắp xa gần,
Nhiều người hoan hỷ đem cung phụng
Thực phẩm tất nhiên được hiến dâng.

 Được kính trọng bởi bất kỳ quốc độ, làng mạc hay tỉnh thành nào mà người ấy tới viếng thăm.

Yaṃ yaṃ janapadaṃ yāti,
Nigame rājadhāniyo;
Sabbattha pūjito hoti,
Yo mittānaṃ na dubbhati.

Dù đất nước nào phiêu bạt qua,
Kinh thành, thị trấn khắp gần xa,
Kẻ nào chung thủy cùng bằng hữu
Cũng được vinh quang danh vọng mà.

 Không bị khống chế bởi bọn cướp, hoàng tộc sẽ không khinh bỉ người ấy, người ấy toàn thắng mọi kẻ thù.

Nāssa corā pasāhanti,
Nātimaññanti khattiyā;
Sabbe amitte tarati,
Yo mittānaṃ na dubbhati.

Không đạo tặc nào dám tổn thương,
Cũng không võ tướng dám khinh nhờn,
Người nào trung tín cùng bằng hữu
Sẽ thoát khỏi bao kẻ oán hờn.

 Trở về nhà với lòng hân hoan, hòa hợp với hội chúng và trở thành người lãnh đạo trong gia tộc.

Akkuddho sagharaṃ eti,
Sabhāyaṃ paṭinandito;
Ñātīnaṃ uttamo hoti,
Yo mittānaṃ na dubbhati.

Người ấy hoàn hương, thảy đón chào,
Lòng không mòn mỏi với ưu sầu;
Kẻ nào chung thủy cùng bằng hữu
Giữa đám bà con, đệ nhất cao.

 Được tiếp đón ân cần vì sự ân cần của người ấy đối với người khác, vì kính trọng người khác nên người ấy được kính trọng. người ấy được hoan hỷ bởi được tán thán và tiếng thơm.

Sakkatvā sakkato hoti,
Garu hoti;
Vaṇṇakittibhato hoti,
Yo mittānaṃ na dubbhati.

Tôn vinh người, lại được tôn vinh,
Ðược kính trọng và đáp thịnh tình.
Một kẻ trung thành cùng bạn hữu
Nhận phần vinh hiển khắp quần sinh.

 Nhận được quà tặng vì chính người ấy cũng từng là người tặng. vì sự tôn kính người khác, chính người ấy là biết tự trọng nên người ấy đạt được sự thuận lợi.

Pūjako labhate pūjaṃ,
Vandako paṭivandanaṃ;
Yaso kittiñca pappoti,
Yo mittānaṃ na dubbhati.

Người nào biết quý trọng người đời,
Sẽ được mọi người quý trọng thôi;
Một kẻ trung thành cùng bạn hữu
Phần mình được tiếng tốt cao vời.

 Được nổi tiếng khắp nơi và tỏa sáng như chư thiên luôn luôn thành tựu mọi ước nguyện.

Aggi yathā pajjalati,
Devatāva virocati;
Siriyā ajahito hoti,
Yo mittānaṃ na dubbhati.

Kẻ ấy giống như lửa cháy bừng
Tỏa ra ánh sáng tựa Thiên thần,
Người nào trung tín cùng bằng hữu
Chiếu ánh huy hoàng rực rỡ luôn.

 Có được nhiều của cải, tài sản. những gì người ấy giao trên ruộng đồng sẽ đơm hoa kết trái và sự thu hoạch sẽ làm cho người ấy hoan hỷ.

Gāvo tassa pajāyanti,
Khette vuttaṃ virūhati;
Vuttānaṃ phalamasnāti,
Yo mittānaṃ na dubbhati.

Trâu bò tăng trưởng thật là nhanh,
Hạt giống thường xuyên mọc tốt lành;
Một kẻ trung thành cùng bạn hữu
Tất nhiên gặt hái mọi công thành.

 Được che chở và không bị tổn thương vì tai nạn hay những sự nguy hiểm.

Darito pabbatāto vā,
Rukkhato patito naro;
Cuto patiṭṭhaṃ labhati,
Yo mittānaṃ na dubbhati.

Nếu bị rơi từ đỉnh núi cao,
Hoặc từ cây cối hoặc hang hào,
Người nào chung thủy cùng bằng hữu
Cũng thấy đất bằng vững chắc sao.

 Không bị lật đổ bởi kẻ thù, như cây đa có rễ ăn thật sâu trong lòng đất không thể bị lật ngã bởi gió to.

Virūḷhamūlasantānaṃ,
Nigrodhamiva māluto;
Amittā nappasāhanti,
Yo mittānaṃ na dubbhati.

Cây đa thách đố mọi cuồng phong
Cành lá mọc quanh gốc rễ chung,
Kẻ biết trung thành cùng bạn hữu,
Oán hờn cừu địch thảy tiêu vong.

(Tiểu Bộ Kinh 9. Chuyện Tiền Thân Số 538 – Mūgapakkhajātaka)


Thứ Năm, 14 tháng 7, 2011

ĐỨC PHẬT VÀ 45 NĂM MÙA AN CƯ KIẾT HẠ (TK Định Phúc)

Đức Phật với 45 năm mùa an cư kiết hạ.

TK. Định Phúc
 
Dưới cội cây Bồ Đề (Bodhirukkha), vào ngày trăng tròn tháng Vesak năm 623 TCN, đức Bồ Tát Siddhattha đã trở thành một vị Phật Chánh Đẳng Chánh Giác (Sammāsambuddho) duy nhất và tối thượng nhất trong tam giới này. Từ lúc thành đạo cho đến ngày Đức Thế Tôn viên tịch Níp-bàn dưới tàn cây của hai cội long thọ (Sālā) tại vườn Kusinārā của người Malla, Ngài đã trải qua 45 năm hoằng pháp với 45 lần an cư mùa mưa để đem đem đến con đường giải thoát cho những chúng sanh nào hữu duyên với Chánh Pháp.

Trong suốt 45 năm đó, Ngài không ở suốt nơi nào trong thời gian lâu, đó là thông lệ ba đời chư Phật, Ngài thường du hành khắp nơi để tiếp độ chúng sanh, đến khi mùa mưa đến thì Ngài cùng với chư Tăng mới an cư tại một địa điểm suốt 3 tháng mùa mưa. Rồi sau đó, khi mãn hạ thì Ngài lại cùng với chư Tăng lại tiếp tục công cuộc hoằng pháp độ sinh.

1. Mùa an cư thứ 1:

Vào ngày rằm tháng 6, sau khi thành đạo được hai tháng, Đức Phật vận chuyển bánh xe pháp tại vườn Lộc Uyển, ở Isipattana để tiếp độ cho nhóm 5 anh em của Ngài Kiều Trần Như (Koṇḍañña) với bài pháp đầu tiên là bài Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkappavattanasutta). Với bài pháp này, Ngài Kiều Trần Như đã thành tựu được Thánh quả Nhập lưu và xuất gia tỳ-khưu với hình thức “Ehi Bhikkhu!”, trở thành vị Thánh Tăng đầu tiên trong Phật Giáo.

Vào ngày 16 cho đến ngày 19 tháng 6 thì lần lượt các Ngài Vappa, Ngài Bhaddiya, Ngài Mahānāma và Ngài Assaji cũng đắc được Thánh quả Nhập lưu và cũng được xuất gia bằng “Ehi Bhikkhu!”.

Sau đó, ngày 20 tháng 6 thì Đức Thế Tôn thuyết bài Kinh Vô Ngã Tướng (Anattalakkhaṇsutta) đến cho 5 vị tỳ-khưu và cuối thời pháp các Ngài đã thành tựu được Thánh quả A-la-hán. Như vậy là chỉ 5 ngày đầu tiên của mùa an cư thứ nhất, Đức Thế Tôn đã thuyết pháp tiếp độ được 5 vị Thánh Tăng đầu tiên để mở đầu cho công cuộc hoằng pháp của Ngài.

Sau đó, ngài còn tiếp độ cho thanh niên Yasa cùng với 54 người bạn xuất gia và trở thành những vị Thánh Tăng. Như vậy, ngay lúc này trên thế gian đã có được 61 vị Thánh vô lậu xuất hiện.

2. Mùa an cư thứ 2-3-4:

Sau khi tiếp độ đức vua Bimbisāra (Bình Sa Vương) và tiếp nhận ngôi Tịnh xá Trúc Lâm (Veḷuvanavihāra – ngôi Tịnh xá đầu tiên trong Phật Giáo) gần thành Rājagaha (Vương Xá thành). Và chính tại nơi này, Đức Thế Tôn đã cùng với chư Tăng nhập hạ suốt 3 mùa an cư. Tuy nhiên, chúng ta nên hiểu là không phải Ngài ở suốt nơi này 3 năm, mà ngài chỉ ở suốt 3 tháng mùa mưa thôi rồi Ngài tiếp tục du hành thuyết pháp cho đến khi mùa mưa thì Ngài lại trở về Trúc Lâm Tịnh xá an cư mùa mưa.

3. Mùa an cư thứ 5:


Đức Phật đã nhập hạ tại ngôi Trùng Các Giảng đường (Kūṭāgārasālā) ở Đại Lâm (Mahāvana) gần kinh thành Xá Vệ (Vesāli). Trong mùa an cư này, Dì mẫu Mahāpajāpatigotamī cùng với 500 Thích nữ đã tự cạo tóc đắp y, đi bộ từ Kapilavatthu đến Vesāli để xin Đức Phật cho nữ giới xuất gia. Ngài đã ban hành 8 trọng pháp (Garudhamma) đến cho Dì mẫu như là sự xuất gia Tỳ khưu Ni của bà. Như vậy, đến mùa an cư này thì hội chúng Tỳ khưu Ni đã xuất hiện, Giáo hội Tỳ khưu Ni đã được thành lập, tứ chúng đã có mặt đầy đủ kể từ đây.

4. Mùa an cư thứ 6:

Đức Thế Tôn cùng với chúng Tỳ khưu an cư mùa mưa tại núi Maṅkula[1].

5. Mùa an cư thứ 7:

Vào mùa hạ này, Đức Phật đã ngự lên cung trời Tāvatiṃsā để thuyết giảng Abhidhamma (Vi Diệu Pháp) cho thân mẫu của ngài, là vị thiên tử ở cõi trời Đâu Suất (Tusita) trong suốt 3 tháng mùa mưa (tính theo thời gian cõi nhân loại). Sau khi nghe xong thời pháp, vị thiên tử đắc được Thánh quả Tu-đà-huờn.

Mỗi ngày, Đức Phật dùng thần thông hóa hiện ra một vị Phật nữa để thuyết pháp, còn Ngài đi khất thực tại xứ Bắc Cưu Lưu Châu, sau khi khất thực xong thì Ngài trở về Saṅkassa tóm tắt lại những gì Ngài đã thuyết cho Tôn giả Sāriputta nghe. Rồi sau đó Ngài trở lại cõi trời Tam Thập Tam để tiếp tục thuyết pháp.

Vào ngày mãn hạ, Đức Thế Tôn từ cung trời trở về địa cầu bằng chiếc thang ngọc do Thiên chủ Sakka hóa dựng, bên phải co chiếc thang bằng vàng cho chư thiên và bên trái có chiếc thang bạc cho chư đại phạm thiên. Cổng thành Saṅkassa nơi Phật ngự xuống là một trong số những địa điểm sẽ không bao giờ thay đổi của thế gian này, và tất cả chư Phật đều giáng trần tại đây sau khi thuyết Abhidhamma.

6. Mùa an cư thứ 8:

Đức Phật đã an cư mùa mưa tại rừng Bhesakala, ở núi Suṃsumāra của xứ Bhagga.

7. Mùa an cư thứ 9:


Đức Phật an cư tại ngôi chùa Ghositārāma ở Kosambi.

Thứ hậu Māgandiyā có mối hận thù với Đức Phật vì ngài nói bà “không thể so sánh với con gái của ma vương, Ngài không bao giờ đưa chân dụng tới nàng bởi vì nàng chỉ là một bị chứa đầy 32 thể trược” khi cha mẹ của nàng đưa đến để gả nàng cho Đức Phật. Vì mối hận từ trước, thứ hậu cho mướn côn đồ xỉ vả, mắng chửi Đức Phật khi ngài đi khất thực trong kinh thành. Và sau 7 ngày thì mọi tiếng ồn ào, mắng chửi này đã tự yên lặng.

8. Mùa an cư thứ 10:

Có hai nhóm Tỳ khưu trong thành Kosambi bất hòa với nhau, Thế Tôn khuyên ngăn không được nên Ngài đi vào rừng Pārileyyaka một mình và trải qua mùa an cư tại đây với sự hộ độ cúng dường của một con voi và một con khỉ.

9. Mùa an cư thứ 11:

Đức Phật đã ngự đến ngôi làng Ekanāḷā, trong Dakkhinagiri, một ngôi làng theo Bà-la-môn giáo gần xứ Magadha. Ngài ngự đến đây để thuyết pháp tiếp độ cho ông Bà-la-môn Kasibhāradvāja bằng thời pháp với đề tài “cách làm ruộng của Đức Phật”. Sau đó ông xuất gia trở thành vị Tỳ khưu Phật Giáo và chứng đắc được Thánh quả A-la-hán.

10. Mùa an cư thứ 12:

Theo lời thỉnh cầu của Bà-la-môn Verañja, Đức Phật cùng với chúng Tỳ khưu an cư mùa mưa tại xứ Verañjā. Lúc bấy giờ, nạn đói xảy ra tại xứ này, Đức Phật và chư Tăng phải dùng thức ăn của ngựa do một người buôn ngựa dâng cúng. Và trong mùa an cư này, Tôn giả Sāriputta bạch hỏi Đức Phật về thọ mạng của Giáo Pháp. Thế Tôn đã giảng cho Tôn giả nghe về thọ mạng của Giáo Pháp trong thời các vị Phật quá khứ. Tôn giả bạch xin Phật ban hành giới luật nhưng Thế Tôn đã từ chối lời thỉnh cầu ấy.

11. Mùa an cư thứ 13:

Mùa an cư này, Đức Phật ngự tại núi Cāliya. Lúc bấy giờ, Tỳ khưu Meghiya là thị giả hầu cận của Ngài[2]. Một hôm, trên đường đi khất thực trong làng Jantu, Tỳ khưu Meghiya thấy một khu vườn xoài bên bờ sông có khung cảnh hữu tình, khả ái nên muốn đi đến đó để tu tập. Tỳ khưu Meghiya đến bạch xin Đức Phật nhưng Ngài quán thấy duyên lành chưa đến nên Ngài khuyên ngăn 3 lần nhưng Tỳ khưu Meghiya vẫn bỏ đi.

Tỳ khưu Meghiya quá nóng vội nên lúc độc cư thiền tịnh vẫn không an trú được và quay trở về với Đức Phật. Thế Tôn giảng dạy cho Meghiya về năm pháp để thuần thục tâm giải thoát, là năm pháp diệt trừ tà tư duy, để hỗ trợ cho pháp hành thiền định. Tỳ khư Meghiya vâng lời Thế Tôn và chẳng bao lâu thành tựu được Thánh quả A-la-hán.

12. Mùa an cư thứ 14:

Mùa an cư này Đức Phật cùng với chư Tăng nhập hạ tại ngôi đại Tịnh xá Kỳ Viên (Jetavana Mahāvihāra) do ông Cấp Cô Độc (Anāthapiṇḍika) kiến tạo gần kinh thành Sāvatthi. Trong mùa an cư này, Sa-di Rāhula tròn 20 tuổi nên được xuất gia Tỳ khưu với Ngài Tôn giả Sāriputta làm thầy tế độ.

13. Mùa an cư thứ 15:

Đức Thế Tôn cùng với chúng Tỳ khưu nhập hạ tại ngôi chùa Nigrodhārāma, gần kinh thành Kapilavatthu. Ngôi chùa này do đức vua Mahānāma kiến lập để cúng dường và cung thỉnh Đức Phật với Chư Tăng trú ngụ. Cũng được ghi nhận là Đức Thế Tôn chỉ nhập hạ duy nhất một mùa an cư tại quê hương của mình.

Một sự kiện cũng đáng lưu ý là việc đức vua Thiện Giác (Suppabuddha) vì hận Đức Phật đã bỏ rơi con gái mình (công chúa Yasodharā) và làm cho con trai của mình (Devadatta) đi xuất gia nên vua đã ngăn cản đức phật khi ngài đi khất thực. Do hành động này, vua đã bị đất rút một cách thê thảm và đau đớn.

14. Mùa an cư thứ 16:

Đức Phật đã ngự tại Aggaḷāva của xứ Āḷavī và đã tiếp độ được dạ xoa Āḷavaka rất hung ác, nhờ Đức Phật tiếp độ và giáo hóa nên dạ xọa thành tựu được Thánh quả Tu-đà-huờn.

15. Mùa an cư thứ 17:

Mùa an cư này Đức Phật nhập hạ tại Trúc Lâm Tịnh xá (Veḷuvanavihāra) ở thành Rājagaha của xứ Magahda (Ma Kiệt Đà).

16. Mùa an cư thứ 18:

Thế Tôn nhập hạ 3 tháng mùa mưa ở núi Cāliya.

17. Mùa an cư thứ 19-20:

Hai mùa an cư liên tiếp, Đức Thế Tôn nhập hạ tại tại Trúc Lâm Tịnh xá (Veḷuvanavihāra).

Một sự kiện quan trọng xảy ra trong mùa hạ là sự kiện Tôn giả Ānanda chính thức trở thành vị thị giả hầu cận bên Đức Thế Tôn. Suốt 20 năm, Ngài không có vị thị giả cố định thường túc trực để hầu cận nên vào mùa hạ này Thế Tôn cũng đã lớn tuổi (55 tuổi) nên Ngài muốn có một vị thị giả hầu cận phục vụ. Tôn giả Ānanda trở thành vị Tỳ khưu thị giả của Đức Phật kể từ mùa hạ này trở đi.

18. Mùa hạ an cư thứ 21 cho đến mùa hạ an cư thứ 44:

Đức Thế Tôn chỉ thường trú tại hai ngôi chùa chính ở Sāvatthi, đó là Kỳ Viên Tịnh xá do ông Cấp Cô Độc cúng dường và ngôi Đông Phương Tự (Pubbārāma) do bà Visākhā cúng dường.

19. Mùa an cư thứ 45:

Mùa an cư cuối cùng của Đức Thế Tôn là tại ngôi làng Beluva gần kinh thành Vesāli. Trong mùa hạ này Ngài lâm trọng bệnh nhưng vẫn duy trì mạng quyền để tiếp tục công cuộc hoằng pháp độ sinh. Đức Thế Tôn nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa tại đây rồi tiếp tục du hành về nhiều nơi và cuối cùng là Kusinārā để viên tịch Níp-bàn vào ngày trăng tròn tháng Vesak cách đây 2555 năm.

45 năm, 45 mùa an cư kiết hạ của Đức Thế Tôn đã trải qua. Thời gian qua đi không bao giờ trở lại được nhưng những bước chân của Ngài và chư Tăng trên khắp nẻo đường để thuyết pháp tế độ chúng sanh vẫn lưu lại. Đó là hình ảnh đẹp, tấm gương sáng về một bậc vĩ nhân duy nhất trong tam giới này./.
--------------------------------------------------------------------------------
[1] Trong chú giải Buddhavaṃsa ghi là núi Makula.
[2] Đức Phật chưa có vị thị giả nào hầu cận thường trục để phục vụ Ngài.




Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2011

Tôn Giả Anuruddha - Vị tối thắng về thiên nhãn thông

Tôn Giả Anuruddha

Vị tối thắng về thiên nhãn thông

TK. Định Phúc

1. Thời niên thiếu :

Phụ vương của Đức Phật, vua Tịnh Phạn (Suddhodana) có một người em trai tên là Sukkodana. Ông hoàng dòng họ Thích này có được hai người con trai : đức vua Mahānāma - người tiếp bước truyền thừa Vương tộc Sakya; Tôn giả Anuruddha - xuất gia và trở thành vị tối thắng về thiên nhãn thông.

Sống trong nhung gấm lụa là, với bao cung phi mỹ nữ ngày đêm ca hát, vui đùa thỏa thích, ở mỗi cung điện vào mỗi mùa, cuộc sống hoàng tộc của hoàng tử Anuruddha cũng giống như là một vị tiểu vương gia.

Rồi ta được sanh trưởng,
Trong dòng họ Thích-ca,
Ta được biết với tên,
Là Anuruddha,
Sống hệ lụy múa ca,
Dạy với tiếng xập xỏa.[1]

Có một câu chuyện được ghi lại trong Chú giải Kinh Pháp Cú, kể về phước báu thù thắng của hoàng tử Anuruddha mà khó ai có được như hoàng tử.

Hoàng tử Anuruddha thường hay chơi trò đánh bạc an bánh với các vương tôn khác, và hoàng tử thường hay bị thua nhiều nên phải sai người hầu về cung để xin bánh của mẫu hậu. Khi bánh hết, mẫu hậu cho người báo là “bánh không có”, vì từ nhỏ đến lớn chưa từng nghe đến hai chữ “không có” nên hoàng tử bắt người hầu đem đến cho mình thứ “bánh không có”. Mẫu hậu nghe vậy liền cho người lấy một cái mâm vàng, úp chiếc bát vàng khác lên và đem cho hoàng tử. Người hầu mang mâm không đến đưa cho hoàng tử, hoàng tử mở mâm ra thấy đầy ắp bánh. Bánh thơm ngon, hoàng tử chưa từng được ăn loại bánh này nên nghĩ rằng mẫu hậu không thương mình.

Hoàng tử đi đến gặp mẫu hậu, và mẫu hậu biết được sự kiện phi thường đó và biết rằng đó là phước báu của hoàng tử. Từ đó về sau, cứ mỗi lần hoàng tử muốn dùng bánh là bà chỉ cần đưa cái mâm không là hẳn nhiên bánh sẽ đầy ắp trong mâm[2].

Hoàng tử Anuruddha sống trong nhung lụa, được sự chăm sóc yêu thương của gia tộc và không bao giờ biết đến ý nghĩa của chữ “không có”.

2. Duyên lành xuất gia :

Hưởng thụ những thú vui trần gian tựa hồ như là những lạc thú tiên cảnh, hoàng tử Anuruddha lẽ ra không hề biết đến những điều đau khổ đang rình rập mình và cố tìm ra con đường thoát khổ. Hoàng tử chỉ biết đắm say trong ngũ dục, và đang đắm say với những thú vui đó thì bất chợt người anh của mình đã khơi dậy một con đường phạm hạnh cao quý.

Hoàng thân Mahānāma tự suy nghĩ rằng : bên gia đình của đức vua tịnh phạn đã có nhiều người xuất gia theo Phật, trong khi đó gia đình mình chưa hề có ai gia nhập Tăng đoàn, rồi ông tự thấy mình không thể xuất gia nên đã đem những tâm sự của mình bày tỏ với người em Anuruddha. Giữa hai người, hoàng thân Mahānāma và hoàng tử Anuruddha, phải có người xuất gia theo phật để đem phúc lành đến gia tộc.

Hoàng tử Anuruddha vì còn đang say ngủ trong những trò vui dục lạc, không chấp nhận lời đề nghị của hoàng huynh. Nhưng qua những lời phân tích, giảng giải về vai trò và gánh nặng trông coi, kế thừa hoàng tộc Sakya với sự an bình thoát tục của đời sống xuất gia phạm hạnh thì hoàng tử Anuruddha đã phần nào có sự lựa chọn cho riêng mình.

Đêm ấy, hoàng tử Anuruddha cứ mãi suy nghĩ về lời nói của hoàng huynh, về mục đích của kiếp người mong manh, cuộc một đời sống giả tạo và hoàng tử quyết định sẽ noi theo dấu chân Đức Phật.

Sáng hôm sau, hoàng tử đến xin mẫu hậu đi xuất gia nhưng bà từ chối vì không muốn xa rời bất kỳ đứa con thân yêu nào. Bà từ chối mãi những hoàng tử cứ van xin hoài nên bà đưa ra một điều kiện, nếu làm được thì bà sẽ chấp nhận cho con xuất gia. Đó là hoàng tử phải thuyết phục làm sao cho hoàng tử Bhaddiya xuất gia thì bà sẽ cho Anuruddha xuất gia, còn như không được thì Anuruddha cũng sẽ không được xuất gia. Sở dĩ bà đưa ra điều kiện ấy vì bà cho rằng hoàng tử Bhaddiya khó mà rời bỏ vương vị mà chọn lấy đời sống xuất gia.

Tuy nhiên, suy nghĩ của bà đã sai lầm vì bà đánh gia quá thấp tình bạn thân thiết của hai chàng hoàng tử nhỏ tuổi, nhất là hoàng tử Bhaddiya không muốn bạn của mình buồn lòng.

Hoàng tử đi Anuruddha kiếm hoàng tử Bhaddiya để nói cho bạn biết câu chuyện của mình. Thoạt đầu hoàng tử Bhaddiya cũng muốn làm bạn vui lòng nhưng sau đó suy nghĩ lại và hẹn một thời gian 7 năm sẽ đi xuất gia. Hai bên cứ thương lượng, “cò kè” và cuối cùng quyết định thời hạn 7 ngày để sắp xếp ổn định công việc rồi sẽ đi xuất gia.

Và không chỉ có hai vị hoàng tử trẻ tuổi này không thôi mà còn có thêm các hoàng tử Ānanda, Bhagu, Kimbila và Devadatta (anh trai của công nương Yasodharā) cùng nhau đi xuất gia, cuối cùng còn có thêm người thợ hớt tóc Upāli xin đi theo xuất gia. Cả 6 vị hoàng thân cùng người thợ hớt tóc xuất gia với Đức Phật tại Anupiya. Và để diệt trừ sự kiêu mạn của những hoàng tử dòng họ Thích, tất cả đều xin Đức Phật cho Upāli xuất gia trước nhất.

Trong vườn trúc phía Ðông,
Các Thích tử thân hữu,
Từ bỏ những tài sản,
Không phải là ít oi,
Vui thích với những gì,
Nhận được từ bình bát.
Siêng, tinh cần, tinh tấn,
Thường kiên trì hăng hái,
Ưa thích lạc pháp vị,
Từ bỏ lạc thế gian[3].

Và sau khi xuất gia một thời gian, các vị đã đạt được nhiều thành tựu trong đời sống tu tập của mình. Tôn giả Bhaddiya đắc A-la-hán với tam minh. Tôn giả Anuruddha đắc thiên nhãn thông. Tôn giả Ānanda thì đắc Tu-đà-huờn. Về sau Tôn giả Bhagu, Kimbila cũng đắc A-la-hán. Riêng về Tỳ khưu Devadatta đắc được bát thiền ngũ thông nhưng vì ham mê danh lợi đã phạm tội chia rẽ Tăng, làm chảy máu Phật nên bị sanh vào địa ngục.

3. Đệ nhất về thiên nhãn thông :

Trong số các vị Thánh tăng đệ tử, Tôn giả Anuruddha được Đức Phật tuyên bố là vị tối thắng về thiên nhãn thông. Ngài đã tuyên bố rằng : “Trong các vị đệ tử của Ta, này các Tỷ-kheo, thiên nhãn tối thắng là Anuruddha[4]”.

Trong thiền định năm chi,
Tâm an tịnh nhất tâm,
Tâm ta được khinh an,
Thiên nhãn ta thanh tịnh.
Ta biết sanh và chết,
Chỗ đến đi hữu tình,
Ðời này và đời khác,
Ta trú thiền năm chi[5].

Tôn giả Anuruddha được Tôn giả Sāriputta hướng dẫn thiền về Tám tư niệm của bậc đại nhân (Mahāpurisavitakka) và tôn giả đi đến Pācīnavaṃsadāya trong xứ Ceṭi. Tôn giả nắm bắt được hết 7 đề tài, duy chỉ còn đề tài thứ 8 là không được. Đức Thế Tôn biết được điều này nên đã đi đến và giảng dạy thêm, nhờ đó Tôn giả thành tựu được trí tuệ viên mãn và đắc quả A-la-hán tối thượng của đời sống phạm hạnh[6].

4. Tôn giả Anuruddha với nữ nhân :

Trong Tương Ưng Bộ Kinh (Samyutta Nikāya) có thấy rằng Tôn giả Anuruddha bạch hỏi Đức Phật về nhân duyên người phụ nữ được sanh về thiên giới, thiện thú, nguyên nhân bị sanh vào ác thú, đọa xứ.[7]

Trong Tăng Chi Bộ Kinh (Aṅguttara Nikāya) ghi lại sự kiện : có nhiều vị thiên nữ khả ái, xinh đẹp đến viêng thăm Tôn giả Anuruddha rồi các thiên nữ ấy đã đàn ca, nhảy múa và biểu diễn biến đổi màu sắc theo ý muốn của Tôn giả. Sau đó Tôn giả Anuruddha đi đến viếng Đức Phật và bạch hỏi nhân duyên nào nữ nhân được sanh làm những thiên nữ khả ái.

Hãy thường yêu thương chồng,
Luôn nỗ lực cố gắng
Người đem lại lạc thú,
Chớ khinh thường người chồng
Chớ làm chồng không vui,
Chớ làm chồng tức tối
Với những người ganh tị,
Chồng cung kính những ai
Hãy đảnh lễ tất cả ,
Vì nàng người có trí
Hoạt động thật nhanh nhẹn,
Giữa các người làm việc
Xử sự thật khả ái,
Biết giữ tài sản chồng
Người vợ xử như vậy,
Làm thỏa mãn ước vọng,
Ưa thích của người chồng,
Sẽ được sanh tại chỗ
Các chư Thiên khả ái[8].

5. Sau khi Đức Phật viên tịch :

Khi Đức Thế Tôn nhập diệt ở Kusinārā, Tôn giả Anuruddha cũng có mặt tại đấy. Chính Tôn Giả là người biết chính xác Thế Tôn đang nhập thiền như thế nào, đang xả thiền như thế nào, và biết Thế Tôn nhập diệt vào thời khắc nào. Vào thời khắc Thế Tôn viên tịch, Tôn giả Anuruddha đã thốt lên bài kệ cảm thán :

Không phải thở ra vào,
Chính tâm trú chánh định
Không tham ái tịch tịnh,
Tu sĩ hướng diệt độ
Chính tâm tịnh bất động,
Nhẫn chịu mọi cảm thọ
Như đèn sáng bị tắt,
Tâm giải thoát hoàn toàn[9].

Và cũng chính tôn giả đã khuyên nhủ các vị Tỳ kheo về con đường phía trước :

- Thôi các Hiền giả, chớ có sầu não, chớ có khóc than. Này các Hiền giả, phải chăng Thế Tôn đã tuyên bố ngay từ ban đầu rằng mọi vật ưu ái thân tình đều phải sanh biệt, tử biệt và dị biệt. Này các Hiền giả, làm sao có thể được như vầy: "Những gì sanh, tồn tại, hữu vi, chịu sự biến hoại mà lại mong khỏi có sự biến dịch? Thật không có sự trạng ấy". Này các Hiền giả, chính chư Thiên đang trách đó.

- Thưa Tôn giả Anuruddha, Tôn giả đang nghĩ đến hạng chư Thiên nào?

- Hiền giả Ananda, có hạng chư Thiên ở trên hư không nhưng có tâm tư thế tục, những vị này khóc than với đầu bù tóc rối, khóc than với cánh tay duỗi cao, khóc than thân bổ nhoài dưới đất, lăn lộn qua lại: "Thế Tôn nhập diệt quá sớm, Thiện Thệ nhập diệt quá sớm, Pháp nhãn biến mất ở trên đời quá sớm".

Hiền giả Ananda, có hạng chư Thiên ở trên đất với tâm tư thế tục, những vị này khóc than với đầu bù tóc rối, khóc than với cánh tay duỗi cao, khóc than thân nằm nhoài dưới đất, lăn lộn qua lại: "Thế Tôn nhập diệt quá sớm, Thiện Thệ nhập diệt quá sớm, Pháp nhãn biến mất ở trên đời quá sớm". Còn những chư Thiên diệt trừ ái dục, những vị này chánh niệm tỉnh giác, chịu đựng với tâm suy tư: "Các hành là vô thường, làm sao có thể khác được? [10]"

Tôn giả Anuruddha là vị có thiên nhãn tối thắng nên Ngài được dân chúng thỉnh ý về những sự kiện trong lễ trà tỳ của Đức Thế Tôn, vì chỉ có Ngài hiểu được ý định của các vị chư thiên muốn như thế nào.

Sau khi Đức Thế Tôn viên tịch 3 tháng, Hội nghị Kết tập Tam Tạng đã được tổ chức tại Rājagaha, dưới sự chủ trì của Tôn giả Mahākassapa cùng với sự trùng tụng Pháp và Luật bởi hai vị Tôn giả Ānanda và Tôn giả Upāli. Sau đó, các vị Trưởng lão đã phân chia ra nhiều nhóm để duy trì mỗi phần của Pháp và Luật mà Đức Thế Tôn đã giảng dạy.

Tôn giả Upāli có trách nhiệm trì tụng, duy trì và gìn giữ tạng Luật.

Tôn giả Ānanda có trách nhiệm trì tụng, duy trì và gìn giữ Trường Bộ Kinh.

Nhóm đệ tử của Tôn giả Sāriputta có trách nhiệm trì tụng, duy trì và gìn giữ Trung Bộ Kinh.

Tôn giả Mahākassapa có trách nhiệm trì tụng, duy trì và gìn giữ Tương Ưng Bộ Kinh.

Tôn giả Anuruddha có trách nhiệm trì tụng, duy trì và gìn giữ Tăng Chi Bộ Kinh.

500 vị Thánh tăng A-la-hán có trách nhiệm chung để trì tụng, duy trì và gìn giữ Tiểu Bộ Kinh và Tạng Vi Diệu Pháp[11].
--------------------------------------------------------------------------------
 
[1] Theg.911
[2] DhpA.382
[3] Theg.155-156
[4] Tăng Chi Bộ Kinh 1. Chương một pháp. Phẩm người tối thắng. Phần Các Vị Tỳ Kheo.
[5] Theg.916-917
[6] A.iv.228 – Tăng Chi Bộ Kinh. Chương Tám Pháp. Phẩm Gia Chủ. Phần Tôn Giả Anuruddha.
[7] S.iv.240 đến 245.
[8] A.iv.262 – tăng chi bộ kinh. Chương tám pháp. phẩm ngày trai giới. phần tôn giả anuruddha.
[9] D.ii.181 – kinh đại bát níp bàn.
[10] D.ii.182 – kinh đại bát níp bàn.
[11] DA.i.15